69. Bác chúc Tết được không?
Tết Bính Tuất (1946), Tết Độc lập đầu tiên của nước nhà sau ngót một trăm năm nô lệ. Tình hình chung trong cả nước đang có nhiều chuyện phức tạp. Thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược ra các tỉnh quanh Sài Gòn. Ngoài Bắc, bọn Tàu Tưởng quấy nhiễu, nuôi dưỡng bọn phản động mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ.
Đêm giao thừa, bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành ít phút gọi điện xuống chúc Tết Bộ Tổng tham mưu Vệ quốc quân, trụ sở lúc này đóng ở Trường mồ côi số 16 phố Rikiê (nay là phố Nguyễn Du). Đúng lúc ấy, đồng chí trực máy lại bỏ đi đâu đó thành thử không có người đáp lời. Thế rồi cả đêm đó cũng không ai hay biết. Sáng sớm mồng Một, Bác lại điện xuống. Bác bảo:
- Giao thừa đón Xuân Bính Tuất, Bác định chúc Tết các chú, nhưng gọi mãi không ai trả lời cả.
Tôi bối rối hết chỗ nói, cảm thấy thật có lỗi với Bác và có lỗi với cả cơ quan.
Sau này, tôi được biết tối Ba mươi ấy, Bác đi chúc Tết nhiều nơi. Hết đến thăm gia đình có công với cách mạng, Bác lại đến xóm lao động thăm hỏi và chúc Tết đồng bào. Bác đi tới tận khuya chắc là mệt lắm, Bác vẫn không quên gọi điện xuống chúc Tết chúng tôi, vậy mà chúng tôi lại không nhận được niềm vui hạnh phúc đằm thắm đó vì sự chểnh mảng của chính mình.
Tiếp đó, Bác chúc Tết chúng tôi một cách rất vui vẻ, hồ hởi, rồi Bác phê bình:
- Là cơ quan tham mưu mà mất cảnh giác thì không được. Cán bộ cơ quan tham mưu phải làm gương cho toàn quân về tinh thần cảnh giác và chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ quy định.
Những điều Bác nhắc nhủ đã thấm thía mãi trong tôi suốt cả cuộc đời binh nghiệp sau này.
(Theo hồi ức của Đại tướng Hoàng Văn Thái, trích trong "Người cha thân yêu")
70. Phải biết cái đẹp ấy vì ai và cho ai
Tấm ảnh chụp ngày Bác đến thăm Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp năm 1958 được treo ở nơi trang trọng nhất của phòng họp. Bác mặc bộ quần áo lụa nâu, ngoài khoác chiếc áo len dài tay. Bác đang cười và xung quanh khuôn mặt nào cũng rạng rỡ, hớn hở.
... Anh Lâm, Chủ nhiệm Khoa Cơ bản hồi tưởng lại:
- Ngày ấy, tôi còn đang là học trò của trường... Mọi người nhìn theo ngón tay anh chỉ qua cửa sổ về phía dãy nhà ba tầng.
- Buổi đầu, trường đâu có được như bây giờ, còn gọi là Trường Mỹ nghệ, cả thầy và trò chưa đông bằng một khoa hiện nay. Nhà cửa thì mái lá đơn sơ, tường phên vách nứa.
Anh Lâm cảm động kể tiếp:
- Bàn học của tôi đặt ngay gần cửa. Khi được tin Bác đến, mọi người còn đang ngây ra, chưa kịp chuẩn bị thì được thấy Bác đến lớp. Anh chị em sung sướng đứng cả dậy. Niềm vui đến quá bất ngờ nên người thì hô "Hồ Chủ tịch muôn năm", người thì vỗ tay, có người lại chào như con cháu chào: "Bác ạ"...
- Bác đến từng bàn xem các tranh vẽ. May mắn nhất cho tôi là được ở gần Bác khi Bác trở lại bàn đầu. Bác cầm tranh - đúng hơn là bài làm của tôi - rồi Bác hỏi:
- Cháu có biết trường của các cháu đang học là trường gì không?
- Thưa Bác là trường Mỹ nghệ ạ.
- À, đây là Trường Mỹ nghệ. Mỹ là đẹp. Vậy trong trường này cái gì cũng phải đẹp, phải sạch, có đúng không?
- Thưa Bác, vâng ạ!
Chúng tôi đồng thanh đáp. Tức thì Bác lấy tay gõ gõ lên bàn học của tôi, dí dỏm hỏi:
- Vậy cái bàn các cháu đang ngồi học đây có đẹp không?
Ánh mắt chúng tôi dõi theo tay Bác đang chỉ vào cái bàn chúng tôi đang học sơn mài, trên đó ngổn ngang các chậu sơn then, cánh gián, son, và khá nhiều bụi bẩn.
Chúng tôi chỉ còn biết gãi đầu, rụt cổ, cười gượng gạo...
Anh Huy, giáo viên sơn mài - cũng là học sinh cũ, kể thêm:
- Bác đi thăm mọi chỗ. Khi qua nhà tắm đến nhà bếp, Bác dừng lại tỏ ý không hài lòng và dặn mọi người phải ăn ở sạch sẽ để giữ gìn sức khỏe, có thế mới học hành tấn tới được. Sau đó, Bác đến hội trường nói chuyện với thầy, trò chúng tôi. Bác luôn luôn nhắc:
- Trường các chú là thường làm ra toàn những cái đẹp cơ mà. Vậy phải biết cái đẹp ấy vì ai, cho ai, đẹp như thế nào?...
Đến đây, anh Tôn Ngộ Đệ, Phó Hiệu trưởng nói:
- Hội trường tre nứa ngày ấy bây giờ đang là chỗ đổ móng xây nhà nhiều tầng làm học đường mới... Tôi cứ nhớ mãi câu Bác kết thúc buổi nói chuyện: "Bác biết các cháu đã hiểu được là học để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có xây mà không có chống thì không có kết quả. Tư tưởng cá nhân chủ nghĩa là thù địch của chủ nghĩa xã hội".
(Theo Đức Anh)
71. Cây bách tán
Ngày 19-5-1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm Ngày sinh lần thứ năm mươi sáu của Bác Hồ. Suối ngày hôm đó, Bác phải tiếp những đoàn khách ở khắp mọi miền về chúc thọ Người. Nhưng có một đoàn khách đặc biệt và đông đảo khiến cho Bác không thể tiếp được ở trong nhà mà phải ra ngoài cửa mới đủ chỗ đứng. Đó là đoàn thiếu niên, nhi đồng, đại biểu cho tất cả các đội thiếu niên ở Thủ đô. Các em đánh trống, cầm cờ, rước ảnh Bác Hồ. Có những em gái, em trai bé nhỏ ôm những bó hoa lớn. Nhiều em trân trọng nâng niu trên tay những gói bao giấy bóng kính buộc dây nơ - đó là quà tặng của các em để mừng thọ ngày sinh của Bác kính yêu. Hồ Chủ tịch xúc động khi lần lượt các em đến bên Bác kính cẩn dâng quà tặng cho Người.
Khi được Bác "tuyên bố" sẽ trao tặng lại các em một món quà thì tất cả đều hồi hộp, ai cũng căng óc tự phỏng đoán xem đó sẽ là món quà gì: Kẹo bánh, khăn quàng, huy hiệu, giấy bút?
Một chậu cây trang trí những dây hoa và sao vàng óng ánh được các chú phục vụ đưa đến. Các cháu xuýt xoa khen cây đẹp, nhưng chẳng cháu nào biết tên của loài cây này. Bác liền giải thích:
- Đây là cây có tên gọi bách tán, giống như cây thông nhưng nhỏ và đẹp hơn. Bách tán có hàng trăm tán lá nhỏ bao quanh thân cây...
Bác dặn dò: "Các cháu đem về trồng, chăm cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy".
Nghe Bác dặn vậy, các cháu đều nhảy lên mừng rỡ, thích thú. Các em xin phép Bác, thay phiên nhau khiêng cây bách tán đem về vườn hoa trồng.
Cây bách tán đã bị chiến tranh tàn phá. Nhưng kỷ niệm về món quà Bác tặng các em thiếu nhi Hà Nội ngày nào đó còn sống mãi.
(Theo Phong Nhã, trích trong "Bác Hồ với thiếu nhi"
72. Trong tình thương yêu của Người
Chúng tôi còn nhớ như in, hôm đó là ngày 31-12-1958. Trời rét ngọt. Các tấm cửa kính của cả ba lớp học trong ngôi nhà 88 phố Thợ Nhuộm được đóng kín để tránh gió. Đang dạy các cháu xếp hình kiến trúc, tôi nghe chị Hồng Trang (người có công xây dựng phong trào mẫu giáo Thủ đô) gọi ngoài cửa:
- Cô, cháu chuẩn bị lát nữa đón khách quý nhé!
Nghe tin báo, lòng tôi tự dưng xôn xang, hồi hộp kỳ lạ. Chưa kịp bảo các cháu xếp hộp hình kiến trúc và tập lại mấy bài hát thì đã nghe tiếng chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng - Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố nói vọng vào:
- Dạ thưa Bác, các cháu trường mầm non mong được Bác đến thăm lắm ạ!
Tôi quay ra chỉ còn kịp nói được mấy tiếng: Bác! Bác! Thì Bác đã nhanh nhẹn đi vào lớp. Các cháu như một bầy chim ríu rít đứng bật cả lên đồng thanh: "Chúng cháu chào Bác ạ!". Bác tươi cười đến từng bàn xem hình các cháu đã xếp, rồi Bác dừng lại bàn hai cháu Kim Hòa và Chính Lam hỏi chuyện:
- Cháu mấy tuổi?
- Thưa Bác, cháu lên ba ạ!
Bác cười, xoa đầu cháu Hòa nói:
- Lên ba sao cháu lớn thế?
Cả lớp cùng cười. Cháu Hòa biết mình nói nhầm nên xấu hổ cúi mặt.
Rồi Bác nói với các cháu:
- Bác nghe các cô ở Hội Liên hiệp phụ nữ báo cáo cháu rất ngoan, chăm học, vâng lời cô giáo, nên hôm nay Bác đến thăm trường. Bác đề nghị các cháu trả lời mấy câu hỏi: Các cháu ở đây cả ngày có bị đói không?
Nhiều cháu cùng thưa với Bác:
- Thưa Bác, chúng cháu no lắm ạ!
Bác chỉ một cháu ngồi ngay bàn trên:
- Thế cháu ăn có ngon không?
- Thưa Bác, có ngon ạ!
Bác đi xuống giữa lớp, chỉ vào hai cháu Sơn và Nam hỏi:
- Các cô giáo có đánh các cháu không?
- Thưa Bác không ạ!
Các cháu trả lời xong, Bác vỗ tay và cả lớp cùng vỗ tay theo. Bác quay sang hỏi tôi:
- Cô học nghề dạy trẻ từ bao giờ?
- Thưa Bác, cháu là cán bộ phụ nữ mới được đào tạo cấp tốc để về mở trường ạ!
Bác đã sang thăm lớp chị Bắc mà cô cháu tôi vẫn còn chưa hết bàng hoàng, chưa biết phải làm gì thì tôi nghe tiếng chị Hồng Trang:
- Mời các cô cho các cháu tập trung ở phòng học lớn để gặp Bác.
Toàn trường đã ngồi đông đủ trong phòng học lớn. Bác căn dặn chúng tôi phải cố gắng mở thêm nhiều trường mầm non ở các quận, huyện để các cháu có chỗ học hành, bố mẹ các cháu yên tâm công tác. Bác còn hỏi tỉ mỉ: Buổi sáng các cháu đến trường lúc mấy giờ, chiều mấy giờ đóng cửa. Các cháu có bố mẹ đều đi công tác xa thì nhà trường giải quyết thế nào?
Sau khi nghe chị Diệu Hồng báo cáo cụ thể chế độ nuôi các cháu, Bác tỏ ý hài lòng. Rồi Bác lấy kẹo ra, hỏi:
- Các cháu có thích kẹo không?
- Thưa Bác có ạ!
Khi các cô chia kẹo, Bác hỏi cháu Minh:
- Cháu muốn được mấy cái kẹo?
- Thưa Bác hai cái ạ!
Bác hỏi lại:
- Sao lại chỉ có hai?
Cháu Minh rụt rè nhìn các bạn rồi thưa:
- Thưa Bác, còn để phần cho các bạn nữa ạ!
Bác xoa đầu cháu Minh khen ngoan.
Từ sau hôm Bác về thăm, chị em chúng tôi càng thấy rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp nuôi dạy các cháu, ít lâu sau, vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác, cô cháu chúng tôi lại được phép lên thăm Bác tại Phủ Chủ tịch. Hôm đó, Bác ra tận thềm đón các cháu. Mỗi cháu dâng lên Bác một bông hoa đã chuẩn bị sẵn ở nhà. Cô cháu chúng tôi lại được quây quần bên Bác, trong tình thương yêu vô vàn của Người.
(Lan Dung, Hồng Trang, Bắc, trích trong "Bác Hồ với phụ nữ Hà Nội"
73. Con đường tuổi trẻ
Chủ nhật ngày 16-10-1958, 100 học sinh các trường Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương và Nguyễn Huệ đang lao động xây dựng mở rộng đường Cổ Ngư thì Bác Hồ đến.
Bác nói: "Hôm nay, Bác đến thăm các cháu tham gia lao động xây dựng Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bác rất vui mừng thấy ở đây các cháu có nam, nữ, các cháu miền Bắc, miền Nam đều khỏe mạnh, hăng hái lao động, như thế là tốt...".
Bác dặn dò học sinh các trường thi đua nhau cùng làm tốt, phát huy sáng kiến tăng năng suất lao động... Bác sẽ đổi tên con đường này là đường Thanh Niên.
Quan tâm tới công trình của tuổi trẻ Thủ đô, ngày 06-6-1959, Bác Hồ lại đến thăm lần thứ hai giữa lúc học sinh nghỉ hè, tham gia lao động rất đông. Con đường hoàn thành, ngày 05-02-1961, Người đến trồng cây ở vườn hoa đường Thanh Niên.
Được vinh dự tham gia trồng cây với Người có các đại biểu về dự Đại hội Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam thành phố Hà Nội.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện về lợi ích việc trồng cây: "Nếu mỗi thanh niên một năm trồng 3 cây và chăm sóc thật tốt, 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây, 5 năm sẽ trồng 120 triệu cây. Nếu đem trồng số cây ấy trên đường nối liền Hà Nội - Mạc Tư Khoa thì con đường chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng xanh tươi".
(Trích trong "Bác Hồ với nhân dân Hà Nội")
Khánh Linh (tổng hợp)