44. Quà của Cụ bằng nghìn thang thuốc bổ
Sau ngày tiếp quản Thủ đô hơn hai tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bệnh viện Bạch Mai.
Đến bệnh viện, Người không qua chỗ họp mà tới ngay nhà bếp. Người hỏi tỉ mỉ số bệnh nhân, số anh chị em cấp dưỡng, việc nấu cơm, việc củi nước, Người khuyên anh chị em ra sức tiết kiệm của công, nấu cơm ngon, canh ngọt cho bệnh nhân. Qua phòng thí nghiệm vi trùng, Người khuyên ngoài việc nghiên cứu còn tìm thêm các thứ thuốc chữa bệnh. Qua các phòng bệnh nhân, Người ân cần thăm hỏi, chúc mọi người yên tâm chữa bệnh cho mau khỏi.
Khi đến phòng họp, tất cả anh chị em cán bộ, nhân viên nhà thương đã tập trung ở đây tưng bừng đón chào Người. Tiếng hô "Hồ Chủ tịch muôn năm!" và tiếng vỗ tay hoan hô hết đợt này đến đợt khác, Người vẫy tay mãi, mọi người mới ngồi xuống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ khen ngợi, cảm ơn anh chị em cán bộ, nhân viên đã tích cực, bền bỉ đấu tranh với đối phương giữ gìn được nhà thương tương đối vẹn toàn. Người nhấn mạnh tới vinh dự và nhiệm vụ của người công dân của một nước độc lập và vai trò chủ nhân của mọi người trong xã hội. Người còn khuyên anh chị em học tập cán bộ, nhân viên nhà thương chữa mắt tiết kiệm thuốc men, dụng cụ, điện nước. Người chỉ rõ: Đối với anh chị em hiện nay, phê bình và tự phê bình là một việc mới, nhưng phải thẳng thắn và làm dần. Ai làm việc có kết quả tốt, phải khen. Từ ông Giám đốc đến nhân viên, ai có khuyết điểm thì góp ý kiến để sửa chữa, thi đua "cơm ngon, thuốc đúng, người phục vụ tận tụy, nhất định bệnh nhân mau khỏi, nhà thương mau tiến". Cố gắng làm Nhà thương Bạch Mai trở thành nhà thương gương mẫu.
Trước khi ra về Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lại cụ Dưỡng, người giữ xe nhiều tuổi nhất ở nhà thương bó hoa mà anh chị em tặng Người.
Sau đó, ngày 07-01-1955, Người lại gửi tặng Bệnh viện Bạch Mai 5 hòm đường và 5 chai mật ong. Cán bộ, công nhân viên vô cùng cảm động trước sự thương yêu, chăm sóc của Người. Có bệnh nhân nói "Quà Cụ gửi cho tôi bằng nghìn thang thuốc bổ".
(Trích trong cuốn Bác Hồ với nhân dân, Nxb. Hà Nội, 1980).
45. Lỗ Khê làm theo lời Bác
Mùng 1 Tết năm 1964, mới hơn 6 giờ sáng. Bác Hồ đã đặt chân trên đường làng Lỗ Khê (huyện Đông Anh). Tin Bác về lan rất nhanh đến các ngõ, xóm. Bác vào thăm nhà bà Nga, ông Tục... rồi ra đình làng. Trẻ già trai gái của gần 300 hộ vây quanh Bác. Người nào cũng dán đôi mắt vào bộ quần áo kaki quen thuộc, chòm râu bạc của Bác. Ai cũng vui khi thấy Bác hồng hào khỏe mạnh.
Cả mấy trăm người đều ngồi im, lắng tai nghe giọng nói ấm áp của Bác. Bác khen cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, xã viên và thiếu nhi đã làm một việc tốt, ích nước lợi nhà là tiết kiệm (phong trào tiết kiệm của Lỗ Khê đã được nhiều nơi trên miền Bắc học tập và làm theo). Bác ân cần căn dặn: "Đã có phong trào tốt, phải giữ lấy phong trào. Bên cạnh mặt tiết kiệm, hợp tác xã cần đẩy mạnh hơn nữa việc chăn nuôi, trồng cây, trồng hoa màu. Chú ý đến việc giáo dục thiếu nhi và giữ gìn vệ sinh thôn xóm...".
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Ngày Bác về, đồng ruộng Lỗ Khê còn úng, hạn, cây lúa chưa to, gié thóc chưa nhiều hạt, mọi nhà chưa nuôi nhiều lợn, đường quanh làng chưa có cây xanh, cơ sở vật chất còn ít ỏi. Từ đầu Xuân lịch sử ấy, cán bộ, xã viên Lỗ Khê đã nghe theo lời dạy của Người, chung lòng hiệp sức làm giàu quê hương.
Con đường Bác đi về thăm Lỗ Khê ngày ấy chỉ là một lối mòn chạy giữa hai hàng cỏ dại. Giờ, đường xung quanh làng và các bờ vùng lớn rợp bóng cây xanh. Sản lượng thịt của bà con xã viên bán cho Nhà nước có năm lên tới 8 tấn. Nhà ngói sân gạch đã mọc lên san sát. Bà Nguyễn Thị Nga, người được Bác vào thăm tâm sự: "Tôi rất bối rối khi Bác bước chân trên sân đất và cúi đầu bước vào thềm căn nhà tranh của tôi, nên vội thưa với Bác: "Thưa Bác, nhà con nghèo lắm ạ!", Bác vỗ vai tôi, cười bảo: "Rồi khắc có nhà ngói, sân gạch!". Quả như vậy, giờ nhà tôi không những lợp ngói, sân gạch mà còn có giếng nước, buồng tắm... đàng hoàng".
Câu thơ Xuân được kẻ trên tường đình làng năm ấy, câu thơ đã được Bác khen ngợi: "Đón Xuân mở hội làm giàu/ Mừng Xuân cần kiệm lúa màu tốt tươi" đã được người dân Lọ Khê lưu truyền mãi, thực hiện mãi...
(Theo Quang Huy, báo Hà Nội mới, ngày 07-5-1975).
46. Bác về Song Phượng
Mọi người ra đồng từ sớm. Không khí của buổi sáng mùa Đông tuy lạnh nhưng những tiếng cười nói, tiếng liềm cắt lúa xoàn xoạt đã xua tan cái giá buốt. Trên đường quốc lộ 11A, một đoàn xe con hướng từ Hà Nội lên. Khi tới ngang khu ruộng cổ Ngựa, chỗ bà con đang gặt, đoàn xe từ từ dừng lại. Cánh cửa xe vừa mở, một cụ già và mấy người nữa nhanh nhẹn bước xuống tiến về cánh đồng. Khách tới đầu bờ thì không ai bảo ai, mọi người đều ngừng tay gặt nhìn về phía ấy ngạc nhiên hồi hộp. Bỗng cô Nhàn và ông Vượng reo to:
- Bác Hồ! Bác Hồ!
Sau một giây sững sờ, rồi nhiều người reo to:
- Hoan hô! Bác Hồ về, bà con ơi!
Những người gặt ở cách đó mấy thửa ruộng cũng vừa chạy đến hồ hởi.
Bác vẫy tay và bảo mọi người cứ tiếp tục làm việc song chẳng ai còn bụng dạ nào, tất cả cứ đứng vậy mà nhìn ngắm và nghe Bác nói. Bác bước xuống ruộng, nâng những bông lúa chín vàng và thân mật hỏi chuyện bà con:
- Đây là hợp tác xã gì?
- Thưa Bác, đây là hợp tác xã số 2, thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng ạ.
- Lúa năm nay so với năm ngoái có tốt hơn không?
- Thưa Bác, có tốt hơn, mỗi sào được khoảng 4 - 5 nồi mà mỗi nồi khoảng 20 cân ạ. Bác nhẩm tính rồi nói: Mỗi sào được 80 - 100 cân như thế còn thấp. Phải cố gắng đưa năng suất lên cao hơn. Bà con xã viên làm trên đồng và cả người ở mấy làng bên cũng chạy đến mỗi lúc một đông. Ai cũng muốn vào gần Bác. Người đứng vòng trong vòng ngoài vây tròn quanh Bác, không khí thân mật ấm cúng như trong một gia đình. Bác nhìn khắp một lượt với ánh mắt ân cần trìu mến và Người dặn:
- Bác về thăm lúa Song Phượng. Bác thấy lúa tốt, Bác mừng. Nên tranh thủ những ngày nắng ráo gặt nhanh, chớ để vương vãi vì "mỗi hạt thóc là một hạt vàng". Đập lúa, phơi lúa, nộp thuế... đều phải làm nhanh để có thời gian chuẩn bị tốt vụ chiêm. Gặt đến đâu, cày sâu đến đấy. Phải giữ sức cho vụ chiêm, chọn giống tốt và gieo mạ đúng lịch để cấy đúng thời vụ. Phải ra sức trồng nhiều rau và hoa màu. Rau và hoa màu rất cần cho người và gia súc. Vụ vừa qua, vì nhiều mưa, rau và hoa màu kém, vụ này phải chú ý trồng rau cho tốt. Khi no phải phòng khi đói chớ vì được mùa mà phung phí thóc gạo.
Bác ngừng lại một lát rồi nêu thí dụ:
- Ở Hưng Yên mùa này do tiết kiệm thóc gạo, xã Phan Chu Trinh dự định bán cho Nhà nước 230 tấn thóc, xã Trần Hưng Đạo 279 tấn... Họ dùng số tiền đó để phát triển sản xuất. Đắm mình trong hạnh phúc bất ngờ, mọi người lặng im nghe Bác căn dặn. Ai cũng muốn hứa với Bác, song không ai nói được nên lời. Bác vẫy chào mọi người. Trước khi lên xe, Bác còn dặn thêm là bà con nhớ làm bù năng suất cho khoảng thời gian gặp Bác. Xe từ từ chuyển bánh, tiếng hô mới bật ra từ những lồng ngực nén lại và những ánh mắt nhìn lưu luyến. Tiếng hô chúc Bác sống lâu như còn vang mãi trong sóng lúa, trong lòng người dân Song Phượng. Bà con nhớ mãi, nhắc mãi ngày may mắn ấy - ngày 25 tháng 11 năm 1961 - ngày Bác Hồ về thăm Song Phượng gặt lúa.
(Theo Nguyễn Hữu Phận: Bác về Đan Phượng, 1985).
47. Cho muôn đời sau
Trên công trường hồ Bảy Mẫu, hàng ngàn người đang tấp nập lao động xã hội chủ nghĩa. Mọi người đã đào nhiều chiếc hố dọc theo con đường quanh co trên đảo và trong công viên, chỉ còn việc trồng cây nữa là xong. Trời đã xế chiều. Bỗng một chiếc xe con dừng lại trước cổng vào. Bác Hồ trong bộ quần áo màu nâu sẫm giản dị, nhanh nhẹn bước xuống. Bà con đang làm việc trong công viên reo to:
- Bác Hồ! Bác Hồ đến!
Bác tươi cười vẫy chào mọi người và nói:
- Bà con cứ làm việc đi chứ.
Như có một sức hấp dẫn kỳ lạ lôi kéo, mọi người trong công viên tấp nập chạy cả về phía Bác. Lúc đó Bác đang đến bên một hố đất rộng. Bác nhanh nhẹn xắn tay áo và cầm lấy xẻng. Một cây đa nhỏ có lá xanh tươi được đặt xuống hố”. Bác xúc đất vun cho gốc đa. Khi Bác vun xong xẻng đất cuối cùng, tiếng vỗ tay vang lên:
- Bác Hồ muôn năm!
- Bác Hồ trồng cây khéo quá!
- Cây đa đẹp quá!
Bác ngồi xuống mô đất bên hồ cây vừa trồng, giản dị như một lão nông và giơ tay làm hiệu cho mọi người cùng ngồi. Bà con răm rắp ngồi quây quần bên Bác, náo nức chờ đợi nghe Bác nói.
Bác âu yếm nhìn các khuôn mặt tươi tắn xung quanh rồi hỏi:
- Bà con có mệt không?
- Có ạ! Nhưng Bác đến chúng cháu vui quá hết cả mệt.
Tiếng trả lời sôi nổi rộ lên.
- Bà con làm việc thế này có thi đua làm nhanh, làm tốt không?
- Thưa Bác có ạ.
Bác lại hỏi:
- Thế các cô chú đã bình xem khu phố nào làm giỏi nhất chưa?
- Thưa Bác khu phố Hai Bà Trưng giỏi nhất ạ.
- Thưa Bác khu phố Ba Đình cũng giỏi ạ.
- Ô, không được nhận vơ đâu nhé - Bác nói và mọi người cười vang - Các cô chú phải bình bầu cẩn thận, khu phố nào giỏi nhất Bác sẽ khen.
- Thưa Bác vâng ạ.
Cả ngàn người vây quanh Bác sung sướng, cười vui, mắt long lanh cảm động.
Bác chờ cho không khí yên lặng trở lại mới nói tiếp:
- Ta lao động ở đây là lao động cho ta và cho con cháu đời sau. Mấy năm trước, nơi đây còn là bãi rác, thế mà nay cây đã lên xanh. Ngày nghỉ các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát xem hoa, ngắm cây cỏ, vui chơi gỉải trí... Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vì vậy ta phải lao động phải không nào?
- Thưa Bác vâng ạ - Tiếng trả lời cùng đồng thanh vang lên.
Từ hôm Bác đến (ngày 11-6-1960) không khí lao động trong Công viên Bảy Mẫu (nay là Công viên Thông Nhất) sôi nổi lắm. Ngày nào đến làm việc, ai cũng muốn đi qua cây đa Bác Hồ trồng. Cây đa ấy ngày một xanh tươi, lớn lên cho bóng mát cả một vùng. Đó là cây đa đầu tiên Bác trồng cho Thủ đô, nay đã tròn 30 tuổi.
(T.N: Kỷ niệm về Bác Hồ, Quận ủy Hai Bà Trưng, 1984).
48. Như vậy là thừa hai chiếc
Mặc dù đã 63 tuổi, tôi vẫn được giao công tác đoàn thể: Vận động tiết kiệm hũ gạo cứu tế, làm công tác bình dân học vụ động viên thanh niên đi đầu trong công cuộc xây dựng Thủ đô... Ngày ngày tôi vui với cuộc sống mới, vui với công tác cách mạng. Tôi có ngờ đâu, việc làm nhỏ bé của tôi đã đem lại cho gia đình tôi niềm vinh dự lớn lao.
Vào một buổi tối 30 Tết, gia đình tôi được đón Bác Hồ đến thăm. Lúc ấy tôi đang ngồi giặt quần áo. Bỗng đứa cháu gái của tôi chạy vào gọi: "Bà ơi! Bác Hồ đến nhà mình đấy!". Nghe thấy thế, tôi mừng quá. Cứ để nguyên tay còn dính đầy bọt xà phòng, tôi chạy ra ngoài cổng và thấy Bác đi vào. Tôi chỉ còn thốt lên được:
- Bác! - Cùng đi với Bác có cả đồng chí Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố. Thấy con tôi nhắc, tôi mới vội vàng đi rửa tay.
Tôi mời Bác vào nhà và đi pha trà. Bác cười hồn hậu và xua tay bảo:
- Thôi không phải nước. Mời cụ ngồi đây nói chuyện.
Thế là cả nhà tôi quây quần bên Bác. Bác dịu dàng nhìn khắp gia đình rồi hỏi:
- Cụ ông đâu?
Nhà tôi đáp:
- Thưa Cụ, tôi đây ạ.
- Năm nay cụ bao nhiêu tuổi rồi?
- Thưa Cụ, tôi 73 tuổi.
Bác cười:
- Cụ 73 tuổi mà còn tóc đen, răng chưa rụng. Cụ trông răng tôi đã rụng tóc tôi đã bạc nhiều rồi.
Bác hỏi nhà tôi khá nhiều, đoạn quay sang tôi:
- Năm nay cụ bao nhiêu tuổi?
Nghe tôi thưa Bác nói:
- Cụ 71 tuổi vừa làm công tác phụ nữ, vừa tham gia bể túc văn hóa, lại còn vệ sinh phòng bệnh nữa. Nhiều việc thế, liệu cụ có làm được?
Tôi vội đáp ngay:
- Thưa Cụ làm được ạ!
Sau đó Bác hỏi chuyện sắm Tết của gia đình tôi có đủ không, vui không. Bác chúc gia đình tôi đón Tết vui vẻ, năm mới có nhiều thành tích mới.
Bác hỏi thêm:
- Nhà ta có bao nhiêu người, gói được nhiều bánh chưng không?
Tôi thưa luôn:
- Thưa Cụ, gia đình tôi có 15 người và gói được 32 chiếc bánh chưng.
Bác cười vui và nói:
- Như vậy là thừa hai chiếc rồi. Mỗi người chỉ có tiêu chuẩn hai chiếc thôi, đúng không nào?
Bác lần lượt hỏi các con và các cháu tôi. Các cháu sung sướng quá cứ tíu tít kể chuyện với Bác. Lúc đó đã 9 giờ tối, ngoài đường đã đông người đi đón giao thừa. Bác bảo:
- Thôi, Bác về đây. - Rồi Bác lấy túi kẹo mang theo, chia đều cho mọi người trong gia đình tôi.
Bác ra về. Lúc đó, tôi mới chợt nhớ ra và áy náy mãi là đã không mời Bác uống một chén nước.
(Theo cụ Đoàn Thị Hảo, Bác Hồ với phụ nữ Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1985)
Khánh Linh (tổng hợp)