Chỉ mục bài viết

 16. Các cô chú có đồng ý thế không?

Trong những năm 1955 - 1956, phong trào xóa nạn mù chữ phát triển rầm rộ. Đặc biệt khu Lương Yên là khu lao động có rất nhiều người từ 16 tuổi trở lên chưa biết chữ. Cuối tháng 02 năm 1956, khu phố tôi đã mở 75 lớp cho gần một ngàn đồng bào lao động học. Từ các cụ già đến các chị con mọn cũng tham gia học lớp bình dân học vụ vào buổi tối.

Hôm nay, buổi tối một ngày cuối tháng 3 năm 1956, tôi đến lớp học như thường lệ. Đang chăm chú viết, tôi bỗng nghe có tiếng lao xao. Tôi đoán chắc lại có phái đoàn đến thăm và động viên như nhiều lần trước nên vẫn mải mê nắn nót chép chính tả. Thoáng thấy có tia sáng vụt lóe chớp tôi thầm nghĩ: Quái, ai hút thuốc lào mà bật lửa liên tục thế nhỉ? (Sau mới biết là các phóng viên chụp ảnh). Lúc ngẩng lên thì đã thấy Bác đang đứng trước mặt, tôi. Tôi chưa kịp nói gì, Bác đã bảo: "Cô viết nữa đi, cô viết đẹp rồi đây!".

Tôi cảm động quá, chẳng biết nói gì, lúng túng đứng dậy và định vỗ tay chào mừng Bác. Nhưng Bác xua tay bảo: "Thôi thôi! Cô cứ ngồi xuống viết đi. Cô viết khá lắm".

Rồi Bác hỏi tiếp:

- Cô được mấy cháu rồi?

Được Bác hỏi chuyện, tôi sung sướng thưa:

- Thưa Bác, cháu được hai cháu ạ, một trai một gái.

- Cô sắp có cháu thứ ba phải không?

- Thưa Bác, vâng ạ!

- Chú ấy làm gì?

- Dạ thưa Bác, nhà cháu là thợ sửa chữa ô tô ạ.

- Cô cố mà học cho giỏi, đến 19 tháng 5 này viết thư cho Bác nhé.

- Dạ vâng ạ.

Nguồn hạnh phúc bất ngờ khiến tôi bàng hoàng, lưỡi cứng lại, người đờ ra. Đến khi Bác quay sang nói chuyện với mọi người, tôi vẫn ngỡ ngàng như không tin vào sự thật. Tôi như bừng tỉnh khi nghe giọng nói đầm ấm của Người cất lên:

- Thực dân Pháp đô hộ nước ta, các cụ, các cô, các chú không được đi học là thiệt thòi. Bây giờ có lớp bình dân học vụ, các cụ già còn đi học, vậy các cô, các chú phải cố gắng lên để theo các cụ. Các cô, các chú có đồng ý thế" không?

- Thưa Bác, đồng ý ạ!

Tôi nói thật to, hòa chung giọng với mọi người.

Quay sang giảng viên là cháu Hà, học lớp 5, mới độ 13-14 tuổi, Bác đặt tay lên vai cô "giảng viên tí hon” căn dặn:

- Cháu cố gắng chịu khó dạy các cô, các chú biết đọc, biết viết cho tốt nhé!

Cuối cùng Bác căn dặn, động viên mọi người học hành chóng tiến bộ. Rồi Bác ra về cũng đột ngột như lúc đến vậy. Chúng tôi xô cả ra cửa lớp, nhìn theo mãi dáng cao gầy, giản dị trong bộ quần áo kaki phai màu cho đến khi bóng Người khuất sau dãy nhà trước mặt.

(Theo bà Nguyễn Thị Tính, trích trong cuốn Bác Hồ với phụ nữ Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1980).

17. Một chuyến thăm, ba bài học

Sau hơn một tuần diễn ra trận chiến bảo vệ kho xăng Đức Giang, ngày 29-6-1966 Bác Hồ đến thăm một đại đội thuộc Đoàn thông tin Sông Điện, Bộ đội phòng không đóng ở chùa Trầm (Hoài Đức). Cuộc đi thăm không báo trước. Khi chiếc xe con dừng lại ở lưng chừng dốc, một chiến sỹ nhận ra Bác reo to lên. Bác giơ tay ra hiệu không được làm ồn ào rồi bảo chiến sỹ đó đưa Bác vào đơn vị.

Với đôi dép cao su giản dị Bác đi rất nhanh trên sườn đồi, bộ quần áo bà ba nâu bay trong gió. Sau khi dừng lại xem câu lạc bộ, Bác nhanh nhẹn đi xuống nhà bếp. Thấy đồng chí Hào Tổ trưởng anh nuôi đang bê một nồi cơm to từ trên bếp lò xuống. Bác vui vẻ hỏi:

- Mỗi bữa chú ăn được mấy bát?

- Thưa Bác, cháu ăn được ba bát ạ.

- Chú ăn được như vậy là tốt - Nói xong, Bác mở hộp thuốc lá lấy ra một điếu đưa cho Hào.

- Bác biếu chú, hút đi!

Rồi Bác lấy một điếu khác ra để hút. Thấy Bác có ý tìm đóm để châm lửa, Hào vội rút bao diêm trong túi ra định bật diêm cho Bác, Bác liền ngăn lại:

- Chú để dành diêm mà nhóm bếp. Cả bếp lò đang hồng thế kia tha hồ mà cho Bác cháu ta châm thuốc.

Chỉ một que diêm mà Bác đã cho chúng tôi bài học sâu sắc về tinh thần tiết kiệm.

Ở bếp bước ra, Bác hỏi cán bộ đại đội:

- Các chú có trồng rau không?

- Thưa Bác, chúng cháu chỉ trồng được rau muống dưới chân núi thôi ạ. Còn trên sườn đồi này nhiều sỏi, trồng không lên.         

Bác kể lại kinh nghiệm hồi ở chiến khu và bảo:

Các chú xúc hết đá đi, xới đất, xuống ao bốc bùn đổ lên, rau sẽ xanh tốt. Có trồng có ăn, đỡ phần cung cấp của nhân dân.

Từ đó, trên vách đá men theo con đường trong đơn vị các vườn rau đua nhau mọc lên xanh tốt. Đơn vị không chỉ tự túc rau ăn mà còn bán cho đơn vị bạn và nhân dân nữa.

Bài học thứ ba Bác dạy cho chúng tôi là con đường mòn và công tác dân vận. Khi đơn vị chưa đóng ở chùa Trầm, bà con trong vùng vẫn đi làm đồng theo con đường mòn qua núi. Từ ngày đơn vị đến, anh em đã tự động rào lại cấm người qua lại. Thăm qua mấy nơi, Bác bảo tập hợp bộ đội lại để Bác nói chuyện, Bác căn dặn:

- Muốn làm tốt nhiệm vụ, các chú phải đoàn kết nội bộ tốt, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân địa phương... chỉ có dựa vào nhân dân, đoàn kết với nhân dân mới bảo vệ được mình, che mắt địch và đánh thắng được chúng.

Chợt Bác chỉ tay ra phía đường cái và hỏi:

- Thế các chú cấm con đường này thì nhân dân đi lối nào?

- Thưa Bác, đi vòng theo các bờ ruộng ngoài kia ạ!

Bác nghiêm mặt:

- Như vậy là không được. Các chú cấm đường để bảo mật, phòng gian là đúng, nhưng phải đắp đường khác cho dân đi chứ. Có như vậy mới đúng là quân dân đoàn kết!

Bác dặn đơn vị phải làm ngay, đắp đường cho to, trồng cây hai bên và khi nào làm xong báo cáo cho Bác biết. Ngay hôm sau, đơn vị bắt tay vào làm đường, làm cả trưa hè nắng lửa, đốt đuốc làm cả đêm. Con đường hoàn thành trước hạn định. Các cụ trong làng đem cây ra trồng hai bên. Con đường quân dân đoàn kết ấy được đặt tên là "Đường Quyết Thắng" - Con đường mang ý Bác, lòng dân, con đường đi của chúng tôi: Vì nhân dân phục vụ.

(Theo Vũ Trọng Tâm, trích trong cuốn Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984).

18. Nghệ sỹ phải là chiến sỹ

Vào một ngày cuối Thu năm 1959, tôi được báo vào Phủ Chủ tịch hát phục vụ Bác. Niềm vui quá lớn, quá bất ngờ khiến tôi hồi hộp, lo lắng, đứng ngồi không yên. Tôi lo trước Bác, mình sẽ lúng túng.

Vừa trông thấy tôi, Bác hỏi ngay:

- Hôm nay cô hát bài hát gì cho Bác nghe đây?

Tôi dè dặt thưa:

- Thưa Bác, cháu ngâm Kiều ạ.

Bác hỏi:

- Tại sao cô lại chọn ngâm Kiều?

Tôi luống cuống, ấp úng thưa:

- Thưa Bác, Kiều là tác phẩm của thiên tài Nguyễn Du. Cuộc đời Kiều ngày xưa trăm nghìn cay đắng, nhưng ngày nay nhờ có cách mạng, có Bác, xã hội Việt Nam không còn những nàng Kiều nữa ạ. Thấy tôi lúng túng, Bác liền thân mật bảo:

- Này nghệ sỹ phải là chiến sỹ. Đã là chiến sỹ phải dũng cảm.

Bất chợt Bác hỏi tôi:

- Cô vẫn hai cháu đấy chứ?

Tôi bàng hoàng cả người?

- Thưa Bác vâng ạ.

Thì ra hồi năm 1957, trong đoàn thanh niên Việt Nam đi dự phéttivan 6 ở Liên Xô, tôi đã được vinh dự gặp Bác tại Bắc Kinh. Lần đó Bác có hỏi chuyện gia đình tôi. Tôi đã thưa với Bác là có hai cháu trai. Bác bảo:

Muốn phục vụ tốt, đỡ vất vả, nghệ sỹ nên sinh đẻ ít thôi.

Đến nay đã hơn năm rồi. Bác phải lo trăm công nghìn việc của đất nước mà vẫn nhớ hoàn cảnh của tôi, khiến tôi xúc động nghẹn ngào, không nói nên lời.

Trong cuộc đời nghệ sỹ, tôi biểu diễn biết bao lần trước đông đảo người xem mà vẫn giữ phong thái tự nhiên. Vậy mà đứng trước Bác, một thính giả đặc biệt - tôi thật sự không bằng lòng với mình vì ngâm chưa đạt. Tôi thưa lại với Bác điều đó. Bác cười và nhắc lại:

- Nghệ sỹ phải là chiến sỹ. Chiến sỹ phải dũng cảm.

Từ một cô bé phải đi hát kiếm ăn từ 11 tuổi, trải qua bao cơ cực của đời hát thuê, tôi đâu dám mơ ước không chỉ được hát phục vụ mà còn được vị Chủ tịch nước ân cần hỏi han, dạy bảo như người cha đối với con.

Năm 1967, đoàn chúng tôi diễn màn đầu vở "Kiều Nguyệt Nga" để Bác được nghe nhiều làn điệu. Tôi đóng vai Lục Vân Tiên.

Biểu diễn xong Bác lên tặng hoa và bắt tay từng người. Với ai Bác cũng dừng lại nói vài câu. Lúc đến trước mặt tôi vẫn trong trang phục Lục Vân Tiên, Bác nói vui:

- Dại thế, lúc nãy Kiều Nguyệt Nga tặng trâm sao không lấy!

Tôi cũng cười mạnh dạn thưa:

Thưa Bác, vì Vân Tiên là một tráng sỹ gặp người bị nạn giữa đường cứu giúp, vì việc nghĩa chứ không phải vì bạc, vàng ạ!

Bác gật đầu cười. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng được biểu diễn phục vụ Bác.

Từ ngày Bác đi xa, tôi vẫn luôn nhớ câu nói của Bác. Tôi đã trải qua nhiều thử thách, đã trưởng thành và vẫn luôn nhắc nhở mình: "Nghệ sỹ phải là chiến sỹ".

(Nghệ sỹ ưu tú Lệ Thanh kể, trích trong cuốn Bác Hồ với phụ nữ Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1985).

19. Các chú ấy nói có đúng không?

Chủ nhật trước ngày 02-9-1958, khu nhà tập thể Thành hội phụ nữ đông vui hơn mọi ngày vì hôm ấy không chỉ có các ông chồng về chơi mà nhiều chị còn đón cả bố mẹ ở quê ra dự ngày hội lớn ở Thủ đô.

Khoảng ba giờ chiều, được các đồng chí lãnh đạo Thành ủy báo sẽ có khách quý tới thăm, chị Minh Quang - Phó Hội trưởng vội hội ý với chị Thúy Hạnh, nhắc nhở chị em đang ở nhà dọn dẹp sạch sẽ để đón khách.

Chưa kịp bắt tay vào việc chuẩn bị thì xe của Bác đã đến. Bác nhanh nhẹn bước xuống, các chị trong cơ quan mừng quá ùa ra đón Bác, mời Bác vào phòng khách. Nhưng Bác nói:

- Không, Bác chưa vào phòng khách. Các cô cứ để Bác đi xem các cô ăn ở thế nào đã.

Vừa nói, Bác vừa đi qua sân, qua dãy nhà tập thể rồi xuống thẳng bếp. Trước đó chị Thúy Hạnh đã chạy vội đi khép cửa mấy căn hộ nổi tiếng là luộm thuộm.

Các chị đang chuẩn bị bữa cơm chiều trong bếp thấy Bác thì vui sướng chạy ào ra, miệng reo như trẻ thơ:

- A! Bác đến, Bác đến!

Các đồng chí đi cùng với Bác khẽ nhắc:

- Các chị không nên reo to.

Bác hỏi chị em:

- Đây là nhà ăn à?

- Thưa Bác, vâng ạ!

Bác cười, hỏi mấy cô cấp dưỡng:

- Thế nào? Chiều nay các cô cho chị em ăn món gì?

Chị Nhàn thay mặt cả nhóm thưa:

- Thưa Bác, chiều nay chúng cháu có rau muống luộc, cà muối và đậu rán ạ!

Bác gật đầu vẻ hài lòng:

- Các cô giữ bếp núc sạch sẽ như thế này là tốt. Cố gắng thay đổi món ăn luôn cho chị em.

Cả mấy chị em đồng thanh đáp:

- Thưa Bác, vâng ạ!

Từ nhà bếp, Bác đi sang nhà trẻ. Bác hỏi:

- Sao không có các cháu?

- Thưa Bác, hôm nay là Chủ nhật các cháu ở nhà với bố mẹ các cháu ạ!

Bác nhìn qua cửa, thấy nhà trẻ sạch bóng, Bác gật đầu tỏ ý hài lòng.

Lúc ấy ngoài sân nhà tập thể, chồng của một số chị em đã tạm dừng công việc, phấn khởi ra đứng đón Bác, Bác cười hỏi anh em:

- Cơ quan phụ nữ sao lại có các chú ở đây?

- Thưa Bác, hôm nay Chủ nhật, chúng cháu về thăm gia đình ạ.

Bác hỏi lại:

- Các chú chỉ về thăm thôi à? Các chú phải về giúp các cô việc gì chứ?

- Thưa Bác, chúng cháu có giặt giũ, bế con, dọn dẹp nhà cửa đây ạ.

Bác quay ra hỏi chị em:

- Thế các chú ấy có nói đúng không?

- Thưa Bác đúng ạ.

Tất cả chúng tôi rộ lên sung sướng theo cái gật đầu bằng lòng của Bác.

(Theo lời kể của một chị công tác ở Thành hội, trích trong cuốn Bác Hồ với phụ nữ Hà Nội, Nxb. Hà Nội,1985).

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: