Chỉ mục bài viết

 25. Bác chọn nhà ở trong Phủ toàn quyền

Những ngày đầu tiếp quản Thủ đô, Trung ương bố trí tạm nơi làm việc của Bác ở khu Đồn Thủy cũ (nay là Bệnh viện Hữu nghị). Ít ngày sau, văn phòng mời Bác về ở một biệt thự. Bác bảo đưa Bác đi xem nơi đó trước đã. Theo Bác hôm ấy có anh Bẩy, anh Kiên, anh Vũ Kỳ và một số đồng chí phục vụ bảo vệ Bác.

Biệt thự đó vốn là dinh của tên Toàn quyền Pháp cai trị toàn Đông Dương xây dựng những năm đầu thế kỷ XX. Thời Pháp thuộc, Phủ toàn quyền luôn được canh phòng cẩn mật, người Việt ít ai dám đến gần. Phía trước dinh là đường Hùng Vương, người và xe đi lại tấp nập. Bây giờ bên cổng sắt lớn uốn hoa văn sơn xanh tươi rói là hai chiến sĩ quân phục chỉnh tề đang đứng gác. Ngôi nhà lớn sừng sững với chiếc thềm cao có nhiều bậc đi lên. Thật xứng đáng là nơi làm việc của vị lãnh tụ đứng đầu Đảng và Nhà nước ta.

Bác dạo quanh ngôi nhà một lượt rồi nhẹ nhàng nói:

Ngôi nhà đẹp đây, nhưng Bác thấy nói có "mùi thực dân". Các chú hãy quét dọn sạch sẽ, sửa chữa có thể làm nơi vui chơi cho các cháu thiếu nhi. Bác không ở đây đâu. Đưa Bác xem những ngôi nhà khác trong khu vực này.

Chúng tôi đưa Bác qua khu vườn rất rộng ở phía trái. Không khí ở đây thật mát mẻ, yên tĩnh, xa hẳn tiếng náo nhiệt ở bên ngoài. Trong vườn có nhiều cây. Có những cây cổ thụ tán xòe rộng che rợp cả một vùng...

Bác ung dung vừa đi vừa ngắm cảnh nét mặt thư thái, ánh mắt vui vui. Đến dãy nhà trước đây dành cho những người phục dịch trong Phủ Toàn quyền, Bác dừng lại xem kỹ rồi chỉ một căn nhỏ nhất, nói:

Các chú sắp xếp cho Bác ở nhà này.

Đó là căn nhà mái bằng, cách sàn nhà hiện nay độ 30 mét, là nơi ở của người thợ điện trước kia. Có lẽ lâu ngày không có người ở, ít ai qua lại, nên cây hoang, cỏ dại phủ đầy lối di. Nhà có hai phòng, mỗi phòng khoảng 10 mét vuông. Chúng tôi biết khi Bác đã quyết định điều gì là đã cân nhắc kỹ và ít khi thay đổi, nên phải tuân theo. Chỉ một thời gian ngắn do tu sửa và Bác tự làm thêm, cảnh quan đã thay đổi khác hẳn. Con đường vào nhà được rải sỏi. Bác cho trồng hàng râm bụt chồi non lên xanh biếc. Cái ao đầy rác được nạo vét sạch bùn. Bác cho thả cá chép và trắm cỏ.

Về Hà Nội, Bác vẫn giữ nếp sống quen giản dị như hồi ở chiến khu. Bác ở đâu là nơi ấy gọn gàng, sạch sẽ. Bác luôn nhắc chúng tôi chăn nuôi, trồng rau để cải thiện bữa ăn và bao giờ Bác cũng làm trước.

Bác còn ở một phòng, còn phòng kia là nơi làm việc. Mùa đông có phần ấm áp, nhưng do mùa hè trần thấp nên buổi trưa và chiều vẫn nóng. Bác ít dùng quạt bàn. Bác dùng chiếc quạt bằng lá cọ, lấy lá cây trong vườn, ép rồi phơi khô.

Bác - vị Chủ tịch nước - đã chọn nơi ở và làm việc trong Phủ Toàn quyền cũ như thế đấy.

(Theo Phạm Lê Ninh, trích trong cuốn Nhớ mãi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1987)

26. Tết kháng chiến thứ nhất

Tết Đinh Hợi năm 1947, Bác Hồ lúc này đang ở xóm Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Bác vẫn giữ nếp làm việc đúng giờ, mặc cảnh vật xung quanh thay đổi. Cái bàn viết được kê sát giường nằm. Bác ngồi ngay trên giường thay ghế. Ba mươi Tết mà ngày vẫn hai bữa cơm độn sắn. Chiều hôm ấy đào xong hầm tránh máy bay, người lấm bẩn, mặc trời rét, anh em chúng tôi kéo nhau ra sông Tích gần nửa cây số tắm, rất vui.

Chương trình của Bác là chiều tối họp Hội đồng Chính phủ, rồi đến Đài Phát thanh đọc lời chúc năm mới đồng bào vào đúng Giao thừa.

Xe ô tô chạy một lát thì sa một bánh xuống ruộng. Trời mưa bụi, đường đất sét trơn. May ruộng nông nên xe không bị lật. Trời nhá nhem tối. Tìm được mấy bà con đốt đuốc khiêng hộ xe lên cũng mất hàng giờ. Chín giờ tối, xe mới tới Quốc Oai. Bác vào họp phiên họp tất niên của Hội đồng Chính phủ, chúc Tết và bàn định một số công việc. Mười giờ rưỡi xe đi đến Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Trời đổ mưa mau. Đường đất càng lầy và trơn.

Xe vòng qua Xuân Mai rồi rẽ quặt xuống. Gần 12 giờ đêm mới tới chùa Trầm. Đài Phát thanh đặt trong hang núi đá. Điện sáng trưng, máy chuyển ầm ầm.

Bác vào buồng thu nói trước máy. Bài thơ "Chúc năm mới":

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.                                                                                       

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!                                                                                  

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

Xong nhiệm vụ, Bác nói chuyện thân mật với anh chị em cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh. Có khá nhiều anh em, bè bạn các nước đến góp phần với Việt Nam kháng chiến, đứng cùng trong hàng ngũ chống đế quốc!

Sắp ra về thì sư cụ chùa Trầm xin "yết kiến". Sư cụ thành kính như trên khóa lễ, tay chắp, giọng run run, mắt đăm đăm nhìn Bác. Chú tiểu thành kính đội mâm bánh chưng đặt xuống giường:

- Đây là lòng thành của nhà chùa kính dâng, mong Cụ Chủ tịch thu nhận cho!

Bác cám ơn sư cụ, chúc nhà chùa sang năm mới càng ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công!

Giờ này chẳng còn nhờ được ai khênh xe. Đầu năm mới, sợ rông. Anh tài đành ngủ coi xe. Còn Bác và chúng tôi dù đường lầy lội cũng cuốc bộ về nhà để "xông đất".

Ba giờ rưỡi sáng mới tới nhà ông Khuê, nơi Bác ở. Làng xóm im lặng như tờ. Tiếng gà gáy cầm canh đâu đó.

Cái Tết kháng chiến đầu tiên của Bác Hồ như thế đấy!

(Theo Vũ Kỳ, trích trong cuốn  Những bức thư kể chuyện Bác Hồ, Nxb. Sự thật, 1985, và Tư liệu của Ban lịch sử Đảng Thạch Thất).

27. Cây Đào dâng Bác

Đã từ lâu người dân trong xã Nhật Tân, một xã trồng đào nổi tiếng muốn dâng lên Bác Hồ một cành đào do chính mình trồng để Bác đón mùa Xuân. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Ủy ban Hành chính xã đã báo cáo lên xin ý kiến Bác và được chấp thuận. Các cụ đã đi khắp bốn thôn chọn cây đào đẹp nhất và sáng ngày 28 tháng Chạp năm Bính Thân (ngày 28-01-1957) đoàn đại biểu nhân dân xã Nhật Tân đã mang cây đào lên dâng Bác.

Cây đào được đánh cả gốc, chằng buộc rất cẩn thận, trên tán được đính băng vải đỏ nổi bật dòng chữ vàng "Nhân dân lao động xã Nhật Tân kính tặng Hồ Chủ tịch". Ô tô đưa các cụ cùng cây đào đến phòng khách của Bác ở Phủ Chủ tịch. Trong lúc các cụ đang nghỉ ngơi uống nước, cánh cửa mở, Bác Hồ tươi cười từ trong nhà đi ra. Tất cả đứng dậy chào Bác. Bác mời mọi người uống nước và chuyện trò thân mật. Bác hỏi tình hình sức khỏe và đời sống nhân dân trong xã. Đồng chí Nguyễn Văn Tự, Chủ tịch xã xin phép thay mặt các cụ trả lời Bác:

- Dạ, thưa Bác sức khỏe của nhân dân trong xã được trạm y tế chăm lo. Đời sống bà con khá hơn trước, không còn cảnh ăn bữa sáng lo bữa tối, ăn đã đủ no, mặc ấm và được học hành ạ!

Bác lại hỏi: "Tết năm nay các cụ ăn Tết có to không, có phấn khởi không? Tết năm nay các cụ chuẩn bị thế nào?". Nghe trả lời xong, Bác bảo: "Các chú tổ chức cho nhân dân ăn Tết phấn khởi đấy nhưng phải nhớ tiết kiệm. Vì đất nước ta còn nghèo, lại vừa trải qua chiến tranh, còn phải làm nhiều việc lớn hơn".

Bác ngắm cây đào rồi hỏi tiếp: "Cây đào này các cụ trồng đã được mấy năm rồi?".

- Dạ thưa Bác, cây này đã trồng được ba năm rồi ạ.

- Ba năm, sao không để gốc lại, đem đánh cả gốc sang năm lấy đâu hoa để chơi nữa?

- Dạ thưa Bác, cây đào đã lớn, đem dâng lên Bác, muốn để Bác chơi được lâu nên đánh cả gốc...

Bác tặng mỗi cụ một thiếp chúc mừng năm mới của Bác. Sau đó Bác đưa cho đồng chí Tự 10 tờ thiếp và dặn:

- Chú mang về tặng các cụ cao tuổi cho Bác.

Cuối cùng Bác nói rất thân mật: "Xin cảm ơn các cụ và các đồng chí đã đem tặng tôi cây đào để tôi vui Tết. Nhưng sang năm các cụ thôi không phải đem tặng tôi nữa, tôi sẽ tự trồng cây đào này để có hoa chơi Tết".

(Theo Trần Minh Tuấn, trích trong cuốn  Những lần đón Bác, Hà Nội, 1984).

28. Một giờ bên Bác

Cuối tháng 7 năm 1969, giữa lúc nước nhà đang có bao việc lớn trọng đại phải lo, Bác Hồ của chúng ta lại lưu ý đến một điểm chưa tốt trong sinh hoạt đời thường ở Thủ đô. Đó là tình trạng nhân dân phải xếp hàng dài để mua hàng, vừa lãng phí thời gian, vừa gây lộn xộn mất trật tự đường phố.

Và tôi, được Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi lên trình bày về vận trù học, về khả năng vận dụng toán học vào công tác phân phối hàng tiêu dùng.                                        

Tôi vô cùng xúc động trước thái độ phụ trách của Bác đối với các vấn đề đời sống của quần chúng. Những ý kiến Bác phát biểu thể hiện rất rõ tất cả nỗi lo lắng của Người làm sao giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt của nhân dân Thành phố cố gắng để sự phân phối hàng tiêu dùng được công bằng, hợp lý, dân chủ và thuận tiện. Thủ tướng có nhắc lại câu nói của Bác trước đây: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng, không sợ khổ chỉ sợ lòng dân không yên".

Trong khi trình bày, có lúc tôi phải dẫn chứng cụ thể một vài thể thức bán hàng và phục vụ quá phiền phức ở một số cửa hàng của Hà Nội lúc ấy. Bác nghe, nét mặt lộ vẻ không vui. Bác hỏi dồn tôi:

- Những chuyện đó có thực không?

Và khi biết rõ sự thực đúng thế, Bác quay sang hỏi Thủ tướng và hai đồng chí lãnh đạo Bộ Nội thương và Thành ủy, Bác bảo:

- Dân chủ mà thành ra quan chủ! Hà Nội mà còn nhiều quan như vậy sao?

Tôi vẫn cảm thấy ân hận, tự trách mình có lẽ đã làm một điều vô ý thức, bởi vì từ lâu ai cũng biết Bác rất ghét bệnh quan liêu và rất phiền lòng khi chứng kiến hoặc nghe báo cáo về những biểu hiện của nó trong các cơ quan nhà nước ta. Tôi đâu biết rằng chỉ một tháng sau Bác đã ra đi và mãi mãi chẳng có thể nghe chúng tôi báo cáo lại việc làm với Bác. Khi ra về, Bác dặn dò tôi cố gắng, dường như Bác cũng nắm được những khó khăn mà người làm khoa học kỹ thuật còn gặp trong điều kiện đất nước ta lúc ấy và muốn nhắc nhở chúng tôi vì nhân dân phấn đấu vượt qua để đưa khoa học - kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống.

(Theo Giáo sư Hoàng Tụy, trích trong cuốn  Những lần gặp Bác, Nxb. Đà Nng, 1985).

29. Ở Phủ Chủ tịch một chiều Đông

Đầu buổi chiều một ngày cuối năm 1956.

Đoàn chúng tôi gồm hơn 300 đại biểu các tầng lớp phụ nữ Thủ đô, với đầy đủ các thành phần. Không ai bảo ai, bà nào, chị nào, cũng diện bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất. Gương mặt ai cũng tươi cười, hớn hở.

Qua vườn hoa Cửa Nam là phố Cột Cờ, ô tô vẫn bon bon. Trên xe, một vài chị bỗng hỏi:

- Các chị ơi! Chúng mình đi gặp Trung ương hội cơ mà, sao lại đi lối này nhỉ?

Hết phố Cột Cờ, xe đi vào con đường dẫn đến Phủ Chủ tịch, chúng tôi đã thấy các chị Nguyễn Thị Thập, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội. Đang mải ngắm mấy bức tranh treo trong phòng, bỗng phía cửa trên, Bác đã nhanh nhẹn bước vào. Chúng tôi không nén được xúc động, vỗ tay rào rào. "Bác ạ! Bác ạ!". Bác gật đầu đáp lại, vẫy tay ra hiệu cho tất cả ngồi xuống.

Chúng tôi chăm chú nhìn Bác không chớp. Bác vẫn mặc quần áo kaki giản dị như ngày nào, vẫn vầng trán cao, đôi mắt sáng, dịu hiền.

Bác nhìn chúng tôi cất giọng thật ấm áp.

- Hôm nay, Bác rất vui được gặp đại biểu phụ nữ Thủ đô. Bác biết trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phụ nữ đã góp công lao to lớn. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bảy mươi phần trăm dân công là phụ nữ.

Chị em đã gánh gạo qua những đèo cao, suối sâu, tiếp cho bộ đội ăn no, đánh thắng. Phụ nữ đã hy sinh rất nhiều trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong lòng địch, chị em phụ nữ Hà Nội đã đấu tranh từng giờ, từng phút chống kẻ địch, góp phần giải phóng Thủ đô. Đấu tranh trong lòng Hà Nội cũng anh hùng lắm chứ. Nhiều chị em đã anh dũng hy sinh.

Đôi mắt Bác chớp chớp. Bác rút khăn lau những giọt nước mắt đang từ từ lăn trên gò má. Bác thương phụ nữ vất vả. Bác thương những chị đã hy sinh, còn chúng tôi cũng muôn vàn thương Bác. Suốt cả cuộc đời Bác đã tận tụy hy sinh cho dân cho nước, không chút nghĩ đến hạnh phúc riêng tư.

Bác còn nói tiếp:

- Riêng Thủ đô ta, mấy năm gần đây, phụ nữ ta cùng toàn dân tích cực góp phần vào việc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa cho thành phố sạch đẹp, nhân dân được ấm no. Các cô có hứa với Bác là sẽ làm được điều đó không nào?

Tất cả chúng tôi đồng thanh:

- Dạ thưa Bác, có ạ!

Bác cười vui, rồi Bác chỉ vào những đĩa bánh, đĩa kẹo bày trên bàn, bảo chúng tôi:

- Các cô ăn bánh, ăn kẹo đi, cô nào có cháu bé thì mang về cho cháu, có chồng thì mang về cho chồng, có người yêu thì mang về cho người yêu, nói là quà của Bác Hồ cho.

Được lời của Bác, chúng tôi phấn khởi chia nhau bánh kẹo.

- Nào, bây giờ Bác cháu ta chụp ảnh.

Chúng tôi cùng kéo ra cả thềm Phủ Chủ tịch. Chị nào cũng muốn đứng gần Bác để chụp ảnh.

Bác bảo:

- Ai cũng muốn đứng gần Bác thì không có chỗ cho Bác gái đứng à?

Chúng tôi còn chưa hiểu "Bác gái" nào thì Bác đã kéo đồng chí Trần Duy Hưng lại bảo: "Bác gái đây này".

Tất cả mọi người lại cười vui vẻ, Bác tiếp:

- Bây giờ những cô nào đứng phía trước thì ngồi xuống để những người đứng phía sau được rõ mặt hơn.

Chúng tôi nghe lời Bác. Anh Đinh Đăng Định đã chuẩn bị xong máy ảnh. Anh nhắc chúng tôi:

- Các chị tươi lên nhé. Nào tôi bắt đầu.                                                                                                                                                     ,

Anh bấm liền mấy "pô" ảnh.

Chúng tôi nghĩ, chụp ảnh xong sẽ được chào Bác ra về. Nhưng lúc chúng tôi quay lại, Bác Hồ kính yêu không còn đứng đó nữa, khiến chúng tôi ngẩn ngơ, luyến tiếc.

(Theo lời kể của một số đại biểu phụ nữ Thủ đô, trích trong cuốn  Bác Hồ với phụ nữ Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1985).

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: