30. Cây đa cuối cùng
Từ mờ sớm chúng tôi đã cùng bà con xã viên tập trung đông đủ. Người người vui sướng, phấn khởi với đầy đủ dụng cụ đứng bao quanh đồi Yên Bồ. Chúng tôi đang hồi hộp trông chờ thì Bác đến. Bác Hồ đó, vẫn giản dị trong bộ quần áo bạc màu. Bác tươi cười chào mọi người. Lên đến đỉnh đồi, nơi Bác sẽ trồng cây đa ở đó, đồng chí Chu Công Tự, Bí thư Đảng ủy xã Vật Lại cảm động nói:
- Thưa Bác! Từ trước đến nay, chúng cháu chưa có dịp đón Bác về thăm. Sau khi phát động Tết trồng cây, chúng cháu làm đồi cây này đặt tên là "Đồi cây đón Bác" khu vực Bác sẽ về thăm. Nay, cháu đã có tuổi rồi, được đón Bác về, chúng cháu mừng không sao kể xiết...
Bác ân cần hỏi:
- Cháu bao nhiêu tuổi?
- Thưa Bác, cháu hơn năm mươi tuổi ạ.
- Thế vẫn còn trẻ chán...
Bác vui vẻ cười làm cho mọi người xung quanh cũng cười theo.
Sau đó Bác giải thích cho mọi người hiểu lợi ích của việc trồng cây. Bác nói ngắn gọn nhưng mỗi lời của Bác đã ghi sâu vào tâm khảm chúng tôi cho đến ngày nay. Tôi nhớ đại ý Bác nói: Bác tính nếu mỗi cây giá trị một đồng, chúng ta trồng một triệu cây được một triệu đồng, nếu trồng 10 triệu cây được 10 triệu đồng. Như vậy, trồng cây là một việc làm ít tốn kém mà lợi ích rất nhiều...
Sau khi nghe Bác hỏi một số bà con, chúng tôi mời Bác trồng cây, trước khi trồng Bác hỏi chúng tôi:
- Cây đa có rễ không?
Chúng tôi đáp:
- Thưa Bác có ạ!
Chúng tôi chưa hiểu vì sao Bác lại hỏi như vậy, Bác giải thích:
- Có lần Bác cũng đi trồng cây như thế này, nhưng các đồng chí không chuẩn bị trước nên chặt cành cây cắm xuống để Bác trồng.
Nghe xong chúng tôi cùng cười vui vẻ. Qua câu chuyện chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn những điều Người dạy bảo. Ngày mồng 1 Tết Kỷ Dậu năm ấy, ngờ đâu lại là lần cuối cùng gặp Bác và cũng là cây đa cuối cùng Bác trồng để lại cho lớp con cháu trên đất Thủ đô.
(Theo báo Hà Nội mới)
31. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ Hà Nội
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội là nơi Người đã ở và làm việc lâu nhất và cũng là nơi Bác dành sự quan tâm săn sóc hết sức đặc biệt. Bác luôn luôn mong "Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa", "Đảng bộ Thủ đô Hà Nội phải phấn đấu thành Đảng bộ vững mạnh".
Ngày 25-4-1959, tại Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội, Người ân cần căn dặn:
"Thủ đô Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Muốn như thế mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan, mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội.
... Số phụ nữ là đảng viên còn rất ít, cần phát triển thêm. Tóm lại, cần củng cố và phát triển đảng - cố nhiên là thận trọng - thành phần công nhân, nông dân, phụ nữ, đồng thời cũng chú ý phát triển thành phần khác như lao động trí óc.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Hà Nội lần thứ II (ngày 01 tháng 01 năm 1961) Bác đến nói chuyện và khuyên nhủ: "Nói chung, số đông cán bộ ta đều tận tụy, đều cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Nhưng vẫn còn một số bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc, do đó mà phạm nhiều sai lầm, khuyết điếm. Vài ví dụ: Đối với nhân dân thì quan liêu, mệnh lệnh, xem thường pháp luật, không tôn trọng quyền lợi của nhân dân (như có khi khám xét nhà mà không báo trước cho chủ nhà).
Tự tiện ra mệnh lệnh lung tung (như bán bánh ngọt không cho người mang bánh về nhà, bắt người ta ăn tại chỗ).
- Đối với tập thể thì kèn cựa địa vị, tính thiệt suy hơn, chỉ hỏi Đảng và Chính phủ đã làm gì cho mình, không tự hỏi mình đã làm gì có lợi ích cho nhân dân, cho xã hội.
- Đối với của công thì lãng phí, tham ô, ở các xí nghiệp và các hợp tác xã nhiều nơi đều có hiện tượng xấu như vậy.
- Đối với bản thân thì không lo trau dồi đạo đức cách mạng, không lo học tập để tiến bộ, mà chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp hơn người khác...
Trung ương mong rằng các đồng chí có những khuyết điểm đó thì cố gắng mà sửa chữa, các đồng chí khác giúp họ sửa chữa. Chúng ta thực hiện thật thà tự phê bình, và thành khẩn phê bình, để tiến bộ không ngừng.
Vài điều nữa cần phải chú ý:
Cần phải sắp xếp thời giờ họp và thời giờ học cho hợp lý. Hiện nay ở đâu cũng có nạn khai hội quá nhiều và quá lâu.
Đối với các Đảng bộ khu vực ngoại thành Bác khuyên nhủ:
"Bác nêu kinh nghiệm là đến nơi nào thấy đời sống nhân dân được nâng cao, làng xóm sạch sẽ, đường sá đẹp đẽ, giếng nước sạch, đủ ăn, nhân dân đoàn kết, hăng hái sản xuất, phong trào học tập văn hóa khá, bán lương thực cho Nhà nước đầy đủ, nhanh chóng, phong trào trồng cây tốt, mọi hủ tục giảm dần... thì ở đó công tác Đảng khá, chi bộ vững mạnh. Còn ngược lại thì công tác của Đảng bộ, của chi bộ nơi ấy chưa tốt...".
Lời Bác dạy mãi mãi là bài học lớn cho toàn Đảng bộ Thủ đô và mỗi đảng viên chúng ta, mãi mãi có ý nghĩa thực tiễn và không bao giờ cũ cả...
(Theo báo Hà Nội mới, ngày 21-5-1980)
32. Cây bách tán
Ngày 19-5-1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh lần thứ năm mươi sáu của Bác Hồ. Suốt ngày hôm đó, Bác phải tiếp những đoàn khách ở khắp mọi miền về chúc thọ Người. Nhưng có một đoàn khách đặc biệt và đông đảo khiến cho Bác không thể tiếp được ở trong nhà mà phải ra ngoài cửa mới đủ chỗ đứng. Đó là đoàn thiếu niên, nhi đồng, đại biểu cho tất cả các đội thiếu niên ở Thủ đô. Các em đánh trống, cầm cờ, rước ảnh Bác Hồ. Có những em gái, em trai bé nhỏ ôm những bó hoa lớn. Nhiều em trân trọng nâng niu trên tay những gói bao giấy bóng kính buộc dây nơ - đó là quà tặng của các em để mừng thọ ngày sinh của Bác kính yêu. Hồ Chủ tịch xúc động khi lần lượt các em đến bên Bác kính cẩn dâng quà tặng cho Người.
Khi được Bác "tuyên bố" sẽ trao tặng lại các em một món quà thì tất cả đều hồi hộp, ai cũng căng óc tự phỏng đoán xem đó sẽ là món quà gì: Kẹo bánh, khăn quàng, huy hiệu, giấy bút?
Một chậu cây trang trí những dây hoa và sao vàng óng ánh được các chú phục vụ đưa đến. Các cháu xuýt xoa khen cây đẹp, nhưng chẳng cháu nào biết tên của loài cây này. Bác liền giải thích:
- Đây là cây có tên gọi bách tán, giống như cây thông nhưng nhỏ và đẹp hơn. Bách tán có hàng trăm tán lá nhỏ bao quanh thân cây...
Bác dặn dò: "Các cháu đem về trồng, chăm cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy".
Nghe Bác dặn vậy, các cháu đều nhảy lên mừng rỡ, thích thú. Các em xin phép Bác, thay phiên nhau khiêng cây bách tán đem về vườn hoa trồng.
Cây bách tán đã bị chiến tranh tàn phá. Nhưng kỷ niệm về món quà Bác tặng các em thiếu nhi Hà Nội ngày nào đó còn sống mãi.
(Theo Phong Nhã: Bác Hồ với thiếu nhi, Nxb. Kim đồng, 1985).
33. Không thăm gia đình cô thì thăm ai
Dịp Tết cổ truyền năm 1962, như thường lệ, lãnh đạo thành phố Hà Nội bố trí và mời Bác đi thăm một số gia đình có công với cách mạng, thương binh, liệt sỹ, cán bộ miền Nam tập kết, trí thức... Biết cảnh vệ sẽ đi trước chuẩn bị, Bác gọi tôi bảo:
- Ngoài những gia đình do thành phố báo trước, các chú tìm và đưa Bác đến thăm một gia đình công nhân thực sự còn nghèo. Nhớ phải giữ tuyệt đối bí mật.
Tối Giao thừa, sau khi Bác đi theo kế hoạch, lúc trở về, chúng tôi mời Bác đến thăm nhà một công nhân nghèo nhà ở ngõ cụt ở đầu phố Lý Thái Tổ - một xóm lao động phần lớn nhà tranh vách đất nằm sâu bên trong mặt phố.
Tôi đi trước dẫn đường. Ngọn đèn điện duy nhất trong ngõ không đủ sáng nên rất khó đi. Đến một căn nhà lụp xụp gặp một chị quảy đôi thùng gánh nước đi ra. Tôi hỏi:
- Chị Chín đây à?
Người đàn bà dừng bước:
- Vâng ạ, Bác hỏi em?
Vừa lúc đó, Bác đi đến, chị nhìn thấy và đôi thùng trên vai bỗng rơi xuống đất. Chị chạy lại ôm chặt hai bàn tay Bác, khuôn mặt đôn hậu đượm buồn nghẹn ngào:
- Bác... Bác Hồ ơi!
Nước mắt trào ra, chị cố ghìm tiếng khóc đi theo Bác vào nhà. Một gian vách đất lợp lá, cái giường gỗ cũ kỹ kê giữa nhà, mấy đứa trẻ đang lục tìm quần áo gấp thành đống ở góc giường. Trên bàn thờ có nải chuối xanh duy nhất và mấy tăm hương tỏa khói.
Tôi nhìn thấy Bác lặng đi, cặp mắt thương cảm, xót xa...
Bác bế đứa bé nhất, hôn vào má cháu, cài chiếc cúc áp ngực vừa tuột ra và hỏi chị Chín chuyện gia đình. Chị được năm con, chồng là công nhân nhà máy đèn đã chết, một mình phải đi làm phu khuân vác và gánh nước thuê lấy tiền nuôi con. Khi Bác hỏi về ăn Tết ra sao? Chị run run nói trong nước mắt:
- Thưa Bác, mẹ con cháu có gì đâu mà ăn Tết. Ngày mai, chỉ còn lon gạo bớt lại bữa chiều nay. Đến giờ này, cháu vẫn phải đi gánh nước để đổi gạo cho các cháu có miếng cơm trong ba ngày Tết.
Nói xong, chị dường như ân hận điều gì đó, đôi môi mím chặt cúi gằm xuống đất, không nhìn ai.
Bác hiền hậu và căn dặn các cháu phải ngoan, nghe lời mẹ, biết giữ vệ sinh và nhắc chị Chín cho các cháu đi học.
Cảm động trước sự ân cần chăm sóc của Bác, chị lễ phép nói:
- Thưa Bác... cháu... cháu không ngờ Bác lại...
Chị sụt sùi lau nước mắt. Bác hiểu ý nói luôn:
- Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai? Thôi Bác về.
Ra đến cửa, bà con nghe tin Bác đến đã vây đông. Họ sung sướng reo mừng:
- Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm!
Bác giơ tay để mọi người im lặng, rồi chậm rãi nói:
Bác đến thăm bà con trong ngõ nhưng thời gian ít quá không đi khắp được. Bác phấn khởi được biết bà con rất vui. Nhưng Bác có ý kiến: Tại sao trong lúc bà con ăn Tết vui vẻ lại không nghĩ đến những gia đình còn nghèo và đang gặp khó khăn như nhà cô Chín đây.
Một ông cụ ngoài bảy mươi tuổi kính cẩn đáp:
- Thưa Bác, bà con trong ngõ chúng tôi thật là có lỗi. Chúng tôi xin hứa với Bác sẽ sửa ngay ạ! - Mọi người đồng thanh hưởng ứng. Bác cười:
- Thế thì tốt. Chào các cụ, chào đồng bào và các cháu. Bác về...
Ngay tối hôm ấy, khi Bộ Chính trị tập trung đến chúc Tết, Bác đã nói ngay chuyện thăm nhà chị Chín và kết luận: Ta đã có chính quyền trong tay, nhưng một số lãnh đạo địa phương còn nặng về hình thức. Họ chưa sâu sát dân nên phục vụ nhân dân chưa tốt. Hôm sau, Bác trực tiếp gặp và phê bình lãnh đạo thành phố. Ngay sau khi Bác về, bà con trong ngõ mỗi người một thứ, của ít lòng nhiều đã mang đến giúp mẹ con chị Chín. Thành phố đã trợ cấp khó khăn ngay cho gia đình chị. Mỗi cháu có một bộ quần áo mới phin hoa để vui Xuân. Sau đó, thành phố đã thu xếp việc làm ổn định cho chị Chín, các cháu đến tuổi được cắp sách đến trường. Cũng từ đây, nhiều gia đình lao động thiếu thốn, gặp khó khăn đã được chính quyền và nhân dân giúp đỡ chăm sóc mỗi dịp Xuân về.
(Theo Phan Văn Xoàn, trích trong cuốn Nhớ mãi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1987).
34. Suốt đời tôi ơn Bác
Suốt đời tôi ơn Bác! Bác đã cho tôi gặp Bác nhiều lần. Mỗi lần gặp Bác là tôi lại được thêm một bài học. Làm theo lời Bác dạy, tôi thấy mình tiến bộ về đạo đức, phục vụ cách mạng được nhiều hơn, tốt hơn.
Lần đầu tiên tôi được gặp Bác vào cuối thu năm 1945, tại một ngôi chùa cổ kính của Thủ đô: Chùa Bà Đá. Lúc này Hà Nội đang tràn đầy khí thế cách mạng. Tôi cũng tham gia công tác chính quyền (Chủ tịch khu phố) và phụ trách nhi đồng Cứu quốc... Một hôm, Hòa thượng Đại Nguyên đột ngột đến nhà tôi ở phố Hàng Bè, vừa thở vừa nói:
- "Ông Cụ" (hồi ấy chúng tôi quen gọi Bác bằng Cụ) sắp đến thăm chùa. Mời bác đến ngay cho.
Cụ Hồ đến thăm chùa! Tôi vội vàng thu xếp công việc, đi ngay. Bây giờ tôi còn làm Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam. Đây là một vinh dự rất lớn đối với tôi.
Trong chùa đèn nến sáng trưng. Các vị hòa thượng, tăng ni, phật tử tề tựu đông đủ, tấp nập. Bác đến, Người mặc bộ kaki màu vàng, tay cầm chiếc mũ cát đã cũ. Bác vừa đi vừa lấy mũ vẫy vẫy để đáp lại câu "a di đà phật" của các tăng ni, phật tử. Vào trong chùa, Bác hỏi thăm sức khỏe của chúng tôi và sau đây Bác lên Tam bảo nói chuyện. Hôm ấy, Bác nói rất nhiều. Tôi còn nhớ những đoạn đã ảnh hưởng đến tôi sâu sắc nhất như chuyện các vị sư ở Ngũ Đài Sơn bên Trung Quốc xuống núi đánh giặc Ma Vương, chuyện chúng sinh... Bác liên hệ đến tình hình lúc bây giờ và bảo Ma Vương là thực dân Pháp... Bác khuyên: Cần phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo. Bác nhìn các vị thượng tọa, tăng ni, nhắc câu Phật dạy "làm Phật pháp không xa rời thế gian"... và dặn mọi người tham gia công tác cứu đói, cứu dốt...
Bác đứng dậy ra về giữa tiếng "a di đà phật" đồng thanh của các tăng ni, phật tử âm vang cả phật đường.
Tôi nhận công việc cứu thương cho tự vệ Hà Nội khi kháng chiến bùng nổ (năm 1946). Địch vây tứ phía. Đang lúc hoang mang dao động, hai vị sư - Thượng tọa Đại Nguyên và một vị sư nữa đến gặp và bảo tôi - "Anh cho chúng tôi mượn quần áo để ra khu tự do"... hình ảnh hai vị sư trút áo cà sa đi chiến đấu làm tôi liên tưởng đến buổi nói chuyện của Bác ở chùa Bà Đá ngày nào. Bao nhiêu nỗi lo lắng của tôi lúc ấy tiêu tan hết và tôi đã tự nguyện đi vào cuộc kháng chiến gian khổ.
Làm tròn nhiệm vụ phục vụ trong Trung đoàn Thủ đô, tôi lại tiếp tục công tác ở y tế Việt Bắc.
... Tháng 3 năm 1952, tôi được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và còn vinh dự được gặp Bác hai lần.
Những lúc gặp khó khăn, tôi lại thấy hiện lên trong trí nhớ cặp mắt hiền từ của Bác như nhắc nhở: "Luôn luôn cố gắng, luôn luôn tiến bộ" đó cũng là mấy câu sau mà Bác viết cho tôi trên một tờ giấy giang, trong một khu rừng ở Tuyên Quang - mà tôi vẫn giữ gìn như một gia bảo.
Tờ giấy ấy có cả chữ ký của Bác "Hồ Chí Minh".
(Theo Nguyễn Hữu Thuyết - bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn)
Thanh Huyền (tổng hợp)