Chỉ mục bài viết

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tấm lòng trân trọng, mối quan tâm sâu sắc giàu tình nhân ái và những mong muốn thiết tha về Hà Nội, với Hà Nội. Người xác định vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu” của Hà Nội mà “cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Người mong muốn làm sao để cho Hà Nội “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Hà Nội cũng là nơi ghi dấu những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Ngày 26-8-1945, Người từ chiến khu Việt Bắc về  Hà Nội và tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào. Hay “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước của Hồ Chủ tịch” ngày 17-7-1966, trong đó có câu nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành chân lý của thời đại. Rồi cũng ở Hà Nội, Bác Hồ đã viết những dòng Di chúc trước lúc đi xa, để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí, cho dân tộc Việt Nam.

 Với vị trí địa lý và vai trò đặc biệt của mình, Thủ đô Hà Nội có vinh dự, tự hào vì là một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất, cũng là nơi có nhiều địa danh in dấu chân Bác và đã từng được Người dành sự quan tâm, đến thăm và căn dặn. Hầu hết các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, trí thức đến các chiến sĩ bộ đội, anh chị em dân quân, tự vệ, các nhân sĩ, trí thức, đồng bào tôn giáo, dân tộc, các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng, các chị lao công... đều được Bác gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, khuyên nhủ ân cần. Qua các bài nói, bài viết, bức điện của Người hay những chuyến thăm của Người đều để lại những dấu ấn không thể nào quên.

Sau đây, Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng xin tổng hợp, trích đăng một số câu chuyện về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nội và nhân dân Hà Nội trong thời kỳ Người sống và làm việc tại Thủ đô.

Phần 1

1. Trong đời tôi một bình minh đã đến

Cụ Võ An Ninh dẫn tôi về nhà riêng của cụ ở phố Ngô Gia Tự - Thành phố Hồ Chí Minh vào một ngày Xuân rất đẹp trời. Lão nghệ sĩ nhiếp ảnh tiếp tôi trong bốn giờ đồng hồ liền, thông cả buổi trưa, trong một không khí thân tình, cởi mở. Ông già ngoài 90 tuổi không hề tỏ ra mệt mỏi, mà trái lại, càng trò chuyện cụ càng sôi nổi. Bao kỷ niệm trong đời, trong nghề cứ cuồn cuộn… Tôi lắng nghe, ghi chép không ngừng tay, chỉ thỉnh thoảng dừng lại một chút, hỏi cụ vài ba chi tiết nào đó. Tôi cảm thấy đang đắm mình trong dòng ký ức vô tận của một nhân chứng lịch sử. Cuộc đời cụ Võ An Ninh trải dài gần hết cả thế kỷ XX đầy biến động. Cụ nói: “Tôi sinh năm 1907, cầm máy từ năm 25 tuổi. Tôi ra đời vào buổi bình minh của thế kỷ này, hăm hở bước vào với một sức sống và ước mơ mãnh liệt. Từ ước mơ, tôi hành động không ngừng, không nghỉ. Cả một đời chụp ảnh liên tục! Nằm mê cũng thấy mình chụp ảnh. 50 lần đến chùa Hương. 20 lần lên Sa Pa. Và biết bao lần tới Hạ Long, Đà Lạt. Cả đời tôi yêu thương và gắn bó với quê hương, với con trâu, đồng ruộng, ao bèo, với chiếc xe đạp, với chiếc áo dài của cô gái Việt Nam!”.

Càng nói, cụ càng say sưa. Nhất là khi cụ lật từng trang cuốn ảnh của cụ, giới thiệu cho tôi nghe ý tưởng và nội dung, kỷ niệm và vẻ đẹp của từng tác phẩm. Gương mặt cụ hồng hào và sinh động, tràn đầy vẻ phúc hậu, nhân ái. Thoáng trên nụ cười là một nét dí dỏm, hài hước.

Cụ bỗng dừng lại, nói một câu làm tôi thực sự xúc động:

“Tôi cất tiếng khóc chào đời trong buổi đầu thế kỷ. Nhưng, bình minh của đời tôi thực sự bắt đầu khi được gặp Bác Hồ và được chụp ảnh Người!”.

Cụ tỏ ra thật tự hào được là một trong những người đầu tiên chụp ảnh Bác Hồ trên đất nước Việt Nam. Hơi nheo mắt một chút, tay vuốt mái tóc bạc phơ, cụ kể:

“Ngày 02-9-1945, cả Hà Nội náo nức đón Lễ Độc lập. Ai cũng đứng vào hàng ngũ để được cuồn cuộn chảy về hướng Ba Đình, với cờ và khẩu hiệu trong tay. Tôi sẽ làm gì đây trong ngày hội lớn của dân tộc? Chụp, chụp và sẽ phải chụp thật nhiều ảnh. Cái đích của tôi là phải chụp được ảnh Cụ Hồ khi đang đọc Tuyên ngôn Độc lập, nếu không thì hỏng hết.

Đúng 2 giờ chiều, từ chân lễ đài, tôi nhìn các vị đại biểu dự lễ xuống xe và bước lên kỳ đài. Tôi thấy rất đông người và có nhiều người tôi không được biết tên… Tôi luýnh quýnh theo chân liền và hoàn toàn không bị ai ngăn cản. Trên kỳ đài, diện tích có vài mét vuông thôi mà hàng chục người đứng. Mọi người hình như chen vai thích cánh, hỏi như vậy làm sao tôi chụp được ảnh Cụ Hồ lúc đang đọc Tuyên ngôn Độc lập? Các vị dự lễ cũng rất tế nhị, khi tôi đang giơ máy lên, người đứng trước cũng khẽ nghiêng mình cho tôi chụp nhưng cái lưng khác lại che lấp ngay lập tức. Biết là không được, tôi vội tụt xuống cầu thang, đứng ôm máy dưới chân kỳ đài, nghĩ kế khác. Buổi lễ diễn ra trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ. Khi bài Tiến quân ca kết thúc, buổi lễ vừa dứt, tôi đã thấy một chiếc ôtô tiến sát vào chân kỳ đài. Xe đến đón Cụ Hồ, đi bên có ông Võ Nguyên Giáp. Đúng lúc Cụ Hồ và ông Giáp đã ngồi vào xe và xe chưa lăn bánh, tôi nhào tới đưa máy vào khoang cửa và nói: “Thưa Cụ, vừa rồi trên kỳ đài đông quá, con không chụp được ảnh Cụ. Xin Cụ cho phép con được lấy một hình của Cụ”. Cụ Hồ khẽ gật đầu. Nhưng lúc ấy Cụ Hồ đang đội mũ. Trời đã về chiều. Cái mũ cát vành rộng lại che đi mất nhiều ánh sáng. Tôi đánh liều:

“Thưa Cụ, con muốn Cụ hạ cái mũ xuống ạ!”.

Ông Giáp ngồi bên tủm tỉm cười như hiểu ý nguyện của tôi. Ông đưa tay lên hạ cái mũ của Cụ Hồ đang đội và nhìn tôi, nói: “Này, thì bỏ mũ xuống!”.

Thế là tôi có được bức ảnh “độc nhất vô song” trong cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh: Cụ Hồ ngồi bên có ông Giáp, cả hai gương mặt đều cương nghị, nhưng hiền hòa, có chút khắc khổ vì những lo toan cho vận nước ở giờ phút ngàn cân treo sợi tóc. Hơn nữa, đây là tấm ảnh chụp vào ngày lịch sử muôn đời ghi nhớ của dân tộc ta, ngay sau khi Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập với quốc dân đồng bào cả nước và thế giới.

Cụ Võ đập khẽ vào tay tôi, chỉ lên tường: “Bức ảnh ấy đấy!”.

Tôi nhìn lên tấm ảnh to, đặt cạnh những khung to treo bằng Huân chương Độc lập và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Trên ảnh, Bác Hồ có cặp mắt sáng như sao và thật quắc thước, kiên nghị. Bộ râu Bác còn đen. Ông Võ Nguyên Giáp ngồi bên, đội mũ phớt, thắt cavát. Tôi thật sung sướng được cụ Võ An Ninh tặng cho tấm ảnh này. Cụ nói tiếp: “Tôi đã chụp nhiều người, kể cả vua chúa. Tôi là người có may mắn chụp ba vua cuối cùng của Việt Nam là Vua Khải Định, Vua Thành Thái và Vua Bảo Đại. Tôi chụp Vua Thành Thái, một ông vua yêu nước chống Pháp vào năm 1951, khi Pháp đưa ông Vua ấy từ nơi đảo xa trở về. Khi ấy Vua Thành Thái đã khoảng 80 tuổi, một mắt đã bị kéo màng. Cả những người khác nữa, tôi chụp nhiều, nhiều lắm, nhưng không một ai có cặp mắt tinh anh và đặc biệt như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một phòng triển lãm ảnh về ngày Lễ Độc lập đã được tổ chức tại phố Tràng Tiền - Hà Nội ngay sau ngày 02-9-1945. Một cán bộ Việt Minh đồng thời cũng là bạn tôi thấy tôi có bức ảnh quý đó nên vồ vập liền. Ông ta treo bức ảnh Cụ Hồ và ông Võ Nguyên Giáp ở chỗ trang trọng nhất của phòng triển lãm.

Thời đó, mỗi khi có triển lãm, nhất là những triển lãm về đấu tranh cho độc lập, tự do, dân chúng thường đi xem rất đông, cho nên bức ảnh nói trên được nhiều người biết đến. Riêng tôi, do thời cuộc, đã để thất lạc cả phim tấm ảnh gốc đó. Nhưng may mắn sao, tôi đã gặp lại tấm ảnh đáng quý nhất của đời mình được in trong một cuốn hồi ký viết gần đây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và tôi đã “sao” lại tấm ảnh, tác phẩm của chính mình. Cũng như “bạn” (cụ Võ gọi tôi như vậy - T.Đ), khách đến thăm nhà không ai không ngước mắt nhìn lên tấm ảnh này mà gia đình tôi đã trân trọng treo ở giữa phòng khách. Những đốm nắng chiều rơi trên khuôn mặt hai nhà cách mạng trở thành những yếu tố thật kỳ diệu như khắc họa một thời gian khó và quyết liệt của cả một dân tộc mà Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều vị khác là những nhân vật đại diện”.

Sau sự kiện cụ Võ An Ninh kể trên đây chừng 14 tháng, cụ còn là nhà báo ghi lại được những giây phút đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp trở về ngày 21-10-1946 trên chiếc tuần dương hạm Dumont d’Uwille của thực dân Pháp, sau khi Người ký Hiệp ước ngày 6-3 với thực dân Pháp tại Phôngtenơbnô và trở về Việt Nam. Tờ nhật báo buổi chiều Vì nước mà Chủ nhiệm lúc đó là ông Nguyễn Đức Thuyết đóng ở số nhà 84 phố Hàng Bột (Hà Nội) đã mời cụ thực hiện một thiên phóng sự ảnh. Số báo ra ngày 25-10-1945, dành hai trang đăng trọn vẹn phóng sự 21 ảnh về sự kiện lịch sử này. Qua lời cụ Võ kể, nhân dân Hải Phòng có vinh dự được đón Bác Hồ ngay từ những ngày đầu của chính quyền nhân dân còn non trẻ. Mọi người nhiệt liệt chào mừng vị lãnh tụ kính yêu trở về sau hơn bốn tháng hoạt động trên đất Pháp. Giờ đây, Người lưu lại thăm đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Hải Phòng hai ngày. Cụ Võ An Ninh đã được đi theo cụ Nguyễn Văn Tố về thành phố cảng, đêm ngủ trên cái sập một nhà dân, sau mới biết đó chính là nhà của nhà thơ Lê Đại Thanh. Cụ Tố là Bộ trưởng của Chính phủ Hồ Chí Minh, vốn là thầy dạy tiếng Pháp của cụ Võ An Ninh. Học Tây học, nhưng cụ Tố không mặc đồ Pháp mà mặc áo dài trắng, chít khăn và đặc biệt không biết đi xe đạp. Cụ Võ An Ninh kể:

“Tôi còn nhớ rõ như mới ngày gần đây thôi, những giờ phút thiêng liêng ấy… vừa cập Bến Ngự, chiếc tuần dương hạm cùng lúc với Hải Phòng rung lên một hồi còi làm trong lòng mọi người bừng dậy một niềm ấm áp, tự hào, và cũng nghẹn ngào vì sung sướng, nhất là lúc vị Chủ tịch đặt chân đầu tiên trên đất quê nhà. Nhân dân Hải Phòng đã được sống những ngày đẹp nhất bên vị lãnh tụ kính yêu.

Dọc đường từ Hải Phòng về Hà Nội, chao ôi, đâu đâu cũng thấy người, cờ và biểu ngữ. Lúc này, tôi sung sướng lắm, được đi lại thoải mái trên tàu hỏa và chụp ảnh thì… nhiều khỏi phải nói. Trong toa tàu, không một phút nào Người ngưng tay vẫy, không một phút nào ngớt trả lời cho dân chúng, từ các cụ phụ lão, binh sĩ, viên chức, phụ nữ, thanh niên cho đến các cháu nhi đồng, và đặc biệt là cho giới báo chí. Đến Hải Dương, tàu dừng lại nửa giờ. Đúng 3 giờ 5 phút, đoàn tàu chuyển bánh tới Thủ đô Hà Nội. Lúc bước ra, Bác không giấu nổi cảm động trước một biển người và rừng cờ, xen lẫn trong những tiếng reo vui sung sướng: “Bác đã về”…”.

Cụ Võ An Ninh cho phép tôi xem kỹ từng tấm ảnh trong bộ phóng sự đó. Đây là hình ảnh các vị ra đón Bác ở Hải Phòng: Cụ Nguyễn Văn Tố, ông Võ Nguyên Giáp, ông Trần Huy Liệu, ông Vũ Đình Hòe, ông Nghiêm Kế Tổ, ông Phạm Văn Bạch và Đại tá Lami, đại diện cho các nhà đương cục Pháp; hình ảnh Bác Hồ bước xuống, giữa tiếng hô vang chào mừng của dân chúng; và đây là hình ảnh Người hút thuốc trong phòng riêng trên tuần dương hạm, bên trái Người là ông Hoàng Hữu Nam, Trưởng ty Liên kiểm Trung ương cùng ông Chủ tịch Ủy ban hành chính Hải Phòng lên tiếp rước Người… Những tấm ảnh, những tư liệu vô cùng quý giá. Những tác phẩm này cũng như toàn bộ cống hiến bằng hoạt động nhiếp ảnh của cụ Võ thật xứng đáng được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Tôi xin phép hỏi cụ Võ:

- Sau sự kiện này, cụ có còn dịp nào được chụp ảnh Bác Hồ không?

- Có chứ! Chủ yếu là ở Hà Nội. Tôi đã được hướng dẫn Bác và phái đoàn Đồng minh đi xem triển lãm 40 bức ảnh tôi chụp về nạn đói năm 1945, phóng cỡ 18x24cm để trong tủ kính. Bác đọc kỹ từng chú thích ảnh. Đến bức ảnh Nhật cướp xe gạo, Bác bảo: “Thôi, cướp xe, không nên…”. Hôm ấy thật tiếc, trời hơi tối, tôi không chụp được Bác. Tôi còn được theo Bác chụp ảnh Người đi thăm Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Nhân dân. Bác đi nhanh lắm, tôi không theo kịp, vì một chân bị bỏng mà! Tôi nhớ nhất cái lần một đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số về Hà Nội chào mừng Bác. Hôm ấy thì có tôi chụp. Bác đến chỗ tôi, nói vui:

- Này, hình như cái vừa chụp bị hỏng rồi!

- Dạ vâng, hình như cái đó hơi rung. Con xin Bác cho chụp lại!

Bác cười: Được!

Trong những năm 20 của thế kỷ này, khi bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Bác cũng từng làm thợ ảnh, cho nên Người rất quan tâm đến chúng tôi. Nhiều khi thấy tôi đến, Bác bảo chú Ninh phải chụp thế này thế kia, không thì hỏng đấy!

Trong các buổi chiêu đãi, có lần Bác đến nói:

- Chú Ninh ăn đi chứ. Cứ chụp mãi! Câu nói ấy thể hiện tình yêu thương, chăm sóc của người cha, làm tôi vô cùng cảm động và nhớ mãi. Một lần khác, bác sĩ riêng của Người mang bánh đến cho tôi giữa bữa tiệc: “Cụ bảo mời ông ăn!”.

Vâng, cả dân tộc ta, trong đó có chúng tôi, sung sướng trở thành những người dân được hưởng Độc lập, Tự do mà Hồ Chủ tịch là người trọn đời phấn đấu để đem lại. Là người nhiếp ảnh, tôi đã sống và ghi lại những hình ảnh của buổi bình minh vẻ vang đó. Tôi cũng từng nghĩ: Những ngày được gần Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh - là những ngày có giá trị tỏa sáng đến suốt cuộc đời. Ánh sáng đó rọi từ buổi bình minh của một kỷ nguyên mới. 

(Trích từ cuốn sách: Còn mãi những khoảnh khắc, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1998).

2. Người Hà Nội nhớ Bác

Cả Hà Nội hôm ấy tưng bừng đón ngày tuyên bố độc lập mồng 02-9. Đồng bào ngoài thành từ bốn cửa ô kéo về tấp nập. Các cô nữ dân quân đầu chít khăn vuông mỏ quạ, áo nâu, quần đen, nai nịt gọn gàng, đi trong tiếng hô. Đoàn phụ nữ nội thành, áo dài đủ màu, quần trắng tha thướt. Đội nữ du kích ở chiến khu về, khăn áo màu chàm, vai đeo khẩu súng, nom rất hùng dũng. Các em thiếu nhi, quần xanh áo trắng, tiến theo tiếng trống ếch nhịp nhàng. Các đội tự vệ, thanh niên đầu đội mũ calô, vai vác gươm, vác gậy bước đi hiên ngang. Rồi đến đoàn các vị sư sãi, mũ ni, áo cà sa màu vàng, màu nâu; đoàn các vị cha cố, bà xơ, toàn một màu đen hoặc trắng. Gần 50 vạn người vui mừng kéo tới Quảng trường Ba Đình dự ngày lễ lịch sử trọng đại.

Quảng trường chật ních người, cờ, khẩu hiệu, tưng bừng náo nhiệt. Lễ đài đặt trên bục gỗ cao, bên dưới là đội danh dự bồng súng hướng vào Quảng trường.

Tôi đang đứng ở hàng đầu của đoàn đại biểu phụ nữ Thủ đô, bỗng có tiếng gọi:

- Cô Thi! Lên lễ đài, mau lên!

Tôi giật mình, ngơ ngác, chưa hiểu ra sao. Các chị lại giục: Lên ngay đi! - Tôi vội vàng đi theo người hướng dẫn. Thì ra ban tổ chức đang cần một đại biểu phụ nữ Thủ đô, cùng với một chị nữ du kích ở chiến khu về, lên kéo cờ trong buổi lễ lịch sử này. Nhờ vậy mà tôi được nhìn thấy Bác, được nghe Bác nói rất rõ. Từ đó, hình ảnh Bác, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, mãi mãi in sâu vào tâm trí tôi.

Chị nữ du kích người Tày và tôi phân công nhau: Tôi cầm dây cờ chuẩn bị kéo, còn chị sẽ nâng lá cờ. Chúng tôi nhìn nhau, hồi hộp, lo lắng về trách nhiệm của mình.

Tôi chợt nhớ đến lúc còn đi học ở Trường Đồng Khánh (tức Trường Trưng Vương hiện nay) sáng nào mụ giám đốc người Pháp cũng bắt học sinh tề tựu ở sân trường để chào cờ: cờ Pháp và cờ An Nam của Bảo Đại. Sau đó nghe mụ mắng mỏ, lên lớp chúng tôi về tội nghịch ngợm, hạnh kiểm xấu, v.v.. Còn học sinh thì ra sức trêu tức mụ. Không hôm nào cờ kéo lên trót lọt, lúc thì cờ Pháp bị tắc tị, lúc thì cờ Pháp lên chậm hơn cờ An Nam, lúc thì cả hai cờ bị đứt dây! Mụ giám đốc tức điên ruột!

Hôm nay, tôi chuẩn bị rất cẩn thận và ước sao gặp mọi sự may mắn để kéo được lá cờ lên thật êm đẹp, nhịp nhàng.

Giờ khai mạc đã đến! Đoàn đại biểu của Chính phủ Cách mạng lâm thời bước lên lễ đài, trong đó có Bác. Nhưng tôi đâu dám ngoảnh lại nhìn, vì còn đang tập trung tư tưởng vào dây cờ cầm trong tay.

Nhạc Tiến quân ca nổi lên hùng tráng. Chúng tôi bắt đầu kéo. Lá cờ đỏ sao vàng từ từ lên cao rồi tung bay cuồn cuộn trước gió thu lồng lộng, trong ánh nắng vàng rực rỡ.

Làm xong nhiệm vụ, chúng tôi rút về phía sau lễ đài. Bác Hồ bước ra giữa tiếng hoan hô vang lừng cả Quảng trường. Bác giơ tay vẫy chào đồng bào vừa ra hiệu cho mọi người giữ trật tự và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập: “… Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…”1.

Tôi ngắm nhìn Bác, vừa ngạc nhiên, vừa xúc động. Bác gầy quá, mặc giản dị quá! Bộ quần áo kaki! Quen sống ở Hà Nội, tôi cứ tưởng vị Chủ tịch nước sẽ phải trịnh trọng trong bộ âu phục sang trọng, thắt cavát, đi giầy vécni bóng nhoáng.

Giọng Bác rất ấm, tiếng Bác khi thì đanh thép tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp trong 80 năm cai trị nước ta, lúc lại xót xa với những nỗi cực khổ mà nhân dân ta đã phải chịu đựng. Bất ngờ, Bác hỏi: - Tôi nói đồng bào nghe có rõ không?

Lâu nay sống dưới chế độ nô lệ, dân ta, kể cả tôi dù mới chỉ là cô nữ sinh, cũng chỉ quen nghe các “quan” cai trị, bọn cầm cò, bọn giám đốc trường quát tháo, mắng mỏ. Chúng nói, mình nghe chưa hiểu là bị tạt tai luôn. Tôi muốn kêu lên: Thưa Bác, cháu nghe thấy rồi ạ! Trời ơi! Sao Bác còn phải hỏi thế nhỉ!

Ngay những phút đầu tiên, Bác đã để lại cho tôi những ấn tượng hết sức sâu sắc về một tấm lòng thương yêu nhân dân không bờ bến, một ý chí cách mạnh kiên cường, và một sự trong sáng, giản dị trong nếp sống.

Bác kết thúc bản Tuyên ngôn bằng một lời tuyên bố “Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập"2 và một lời thề cương quyết: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”3.

Cả Quảng trường vang lên tiếng hô đáp lại: Việt Nam độc lập muôn năm! Ủng hộ Mặt trận Việt Minh! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!

Cuộc chiến đấu đã bắt đầu ngay sau đó. Đêm 23-9, tiếng loa khắp các phố báo tin giặc Pháp được đế quốc Anh hủng hộ, đã gây hấn ở Nam Bộ. Cả Hà Nội rung lên vì xúc động và căm phẫn. Một bài hát lan truyền nhanh chóng:

“Tiếng súng vang sông núi miền Nam.

Ầm đất nước Việt Nam.

Tiếng súng vang dội khắp non sông,

Giục ta ra tranh đấu…”.

Nghe theo lời kêu gọi của Bác, của Chính phủ, thanh niên nam nữ bừng bừng khí thế “Nam tiến”. Chiều chiều, trên sân ga Hàng Cỏ Hà Nội rộn rịp cảnh tiễn đưa những đoàn tàu chở những người con yêu quý vào Nam giết giặc, giữa những lời ca:

“Ta muốn băng mình tới phương Nam,

Xé xác quân tham tàn…”.

Rồi Hà Nội đi vào cuộc đấu tranh chính trị phức tạp, quyết liệt với giặc ngoài, thù trong. Bọn chúng rất ngỗ ngược, cướp bóc, hoạnh họe nhân dân, chửi bới Việt Minh, nói xấu Bác. Chúng tôi, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, tự vệ rất căm giận, muốn kéo đến phá tan trụ sở của chúng. Nhưng Bác không cho phép. Bác ra chỉ thị rất nghiêm khắc: Mọi người phải bình tĩnh, không để bọn chúng khiêu khích, phải chờ thời cơ, đợi lệnh của Chính phủ.

Cuối tháng 5-1946, tình hình chính trị rất căng thẳng, Bác Hồ chuẩn bị sang Pháp đàm phán với Chính phủ Pháp về hòa bình và độc lập của nước ta. Bọn phản động phao tin đồn Chính phủ ta ký hiệp định với Pháp là bán nước. Ngày 31-5, trong cuộc míttinh tổ chức trước quảng trường Nhà hát thành phố, Bác Hồ nói chuyện với đồng bào cả nước về chuyến đi này. Bác nói:

“Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân… Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân”4.

Vừa nghe Bác nói, tự nhiên tôi đã trào nước mắt ra. Bác càng nói, tôi càng khóc. Tôi ôm lấy người bạn đứng bên cạnh, hai chúng tôi cùng thút thít. Vì sao vậy? Tôi thấy đau khổ và bất bình quá. “Bác ơi, chúng con hiểu tấm lòng Bác lắm rồi!”. Tôi căm giận bọn phản động Quốc dân Đảng, bọn Nguyễn Hải Thần, chúng chỉ có ăn chơi, trụy lạc lại còn phản tuyên truyền, hoạt động làm hại cho dân tộc, cho đất nước.

Hôm đó về, với tất cả sức mạnh của tình cảm cách mạng và tấm lòng kính yêu Bác, tôi hăng hái đi giải thích ở nhiều khu phố về quyết tâm của Chính phủ và Hồ Chủ tịch giữ vững độc lập, tự do của đất nước. Những sự nhân nhượng, hòa hoãn lúc này đối với bọn thực dân Pháp là nhằm tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng hùng mạnh.

Những ngày cuối năm 1946, cả Hà Nội ráo riết chuẩn bị chiến đấu. Chi bộ khu Hoàn Kiếm chúng tôi họp bất thường luôn để nhận định tình hình, thảo luận chủ trương công tác đối phó hằng ngày với địch. Ngày 19-12, tiếng súng nổ ran cả Thủ đô, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc.

Giặc Pháp tưởng rằng chỉ đánh một ngày là chiếm xong cả Hà Nội. Nhưng chúng lầm to. Nhân dân ta chiến đấu rất dũng cảm, cầm cự với chúng ở tất cả các khu phố nội thành. Chúng tôi ở Liên khu I, tuy bị địch bao vây tứ phía, cắt đường liên lạc với các liên khu khác, với hậu phương, nhưng vẫn không nao núng. Đội ngũ được chấn chỉnh, tổ chức lại. Một số đồng chí được lệnh rút ra ngoài. Tôi sung sướng được thuộc vào số người ở lại, phụ trách một tổ bốn chị em, làm công tác tuyên truyền, úy lạo của Trung đoàn. Chúng tôi tham dự lễ “Quyết tử” giữ vững Thủ đô đến giọt máu cuối cùng!

Tết âm lịch năm đó (khoảng 27-1-1947), chúng tôi ăn Tết trong vòng vây của địch. Một niềm vui vô hạn đã đến với chúng tôi. Đúng đêm giao thừa, các chị giao liên đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, nguy hiểm đem tới cho các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô bức thư chúc Tết của Bác Hồ và quà của đồng bào hậu phương.

Thư Bác viết: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tuôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại…

Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em…”5. Tôi lại khóc, khóc vì cảm động và sung sướng trước sự quan tâm săn sóc của Bác, của đồng bào hậu phương. Làm sao đáp lại được tình cảm yêu quý đó, làm sao cho xứng đáng với sự tin cậy, mong chờ đó của Bác, của cả nước!

Ngày 17-2-1947, sau hai tháng chiến đấu làm cho địch bị tổn thất nặng nề, đánh tan mộng tưởng của thực dân Pháp định chiếm nước ta trong một thời gian ngắn, Trung đoàn Thủ đô được lệnh của Bác và Chính phủ rút ra ngoài để bảo toàn lực lượng. Đêm không trăng sao. Gió bấc mưa phùn. Cả Trung đoàn chúng tôi gần nghìn người đã rút đi an toàn.

Từ lúc đó, tôi ra khỏi quân đội, nhận công tác mới: phụ trách phụ nữ tỉnh Vĩnh Yên rồi sau lên Tuyên Quang.

Năm 1950 tôi được cử đi Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất. Tôi lại được vinh dự gặp Bác Hồ đến thăm Đại hội!

Tôi vô cùng xúc động, mắt ướt tay cứ ghi cho hết những điều Bác dạy, vì đây cũng là lần thứ nhất trong đời hoạt động của tôi được đi dự một đại hội đông đảo thế này mà lại được gặp Bác. Từ buổi đầu tiên gặp Bác ở Quảng trường Ba Đình ngày 02-9-1945 đến nay, đứa cháu gái của Bác đã tự cảm thấy mình đã trưởng thành về nhiều mặt. Từ một cô học sinh hăng hái bồng bột nhưng còn rất ngốc nghếch, nay tôi đã trở thành một cán bộ phụ nữ có đôi chút kinh nghiệm, một đảng viên vài tuổi Đảng. Dù sao, cháu vẫn là người con gái Thủ đô, xin hứa với Bác quyết giữ vững lời thề ngày Độc lập năm xưa.

Sau Đại hội, tôi nhận được quyết định trở về Hà Nội công tác. Tôi rất sung sướng. Nhưng ngày lên đường từ giã Việt Bắc, nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng ở, nơi mà tôi đã sống trong tình thương yêu của bạn bè đồng chí để về xuôi, trở về sống trong vùng tạm bị địch chiếm, tôi cũng thấy nao nao, xúc động.

Trước đây, tôi tưởng mình sẽ trở lại Hà Nội cùng anh em bộ đội chiến đấu để giải phóng Thủ đô và sẽ bước đi qua các phố giữa tiếng hoan hô của nhân dân. Nhưng không, bây giờ tôi lại phải đóng vai một người “hồi cư” về với gia đình để chữa bệnh. Sau đó làm một nghề gì, dạy học tư, đan len, sống hợp pháp, che mắt địch để bí mật gây cơ sở, vận động phong trào phụ nữ. Cuộc chiến đấu của tôi với kẻ địch bây giờ không phải “quyết tử” bằng súng ống mà âm thầm, sống hoạt động bí mật trong sự che chở đùm bọc của nhân dân Hà Nội.

Trong tâm trí người Hà Nội không bao giờ phai mờ hình ảnh Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình. Qua những câu chuyện thì thầm, người ta hỏi thăm nhau Bác sống ra sao, sức khỏe Bác thế nào? Tôi rất muốn khoe là tôi vừa được gặp Bác ở Đại hội phụ nữ. Nhưng đâu dám. Tôi thường chỉ trả lời: Tôi nghe kể lại v.v..

Một hôm, chị Xuân, một người bạn cũ của tôi, buồn rầu kể chuyện là đang dạy học ở vùng tự do, phải theo bố mẹ về đây. Anh chị vẫn đi bộ đội ở ngoài ấy. Chị cho tôi xem một tập ảnh gia đình và cuối cùng rút ra một tấm ảnh Bác, để giữa hai lần giấy cứng của bìa sách. “Bác vẫn ở trang đầu tập ảnh của gia đình tôi”. Chị nói vậy.

Tôi cũng có một tập ảnh - vật quý nhất trong tất cả các tài sản nhỏ bé đựng trong chiếc balô của tôi - trong có một chiếc ảnh Đại hội phụ nữ. Tập ảnh tôi giữ gìn, đem từ Việt Bắc về, nhưng cuối cùng phải để lại cho bạn giữ hộ ngoài vùng căn cứ vì không thể mang vào đây được. Tôi ngắm nhìn Bác, cảm động vì lâu quá cũng không được thấy ảnh Bác. Cảm động hơn nữa là hiểu được lòng người dân ở đây, vẫn ngày đêm nhớ Bác, vẫn giữ gìn tấm ảnh Bác như vật gì quý báu nhất của đời mình.

Xuân còn cho biết có người bạn đã cắt được những tấm ảnh Bác trên báo Cứu quốc cũ năm 1945 - 1946, trước khi bố mẹ cô đem đốt báo đi. Thế là từ chuyện tấm ảnh Bác, chúng tôi nói đến kháng chiến, đến cách mạng. Dần dà Xuân đã trở thành một cơ sở đáng tin cậy. Chị liên hệ với một nhóm cảm tình tham gia quyên tiền ủng hộ bộ đội, tham gia chống bắt lính. Đến khi chúng tôi ra tờ báo Phụ nữ Thủ đô viết tay in bằng thạch, thì đã có lần tôi nhờ Xuân tô lại hình ảnh Bác để đưa vào một số tờ báo kỷ niệm ngày 19-5-1953.

Ngày sinh nhật Bác, ngày Độc lập 02-9, bấy giờ chúng tôi không tổ chức treo cờ, rải truyền đơn như trước kia nữa. Nhưng thường có những cuộc họp mặt ăn kẹo, uống nước chè nói chuyện về Bác, về chiến sự. Có những gia đình cơ sở tổ chức kỷ niệm dưới hình thức ngày giỗ, ngày sinh nhật con trai, ngày ăn hỏi con gái, v.v.. Mẹ Thuận, con gái làm công nhân hãng dệt Cự Doanh, con trai đi kháng chiến, thắp vài nén hương cầu trời, cúng Phật cho “Cụ Hồ được mạnh khỏe, sống lâu” để cách mạng chóng thắng lợi, gia đình được sum họp.

Xa xôi cách trở, bà con vẫn nghĩ Bác sống ở núi rừng Việt Bắc tuổi già liệu có khỏe không, chắc vất vả nhiều lắm. Chị em lao động, buôn thúng bán mẹt tuy làm ăn vất vả, chạy ngược chạy xuôi mới đủ nuôi gia đình nhưng vẫn cố dành tiền mua quà gửi biếu Bác, tặng bộ đội. Có lần chị Thúy Hạnh báo tin cho tôi là chị em ở chợ Đồng Xuân đã mua gửi ra vùng tự do năm mét lụa tơ tằm để chuyển lên Việt Bắc kính biếu Bác.

Và sung sướng biết bao đến ngày lễ mừng Giải phóng Thủ đô, tôi lại được nhìn thấy Bác tại Quảng trường Ba Đình, cũng như ngày 02-9 năm xưa, nhưng lại khác xưa bao lần. Những con người đang đứng ở đây, kể cả tôi, đã thay đổi, già dặn lên bao nhiêu sau chín năm trường kỳ kháng chiến. Đội ngũ của ta lớn mạnh thêm rất nhiều. Uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, của Đảng, của Bác đã vang lừng trên thế giới.

(Dương Thoa, trích từ cuốn sách: Nước non bừng sáng,
Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1975).

Khánh Linh (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.3, tr.555.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.557.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.240.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.35-36.

Bài viết khác: