82. Bác Hồ hàng ngày quan tâm đến đời sống của Thủ đô ta
Một ngày giáp Tết năm 1956 - cái Tết thứ hai sau ngày hòa bình lập lại - Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với Ủy ban Hành chính Hà Nội.
Trong câu chuyện, điều đầu tiên Bác hỏi đến là: Trong thành phố hiện nay có bao nhiêu gia đình cần cứu đói, bao nhiêu gia đình chưa có bánh chưng ăn Tết v.v..
Chúng tôi báo cáo lại con số và cũng chưa thật tin chắc rằng con số ấy đã đúng lắm, thì Bác đã dặn dò thêm. Bác nói đại ý: "... Các chú phải kiểm tra lại thật kỹ quyết không để sót một gia đình nào đói. Trước đây, nhân dân ta sống cực nhục dưới ách đế quốc và phong kiến; bây giờ hòa bình lập lại rồi, việc đầu tiên là phải lo cho nhân dân no ấm, đừng bao giờ để người ta phải tủi nhục và nhớ đến cuộc đời cũ...".
Và hàng năm, cứ mỗi lần giáp Tết, Bác lại nhắc đến danh sách những người cần cứu đói trong thành phố. Thực tế thì bản danh sách những người phải cứu tế mỗi năm một ít dần đi, cho đến gần đây thì hoàn toàn không còn ai nữa. Nhưng không phải Bác chỉ nghe riêng báo cáo. Bác thường nói: "Mười lần nghe báo cáo không bằng một lần đến thực tế".
Bác đã xuống xã Tiến Bộ kiểm tra lại tình hình vào dịp Tết năm 1957. Bác vào một số gia đình bà con nông dân lao động hỏi thăm về sinh hoạt, đời sống, chúc Tết các bà con, và khi thấy gia đình nào cũng có đầy đủ bánh chưng ăn Tết, Bác mới yên tâm ra về.
Việc Bác đi thăm các xí nghiệp, hợp tác xã, khu phố, v.v. đã thành thường lệ. Có một lần, Bác đến thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội. Trong khi ở hội trường cờ hoa rực rỡ, mọi người tập trung chờ đợi Bác thì Bác vào thăm khu nhà tập thể. Bác đi vào nhà ăn, nhà bếp và thấy đường sá trong khu nhà tập thể còn lầy lội, Bác đã gặp các đồng chí phụ trách nhà máy phê bình ngay. Một lần khác, Bác thăm khu nhà tập thể của anh chị em công nhân ba nhà máy: Cao su, Xà phòng và Thuốc lá. Một số các đồng chí hướng dẫn muốn mời Bác đến những nơi đã chuẩn bị sẵn. Bác biết ý vậy, nên quay sang tôi bảo:
- Chú định bố trí phải không?
Quả thực hôm ấy tôi không hề có ý kiến "bố trí" nên trả lời ngay:
- Không ạ!
- Thế chú đi đâu tôi theo đấy!
... Và Bác đi thăm một số gia đình cán bộ, công nhân cũng như thăm nhà bếp, nhà ăn, nhà xí công cộng, ở đây, tôi càng thấy rõ và học tập ở Bác điều này: Bác đi thăm không phải vì hình thức, mà chính là muốn hiểu rõ về hoàn cảnh sinh hoạt cụ thể của cán bộ, công nhân ta.
Trong ngày hôm ấy, anh em rất vui mừng, phấn khởi được đón Bác đến, nhưng cũng không ít người ngại ngùng vì Bác đã biết rõ những sinh hoạt luộm thuộm, bừa bãi của bản thân, của gia đình mình. Bác rất chăm đọc báo. Tuy bận rộn trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn thu xếp thời gian đọc tất cả các báo hàng ngày (không kể các báo ngoại quốc). Bác rất chú ý theo dõi những tin vẫn xảy ra trong thành phố hàng ngày, nhất là những gương tốt, những người mới, việc mới...
Báo Thủ đô Hà Nội có đăng tin một chị ở khu Bạch Mai đẻ sinh ba, thì ngay ngày hôm sau, tôi nhận được điện của Bác báo là sẽ gửi tặng chị và ba cháu bé mấy thước lụa. Thường thường là những Huy hiệu mà Bác gửi tặng phần lớn là do Bác đọc trên báo chí mà quyết định. Tờ tuần báo Văn (năm 1956) phát hiện ở Bách Thảo gần dinh Phủ Chủ tịch có cái cột ghi tên một tên thực dân Pháp để đó đã từ lâu mà vẫn chưa xóa bỏ. Bác cắt ngay cột báo đó gửi cho tôi và ghi mấy chữ: Chú Hưng... giải quyết ngay!
... Có thể nói, Bác quan tâm rất đầy đủ và tỉ mỉ đến những điều mà ít ai ngờ tới. Lấy một thí dụ về cuộc mít tinh hôm 01/5/1961 vừa qua. Tối hôm ấy, trời sầm sập như sắp để mưa lớn. Tôi nghe Bác gọi dậy tới nơi. Bác hỏi:
- Trời mưa thì thế nào? Tôi báo cáo lại là nếu mưa to và kéo dài thì đành phải hoãn cuộc mít tinh.
Bác lại gặng hỏi thêm:
- Thế khi nào thì chú báo cho nhân dân biết?
Tôi đang lúng túng chưa biết trả lời sao, thì Bác đã dặn dò thêm về việc bố trí kế hoạch trú mưa cho nhân dân chu đáo, cũng như việc sắp xếp mít tinh nhanh, gọn, đừng để đồng bào phải chờ đợi nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe và công tác.
Nếu trước đây, trong những ngày đầu cách mạng thành công, nước nhà đang còn gặp nhiều khó khăn, Bác ngồi làm việc trong Bắc Bộ phủ, nghe một tiếng rao đêm của em bé bán hàng rong, mà ứa nước mắt nghĩ thương đến em, nghĩ cách làm thế nào để nhân dân ta được ấm no, hạnh phúc thì bây giờ đây, bà con ở Thủ đô xì xào rất nhiều về chuyện Bác Hồ ra chợ Đồng Xuân và sau đó có viết thư phê bình một cửa hàng trong chợ. Câu chuyện bà con kể ra thường được thêm thắt ít nhiều tình tiết thú vị như thường xảy ra trong những câu chuyện về lãnh tụ kính yêu. Mọi người đều tin chắc rằng những việc ấy là có thực, Bác Hồ có làm thế thực. Vì một lẽ giản dị: Bác Hồ rất thông cảm và gần gũi với hoàn cảnh sinh hoạt của nhân dân Thủ đô. Việc Bác làm không những chỉ đơn thuần Bác là một lãnh tụ đi vào quần chúng, mà thật ra Bác chính là một đại biểu ưu tú của nhân dân Thủ đô. Bác quan tâm hàng ngày, hàng giờ từ việc lớn đến việc nhỏ trong công cuộc xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
(Bác sĩ Trần Duy Hưng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố kể, đăng trên Báo Thủ đô Hà Nội, số 803 thứ sáu, ngày 19/5/1961)
83. Bốn lần Bác Hồ về thăm Nhà máy
Hôm ấy, đến thăm phòng truyền thống của Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, tôi dừng chân khá lâu trước chiếc áo rét của cụ An. Dòng chữ đề dưới chiếc áo "Bác Hồ tặng chiếc áo rét cho cụ An". Trong tim tôi rộn ràng hình ảnh của Bác Hồ kính yêu, Người đã quên mình, hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Đức độ liêm khiết và lòng trung thành tận tụy của Người được mọi người khâm phục. Nhìn chiếc áo của cụ An tôi nghĩ Bác rất gắn bó với nhà máy, gắn bó với người công nhân? Đồng chí Trần Đức Hòe, Bí thư Đảng bộ nhà máy, chỉ vào chiếc áo, giới thiệu với tôi: "Đây là lần đầu tiên Bác về thăm nhà máy chúng tôi, hồi ấy tôi mới chỉ ngoài 20 tuổi, cụ An lúc ấy trên 50 tuổi. Chúng tôi ở sâu trong rừng Việt Bắc, rét lắm, cái rét tê tái buốt như kim châm. Nhà máy được thành lập ngày 19/4/1947 ở chiến khu Việt Bắc, làm nhiệm vụ một xí nghiệp cơ khí phục vụ nhu cầu kháng chiến trong chiến khu. Những cán bộ, công nhân đầu tiên của nhà máy đã phải vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, phát huy nghị lực cao độ và trí sáng tạo linh hoạt mới xây dựng và duy trì nổi một xí nghiệp cơ khí ở rừng sâu trong điều kiện thiếu thốn của căn cứ kháng chiến.
Trong điều kiện ấy, Bác về thăm nhà máy vào đúng dịp Tết năm 1951. Bác về, gửi tặng cụ An chiếc áo, bởi cụ là người già nhất làm nghề thợ rèn nặng nhọc, vất vả nhất. Đó là kỷ niệm về tình thương rộng lớn của Bác kính yêu đối với giai cấp công nhân. Tiếp tục đi xem phòng truyền thống, đồng chí Hòe chỉ cho tôi xem tấm ảnh Bác Hồ về thăm nhà máy lần thứ hai vào ngày 17/4/1959. Nhà máy lúc này đã rời về thủ đô Hà Nội, với cơ sở vật chất khá hơn, trang thiết bị máy móc đầy đủ hơn, đội ngũ công nhân ngày một lớn lên và trưởng thành.
Về thăm nhà máy lần này, Bác đi thăm các phân xưởng sản xuất, tập hợp tất cả anh chị em công nhân ở chỗ lắp ráp thành phẩm và nói chuyện thân mật về nhiệm vụ xây dựng Tổ quốc, cải tạo xã hội chủ nghĩa, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Lần thứ ba Bác đến thăm nhà máy, gắn liền với sự kiện rất quan trọng, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo vừa chế tạo xong chiếc máy đi-ê-zen đầu tiên 20 mã lực. Với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu gian khổ của cán bộ, công nhân nhà máy. Lần đầu tiên nhà máy đã làm được sản phẩm mới, phục vụ nông nghiệp.
Lần này có hai sự kiện đáng nhớ, Bác triệu tập đồng chí Giám đốc nhà máy lên gặp Bác, báo cáo sản phẩm đầu tiên. Đối với giai cấp công nhân, Bác dìu dắt, dạy dỗ, mỗi thành tích Bác đều khen ngợi, nhưng ngay trong khi đạt thành tích đó, Bác vẫn chỉ ra những thiếu sót và luôn động viên anh chị em.
Lần này đến thăm nhà máy, Bác đến thẳng khu tập thể của công nhân vào dịp Tết 1961 (ngày 15/2/1961). Khu tập thể Nhà máy Trần Hưng Đạo nổi bật trên một khu đất lầy lội trước kia, 2 ngôi nhà 3 tầng và một số ngôi nhà 1 tầng, đủ chỗ cho 407 công nhân, cán bộ trong đó có những cặp vợ chồng mới cưới được phân ph ối cả một gian. Trong khu tập thể còn có nhà ăn, nhà trẻ, nhà mẫu giáo và bệnh xá. Nhìn vào khu nhà tập thể khang trang đó, người công nhân khó có thể quên được công ơn của Đảng, của Bác. Trong từng nhà máy, từng ngôi nhà, từng bát cơm, từng tấm áo... đều có tấm lòng của Bác. Bác với dân ta, với Đảng ta như ánh sáng mặt trời.
Lần thứ tư Bác về thăm nhà máy vào ngày 07/10/1964. Lần này Bác đi cùng với vị khách quý, Tổng thống nước Cộng hòa Ma-li, một nước ở châu Phi mới giành được độc lập. Những công nhân già đã về hưu còn nhớ rất rõ hình ảnh của Bác trên Chủ tịch đoàn, trong buổi lễ đón khách quý, khi Bác bắt nhịp cho toàn thể cán bộ công nhân hát bài "Kết đoàn".
Điều cảm động nhất trong dịp đến thăm nhà máy lần này là mối tình quốc tế vô sản. Bác chọn Nhà máy Trần Hưng Đạo với tinh thần tự lực, tự cường cao độ, có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo với ý chí cách mạng kiên cường, có thể vận dụng sự viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa để xây dựng nền công nghiệp thực sự của mình. Đây là lần cuối cùng Bác về thăm nhà máy. Tập thể công nhân Nhà máy Trần Hưng Đạo mỗi lần kỷ niệm ngày thành lập nhà máy, kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, không ai có thể quên được hình ảnh những lần Bác về thám nhà máy của mình.
Khi nhà máy còn rất đơn sơ, gian khổ, sản xuất tận trong rừng sâu Việt Bắc, Bác đến với chiếc áo tặng người công nhân. Khi nhà máy rời về thủ đô Hà Nội, Bác đến với tất cả lời dặn dò, khuyến khích công nhân vươn lên trong cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Khi tập thể công nhân Nhà máy Trần Hưng Đạo đạt được thành tích lớn, đời sống công nhân được nâng cao một mức rõ rệt, Bác lại đến với anh em, chia sẻ niềm vui thắng lợi trong sản xuất, niềm vui đi lên trong cuộc sống. Bác đến với công nhân không chỉ với tâm hồn dân tộc mà còn với cả một tâm hồn quốc tế vô sản. Giai cấp công nhân Việt Nam tự hào có Bác, một người mà cả dân tộc đã tự hào, tôn kính làm lãnh tụ cao nhất của mình, là người thầy, người cha, người Bác kính yêu nhất.
Ngày hôm nay đây đất nước chúng ta đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, một chặng đường chiến đấu không ngừng và xây dựng không ngừng. Toàn Đảng, toàn dân ta vẫn phải chăm chú theo dõi từng hoạt động của kẻ thù, những đôi tay vẫn chăm lo sản xuất để vượt qua những khó khăn về kinh tế trước mắt. Cả tấm lòng của chúng ta vẫn luôn luôn lấy hình ảnh của Bác là đường đi, là nguồn động viên vô tận của chúng ta.
(Trích trong "Kỷ niệm về Bác Hồ")
84. Thêu chân dung Bác Hồ
Năm 1970, khi Nhà nước phong danh hiệu "Nghệ nhân" lần đầu tiên, thủ đô Hà Nội có 6 người được nhận vinh dự này. Đó là ông Dương Văn Sản, nghề chạm, ông Nguyễn Văn Quẹn, nghề đúc đồng, cụ Văn An, nghề khảm trai và bác Song Hỷ, nghề thêu, làm việc ở Hợp tác xã thêu Đồng Tâm, quận Ba Đình.
Bác Song Hỷ vốn quê ở Nam Phú, huyện Phú Xuyên, một vùng có nhiều nghề thủ công nổi tiếng. Bác theo học nghề thêu từ năm 20 tuổi, dời quê hương ra Hà Nội làm ăn, rồi lại lặn lội vào tận Sài Gòn kiếm sống. Nghề thêu chẳng đủ nuôi sống bác, bác phải làm thêm nghề chụp ảnh, vẽ truyền thần. Cuối cùng lại quay trở về Hà Nội gắn bó đời mình với nghề thêu cổ truyền.
Đây là một nghề thủ công nhưng cũng là một ngành Mỹ nghệ đòi hỏi sự sáng tạo rất lớn. Nhưng đã mấy ai biết trân trọng vốn quý này.
Thủ đô Hà Nội được giải phóng, nghề thêu ren được quan tâm, các hợp tác xã thêu ren được thành lập. Bác Song Hỷ thêm được nguồn cổ vũ, vừa sáng tác, vừa tự tay thêu, vừa ra sức truyền nghề cho lớp thợ trẻ.
Bác Song Hỷ rất xúc động khi được biết Bác Hồ đã có xem tranh thêu của Bác. Chả là đồng chí Trần Quốc Hoàn có yêu cầu bác thêu ảnh chân dung một đồng chí Bộ trưởng nước bạn. Bức chân dung thêu xong, đồng chí Trần Quốc Hoàn có đem trình bày trước Bác Hồ, Bác Hồ xem kỹ bức thêu và khen: "Người thêu này tài thật, tranh thêu như có thần. Phải giữ gìn và phát triển nghề này, đừng để mất đi một vốn quý".
Được nghe nói lại, bác Song Hỷ sung sướng và cảm động lắm. Có lẽ chính Bác Hồ đã từng làm nghề chụp ảnh, rửa ảnh, vẽ trang trí trên đồ sứ nên Người dễ cảm thông và có nhận xét tinh tế về nghề thêu này như vậy.
Từ niềm xúc động đó, bác Song Hỷ quyết đem hết tài năng thêu bức chân dung Hồ Chủ tịch cỡ lớn bằng chỉ màu để tham dự triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ dân gian nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (1969). Bác còn sáng tác một bài thơ trong những ngày thêu chân dung để tự động viên, nhắc nhở mình phải thể hiện bằng được đức độ, phong thái của Người trong ánh mắt, nếp nhăn, vầng trán, chòm râu, mái tóc...
Hơn 30 năm trong nghề thêu, từng có hàng trăm tác phẩm có giá trị, quả thật chưa lần nào bác Song Hỷ thấy lòng mình rung động như khi cầm kim chỉ thêu chân dung Hồ Chủ tịch. Lột tả cho được vẻ mặt của mỗi người đã khó, với Hồ Chủ tịch lại càng khó vì Người rất vĩ đại nhưng cũng rất giản dị, gần gũi, thân thuộc với mọi người. Vốn là một người đã qua nghề nhiếp ảnh, nghề vẽ truyền thần, đã từng có cái vốn thêu trên 30 năm trong nghề thế mà khi bắt tay vào thêu chân dung Hồ Chủ tịch, bác Song Hỷ đã phải tập trung tinh thần nhìn ngắm lại thật kỹ bức ảnh chụp của Người suốt mấy ngày liền.
Suốt năm tháng ròng, cần cù nhẫn nại thêu chân dung Hồ Chủ tịch, bác Song Hỷ đã chăm chút từng đường kim mũi chỉ, cố gắng hết sức mình làm cho màu chỉ thật ăn nhau, làm cho đường chỉ không một sợi bị kênh, bị khấc. Chỉ tính riêng chòm râu của Người, bác Song Hỷ đã phải sử dụng hơn 20 loại chỉ màu khác nhau. Hoặc như gương mặt chỉ một màu hồng thôi, cũng đã phải dùng tới hàng chục loại chỉ hồng. Khi thêu xong bức chân dung Hồ Chủ tịch, mảnh lụa nền đã tháo ra khỏi khung thêu rồi, nhưng khi dựng lên đứng ngắm từ xa lại, thấy một đôi đường chỉ chưa hài hòa lắm, bác lại đóng vào, cắt bỏ mảng đó đi, thêu lại. Lắm hôm, chỉ một vài sợi râu uốn lượn còn ngượng nghịu, cũng làm cho bác mất đứt hàng ngày công để sửa lại.
Kể cho chúng tôi nghe về tâm trạng của bác khi thêu chân dung Hồ Chí Minh, người thợ già ấy chỉ trình bày có một điều suy nghĩ, rằng có Bác Hồ, có Đảng thì đời bác mới được như ngày nay, được thấy mình làm chủ bản thân mình làm chủ nghề nghiệp mình. Trong triển lãm mỹ nghệ dân gian năm đó, bức thêu chân dung Hồ Chủ tịch cùng với bức thêu chùa Một Cột của bác Song Hỷ đã làm cho những người say mê nghề thêu ren Hà Nội và cả những người chưa biết gì về nghề này vô cùng kinh ngạc và khâm phục.
Năm sau, bác Song Hỷ được phong danh hiệu Nghệ nhân. Cho tới nay, nghệ nhân Song Hỷ đã thêu gần 100 bức chân dung Bác Hồ, hàng chục bức chân dung Lênin và hầu hết chân dung lãnh tụ các nước bạn. Bác còn dành thời gian để thêu một số bức tranh nghệ thuật nữa... Mơ ước của bác là làm sao có thể giới thiệu rộng rãi hơn nữa để người nước ngoài biết đến và khâm phục bàn tay tài hoa cũng như tâm hồn phong phú của những người thợ thêu Việt Nam.
Nửa thế kỷ làm nghề thêu, tự hào với nghề mình, bác vẫn cần cù lao động, sáng tạo không mệt mỏi như những ngày đầu tiên thêu chân dung Bác Hồ.
(Theo Bùi Ngọc, trích trong "Bác Hồ với Ba Đình")
Thanh Huyền (tổng hợp)