55. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ Hà Nội
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội là nơi Người đã ở và làm việc lâu nhất và cũng là nơi Bác dành sự quan tâm săn sóc hết sức đặc biệt. Bác luôn luôn mong "Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa", "Đảng bộ Thủ đô Hà Nội phải phấn đấu thành Đảng bộ vững mạnh".
Ngày 25-4-1959, tại Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội, Người ân cần căn dặn: "Thủ đô Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Muốn như thế mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan, mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội.
... Số phụ nữ là đảng viên còn rất ít, cần phát triển thêm. Tóm lại, cần củng cố và phát triển đảng - cố nhiên là thận trọng - thành phần công nhân, nông dân, phụ nữ, đồng thời cũng chú ý phát triển thành phần khác như lao động trí óc.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Hà Nội lần thứ II (ngày 01/01/1961), Bác đến nói chuyện và khuyên nhủ: "Nói chung, số đông cán bộ ta đều tận tụy, đều cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Nhưng vẫn còn một số bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc, do đó mà phạm nhiều sai lầm, khuyết điểm. Vài ví dụ: Đối với nhân dân thì quan liêu, mệnh lệnh, xem thường pháp luật, không tôn trọng quyền lợi của nhân dân (như có khi khám xét nhà mà không báo trước cho chủ nhà). Tự tiện ra mệnh lệnh lung tung (như bán bánh ngọt không cho người mang bánh về nhà, bắt người ta ăn tại chỗ).
Đối với tập thể thì kèn cựa địa vị, tính thiệt suy hơn, chỉ hỏi Đảng và Chính phủ đã làm gì cho mình, không tự hỏi mình đã làm gì có lợi ích cho nhân dân, cho xã hội.
- Đối với của công thì lãng phí, tham ô, ở các xí nghiệp và các hợp tác xã nhiều nơi đều có hiện tượng xấu như vậy.
- Đối với bản thân thì không lo trau dồi đạo đức cách mạng, không lo học tập để tiến bộ, mà chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp hơn người khác...
Trung ương mong rằng các đồng chí có những khuyết điểm đó thì cố gắng mà sửa chữa, các đồng chí khác giúp họ sửa chữa. Chúng ta thực hiện thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình, để tiến bộ không ngừng.
Vài điều nữa cần phải chú ý:
Cần phải sắp xếp thời giờ họp và thời giờ học cho hợp lý. Hiện nay ở đâu cũng có nạn khai hội quá nhiều và quá lâu.
Đối với các Đảng bộ khu vực ngoại thành Bác khuyên nhủ: "Bác nêu kinh nghiệm là đến nơi nào thấy đời sống nhân dân được nâng cao, làng xóm sạch sẽ, đường sá đẹp đẽ, giếng nước sạch, đủ ăn, nhân dân đoàn kết, hăng hái sản xuất, phong trào học tập văn hóa khá, bán lương thực cho Nhà nước đầy đủ, nhanh chóng, phong trào trồng cây tốt, mọi hủ tục giảm dần... thì ở đó công tác Đảng khá, chi bộ vững mạnh. Còn ngược lại thì công tác của Đảng bộ, của chi bộ nơi ấy chưa tốt...".
Lời Bác dạy mãi mãi là bài học lớn cho toàn Đảng bộ Thủ đô và mỗi đảng viên chúng ta, mãi mãi có ý nghĩa thực tiễn và không bao giờ cũ cả...
(Theo báo Hà Nội mới, ngày 21-5-1980)
56. Bác Hồ đến thăm lớp vỡ lòng đình Thạch Khối, Hàng Than
Sáng thứ Tư, ngày 31/12/1959, trời hửng nắng, thời tiết ấm áp. Khoảng 10 giờ 20 phút khi lớp học buổi sáng ở đình Thạch Khôi sắp kết thúc thì bỗng có hai chiếc ôtô con lướt tới đỗ ngay trước cổng đình. Cửa xe mở. Một cụ già mặc quần áo kaki đã bạc màu, chân đi dép cao su giản dị, bước ra.
- Bác Hồ! Bác Hồ đến!
Đoàn người ùa ra, reo lên sung sướng. Bác tươi cười giơ tay chào bà con khối phố và bước nhanh vào đình. Cùng đi với Bác có đồng chí Trần Danh Tuyên, Bí thư Thành ủy và một số cán bộ khác.
Khi Bác vào lớp, các cháu reo mừng vây lấy Bác. Bác ân cần bảo các cháu về chỗ ngồi để Bác nói chuyện.
Bác hỏi thầy giáo chủ nhiệm lớp Phan Thành:
- Các cháu học có ngoan không, chú?
Cảm động và vui sướng, đồng chí Thành trả lời:
- Dạ, thưa Bác, các em ngoan ạ.
Bác hỏi tiếp:
- Các cô chú chăm sóc các cháu như thế nào?
- Dạ thưa Bác, chúng cháu chăm sóc các em chu đáo, dạy các em học tập, biết giữ gìn vệ sinh, lại dạy các em cả múa hát nữa.
Bác quay lại nói với các cháu:
- Các cháu học có giỏi không, có vâng lời các thầy, cô giáo không?
Các em vui sướng cùng đáp:
- Thưa Bác có ạ!
Bác xem sách một số em, khen các em viết chữ sạch đẹp.
Bác nói với đồng chí Thành:
- Bây giờ chú gọi một cháu lên bảng tập đọc cho Bác nghe.
Thầy Thành gọi một em trai, lên bảng, đưa thước kẻ và bảo em tập đọc bài "Ông Tý có một quả ớt đỏ". Em đọc bài xong, Bác xoa đầu và khen:
- Cháu học giỏi, Bác rất vui lòng.
Sau đó, Bác hỏi cả lớp:
- Các cháu có thích ăn kẹo không nào?
- Thưa Bác, có ạ!
Bác gọi các đồng chí đi theo lấy kẹo phân phát cho các cháu. Trong lúc các cháu ăn kẹo, Bác dặn dò các thầy, cô giáo:
- Đây là mầm non của đất nước, các cô chú phải dạy cho các cháu thật ngoan để sau này xây dựng đất nước được tốt.
Sau đó Bác căn dặn các cháu:
- Các cháu phải học hành thật tốt, vâng lời thầy giáo, cô giáo, về nhà vâng lời bố mẹ, không đánh cãi nhau và giữ gìn vệ sinh cho sạch sẽ. Bác mong các cháu đều trở thành cháu ngoan của Bác Hồ.
Bác bảo các cháu hát cho Bác nghe. Các cháu cùng nhau hát bài "Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh".
Các cháu hát xong, Bác vỗ tay khen, mong các cháu học giỏi, hát hay, múa khéo cho vui lòng các thầy, các cô. Sau khi thăm lớp, Bác bảo các thầy giáo đưa Bác đi xem chỗ uống nước và nơi đi vệ sinh của các cháu.
Bác ân cần dặn dò:
- Các cô chú phải cho các cháu uống nước nóng để giữ gìn sức khỏe. Chỗ đi vệ sinh phải luôn luôn sạch sẽ để các cháu khỏi bị trơn ngã.
Bác đi quanh hết khu vực đình Thạch Khôi, ân cần chỉ dẫn từng việc như một người ông hiền từ đang dạy bảo cháu con.
Thời gian trôi đi rất nhanh. Bác đã ra về mà mọi người vẫn chưa hết cảm động bồi hồi.
(Trích trong "Bác Hồ với Hà Nội và những năm tháng không thể nào quên"
57. Tết ấy Bác về
Mồng một Tết năm Tân Sửu - tức ngày 05/02/1962. Như lệ thường, Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã Đông Ngạc (Từ Liêm) mời các cụ phụ lão và nhân dân ra làm lễ chào cờ tại đình.
Lễ chào cờ đã xong, mọi người vội vã ra về để cùng gia đình làm cỗ đón Xuân.
Gần 9 giờ, một chiếc xe ô tô đi từ Cổ Nhuế lên, đỗ trên đê sông Hồng. Bác Hồ từ trên xe bước xuống, giản dị trong bộ quần áo kaki bạc màu, chân đi đôi dép cao su. Người không ở đình mà nhanh nhẹn xuống dốc, đi thẳng vào xóm. Theo sau Người là đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố và một số cán bộ khác.
Tin vui Bác về rộn lên từ đầu xóm. Lúc này, cán bộ xã còn ở trên đình nghe báo vội chạy về đón Bác thì Bác đã vào tới nhà đồng chí Tấu (hồi ấy là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã).
Bác hiện ra bất ngờ quá, như ông tiên trong truyện cổ tích. Đồng chí Tấu chạy ra lúng túng chào Bác và mời Bác vào nhà. Bác dừng lại nơi ngưỡng cửa, đưa mắt nhìn khắp lượt. Thấy nhà gọn ghẽ, sạch sẽ, trên bàn thờ có đèn hương, có mâm ngũ quả. Người gật đầu rồi lại ra sân. Bác ngó vào, xem chuồng lợn. Thấy trong chuồng có đôi lợn đã lớn, tới sáu bảy mươi cân một con, Bác khen:
- Nhà chú nuôi lợn to nhỉ!
Rồi Bác quay sang hỏi bà Tấu:
- Tết năm nay nhà ta gói được nhiều bánh chưng không?
- Thưa Bác, nhà cháu gói được hai chục gộp ạ.
Bác liền cười bảo:
- Thế thì nhiều quá đấy, nhiều hơn Bác.
Cả nhà cùng Bác cười vui.
Bác lại sang nhà đồng chí Đặng Đức Miên (lúc ấy là Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Thắng - thôn Nhật Tảo). Đồng chí Miên đang chuẩn bị đèn hương trong nhà toan chạy ra đón Bác thì Bác đã vào đến giữa sân rồi.
Bác tươi cười nắm bàn tay đồng chí và hỏi:
- Chú ăn Tết thế nào?
- Thưa Bác, tạm đủ ạ!
Bác đến bên bể nước, thấy nước đục, Người hỏi:
- Sao nước đục thế này?
Đồng chí Miên vội báo cáo với Bác:
- Thưa Bác, dạo này giếng cạn quá nên nước đục ạ.
Bác bảo:
- Chú phải đánh phèn cho nước trong rồi hãy cho các cháu ăn uống đấy nhé!
Sau đó Bác hỏi chuyện chuẩn bị Tết của gia đình, sang thăm ông Phụ, rồi ra đình.
Dân làng đã kéo ra đình rất đông, có cả một số cán bộ và nhân dân trên thôn Đông Ngạc nghe tin Bác về cũng chạy xuống.
Đồng chí Miên đến bên Bác:
- Thưa Bác, xin mời Bác nói chuyện với nhân dân ạ.
Bác mỉm cười gật đầu, trìu mến nhìn khắp lượt bà con. Bác tươi cười nói:
- Hôm nay Bác về thăm và chúc Tết các cụ phụ lão, các cô, các chú xã viên, các cháu thanh niên, nhi đồng trong xã Đông Ngạc. Bác nghe tin Đông Ngạc thi đua sản xuất giỏi, ra sức chống hạn, đã cấy xong hết diện tích trước Tết lại làm tốt việc bán lương thực, thực phẩm cho Nhà nước, như thế là tốt. Bác mong Đông Ngạc giữ mãi thành tích đó và tiến lên hơn thế nữa. Nhân dân Đông Ngạc có đồng ý với Bác vậy không?
Mọi người đồng thanh đáp lại: "Vâng ạ!" và cùng vỗ tay.
Ngừng một lát, Bác ân cần nói tiếp:
Bác khuyên các cô, chú động viên nhân dân ra sức làm thủy lợi cho tốt để chống hạn, làm thủy lợi năm năm thì sung sướng muôn đời. Hãy động viên nhân dân chăn nuôi nhiều lợn hơn nữa. Vừa có thịt ăn, lại có nhiều phân bón ruộng thì lúa mới tốt.
Rồi như chợt nhớ ra đôi lợn lai kinh tế ở chuồng nhà đồng chí Tấu, Bác bảo:
- Ở đây các cô, các chú nuôi lợn giỏi đấy!
Rồi Bác dặn mọi người trồng cây. Một là cây ăn quả, hai là cây xoan để lấy gỗ làm nhà. Phải đẩy mạnh phong trào trồng cây hơn nữa.
Nói về phong trào vệ sinh, Bác dặn dò:
- Các cô, các chú phải vận động nhân dân đào thêm nhiều giếng nước. Nếu nước đục phải đánh phèn cho trong rồi hãy dùng.
Bác hỏi một cán bộ đứng bên:
- Đây là Hợp tác xã Đại Thắng phải không?
Mọi người đứng bên cùng thưa:
- Thưa Bác, vâng ạ!
Bác nói vui:
- Đại Thắng nhưng đừng để dân toét mắt đấy!
Mọi người cùng cười theo Bác trong không khí đầm ấm. Kết thúc cuộc nói chuyện, Bác chúc Tết nhân dân và bảo: "Hãy cố gắng làm tốt những điều Bác dặn".
Bác vẫy một cán bộ lại gần, lấy trong túi xách ra một gói kẹo và bảo:
- Chú chia cho các cháu. Còn thừa thì chú hưởng.
Mọi người nhìn nhau, chưa kịp cảm ơn và chào Bác thì Bác đã nhanh nhẹn ra xe.
Xe từ từ chuyển bánh. Bác giơ tay vẫy chào mọi người. Bà con Đông Ngạc trông theo mãi cho tới khi xe của Người khuất hẳn.
Kể từ ngày Bác về thăm đến nay, Đông Ngạc vẫn đứng loại khá về sản xuất nông nghiệp của huyện Từ Liêm. Là một hợp tác xã vùng lúa, nhờ bỏ nhiều công sức của nhiều năm làm thủy lợi, kiến thiết đồng ruộng, kỹ thuật làm mạ giỏi (gieo mạ thẳng) năm nào, vụ nào Đông Ngạc cũng cấy kịp thời vụ, nhiều năm dẫn đầu về năng suất lúa, làm xong nghĩa vụ lương thực, được hưởng nhiều Bằng khen của huyện, thành phố và Chính phủ.
Về chăn nuôi, Đông Ngạc là nơi nuôi lợn giỏi, có phong trào Đàn lợn trăm cân vào loại nhất nhì trong huyện.
Sau buổi Bác về, Hợp tác xã vận động xã viên trồng hàng dừa xung quanh chiếc ao lớn giữa làng để luôn nhớ Bác. Năm nào, công tác trồng cây cũng được chú trọng. Hầu như nhà xã viên nào cũng có một vườn cây nho nhỏ gồm táo, bưởi, hồng xiêm... Trên các con đường làng rợp bóng xoan, lim trắng, bạch đàn...
Số dừa thu hoạch được dành cho các cháu ở nhà trẻ. Các nhà trẻ ở Đông Ngạc đều là những nhà trẻ tiên tiến.
Vườn thuốc Nam do trạm xá phụ trách, tự chế biến thuốc dùng thông thường như thuốc cảm cúm, thuốc ho, thuốc đau bụng.
Ngày Bác về, cả xã Đông Ngạc chỉ có hơn 10 cái giếng nước ăn. Đến hôm nay đã có trên 200 cái. Ba công trình vệ sinh: Giếng nước, nhà tắm đã được đưa vào từng gia đình. Trước kia chỉ có 15% số gia đình có nhà ngói. Đông Ngạc đã dành một số lao động làm gạch ngói để cung cấp cho xã viên. Bây giờ hầu như nhà nào cũng xây gạch ngói khang trang.
Là một xã nhỏ của huyện Từ Liêm, từ nghèo nàn lạc hậu, sau 28 năm làm theo lời Bác, Đông Ngạc trở thành xã sản xuất lúa, chăn nuôi, làm nghề thủ công giỏi. Đời sống xã viên khá, tích luỹ tập thể nhiều, nhà trẻ, trường học khang trang, ngõ xóm sạch sẽ. Nhớ Bác, nhớ lời Bác căn dặn hôm nào, mỗi người dân Đông Ngạc đều muôn góp phần nhiều hơn để xây dựng quê hương, để Bác yên lòng nghỉ giấc ngàn thu.
(Thanh Hà, trích trong "Bác Hồ với Nông dân Hà Nội")
Khánh Linh (tổng hợp)