Chỉ mục bài viết

 49. Bác Hồ với tờ báo của Đảng bộ Hà Nội

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân ta. Người còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo vĩ đại. Tờ báo hàng ngày của Đảng bộ Hà Nội từ khi còn mang tên "Thủ đô", "Thủ đô Hà Nội" đến "Hà Nội mới" luôn được Người dành cho sự quan tâm đặc biệt.

Bác đọc báo hàng ngày rất đều đặn, rất kỹ và có giờ giấc nhất định. Bác không chỉ quan tâm đến nội dung trong bài, mà còn chú ý xem xét đến việc tổ chức mặt báo, bố trí các trang mục. Qua đường dây nói giữa văn phòng Bác và tòa soạn báo, Bác luôn nhắc nhở phải cố gắng xuất bản báo đúng giờ.

Hàng ngày, chậm nhất là 7 giờ 30 phút mà chưa có báo đưa lên Bác là y như rằng chuông điện reo. Bên kia đường dây có tiếng văn phòng Bác hỏi vì sao báo chậm. Từ những chuyện nhỏ ấy, đến những chuyện có tầm quan trọng cao hơn như đánh giá và có kết luận về những tin bài đã đăng, các đồng chí ở văn phòng Bác đã có nhiều cách truyền đạt lại dưới nhiều dạng khác nhau, gửi cho tòa soạn báo chúng tôi để phản ánh những ý kiến phong phú, súc tích Bác dùng để giải thích các sự việc xảy ra, hướng cho báo chúng tôi những việc phải làm.

Khi báo mở mục "Người tốt việc tốt" hàng ngày (mục này ngắn gọn chỉ khoảng 200-300 chữ) để biểu dương những tấm gương sáng tạo trong lao động sản xuất và công tác, những biểu hiện về đạo đức liêm khiết, dũng cảm... Bác rất chú ý và chỉ thị cho văn phòng phải theo dõi đều đặn, phân loại, chọn lọc, lập thành bản danh sách để hàng tháng Bác xét duyệt và có hình thức biểu dương, khen thưởng. Nói chung, số đông những người được nêu gương trên báo, sau khi Bác cho kiểm tra lại, đều được Bác tặng Huy hiệu của Người.

Về trường hợp báo phát hiện và phản ánh những chuyện không tốt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất hoặc đời sống thường là đăng trong mục "Mỗi ngày một chuyện" - Bác lại chỉ thị cho văn phòng cắt rời mẩu báo ấy rồi chuyển đến cơ quan có thẩm quyền - thường là Bí thư Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố, có khi kèm theo mấy chữ nhỏ viết chéo bên cạnh: "Đề nghị giải quyết".

Cách làm trên đây của Bác kịp thời khuyến khích, cổ vũ động viên đội ngũ phóng viên, cán bộ biên tập, thông tin viên của báo rất nhiều, đồng thời cũng nhắc nhở anh chị em nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu bảo đảm chính xác, khách quan, vô tư đối với mỗi việc hay cũng như việc mà mình đưa lên báo.

Chúng tôi còn nhớ, một lần phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, báo đăng bài phê bình Trường Đại học kinh tế kế hoạch giữ gìn vệ sinh bếp ăn chưa tốt nên cùng một lúc, hàng trăm người bị đi ỉa chảy. Ngay từ đầu giờ làm việc buổi sáng, Bác đã bảo văn phòng điện xuống, hỏi cặn kẽ xem những tình tiết sự việc nêu lên trong bài do ai cung cấp, hậu quả xảy ra có như báo nêu không. Báo cáo xong thì chúng tôi cũng nhận được sự phản ứng gay gắt của Đảng ủy nhà trường. Sau đó đồng chí Phó Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy nhà trường nhất thiết yêu cầu báo cải chính, nếu không ban biên tập phải trả lời đơn khiếu tố. Cuối cùng, chúng tôi đã thỏa thuận được là sẽ mở một cuộc họp liên tịch (Sở Y tế, nhà trường, tòa soạn vào một ngày gần nhất).

Nhưng cuộc họp chưa được tổ chức thì ngay chiều hôm ấy, chúng tôi được tin Bác về thăm trường.

Bác vào nhà ăn, Bác lên nhà ở của học sinh, vào một số phòng. Bác hỏi han, động viên một số anh em đang bị đau bụng, mà nguyên nhân hôm trước nhà ăn đã tiếc cái món cá kho bị ôi, Bác vào hội trường, nét mặt không vui, nhưng vẫn giữ dáng dấp thân tình của người cha. Bác nói:

- Hôm nay, Bác đột ngột đến thăm các cô, các chú...

Mọi người cảm động, mới vỡ lẽ vì sao Bác đến!

Rồi Bác nói tiếp:

- Báo đăng bài phê bình, các chú có thấy trách nhiệm của mình trước Đảng, nhà trường và nhân dân không? Đồng chí Bí thư Đảng ủy không còn cách nào khác hơn là phải nhận lỗi và xin hứa với Bác tích cực sửa chữa khuyết điểm.

Thế là cuộc hòa giải đã dự định trước, tòa báo chúng tôi không cần tổ chức nữa.

(Theo Vương Đình Thường, báo Hà Nội mới, ngày 21-5-1980).

50. Xứng đáng là học trò của Bác!

Tôi vào Đảng năm 1963, trước khi vào Đảng, tôi đã được giải thích về nhiệm vụ đảng viên, đại thể là phải chiến đấu suốt đời vì lý tưởng của Đảng, phải gương mẫu lao động, liên hệ mặt thiết với quần chúng, không tư lợi... Tôi tự nhủ: Những nhiệm vụ này, mình có thể làm được. Vì vậy, đầu tháng 5-1966, khi Đảng ủy bảo tôi đi dự lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức, thực tình tôi rất ngại, không hào hứng lắm.

Tôi còn nhớ rõ, hôm đó là ngày 14-5-1966, lớp học khai mạc. Khi mọi người đã vào lớp thì có tiếng reo: "Bác đến! Bác đến". Ai nấy đều đứng dậy vỗ tay rất lâu. Tôi đứng ở hàng ghế thứ hai nên được nhìn rõ Bác. Tôi đã được đón Bác đến thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội một vài lần, nhưng hôm ấy thấy cảm động, sung sướng như được đón Bác lần đầu. Vẫn mái tóc bạc phơ, đôi mắt sáng, bộ quần áo nâu giản dị - tôi nhìn Bác không chớp mắt.

Ai cũng tưởng Bác chỉ đến thăm lớp học một lát. Không ngờ đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Thành ủy, cho biết Bác đến giảng bài đầu. Thế là chúng tôi không ai bảo ai tập trung tư tưởng nghe Bác giảng bài. Bác nói về gương đấu tranh cách mạng của đồng chí Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ. Bác căn dặn đảng viên phải rèn luyện lập trường vô sản: "Chủ nghĩa cộng sản là mục đích cuối cùng của Đảng ta, đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản là lẽ sống của người đảng viên... Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là suốt đời làm cách mạng, phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới...". Và điều mới mẻ nhất đôi với tôi là Bác dạy đảng viên phải ra sức học tập, học đi đôi với hành, học hành ngày càng tốt hơn. Bác phê bình: "Có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già nên ít chịu học. Nghĩ như vậy là không đúng. Bác nói tiếp: "Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng".

Nghe Bác nói như vậy, tôi tự nhủ: "Thế mà mình chưa đến 30 tuổi, đã ngại học!".

Trong bài học buổi sáng hôm ấy, Bác còn dạy đảng viên phê bình và tự phê bình.

Cuối buổi học, đồng chí Nguyễn Lam dặn chúng tôi "Phải xứng đáng là học trò của Bác".

Ôi! Học trò của Bác, vinh dự đó tôi không dám mơ tưởng mà lại đến thật.

... Được Đảng, Bác bồi dưỡng về lý tưởng và tình cảm cách mạng, kiến thức nghề nghiệp, tôi đã làm được một số việc nhà máy giao...

(Theo Ngô Thị Thức, báo Hà Nội mới, ngày 19-5-1974).

51. Ngày mồng tám tháng ba năm ấy

Ngày 08-3-1965, nhà máy chúng tôi làm lễ khánh thành thì Bác đến.

Đúng 13 giờ, chẳng có ai dẫn lối. Bác đi thẳng vào khu tập thể. Giờ này mọi nhà đều ngủ yên. Bác cẩn thận xem xét từng nơi nhà bếp, nhà trẻ, nhà vệ sinh... đã khá lâu mà chưa ai biết. Một lúc sau có vài chị em đang giặt giũ bên bể nước trông thấy Bác mới reo ầm lên:

- Bác! Bác Hồ! Bác Hồ đến!

Các căn nhà vội vã mở toang cửa, mọi người cuống quýt chạy ra. Vòng trong, vòng ngoài, người nào cũng muốn được gần Bác hơn. Bác chỉ vào chị Thái Bảo đang đứng cạnh, hỏi:

- Cô làm gì ở đây?

- Thưa bác, cháu là Bí thư Đảng ủy ạ!

Bác khoát tay ra xung quanh nói:

- Bí thư Đảng ủy mà để công nhân ở bẩn thế này à?

Một số chị em nháy nhau lên thu dọn các tầng trên. Nhưng thoắt một cái, khi chúng tôi còn đang kéo bớt quần áo phơi lươm tươm ở ngoài cửa sổ, ở trên dây xuống thì Bác đã tới từng phòng rồi. Bác chỉ vào từng người, lắc đầu rồi xua tay, vẻ không bằng lòng... Đúng 14 giờ, Bác đã có mặt ở bên nhà máy. Chúng tôi thay nhau dẫn Bác đi thăm cả bốn phân xưởng. Vừa đi Bác vừa hỏi kỹ các loại máy, các loại hàng...

Trong khi dẫn Bác đi, thấy ở trước sân có mấy đồng chí nam mặc chỉnh tề comlê, cà vạt Bác quay sang hỏi:

- Hôm nay là ngày gì mà các chú ấy "thắt cổ" thế?

- Thưa Bác, hôm nay nhà máy chúng cháu làm lễ khánh thành ạ!

Nhân lúc đó, một chị mạnh dạn hỏi Bác:

- Thưa Bác, sao ngày Quốc tế Lao động, anh chị em công nhân đều được nghỉ, mà ngày Quốc tế Phụ nữ, chị em phụ nữ lại không được nghỉ ạ?

Bác cười:

- Ơ, đặt ra ngày Quốc tế Phụ nữ để các cô đấu tranh chứ để cho các cô nghỉ à?

Dừng ở trước hội trường mới, Bác thân mật nói chuyện với anh chị em công nhân. Bác nói gọn, dí dỏm nên ai cũng vui, cũng nhớ. Nói về ý thức làm chủ tập thể và kỷ luật lao động, Bác căn dặn chúng tôi:

- Tiền của xây dựng nhà máy là do nhân dân đóng góp giao cho Nhà nước. Nhà nước giao cho các cô chú. Các cô chú phải quản lý cho tốt. Muốn thế, toàn thể cán bộ, công nhân phải ra sức học tập kỹ thuật, văn hóa, chính trị. Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Phải tôn trọng kỷ luật lao động, tám giờ vàng ngọc. Nếu đi muộn về sớm, vừa làm, vừa chơi thì như thế là ăn cắp của nhân dân.

Nói về sản xuất, Bác nhấn mạnh: "Muốn sản xuất tốt thì phải có sức khỏe tốt, cho nên phải giữ gìn chỗ ăn, chỗ ở luôn luôn sạch sẽ. Bác phê bình các cô các chú đều là người lớn cả mà ở rất bẩn. Lần sau Bác lại về, nếu sạch Bác sẽ thưởng, nếu còn bẩn Bác sẽ phê bình".

Tiếp đó Bác lại hồi:

- Cháu nào là Đinh Hồng Nga?

Khi đó Nga đang lúi húi dán khẩu hiệu bên nhà ăn, chưa biết có Bác đến. Nghe chị em gọi, Nga cảm động, chạy cuống lên, vấp trước, vấp sau dúi dụi mới tới được bên Bác, vừa thở, vừa nói:

- Thưa Bác, cháu đây ạ!

Bác hỏi cặn kẽ:                            

- Cháu có khỏe không? Nhà ở đâu? Có xe đạp không? Đứng 24 máy như vậy đã nhiều chưa?

Sự hồi hộp khiến Nga không nói lên lời. Hồi đó với sáng kiến đi tua hình chữ V, Nga đã đứng được 24 máy chải, trong khi các bạn nam chỉ đứng được 16 máy.                                        

Trước khi ra về, Bác còn dặn dò nhiều điều. Đồng chí Giám đốc mời Bác ở lại cắt băng khánh thành nhà máy tối hôm đó, Bác cười:

- Theo Bác, phải để cho cô chú công nhân nào trẻ, sản xuất giỏi cắt băng khánh thành nhà máy mới có ý nghĩa nhất.

Nay Bác đã đi xa, nhưng đôi mắt tinh nhanh dịu hiền của Người vẫn luôn theo dõi từng bước trưởng thành của nhà máy chúng tôi.

(Theo lời kể của các chị Quản đốc và Phó quản đốc phân xưởng dệt lúc ấy: Bác Hồ với phụ nữ Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1985)

53. Nên gọi là "Câu tụt hậu"

Một buổi sáng tháng Tư năm 1964. Anh em công nhân đang say sưa làm việc, bỗng có tiếng reo lớn: "Bác! Bác! Bác Hồ đến!". Từ phía cửa xưởng một đoàn người tiến vào.

Bác đến đột ngột làm anh em mừng rơi nước mắt. Bác mặc bộ quần áo lụa nâu đã phai màu, mang đôi dép cao su. Dáng Bác đi nhanh nhẹn, bước dài. Gần tới chỗ chúng tôi làm việc, bỗng nhiên Bác cúi xuống nhặt một mảnh thủy tinh hình thoi cong cong rơi vãi. Bác bỏ nhẹ vào thùng đựng mảnh. Chỉ một hành động nhỏ ấy cũng làm anh em công nhân cảm động. Nhìn lại trên mặt bàn làm việc của chúng tôi thì ôi thôi, tất cả đều ngổn ngang. Giẻ lau, gạch chịu lửa vụn, giá để phích, mỗi nơi mỗi cái, thùng đựng mảnh lăn lóc, nhìn cảnh tượng ấy mọi người đều thấy xấu hổ.

Thấy nét mặt và thái độ của chúng tôi lúng túng, Bác hiểu được nỗi lo âu, Bác khẽ đặt tay lên vai một anh gần đấy, thân mật hỏi:

- Mỗi ngày các cháu làm được bao nhiêu phích? Bao nhiêu bóng đèn?

Vừa mừng, vừa bị hỏi đột ngột, chúng tôi không ai trả lời ngay được. Bác mỉm cười hỏi tiếp:

- Chất lượng hôm nay đã tốt chưa?

- Thưa Bác tốt hơn ạ!

Nghe xong, Bác kể chuyện nhà máy ở Liên Xô, mà Bác đã có dịp đến thăm. Anh em công nhân nước bạn giữ nhà máy rất sạch, rất đẹp. Còn nhà máy bóng đèn phích nước của chúng ta dây bẩn quá, máy móc bẩn này, tường nhà bẩn này, nơi làm việc cũng bẩn này. Vệ sinh công nghiệp không đảm bảo thì ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, có đúng không các cháu? Các cháu thạo chuyên môn hơn Bác. Nói xong Bác mỉm cười...    

Bác đến khá lâu, Bác đi thăm nơi ăn, chốn ở, nơi vui chơi. Bác chưa bằng lòng với những chỗ luộm thuộm. Câu lạc bộ chỉ là ba gian nhà tranh tuềnh toàng xiêu vẹo, xung quanh che bằng cót, trong nhà chơ chỏng một bàn pingpông. Ghế cái nằm cái đứng ngổn ngang, mặt đất đầy giấy vụn, trên vách vài tờ tranh đã rách nát. Bước chân vào, Bác hỏi ngay đồng chí bên cạnh:

- Đây là nhà gì?

- Thưa Bác Câu lạc bộ ạ!

- Thế thì nên gọi là "Câu tụt hậu" đúng hơn! - Mọi người rất thấm thía lời phê bình với cách dùng chữ dí dỏm của Bác.

Đến nay, mỗi lần anh em công nhân đến chơi ở câu lạc bộ, chúng tôi nhớ từng lối này, bước rẽ của Bác. Ngôi nhà này đã thay đổi, nền gạch, cao ráo, khang trang, xung quanh có hàng rào bao bọc và những ô cửa xanh thoáng mát.

(Theo: Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1980).

54. Bác về thăm làng gốm

Sau khi đi thăm công trình thủy nông Bắc Hưng Hải (tháng 02 năm 1959), lúc trở về Bác ghé thăm làng gốm sứ. Lúc bấy giờ đường Bát Tràng còn hẹp và lầy lội, Bác phải xắn quần đi bộ hơn một kilômét từ điếm canh trên đê vào đến làng.

Những nơi, những gia đình mà Ủy ban dự định đưa Bác vào thăm thì Bác lại không vào. Thoạt đầu, Bác thăm nhà ông lang Xương. Cả nhà đang ăn cơm, thấy Bác vào nên lúng túng, mừng quá không biết ăn nói thế nào, Bác đến tận mâm cơm, nhấc vung nồi cơm lên và khen:

- Cơm cô chú thổi ngon đây.

Rồi Bác hỏi tiếp:

- Chú có đắt hàng không?

Sau khi ông lang thưa "không đắt hàng lắm". Bác cười và nói vui:

- Nghề của chú ế là tốt đấy.

Bác khuyên ông lang nên đề tên ở ngoài ô kéo đựng các vị thuốc bằng chữ quốc ngữ đề phòng khi có người bệnh mà ông lang đi vắng, người nhà có thể bốc thuốc được.

Khi thăm ngôi nhà mới dựng của bà con, Bác vào một nhà, nhưng gia đình đi vắng. Bác thăm vườn tược, bếp núc, rồi Bác khen đôi câu đối trên nhà khách là hay nhưng Bác nói thêm "treo ngược đấy, nhớ bảo gia đình này treo lại".

Thời gian thăm lâu nhất, Bác dành cho bà con xã viên. Bác vào tận lò, xem cách xếp bát. Cách nung, cách nhúng men. Người nói với bà con: "... Phải cố gắng thi đua làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Muốn thế, phải thực hiện quản lý dân chủ, cải tiến kỹ thuật, cải tiến dụng cụ, giảm giá thành...". Dời hợp tác xã Bát Tràng, Người đi thăm tiếp một số nơi và nói chuyện với dân làng. Người khuyên bảo:

"... Mọi người trong thôn xóm phải đoàn kết, giúp đỡ nhau. Phải giữ vệ sinh và phải đặt kế hoạch bổ túc văn hóa để khỏi trở lại mù chữ. Đường sá cần sạch sẽ, rộng rãi...

Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu ở nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

(Theo: Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1980).

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: