Chỉ mục bài viết

 40. Trong tình thương yêu của Người

Chúng tôi còn nhớ như in, hôm đó là ngày 31-12-1958. Trời rét ngọt. Các tấm cửa kính của cả ba lớp học trong ngôi nhà 88 phố Thợ Nhuộm được đóng kín để tránh gió. Đang dạy các cháu xếp hình kiến trúc, tôi nghe chị Hồng Trang (người có công xây dựng phong trào mẫu giáo Thủ đô) gọi ngoài cửa:

- Cô, cháu chuẩn bị lát nữa đón khách quý nhé!

Nghe tin báo, lòng tôi tự dưng xốn xang, hồi hộp kỳ lạ. Chưa kịp bảo các cháu xếp hộp hình kiến trúc và tập lại mấy bài hát thì đã nghe tiếng chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng - Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố nói vọng vào:

- Dạ thưa Bác, các cháu trường mầm non mong được Bác đến thăm lắm ạ!

Tôi quay ra chỉ còn kịp nói được mấy tiếng: Bác! Bác! Thì Bác đã nhanh nhẹn đi vào lớp. Các cháu như một bầy chim ríu rít đứng bật cả lên đồng thanh: "Chúng cháu chào Bác ạ!". Bác tươi cười đến từng bàn xem hình các cháu đã xếp, rồi Bác dừng lại bàn hai cháu Kim Hòa và Chính Lam hỏi chuyện:

- Cháu mấy tuổi?

- Thưa Bác, cháu lên ba ạ!

Bác cười, xoa đầu cháu Hòa nói:

- Lên ba sao cháu lớn thế"?

Cả lớp cùng cười. Cháu Hòa biết mình nói nhầm nên xấu hổ cúi mặt.

Rồi Bác nói với các cháu:

- Bác nghe các cô ở Hội Liên hiệp phụ nữ báo cáo cháu rất ngoan, chăm học, vâng lời cô giáo, nên hôm nay Bác đến thăm trường. Bác đề nghị các cháu trả lời mấy câu hỏi: Các cháu ở đây cả ngày có bị đói không?

Nhiều cháu cùng thưa với Bác:

- Thưa Bác, chúng cháu no lắm ạ!

Bác chỉ một cháu ngồi ngay bàn trên:

- Thế cháu ăn có ngon không?

- Thưa Bác, có ngon ạ!

Bác đi xuống giữa lớp, chỉ vào hai cháu Sơn và Nam hỏi:

- Các cô giáo có đánh các cháu không?

- Thưa Bác không ạ!

Các cháu trả lời xong, Bác vỗ tay và cả lớp cùng vỗ tay theo. Bác quay sang hỏi tôi:

- Cô học nghề dạy trẻ từ bao giờ?

- Thưa Bác, cháu là cán bộ phụ nữ mới được đào tạo cấp tốc để về mở trường ạ!

Bác đã sang thăm lớp chị Bắc mà cô cháu tôi vẫn còn chưa hết bàng hoàng, chưa biết phải làm gì thì tôi nghe tiếng chị Hồng Trang:

- Mời các cô cho các cháu tập trung ở phòng học lớn để gặp Bác.

Toàn trường đã ngồi đông đủ trong phòng học lớn. Bác căn dặn chúng tôi phải cố gắng mở thêm nhiều trường mầm non ở các quận, huyện để các cháu có chỗ học hành, bố mẹ các cháu yên tâm công tác. Bác còn hỏi tỷ mỷ: Buổi sáng các cháu đến trường lúc mây giờ, chiều mấy giờ đóng cứa. Các cháu có bố mẹ đều đi công tác xa thì nhà trường giải quyết thế nào?

Sau khi nghe chị Diệu Hồng báo cáo cụ thể chế độ nuôi các cháu, Bác tỏ ý hài lòng. Rồi Bác lây kẹo ra, hỏi:

- Các cháu có thích kẹo không?

- Thưa Bác có ạ!

Khi các cô chia kẹo, Bác hỏi cháu Minh:

- Cháu muốn được mấy cái kẹo?

- Thưa Bác hai cái ạ!      

Bác hỏi lại:

- Sao lại chi có hai?

Cháu Minh rụt rè nhìn các bạn rồi thưa:

- Thưa Bác, còn để phần cho các bạn nữa ạ!

Bác xoa đầu cháu Minh khen ngoan.

Từ sau hôm Bác về thăm, chị em chúng tôi càng thấy rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp nuôi dạy các cháu, ít lâu sau, vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác, cô cháu chúng tôi lại được phép lên thăm Bác tại Phủ Chủ tịch. Hôm đó, Bác ra tận thềm đón các cháu. Mỗi cháu dâng lên Bác một bông hoa đã chuẩn bị sẵn ở nhà. Cô cháu chúng tôi lại được quây quần bên Bác, trong tình thương yêu vô vàn của Người.

(Trích trong cuốn Bác Hồ với phụ nữ Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1985).

41. Đến với mầm non

Ngày 27-4-1962, Bác đến thăm Trường Mẫu giáo Sao Sáng số 5 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội. Mới 9 giờ sáng trời đã nắng như đổ lửa, oi bức và rất khó chịu.

Đến cổng trường. Bác xuống xe đã thấy các cháu đầu trần, xếp hàng đôi, mặc quần áo mới cùng kiểu, tay ôm hoa đang chờ đón Bác. Nhìn các cháu mặt mũi đỏ gay, mồ hôi và son phấn quyện vào nhau chảy nhễ nhại thật đáng thương.

Thấy các cháu đứng dưới trời nắng. Bác bỏ qua mọi thủ tục hình thức do nhà trường tổ chức đón tiếp. Bác bế một cháu bé nhỏ nhất lên tay hôn cháu rồi vẫy gọi các cháu lại theo Bác vào bóng râm.

Được gặp Bác, các cháu vui quá cứ quây quần bên Bác, cháu nào cũng muốn mình được Bác bế, được ngồi gần Bác để được hôn lên má Bác, sờ râu Bác hoặc ngắm kỹ hơn.

Rồi các cháu lại thi nhau kể chuyện về mình cho Bác nghe. Bác căn dặn các cháu phải biết giữ gìn vệ sinh, phải vâng lời thầy cô giáo, đi nắng phải đội mũ để giữ gìn sức khỏe...

Các cháu thi nhau múa và hát để Bác xem. Bác khen các cháu tiến bộ, hát hay, múa đẹp và cho quà từng cháu, các cháu rất phấn khởi.

Bác hỏi:

- Các cháu có nhớ lời Bác không?

Các cháu đồng thanh trả lời:

- Thưa Bác, có ạ.

- Các cháu có vâng lời cô giáo không?        

- Thưa Bác, có ạ.

- Các cháu có nghe lời bố mẹ không?

- Thưa Bác có ạ!...

Bác nói đến điều gì các cháu cũng "có ạ" bèn hỏi:

- Các cháu có chơi bẩn không?

- Thưa Bác có ạ!

Bác và mọi người cùng cười to còn các cháu ngơ ngác nhìn chẳng rõ vì sao người lớn lại cười như thế...

Bác đến thăm các lớp học. Nơi vui chơi, nhà ăn, nơi nào cũng được quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng. Các thứ đồ chơi được trưng bày rất nhiều. Nhưng Bác rất ngạc nhiên và không được hài lòng là đồ chơi trưng bày trong tủ kính, treo cao lên tường thì rất nhiều, rất đẹp, còn nơi vui chơi của các cháu lại quá nghèo nàn.

Khi ra về, Bác gặp các cô giáo và cán bộ nhà trường khen ngợi, động viên và căn dặn nhiều điều bổ ích và thiết thực: "Hình thức là quan trọng, nhưng dạy các cháu phải là dạy những điều thiết thực. Nếu chỉ nặng về hình thức là điều không nên, vì nó gây lãng phí, nhưng lại không bổ ích gì cho xã hội. Đồ chơi của các cháu phải để các cháu được chơi. Nhà nước sản xuất ra bán để các cháu vui chơi, không phải để trưng bày, trang trí. Các cô phải biết dạy các cháu nói những điều do các cháu tự nghĩ, tự biết để nói. Không nên dạy các cháu kiểu học vẹt...". Các cô giáo ghi nhớ lời dạy của Bác cùng nhau đưa các phong trào của nhà trường tiến lên. Nhiều năm sau trường liên tục là lá cờ đầu trong phong trào nuôi dạy trẻ của thành phố". Có nhiều cô giáo đạt thành tích xuất sắc được bầu là chiến sĩ thi đua và được Bác gửi tặng huy hiệu của Người.

(Trích trong cuốn Nhớ mãi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, 1987)

42. Bác đi bầu cử

Sáng sớm ngày 02-4-1969, Bác Hồ đến hòm bỏ phiếu số 6, thuộc đơn vị 1, Tiểu khu phố Ba Đình bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khu phố.

Bác khỏe mạnh, tươi cười nói chuyện với bà con cử tri, đưa thẻ cho Ban bầu cử kiểm tra vào sổ. Anh Hoàng Văn Vịnh, cán bộ của ban bầu cử, nhận thẻ. cử tri của Bác, rất cẩn thận ghi dấu đỏ bên cạnh chữ: Hồ Chí Minh.

Nhận phiếu bầu, đến bàn đóng dấu vào thẻ cử tri, Bác hỏi chị Nguyễn Thị Tỵ:

- Cháu học lớp mấy?

- Thưa Bác, cháu học lớp bảy.

- Cháu làm nghề gì?

- Thưa Bác, cháu đánh máy ở Công ty thực phẩm.

- Cán bộ về giúp công việc khu phố thế là tốt!

Bác nhận thẻ cử tri, phiếu bầu, xem kỹ tên những người ứng cử và đứng đợi ở cửa phòng viết phiếu thứ ba. Cán bộ phụ trách phòng bầu cử ngại Bác đợi lâu, mời Bác vào phòng viết phiếu. Bác nói:

- Trong phòng có người đang viết. Ai đến trước viết trước. Bác đến sau thì Bác chờ.

Chờ một bà cụ viết xong phiếu bầu, Bác mới vào phòng viết. Các đồng chí quay phim, nhiếp ảnh muốn ghi lại hình ảnh Bác Hồ viết lá phiếu bầu. Bác nói:

- Không được ai vào. Đây là phòng viết phiếu của cử tri.

Bác gấp lá phiếu, cẩn thận bỏ vào hòm phiếu.

Ra khỏi phòng bầu cử, Bác Hồ gặp một chị bế con nhỏ, chị Lê Thị Bích Thủy, công nhân Xí nghiệp bánh kẹo, bế cả con đi bầu. Đến nơi thấy Bác Hồ vào phòng bỏ phiếu, chị bế con đứng đợi ở cửa, chị nghĩ thế nào cũng được trông thấy Bác. Bác Hồ dừng lại hỏi chuyện gia đình chị. Bác âu yếm vuốt má cháu bé và cho cháu kẹo.

Làm xong nhiệm vụ công dân, Bác Hồ vẫy chào mọi người và đi thăm một số hòm phiếu khác.

Bác ra về rồi nhưng bà con cử tri và cán bộ Ban bầu cử hòm phiếu số 6 đặt tại Nhà thuyền Hồ Tây còn nhắc nhau những lời Bác nói, Bác dặn phải phát huy hơn nửa quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh to lớn của xã hội chúng ta, trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Không ai lại nghĩ rằng đây là lần cuối cùng Bác đi bầu cử xây dựng chính quyền ở Thủ đô ta.

(Trích trong cuốn Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Hà Nội, 1980).

43. Thăm công nhân Nhà máy Điện

Chiều 30 Tết năm 1957. Khi thành phố mới lên đèn thì Bác đến khu tập thể công nhân Nhà máy điện An Dương. Gia đình ông Nguyễn Văn Hào, may mắn nhất, được Bác thăm đầu tiên. Ông đứng sững người, cầm tay Bác mà tưởng như trong mơ. Bác tươi cười, thân mật:

- Bác đến chúc Tết cô chú đây. Nhà ta ăn Tết có vui không?

Ông Hào lễ phép trả lời, giọng cảm động:

- Dạ thưa Bác, vui lắm ạ!

Nhìn quanh không thấy bánh chưng, Bác lại hỏi:

- Nhà ta không gói bánh à?

Bà Tĩnh vợ ông Hào vội đáp:

- Dạ có ạ! Năm nay nhà cháu gói được hai chục chiếc vừa mới vớt ra, đang để ngoài sân.

Bác nhìn chồng bánh đang để trên tấm phản ở ngoài gật đầu, tươi cười:

- Thế là tốt.

Bác đứng một lúc mặc niệm trước bàn thờ tổ tiên rồi hỏi về công việc làm ăn của ông bà ở nhà máy, căn dặn phải làm tốt, phải tiết kiệm. Bác xoa đầu các cháu bé đứng cạnh, rồi quay sang hỏi ông bà:

- Cô chú được mấy người con?

- Dạ thưa Bác, bốn ạ!

Bác căn dặn:                                                                                                                       

- Cô chú phải cố gắng nuôi con, cho ăn học tử tế để trở thành người lao động mới, xây dựng đất nước sau này. Khi ra sân, thây giàn bầu có mấy quả dài trên một mét. Bác khen ngợi việc tăng gia sản xuất của gia đình.

Sau đó Bác đến thăm một số gia đình khác. Như một người thân đi lâu ngày về quê ăn Tết, Bác hỏi tỷ mỷ về đời sống, sức khỏe, về công tác của mọi người. Bác còn xuống tận bếp xem. có gọn gàng, sạch sẽ không. Bác chúc mọi người ăn Tết vui vẻ và sau đó phải đoàn kết hơn để sản xuất, lao động thật tốt.

(Trích trong cuốn Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Hà Nội, 1980).

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: