37. Đập Đáy đón Bác
Dưới đây là lời kể của đồng chí Kiều Chí Trung:
Rạng ngày 17-7-1962, đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lên báo cho tôi biết Bác Hồ sẽ đến thăm công trường đập Đáy.
Đập sông Đáy được xây dựng từ năm 1933. Trước mùa lũ năm 1962, Bộ Thủy lợi có chủ trương tu sửa lại sáu cửa đập và thi công một công trình đập tràn phía thượng lưu để phòng sự cố xảy ra khi mở đập chính. Tôi được Ty Thủy lợi Hà Đông cử làm Trưởng ban Quản lý đập Đáy kiêm Trưởng ban Chỉ huy công trình đập tràn. Cả hai công trình đều phải hoàn thành trong tháng 7 năm ấy. Công trường triển khai đã được 45 ngày với sự tham gia của các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, thành phố Hà Nội, Nhà máy cao su Sao Vàng, Xí nghiệp đá Sài Sơn và Bộ Giao thông vận tải thế mà kết quả chưa được bao nhiêu. Tiến độ thi công chậm, nhân lực thiêu, vật tư chuyển đến không đáp ứng được so với yêu cầu. Công việc trên công trình còn quá lớn, chúng tôi đang lúng túng chưa biết giải quyết ra sao cho kịp thời gian hoàn thành trước mùa mưa lũ thì Bác về. Tôi cùng đồng chí Trần Duy Hưng sang bên kia đập, phía công trường, để chuẩn bị đón Bác. Mãi đến 8 giờ, một đồng chí sang báo tin: "Bác đã về, đang ở phía đằng kia...". Lòng tràn ngập niềm sung sướng, chúng tôi chạy bộ qua đập về nhà ban quản lý, nhưng đến giữa đập thì gặp Bác và các đồng chí cùng đi.
Bác vui vẻ nói:
- Các anh đi đón tôi nhưng tôi đi vào ngõ này, ta gặp nhau giữa đập là tốt.
Chúng tôi nhanh chân theo Bác đi qua đập Đáy, rồi lên tận công trình đập tràn (cách đập Đáy 1.000 mét). Vừa đi Bác vừa hỏi chuyện về đập Đáy, cầu Phùng. Bác nhắc nhở Bộ Giao thông tận dụng sắt, thép của cầu cũ vào những công trình mới.
Xem thực địa công trình xong, chúng tôi mời Bác trở về nhà Ban Quản lý đập, Bác chỉ tay vào điếm canh cạnh đó bảo:
- Thôi ta vào đây, còn việc gì giải quyết nốt tiện hơn.
Bác ngồi vào chiếc chiếu đã trải sẵn cạnh cửa sổ nhìn ra sông Đáy, mọi người quây quần ngồi xung quanh. Nghe đồng chí đại diện Bộ Thủy lợi báo cáo phương án chống lụt của đập Đáy và việc công trình đập tràn đang gặp nhiều khó khăn...
Bác nói:
- Chống lụt phải gấp rút, công việc thì còn nhiều. Như vậy thiên nhiên nó không chờ các chú làm xong mới lụt đâu!
Bác vui vẻ nhìn mọi người và hỏi:
- Dân công ai cấp?
- Báo cáo Bác, tỉnh Hà Đông ạ.
- Hà Đông có bao nhiêu dân công?
- Dạ thưa Bác, có 25.000 người.
Bác bảo:
- Cấp thêm cho ở đây 5.000 người có được không?
- Thưa Bác được ạ! - Đồng chí Đặng Đình Thành, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Đông lúc bấy giờ, trả lời.
Bác quay sang hỏi:
- Thế đá ai cấp?
- Thưa Bác, Sơn Tây cấp ạ.
- Trong năm ngày có cấp đủ đá không?
- Thưa Bác, có đủ ạ.
Bác hỏi tiếp các đại biểu của Xí nghiệp ô tô số 2 làm nhiệm vụ vận chuyển đá; Nhà máy Cao su Sao Vàng làm doăng cao su; đại biểu Hà Nội nhận huy động giấy các loại để lót đá... Mọi người hứa với Bác làm tốt công việc được giao.
Bác hỏi lại chúng tôi:
- Công việc bàn cụ thể rồi, các chú định làm mấy ngày nữa thì xong?
Đồng chí Thành thưa:
- Báo cáo Bác bảy ngày xong ạ! Bác cười và nói:
- Bác cho cả 8 ngày, nếu 8 ngày không xong thì xấu hổ!
Mọi người cười vui vẻ. Cuộc họp xong, Bác ra xe. Dân công trên công trình, nhân dân vùng lân cận được tin Bác về đã kéo đến đông nghịt. Tiếng hô "Hồ Chủ tịch muôn năm" vang mãi cho đến khi xe của Bác đi khuất.
Sức mạnh tình cảm của Bác thôi thúc chúng tôi và chỉ trong sáu ngày đêm liên tục phấn đấu cả hai công trình (tu bổ đập Đáy và thi công đập tràn) đều hoàn thành.
(Trích trong cuốn Bác Hồ với Hà Tây, 2006).
38. Cho các cháu vào thăm vườn Bác
Sáng ngày 03-8-1960. Lúc đó khoảng 9 rưỡi. Bác Hồ trở về xe qua đường Hùng Vương thấy một đàn cháu nhỏ đang xúm xít trước cổng quanh Phủ Chủ tịch. Cô giáo đang nói gì đó với đồng chí bảo vệ. Như thường lệ, xe Bác vòng qua cổng đỏ đường Hoàng Hoa Thám về nơi ở. Đến sân sau Phủ Chủ tịch, Bác xuống xe, bảo đồng chí cán bộ ra phía trước mở cổng đón các cháu vào gặp Bác. Thật quá bất ngờ. Cả cô giáo và đồng chí bảo vệ đều như được Bác tháo gỡ cho. Các cháu ùa vào, vây quanh Bác:
- A! Bác Hồ! Chúng cháu chào Bác ạ!
Bác cháu cùng vui. Cô giáo đứng lặng nhìn Bác xoa đầu các cháu.
- Các cháu có ngoan không?
- Thưa Bác, có ạ!
Các cháu ríu rít, trả lời không đều, một số cháu nói to hơn:
- Thưa Bác, chúng cháu muốn xem nhà Bác Hồ ạ!
Bác cười tươi:
- Đây không phải là nhà Bác, đây chỉ là nơi làm việc của Bác thôi. Để Bác dẫn các cháu đi xem vườn hoa nhé! Bác dắt tay hai cháu nhỏ, một trai, một gái và bảo cô giáo dẫn các cháu đi theo. Vừa đi, Bác vừa hỏi chuyện cô giáo về các cháu, về công việc nuôi dạy trẻ. Một cháu gái đi sau bước vội bị vấp ngã. Cô chạy lại dỗ cháu:
- Nín đi! Nín ngoan cô yêu, rồi cô cho đi xem con thỏ của Bác Hồ nuôi!
Bác ngắt một bông hoa, đến gần cô, cháu, xoa đầu cháu bé:
- Cháu ngoan, Bác cho cháu bông hoa nhỏ chứ nhà Bác không có thỏ đâu.
Cháu nín khóc, cầm hoa, một tay nắm ngón tay Bác để Bác dắt đi. Bác nói riêng với cô giáo:
- Đối với các cháu, dù còn nhỏ, cũng nên nói sự thật, làm gương tốt và thói quen tốt cho các cháu.
Bác cháu dạo quanh vườn. Đã đến giờ tiếp khách, Bác dặn các cháu ngoan ngoãn, sạch sẽ, nghe lời cô giáo rồi chia tay. Bác cháu quyến luyến. Các cháu xếp hàng chào Bác để ra về. Bác Hồ đứng vẫy theo.
Bác đếm được vừa hai mươi bốn cháu.
(Theo Vũ Kỳ, trích trong cuốn Những bức thư kể chuyện Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội,1985).
39. Là thực hay mơ
Xuân Canh Tý 1960.
Bấy giờ tôi còn đang công tác ở Ủy ban Hành chính khu Hoàn Kiếm. Tôi được phụ trách công giáo của năm khối: Nhà Chung, Ấu Triệu, Chân Cầm, Phủ Doãn và Ngô Quyền.
Tối 30 Tết, khoảng 7 giờ 15 phút tôi lững thững đi bộ đến chỗ họp mặt. Nhưng trụ sở vắng ngắt, cuộc họp lưu lại đến 11 giờ đêm mới bắt đầu, để đón Giao thừa và nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ luôn.
Tôi bèn quay về. Gần đến nhà, thấy thấp thoáng bóng công an sau các cột đèn và gốc cây ven đường. Gặp Trưởng công an khối, tôi hỏi:
- Có việc gì thế đồng chí?
Anh không trả lời vào câu hỏi của tôi, chỉ cười và thay cho lời chào: - Bác đi chơi về đấy à? Tôi trả lời và vào nhà. Tự dưng thấy bồn chồn, bèn lại trở ra đi loanh quanh. Qua số nhà 35 Phủ Doãn, người trong nhà trông thấy mời tôi uống nước. Tôi vừa ngồi xuống ghế, chén nước bưng lên chưa kịp uống thì một anh công an bước vào bảo tôi:
- Mời bác về nhà ngay, có khách!
Tôi vội vàng đứng lên, ra đến cửa nhìn về phía nhà mình thấy có ba xe ô tô không cùng kiểu nhau đỗ từ bao giờ, tôi bước nhanh khi nghe tiếng con trai tôi reo:
- Bác Hồ! Bác đến nhà ta!
Vừa tới cửa tôi đã nghe thấy Bác hỏi:
Gia đình ta chuẩn bị đón giao thừa chưa?
Không kịp đến gần, bởi lúc này Bác đã đến gần bếp rồi, nhưng tôi cũng nói to lên:
- Dạ, thưa Bác chưa ạ!
Bấy giờ ông cụ tôi mới đi từ trên gác xuống. Tôi thấy hai cụ ôm nhau và hôn nhau rất thắm thiết. Tôi rất xúc động, đứng lặng đi một lúc không biết nói và cũng chẳng biết làm gì. Tôi đã từng nhìn thấy Bác và gặp Người đôi lần trong các cuộc họp của Mặt trận và Ủy ban thành phố. Nhưng hạnh phúc được Người đến nhà, được nói chuyện với Người thì quả thật, tồi chưa bao giờ dám nghĩ tới, ngay cả trong mơ. Niềm hạnh phúc này lớn quá, đột ngột quá, khiến tôi lúng túng. Người tôi đờ ra, chân tay như bị thừa, lưỡi tôi cứng lại - thậm chí tôi không chào được Bác nữa. Bác từ bếp trở ra. Tôi như chợt tỉnh cơn mê, vội vàng lấy chiếc ghế mây (cả nhà chỉ có một chiếc ghế mà bây giờ tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm) để mời Bác ngồi. Bác không ngồi ngay. Người bê hai cái ghế đẩu kê sát liền nhau và mời:
- Ồng cụ ngồi đây!
- Bà cụ ngồi đây!
Đợi khi cả hai cụ tôi ngồi rồi Bác mới chịu ngồi. Tôi định đi pha nước mời Bác thì đồng chí Trần Danh Tuyên, bấy giờ là Bí thư Thành ủy, đi cùng Bác gạt đi:
- Thôi, thôi không phải nước non gì cả, ngồi quây quần lại đây cho ấm cúng để Bác nói chuyện.
- Thế là cả gia đình tôi ngồi xung quanh Bác. Bác bế cậu con trai út của tôi cho ngồi vào lòng và hỏi:
- Ông cụ năm nay bẩy chín phải không? Mỗi bữa cụ ăn được mấy bát cơm? Cụ có ngủ được nhiều không?
- Vâng, cảm ơn Cụ hỏi thăm. Tôi ăn được mỗi bữa ba bát cơm và tuy tuổi cao nhưng vẫn ngủ được nhiều. Bác lại hỏi: Cụ chuyên chữa về gì?
- Thưa Cụ tôi chuyên trị các bệnh về phụ nữ và trẻ em ạ.
- Cụ làm thuốc thế có châm cứu không?
- Dạ thưa tôi cũng có châm cứu.
- Nghề châm cứu là nghề rất quý. Nghề này đã chữa được nhiều loại bệnh mà lại đỡ tốn thuốc. Và như vậy thì rất tốt.
Quay sang tôi Bác hỏi tiếp:
- Chú là con trưởng à?
Tôi vội vàng thưa:
- Dạ thưa Bác vâng ạ.
- Chú công tác ở Ủy ban Hành chính khu Hoàn Kiếm phụ trách một cụm hả? Một cụm thì có mấy khối?
- Vâng ạ, cháu phụ trách một cụm gồm có năm khối.
Tôi trả lời Bác như một cái máy. Bởi vì xúc động đến nghẹn ngào vẫn dâng đầy trong lòng.
... Bác chủ động hỏi thăm tất cả, từng người một trong gia đình, từ lớn đến nhỏ. Ai cũng nhận thấy Bác thật là gần gũi, thân thiết biết bao. Bác như người bà con thân thuộc, không hề có sự cách biệt giữa vị Chủ tịch nước và người dân thường, mà lại là người công giáo. Tôi đang suy nghĩ miên man thì lại nghe Người hỏi:
- Năm nay chú gói được bao nhiêu chiếc bánh chưng? Đã chuẩn bị Tết được những gì? Dạ, cháu thực hiện đúng lời Bác dạy: "Tiết kiệm là quốc sách". Mậu dịch đã gói bánh chưng sẵn rồi, ấn chiếc nào ra mua chiếc ấy cho đỡ lãng phí.
Trước khi ra về, nhìn cả gia đình tôi ấm cúng, con cháu quây quần xung quanh cụ tôi, Bác chúc:
- Tôi xin chúc cụ sống một trăm tuổi và chúc "Tứ đại đồng đường".
Người nắm chặt hai bàn tay cụ đưa ra bắt tay. Cả nhà tôi đi theo tiễn Bác. Tôi nhìn rất lâu bóng dáng của người Cha già thân thương của cả dân tộc. Bước lên ô tô rồi, Người vẫn còn vẫy tay. Nhìn theo chiếc ô tô đã khuất ở đầu phố tất cả chúng tôi đều còn bàng hoàng như vừa tỉnh sau một cơn mơ tuyệt đẹp...
(Trích theo cuốn Nơi đây Bác viết Tuyên ngôn, Hà Nội, 1985).
Thanh Huyền (tổng hợp)