Chỉ mục bài viết

58. Một chuyến thăm, ba bài học

Sau hơn một tuần diễn ra trận chiến bảo vệ kho xăng Đức Giang, ngày 29-6-1966, Bác Hồ đến thăm một đại đội thuộc Đoàn Thông tin Sông Điện, bộ đội phòng không đóng ở chùa Trầm (Hoài Đức). Cuộc đi thăm không báo trước. Khi chiếc xe con dừng lại ở lưng chừng dốc, một chiến sĩ nhận ra Bác reo to lên. Bác giơ tay ra hiệu không được làm ồn ào rồi bảo chiến sĩ đó đưa Bác vào đơn vị.

Với đôi dép cao su giản dị Bác đi rất nhanh trên sườn đồi, bộ quần áo bà ba nâu bay trong gió. Sau khi dừng lại xem câu lạc bộ, Bác nhanh nhẹn đi xuống nhà bếp. Thấy đồng chí Hào tổ trưởng anh nuôi đang bê một nồi cơm to từ trên bếp lò xuống. Bác vui vẻ hỏi:

- Mỗi bữa chú ăn được mấy bát?

- Thưa Bác, cháu ăn được ba bát ạ.

- Chú ăn được như vậy là tốt - Nói xong, Bác mở hộp thuốc lá lấy ra một điếu đưa cho Hào.

- Bác biếu chú, hút đi!

Rồi Bác lấy một điếu khác ra để hút. Thấy Bác có ý tìm đóm để châm lửa, Hào vội rút bao diêm trong túi ra định bật diêm cho Bác, Bác liền ngăn lại:

- Chú để dành diêm mà nhóm bếp. Cả bếp lò đang hồng thế kia tha hồ mà cho Bác cháu ta châm thuốc.

Chỉ một que diêm mà Bác đã cho chúng tôi bài học sâu sắc về tinh thần tiết kiệm.

Ở bếp bước ra, Bác hỏi cán bộ đại đội:

- Các chú có trồng rau không?

- Thưa Bác, chúng cháu chỉ trồng được rau muống dưới chân núi thôi ạ. Còn trên sườn đồi này nhiều sỏi, trồng không lên.         

Bác kể lại kinh nghiệm hồi ở chiến khu và bảo:

- Các chú xúc hết đá đi, xới đất, xuống ao bốc bùn đổ lên, rau sẽ xanh tốt. Có trồng có ăn, đỡ phần cung cấp của nhân dân.

Từ đó, trên vách đá men theo con đường trong đơn vị các vườn rau đua nhau mọc lên xanh tốt. Đơn vị không chỉ tự túc rau ăn mà còn bán cho đơn vị bạn và nhân dân nữa.

Bài học thứ ba Bác dạy cho chúng tôi là con đường mòn và công tác dân vận. Khi đơn vị chưa đóng ở chùa Trầm, bà con trong vùng vẫn đi làm đồng theo con đường mòn qua núi. Từ ngày đơn vị đến, anh em đã tự động rào lại cấm người qua lại. Thăm qua mấy nơi, Bác bảo tập hợp bộ đội lại để Bác nói chuyện, Bác căn dặn:

- Muốn làm tốt nhiệm vụ, các chú phải đoàn kết nội bộ tốt, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân địa phương... chỉ có dựa vào nhân dân, đoàn kết với nhân dân mới bảo vệ được mình, che mắt địch và đánh thắng được chúng.

Chợt Bác chỉ tay ra phía đường cái và hỏi:

 - Thế các chú cấm con đường này thì nhân dân đi lối nào?

- Thưa Bác, đi vòng theo các bờ ruộng ngoài kia ạ!

Bác nghiêm mặt:

- Như vậy là không được. Các chú cấm đường để bảo mật, phòng gian là đúng, nhưng phải đắp đường khác cho dân đi chứ. Có như vậy mới đúng là quân dân đoàn kết!

Bác dặn đơn vị phải làm ngay, đắp đường cho to, trồng cây hai bên và khi nào làm xong báo cáo cho Bác biết. Ngay hôm sau, đơn vị bắt tay vào làm đường, làm cả trưa hè nắng lửa, đốt đuốc làm cả đêm. Con đường hoàn thành trước hạn định. Các cụ trong làng đem cây ra trồng hai bên. Con đường quân dân đoàn kết ấy được đặt tên là "Đường Quyết Thắng" - con đường mang ý Bác, lòng dân, con đường đi của chúng tôi: Vì nhân dân phục vụ.

(Theo Vũ Trọng Tâm, trích trong "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân")

59. Bác Hồ với Đông y

Nhà số 2, đường Lý Thường Kiệt ở Thủ đô Hà Nội là một biệt thự nhỏ, xinh đẹp, được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngôi biệt thự này được dùng làm nhà khách của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong khoảng thời gian gần hai tháng mùa Hè năm 1962, nơi đây là "Phòng khám Đông y đặc biệt" của Cục Bảo vệ sức khỏe Bộ Y tế, có mời Danh y Diệp Tâm Thanh từ Bắc Kinh, Trung Quốc sang Hà Nội để điều trị kết hợp bằng Trung y cho một số vị lãnh đạo cao cấp của nước ta đang bị yếu sức. Cục Bảo vệ sức khỏe biết tôi trước đây là học trò của cụ Diệp, lại đang phụ trách bộ phận Đông y - Đông dược trong Cục, nên đã điều động tôi hàng ngày đến làm việc cùng với chuyên gia.

Đã gần một tháng, hàng ngày cứ trước 7 giờ rưỡi sáng, tôi có mặt để chuẩn bị làm việc. Nhớ lại vào sáng ngày 07-6-1962, tôi cảm giác ở đây, hôm nay có chuyện gì hơi khác. Ngoài cổng có một số người lạ mặt, đồ đạc trong nhà sắp gọn gàng, trật tự hơn. Cụ chuyên gia sao hôm nay quần áo chỉnh tề, lại xuống ngồi tại phòng khách sớm thế ? Nhìn thấy tôi, cụ Diệp nói ngay:

- Tôi vừa được đồng chí phiên dịch cho hay là ít phút nữa có khách đến thăm.

- Thưa cụ, vị khách nào đấy ạ? Tôi hỏi.

Cụ chuyên gia trả lời: Tôi cũng chưa được rõ.

Tôi quan sát phòng khách: Mọi ngày thấy có ít ấm chén, hôm nay lại thấy nhiều hơn. Mọi ngày vẫn đặt thuốc lá Điện Biên hoặc Thủ đô, thì hôm nay được đổi là Ba Đình. Tôi đang định lên gác để xem phòng làm việc có cần phải chuẩn bị gì thêm không, thì thấy bác sĩ Nhữ Thế Bảo, Cục trưởng Cục Bảo vệ sức khỏe đến. Thấy tôi, bác sĩ Nhữ Thế Bảo hỏi ngay: "Chuẩn bị xong chưa, khách đến đây!".   - Thưa anh, ai thế ? - Tôi hỏi.

- Dăm phút nữa thì sẽ biết!

Ngay lúc đó có tiếng ô tô chạy vào trong sân. Chúng tôi vội ra cửa thì thấy Bác Hồ đang từ trong chiếc ôtô kiểu "Provida", sơn màu xám đã hơi cũ, bước xuống. Cụ Diệp Tâm Thanh đi nhanh tới ô tô. Bác Hồ bắt tay Cụ chuyên gia và giơ tay chào mọi người, rồi đi thẳng vào phòng khách. Cùng đi với Bác Hồ có các đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Bác), đồng chí Lê Minh Châu (Phó Văn phòng Trung ương Đảng), đồng chí Nguyễn Kháng (Cục trưởng, Bộ Công an) và 3 đồng chí khác nữa mà tôi chưa biết tên.

Bác Hồ ngồi xuống chiếc ghế salông dài, bên cạnh là chuyên gia Diệp Tâm Thanh. Các ghế khác là đồng chí Vũ Kỳ, đồng chí Lê Minh Châu, v.v… Tôi tìm ngồi cạnh bác sĩ Nhữ Thế Bảo tận dãy ghế gần phía cửa ra vào.

Bác nói chuyện với chuyên gia Diệp Tâm Thanh bằng tiếng Trung Quốc, Bác hỏi:

- Diệp đại phu (thầy thuốc) đã quen với khí hậu Việt Nam chưa? Ăn uống ra sao? Có hợp với khẩu vị Việt Nam không? Việc khám bệnh cho các đồng chí Việt Nam có bận không? Bệnh tình của đồng chí V thế nào? Chuyên gia Diệp trả lời: "Thưa Hồ Chủ tịch, sức khỏe của tôi tốt ạ! Ở Việt Nam cũng như ở Bắc Kinh. Thức ăn Việt Nam rất ngon ạ!".

Bác cười: "Ở Việt Nam nóng hơn ở Bắc Kinh, đại phu cần chú ý. Có gì thì cứ nói với các đồng chí Việt Nam. Đừng có khách khí đấy nhé! Bỗng giọng Bác trầm xuống, thong thả nói tiếp: "Đồng chí V bị bệnh hơi nặng là do làm việc nhiều quá. Các đồng chí Việt Nam hàng ngày phải làm nhiều việc, lo lắng để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, lại còn lo đánh Mỹ - ngụy, chúng tôi quyết tâm giải phóng miền Nam. Đế quốc Mỹ nhất định thua. Nam - Bắc nhất định thống nhất! Đại phu sang đây để điều trị bệnh cho chúng tôi, cũng là góp phần đánh Mỹ".

Thấy mọi người đều ngồi im phăng phắc, Bác cười thoải mái, hỏi chuyện tiếp:

- "Đại phu" lần đầu sang Việt Nam, đã đi chơi đâu chưa?

- Thưa Hồ Chủ tịch, tuần trước tôi đã được đi thăm Vĩnh Linh ạ - Diệp chuyên gia đáp.

- Thế "đại phu" có cảm tưởng gì?

Chuyên gia Diệp Tâm Thanh với giọng đầy xúc động, thong thả đáp:

- Thưa Hồ Chủ tịch, vào đến Vĩnh Linh, được đứng bên này cầu Hiền Lương, được tận mắt thấy cảnh chia cắt chiếc cầu thì sơn nửa đỏ nửa xanh, trên cầu có cảnh sát của Ngô Đình Diệm, kè kè súng ngắn bên hông. Bên này cầu thì có nhiều người, cả bộ đội lẫn người dân vẫn chơi bóng chuyền và làm ruộng. Qua ông nhòm, thấy bên kia cầu không một bóng người, chỉ thấy nhiều lô cốt.

Bác Hồ cười và nói: "Đúng rồi, bên miền Bắc chỉ muốn hòa bình, nhưng kẻ thù lại hiếu chiến".

Lần đầu được vinh dự gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội, tôi vừa nghe Bác nói chuyện với khách, vừa chăm chú nhìn Bác: Bác Hồ chỉ mặc bộ kaki màu vàng đã hơi cũ, chân đi đôi dép lốp, quai to. Có lúc Bác nói trực tiếp với chuyên gia Diệp bằng tiếng Trung Quốc, có lúc nói bằng tiếng Việt (có đồng chí Đăng là cán bộ của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng dịch). Bác Hồ còn rất khỏe. Trong lúc Bác nói chuyện, thỉnh thoảng Bác lấy thuốc lá riêng ở trong túi ra hút.

Trong lúc tôi đang tập trung cố ghi nhớ những hình ảnh về Bác, thì Bác nhìn tôi và hỏi: "Cháu kia làm gì ở đây?"

Bác sĩ Nhữ Thế Bảo vội thưa: "Thưa Bác, đây là anh Nguyễn Liễn, đã được học Đông - Tây y ở Bắc Kinh, được Cục Bảo vệ sức khỏe cử đến để cùng làm việc với chuyên gia Diệp Tâm Thanh đấy ạ!".

Chuyên gia Diệp Tâm Thanh nói thêm: "Bác sĩ Nguyễn Liễn cũng có thời gian đến học tập tại Bắc Kinh, là một trong số các sinh viên Việt Nam rất cần cù đấy ạ!".

Bác Hồ cười và xua tay, rồi nói bằng tiếng Trung Quốc với cụ Diệp Tâm Thanh : "Đại phu chớ có khen, để cháu ấy phổng mũi (tay Bác sờ lên mũi) mà chủ quan không chịu học tập thêm" (làm cho mọi người trong phòng đều cười vui vẻ). Bác lại hỏi tôi:

- Cháu có biết ở Việt Nam ngày xưa có ai là thầy thuốc Đông y giỏi không?

Tôi thưa: "Thưa Bác, cháu mới biết được có cụ Tuệ Tĩnh và cụ Hải Thượng Lãn Ông, nhưng cháu chưa được hiểu nhiều về hai cụ ấy ạ".

Bác nói ngay: "Cụ Tuệ Tĩnh một nhà sư, lại rất giỏi về thuốc Nam ở thế kỷ XIX, có nhiều kinh nghiệm chữa bệnh bằng cây thuốc có sẵn ở Việt Nam, đã được nhân dân suy tôn là ông Tổ thuốc Nam. Cụ Tuệ Tĩnh còn nói một câu đầy ý nghĩa là: Nam Dược trị Nam nhân để ám chỉ rằng ở Việt Nam ta có rất nhiều cây thuốc phù hợp với bệnh tật của người Việt Nam. Bác chỉ thị: "Cháu phải học thêm cả thuốc Nam". Rồi Bác nói tiếp: "Còn Cụ Hải Thượng Lãn Ông là thầy thuốc Đông y ở thế kỷ XVII, biết đem lý luận Trung y của Trung Quốc áp dụng vào thực tiễn Việt Nam. Cũng phải linh hoạt, sáng tạo, chứ không phải áp dụng máy móc được". Bác cười và nói tiếp: "Thuốc Tây mới vào Việt Nam hơn 100 năm nay, còn dân tộc Việt Nam đã có lịch sử 4.000 năm, mà vẫn tồn tại và phát triển tới ngày nay là nhờ có thuốc Đông y. Tây y, có cái hay, Đông y cũng có cái hay, nếu ta biết kết hợp cả Đông - Tây y để chữa bệnh cho nhân dân, thì có phải càng tốt hơn hay không?"

Tôi đã lễ phép: "Kính thưa Bác, cháu xin hứa sẽ cố gắng hết sức để thực hiện những điều Bác vừa dạy bảo ạ!".

Bác gật đầu, cười và nói: "Thế là tốt!" Rồi Bác nhìn đồng hồ và quay sang hỏi đồng chí Lê Minh Châu: "Việc ăn, ở của Diệp "Đại phu" có chu đáo không?" Đồng chí Lê Minh Châu thưa: "Thưa Bác, chúng cháu cũng chú ý đấy ạ!" Bác hỏi: "Nhà bếp ở đâu, dẫn Bác đi xem".

Bác cười với chuyên gia Diệp Tâm Thanh và nói: "Tôi đi xem chỗ nấu ăn cho "Đại phu" xem thế nào?".

Có đồng chí Lê Minh Châu hướng dẫn. Bác đứng dậy, nhanh nhẹn đi ra cửa, rồi vào thẳng nhà bếp, Bác hỏi đồng chí cấp dưỡng: "Hằng ngày ông thầy thuốc có ăn hết suất cơm không?". Đồng chí cấp dưỡng thưa: "Thưa Bác có ạ!". Bác tự tay mở tủ lạnh, nhìn các thức ăn, đồ uống chứa ở bên trong và đứng nhìn các bát, đĩa, đồ dùng dược xếp ngăn nắp trong chạn. Bác nhìn quanh bếp, rồi nói: "Người ta sang chữa bệnh cho các cán bộ nước mình, thì phải phục vụ cho chu đáo. Thức ăn không ngon, đồ dùng không sạch, làm người ta sinh thêm bệnh thì rắc rối to đấy". Bác lại cười và khen: "Nhà bếp tốt đấy!".

Trong khi Bác đi thăm mọi nơi trong nhà bếp, chúng tôi đều đi theo sau. Ra đến cửa bếp, Bác dừng lại nói chuyện với chuyên gia Diệp Tâm Thanh: "Đến giờ tôi bận việc rồi, Diệp "đại phu” cố gắng giữ gìn sức khỏe không bị ốm, để giúp đỡ chữa bệnh cho các cán bộ Việt Nam. Cảm ơn!".

"Xin cáo lỗi!"

Bác Hồ bắt tay cụ chuyên gia Diệp Tâm Thanh, giơ tay chào và tạm biệt mọi người, rồi nhanh nhẹn bước lên ô tô.

Bác Hồ và các đồng chí cùng đi đã ra về rồi. Cụ chuyên gia Diệp Tâm Thanh và chúng tôi còn đứng mãi ở cửa để nhìn theo, chờ cho tới khi không còn nghe thấy tiếng ô tô của Bác nữa, mọi người mới giải tán. Lúc này bác sĩ Nhữ Thế Bảo thân mật nói với tôi: "Mình thường xuyên đi cùng Bác mà hôm nay, lần đầu tiên mình mới nghe thấy Bác nói nhiều đến Đông y. Mừng cho cậu và ngành Đông y. Cậu nhớ lời dặn của Bác để làm cho tốt".

Từ ngày ấy đến nay đã gần 40 năm. Đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của đường đời, nhưng tôi vẫn tâm niệm nhớ buổi sớm hôm ấy. Chính hôm đó tôi đã ghi nhận toàn bộ câu chuyện trên đây vào nhật ký, đúng với diễn biến mộc mạc của nó để hôm nay chép ra đây.

Ngoài sự kính yêu vô vàn với vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, mà bất cứ ai đã từng gặp Bác Hồ đều không thể nào quên, đối với tôi, những lời của Bác còn là lời định hướng. Sự uyên thâm và ý thức sâu sắc về tinh hoa dân tộc trong khía cạnh y học, lời dạy của Bác về sự kết hợp Đông y với nền y học hiện đại, là một sự dẫn dắt, mà suốt cuộc đời tôi đã đi theo.

(Bác sĩ Nguyễn Liễn, trích trong "55 năm Y Dược học cổ truyền dưới chính quyền cách mạng (1945-2000")

60. Xứng đáng là học trò của Bác

Tôi vào Đảng năm 1963, trước khi vào Đảng, tôi đã được giải thích về nhiệm vụ đảng viên, đại thể là phải chiến đấu suốt đời vì lý tưởng của Đảng, phải gương mẫu lao động, liên hệ mặt thiết với quần chúng, không tư lợi... Tôi tự nhủ: Những nhiệm vụ này, mình có thể làm được. Vì vậy, đầu tháng 5-1966, khi Đảng ủy bảo tôi đi dự lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức, thực tình tôi rất ngại, không hào hứng lắm.

Tôi còn nhớ rõ, hôm đó là ngày 14-5-1966, lớp học khai mạc. Khi mọi người đã vào lớp thì có tiếng reo: "Bác đến! Bác đến". Ai nấy đều đứng dậy vỗ tay rất lâu. Tôi đứng ở hàng ghế thứ hai nên được nhìn rõ Bác. Tôi đã được đón Bác đến thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội một vài lần, nhưng hôm ấy thấy cảm động, sung sướng như được đón Bác lần đầu. vẫn mái tóc bạc phơ, đôi mắt sáng, bộ quần áo nâu giản dị - tôi nhìn Bác không chớp mắt.

Ai cũng tưởng Bác chỉ đến thăm lớp học một lát. Không ngờ đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Thành ủy, cho biết Bác đến giảng bài đầu. Thế là chúng tôi không ai bảo ai tập trung tư tưởng nghe Bác giảng bài. Bác nói về gương đấu tranh cách mạng của đồng chí Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ. Bác căn dặn đảng viên phải rèn luyện lập trường vô sản: "Chủ nghĩa cộng sản là mục đích cuối cùng của Đảng ta, đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản là lẽ sống của người đảng viên... Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là suốt đời làm cách mạng, phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới...". Và điều mới mẻ nhất đối với tôi là Bác dạy đảng viên phải ra sức học tập, học đi đôi với hành, học hành ngày càng tốt hơn. Bác phê bình: "Có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già nên ít chịu học. Nghĩ như vậy là không đúng. Bác nói tiếp: "Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng".

Nghe Bác nói như vậy, tôi tự nhủ: "Thế mà mình chưa đến 30 tuổi, đã ngại học!".

Trong bài học buổi sáng hôm ấy, Bác còn dạy đảng viên phê bình và tự phê bình.

Cuối buổi học, đồng chí Nguyễn Lam dặn chúng tôi "Phải xứng đáng là học trò của Bác".

Ôi! Học trò của Bác, vinh dự đó tôi không dám mơ tưởng mà lại đến thật.

... Được Đảng, Bác bồi dưỡng về lý tưởng và tình cảm cách mạng, kiến thức nghề nghiệp, tôi đã làm được một số việc nhà máy giao...

(Theo Ngô Thị Thức, báo "Hà Nội mới")

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: