Ngày 12 tháng 8 năm 1969. Sáng không có mưa rào nhưng vẫn lay bay và lại có gió. Các hàng cây xào xạc trong gió. Trời hơi lạnh. Thời tiết khá khác thường. Từ tối hôm trước, Bác được báo là đoàn cán bộ họp ở Pa-ri vừa về, có cả đồng chí Lê Đức Thọ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nay đang là cố vấn tối cao của đoàn ngoại giao ta.
Bác bảo đồng chí Kỳ chuẩn bị đưa Bác lên Nhà khách của Trung ương trên Hồ Tây để gặp phái đoàn. Đồng chí Kỳ lại mạnh dạn thưa, xin Bác cho mời các đồng chí ấy về đây. Bác nói là đoàn mới về chắc còn mệt, Bác cháu ta lên đó tốt hơn, vả lại từ Hồ Tây quay về Bác còn muốn tranh thủ xem nước lũ sông Hồng thếnào. Nghe nói năm nay mênh mông lắm, dân ngoài bãi đã phải chạy hết lên đê…Bác đã chỉ thị như thế, đồng chí Kỳ chỉ còn biết vâng lời, nhưng ông đã khéo léo bí mật gọi điện cho đồng chí Lê Văn Lương thông báo Bác đi gặp đoàn đồng chí Lê Đức Thọ. Nghe đồng chí Kỳ báo cáo và xin ý kiến, cân nhắc một chút rồi đồng chí Lương trả lời: Phải tuân theo yêu cầu của Bác, nhưng cần đem theo áo ấm cho Bác. Thế là chỉ một lúc sau đồng chí Kỳ đã kiếm được một chiếc áo bông khá dày đem theo… Khi Bác và các đồng chí cùng đi đến nơi, đồng chí Lê Đức Thọ và đoàn ngoại giao đều ùa ra đón. Ai cũng ngạc nhiên trách đồng chí Kỳ sao lại để Bác ra ngoài khi thời tiết thế này. Đồng chí Kỳ phải báo cáo lại mọi chuyện. Cả đoàn ngoại giao đều vô cùng cảm động trước tấm lòng của Bác với công việc và anh em ngoại giao. Bác ngồi xuống ghế, đồng chí Kỳ cẩn thận cầm chiếc áo bông rón rén đến khoác lên vai Bác. Trước khi nghe đồng chí Lê Đức Thọ báo cáo, Bác tươi cười hỏi anh em ngoại giao mới về có chuyện gì vui bên lề hội nghị kể cho Bác nghe. Thế là không khí trong phòng khách vui vẻ hẳn lên. Anh em cán bộ ngoại giao hào hứng thay nhau kể. Theo họ, Hội nghị Pa-ri y như cuộc "chạy việt dã" của các nhà ngoại giao. Ngay việc đầu tiên là địa điểm họp ở đâu, hai bên đã liên tục thi nhau "cò cưa" rất lâu. Đầu tiên Mỹ đề ra họp ở Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sĩ), Việt Nam đề ra phnôm Pênh (Cam-pu-chia). Mỹ lại đưa ra: Niu Đê-li (Ấn Độ), Ja-kac-ta (In-đô-nê-xi-a), hoặc Yan-gôn (Miến Điện). Hà Nội lại đề ra Vac-sa-va (Ba Lan). Mỹ tiếp tục đưa ra danh sách khác: Ka-bun (Áp-ga-nix-tan), Cô-lôm-bô (Sri Lan-ka), Tô-ky-ô (Nhật), Bru-xen (Bỉ)… Cuối cùng, sau một tháng, hai bên mới nhất trí chọn Pa-ri. Địa điểm xong lại đến hình dáng bàn họp: Vuông hay bầu dục, hay tròn. Cũng mãi sau mới thống nhất được bàn tròn. Rồi lại đến thành phần hội nghị, càng gay hơn. Mỹ yêu cầu phải có đoàn của Chính phủ Thiệu ở Sài Gòn tham gia. Tới đây có thêm chuyện vui: Đồng chí Xuân Thuỷ của ta vốn luôn luôn có nụ cười trên môi, các nhà báo quốc tế đều gọi vui là "ông Trưởng Đoàn có nụ cười thường trực". Nhưng hôm ấy nụ cười ấy như biến mất. Khi Xia-rớt Ven (Cyruc Vance) - Trưởng phái đoàn Mỹ nêu lên ý kiến phải có phái đoàn của Sài Gòn (Thiệu), đồng chí Xuân Thuỷ đã nghiêm nghị bác bỏ luôn ý kiến này. Ha-ri-men (Harriman) - Thứ trưởng ngoại giao tham gia phái đoàn Mỹ tuyên bố liền: "Nếu thế, bom sẽ lại rơi trên đầu các ông". Mặt lạnh như tiền, đồng chí Xuân Thuỷ nói như gắt lên: "Ông doạ đấy hả? Ném bom trở lại ? Chúng tôi sẵn sàng bắn gục các ông ngay". Cố vấn Lê Đức Thọ đóng vai trò mềm mại hơn: "Các ông doạ bằng chiến tranh không được đâu. Chúng ta đánh nhau mãi rồi còn lạ gì nhau? Chúng ta đã đến đây là để hoà đàm mà!". Ha-ri-men ngồi im một lúc rồi tuyên bố: "Thôi được, tôi rút lại câu nói bom sẽ lại rơi trên đầu các ông"… Mọi người cười oà. Một chuyện khác: Cũng trong một cuộc họp, Ngoại trưởng Kít-xing-gơ - cố vấn bên phía Mỹ đã phản bác lại một số điều thoả thuận đã nhất trí trong cuộc họp trước. Đến lượt đồng chí Lê Đức Thọ nói, nhưng lần này ông không mềm mại nữa mà cáu và dùng cả những từ như: "ngu xuẩn", "lật lọng"… Kít-xing-gơ đã đáp lại: "Ông cố vấn (đồng chí Lê Đức Thọ) đàm phán mà nói như mắng tôi, ít nữa nếu chúng ta có hoà bình thì ông mắng ai nhỉ? Ông có mắng cán bộ của ông như thế bao giờ không?" Cố vấn Lê Đức Thọ điềm nhiên trả lời: "Cán bộ của tôi chẳng ai quay quắt, lật lọng mà phải mắng!”. Lại cười ồ cả lên. Vui quá. Nhưng đồng chí Kỳ cho biết Bác còn muốn ra xem sông Hồng nước lụt. Đồng chí Thọ bèn xin phép Bác được bắt đầu làm việc rồi còn xin chỉ thị của Bác.
Hơn một giờ nghe báo cáo xong, trước khi ra về, Bác khen ngợi các đồng chí trong phái đoàn đã "chiến đấu rất tốt, rồi Bác căn dặn thêm và nhấn mạnh về tính chiến lược hiện nay của công tác ngoại giao cần phải có nhiều sáng tạo hơn nữa cũng như kiên trì hơn nữa, lúc cương lúc nhu… để làm cho công tác ngoại giao thắng lợi. Đây cũng là một mặt trận góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung. Mỹ rõ ràng đang ngả dần sang thế yếu, bị động, ta càng phải đẩy mạnh ngoại giao để hỗ trợ. Đó chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các phương thức đấu tranh để giành lấy toàn thắng.
Rồi đúng như ý muốn của Bác, khi ra về, xe rẽ tới một chỗ sát bên đê không xa đầu cầu Long Biên để Bác lên coi tình hình sông nước. Đồng chí Kỳ luôn đi sát để đỡ Bác leo lên đê. Ông cứ cuống lên, hết đỡ sau lưng lại như xốc nách, rồi chỉ còn thiếu cõng Bác lên lưng. Nhưng Bác luôn luôn gạt lại và cố gắng một mình leo lên đê từng bước một. Mưa đã tạnh, nhưng gió vẫn thổi dào dạt khá mạnh. Ông Kỳ lo thắt ruột, vẫn bám sát, hai tay vẫn luôn để hờ sau lưng Bác.
Bác đã lên tới mặt đê. Bác đứng đó, hai bàn tay úp lên nhau đặt trên đốc chiếc can cắm thẳng trước mặt. Bác lặng ngắm nhìn dòng sông lũ đỏ nặng phù sa đang cuồn cuộn chảy xiết. Ngập lụt mênh mang như biển. Bờ bên kia xa tít chỉ còn là những vệt cây xanh úa kéo dài mờ mờ sau khói sóng. Gió kéo dài hun hút. Bác vẫn đứng đó, lúc trông dân bãi chạy lụt nhếch nhác trên đê, lúc ngước nhìn lên bầu trời vẫn đầy mây xám, lúc lại đăm đăm trông ra dòng sông lũ như vẫn đang như điên cuồng phô diễn tất cả sức mạnh tàn bạo, hung dữ của mình. Đôi mắt Bác vốn đã rất sáng, lúc này càng như sáng ngời lên với những suy tư đang tràn ngập và cả bao niềm thương đau vò xé. Tuy nhiên trong đôi mắt sáng láng đến kỳ lạ ấy như đang tràn ngập cả sức mạnh của tinh thần sáng suốt cùng lòng quả cảm vô song… Đồng chí Kỳ và các cán bộ đi theo chăm chú ngắm nhìn Bác, bỗng như cùng có cảm tưởng Bác không phải chỉ đang đau lòng trước cảnh lụt lội lầm than cụ thể ở nơi đây, mà còn như đang đầy tâm trạng lặng nhìn cả đất nước, cả giang sơn này đang còn phải chịu đựng biết bao gian nan để rồi mới có thể đi tới ngày toàn thắng.
Rồi Bác lại chậm rãi bước đi, không chịu cho ai dìu đỡ. Tự mình xắn quần, với chiếc can, Bác đi dọc trên bề mặt đê lầy lội để tới thăm một số gia đình chạy lụt. Bác luôn luôn dừng trước những túp lều làm tạm rách rưới, xiêu vẹo. Bác thăm hỏi và an ủi các cụ già, vỗ về các trẻ nhỏ. Bác đến gặp cả một số thanh niên, trong đó có cả bộ đội phục viên. Họ đang liên tục bơi tay vo, hoặc chống, đẩy những chiếc bè làm bằng nứa ghép, hoặc các phản gỗ tháo ra, hoặc chỉ là các thân chuối buộc lại. Với những chiếc bè "ứng dụng" ấy họ lao ra các xóm ngoài bãi đã chìm ngập để mò vớt những gì còn có thể vớt, từ chiếc nồi nhôm méo mó cho tới những chiếc bu gà, dù gà đã chết cả trong bu vì không kịp chạy. Hầu hết mình trần, đầu óc rũ ruợi nước mưa, nước sông, mệt lử lả, họ từ các bè trở lại lên đê. Bác chủ động tới gặp họ hỏi thăm và động viên. Hết sức bất ngờ và sửng sốt, họ chỉ còn biết gần như khóc lên vì qua xúc động “Ôi, cha già!”. Tuy nhiên, gió lại như mạnh lên, mưa cũng lại lay bay vài hạt. Ông Kỳ và những người đi theo Bác cùng vội xin Bác quay trở về. Biết là không thể cưỡng lại mãi ý kiến của những người bảo vệ và phục vụ mình, Bác lại chóng can tự mình trở xuống chân đê.
Từ lúc lên xe, Bác gần như hoàn toàn im lặng. Chỉ có một lần, Bác quay lại khẽ hỏi đồng chí Kỳ, mà có lẽ như muốn tự hỏi chính mình: "Bao giờ thì ta có thể chống lại được lũ lụt? Bao giờ có thể làm cho nhân dân ta hết khổ?".
Buổi chiều hôm đó, trên nhà sàn, Bác vẫn làm việc như thường lệ, nhưng đồng chí Kỳ thấy sắc thái Bác có vẻ kém đi, vẻ mệt nhọc cũng rõ hơn và như ẩn dấu cả một nỗi đau buồn nào đó trong ánh mắt. Phải chăng quang cảnh lụt lội ngoài sông, bãi vẫn còn ám ảnh Bác mãi chưa nguôi và rất có thể cả những cơn gió lạnh tệ hại kia ít ra cũng đã có thể làm Bác khó chịu.
Rồi bỗng, đang ngồi ở nhà dưới, ông Kỳ thấy có tiếng ho. Gần như giật mình, ông chăm chú nghe, Ông đã nghe ra ngay đó là tiếng ho của Bác. Lại nghe mấy tiếng ho tiếp. Rồi cứ thế chốc chốc lại thấy tiếng ho liền, mà ho khá mệt. Không thể kiên trì được nữa, đồng chí Kỳ vội chạy lên nhà sàn. Bác nhìn ra, khẽ hỏi:
- Chú lên làm gì đấy?
- Thưa Bác… Thưa Bác…
Miệng đáp chưa hết câu, ông Kỳ đã bước vội vào phòng, lấy một cốc nước ấm đưa tới mời Bác chiêu cho dịu họng và hỏi Bác liệu cần thuốc không để gọi bác sĩ… Bác cảm ơn và bảo Bác chỉ ho qua loa, khỏi phiền anh em. Và Bác giục đồng chí Kỳ xuống nhà.
Vâng lời, ông Kỳ trở xuống. Nhưng từ lúc đó cho tới gần hết buổi chiều, ông không sao ngồi yên được nữa, Bác vẫn chốc chốc lại khúc khắc ho, thậm chí có lúc Bác ho khá dài. Với sự nhạy cảm của mình, không thể chờ xin ý kiến Bác nữa, ông Kỳ gọi điện ngay cho bác sĩ Nhữ Thế Bảo (Chủ nhiệm khoa Tim mạch Viện 108 và đang là Tổ trưởng Tổ Y tế đặc trách trông nom sức khoẻ cho Bác).
Chỉ khoảng gần một giờ sau, bác sĩ Nhữ Thế Bảo cùng bác sĩ Lê Ngọc Mẫn(1) đã đạp xe hộc tốc tới. Cả hai ông Bảo và Mẫn chỉ kịp ném xe vào gốc cây, chạy bổ lên nhà sàn và thực hiện ngay mọi thăm khám hết sức tỉ mỉ. Cuối cùng cả hai bác sĩ đều kết luận: Không hoặc chưa có triệu chứng gì khác lạ, trước mắt chỉ thấy Bác bị viêm phế quản dẫn đến ho do bị cảm lạnh. Ông Kỳ thầm "Nam mô A Di Đà phật", cầu mong mọi sự đúng là nhẹ nhàng như thế.
Sau khi đưa thuốc và tận mắt thấy Bác uống xong, hai bác sĩ mới xin phép Bác ra về. Trời bắt đầu tối.
Khoảng 21 giờ, thấy trên sàn nhà vẫn còn sáng đèn, dù các bác sĩ đã yêu cầu Bác cần ngủ sớm, ông Kỳ lại leo nhanh hai bậc thang một lên nhà. Quả nhiên Bác vẫn thức, không những thế lại đang ngồi trước bàn làm việc như thường lệ tuy vẫn khúc khắc ho. Ông Kỳ lại đem một cốc nước nóng tới đưa cho Bác và bỗng nhiên nhìn thấy gương mặt Bác thoáng như có vẻ đang bừng bừng. Ông Kỳ không kịp xin phép, đặt nhanh bàn tay mình lên bàn tay Bác. Và giật mình, ông Kỳ muốn bật thốt lên: Ôi, Bác sốt rồi! Thật vậy, bàn tay Bác khá nóng. Ông Kỳ vội xin phép Bác cho được tạm đo nhiệt độ bằng chiếc máy đo cá nhân vẫn luôn luôn để sẵn trên nhà. Chỉ mấy phút sau, gỡ bao quấn tay Bác ra, nhìn lại đồng hồ đo lần nữa cho khỏi nhầm: Chưa phải là cao lắm, nhưng đúng là Bác đang sốt, dù là sốt nhẹ. Lần này thì ông Kỳ không giám nhân nhượng nữa. Ông nhất quyết đề nghị Bác phải uống tiếp thuốc của bác sĩ Bảo để lại, rồi đi nằm nghỉ. Nhìn ông Kỳ, Bác cười, nhưng có lẽ cũng không muốn làm cho người thư ký hết mức tin yêu này quá lo lắng, Bác thu tài liệu lại, uống thuốc, rồi thong thả sang phòng ngủ của mình. Bấy giờ ông Kỳ mới trở xuống nhà, lặng lẽ quay máy lại gọi bác sĩ Bảo.
Sáng hôm sau, không phải chỉ có bác sĩ Bảo mà cả Hội đồng bác sĩ y khoa chuyên lo sức khỏe cho Trung ương do chính bác sĩ Bảo phụ trách đã có mặt ở nhà sàn từ khá sớm với đầy đủ thuốc men và các máy móc y tế cần thiết. Đêm qua, Bác đã gần như ho suốt. Rồi cả đồng chí Trường Chinh, đồng chí Sao đỏ (Nguyễn Lương Bằng) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đến. Bác không khỏi cảm động:
- Các chú đến sớm vậy? Mà sao đông thế? Bác chỉ sơ sơ thôi mà. Các chú chớ có quá bận tâm.
Các bác sĩ xin được thăm khám cho Bác ngay. Tất cả mọi người đều im lặng chăm chú theo dõi mọi hoạt động của Hội đồng bác sĩ. Không khí trong căn phòng ngủ của Bác trên nhà sàn tuy chưa phải quá nghiêm trọng nhưng cũng đã có phần chẳng bình thường. Người muốn giải toả không khí ấy không phải ai khác lại chính là Bác. Tranh thủ giữa các việc làm điện tim, đo mạch, kiểm tra huyết áp… Bác thường mỉm cười và hỏi chuyện mọi người, rất ân cần.
Sau một hồi khám và xét nghiệm, Hội đồng bác sĩ y khoa đã đi tới kết luận ban đầu: Bác bị viêm phế quản trên nền viêm phế quản mãn tính nên sốt cao và bạch cầu tăng.Hội đồng quyết định dùng thuốc kháng sinh Tatopen (giống như Ampicilin) của Pháp để điều trị cho Bác.
Tất cả mọi người đều như thầm thở, trút ra được một chút lo lắng. Gương mặt các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp bớt căng thẳng. Các đồng chí đều bắt tay các bác sĩ rất chặt - những cái bắt tay gửi gắm rất sâu nặng. Tất cả mọi cán bộ, nhân viên khác cùng có mặt trong thời khắc căng thẳng vừa qua, trước khi ra về đều chúc Bác mau bình phục cho con cháu được nhờ, cho Tổ quốc được mau thống nhất, cho đất nước sớm được yên bình, và hết lời đề nghị các bác sĩ gắng trông nom Bác…
Tuy nhiên, mấy ngày sau đó huyết áp Bác vẫn chưa được thật ổn định, khi lên khi xuống thất thường. Bộ Chính trị đã lại phải hội ý. Một quyết định đã được đưa ra theo đề nghị của các bác sĩ: Mời Bác xuống ở căn nhà mới xây năm 1967 khi Bác đi Trung Quốc. Ngôi nhà nhỏ phía sau nhà sàn rất kiên cố, có thể chống bom. Nếu Bác chịu xuống ở căn nhà mới xây mang ký hiệu H67 ấy Bác sẽ không phải leo cầu thang vất vả và khó khăn nữa. Bác trầm ngâm một chúi rồi đáp: Các đồng chí Bộ Chính trị đã có ý kiến, Bác chấp hành. Thế là lần đầu tiên Bác đã phải xa ngôi nhà thân yêu mà Bác đã ở đó gần tròn 15 năm với niềm vui và hạnh phúc là được cống hiến và hy sinh cả đời mình cho cách mạng, cho nhân dân, cho Tổ quốc. Khi các đồng chí Bộ Chính trị cùng đồng chí Kỳ đỡ Bác xuống hết cầu thang, Bác không khỏi ngoái nhìn lại ngôi nhà sàn với cặp mắt thật xa vắng.
Cũng vẫn thật đặc biệt: Xuống nhà H67, không chịu hoàn toàn nằm nghỉ, Bác vẫn làm việc. Tất nhiên Bác nói: "Nhẹ nhàng thôi mà". Bác còn cười, nói thêm: "Bác nằm suốt ngày sẽ càng ốm to!".
- Ngày 18 tháng 8 năm 1969, Bác đã ký Sắc lệnh số 123-LTC bổ nhiệm đồng chí Đỗ Mười giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Văn phòng Phủ Thủ tướng.
- Ngày 21 tháng 8 năm 1969 Người đã ký 2 sắc lệnh: Lệnh số 124-LCT thưởng hai Huân chương Chiến công hạng Nhì cho hai chuyên gia Liên Xô: Pa-ven Nô-xô-ca-ri-ốp và Bô-rít Xu-mi-ri-côp đã có công giúp nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. Lệnh số 125-LTC công bố tha cho những phạm nhân cải tạo tốt và giảm hạn tù cho những phạm nhân thật thà và cố gắng sửa chữa khuyết điểm trong thời kỳ ở trại.
- Ngày 22 tháng 8 năm 1969, Bác ký Điện chào mừng gửi các đại biểu dự "Cuộc gặp gỡ thế giới của Thanh niên và sinh viên vì sự thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam", họp ở Hen-xin-ki (Phần Lan).
- Ngày 23 tháng 8 năm 1969, Bác Hồ thưởng huy hiệu của Người cho 7 thiếu niên dũng cảm, thật thà nhặt được của rơi đem trả người đánh mất, dũng cảm lao xuống sông (trong đó có cháu bé nhất là 7 tuổi) cứu người bị nạn.
- Cũng trong ngày 23 tháng 8 năm 1969, Bác trao huy hiệu của Người cho Bộ Quốc phòng để thưởng cho các phi công ta bắn rơi máy bay Mỹ và cứu dân khỏi nước lụt.
Ai ai cũng hiểu tất cả những việc đó không phải chỉ là sự sáng suốt và sức làm việc phi thường của Bác, mà trước hết là tinh thần, ý chí, cùng tấm lòng bao la vô cùng của Bác.
Nhưng rồi sự lo xa của tập thể lãnh đạo đã không phải là quá đáng bởi sau đó bệnh của Bác lại bột phát. Tối 24 tháng 8 năm 1969, Bác đang nằm nghỉ, khoảng 20 giờ 30, ông Kỳ vẫn còn đang ngồi ở ngoài nhà cho mát bỗng nghe Bác thở khá mạnh và gấp. Gần như giật bắn người, ông lao vào nhà. Trên giường, Bác đang nằm tay ôm lấy ngực day day, xoa xoa. Cố nén mọi tiếng kêu sợ hãi, ông Kỳ vồ lấy chiếc máy nói thường trực lại gọi gấp bác sĩ Nhữ Thế Bảo.
Rất nhanh, chỉ một lúc sau không phải chỉ có ông Bảo mà cả Hội đồng y khoa đã có mặt đầy đủ cùng máy… Cũng liền ngay sau đó là các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương , Võ Nguyên Giáp, Song Hào…
Các bác sĩ lại ai vào việc ấy. Người khám sơ bộ lâm sàng cho Bác, người bắt đầu mở các máy y tế chuyên dụng… Không khí hết sức khẩn trương.
Một lúc sau, rời máy quay ra, bác sĩ Tổ trưởng Nhữ Thế Bảo cất tiếng nói chỉ vừa đủ nghe, nhưng thật sự quan trọng:
- Thưa các đồng chí, Bác bị nhồi máu cơ tim thành sau.
Ông Kỳ và tất cả các đồng chí lãnh đạo thoắt như choáng, lặng đi. Tuy nhiên bác sĩ Bảo đã cố gắng nói tiếp:
- Báo cáo các đồng chí, nhưng dẫu sao cũng còn có hy vọng cấp cứu. Chúng tôi sẽ cố hết sức mình.
Một hồi sau, đúng như lời bác sĩ Nhữ Thế Bảo, Bác đã dần dần hồi tỉnh, rồi mở mắt ra. Như để đáp lại những lời thăm hỏi của mọi người, Bác cố gắng giữ vẻ bình thường, nhưng gương mặt xanh xao và hơi thở còn khá mệt nhọc.
…Một chiếc xe com măng ca phóng khá nhanh trên con đường Trần Hưng Đạo, hướng tới Viện Quân y 108 ở bên bờ sông Hồng. Trên xe là đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và đồng chí Cục trưởng Cục Bảo vệ Trần Kinh Chi. Cả hai cùng ngồi im lặng, nhưng đều đang nghĩ tới tất cả mọi việc đã và đang triển khai rất khẩn trương do tình hình sức khoẻ của Bác. Tối 24 vừa qua là một tối đáng gọi là lo sợ cho tất cả mọi người. Dù Bác đã qua khỏi đêm nguy kịch nhưng mọi bất trắc vẫn còn nguyên. Cho nên việc thứ nhất là ngay trong đêm, Trung ương Đảng ta đã phải điện gấp sang Bắc Kinh đề nghị cử thêm một số chuyên gia y tế giỏi sang ngay, tham gia vào việc chữa bệnh cho Bác. Việc thứ hai là Văn phòng Phủ Thủ tướng cũng được lệnh điện gấp cho ông Vương Quốc Mỹ (Bộ Kiến trúc) đang công tác ở Liên Xô đề nghị Bạn cử ngay các chuyên gia y tế và dụng cụ cần thiết phục vụ cho nhiệm vụ hiữ gìn thi hài Bác khi qua đời sang ta. Một việc lớn nữa là được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đã quyết định thành lập một ban chỉ đạo (của Quân uỷ) để chỉ đạo kịp thời và cụ thể mọi công tác chăm sóc sức khoẻ Bác cũng như việc tổ chức lễ tang và lưu giữ thi hài Bác. Ban Chỉ đạo gồm: Đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng làm Trưởng ban; đồng chí Phùng Thế Tài làm Phó ban; đồng chíTrần Kinh Chi, Uỷ viên hường trực, cùng hai uỷ viên nữa là bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Quân y và đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Ban chỉ đạo đã họp. Mọi người cùng lo buồn, cùng chung một cảm tưởng: Thời điểm nghiệt ngã nhất xem ra đang đến gần. Ban Chỉ đạo đã quyết định: Việc trước tiên là phải kiểm tra lại toàn bộ mọi khâu công tác đã chuẩn bị cho "đại sự” nhất là hai cơ sở quan trọng 75A và 75B. Trước đây, ông Tài và cả ông Kinh Chi vẫn đều đặn lui tới đây đôn đốc, nhưng hôm nay thay mặt Ban Chỉ đạo, hai ông phải kiểm tra một lần nữa, để rồi các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương sẽ lới kiểm tra lần chót.
Bỏ xe lại ở bãi trước khu nhà chính của Viện Quân y 108, hai ông cùng đi bộ vào và như mọi khi lại lấy dáng vẻ bình thường như tất cả mọi người đến khám bệnh hoặc thăm người ốm. Một số cán bộ quân đội nhận ra hai ông, giơ tay chào... Cũng lại như mọi lần, hai ông lại phải tách ra, mỗi người đimột ngả khác nhau. Lát sau hai người lặng lẽ đi sâu vào khu vực cuối bệnh viện nơi rất ít người qua lại. Tới khu vực này hai ông cùng nhanh chóng bước vào một ngôi nhà một tầng nằm hẻo lánh sát phía sau nhà tang lễ của bệnh viện. Ngôi nhà này vốn từ lâu là Khoa Giải phẫu bệnh lý. Nơi đây đã được Quân uỷ phê duyệt cải tạo thành công trình 75A.
Bữa nay hai ông lại tới đây, vừa bước vào phòng chờ - cũng là phòng tạm nghỉ của các bác sĩ đã thấy bác sĩ Nguyễn Gia Quyền với cái đầu hói khá đẹp cùng dáng người đậm với gương mặt trung hậu của bác sĩ Lê Điều. Ông Quyền là Tổ trưởng ở đây, nhưng vẫn là Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý của Viện 108 nên luôn luôn bận. Ông Điều có nhiệm vụ quản lý toàn bộ vật tư trong Tổ, ngoài ra còn thường xuyên hướng dẫn, truyền đạt lại các kỹ thuật và kinh nghiệm bảo quản thi hài đã học được ở Liên Xô cho anh em mới. Học ngay ở 75A và ứng dụng luôn trong các thực nghiệm ở Viện Quân y 108, do đó trình độ của anh em tiến bộ rõ rệt. Hôm nay cả hai ông Quyền và Điều đang làm việc với các bác sỹ, y tá mới được bổ sung vào Tổ Y tế đặc biệt: Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, bác sĩ Sái Thế, y sĩ Nguyễn Trung Hát và y công Phạm Ngọc Ảm. Thấy hai ông Tài và Kinh Chi tới, mọi người đều giật mình. Và gần như có chung cảm tưởng có lẽ nỗi bất hạnh rất lớn của dân tộc đã tới!
- Báo cáo các anh, chúng tôi sốt ruột quá đang tự kiểm tra toàn bộ thêm lần nữa, xem máy móc… để ngộ nhỡ… có gì… Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền báo cáo.
Ông Tài tỏ vẻ hài lòng:
- Vậy ổn cả chứ, bác sĩ?
- Báo cáo các anh, hoàn toàn ổn định. Các thông số kỹ thuật vẫn rất tốt. Mời các anh vào phòng kỹ thuật chính. Chúng tôi cho chạy lại các máy lần nữa để các anh trực tiếp kiểm tra lại.
Ông Tài gật đầu, cùng ông Kinh Chi thay áo quần y tế, giày dép, rồi bước vào căn phòng đặc biệt. Đây là nơi đầu tiên sẽ đưa thi hài Bác tới làm các động tác y tế ban đầu nhưng rất quan trọng trước khi chuyển Bác ra Ba Đình làm lễ viếng và Lễ Quốc tang.
Một căn phòng rất sáng. Máy móc được mở lại: Nhiệt độ đúng là 16 độ C, chênh lệch co dãn chỉ trên hoặc dưới 0,2 độ C và độ ẩm là 75%. Không khí đã được vô trùng tuyệt đối. Tất cả đúng với yêu cầu kỹ thuật. Cẩn thận, ông Tài yêu cầu anh em xoá đi làm lại lần nữa. Lần thứ hai vẫn y như thế, ông Tài và ông Kinh Chi hết sức hài lòng, chỉ còn biết quay lại bắt tay thật chặt hai ông Quyền và Điều cùng anh em bác sĩ, y sĩ. Là người “ngoại đạo”, nhưng ông Tài và cả ông Kinh chi đã được các nhà khoa học và các bác sĩ cho biết: Trong những công trình như thế này, môi trường với nhiệt độ, độ ẩm và quy trình thông gió là quan trọng hàng đầu. Tất nhiên thuốc cũng rất quan trọng mà chủ yếu là dung dịch đặc biệt để lưu giữ thi hài. Dung dịch này chỉ Liên Xô mới có, đó một bí mật quốc gia của Bạn. (Tất nhiên trong y học cũng có nói, có viết, thậm chí có dạy qua về dung dịch này, nhưng chưa ở đâu đã có thực tế qua thực hành như Liên Xô, do đó trừ Liên Xô trên thế giới này chưa ai sản xuất được). Vậy mà, mặc dù bước đầu mới học được ở Bạn ít nhiều và khi về được bạn cho một số máy móc tối thiểu, với trí thông minh và truyền thống linh hoạt, sáng tạo, các bác sĩ ta cũng đã tạo nên được một căn phòng đặc biệt đúng với yêu cầu cao của khoa học và đã mấy lần thực nghiệm đều cho kết quả tốt.
Dù đã có tiếng là một võ tướng rất cứng rắn, nhưng hôm nay ông Tài không thể không cảm động nhớ lại tất cả những vất vả, khó khăn ban đầu mà các cán bộ, chiến sỹ công binh phải trải qua. Ấy là lúc một kỹ sư thiết kế các công trình quốc phòng của Binh Chủng Công binh là đồng chí Nguyễn Trọng Quyển đang công tác ở Bắc Kạn nhận được điện gọi, đã tức tốc trở về ngay. Hồi đó làm gì có ô tô, xe máy nhiều như bây giờ. Ông Quyển phải guồng chiếc xe đạp cà tàng suốt 200 cây số về Hà Nội. Và ngay sau đó một tổ cán bộ đã hình thành, gồm: Nguyễn Trọng Quyển - Tổ trưởng, cùng các thành viên: Bùi Danh Chiêu - một trong 3 kỹ sư hiếm hoi về thông gió của Việt Nam thời đó và các kỹ sư Nguyễn Lam Sinh, Phạm Hoàng Vân, Hoàng Quang Bá. Tổ vừa thành lập xong đã bắt tay ngay vào việc theo phương châm vừa thiết kế vừa xây dựng. Lực lượng thi công là Tiểu đoàn 2 Công binh do đồng chí Trần Sĩ Yêm chỉ huy - cũng là một đơn vị giỏi.
Tổ kỹ thuật cùng anh em Tiểu đoàn 2 đã mau chóng nhận thức được trách nhiệm rất quan trọng sẽ phải hoàn thành, bởi đây là một công trình đặc biệt và rất phức tạp. Về chuyên môn đã khó, nay còn khó khăn do điều kiện khách quan mang lại: Qua mấy năm chiến tranh phá hoại, một số cơ sở điện, nước đã bị địch đánh phá nặng, không thể bảo đảm 24/24giờ cho anh em thi công. Các cơ quan Trung ương lại sơ tán nhiều, việc liên hệ về giấy tờ, vật chất… rất vất vả, khó khăn. Địa điểm thi công lại là một khu vực nhỏ ở cuối bệnh viện khá chật hẹp, phải chia ca, kíp và phải làm việc cả ngày đêm... Nhưng tất cả các sĩ quan và chiến sĩ Tiểu đoàn 2 Công binh đã lao động hết mình, làm tới đâu được nghiệm thu tới đó. Tóm lại khâu xây dựng là rất tốt. Tuy nhiên khi đi vào lắp đặt máy móc thiết bị rồi vận hành thử mới phát sinh ra nhiều khó khăn khác, trong đó có một khó khăn vào loại cam go nhất, quan trọng nhất, tưởng như không sao khắc phục được: Đó là chiếc máy điều hoà nhiệt độ to đùng của Liên Xô tặng đoàn ông Gia Quyền mang từ Mát-xcơ-va về nay lắp vào, điều chỉnh thế nào nó cũng vẫn chỉ là 37 độ C. Lạ thế! Không những vậy, nó còn kêu rất to và rung khá mạnh. Lo quá. Sửa, chỉnh sao cũng không được. Hôm ấy ông Tài cũng có mặt ở đây. Nghĩ đã nát óc mà vẫn chưa tìm ra cách khắc phục, ông không khỏi thầm lo. Một người trong đám đông anh em công binh bỗng bật lên đề nghị: Lên An toàn khu của Trung ương mượn một bộ điều hoà nhiệt độ của Nhật - đem về đây xem sao, rồi tính sau…. Ông Tài chấp nhận ngay. Và chỉ ngay đêm hôm đó, máy đã được bật lên trong sự hồi hộp lớn của mọi người. Rồi tất cả cùng oà lên, nhảy cả lên vì mừng, vì sung sướng… Mọi thông số đều đúng với yêu cầu, dù thử đi thử lại tới mấy lần. Máy lại nhẹ, chạy rất êm và không hề rung…
Tuy nhiên, vẫn chưa phải đã hết sự cố. Khắc phục được chuyện máy điều hoà nhiệt độ xong thì ở buồng trung tâm nơi sẽ đặt thi hài Bác lại xuất hiện trục trặc khác. Sau khi máy điều hoà ngưng làm việc, anh em cán bộ, chiến sĩ nhận ra có hiện tượng đọng sương trên trần nhà. Sương ẩm dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi nấm phát triển, mà phòng này lại đòi hỏi phải được vô trùng tuyệt đối. Lại “đau đầu” đây. Các chiến sĩ công binh đã dùng sơn chống khô (Bê-ki-lit) phết lên và dùng cả giẻ để thấm khô, nhưng cũng không ăn thua, hiện tượng đọng sương vẫn xảy ra. Tuy nhiên, người Việt Nam ta vốn thông minh, linh hoạt, nên anh em đã nghĩ ra được một kế khác: Dùng gỗ lát toàn bộ trần nhà, kết hợp với tăng cường quạt gió để thông hơi. Hì hục làm một ngày. Và lại thử để quan sát. Lại hồi hộp theo dõi gần suốt buổi. Thế rồi anh em ôm lấy nhau nhảy múa. Hiện tượng đọng sương đã hoàn toàn biến mất.
Thế đấy, hôm nay lại tới kiểm tra, ông Tài và cả ông Kinh Chi cùng nghe anh em vui vẻ nhắc tới câu chuyện thót tim về chiếc máy điều hoà kêu to, rung mạnh và hiện tượng đọng sương bữa nọ. Vui thì vui thật, nhưng hôm nay biết Bác vẫn đang rất mệt, hai ông đều không có thể cười được nữa. Trước khi quay về, ông Tài nhìn cả Tổ Y tế đặc biệt hỏi:
- Sao mắt mũi như sưng cả lên thế kia?
Bác sĩ Gia Quyền đáp:
- Báo cáo, suốt đêm qua anh em đều xin trực hết vì… có báo động.
Ông Tài không dám hé lộ trước mặt anh em là riêng ông đã được cho biết qua điện thoại là trong đêm qua Bác đã có lúc phải thở bằng oxy. Ông động viên anh em:
- Thôi được, nhưng hôm nay nên phân công nhau trực và ngủ bù đi!Công việc… chưa hết đâu ?
Mọi người cùng gật đầu cảm ơn thủ trưởng.
Và ngay chiều hôm ấy, hai ông Tài và Kinh Chi đi tiếp lên Hội trường Ba Đình để kiểm tra cơ sở 75B.
Cơ sở 75B quàn thi hài Bác trong những ngày lễ lang, do đó nhỏ bé hơn 75A nhiều, chỉ có hòm kính đặt thi hài Bác trên, còn máy móc tất cả để dưới gầm. Tuy vậy, ở đây lại hết sức khó khăn về mặt kỹ thuật. Trước hết, Hội trường Ba Đình ở ngay sát đường, người qua lại rất nhiều, nên mặt bằng thi công đã chật chội lại phải làm toàn vào ban đêm để giữ bí mật, nên không khỏi vất vả, thêm nữa vì Hội trường khi làm lễ tang sẽ có rất đông người ra vào, lại còn quay phim chụp ảnhnên nhiệt độ và độ ẩm ở đây sẽ phức tạp, khó ổn định hơn 75A.Nhưng trong nhiều khó khăn, thì khó khăn lớn nhất và chủ yếu ở đây lại là chiếc hòm kính để thi hài Bác. Bàn đã làm được rất tốt, rất đẹp do xưởng mộc ở An Dương làm, khung kính cũng do Xí nghiệp 49 Công binh làm bằng thép mạ kền sáng loáng. Bàn, khung đã có đủ nhưng chưa có kính? Chưa tìm ra được những tấm kính khổ lớn, mà phải là loại kính không vỡ, dày, trong suốt, không có gợn sóng, lại còn phải khắc phục được hiện tương đọng hơi nước ngưng tụ ở mặt kính khi chạy máy điều hoà nhiệt độ. Các đồng chí ở trên đã gửi yêu cầu sang Liên Xô đề nghị giúp, đồng thời yêu cầu ông Vương Quốc Mỹ đang ở bên đó cố xin thêm được vật tư, nhất là kính đặc biệt. Nhưng cho tới giờ vẫn hoàn toàn bặt tin. Vậy biết làm thế nào bây giờ? Nhưng may làm sao, sau một thời gian tìm kiếm khắp nơi không đâu có, đã gần như tuyệt vọng thì có ông Thiện, Vụ phó Vụ Quản trị Phủ Thủ tướng cho biết: Ta đã từng nhập kính như vậy để phục vụ cho một số công trình nào đó, có thể chính hội trường này, hình như chưa dùng hết. Thế là được lệnh của ông Khanh, Phó Văn phòng Thủ tướng, anh em công binh nhào ngay xuống hầm hội trưởng tìm kiếm. Một lúc sau bỗng nghe reo lên: "Đây rồi. Có lẽ đây rồi!”. Sau đó mấy anh em lễ mễ khiêng từ một xó tối cuối hầm ra một kiện kính ngoại rất lớn còn nguyên xi chưa dỡ ra, bụi bám đầy.Mở ra, mừng không sao tả được, ông Trọng Quyển phụ trách thi công phân công ngay: Kỹ sư Lam Sinh vẽ thiết kế và kỹ sư Ngô Vĩnh phụ trách gia công. Thế là hòm kính đã hoàn thành. Nhưng rồi khó khăn lại xảy ra, ở đây cũng có hiện tượng đọng sương trên hòm kính. Tuy nhiên đã có kinh nghiệm ở 75A, việc giải quyết đọng sương ở đây cũng sớm được khắc phục. Hai cơ sở đặc biệt ấy đều đã được hoàn thành tốt và trong thời gian ngắn. Ông Tài thay mặt Bộ Tổng Tham mưu khen ngợi anh em Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 259 Công binh luôn cần cù, sáng tạo và cả ý thức chính trị tốt của "những người lính thợ cách mạng".
Buổi chiều hôm đó, đi kiểm tra lại lần cuối, hai ông Tài và Kinh Chi tới Hội trường Ba Đình, lên ngay sân khấu xem lại tỉ mỉ hòm kính, hai ông đã thấy quả là quá đẹp và thông số kỹ thuật rất chuẩn. Sau khi xem xét lại hòm kính rồi xuống gầm sân khấu xem lại cả hệ thống máy móc lần cuối, hai ông mới ra về.
Trên xe, hai ông đã có thể cùng nhau trao đổi ý kiến về những việc khác và cả Lễ Quốc tang. Việt Nam ta chưa có kinh nghiệm tổ chức Lễ Quốc tang lớn bao giờ, nhất là Lễ Quốc tang lãnh tụ tối cao, nên không khỏi lo lắng. Quốc tang, tất nhiên nhiều Bộ, nhiều cơ quan, nhiều đoàn thể sẽ cùng gánh vác. Về phía Bộ Quốc phòng mà Bộ Tổng Tham mưu là đại diện chủ yếu đã được Bộ Chính trị phân công công việc: Bảo đảm an ninh tuyệt đối trong hội trường, làm thật tốt nhiệm vụ tiêu binh danh dự đúng với mọi quy cách quốc gia và quốc tế trong Quốc tang lãnh tụ và nguyên thủ quốc gia. Nhưng công việc quan trọng và khó khăn nhất là chuyển thi hài Bác từ Phủ Chủ tịch tới 75A để các bác sĩ, chuyên gia làm các công việc y tế, sau đó đưa tiếp thi hài Bác từ 75A tới Hội trường Ba Đình để làm Lễ Quốc tang. Tiếp đó lại đón Bác trở về 75A. Ông Tài lại nghĩ ngay tới Lữ đoàn 144 Bộ Tổng Tham mưu, Lữ đoàn đã từng gánh vác biết bao việc lớn nhỏ của Bộ Quốc phòng và Nhà nước. Ông sẽ lệnh cho Lữ đoàn trưởng Vũ Ngạch phải tổ chức ngay các bộ phận chuyên trách và lên các kế hoạch tập luyện ngày, đêm, may ra mới kịp với tình hình và nhiệm vụ.Mới tạm nghĩ tới đó ông Tài đã thấy quá nhiều việc mà việc nào cũng phải mười phần nỗ lực cả.
Phố phường Hà Nội về chiều hết giờ làm việc, đã trở nên nhộn nhịp, vui hơn so với thời sơ tán (Mỹ đã phải chịu ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra) Nhưng đã mấy ai biết Hà Nội vẫn còn có những con người, những đơn vị, những tổ chức đang rất âm thầm, kể cả vô cùng đau đớn, bí mật, ráo riết, căng thẳng chuẩn bị cho những ngày buồn thương chưa từng có của dân tộc, đất nước, mà sự kiện này hầu như chắc chắn sẽ khó lòng tránh khỏi.
Nếu như tạm coi ngày 12 tháng 5 năm 1969 Bác lên Hồ Tây gặp một số cán bộ của phái đoàn ngoại giao rồi thăm dân ngoài đê sông Hồng bị nước lũ, trở về, Bác ho và bắt đầu ốm, là cái mốc đánh dấu sự khởi đầu cho những ngày tháng cuối cùng của Bác, thì tới ngày 24 tháng 8 năm 1969 bệnh của Bác đã trở lên phức tạp hơn, vì thế có thể coi ngày 24 là cái mốc thứ hai chăng?
Nếu vậy, ngày 28 tháng 8 năm 1969 có thể coi như cái mốc thứ 3. Bệnh của Bác lại phát triển xấu hơn. Trên điện tâm đồ xuất hiện diễn biến rối loạn nhịp tim báo hiệu khó tránh khỏi bị suy tim. Những cơn đau thắt ngực lại tăng lên. Các bác sĩ trong Hội đồng y tế luôn luôn túc trực xung quanh Bác để điều trị. Chiều hôm đó còn có thêm lực lượng y tế tăng cường. Đó là các chuyên gia Trung Quốc gồm: Bác sĩ Trương Hiếu người Quảng Đông chuyên về tim mạch, bác sĩ Hoàng Uyên người Bắc Kinh cũng chuyên về tim mạch, bác sĩ Tôn Chấn Hoàn chuyên châm cứu, cùng 2 nữ y tá.
Buổi chiều ngày 28, Bác như thiếp đi, nhưng không phải là ngủ say. Các đồng chí Bộ Chính trị, Trung ương và các bác sĩ cùng nhau lay gọi và lại tiêm thuốc cho Bác. Cũng may, chỉ một lúc sau Bác đã tỉnh lại. Mọi người vẫn còn nhớ mãi hình ảnh: Khi Bác từ từ mở mắt ra, nhìn thấy đông đảo các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương, Bác khẽ mỉm cười. " Ôi nụ cười đã hầu như héo đi trên gương mặt xanh xao của Bác nom mới xúc động làm sao!”. Ông Kỳ cùng những người phục vụ thường xuyên bên giường bệnh của Bác đều rớt nước mắt và thầm nhủ: Phải chăng đây là nụ cười lần cuối của Bác?.
Hôm ấy trời Hà Nội lại nắng khá gay gắt, không khí khá oi ả dù đã sang thu. Nước lũ sông Hồng vẫn hầm hập tràn ngập, chưa chịu lui. Nguy cơ vỡ đê vẫn còn lơ lửng trên đầu mọi người. Cũng trong buổi chiều hôm ấy, theo điện khẩn của ta, đoàn chuyên gia Liên Xô về bảo quản lưu giữ thi hài đã kịp thời tới Hà Nội. Đoàn gồm 5 người, đứng đầu là Viện sĩ thông tấn X.X Đê-lốp - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm y học Liên Xô, Viện trưởng Viện thi hài Lênin dẫn đầu. Bước xuống sân bay, khôn mặt ông đã đầy vẻ lo lắng: "Thời tiết Việt Nam thế này, không hiểu có thể làm được việc gì đây?". Các ông nhìn xuống dòng sông lũ đỏ phù sa bầm bầm, mênh mông, kinh ngạc hỏi: "Đây là biển hay là con sông Hồng mà các nhà thơ Việt Nam vẫn từng ca ngợi là dòng sông mẹ hiền và tuyệt vời nhất của Việt Nam?...".
Qua ngày 29 tháng 8 năm 1969. Buổi sáng, tin từ Phủ Chủ tịch báo sang Bộ Chính trị: Bệnh tình Bác vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Đồng chí Lê Duẩn cùng một số đồng chí trực tiếp làm việc với đoàn Viện sĩ Đê-lốp. Chiều hôm trước, đoàn chuyên gia này đã đi kiểm tra cả hai cơ sở ở 75A và 75B ngay sau khi đặt chân tới Hà Nội. Đoàn đã xem xét rất kỹ mọi máy móc, xem lại nhiệt độ, độ ẩm, việc thông gió và kết quả thực nghiệm. Viện sĩ Đê-lốp muốn tự mình được trực tiếp kiểm tra tất cả. Cuối cùng, ông đã thay mặt toàn đoàn thốt lên ngay tại chỗ với các bác sĩ Việt Nam: "Tốt! Tốt! Khí hậu Việt Nam khá là khắc nghiệt mà các đồng chí đã làm được thế này là giỏi lắm!". Bây giờ trước mặt các đồng chí lãnh đạo của Việt Nam, ông Viện sĩ vẫn nhắc nhở lời khen ấy và tin là Hà Nội đã có đủ khả năng để tiến hành công tác giữ gìn thi hài Bác Hồ trong giai đoạn đầu và lễ tang…
Đã phần nào an tâm, tuy nhiên Bộ Chính trị vẫn khẳng định một yêu cầu: Vạn nhất Bác có nằm xuống, tất cả mọi việc về khoa học và kỹ thuật vẫn nhờ đoàn Liên Xô trực tiếp giúp, các bác sĩ Việt Nam sẽ làm trợ thủ. Ông Đê-lốp thay mặt đoàn hứa sẽ làm hết sức mình với niềm tin và vinh dự lớn là được các đồng chí Việt Nam hết mực tin cậy.
Tuy nhiên, các vật tư thiết bị cần thiết khác cần bổ sung cho công việc đặc biệt này vẫn chưa đủ, kể cả kính đặc biệt cho hòm kính đặt thi hài cũng vẫn chưa có tin tức. Cũng may chúng ta đã không chịu bị động, nên đã có sáng kiến và chịu khó tìm tòi, cuối cùng đã có được hòm kính trên sân khấu Ba Đình.
Ngày 30 tháng 8 năm 1969. Bệnh tình Bác càng nặng thêm. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương,… đều lần lượt tới bên giường Bác. Nhưng Bác rất mệt. Rồi Bác lại lên cơn đau ngực, sau đó đi vào hôn mê… Tất cả đều bàng hoàng. Mọi người đã cuống lên. Nhưng các bác sĩ Việt Nam và Trung Quốc cùng yêu cầu mọi người bình tĩmh và ra khỏi phòng để các thầy thuốc kịp thời cấp cứu.
Một hồi sau, Bác lại từ từ mở mắt, ngước nhìn bốn xung quanh với vẻ mệt mỏi và có cả một chút gì đó tựa như sự bỡ ngỡ của một người đi vắng xa lâu lắm, nay mới trở lại… Tuy nhiên cũng vẫn kỳ lạ, tuyệt vời như lần trước đây, dù mệtnhưng Bác vẫn không hề quên gì hết. Khi thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới, Bác khẽ hỏi ngay: "Chú chuẩn bị việc tổ chức Quốc khánh năm nay ra sao rồi?", và nhắc: "Nhớ nên bắn pháo hoa cho dân vui.”. Thủ tướng vô cùng xúc động, báo cáo là mọi việc đã chuẩn bị đầy đủ, xong xuôi. Bác lại hỏi lũ sông Hồng đã rút chưa? Cần phải lo cứu dân nếu đê vỡ… Thủ tướng không dám giấu Bác, báo cáo là nước lũ vẫn chưa rút hết.Nhưng Hội đồng Chính phủ cũng đã có nhiều cố gắng để giúp dân và đề phòng bất trắc. Rồi Thủ tướng mạnh dạn thưa sang ý khác: Chính phủ muốn mời Bác lên khu an toàn để Bác được tĩnh dưỡng và đề phòng lũ lụt. Bác lắng nghe. Nhưng rồi Bác lắc đầu, thong thả trả lời: "Không! Bác không muốn đi đâu cả. Bác không thể bỏ dân. Dân ở đâu Bác ở đó, dù lụt lội hơn nữa, dù Mỹ có ném bom Hà Nội trở lại… Các chú phải sẵn sàng cứu dân nếu đê vỡ”. Thủ tướng chỉ còn biết ứa nước mắt nhìn Bác và thầm kêu lên: "Bác ơi, đến cảnh ngộ này, Bác vẫn chỉ nghĩ đến dân…". Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng cạnh đó thì nghĩ đến ngay đến việc đêm nay ông Tài phải điều mấy chiếc thiết giáp lội nước tới sau nhà 67 để sẵn sàng ứng cứu bằng mọi giá nếu đê vỡ nước có thể tràn vào đây.
Cũng rất khuya đêm ấy, những công việc mà ông Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng nghĩ tới sau buổi đi kiểm tra cơ sở 75A và 75B về, nay đã được thực thi, và đêm nay - đêm 30 tháng 8 năm 1969 công việc ấy lại được tiếp tục. Rất sôi động nhưng cũng rất im lặng, kín đáo. Thật vậy, từ khi Bác mệt nặng đến nay, đêm đêm nếu ai có việc đi qua Hội trường Ba Đình và mấy đường như Trần Quang Khải dọc sông Hồng và Phan Đình Phùng từ bờ sông chạy ngược lên về phía Phủ Chủ tịch, đều thấy có các anh cảnh sát từ các bóng cây nhẹ nhàng xuất hiện yêu cầu khách rẽ sang lối khác, vì đường này đang có việc… Đó là các cán bộ, chiến sỹ công binh đã được phép của Bộ Công an cải trang làm công an giao cảnh, có nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an ninh suốt dọc đường mà các phân đội của Lữ đoàn 144 đang tập luyện gấp chuẩn bị cho Lễ tang quốc gia. Lực lượng gồm: Một phân đội 150 chiến sỹ tập trung ở Hội trường Ba Đình chuyên tập các động tác tiêu binh danh dự, tập tiếp cận và bảo vệ "mục tiêu”, tập đưa, đặt các vòng hoa của các đoàn thể nhân dân, các khách trong nước và khách quốc tế thật thuần thục, theo đúng các quy định hết sức nghiêm ngặt của nghi lễ Quốc tang. Một bộ phận thứ hai cũng tập trung ở Hội trường Ba Đình để chuyên tập khiêng quan tài. Quan tài thật bằng gỗ Ngọc Am rất quý hiếm, có hương thơm, đã được lồng kính nặng 200kg. Quan tài dùng để luyện tập phải bảo đảm như thật nên phải bỏ vào khung kính thêm 2 bao gạo nữa. Trên nắp hòm kính còn đặt một bát nước đầy. Mười sáu cán bộ, chiến sỹ khiêng sao cho thật thăng bằng khi lên bậc tam cấp hội trường và cả lúc đưa lên sân khấu, rồi từ sân khấu lại phải đưa hòm kính đặt lên bệ linh cữu… Tất cả phải tuyệt đối thăng bằng, không rung rinh hoặc cao, thấp không được đánh đổ một giọt nước. Còn bộ phận ở bên ngoài, tập phương án hành quân chuyển thi hài. Đây cũng là bộ phận rất quan trọng và thực thi công việc cũng không kém phần khó khăn. Anh em phải dùng xe cứu thương riêng đã được khử trùng tuyệt đối an toàn để chuyển linh cữu từ H67 bên nhà sàn về 75A và 75B, sau đó ngược lại. Dọc đường cũng phải tuyệt đối an toàn và bí mật. Đội hình của bộ phận này gồm 5 xe: 2 cứu thương (một xe chính thức chở thi hài Bác, một dự bị) và 3 xevũ trang chở các bác sĩ và các đồng chí lãnh đạo cao cấp đi hộ tống. Tuy chỉ là diễn tập nhưng không khí hết sức trang nghiêm.
Ngày 01 tháng 9. Buổi sáng, Bác được ông Vũ Kỳ báo cáo là các chiến sỹ tên lửa Sư đoàn 361 vừa bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ, Bác đã yêu cầu gửi ngay một lãng hoa cho đơn vị vừa lập chiến công. Buổi chiều, Bác có vẻ tỉnh táo hơn và bỗng ngỏ ý muốn ăn một bát cháo. Ngạc nhiên và mừng quá, anh chị em nấu bếp đã nấu một bát cháo rất ngon đưa lên. Bác ăn có vẻ khá ngon miệng. Các chị nấu bếp sung sướng quá cứ chắp tay cảm ơn Bác đã ăn được và không phải chỉ các chị mà tất cả các bác sĩ cùng các đồng chí lãnh đạo đều rất mừng và lại khấp khởi hy vọng. Niềm vui vẫn chưa hết. Đến tối, khi đồng chí Phạm Văn Đồng tới thăm, Bác đã nói với đồng chí Tô (tên gọi thân mật của đồng chí Phạm Văn Đồng) là ngày mai làm Lễ Quốc khánh cho Bác ra dự khoảng 15 phút để được gặp đồng bào. Bác ra ngồi trên sân khấu trước, sẽ quấn khăn che cổ… rồi hãy tiến hành khai mạc. Bác sẽ cố nói cho được bình thường mấy câu với đồng bào. Nhưng đồng chí Thủ tướng báo cáo là đã làm mít tinh từ đêm trước rồi, vì Bác đang mệt. Bác lặng im vẻ không vui, phải chăng Bác hiểu, vậy sẽ không còn có dịp nào để tiếp xúc với nhân dân nữa.
Bác vẫn có vẻ tỉnh táo thậm chí có phần nhanh nhẹn hơn một chút. Khi nhà bếp đưa lên mời Bác một chén con chè long nhãn, Bác tự tay mình cầm được chén chè và ăn được hết. Mọi người lại quá mừng. Trong những giây phút tỉnh táo như xuất thần ấy, Bác lại nhắc ông Kỳ - Thư ký của Bác nhớ gửi vòng hoa tới viếng nghĩa trang liệt sĩ dịp Quốc khánh này, thậm chí rất lạ là Bác vẫn còn nhớ được tới việc Đội Cảnh sát Khu phố 4 Ba Đình đã bảo đảm giao thông tốt, được thành phố khen mà ông Kỳ đã đọc trên báo để Bác nghe. Có thể nói từ ngày 12 tháng trước (tháng 8) đến ngày đầu tháng 9 này, chưa bao giờ các đồng chí lãnh đạo và những người phục vụ xung quanh Bác lại vui và lại hy vọng như hôm nay về sức khoẻ của Bác. Nhưng lại tiếc thay, niềm vui ấy chưa trọn được một ngày. Chiều hôm ấy Bác lại rất mệt, nhiều lúc gần như thiếp đi và lần đầu tiên mọi người xung quanh thấy Bác rên. Những liếng trên của Bác, nghe như đứt từng khúc ruột. Tất cả lại bàng hoàng, lo lắng. Các bác sĩ Việt Nam và Trung Quốc lại lao vào mọi việc cứu chữa. Khi mọi người được yêu cầu phải ra khỏi phòng Bác, điện tâm đồ bật lên, màn hình hiện ra toàn tín hiệu xấu.
Tuy nhiên, sau khi được làm thuốc, Bác lại dần dần không rên nữa và lại mở mắt như muốn kiếm tìm ai. Hiểu ý, Tổ Y tế lại cho mọi người trở vào nhà, lại vây quanh lấy Bác trên chiếc giường bệnh quá đỗi đơn sơ. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng khẽ đặt tay lên trán Bác, đồng chí Trường Chinh cầm lấy bàn tay gày guộc của Bác... Và đột nhiên Bác muốn uống cốc nước dừa. Bác nhìn ra hai cây dừa ở ngoài cửa. Đó là hai cây dừa do đồng bào miền Nam gửi ra biếu Bác lúc chúng mới chỉ là hai mầm non. Chính tay Bác trồng hai mầm non ấy cách đấy đã mấy năm, bây giờ chúng đã lớn và có quả. Tuy nhiên, bác sĩ Nhữ Thế Bảo ghé vội xuống lễ phép:
- Thưa Bác, bệnh Bác không nên uống nước dừa. Nếu Bác cần, xin lấy thứ khác để Bác. . .
Bác lắc đầu:
- Không sao đâu, Bác muốn được uống một chút nước dừa miền Nam thôi mà ... - Rồi Bác nho nhỏ nói tiếp: - Bác quê ở Nam Đàn nhưng mẹ Bác mất chôn ở Huế, cha Bác mất chôn ở tận Cao Lãnh. Chưa một lần Bác được trở lại hai nơi đó…
Tất cả đều đã hiểu và ai ai cũng hết sức xúc động. Thì ra vậy, đã bôn ba suốt cả tuổi thanh niên gần khắp trái đất này để tìm đường cứu nước, rồi lao vào những năm tháng cách mạng, tiếp đến hai cuộc chiến tranh gian nan, ác liệt. Cả cuộc đời hoàn toàn cống hiến cho sự nghiệp của nhân dân, Tổ quốc, nay đã về già vẫn không hề mai một những hình ảnh ruột thịt yêu dấu nhất của đời mình…Chính vì vậy càng thấy Bác gần gũi, càng vĩ đại hơn và tình yêu với Bác càng được nhân lên gấp bội. Trong khi mọi người còn chưa kịp nói gì, Bác lại cất tiếng nho nhỏ:
- Bác cám ơn tất cả các chú. Nhưng thôi, bây giờ các chú phải về làm việc đi!Còn Bác, đã có các bác sĩ ở đây rồi…
Mọi người lại muốn thốt lên từ trong gan ruột mình: Vẫn như vậy đấy, một khối óc vô cùng mẫn tiệp, một tâm hồn bao la vẫn luôn luôn toả sáng dù trong cơ thể chỉ còn mong manh sự sống.