66. Công tác đặc biệt
Đêm ấy, gió mùa đã bớt, không mưa, tiết trời vẫn lạnh, nhưng đêm tối như bưng. Đó là một đêm lỷý tưởng với lối đánh đặc cộng. Trung đoàn 426 chúng tôi đóng tại xã Trung Văn (Từ Liêm) được lệnh đón Bác về thăm và xem bộ đội đặc công diễn tập. Thao trường là toàn bộ khu sân bóng chuyền của Trường Dân tộc Trung ương, lồng lộng gió thổi.
Bác ngồi giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giọng Bác ấm áp, thân mật:
- Bác đã có mặt, các chú cứ theo chương trình mà thực hiện.
Pháo sáng bay vọt lên trời phát lệnh buổi tổng diễn tập bắt đầu. Ánh đèn pha cộng với pháo hiệu xanh đỏ thi nhau bùng lên, đẩy màn đêm dãn xa nhằm phát hiện đối phương, bảo vệ căn cứ. Các kiểu rào kẽm gai giăng kín. Mặt bằng thao trường nom rõ từng ngọn cỏ. "Đối phương" sẽ tiềm nhập căn cứ theo hướng này đây.
Bác ngồi yên theo dõi.
Tôi hồi hộp với tâm trạng vui lo khó tả. Vui là kỹ thuật tiềm nhập của anh em vận dụng đêm nay thật tốt. Đến giờ vẫn không một động tĩnh, không một dấu hiệu gì lộ liễu cả. Chỉ một sơ suất nhỏ về kỹ thuật ngụy trang, trườn, toài cũng có thể bị phát hiện dưới ánh đèn pha chiếu rọi. Còn lo là làm sao nhận ra được ký hiệu các mũi tiềm nhập khi vào gần đến chỗ Bác ngồi để kịp thời ra lệnh chuyển đoạn tập.
Cho đến khi nhìn đủ các mũi tiềm nhập đã vào đến vị trí quy định qua các tín hiệu, tôi sung sướng ra lệnh:
- Thôi tập!
Đội quân tiềm nhập bất thần đứng bật dậy khắp sân bóng và ngay dưới bậc thềm nơi Bác ngồi.
Bác ngạc nhiên, tôi thấy rõ mặt Bác sáng lên tỏ vẻ hài lòng qua nụ cười tán thưởng. Bác vỗ tay. Mọi người ào lên vỗ tay theo Bác:
Bác khen:
- Phép tàng hình của các chú thật đặc biệt!
Để đáp lời động viên của Bác, tôi ra lệnh cho đơn vị:
- Nằm xuống!
Sân tập trở lại vắng lặng, không một dấu vết, một hoạt động nào khả nghi có người. Tiếng trầm trồ khen ngợi của khách tham quan lại nổi lên. Bác cười vui:
- Cho Bác xuống tận nơi xem phép tàng hình của các chú có gì đặc biệt, thoắt ẩn thoắt hiện mà không ai hay.
Anh Cao Pha, cán bộ Cục nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu, đến gần đỡ Bác qua bậc thềm cao xuống sân. Sợ Bác bước lên mình các chiến sỹ đang nằm bất động khắp sân, tôi vội cho đèn pha chiếu rọi thẳng vào chỗ Bác đi mà vẫn không ai thấy chiến sỹ ta nằm đó. Bác dừng lại biểu dương:
- Kỹ thuật ngụy trang của các chú rất giỏi!
Tôi vô cùng phấn khởi, liền lệnh cho một chiến sỹ nằm sát chân Bác, đứng dậy.
Với động tác dứt khoát, một chiến sỹ bật lên, tư thế đứng nghiêm ngay trước Bác. Anh người tầm thước, béo lẳn, ở trần, toàn thân được bôi một lớp đất đúng màu đất nơi tập. Nét mặt anh lạc quan, kiên định nhưng không giấu nổi niềm xúc động, lúng túng vì không ngờ được ra mắt Bác. Bác đến gần chiến sỹ đang ở trần, vừa khen ngợi, vừa quay hỏi chúng tôi:
- Có cách nào chống giá lạnh cho chiến sỹ cả lúc tập luyện và khi chiến đấu không?
- Báo cáo Bác, chúng cháu đang tích cực nghiên cứu...
Tại cuộc họp mặt sau đó, Bác nhấn mạnh từng ý về nhiệm vụ, trách nhiệm của binh chủng. Giọng Bác đầm ấm:
- Đặc công là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt.
Tư tưởng chỉ đạo của Bác đã trở thành phương hướng xây dựng và chiến đấu của Binh chủng Đặc công ngay từ ngày thành lập cho tới nay. Lời Bác dạy đêm ngày 19-3-1967 ấy, mãi mãi khắc ghi sâu trong tâm trí chúng tôi.
(Theo Thiếu tướng Tư Cường, trích trong "Người cha thân yêu")
67. Dù có B52, B57 hay "bê" gì đi nữa, ta cũng đánh
Ngày 25-6-1965, quân và dân Thủ đô lập chiến công đầu tiên: Bắn rơi một máy báy F4. Sau đó ít ngày, Bác đến thăm Đại đội 1 bảo vệ Thủ đô - đơn vị đã lập chiến công ở chiến trường miền Tây và bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Tới đơn vị, Bác nhanh nhẹn bước vào hầm pháo. Bác hỏi thăm từng người và cầm lấy chiếc mũ sắt từ tay đồng chí khẩu đội trưởng. Bác sửa quai mũ rồi đưa lên đầu đội thử và nói:
- Chiếc mũ này đội để chiến đấu rất tốt.
Bỗng Bác hỏi:
- Ở đây chú nào bắn rơi máy bay Mỹ?
- Thưa Bác, chúng cháu đều bắn rơi và là thành tích của tập thể ạ!
Bác gật đầu:
- Đúng! Không phải mình chú bắn mà còn nhiều đơn vị bạn và nhân dân cùng bắn.
Đi qua một khẩu đội khác, thấy hầm pháo có nước, Bác nhắc đơn vị phải lo tát nước và chú ý ngụy trang. Khi Bác quay ra trận địa thì bộ đội đã tập trung đầy đủ đang chờ Bác. Với giọng nói ấm áp, Bác vui vẻ nói:
- Hôm nay Bác đến thăm các chú, thấy chú nào cũng mạnh khỏe, hăng hái, Bác rất phấn khởi. Sau đây, Bác dặn các chú vài điều tóm tắt. Giặc Mỹ leo thang ở miền Bắc, còn ở miền Nam chúng đang tăng thêm quân, thêm súng - Bác dừng lại và hỏi - Có chú nào sợ không?
Bộ đội cùng trả lời:
- Không sợ ạ!
- Bác nói tiếp:
- Đúng! Nó đưa thêm chừng nào, ta diệt thù chừng đó. Phải nhận định rằng: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B52, B57 hay "Bê" gì đi nữa, ta cũng đánh!
Từng lời nói của Bác thấm sâu vào lòng mọi người. Hàng trăm con mắt cứ sáng lên, chăm chú nhìn chòm râu, mái tóc bạc phơ của Bác. Bác dừng lại và hỏi:
- Các chú có quyết tâm không?
Bộ đội hô to:
- Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!
Bác liền đưa tay lên, chìa ra từng ngón, vừa nói vừa nhấn mạnh từng điểm:
- Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược phải thể hiện ở tinh thần dũng cảm và đánh thắng liên tục, đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn. Đã có quyết tâm thì phải đánh giỏi, đánh tiêu diệt. Quyết tâm của con người phải truyền qua súng, phải biến quyết tâm ấy vào việc rèn luyện kỹ thuật cho thật giỏi để bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch và tiết kiệm đạn...
Đơn vị được Bác đến thăm hôm đó, sau này được Quốc hội, Chính phủ tuyên dương Đơn vị Anh hùng, là một trong những đơn vị anh hùng đã bắn rơi tại chỗ chiếc RA5C của giặc Mỹ trên đường phố Lê Trực, Hà Nội ngày 19-5-1967, lập công mừng thọ Bác 77 tuổi.
(Trích trong "Bác của chúng ta"
68. Bức tranh quê dâng Bác
Còn đang sắp xếp xem nên báo cáo với Bác như thế nào cho ngắn gọn, cụ thể, sáng rõ về tình hình sản xuất lương thực, thực phẩm, mức giao và khả năng đóng góp nghĩa vụ của Hà Nội, thì bên tai tôi vang lên giọng nói trầm ấm thân tình:
- Chú Dương lại về Hà Nội đấy à?
Dẫu bận trăm công ngàn việc, tiếp xúc với biết bao nhiêu người vậy mà Bác không quên, Bác vẫn nhận ra người cán bộ đã từng làm Bí thư tỉnh Hưng Yên cũ. Cố ngăn dòng cảm xúc đang dâng trào trong lòng, tôi từ tốn đáp:
- Thưa Bác, Trung ương điều cháu về Hà Nội phụ trách khối ngoại thành. Cháu nhận công tác mới gần được một năm thôi ạ.
Đã lâu không được gặp Bác, niềm vui sướng nay bất ngờ lại đến. Tôi ngắm nhìn không chán mắt vầng trán rộng thanh cao, cặp mắt sáng hiền từ và nụ cười đôn hậu luôn thấp thoáng trong chòm râu bạc trắng như tơ của Người. Giọng Người ấm áp lạ thường. Người hỏi thăm tình hình Hưng Yên, quan tâm đến chuyện học tập của tôi ở Trường Nguyễn Ái Quốc và không quên thăm hỏi từng người thân trong gia đình bé nhỏ của tôi. Rồi trong không khí thân mật, cởi mở ấy, Người chuyển sang hỏi han công việc mà tôi đang phụ trách, theo dõi, chỉ đạo...
Sau ngày tôi lên báo cáo với Bác mấy tháng, và dịp Tết âm lịch năm 1963, Bác về thăm xã Huỳnh Cung (huyện Thanh Trì), là xã dẫn đầu trong phong trào đóng góp nghĩa vụ lương thực và thuế nông nghiệp cho Nhà nước. Bác ghé thăm một số gia đình, hỏi công việc đồng áng, quan tâm đến cả nồi bánh chưng, cân thịt lợn và không khí vui Xuân của từng nhà.
Nghe tin Bác về, từ trong các xóm ngõ quanh co túa ra từng tốp các cụ già vừa đi vừa sửa khăn áo; các cháu nhỏ chạy chân sáo miệng reo hò, có cháu chỉ có một chiếc dép... Đình làng bây giờ đông nghịt những người. Ánh mắt hiền hậu của Bác nhìn tới đâu, ở đấy sự thì thào lắng xuống. Chợt ánh mắt tươi cười ấy dừng lại ở một thanh niên mặc comlê thắt cavát.
- Chú ở đâu về thế? Bác hỏi.
- Thưa Bác, cháu học ở Liên Xô về. Nghe tin Bác về thăm xã cháu...
- Học về cháu định làm gì để phục vụ nhân dân để tất cả bà con nông dân ăn mặc như cháu; dân ta còn khổ quá, còn rách quá!
Nghe Người nói vậy tôi cũng như hàng trăm người có mặt sớm đó không khỏi suy nghĩ. Phải làm gì để Bác vui lòng, để xứng đáng với cương vị công tác hiện nay của tôi - Phó chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố, phụ trách toàn bộ mảng nông nghiệp. Trách nhiệm ấy quả không nhẹ nhàng. Và mọi thử thách còn đang ở phía trước.
Ở độ cao 11 mét so với mực nước biển, độ ẩm rất thấp, nên Đông Anh là một huyện đất đai bạc màu cằn cỗi. Cây lúa, cây ngô cấy xuống cứ nghẹn lại vàng ệch, khát khao từng giọt sương đêm. No ấm hạnh phúc, trù phú sao được khi mà:
Đồng ta trước cấy một mùa,
Mười năm đại hạn thiêu khô cả mười.
Trước ngày sáp nhập vào địa phận Hà Nội, năm 1957 Đông Anh giành lá cờ đầu trong phong trào chống hạn cứu lúa của tỉnh Vĩnh Phúc cũ. Chống hạn - vắt đất ra nước - là công việc quan trọng hàng đầu mà Huyện ủy và nông dân Đông Anh không một phút giây sao nhãng. Ở xã Việt Hùng, thanh niên đã nạo vét 360 cái ao, chuôm để trữ nước. Nông dân Đại Độ (Việt Thắng) đã lăn lộn đêm ngày khơi bằng được hai con mương lấy nước sông Hồng để cứu lúa... Vất vả là thế, khó nhọc là thế, đâu đâu cũng dốc sức chống hạn nhưng ruộng vào vụ cấy vẫn nứt nẻ, khô héo. Vụ chiêm xuân 1963 có nguy cơ thất bát. Thế mà, vào mùa nước cạn con sông Hồng vẫn còn 3 mét nước, hờ hững chảy ngay bên sườn Đông Anh. Không lẽ cứ trông vào ân sủng thất thường của ông xanh?
Khi Sở Thủy lợi đưa ra phương án xây dựng hệ thống thủy nông Đại Độ - Tằng Mi, lấy nước sông Hồng tưới mát cho đồng ruộng Đông Anh thì người nông dân vui mừng như được tái sinh. Đã từng gối đất nằm sương với nông dân Hưng Yên xây dựng công trình Bắc - Hưng - Hải đem nước về tắm mát cho hoa màu, tôi thấu hiểu và cảm thông với nỗi khát khao được có nước bạc, nước vàng của người dân vùng Thành Ốc. Chính vì lẽ đó, mà đồng chí Bí thư Thành ủy và tôi hoàn toàn ủng hộ phương án xây dựng hệ thống thủy lợi này. Phải làm tất cả để cứu hơn 15.000 hécta đất nông nghiệp của Đông Anh thoát khỏi sự de dọa của thiên tai từ bao đời.
Căn cứ vào kết quả điều tra thổ nhưỡng - ở độ sâu 20 mét - dưới lòng sâu Đại Độ vẫn là đất sét. Trạm bơm chính được đặt ở đây, cao sừng sững với tòa nhà lầu đẹp đẽ. Sẽ không thể xảy ra một tai họa Mai Lâm thứ hai, như nhiều người lo ngại. Dòng nước sông Hồng màu mỡ, mát rượi sẽ được bơm lên tỏa về các mương máng mang lại sức sống mới cho mảnh đất khô cằn, xác xơ này. Nơi khát khao dđược nhìn thấy màu xanh mỡ màng của lúa, của khoai là động lực thu hút và trở thành sức mạnh lao động miệt mài, khẩn trương suốt 15 tháng ròng của hàng nghìn người dân 23 xã thuộc Đông Anh. Quyết tâm ấy càng được nhân lên gấp bội khi Bác Hồ về trồng cây đầu Xuân với nhân dân Đông Anh, vào lúc công trình xây dựng đang ở giữa những ngày nóng bỏng nhất, sôi sục nhất, ngày 03-02-1963.
Lời Bác nói càng củng cố lòng quyết tàm và truyền đến cho hàng nghìn người niềm tin thắng lợi: "Hồi ta đánh giặc Pháp, Nhật có tàu bay, xe tăng, ta phải đổ máu mà vẫn đánh được. Bây giờ chống hạn tuy có khó khăn, nhưng không phải hy sinh thì có lẽ nào ta lại không thắng hạn". Từng câu, từng chữ vang vọng, đọng lại trong mỗi người và không biết tự khi nào, được chuyển thành những vần ca dao, truyền đi khắp công trường:
Xưa kia kháng chiến gian nan,
Tay không mà vẫn đánh tan quân thù.
Lẽ nào chống hạn bây giờ,
Tay gầu, tay cuốc, lại thua giặc trời.
Những ngày chỉ đạo công việc xây dựng trạm bơm, tôi lo lắng mất ăn mất ngủ. Người gầy rộc đi. Có khi hàng tuần không về qua nhà. Mỗi khi có một khó khăn đột ngột, tưởng không thể vượt qua được, thì ký ức của tôi lại vang vọng những lời của Bác, khi Người về thăm bà con Hưng Yên chống hạn. Người hỏi bà con "Tổ quốc là gì?". Khi nghe được câu trả lời "Tổ quốc là đất nước tôi", Người nói: "Đúng! Tổ quốc là đất nước. Yêu Tổ quốc tức là phải làm cho đất nước giàu đẹp. Muốn đất nước giàu đẹp thì phải làm thủy lợi". Lời Bác động viên nâng đỡ tôi rất nhiều. Chính vì biết phối hợp nhịp nhàng với Sở Thủy lợi là cơ quan chịu trách nhiệm thi công, với Huyện ủy Đông Anh để huy động nhân lực, nên tiến độ thi công của công trình thuỷ nông Đại Đội - Tằng Mi đã về trước kế hoạch một năm hai tháng, tiết kiệm cho công quỹ hơn một triệu đồng.
Tôi nhớ mãi ngày cắt băng khánh thành công trình này. Dòng nước màu hồng đẹp đẽ tuôn chảy theo những bờ kênh mương mới đào đắp, len lỏi, róc rách, giải khát cho những cánh đồng suốt từ Đại Độ (Việt Thắng) qua Kim Chung, Hải Bối, Tiên Dương, Đại Mạch... đến Nam Hồng. Nước chảy tới đâu, ở đó vang lên rộn rã âm thanh của trống, phách, thanh lạ,… Những giọt nước mắt sung sướng chảy dài trên má các bà, các mẹ, các chị đã từng còng lưng vét từng gầu nước chống hạn.
Tôi cũng không ngăn được những xúc động, những ý nghĩ cứ ùa đến: "Đây chính là một điểm nút, công trình thuỷ nông này sẽ mở ra một trang đời mới mẻ cho huyện Đông Anh. Hiểm họa hạn hán đã lùi xa. Từ đây, làng đất sẽ đêm ngày rì rào chuyển động, sinh sôi, hoa trái sẽ tốt tươi; mỗi gương mặt người cần cù sẽ rạng rỡ nụ cười". Và người nông dân, một nắng hai sương - chính là những người đã vẽ lại bức tranh quê hương dâng lên Bác, vị lãnh tụ luôn quan tâm đến thủy lợi, quan tâm đến đời sống của nhà nông.
Nước về tưới mát ngô khoai,
Đất vui đất nhảy lên hai ba vòng,
Bác ơi, chắc Bác vui lòng.
Công trình thủy nông ấy sau được đổi tên thành Ấp Bắc - Nam Hồng.
(Trần Duy Dương kể, Mai Doanh ghi, trích trong "Bác Hồ với nông dân Hà Nội")
Thanh Huyền (tổng hợp)