Chỉ mục bài viết

20. Không thể ngược dòng

Cụ Hồ phải chèo lái con thuyền cách mạng trên một con sông đầy ghềnh thác hiểm nghèo, vừa mới vượt qua được một thác này, thì phía trước đã lại xuất hiện một ghềnh thác mới không kém phần nguy nan.

Hai mươi vạn quân Tưởng vậy mà vẫn không thể thay Chính phủ Hồ Chí Minh bằng bọn tay sai của chúng và đã phải nhục nhã rút khỏi Việt Nam. Nước cộng hòa non trẻ thoát khỏi một kẻ thù vô cùng nguy hiểm, độc ác và nhiều thủ lĩnh phản động, những tên này đã theo chân bọn Tưởng về nước, giờ đây lại cùng quan thầy tháo lui.

Quân Tưởng đi khỏi, một kẻ thù mới còn nguy hiểm hơn đã vội vã đến thay chúng. Ngay sau ngày ký Hiệp định sơ bộ, quân viễn chinh Pháp đã bắt đầu đổ bộ lên cảng Hải Phòng. Những bộ phận khác của chúng chiếm Đồng Đăng, một thị trấn ở biên giới Việt - Trung; chiếm vùng Tây Nguyên, lập nhà nước tự trị. Trong vùng tạm chiếm Nam Bộ, thực dân Pháp xúc tiến việc thành lập "chính phủ bù nhìn". Và trên thực tế, Chính phủ ta đã nằm trong vòng vây của quân thù.

Muốn có hòa bình để xây dựng đất nước, Cụ Hồ chủ trương tạm thời hòa hoãn với Pháp, "hòa để tiến". Nhưng thực dân Pháp cố tình xâm chiếm Việt Nam lần nữa. Thấy ta nhân nhượng, chúng càng lấn tới, ra mặt khiêu khích ngay giữa Thủ đô Hà Nội.

Vòng hai cuộc đàm phán Pháp - Việt được tiến hành trên chiếc tàu tuần dương hạm của Pháp đang đậu tại Hạ Long. Ngày 24-3-1946, lúc 10 giờ sáng, chiếc thủy phi cơ Catalia đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từ sân bay Gia Lâm đến, nhẹ nhàng hạ cánh xuống mặt vịnh phẳng lặng. Đô đốc Đácgiănglơ và Tướng Lơcléc đứng đón ở cầu thang tuần dương hạm. Những loại súng chào nổ vang. Cụ Hồ đội chiếc mũ nan rộng vành, tay chống chiếc gậy trúc đi duyệt thủy binh trên hạm đội.

Cuộc hội đàm hoàn toàn chỉ là hình thức, phái đoàn Pháp vẫn bám giữ quan điểm thực dân, nên nội dung không có tiến triển gì.

Trên đường đáp máy bay về Hà Nội, Tướng Xalăng đi cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi Người đánh giá thế nào về việc gặp gỡ viên Cao ủy Pháp. Cụ lạnh lùng trả lời: Nếu đô đốc muốn đem tàu bè ra để lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể đi ngược dòng sông của chúng tôi.

(Theo Côbêlé, trích trong cuốn Đồng chí Hồ Chí Minh, Mátxcơva, 1985).

21. Ở trường Đảng

Một sáng mùa Thu tháng Tám năm 1958, Bác Hồ đến thăm Trường Đảng Lê Hồng Phong1, Hà Nội. Được tin Bác đến, mọi người ùa ra, ai cũng muốn đến gần Bác. Các đồng chí miền Nam và các đồng chí ở tỉnh xa chưa được gặp Bác lần nào càng sung sướng nghẹn ngào. Có đồng chí rưng rưng nước mắt.

Bác mặc bộ quần áo kaki giản dị. Dáng Bác đi khoan thai mà nhanh nhẹn. Bác vẫy tay, tươi cười chào mọi người. Ai cũng tưởng Bác vào hội trường nói chuyện. Nhưng Bác lại đi thăm nơi ăn, chốn ở của học viên trước. Bác vào một nhà ở tập thể, chăm chú xem cách sắp đặt màn, quần áo. Thấy chỗ ở còn chật chội, chưa ngăn nắp. Bác hỏi:

- Nước ta còn nghèo, ta chưa có nhà rộng để ở. Nhưng nếu biết sắp đặt gọn gàng, đẹp mắt, các chú cũng tạo cho mình cuộc sống văn minh.

Biết Bác sẽ xem nhà vệ sinh, đồng chí Công, quản trị của trường thấy có một ngăn chưa kịp dọn, liền đóng cửa lại và đứng chắn phía trước. Bắt gặp vẻ mặt lúng túng của đồng chí, Bác hỏi:

- Chú đứng làm gì đó?

Đồng chí Công ấp a ấp úng:

- Dạ! Thưa Bác! Thưa... Bác ...

Bác phê bình ngay:

- Các chú người lớn cả, không nên để nhà vệ sinh bẩn thế.

Trở về nhà ăn, thấy anh chị em cấp dưỡng mổ một con lợn treo lên xà nhà. Bác cười hỏi đồng chí quản lý:

- Các chú mổ lợn có nộp thuế sát sinh không?

Đồng chí quản lý đáp:

- Thưa Bác có ạ!

Bác khen:

- Thế là tốt, trường Đảng phải gương mẫu chấp hành chính sách.

Đến chỗ nấu cơm, thấy có rổ rau muống luộc, Bác hỏi chị cấp dưỡng:

- Cô luộc rau muống, có ớt, có rau thơm và quả sấu dầm nước luộc rau để ăn không?

Chị Mão trả lời:

- Dạ thưa Bác không ạ!

Quay sang đồng chí Phó Giám đốc, Bác bảo:

- Ở đây có nhiều đất bỏ không, các chú nên tăng gia thêm nhiều rau, nhiều ớt mà dùng.

Bác vừa bước chân vào hội trường thì những tràng vỗ tay vang lên không dứt. Cả hội trường đứng dậy hoan hô đón chào Bác. Bác thân mật vẫy tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Bác hỏi chúng tôi:

- Các cô, các chú học có nhọc lắm không?

Để Bác vui lòng chúng tôi đồng thanh trả lời:

- Thưa Bác không ạ!

Không ngờ Bác lại nói:

- Như vậy, là chưa được. Học tập cũng như làm cách mạng, cũng gian nan, vất vả như làm cách mạng. Có thế mới đạt kết quả cao. Rồi Bác nói chuyện:

- Trường Đảng là trường học để đào tạo những chiến sỹ tiên phong phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản, các cô, các chú đều là những cán bộ cốt cán của Đảng. Việc học tập không nhằm biến các cô, các chú thành người lý luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác của các cô, các chú tốt hơn. Như thế học tập lý luận cốt là để áp dụng vào thực tế. Học đi đôi với hành, có học mới làm việc được... Không ai có thể cho mình là người giỏi lý luận. Do đó, cần phải nêu cao tinh thần khiêm tốn, thật thà, đoàn kết giúp nhau học tập tốt. Cá nhân chủ nghĩa, chủ quan, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập. Các cô, các chú có đồng ý với Bác như vậy không?

Cả hội trường vang lên: "Thưa Bác, có ạ!".

Bác bắt nhịp cho toàn trường hát bài "Kết đoàn". Vừa hát Bác vừa đưa tay đánh nhịp. Chúng tôi nhìn Bác lòng dâng trào xúc động. Một niềm yêu kính mênh mông tràn ngập hội trường.

Thực hiện lời Bác dạy, trường Đảng đã phấn đấu "dạy tốt, học tốt, rèn luyện tốt". Những luống rau xanh ngắt, những cây dừa, cây sâu trĩu quả, quanh năm hoa lá soi bóng xuống mặt ao; những rặng nhãn Bác Hồ, làm cảnh quan của trường thêm đẹp.

(Theo Vương Đình Thường, báo Hà Nội mới, 1980)

22. Có thêm nhiều Cốc

Mồng 1 Tết Kỷ Dậu (1969), Bác đến thăm bộ đội Phòng không - Không quân. Bác nhìn khắp hội trường, thấy nhiều cán bộ, chiến sỹ lập được thành tích lấp lánh Huy chương. Bác tỏ vẻ hài lòng. Nhưng Bác vẫn nhắc nhở thành tích bắn rơi máy bay Mỹ là công lao của cả tập thể. Bác còn cho gọi các chiến sỹ nuôi quân, thông tin, bác sĩ, y tế lên để Bác bắt tay.

Tiếp đó, Bác tươi cười:

- Cuộc họp mặt hôm nay có mấy đồng chí là anh hùng? Đồng chí nào bắn rơi được nhiều máy bay nhất?

Câu hỏi của Bác khiến chúng tôi hết sức phấn khởi.

Sự trưởng thành của không quân trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ba năm qua đã cho phép chúng tôi có được những món quà xứng đáng để chúc thọ Bác nhân dịp đầu năm.

- Thưa Bác đồng chí Nguyễn Văn Cốc ạ!

Bác nhìn khắp hội trường, rồi nói:

- Chú Cốc đâu? Lên đây với Bác.

Một thanh niên vẻ mặt hiền hậu, vóc người to đậm, ngực lấp lánh những tấm Huy chương và Huy hiệu Bác Hồ, từ những hàng ghế phía sau, mặt đỏ bừng vì xúc động, tiến lên phía trước Bác, nói nhỏ nhẹ:

- Thưa Bác, cháu đây ạ.

Bác cầm tay Cốc hỏi:

- Chú bắn được mấy máy bay giặc Mỹ?

- Thưa Bác, chín chiếc ạ.                                                                                                     

- Chú được thưởng mấy Huy hiệu của Bác?

- Thưa... chín chiếc ạ.

Bác nhìn những chiếc Huy hiệu năm cánh sao màu sáng bạc trên ngực Cốc như để kiểm tra rồi nói:

- Chú còn phải cố gắng nhiều Huy hiệu hơn nữa... - Rõ ràng Bác đang vui, niềm vui của Bác truyền lan đến chúng tôi. Tiếng cười rộn cả hội trường.

Bác lại nói:

- Năm nay là năm Kỷ Dậu, năm con gà. Theo tiếng Pháp, Cốc2 là con gà... Năm mới, Bác mong không quân có thêm Cốc hơn nữa...

Không ngày đầu xuân nào chúng tôi cảm thấy vui vẻ và ấm áp như mùa xuân năm ấy. Cũng không ai nghĩ đây là lần cuối cùng chúng tôi được nghe Bác dạy bảo...

(Theo hồi ức của Trung tướng Đào Đình Luyện, trích trong cuốn Người cha thân yêu, Nxb. Quân đội nhân dân, 1986).

23. Con đường tuổi trẻ

Chủ nhật ngày 16-10-1958, 100 học sinh các trường Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương và Nguyễn Huệ đang lao động xây dựng mở rộng đường Cổ Ngư thì Bác Hồ đến.

Bác nói: "Hôm nay, Bác đến thăm các cháu tham gia lao động xây dựng Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác rất vui mừng thấy ở đây các cháu có nam, nữ, các cháu miền Bắc, miền Nam đều khỏe mạnh, hăng hái lao động, như thế là tốt...".

Bác dặn dò học sinh các trường thi đua nhau cùng làm tốt, phát huy sáng kiến tăng năng suất lao động... Bác sẽ đổi tên con đường này là đường Thanh Niên.

Quan tâm tới công trình của tuổi trẻ Thủ đô, ngày 06-6-1959, Bác Hồ lại đến thăm lần thứ hai giữa lúc học sinh nghỉ hè, tham gia lao động rất đông. Con đường hoàn thành, ngày 05-02-1961 Người đến trồng cây ở vườn hoa đường Thanh Niên.

Được vinh dự tham gia trồng cây với Người có các đại biểu về dự Đại hội Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam thành phố Hà Nội.

Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện về lợi ích việc trồng cây: "Nếu mỗi thanh niên một năm trồng 3 cây và chăm sóc thật tốt, 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây, 5 năm sẽ trồng 120 triệu cây. Nếu đem trồng số cây ấy trên đường nối liền Hà Nội - Mạc Tư Khoa thì con đường chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng xanh tươi".

(Trích trong cuốn Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Hà Nội, 1980)

24. Các cháu gái ngồi đằng trước

Trong đoàn đại biểu Thủ đô đi dự Đại hội liên hoan anh hùng chiến sỹ thi đua năm 1962, tôi là người nhỏ tuổi nhất.

Hồi đó tôi mới vào làm việc ở Xí nghiệp dệt thảm len Hà Nội được hơn một năm và cũng mới là chiến sỹ thi đua năm ấy. Thật bất ngờ và sung sướng, chính tại Đại hội này, lần đầu trong, đời tôi được nhìn thấy Bác tường tận, được Bác hỏi han và quấn quýt bên Bác.

Bữa đó, Bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn tôi đến trước mặt Bác và nói:

- Thưa Bác, đây là cháu Thư, Việt kiều Thái Lan mới về nước, chiến sỹ thi đua của Hà Nội.

Bác cười hiền hậu, trìu mến nhìn tôi rồi hỏi:

- Cháu về nước bao lâu rồi?

- Thưa Bác, hơn một năm rồi ạ!

Trả lời xong, tôi dán mắt vào Bác. Thấy da dẻ Bác hồng hào, thấy những sợi râu trắng như cước của Bác, tôi hồ hởi nghĩ đến nỗi vui mừng của mẹ tôi khi được nghe tôi kể tỉ mỉ về Bác.

Chợt Bác cười rất vui vẻ, bảo:

- Về nước được một năm rồi thì không còn là kiều bào nữa.

Rồi Bác ân cần dặn dò:

- Bây giờ về nước có điều kiện học tập, cháu phải cố gắng tiến bộ nhiều hơn nữa!

Tôi định đáp: "Thưa Bác, cháu xin vâng lời Bác dạy" nhưng sao hồi hộp quá, không nói lên lời. Vừa lúc ấy, mọi người vòng trong vòng ngoài vây kín lấy Bác. Vừa ngẩn ngơ vừa luyến tiếc, thừa thấy mình thiếu sót vì chưa kịp hứa hẹn với Bác điều gì cả.

Giờ giải lao hôm sau, chúng tôi lại quây quần bên Bác như một đàn cháu gái với người ông hiền hậu. Khi nghe tin được chụp ảnh chung với Bác, mọi người reo lên mừng rỡ. Bọn con gái chúng tôi bị chen bật ra sau, đang phụng phịu, bực tức thì bỗng nghe Bác nói:

- Cho các cháu gái ngồi vào đằng trước!

Chúng tôi mừng quýnh, túm lấy áo nhau, líu tíu xô mọi người, chạy ùa vào. Chị Minh, ngồi cạnh Bác, ôm lấy tay Bác, còn tôi ngồi chếch ngay phía sau Bác.

Những ngày ở Đại hội, nhiều anh chị em cứ tị với chúng tôi. Quả thật, đối với cháu gái, bao giờ Bác cũng dành cho sự quan tâm đặc biệt.

Tấm ảnh kỷ niệm ngày ấy tôi đem phóng to ra, giữ gìn thật kỹ lưỡng.

(Theo Đinh Thị Kim Thư: Chúng ta có Bác Hồ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1970).

Thanh Huyền (tổng hợp)

Chú thích:

1. Nay là Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.
2. Cop = con gà sống.

Bài viết khác: