Chỉ mục bài viết

 

BÁC CÒN SỐNG MÃI VỚI NON SÔNG ĐẤT NƯỚC

Đã vào hè 1975. Phượng đã nở đỏ tưng bừng khắp nơi, ve đã râm ran trên khắp các đường phố Hà Nội. Sen cũng đã nhát thơm ở Hồ Tây. Nhưng Thủ đô vẫn dường như chưa hết ngây nhất vui mừng vì đại thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước.

Trên một vùng đồi núi xa, các cán bộ chiến sĩ đoàn 69 - đoàn có trọng trách thiêng liêng bảo vệ thi hài Bác ngày tạm xa Hà Nội lên đây - nay trong những ngày đầu tháng 5 này, ngoài sự mừng vui đại thắng, Đoàn còn có cả sự hồi hộp mong chờ ngày sẽ được rước Bác trở về thủ đô. Đoàn đã được lệnh của Bộ cho quân liên tục tập luyện sẵn mọi mặt, với các tình huống khác nhau theo giả định, để sẵn sàng đón nhận lệnh cụ thể...

Và đã sang tháng 7, toàn đơn vị cùng toàn thể các bác sĩ, y sĩ phụ trách thuốc men... đều như reo cả lên. Điều mong chờ đã đến: đã có chỉ thị của Bộ CT và Quân uỷ cho đoàn 69 chuẩn bị mọi mặt để rước Bác trở về Thủ đô. Dịp này Chính phủ và Đảng cũng sẽ tổ chức luôn lễ khánh thành Lăng Bác và mừng Đất nước toàn thắng, và cũng là mừng quốc khánh 2 tháng 9 năm 1975...

Một trong những công việc đầu tiêu của 69 là kiểm tra, sửa soạn tất cả xe cộ, đồng thời sửa sang lại đường xá, và tổ chức bảo vệ an ninh suốt dọc đường từ K84 qua Sơn Tây - con đường vốn đã rất xấu vừa qua lại có chủ ý còn muốn để cho như hoang hoá từ lâu, nhằm tránh mọi con mắt xấu tò mò ngó tới nơi K84 nơi đang bảo vệ Bác trong gần 6 năm đã qua...

Trong khi đó ở Hà Nội, lữ đoàn 144 cũng hết sức vui mừng được lệnh phái 150 sĩ quan và chiến sĩ hành quân bằng cơ giới lên một vùng đồi ở Phú Thọ dựng lên cả mô hình bằng tre nứa tựa như Lăng Bác, để luyện tập về phục vụ ngày đón Bác về, và cả những ngày lễ lớn sau đó, theo đúng quy cách quốc và cả quốc tế. Rồi tập cả mọi công việc bảo vệ an ninh tuyệt đối... Tất cả phải hết sức thuần thục. Và lữ đoàn đã được đổi phiên hiệu thành Lữ đoàn 250 với nhiệm vụ chính thức lâu dài là chuyện thực hiện việc gác tiêu binh danh dự ở LăngBác và bảo vệ an toàn toàn khu vực Lăng...

Thế rồi ngày 26 tháng 5 - 1975, một ngày không sao quên với đoàn 69 lệnh của Bộ Quốc phòng được đưa tới: Đoàn 69 chuẩn bị tích cực chu đáo nhất để sẵn sàng nhận lệnh rước Bác về Thủ đô.

Cả đoàn gần như nổ tung trong niềm vui khôn tả. Đảng uỷ Đoàn họp ngay bàn kế hoạch hành quân.

Rất mau lẹ, tất cả mọi việc chuẩn bị trong ngoài đã hoàn tất và được báo cáo lên Bộ. Ngày chính thức đón Bác về Thủ đô đã được Bộ ấn định: 17 tháng 7 - 1975. Ở Hà Nội mọi công việc, mọi mặt để đón Bác về Lăng cũng đã chuẩn bị hoàn hảo.

Ấy là buổi chiều muộn khô ráo, hoàng hôn tuyệt đẹp đỏ rực cả trời tây. Trời đấy và tất cả sơn hệ Ba Vì hùng vĩ cũng như hướng cả về K84 để vọng tiễn người Anh hùng trở về kinh thành, với tất cả sự huy hoàng và niềm tôn kính thiêng liêng...

20 giờ tối hôm ấy đoàn xe về tới quảng trường Ba Đình đã sáng loà như trong cả một trời ánh điện. Trong vùng sáng tuyệt vời ấy, toà Lăng càng nổi bật lên y như một đài sen Thần đang mở ra chờ đón vĩ nhân kiệt xuất của dân tộc ta mà cũng là của cả thế giới nô lệ lầm than được giải phóng trở vệ. Tất cả các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ đều đã đến đông đủ Không thiếu cả ông Vũ Kỳ người thư ký vô cùng tin cậy của Bác và cả nhóm các kỹ sư, cán bộ đã làm nên lễ đài đầu tiên ở chính nơi đây hồi cách mạng tháng 8 năm 1945. Có cả một số anh hùng dũng sĩ thời chống Pháp, chống Mỹ nổi tiếng cũng có mặt...

Khi cả đoàn xe rước Bác long trọng và trang nghiêm từ từ dừng bánh trước Lăng, đồng chí Nguyễn LươngBằng thay mặt Bộ CT trước hết bầy tỏ nỗi vui mừng khôn xiết của Đảng và Chính phủ trước lĩnh cữu Bác đã về tới đây - Thủ đô của cả nước. Rồi thay mặt Trung ương, Bộ CT đồng chí cám ơn toàn thể nhân dân ta từ Bắc tới Nam, trong đó có quân đội anh hùng của ta, cám ơn cả Liên Xô cùng các chuyên gia, cám ơn cả bạn bè trên thế giới đã giúp đỡ ta chí tình trong việc lưu giữ thi hài Bác tới việc xây Lăng thành công... để hôm nay đã có thể cùng nhau long trọng đón Bác trở về...

Trong không khí hết sức thiêng liêng và xúc động mỗi lúc một thêm dào dạt, hai cánh cửa Lăng từ từ được mở rộng. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ cùng bước nhanh tới chiếc xe Rap chở lĩnh cữu Bác. Những người chí sĩ mặc đại lễ phục cũng rất may mắn tiến lại và với những động tác cực kỳ thuần thục được tập luyện từ lâu, cùng theo hiệu lệnh rước Bác vào Lăng trên những bước chân cực kỳ trang trọng và uy nghiêm.

Giây phút quá thiêng liêng. Nhìn Bác vẫn với chòm râu thông thái, với vầng trán bao la, và cả gương mặt cao quý, bao dung... nằm bình yên như ngủ trên chiếc giường đồng và trong lồng kính trong suốt lước qua chầm chậm, nước mắt nhiều người lại trào ra. Ai cũng muốn chạy theo. Ai cũng muốn thốt lên, kêu lên "Bác ơ! Bác ơi!..." cùng những lời thiết tha cháy bỏng của lòng mình. Nhưng rồi Bác đã tới Lăng... Vf hai cánh cửa Lăng đã từ từ khép lại. Cũng lúc đó xuất hiện hai chiến sĩ mặc đại lễ phục trắng với quân hàm, quân hiệu, và huân chương rực rỡ, đứng gác như hai pho tượng ở hai bên cửa, nghiêm trang, tuyệt đẹp canh giấc ngủ cho Bác. Hai chiến sĩ tiêu binh danh dự đầu tiên đó là hai đồng chí Nông Văn Thành và Nguyễn Văn Rỉ - một người ở Việt Bắc - Cao Bằng, một người ở Nghệ An quê Bác...

Một tháng sau. Mùa thu đã hiện diện với lá vàng lượn bay trên các đường phố và trên mặt Hồ gươm. Mây trắng xốp như đi đâu vắng mãi, nay cũng đã trở về lang thang, nhởn nhơ trên bầu trời bao la theo thiết xanh của Hà Nội.

Ngày 29 tháng 8-1975 đúng như kế hoạch, Chính phủ và Trung ương Đảng đã tổ chức lễ khánh thành Lăng Bác. Lễ làm ở Hội trường Ba Đình nơi long trọng nhất ở bên kia quảng trường, đối diện với Lăng mới xây (Hội trường này nay đã được dỡ bỏ để xây nhà quốc hội mới). Hội trường được trang trí rất phù hợp với lễ khánh thành Lăng Bác, nên vô cùng trang trọng, có thể nói chưa bao giờ ở Hà Nội có buổi lễ đặc biệt như thế này. Người đến dự cũng đều xúc động lạ lùng.

Đã có đông đủ các nhà lãnh đạo, các quan chức chính phủ, và đại diện ưu tú của đủ các giới, các đoàn thể, các tầng lớp xã hội, và tôn giáo... Sự đông đảo hiếm có này đã đủ nói lên ý nghĩa, sự trang nghiêm và tầm cỡ của buổi lễ.

Sau những bài diễn văn súc tích và đầy tình cảm sâu nặng của các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh... và hai bài phát biểu cảm động của các đồng chí trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô và trưởng đoàn đại biểu Đảng cộng sản Trung Quốc... Rồi đồng chí Phùng Thế Tài Tổng Tham mưu phó quân đội cùng đồng chí Kinh Chi cục trưởng cục bảo vệ của quân đội được trao nhiệm vụ hướng dẫn các đoàn đại biểu sang bên Lăng để chính thức mở đầu cho tất cả muôn triệu buổi viếng đầu tiên, không khí càng đặc biệt. Đoàn nối đoàn, hết sức im lặng - nhưng trong sự im lặng ấy là cả một biển động của tiếc thương, yêu kính, và cả tri ân cùng sự quyết tâm đời đời đi theo mãi con đường cách mạng của Bác, ai ai cũng như muốn được chiêm ngưỡng Bác trước...

Thế rồi các đoàn đại biểu cùng nối tiếp nhau từ từ, càng hết sức nhẹ bước, đi qua hai chiến sĩ tiêu binh, rồi qua cửa chính, cùng vào tiền sảnh. Không ai bảo ai, tất cả cùng dừng lại giữa căn phòng ngắm nhìn hàng chữ "Không có gì quý hơn độc lập tự do" cùng chữ ký của Bác. Dòng chữ này đã được đọc, được nghe không biết bao lần, nhưng thật lạ, hôm nay vào đây tất cả mọi người đều có cảm tưởng như rất mới, và cảm xúc rất mạnh. Rồi các đoàn đại biểu lại nối tiếp nhau theo các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ lên tầng trên, cáng kính cẩn phòng trung tâm nơi i Bác đang nằm. Trong khung cảnh đặc biệt trang trọng, vừa thông thấy Bác, tất cả mọi người lại đều như choáng đi trong ngộn triều xúc động quá lớn. Thật vậy, tới đây mọi người đã được bằng chính mắt mình được chiêm ngưỡng Bác rõ hơn, sau 6 năm tạm xa cách vì chiến tranh và xây Lăng. Bây giờ Bác nằm đó đẹp quá, tao nhã quá, hiền từ và khoan hoà quá, y như một người ông, người cha vô cùng yêu quý, nhưng cũng là vị anh hùng giải phóng dân tộc, lừng danh thế giới mà UNESCO đã kính tặng danh hiệu "Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới". Người đã cùng Đảng ta đã không chỉ lãnh đạo toàn dân đánh thắng cả hai đế quốc hàng đầu thế giới, giải phóng hoàn toàn dân tộc khỏi chế độ nô lệ và thuộc địa kiểu mới trá hình, mà còn mở ra cả một thời đại mới cho dân tộc, cho nước nhà với thể chế chính trị Dan chủ cộng hoà, tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Thật vậy, trong quá khứ, các vua chúa nước nhà dù anh minh, dù có cứu nước chống ngoại xâm cũng vô cùng oanh liệt... hoặc trị dân tốt đẹp đến đâu, nhưng rút cục vẫn chỉ là chế độ phong kiến tập quyền cha truyền con nối, với nền nông nghiệp nghèo đói ngàn đời rồi. Cho tới bây giờ không có thể gọi là gì khác: Thời đại Hồ Chí Minh dân chủ và phồn vinh....

Sau đó mọi người lại hết sức nhẹ nhàng cùng nhau trở ra quảng trường. Liếc nhìn nhau cùng thấy dường như trên nhiều khoé mắt như vẫn còn ngấn lệ. Tuy nhiên dẫn sao cũng khác với cảnh khóc than như trong lễ tang khi Bác mất năm 1969, trong mọi nỗi xúc động, nhớ thương nay còn có cả ý thức tri ân, lòng hy vọng và niềm vui và tin tưởng rực sáng ở tương lai của dân tộc, của Đất nước mà Bác vẫn mãi mãi là chủ soái với tư tưởng, đường lối và tinh thần, tình cảm để lại.

Rồi mọi người ra về, nhưng vẫn còn ngoái lại ngắm nhìn toà Lăng. Như cùng thấy đẹp hơn, uy nghi hơn và còn thêm cả lòng thầm cám ơn những người đã xây Lăng, bảo vệ giữ gìn Lăng, cảm ơn cả những người đã chủ trường và quyết tâm lãnh đạo, tổ chức xây nên toà Lăng này...

Ba ngày sau, là lễ mừng quốc khánh 2 - 9 - 1975. Từ sáng sớm cả thành phố như đã đỏ rực mầu cờ. Nhân dân nội, ngoại thành đều sắm sửa chuẩn bị để đi dự mít tinh lớn ở quảng trường Ba Đình mới tân tạo với Lăng Bác mới được xây dựng. Những người dân Hà Nội đã sống ở đây từ đã lâu không khỏi liên tưởng tới cái đêm hôm trước và cả sáng 2 tháng 9 năm 1945 cùng nhau nô nức đi du dự cuộc mít tinh đón Chính phủ cách mạng ra mắt và Cụ Hồ công bố bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử trước toàn dân và toàn thế giới. Vậy nếu gọi Quốc khánh 1945 là Quốc Khánh của Tuyên ngôn độc lập, thì nay sau đúng 30 năm - sau hai cuộc kháng chiến đánh bại hai đế quốc hàng đầu thế giới - có thể gọi quốc khánh 2 - 9 - 1975 là quốc khánh của Đại thắng và hoàn toàn độc lập, thống nhất, cũng còn có thể gọi là quốc khánh của Lăng Bác một công trình lịch sử - văn hoá to lớn, trang trọng và nặng đầy ý nghĩa...

Sáng hôm ấy 2 - 9 - 1975 trời lại chiều người, nắng thu vàng như tơ. Trên mặt quảng trưởng nay đã được mở rộng rất khác xưa với hàng mấy trăm ô cỏ xanh đều tăm tắp - nhân dân đã đứng kín đặc mà vẫn hàng lối, trật tự, rất đẹp. Cờ đỏ tung bay rớp trời. Loa phóng thanh từ bốn phía luôn luôn cất lên những lời thông báo về chương trình đại lễ rồi phát to những bản nhạc cách mạng đầy khí phách và hùng tráng. Ai ai cũng cảm thấy rõ ràng nơi đây, đại lễ này quả là rất khác xưa, thật là hoành tráng.

Nhìn lên lễ đại mới nay ở trên cấp giật thứ hai của bệ Lăng rất bề thế ấy, nhân dân vui vẻ chỉ trỏ với nhau: Kia là các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh, kia là đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tướng Văn Tiến Dũng... những vị mà nhân dân ngoài này đã được biết từ lâu. Còn kia là các đồng chí lãnh đạo và chỉ huy từ miền nam mới ra - hoặc mới lần đầu xuất hiện trước đông đảo nhân dân: Các đồng chí Chu Huy Mân, Võ Chí Công, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ... Nhìn sang lễ đài hai cánh: các đại biểu cũng đã ngồi kín trong đó thấy rõ những chiến sĩ đội mũ tai bèo và những cán bộ mặc áo bà ba nom rất thân thương...

Thế rồi cuộc diễu hành của nhân dân như gấm như hoa từng đoàn diễu qua Lăng và khán đài. Trước hết là các đoàn và nhóm đại biểu của nhân dân miền trong ra; Nam bộ, Tây nguyên, Liên khu 5, Trị-Thiên... Tất nhiên xa xôi không ra được đông nhưng cũng rất tưng bừng, náo nhiệt với cơ hoa cùng biết bao nụ cười rạng rỡ. Đặc biệt, xen kẽ với những nụ cười có cả những giọt nước mắt và tiếng gọi Bác với tất cả niềm thương nhớ cùng lòng tôn kính, tri ân. Có đoàn dừng hẳn lại trước Lăng Bác và lễ đài để vẫy cờ và hô vang những lời thiết tha nồng cháy... Rồi tới các đoàn miền Bắc. Rất đông đảo. Gần như bất tận. Có đoàn còn đem theo đàn sáo và ca hát vang trời ... Những người trên lễ đài ở hai bên Lăng, cả những đồng chí lãnh đạo đứng trên lễ đài chính cũng không khỏi hết sức xúc động trước hình ảnh cụ thể của niềm vui sướng của cả dân tộc khi đã được hoàn toàn độc lập thống nhất sau bao năm trời bị chia cắt đau khổ và chiến tranh tàn khốc.

Ở dưới dường Hùng Vương, dòng người vẫn nối tiếp diễu qua với cờ, hoa, biểu ngữ và những lời hô, tiếng hát. Trên lễ đài chính, các đồng chí lãnh đạo cũng liên tục giơ tay vẫy chào lại mọi tầng lớp nhân dân yêu quý. Tuy nhiên, dù vui bao nhiêu, mừng bao nhiêu, nhìn lên mọi người vẫn không sao quên cũng ở trên lễ đài này, những năm qua còn có cả một bàn tay cầm một cầm một chiếc mỹ cứng đã cũ vẫy vẫy, với một vầng trán mênh mông, một đôi mắt sáng như sao và một nụ cười hiền triệt, một chòm râu thông thái...

Buổi đại mít tinh đã kết thúc bằng cuộc cũng là đại diễu binh chưa từng có: Thuỷ, lục, không quân các đơn vị vũ khí nặng từ các loại pháo binh, cao xạ, tên lửa... đến các loại xe bọc thép và xe tăng đi qua làm rung chuyển cả không gin cả mặt đường Hùng Vương đã được hoàn toàn làm bằng bê tông cốt thép... Và kết thúc là những phi độc Mic hùng mạnh, hiện đại bay theo đội hình những mũi tên, và thả theo sau những vệt khói dài mang mầu cờ Tổ quốc... Những đợt sóng hoan hô, vỗ lại cuốn lên tưng bừng, nồng nhiệt, kéo dài đến như say mê không dứt từ hàng ngàn, hàng ngàn người đi xem đứng kín dọc tất cả các con đường chung quanh quảng trường. Trong lúc đó, nhân dân trong toàn thành phố cũng đổ cả ra đường, ngửa mặt lên tươi cười nhìn xem: "Míc của mình" gầm vang, rạch trời bay qua, nghiêng cánh chào tất cả đồng bào yêu quý.

Cuộc đại mít tinh và diễu binh lịch sử 2 tháng 9 năm 1975 của Nước nhà sau bao nhiêu năm bị chia cắt và chiến tranh vô cùng ác liệt đã kết thúc, đồng thời đánh dấu sự bắt đầu mở ra một thời kỳ mới huy hoàng trong lịch sử của Đất nước: Thời kỳ Hoà bình vững vàng dựng xây Tổ quốc theo đúng những gì mà Bác Hồ đã chỉ bảo...

Cũng từ đó coi như sự nghiệp của các lực lượng giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới với những yêu cầu mới.

Xuất phát từ nhiệm vụ mới và hoàn cảnh mới các nhà lãnh đạo ở trên đã phải nghĩ ngay tới hai việc trước hết: một là ổn định và củng cố nơi ăn chốn ở cho tất cả anh em phục vụ chung quanh Lăng. Vừa qua, trong suốt hai năm xây dựng Lăng tất cả các lán trại của các bộ phận đều rất tạm bợ; một phần tập trung ở khu vực gọi là nhà tập thể cấp 4 một tầng, cũ ký, rất chặt chội ở số 1 phố Ông Ích Khiêm, một phần phải ở lán làm tạm ngay sau Lăng, ngày ngày mưa giột, nắng xiên... Nay Lăng đã bắt đầu đi vào hoạt động, các đồng chí cấp trên đã thấy không thể để anh em sống tạm bợ mãi nữa. Tuy nhiên, công tác tổ chức vẫn phải được rất quan tâm hàng đầu. Chình vì vậy, ngày 28 tháng 12 cùng năm 1975. Quân uỷ Trung ương đã ra Nghị quyết về việc tổ chức Đơn vị bộ đội bảo vệ Lăng, để thống nhất chỉ huy và điều hành mọi công việc trong Lăng... Qua mấy tháng hoạt động, lại rút kinh nghiệm, thấy cần tiến thêm một bước nữa về tổ chức, ngày 14 tháng 5 năm sau (1976) Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, với phiên hiệu là Đoàn 969 (trên cơ sở của đoàn 69 đã hoạt động hết lòng với nhiều công tích trong những năm qua). Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng được thành lập là mọi sự kiện lịch sử đánh dấu bước trưởng thành của các lực lượng bảo vệ Lăng, giữ gìn thi hài Bác và cũng là sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với lực lượng này. Bước đầu đại tá Lương Soạn làm quyền Tư lệnh. Sau đó hai năm lực lượng 969 càng phát triển, đồng chí thiếu tướng Kinh Chi được bổ nhiệm Tư lệnh kiêm chính uỷ Bộ Tư lệnh Lăng...

Từ đó tới nay, đã trải qua nhiều thế hệ Bộ Tư lệnh giầu năng lực và tinh thần trách nhiệm cao nối tiếp nhau, đời sống cán bộ chiến sĩ phục vụ Lăng được cải thiện, rõ rệt, nhất là càng thu được nhiều kết quả trong sứ mạng cơ bản của mình, trước hết là trực tiếp chăm lo giữ gìn thi hài Bác cùng các nhà khoa học, y học Việt Nam và chuyên gia Liên Xô. Thứ hai: Quản lý sử dụng tốt các thiết bị, máy móc và các công trình kỹ thuật trong Lăng. Thứ ba: - Tổ chức gác danh dự và bảo vệ an toàn khu vực Lăng ngày đi vào nền nếp và hoàn hảo, hướng dẫn hết sức chu đáo các đoàn khách quốc tế và nhân dân ta vào viếng Bác, và thứ tư là chăm lo, cải thiện đời sống của cán bộ chiến sĩ trong Đoàn.

Do vậy Lăng Bác ngày ngày được củng cố, hoàn thiện, càng nổi rõ lên là một công trình lịch sử, văn hoá và tâm linh vô cùng quan trọng của Đất nước - một công trình như biểu tượng không những của lòng yêu kính và tri ân Bác, và biểu tưởng của niềm tin như núi lớn không gì lay chuyển nổi của nhân dân ta đối với tư tưởng và đường lối Hồ Chí Minh cùng Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh do Người lãnh đạo, xây dựng... Thêm nữa, bản thân toà Lăng cùng các công trình, cơ sở chung quanh như quảng trường Ba Đình, khu di tích Bác Hồ trong phủ Chủ tịch... cộng thêm một ngôi chùa cổ kính rất nổi tiếng ở gần bên đó là chùa Một cột, tất cả đã trở thành một khu vực lịch sử, văn hoá lớn của Thành phố và của cả nước....

Vĩ thanh

Và năm 2010 đã tới. Không khí Hà Nội cùng cả nước đã khá sớm xôn sang chờ đón xuân mới Canh Dần và đại lễ 1000 mừng năm Thăng Long - Hà Nội, cùng chào mừng kỷ niệm 35 năm xây dựng Lăng Bác. Thật vậy, năm nay 2010 là năm thứ 35 năm của Lăng Bác.

Cũng như mọi năm, giáp Tết rồi, hoa đào và quất vàng đã xuất hiện trên nhiều đường phố Hà Nội cùng với đủ loại hoa tươi khác. Mưa xuân cũng sớm lay bay với triệu triệu bụi nước li ti như bụi ngọc rơi đậu trên đầu, trên vai áo các chàng trai, các thiếu nữ Thủ đô vô tư như bươm cùng nhau lướt xe trên các đường phố để sắm Tết hoặc đi dạo đón mưa xuân đầy lãng mạn. Có những món, những cặp còn đưa nhau lượn lên khu Lăng Bác để được thoáng đãng hơn và ngắm cảnh. Nhưng không phải chỉ có lớp trẻ mà còn có cả nhiều người đứng tuổi, thậm chí có tuổi trong thành phố hoặc trẻ từ các tỉnh xa về Hà Nội có việc, hoặc sắm Tết, có người cũng đáo lên vùng Lăng dù có khí chỉ trong chốc lát. Có người là tri thức, có người là nghệ sĩ, có người là thương gia, có người chỉ là chủ của những gia đình bình thường nhưng có nền nếp, gia phong... Có cả những cựu chiến binh từ xa xôi mỗi khi ghé về Hà Nội cũng nhất định lại phải lên Lăng viếng Bác. Và một số sinh viên đi học ở nước ngoài tranh thủ về thăm nhà, cũng không quên lên Lăng để báo cáo và tạ ơn. Khách quốc tế những năm gần đây càng tới thăm Lăng nhiều hơn, từ Á sang Âu, tới Mỹ và Mỹ La tinh, và Trung cận đông Trung Hoa, Lào Campuchia... Đáng xúc động hơn là các trẻ em, tàn tật phải đi xe lăn, cũng đã xin được đưa vào Lăng. Các em đều khóc hết, có em khóc rũ như cha mẹ chết đã làm cho tất cả cán bộ đi cùng và cán bộ Vệ binh danh sự của Lăng cũng không thể cầm được nước mắt... Rồi bà con Việt Kiều về thăm quê, hầu như trong chương trình nếu không nói là hầu hết thì cũng không ít người cũng đều có buổi vào Lăng viếng Bác... Sổ vàng ghi cảm tưởng của khách 35 năm qua nay đã cao gần bằng đầu người, mà Ban quản lý Lăng nay vẫn còn lưu giữ. Trong hàng triệu lời của khách ghi lại, có những dòng của đoàn phụ nữ Mỹ: "Chúng tôi yêu mến đất nước Việt Nam, vì có lãnh tụ Hồ Chí Minh... Chúng tôi coi cụ là người của hoà bình, của tinh thần nhân đạo và trí tuệ lớn lao, cũng coi cụ như lãnh tụ của nhân dân tiến bộ của nước Mỹ...". Đoàn đại biểu của Eti-ô-pia cũng đã viết: "Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ của Việt Nam mà là của các dân tộc bị áp bức trên thế giới này cũng đang đấu tranh quét sạch chủ nghĩa đế quôc ra khỏi đất nước mình..."...

Những ngày qua công việc ở Lăng rất nhiều, nhưng lớn nhất là đã chuẩn bị tổ chức tổng kết và kỷ niệm 35 năm xây dựng Lăng Bác, đồng thời cũng để tham gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Về 35 năm sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Lăng Bác, bản tổng kết đã chuẩn bị xong về cơ bản, đã đánh giá rất nghiêm túc những thành quả lớn rất tốt đẹp mà các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng bảo vệ Lăng đã hoàn thành, phát huy được ý nghĩa chính trị, văn hoá to lớn của công trình Lăng Bác. Bản tổng kết cũng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu, đánh giá rất cao ý chí phi thường của các lực lượng bảo vệ Lăng Bác cùng với tinh thần phát huy nội lực, chủ động sáng tạo, vươn lên làm chủ vững chắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác, đồng thời quản lý, tôn tạo kiến trúc công trình Lăng, và cả Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, đồng thời quản lý tốt quảng trường Ba Đình đã được cải tạo... Trong báo cáo tổng kết đã nhắc lại cả những khó khăn có khi tưởng chừng không vượt qua nổi, vậy mà với truyền thống "Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo" toàn thể cán bộ chiến sĩ của Lăng đã vượt qua được hết, kể cả hai khó khăn lớn nhất không sao quên: đó là hồi 1979 có xung đột trên biên giới phía Bắc, và sau nữa là năm 1990 Liên Xô tan rã. Liên Xô tan rã, ta không còn viện trợ nữa, trong đó có dung dịch đặc biệt để lưu giữ thi hài Bác. Dưới chính quyền mới, liệu bên đó có còn giúp ta không? Vậy tính sao đây? Nhưng rồi ta vẫn không quên tình xưa nghĩa cuc giữa đôi bên đã lâu đời và cách ứng sử hiện tại của ta cũng rất đúng mức và chân tình, và nhất là do uy tín lớn của Bác, nên ban vẫn cung cấp cho ta dung dịch ấy theo thể thức có thanh toán. Cho tới năm 2003 ta đã đề nghị bạn đưa dung dịch và hoá chất sang sản xuất ở nước ta cho nhanh, đỡ công di chuyển vất vả và tốn kém, theo phương thức: ta trực tiếp sản xuất dung dịch, bạn sẽ làm cố vấn chỉ đạo cụ thể... Bạn đã đồng ý. Và cho tới nay học tập được thêm, có kinh nghiệm thêm, các cán bộ, chuyên viên của ta đã có thể hoàn toàn tự mình lo liệu pha chế được tất cả, và thi hài Bác vẫn luôn luôn được giữ tốt đẹp, đến mức gần đây nhiều chuyên gia của Liên Xô cũ như Viện sĩ Laphukin nguyên giám đốc trường Đại học y khoa Matxcova, đã cùng một số viện sĩ khác chuyên làm thuốc cho Bác trước đây - nay sang ta thăm và được vào Lăng viếng Bác, ông đã phải thốt lên: "Thật tuyệt vời! Sau 30 năm tôi mới trở lại đây, thấy diện mạo, thi hài Chủ tịch không có gì thay đổi: khuôn mặt bình yên và hai bàn tay đẹp của Người vẫn thế. Thể tích và hình dáng các phần mềm cũng không thấy có thay đổi" (trích)... Người ta hiểu đó là do công sức và trí tuệ, tài năng của các chuyên gia Việt Nam nhưng không thể thiếu công sức và tấm lòng của tất cả những người trong lực lượng bảo vệ Lăng và quản lý thi hài Bác. Ta cũng đã đưa được nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh sang Nga học. Bây giờ lực lượng khoa học y học của ta khá đông đảo... Có thể nói: ta đã như đi từ con số 0, nay đã có thể làm được tất cả và có thể đủ tất cả những gì cần thiết... Đó là một thành tích rất lớn mà bản tổng kết đã nhấn mạnh. Vấn đề thứ hai báo cáo tổng kết của Bộ Tư lệnh Lăng cũng chú ý nhiều là việc nhân dân cả nước cùng kiều bào ở nước ngoài về thăm gia đình, cùng khách quốc tế càng ngày càng đông đảo - nay đã tới hàng chục triệu lượt người thường xuyên vào Lăng viếng Bác, đã được luôn luôn chăm sóc rất chu đáo, không xảy ra thiếu sót gì nghiêm trọng, được khách trong nước, khách quốc tế và Việt kiều đều ca ngợi và cám ơn. Đó, cũng là một thắng lợi, thành tựu lớn. Còn một vấn đề rất quan trọng mà tổng kết cũng đã chú ý, đó là sự duy tu, bảo dưỡng các loại máy móc vận hành trong Lăng. Qua 35 năm "Chạy" liên tục dù anh em hết sức trông nom, bảo trì, nhưng rồi máy nào cũng phải cũ mòn và dần hư hỏng. Đã dần dần được thay thế. Chơ tới nay gần như máy móc các loại trong Lăng đều là máy mới và hiện đại hơn trước. Thêm nữa, công tác quản lý, tôn tạo kiến trúc công trình Lăng, Đài tưởng niệm các liệt sĩ, anh hùng, cùng quảng trường Ba Đình... cũng đã được các cán bộ chiến sĩ trong Lăng rất có ý thức trông nom, và tiếp tục tôn tạo rất khang trang cùng với các công trình khác chung quanh cùng tạo nên một khu vực lớn về lịch sử, văn hoá của Thủ đô và của cả nước... mà ai ai từ người trong nước tới khách nước ngoài và kiều bào đều rất tôn quý...

Ngoài việc chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm với bản tổng kết quan trọng ấy, Bộ Tư lệnh Lăng cùng các cơ quan chính trị, tham mưu, hậu cần còn đề ra một số việc bổ ích trong năm 2010, mà trong đó có một chương trình rất thú vị là lần đầu tiên có chủ trương sẽ cho khách tham quan được lên thăm khu Di tích Đá Chông rất đặc biệt, nơi đã rước Bác tới tạm tránh những tháng năm bom đạn Mỹ, hồi cuối chiến tranh.

.... Mưa bụi vẫn lay bay trên bầu trời Hà Nội, những gánh hàng hoa, những xe hoa... vẫn nườm nượp nối nhau tiếp tục vào thành phố. Cũng như một số người vẫn thi thoảng lại lên Lăng, tôi cũng không thể ngồi viết mãi trong không khí xôn xang này, nên đã tạm dẹp công việc, cũng lên khu Lăng trong chốc lát cho đầu óc được thư dãn, và cũng để ngắm "Thiên hạ" chuẩn bị vào xuân. Cũng lạ, lần nào lên đây, lại vẫn nhớ tới những bài thơ hay của nhiều nhà thơ đã viết hồi Bác mới qua đời, trong đó có bài thơ mà tôi cho là bất hủ của Viên Phương - nhà thơ miền Nam - viết ngay từ cuối năm 1975 khi anh ra viếng Bác:

Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

Ngày ngày mặt trời đi qua Lăng Bác

Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy chín mùa xuân

Bác nắm trong giấc nhủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh Lăng Bác

Muốn làm bông hoa thơm nhát đâu đây

Muốn làm cây tra trung hiếu chốn này...

Cũng lại nhớ tới mấy câu thơ hết sức ngắn, hết sức kiệm lời mà đầy rung động sâu xa của một nhà thơ Nhật bản - một cao tăng đã trên 100 tuổi - cụ Rio Onisi:

Trời xanh đón người cứu nước đi xa

Đau lòng chúng sinh trên đường mê

Thế gian nay mất lão anh kiệt

Lá thu rụng rơi, đời ủ ê...

Tất nhiên tôi cũng không quên mấy khổ trong một bài thơ dài của Tố Hữu nhà thơ lớn của ta:

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa

Chiều nay con chạy về thăm Bác

Ướt lạnh vườn cam, mấy gốc dừa...

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười...

Mưa vẫn bay và hoa đào vẫn tiếp tục vào thành phối. Tôi ngắm nhìn toà Lăng mờ áo trong bui mưa như khói như sương với biết bao gợi cảm. Trong nắng sớm toà Lăng đã rất đẹp với vẻ vững bền, bề thế, uy nghi, lúc nay trong mưa xuân toà Lăng lại có vẻ đẹp khác: lung linh tựa như một lâu đài trong cổ tích. Nhưng tôi cũng hiểu cảm nghĩ ấy không phải là chỉ do vẻ đẹp của kiến trúc công với những gợi cảm của thiên nhiên, mà vẻ đẹp hồn cốt của Lăng chính là vì Bác đang có ở đó. Cùng với Lăng này Bác càng mãi mãi hiện diện với đời, với dân tộc, với con cháu....

Không còn mưa nữa. Mặt trời đã ló ra, rạng rỡ, ấm áp đến nồng nà. Những gương mặt chung quanh tôi đều như sáng cả lên. Mùa xuân. Mùa xuân sắp tới rồi! Vẫn còn không ít người đứng đó  trên các con đường quanh Lăng. Lúc này màu đá hoa cương như không còn là màu xám xanh. Lăng nổi bật lên như một toà lâu đài hồng tươi trong nắng vừa được lọc sau mưa. Và từng đoàn người xa gần, vẫn nối tiếp nhau vào Lăng viếng Bác như bất tận./.

Bài viết khác: