Chỉ mục bài viết

 

Ba phương án 1, 10, 15 được nhiều ý kiến ủng hộ hơn cả, đã được ông Nguyễn Ngọc Chân chỉ đạo các kiến trúc sư tu chỉnh lại và tổng hợp các ý kiến đóng góp của nhân dân, rồi rất cẩn thận, một nhóm kiến trúc sư, kỹ sư của ta lại mang sang Liên Xô làm việc với Bạn.

Qua ba tuần lễ trao đổi ý kiến với các chuyên gia Liên Xô, cuối cùng bản Phương án "Thiệt kế sơ bộ” có bổ sung ý kiến của nhân dân đã được Bạn hoan nghênh, chọn lọc tiếp thu. Tuy nhiên, với kiến thức chuyên sâu Bạn vẫn bổ sung mấy điều quan trọng, như mái làm tam cấp là đẹp nhưng nên mỏng, nhẹ, thanh thoát hơn, tỷ lệ các phần ở khối chính của Lăng cần phải cân đối. Hai lễ đài ở hai bên nên có khoảng cách với các khối chính của Lăng, sẽ tạo thêm sự tôn nghiêm cho Lăng Bác… Cầu thang ở hậu sảnh lên phòng làm thuốc cần đặt ở vị trí kín đáo hơn. Buồng “đặc biệt” cần kiên cố, đề phòng khi có chiến tranh vẫn giữ được thi hài tại chỗ, chống được sự phá hoại của bom đạn và bảo đảm an toàn, không bị lũ lụt, thiên tai. Quan tài kính nơi bác yên nghỉ phải được thiết kế bằng vật liệu đặc biệt bảo đảm cho người vào viếng Bác nhìn được Bác rõ hơn và bảo đảm thi hài Bác an toàn tuyệt đối.

Tất cả những ý kiến của bạn đã được đoàn ta điện ngay về báo cáo với và được trên rất hoan nghênh. Về những thay đổi, hoặc bổ sung của đoàn ta, đều được đoàn Bạn báo cáo ngay lên Chính phủ và cũng được đồng tình nhất trí.

Sự kiện đã tới lúc chính muồi. Ngày 9 tháng 2 năm 1971, tại Mát-xcơ-va, trong một buổi lễ trang trọng, hai đồng chí thay mặt cho hai Chính phủ Việt Nam và Liên Xô: Đồng chí Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam - Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Nô-vi-côp, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô – Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã cùng ký vào bản hiệp định về việc Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam dân chủ cộng hoà trong việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Thế là bước khởi đầu vô cùng quan trọng đã kết thúc tốt đẹp. Tuy nhiên, phía trước còn biết bao công việc vẫn đang chờ đợi từ phía Bạn: Bản thiết kế sơ bộ, bản thiết kế kỹ thuật, rồi hàng nghìn bảnvẽ kỹ thuật chi tiết của công trình… cùng bản kế hoạch tổng thể, để công trình có thể bắt đầu.

Ngày 31 tháng 11 năm 1971, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định chính thức thành lập Ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm:

- Đồng chí Đỗ Mười - Phó Thủ tướng - Trưởng Ban.

- Đồng chí Bùi Quang Tạo - Bộ trưởng Bộ Kiến trúc - Phó Ban.

- Đồng chí Phùng Thế Tài - Phó Tổng Tham mưu trưởng - Uỷ viên.

Lực lượng chủ lực, nòng cốt xây dựng công trình là Bộ Quốc phòng và Bộ Kiến trúc.

Ngày 3 tháng 12 năm 1971 ở Hà Nội đã có cuộc hội nghị quan trọng tiến hành đợt xét duyệt chính thức bản thiết kế kỹ thuật Lăng. Một đoàn Liên Xô nữa lại được mời sang, do đồng chí Vô-đơ-chi-nhin, đại điện uỷ quyền của Tổng cục Kỹ thuật và Uỷ ban Liên lạc kinh tế đối ngoại Liên Xô dẫn đầu. Tham gia đoàn có đầy đủ các kiến truc sư, kỹ sư là tác giả của bản thiết kế kỹ thuật sẽ được đưa ra thông qua lần chót này. Phía Việt Nam tham dự cũng khá đông, gồm các đồng chí: Nguyễn Ngọc Chân - Trưởng đoàn, đồng chí Lương Soạn - Phó đoàn và một số đồng chí kiến trúc sư, kỹ sư thuộc Bộ Xây dựng và Bộ Tư lệnh Công binh. Nhiệm vụ chung của Hội nghị là góp ý bổ sung (nếu cần) trước khi đưa trình Bộ Chính trị ta chính thức phê duyệt.

Hội nghị lần này diễn ra từ ngày 03 tháng 12 năm 197l kéo dài tới gần một tháng cho tới 31 tháng 12 năm 1971 mới kết thúc. Không phải vì có nhiều vấn đề còn phải tranh luận mà do nội dung bàn thiết kế rất lớn, rất phong phú, cần phải đi vào cụ thể, chi tiết. Hai bên đã nhất trí chính thức xác nhận: Bản thiết kế kỹ thuật lần này đã dựa trên bản dự thảo nhiệm vụ thiết kế đầu tiên và những bản dự thảo sau đó của Việt Nam cùng các bản dự thảo của Liên Xô. Hai bên đã thống nhất sửa đổi, bổ sung trong bản thiết kế mới một số điều cụ thể… Liên Xô sẽ cung cấp các bản vẽ thi công cho Việt Nam trong vòng 12 tháng, cung cấp các thiết bị vật tư trong vòng 27 tháng kể từ ngày Chính phủ Việt Nam phê duyệt bản thiết kế này (cung cấp vật tư thiết bị phải mất 27 tháng có nghĩa là hơn 2 năm, bởi vì Liên Xô trang bị cho Lăng các máy móc thế hệ mới, hiện đại, nhiều máy, nhiều bộ phận phải đặt ở nhiều nước khác như Na Uy, Phần Lan, Ý, Mỹ, Nhật).

Như vậy, những nét lớn của bản quy hoạch tổng thể mới này đã xác định Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong một quần thể các công trình lịch sử, văn hoá gồm: Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, Phủ Chủ tịch và các công trình khu lưu niệm Bác như Bảo tàng Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Lăng Bác là công trình chính sẽ làm trước hết cùng quảng trường (các công trình khác sẽ lần lượt làm sau). Bản thiết kế này cũng đã xác định lại lần cuối là: Lăng sẽ có hình khối với mặt bằng 47 x 34m, cao 21,65m, phần dưới xây theo kiểu bệ cao tam cấp theo phong cách cổ truyền của kiến trúc Việt Nam. Phần trên - tức phần giữa Lăng là phần chính, nhỏ hơn phần bệ tam cấp, sẽ là nơi đặt thi hài Bác. Tầng này cả 4 mặt đều có cột để tạo ra các khoảng trống nom tựa như các gian của những ngôi nhà 5 gian ở Kim Liên - Nghệ An nói riêng và mọi miền quê Việt Nam nói chung. Tầng trên cùng là mái Lăng cũng nhắc lại tam cấp, nhưng mỏng, thanh thoát hơn với các góc mái vát lên như các đao đình chùa cổ theo phong cách dân tộc.Toàn bộ khối Lăng được kết cấu bằng bê tông cốt thép và ốp đá quý cả lẫn ngoài, mang dáng vẻ một bông sen đang hé nở. Hai bên Lăng cũng sẽ xây hai lễ dài để các đại biểu ngồi dự các cuộc mít tinh lớn. Nhưng khác trước, lần này hai lễ đài ở hai cánh không xây liền với khối chính của Lăng. Như vậy sẽ tôn được vẻ đẹp trang nghiêm của Lăng mà vẫn rất hoà hợp, gắn bó trong một quần thể kiến trúc lớn vừa trang nghiêm, vừa đẹp mắt. Còn quảng trường ở trước lễ đài cũng sẽ được tôn tạo lại. Quảng trường sẽ rộng hơn, với những thiết bị hệ thống thoát nước hiện đại không để úng ngập, hệ thống chiếu sáng và âm thanh, hệ thống đường giao thông nội bộ trong khu vực Lăng sẽ được nghiên cứu lại rất chi tiết, thuận lợ cho việc đi lại. Nói chung cả khu Lăng Bác sẽ là một tổng thể công trình mang tính lịch sử, văn hoá và khoa học, kỹ thuật tiên tiến ch­a từng có ở nước ta….

Và thế là ngày 31 tháng 12 năm 1971, sau hai năm làm việc hết mình với trí tuệ, tài năng và lòng kính yêu Bác Hồ sâu nặng của tất cả các đồng chí của ta, từ lãnh đạo cao nhất tới các cán bộ, chiến sỹ, công nhân, thanh niên nam nữ, cộng với sự đóng góp nhiệt tâm của nhân dân các địa phương trong cả nước và sự phối hợp, giúp đỡ chí tình, hiệu quả của Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô qua các chuyên gia tài năng và giàu kinh nghiệm, bản “Thiết kê' kỹ thuật” chính thức đã được trình lên Chính phủ ta duyệt và quyết định cho khởi công xây dựng. Bản thiết kế 31 tháng 12 năm 1971 được coi như bó hoa tươi thắm đầu tiên, trong đó có cả những bông hoa đẹp của các Bạn Liên Xô - được chính thức dâng lên Bác với lòng tri ân vô hạn và cũng để chào mừng Việt Nam đã có thể chuẩn bị bước vào thời kỳ chính thức xây dựng Lăng Bác to lớn, hiện đại và thẩm mỹ cao.

Ban Phụ trách xây dựng Lăng hết sứcphấn chấn, đã tiến hành họp ngay sau khi có quyết định xây Lăng. Đồng chí Đỗ Mười - Phó Thủ tướng - Trưởng ban Phụ trách xây dựng Lăng cùng toàn Ban đã hạ quyết tâm sẽ sớm khởi công và khánh thành Lăng Bác. Đồng chíchỉ định một Ban Chỉ huy công trường gồm các đồng chí: Kiến trúc sư Vương Quốc Mỹ, Chỉ huy trưởng; Thượng tá Phạm Bá Đặng (Công binh), Phó Chỉ huy thứ nhất; Trung tá Lương Soạn (Công binh), Phó Chỉ huy phụ trách vật tư; đồng chí Nguyễn Nhi, Phó Chỉ huy kiêm Bí thư Đảng ủy công trường; đồng chí Nguyễn Văn Bé, Phó Chỉ huy phụ trách kỹ thuật.

Bộ trưởng Bộ Kiến trúc Bùi Quang Tạo, Phó Trưởng ban Ban Xây dựng đã giao nhiệm vụ cho Công trường 57 cùng với Công trường 75808 và các công ty, các viện kỹ thuật của Bộ khẩn trương làm công tác chuẩn bị.

Trong khi đó phía quân đội cũng triển khai rất nhiều công việc chuẩn bị rất khẩn trương, sôi nổi. Một đơn vị được thành lập mang phiên hiệu Trung đoàn 259B sẽ chuyên trách làm nhiệm vụ lắp máy. Đồng chí Nguyễn Văn Tý được quyết định làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Văn Đình Khánh làm Chính uỷ. Trung đoàn được phép tuyển chọn các cán bộ kỹ thuật, công nhân có trình độ tay nghề cao ở các nhà máy, xí nghiệp, các đươn vị trong các quân khu, quân chủng, binh chủng. Tuy nhiên rất khó tuyển chọn. Sau 4 tháng được cấp trên giúp đỡ, đơn vị mới tuyển được có 8 người. Bước sang năm mới 1972, ngày 28 tháng 2, Trung đoàn 259B chính thứcra đời, mang tên đoàn Ba Đình. Tổng số cán bộ chuyên môn kỹ thuật có tăng hơn buổi đầu nhưng cũng mới chỉ có 20 người, mà công việc thì ngay lập tức đã ngập đầu: Nghiên cứu các bản vẽ từ Liên Xô liên tục gửi sang, thống kê các công việc, bàn các giải pháp thi công, bổ sung trang thiết bị và dụng cụ, dự kiến nhân lực thi công, tiếp tục tìm kiếm cán bộ, công nhân kỹ thuật để xin bổ sung, bên cạnh lại còn phải sửa chữa doanh trại… Quá nhiều việc. Nhưng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 259B rất hăng say, bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị. Dịp ấy, ở Quảng trường Ba Đình không phải chỉ có cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn công binh 259B, mà còn có rất nhiều cán bộ của một số đơn vị dân sự khác cũngra nghiên cứu, bàn bạc ngay tại hiện trường. Người ta thấy có anh em công nhân Bưu điện, các chị nhân viên Công ty Công viên cùng các anh cán bộ các ngành cơ khí và cả cán bộ của các nhà máy nước, nhà máy điện… Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, ai nấy đều hiểu họ sẽ cùng nhau hợp lực lao động không ít ngày ở nơi đây, trên công trường lịch sử này… Họ không những chỉ trò chuyện về công việc xây Lăng Bác, mà mọi người còn rất hào hứng bàn luận về những trận chiến đấu năm 1972 của ta ở miền Nam đang mở ra gần như đồng loạt từ Trị - Thiên - Huế, tới Tây Nguyên, rồi Khu 5, Khu 6 và Nam Bộ… Đâu đâu cũng thắng lớn phá được nhiều khu vực phòng ngự của Mỹ - Thiệu. Bộ đội chủ lực của ta trưởng thành rất nhanh, đã đứng vững trên các địa bàn cơ động, cả vùng rừng núi, cả giáp ranh và nhất là cả một số vùng quan trọng ở đồng bằng… Chiến thắng năm nay của ta đã làm cho báo chí thế giới nhiều tờ đã phải viết: "Công thức Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ sụp đổ".

Cũng thời gian này, qua thông báo trên đài phát thanh, qua điện đài nội bộ và cả báo chí, nhiều địa phương trong nước, cả Bắc và Nam, nhân dân đã được biết về quyết tâm xây Lăng Bác, và công việc lo lớn thiêng liêng này đã bắt đầu chuẩn bị mọi mặt, trong đó vật liệu xây dựng đang là một trong những việc được chú trọng hàng đầu. Bởi vậy, đồng bào ở các nơi cũng bắt đầu nghĩ tới chuyện kiếm tìm vật liệu để góp phần “xây nhà cho Bác" (nói theo đồng bào các dân tộc Tây Nguyên). Nơi bàn kiếm đá quý, nơi hô hào nhau tìm gỗ quý, nơi quyết phải mò cho được ngọc trai, nơi sẵn sàng xe cát vàng để xây Lăng, nơi đã rủ nhau đi soi tìm sỏi hiếm, nơi đã sớm bàn cả đến "kỳ hoa, dị thảo" để trồng hoặc bầy góp vào các vườn hoa quanh Lăng Bác. Công nhân, cán bộ các nhà máy cơ khí, các nhà máy xi măng, các công trường… và cả các nghệ nhân nổi tiếng về mộc, khảm, trạm, rèn với những tay nghề "siêu việt" cũng đã bàn nhau sẽ tình nguyện lên phục vụ Lăng Bác. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, công đoàn, nông hội ở hầu khắp các tỉnh cùng cả một số đồng bào dân tộc và tôn giáo cũng như nhiều nhà trí thức, nhà khoa học đều sẵn sàng tham gia đóng góp công sức xây Lăng nếu công trường cần tới sẽ có mặt ngay. Việt kiều ở Pháp, ở Trung Hoa, ở Bỉ cũng có một số nhà khoa học hoặc kiến trúc giỏi gửi thư hoặc nhắn về: Nếu cần, bà con cũng sẽ xin tình nguyện được tham gia.

Nhưng khi cả nước đang sôi nổi để bắt tay vào chuẩn bị chuẩn bị xây Lăng Bác thì còi báo động máy bay Mỹ bỗng réo lên. Ních-xơn đã cam kết ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, từ tháng 4 năm 1972, nhưng chúng đã lật lọng. Từng còi hồi dài cuồn cuộn, dữ dội, kéo dài, đầy căm giận làm rung chuyển cả không gian và náo động cả lòng người đang yên bình trong mọi công việc hàng ngày, nhất là đang mong đợi công cuộc xây dựng Lăng Bác có thể bắt đầu.

Tại trụ sở Bộ chỉ huy Phòng không - Không quân, ngày 15 tháng 12 năm 1972, đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng giờ này đã kịp thời có mặt để kiểm tra và động viên Quân chủng. Ông nghiêm trang nói với mọi người:

- Bác luôn luôn có những dự báo thiên tài: Năm 1941 từ Pắc Bó, Bác đã dự báo cách mạng có khả năng sẽ nổ ra vào năm 1945. Kháng chiến chống Pháp, Bác cũng đã nói trước: Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, Pháp sẽ hết lực... Rồi tới tháng 12 năm 1967, rất sớm, nghĩa là từ 5 năm trước đây, Bác đã nói với tôi - khi ấy đang là Tư lệnh ở đây, rằng: "Mỹ thế nào cũng đem B52 ra đánh cả Hà Nội. Rồi có thua nó mới chịu thua trên bầu trời Hà Nội. Ta phải chuẩn bị…". Nay thì coi! Quả là chúng nó đã ra Hà Nội...

Mọi người đều gật đầu trầm trồ:

- Bác quả như thần...

Hội nghị Pa-ri lại bế tắc vì những đòi hỏi ngang ngược của Mỹ. Ních-xơn đã hé lộ muốn ra tay "Đánh đòn cuối cùng". Phái đoàn ngoại giao của ta phần đông đã được lệnh cùng đồng chí Lê Đức Thọ trở về nước.      

Mỹ đã ném bom trở lại Hải Phòng. Hà Nội phát lệnh sơ tán. Trên các cửa ô Hà Nội đã tái diễn những cảnh như trước đây: Từng nhóm, từng đoàn người, chủ yếu vẫn là phụ nữ và con trẻ, nối tiếp nhau tạm ra đi, về các làng quê. Trong khi ấy, đi ngược chiều lại với những đoàn, những nhóm người tất tả ấy là rất nhiều đơn vị cao xạ lớn, nhỏ đầy bụi đường trường, và cả những đơn vị tên lửa với những cành lá ngụy trang nhảy múa, những người chiến sỹ trẻ măng mặt cháy nắng như chim đậu trên xe, bám cả bên những quả đạn đồ sộ dài và nhọn hoắt. Từ nhiều hướng, nhiều đường các đơn vị phòng không mạnh mẽ nối tiếp nhâu ầm ầm tiến về phía Hà Nội, bụi cuốn đỏ đường, đỏ trời. Lực lượng phòng không lần này rõ ràng được tập trung về đây nhiều và hùng mạnh hơn hẳn những khi trước. Dường như ai ai cũng thấy được lần này chắc chắn là sẽ có đánh lớn, thậm chí rất lớn và rất ác liệt trên bầu trời Hà Nội...

Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng Chạp rất khẩn trương này, không phải chỉ có nhân dân và một số cơ quan sơ tán ra khỏi thành phố mà theo lệnh trên: Cả công trường chuẩn bị xây Lăng Bác cũng tạm ngừng. Các lực lượng thanh niên, công nhân của nhiều cơ quan, xí nghiệp, nhà máy của Hà Nội, và lực lượng quân đội (chủ yếu là công binh) vừa mới được tập trung trở lại, nay cũng phải tạm phân tán trở về các địa phương hoặc đơn vị cũ. Chỉ còn một lực lượng nhỏ ở lại để bảo quản những vật tư đã sớm đưa về được một phần và làm lòng cốt để rồi khi có cơ hội sẽ lại cùng nhau xây dựng công trình thế kỷ này.

Hầu hết anh chị em đều cảm thấy như bị một cú sốc lớn. Trong những ngày bắt đầu phải tạm sơ tán ấy, trên Quảng trường Ba Đình đã luôn diễn ra những cuộc chia tay bạn bè của nhiều anh chị em công nhân, và cả cán bộ của nhiều đơn vị, nhiều địa phương như thợ sắt Hải Phòng, thợ gỗ Hà Tây (cũ), thợ xây Hà Bắc (cũ), thợ đá Thanh Hoá... Tuy mới được về đây, mới quen biết nhưng có người đã thân nhau, giờ đây phải ngừng công việc để trở về chốn cũ, ai nấy đều không khỏi buồn rầu. Tất cả chỉ còn biết hứa hẹn: Sẽ sớm gặp lại và cầu xin Bác anh minh hãy phù hộ cho cuộc chiến này chóng thắng lợi để cho anh chị em bạn bè sẽ sớm lại được tái ngộ, cùng nhau xây "Ngôi nhà của Bác" như đang mơ ước, đang hy vọng. Nhưng cũng còn có cả những lời căm giận như những lời nguyền rủa: "Thằng Mỹ độc ác, nó sẽ chết!".

Ngày 16 tháng 4 năm 1972, Mỹ ném bom trở lại miền Bắc. Mọi công việc sơ tán của thành phố, trong đó có bộ phận chuẩn bị ban đầu của công trường 75808 đã được hoàn thành về cơ bản.

Cũng trong ngày hôm đó, trinh sát chiến lược của ca cấp báo về: Ních- xơn đã ra lệnh thả thuỷ lôi phong toả cảng Hải Phòng và các cảng trong Khu 4 nhằm bịt chặt mọi sự chi viện từ đường biển vào ta.

Ngày 18 tháng 12 năm 1972, lệnh báo động đỏ đã được phát ra trên toàn cơ quan Tổng hành dinh và tất cả các đơn vị trực chiến, các đơn vị dân quân và bộ đội, không quân và cao xạ. Cả Hà Nội căng lên trong tinh thần quyết chiến.

19 giờ 15 phút hôm ấy, khi trời đã tối sập, một tiếng nổ lớn bỗng gầm lên. Cả bầu trời Hà Nội bật đỏ phừng. Cây cối, nhà cửa, cùng những gương mặt với những cặp mắt như bốc lửa trong tất cả các vị trí tác chiến, các giao thông hao, các hầm trú ẩn. Quả tên lửa đầu tiên của Trung Đoàn Ba Bể đã mở đầu cho "Trận Điện Biên phủ trên không” anh hùng. Tiếp đó lại một quả nữa của đội 77 Trung đoàn 257 - Sư đoàn tên lửa 361. Quả đạn tuyệt vời ấy đã bắn trung ngay một chiếc B52 bắt đầu lao vào bầu trời Hà Nội. Một quả cầu lửa đỏ bùng lên kinh hồn. Lập tức muôn ngàn tiếng reo hò từ dưới tất cả hầm hố, các giao thông hào, các trận địa lớn nhỏ, các sân bay... cùng trào lên như sóng biển, như sấm ran khắp nơi.

Trên tất cả các đài quan sát cũng như vỡ oà theo với những tiếng reo như thét lên.

Điện mừng từ các nơi, các hướng báo về như mưa.

Trận đánh thắng B52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội đã mở đầu trong những phút không sao quên được. Nhưng không phải chỉ Hà Nội, mà cả Hải Phòng cũng vậy, trận mở đầu đánh B52 cũng rực lửa, oai hùng và vô cùng xúc động như thế...

Thế rồi qua 12 ngày đêm máu lửa, Ních-xơn đã như "dốc túi". Chiến dịch không quân lớn nhất thời đại của Mỹ với chủ yếu là B52 ném bom rải thảm, chiến dịch mang tên Linebacker II đã hoàn toàn thất bại, với thiệt hại quá lớn: 34 máy bay B52, 5 máy bay F111, cùng hàng chục chiếc cường kích các loại: Thần sấm, Con ma, Giặc nhà trời, Thanh bảo kiếm... đã bị tiêu diệt. Không chịu nổi nữa, Ních-xơn đã phải hạ lệnh chấm dứt chiến dịch 12 ngày đêm tội ác ấy. Rồi chỉ một, hai ngày sau đó không phải chỉ chấm dứt ném bom, Ních-xơn còn phải chủ động gửi điện cho ta yêu cầu nối lại Hội nghi Pa- ri. Bức điện ấy được gửi đi trong khi báo chí cả thế giới còn đang xúc động, tiếp tục rầm rộ đưa tin thảm hại của Ních-xơn với cái dịch giội bom tội ác ấy trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.

Ngay sáng hôm sau, khi cái chiến dịch B52 chấm dứt, rất nhiều người dân Hà Nội đi sơ tán đã mau chân hồi cư. Trên đường trở về mọi người đã được tận mắt thấy những xác máy bay. Không ít làng xóm, thị trấn tan hoang ... Vào tới thành phố, người ta cũng đã nhìn rõ một số nơi bị bom đạn khói còn nghi ngút, lửa còn lùng bùng nơi này nơi khác như Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai... Máu vẫn còn đỏ trên một số bức tường, trên một số khu chợ hoặc đường phố... Nhưng người ta cũng thấy được tận mắt mình, thậm chí được sờ mó hẳn vào những mảng - chứ không chỉ là mảnh vỡ - của các xác máy bay Mỹ bị bắn hạ. Có cái rơi ngay trên đường phố Hà Nội, có cái đâm ngay xuống Hồ Trúc Bạch... Người sơ tán về sớm còn thấy được tận mắt ngay trên các làng quê ở vành nhiều giặc lái bị bắt sống vẫn còn nguyên những bộ đồ bay kỳ dị nhưng đều đã tơi tả, lấm lem hoặc rách nát. Không ít tên bị thương trên mặt, trên đầu quấn băng trắng lốp do quân, dân ta cấp cứu khi bắt được chúng. Đứa nằm rên la trên cáng, đứa được dìu đi tập tễnh với những cặp mắt hoang mang, sợ hãi... Quang cảnh Hà Nội trong suốt ngày hôm ấy, ngày 1 tháng 1 năm 1973 và cả mấy ngày sau vẫn còn ngổn ngang. Người đi xem luôn luôn cảm thấy những ngọn trào tình cảm cuộn lên làm chảy cả nước mắt trước những đống đổ nát, những chết chóc đau thương của dân mình. Nhưng khi tận mắt thấy, tận tay sờ vào những mảnh pháo đài bay và Thần sấm, Con ma... tan tác trên các cánh đồng ngoại ô và ngay trên các đường phố Hà Nội cũng lại muốn khóc, nhưng khi ấy khóc lên là bởi quá tự hào, quá kiêu hãnh vì dân tộc, vì đất nước mình quá anh dũng và vô cùng bất khuất...

Dường như suốt mấy ngày hôm sau không ít người Hà Nội vẫn còn rủ nhau đi xem máy bay Mỹ bị bắn rơi, nhất là B52. Tuy nhiên không thể đi hết mọi nơi, người ta thường đi tới những nơi gọi là trọng điểm. Một trong những nơi đông người tới xem nhất là cả một khúc đuôi máy bay Mỹ rơi cắm thẳng đứng ngay giữa lòng hồ của làng Hữu Tiệp - Ngọc Hà. Còn thêm mấy nơi nữa: Một mảng B52 rơi ngay bên một chuồng cọp cũ ở vườn Bách Thảo và một mảng cường kích khác rơi tênh hênh ở ngay giữa sân Sở Xe điện Thuỵ Khuê... Đông như đi xem hội. Có cả một số văn nghệ sĩ và nhà báo cũng đi, trong đó có nhóm các ông nhà văn Nguyên Tuân, kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp và nhà báo Thép Mới. Nhóm này đến bên mảng đuôi máy bay Mỹ như chỏng thẳng lên, cắm ngay giữa hồ trước đình làng Hữu Tiệp - Ngọc hà. Ba ông bạn cứ say mê ngắm đi ngắm lại mãi. Ngắm cả mấy vườn hoa cục vẫn đang nở vàng rất đẹp quanh đó. Cúc vàng Ngọc Hà -  Hữu Tiệp đã nổi tiếng từ lâu. Nay những vườn cúc vẫn tươi nguyên, thắm vàng y như không phải vừa trải quả một đêm B52 tàn bạo. Ông Tuân cứ theo nheo mắt hết ngắm nhìn mảng đuôi khá lớn của chiếc máy bay Mỹ, lại ngắm những vườn cúc ở ngay kề bên đó. Rồi hóm hỉnh ông nói với hai bạn:

- Này, hai ông ạ! Cái thằng Mỹ nó thế mà cũng biết điều ra phết. Nó đã tự dựng "Tượng đài đại bại" của nó ở giữa cái hồ này, đỡ cho ta khỏi phải dựng tượng đồng bia đá về chiến thắng ở đây nữa. Thế này quá đẹp rồi phải không?

Nói xong, ông nghiêm chỉnh chuyển sang ý khác:

- Mà này, rồi có lẽ bọn ta phải đề nghị lên Bộ Chính trị và Bộ Tổng tư lệnh cho gửi ít nhất là một vài chậu cúc Ngọc Hà ở ngay chỗ “thằng Ních-xơn” bị bắn gục để báo cáo với Bác. Bác là chính là tác giả của những thắng lợi này từ cội nguồn mà!...

Hai ông Hoàng Như Tiếp và Thép Mới không khỏi ngạc nhiên và thú vị về sáng kiến bất ngờ rất hay ấy của ông Nguyễn Tuân. Ông Tuân lại say sưa tiếp:

- Mình sẽ nhờ ông Xuyên Thuỷ chuyển giúp đề nghị này. Chắc sẽ được hoan nghênh. Xưa kia, 200 năm trước, đại thắng oanh liệt 20 vạn quân Thanh trên chính kinh thành này, Nguyễn Huệ, vị Hoàng đế anh hùng áo vải ấy, cũng đã cho quân đem ngay một cành đào Nhật Tân vào tận Phú Xuân để báo tiệp với Ngọc Hân công chúa về chiến thắng vĩ đại Thăng Long! Ta bây giờ cũng phải thế, phải cấp báo tiệp với Bác tối cao của mình chứ!

Nhưng chẳng phải chỉ có mấy nhà văn, nhà báo đã sớm nghĩ ngay tới Bác lúc này, mà Bộ Chính trị, Trung ương và đông đảo nhân dân ngay từ ngày hôm ấy cũng đã nghĩ rất nhiều tới Bác. Và hầu như tất cả mọi người cũng đều rất hào hứng nghĩ ngay tới việc tiếp tục xây Lăng "Đúng rồi, tiếp tục xây Lăng Bác được rồi đấy!". Đâu đâu cũng thấy câu nói như thế hoặc tương tự như thế với tất cả niềm vui và tự hào.

Vui quá, nhiều toán lại rủ nhau trở ra ngoại thành xem tiếp máy bay mà lúc hồi cư về vội quá chưa xem được kỹ. Thế là lại xe đạp, xe máy đèo nhau túa ra các hướng y như trẩy hội mùa xuân. Vừa đi lại vừa nao nức phỏng đoán thế nào cũng sẽ tiếp tục công việc xây Lăng Bác...

Đã đại thắng B52 Mỹ, Tết cổ truyền Quý Sửu lại sắp đến nơi, Hà Nội đã vui càng thêm vui, đã tưng bừng càng thêm tưng bừng, dù cho những vết đạn bom vẫn còn đó thời gian và con người chưa kịp xoá hết...

*

*         *

Đúng như mong ước của dân, chỉ hơn ba tuần sau trận đại thắng B52, các cán bộ trong Ban Phụ trách xây dựng Lăng Bác và cả Ban Chỉ huy công trường 75808 (ký hiệu công trường xây Lăng Bác có từ 1971) đã nhận được giấy triệu tập họp của Phó Thủ tướng Đỗ Mười - người được Bộ Chính trị giao trách nhiệm kiêm Trưởng ban Phụ trách xây dựng Lăng Bác - Giấy mời họp vào buổi tối ngày 29 tháng 1 năm 1973. Tất cả các thành viên được mời họp đều rất mừng và biết ngay là việc gì rồi. Tối hôm đó dù rét khá đậm nhưng trong lòng người ai ai cũng rất ấm. Tất cả tề tựu quanh chiếc bàn họp lớn, dưới ánh đèn sáng choang. Đồng chí Đỗ Mười với gương mặt rất tươi vui, với giọng nói sang sảng, chính thức truyền đạt lại quyết định của Bộ Chính trị về việc tiếp tục xây dựng Lăng Bác. Rồi đồng chí truyền đạt tiếp những chỉ thị cụ thể của đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị - người đã được phân công trực tiếp chỉ đạo công trình xây Lăng. Đồng chí Trường Chinh, nhà lãnh đạo sắc sảo và cũng vô cùng nghiêm cách, cẩn trọng ấy vẫn nhắc và nhấn mạnh lại ý nghĩa rất to lớn của công trình Lăng Bác: “ Đây sẽ là công trình kiến trúc vĩ đại mà trong lịch sử xây dựng của Việt Nam chưa từng có, đòi hỏi chất lượng rất cao, sử dụng nhiều loại vật liệu rất quý hiếm và mới... Lăng Bác sẽ được xây dựng không phải chỉ bằng bàn tay, khối óc của những người trực tiếp tham gia xây dựng mà còn bằng cả trái tim và công sức đóng góp của toàn dân tộc... Công trình này phải được hoàn thành với thời gian sớm nhất. Các chuyên gia hàng đầu tính toán mọi mặt về cả chính trị, cả khoa học, kỹ thuật trình lên, đã được Bộ Chính trị duyệt...".

Các nội dung đã quan trọng lại được truyền đạt một cách hăng say và sôi nổi của đồng chí Phó Thủ tướng kiêm Trưởng ban Phụ trách xây dựng Lăng, làm mọi người càng thêm phấn chấn.

Phổ biến xong mọi việc, đồng chí Phó Thủ tướng lại vui vẻ vừa như động viên vừa như ra lệnh: "Các đồng chí đã rõ cả rồi đấy, phải hết sức quan trọng và cũng hết sức phải khẩn trương.

Mọi người cùng tươi cười thể hiện sự đồng tình và quyết tâm của mình, rồi cùng đi vào bàn thảo những nội dung cụ thể phải tiến hành ngay trước mắt và lịch làm việc tổng quát. Tuy rất vui, rất phấn chấn, nhưng trong thâm tâm không phải không có người vẫn có phần thầm lo: Thời gian 2 năm là căng! Không hiểu dốc sức dốc của ra, rồi có kịp không?... Không riêng các uỷ viên mà cả đồng chí Tổng Tham mưu phó quân đội Phùng Thế Tài và đồng chí Bộ trưởng Bộ Kiến trúc Bùi Quang Tạo cũng ít nhiều cùng tâm trạng như vậy.

Tuy vậy không khí bao trùm vẫn là sự hào hứng và niềm tin tưởng. Công việc quan trọng đầu tiên mà tất cả cùng nhất trí là phải tiếp tục lo tăng thêm nhân lực và "chạy" vật tư. Thật vậy, nhân lực và vật liệu phải có đủ hoặc ít ra là tương đối đủ rồi mới có thể nói tới xây, tới lắp máy... Muôn ngàn công việc lớn nhỏ đang ở phí trước. Ai cũng biết: Trước trận B52 ta cũng đã tập họp được một số nhân lực tốt, kể cả vật liệu, nhưng nay dù có gọi lại được đủ anh chị em cán bộ và công nhân ấy, cũng vẫn còn phải tiếp tục tuyển thêm nữa mới chắc chắn bảo đảm được công việc...

Trước hết là nhân lực! Trong đó nhân lực có kỹ thuật là rất quan trọng. Nếu cần về số lượng thì như trước trận B52 ta đã biết: Chỉ cần hô một tiếng là hàng triệu thanh niên và công nhân sẽ lập tức ghi tên tình nguyện ngay. Nhưng lao động kỹ thuật cần thiết cho một công trình rất lớn và rất hiện đại như Lăng Bác thì đợt tuyển người vừa qua đã thấy rất khó khăn, ngay cả trong quân đội, dù có là công bình đơn vị kỹ thuật. Bên Bộ Kiến trúc nơi tập trung nhiều cán bộ, công nhân kỹ thuật xây dựng nhất, mà tình hình chung cũng đang khó.

Nhưng rồi bàn cũng ra cách: Sẽ xin phép Bộ Chính trị và Chính phủ cho phép cả bên quân đội cả bên Bộ Kiến trúc được đi tuyển mộ thêm, mà lần này không chỉ quanh Hà Nội mà rộng cả cả các tỉnh, đâu có cán bộ, công nhân kỹ thuật có thể tuyển là tuyển luôn. Để cho những người được tuyển phấn khởi, yên tâm làm việc, phía chủ quản cũng dễ quản lý, bên quân đội có thể cho những người mới được tuyển chuyển thành quân nhân. Bên Bộ Kiến trúc cũng thế, cho họ vào biên chế của ngành Xây dựng luôn.

Cụ thể, tất nhiên về nhân sự chủ yếu là lấy thêm ở miền Bắc là rõ rồi. Nhưng riêng về vật liệu xây dựng dù cũng trông cậy ở ngoài Bắc những cũng cần có cả sự đóng góp của đồng bào miền Nam. Trong chiến trường, gỗ, đá quý có nhiều. Chắc chắn khi biết ngoài này bắt đầu xây dựng Lăng Bác, trong đó không cần đợi yêu cầu, bà con sẽ chủ động tìm ngay mọi cách vận chuyển vật liệu ra bằng mọi giá. Tấm lòng đồng bào miền Nam với Bác quá lớn lao, sâu nặng. Còn máy móc cho Lăng - phần cực kỳ quan trọng - tất nhiên chưa thể bàn kỹ lúc này. Phần này rất lớn, một mình ta không thể lo được hết, mà sẽ phải trông cậy khá nhiều - nếu không muốn nói là chủ yếu - ở sự viện trợ hữu nghị của Liên Xô, người Bạn lớn vẫn luôn luôn hết lòng với ta. Tuy nhiên cũng biết không phải thứ gì Bạn cũng có; có cái Bạn sản xuất được, có cái Bạn phải đặt làm ở những nước tư bản. Như vậy có thể thấy, bắt đầu khởi công xây Lăng, cần thiết trước hết và chủ yếu vẫn là nhân lực kỹ thuật và vật tư. Rồi sau đó sẽ còn phải bàn nhiều và lo dần...

Khuya, cuộc họp mới kết thúc với những cái bắt tay rất chặt như để thay thế cho những lời hứa hẹn cam kết, và cũng để bày tỏ niềm tin to lớn, mạnh mẽ...

"Không được chậm trễ! Không được nghỉ nhé!" Nụ cười lại nở rộng, đồng chí Đỗ Mười lại sang sảng đứng trên thềm vui vẻ nói theo mọi người đang khẩn trương ra về trong cái rét diêu diêu cuối năm. Nghe nhắc lại câu nói ấy, dù không ra là mệnh lệnh, cũng không chỉ là lời động viên, nhưng cũng thấy vui ở cái ý, cái tình, mọi người cùng ngoái đầu lại cười theo. Sự đồng cảm làm ấm lòng mọi người.

Mỹ thua quá đau, đã phải chịu ký hiệp định Pa-ri theo những điều khoản của ta, trong đó một điều cơ bản và quan trọng bậc nhất là Mỹ phải nhận rút hết, rút toàn bộ binh lực ra khỏi miền Nam, trong khi đó các lực lượng chiến đấu của ta vẫn ở nguyên như cũ trên chiến trường. Ai ai cũng có thể thấy rõ đây là một thắng lợi vĩ đại. Vậy hoà bình chắc chắn là sẽ lâu dài, trước hết trên miền Bắc, tất nhiên thắng lợi toàn bộ trên cả nước cũng rõ ràng cũng không còn quá xa nữa, vì Mỹ thua đã phải "cút", Ngụy rồi cũng sẽ phải đổ. "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" -  Câu thơ của Bác là những lời tiên tri.

Mùa đông đã qua đi. Giờ đây đã là tháng 3 năm 1973. Nắng mới bừng lên, sáng trời ấm đất, ấm cả lòng người. Quang cảnh Quảng trường Ba Đình đã trở lại nhộn nhịp, xem ra còn đông vui hơn trước nhiều. Bây giờ ngày nào cũng có người: Cán bộ, công nhân, bộ đội công binh tới đo đạc, tính toán. Hơn thế nữa, còn liên tục có những nhóm, những đoàn người áo quần lao động kéo tới làm lán, làm nều cho công nhân ở quanh khu vực để đồ đạc và dụng cụ lao động... Không những thế còn có nhóm dựng cả những căn nhà, dù chỉ là tạm bằng tôn, gỗ, nứa lá ở phía sau quảng trường, sau Phủ Chủ tịch và cả bên Ngọc Hà để đón anh em công nhân các nơi sẽ được điều về xây Lăng.

Trong những ngày này, đồng chí Đỗ Mười đã nhận được báo cáo của cả hai phía quân đội và Bộ Kiến trúc về việc tuyển thâm nhân lực. Phía quân đội, công binh được phân công chủ yếu lo phần lắp máy trong Lăng đã được Bộ Quốc phòng cho phép được đi các quân khu, quân binh chủng tuyển thêm cán bộ, chiến sỹ có tay nghề. Sau hai tháng tuyển chọn, dù được các đơn vị, các chiến sỹ vô cùng nhiệt tâm hưởng ứng, nhưng cũng có khó khăn. vì chọn toàn người có kỹ thuật nên lúc đầu vẫn chưa thể đủ quân số yêu cầu. Vì vậy, phải mở một đợt tuyển chọn thứ hai, tới nay mới có thể mới tạm gọi là "hòm hòm". Quân khu 4 đã tổ chức cho số anh em này về tận Kim Liên quê Bác dâng hương rồi mới ra Hà Nội nhận nhiệm vụ. Quân khu Việt Bắc cũng đã tổ chức cho anh em tới Thái Nguyên thăm Bảo tàng Cách mạng và dâng hương lên Bác rồi mới về Thủ Đô. Phía Bộ Kiến trúc được phân công chuyên trách chủ yếu phần xây dựng cũng đi nhiều tỉnh để tuyển thêm thợ và cán bộ chuyên môn. Nhưng cũng giống như bên quân đội: Người có tinh thần hăng hái thì có thừa, nhưng tuyển thợ có tay nghề, dù chỉ là xây cũng khó. Tuy nhiên, cũng đã tuyển được khá: 1.200 người của 26 tỉnh thành và các Bộ, ngành về tham gia xây dựng Lăng.

Về nhân lực như vậy dẫu sao cũng là vui rồi, về mặt kiếm tìm vật liệu xây dựng cũng nhiều tin đáng mừng. Ai cũng biết một trong những thứ quan trọng là cát xây dựng. Lúc đầu hầu hết anh em trong giới xây dựng đều nói: Cát xây dựng ở sông Lô là tốt nhất. Bộ Kiến trúc đã định tập trung nhân lực cho lên hướng đó khai thác ngay. Nhưng trước công việc xây Lăng Bác to lớn và thiêng liêng, có nhiều người, nhiều nơi đã sốt sắng báo về: Cát xây dựng tốt nhất là cát vàng Kim Bôi. Sở dĩ từ bao năm nay ai ai cũng chỉ biết tới cát sông Lô là do Pháp ngày xưa bảo cát ở đó tốt hơn cả nên cứ tin như thế. Bây giờ khác rồi, ta đã có nhiều người được ăn học cao, có trình độ nghiên cứu sâu đã thí nghiệm và phát hiện ra cát Kim Bôi còn tốt gấp nhiều lần cát sông Lô. Để xác minh, Bộ Kiến trúc đã báo cáo lên Ban Phụ trách xây dựng Lăng rồi cử ngay một nhóm cán bộ chuyên môn giỏi về thẳng Kim Bôi - Hoà Bình trực tiếp khảo sát rồi đem mẫu về Hà Nội xem thực hư ra sao... Sau khi sửa dụng những phương tiện hiện đại và các loại hoá chất cùng làm thí nghiệm, rồi tham khảo cả chuyên gia Liên Xô chuyên về vật liệu xây dựng, anh em mừng rõ báo cáo: Cát Kim Bôi đúng là cát vàng thực. Nắm trên tay mở ra, cát trôi xuống không còn dính lại một hạt, hạt lại rát đều, rất sạch, rất rắn, vốn từ cuội, sỏi ngàn năm tan vụn ra, nhỏ dần mà thành cát, không có pha bất cứ một tạp chất nào... Thế là được phép trên và chính quyền địa phương ủng hộ, anh em công nhân kiến trúc cùng anh chị em thanh niên địa phương đã hợp lực nô nức khai thác. Nam thanh niên ngụp lặn xúc cát dưới lòng con sông nhỏ đổ lên những con thuyền neo ở bến. Các cô gái trên bờ xúc lên đổ thành từng đống cao ở suốt dọc bờ sông. Rồi xe tải tấp nập liên hồi tới bốc chuyển ra Hà Nội hoặc về các nhà máy. Khúc sông nhỏ của huyện Kim Bôi -  Hòa Bình xưa nay vốn hoang vắng, bỗng trở thành một công trường khai thác cát tưng bừng, náo nhiệt.

Niềm vui này đã lớn nhưng còn như được nhân đôi do một sự việc khác liền ngay sau đó: Ấy là khi đó nhà máy Xi măng Hải Phòng còn bị máy bay Mỹ bắn phá tới hàng trăm lần qua nhiều năm nên đã hư hỏng một phần. Nay chắc chắn miền Bắc đã có hoà bình, cần chấn hưng lại nhà máy, hơn nữa đang mong có sản phẩm tốt để xây Lăng Bác nên nhà máy quyết chí tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm để sản xuất ra một thứ xi măng tốt nhất - xi măng đặc biệt.

Gần như cùng dịp ấy, tỉnh Thái Nguyên cũng đưa lên Ba Đình thêm một loại cát xây dựng cũng được ưa chuộng từ lâu: Đó là cát Thanh Xuyên - Thái Nguyên. Nếu như cát Kim Bôi vàng óng, sạch và không tạp chất, thì cát Thanh Xuyên lại trắng gần như đường kính. Chất lượng cát Thanh Xuyên cũng đã được kiểm nghiệm không thua kém cát Kim Bôi nhiều lắm, nên được chọn để sản xuất bê tông cường độ cao xây Lăng Bác.

Về đã xây dựng, cũng đã có báo cáo về đá granít xám, trắng ở mỏ Hoàng Thi - Thác Bà - Yên Bái rất tốt nên được chọn làm đá bê tông. Đá cuội ở Sơn Dương, Chiên Hoá - Tuyên Quang cũng rất đẹp, rất rắn. Còn cả đá nhồi - Thanh Hoá nữa, cũng đã nổi tiếng từ lâu. Đá nhồi màu xanh xám. Vua Chúa nhà Hồ, nhà Lê xưa đã dùng đá nhồi để xây lâu đài, thành quách. Thanh Hoá còn có cả đá trắng ở núi Lở, chất lượng không kém đá trắng quý hiếm của nước Ý. Cả đá vàng, đá đỏ ở Cẩm Vân nữa. Hà Tây (cũ) thì có đá cẩm thạch vân hoa rất đẹp. Cao Bằng có đá ngọc màu mận chín, vừa đẹp vừa quý. Vĩnh Linh cũng có đá mun màu đen rất sang. Sơn La có đá đèo chẹn xanh mơ khá quyến rũ. Nam Định có đá phú nhoi màu vàng cũng hấp dẫn. Còn Điện Biên Phủ - địa danh đã nổi tiếng toàn cầu cũng có đá granít rắn gần như đá hoa cương... Tóm lại không thiếu đá quý để xây Lăng Bác...

Ở vòng ngoài thì thế, vòng trong - Hà Nội, Bộ Kiến trúc và Ban Chỉ huy công trường 75808 cũng được sự phối hợp, giúp đỡ rất nhiệt tâm của các Bộ khác như Giao thông vận tải, Cơ khí luyện kim... đã huy động, tập trung được một số thiết bị cơ khí cần thiết như cần cẩu, xe tải, xe ben, máy nổ, máy xúc, búa máy, máy cưa, máy xẻ... để sẵn sàng phục vụ, dù toàn đồ cũ, đồ cổ, nhưng có còn hơn không. Đồng thời, cũng đã sớm nhận được những xúc, những cây gỗ quý như: Lim xanh, trắc, chò, sưa, táu... từ Việt Bắc, Đông Bắc, Trung Du và Khu 4 gửi về.

Không khí chuẩn bị nhân lực, vật tư ở các địa phương ngoài Bắc đang rất khẩn trương. Bộ Chính trị, Chính phủ được Ban Phụ trách xây dựng Lăng báo cáo, rất hài lòng. Vui và cảm động nữa là Đảng và Chính phủ cũng luôn luôn nhận được tin của nhiều địa phương và các chiến trường trong Nam từ Trị Thiên tới Liên Khu 5, Khu 6 qua Tây Nguyên, vào tới miền Đông, miền Tây Nam Bộ những bức thư và những bức điện gần như cùng chung một ý gửi ra: Được biết Trung ương đã có quyết định tiếp tục xây Lăng Bác, trong này tất cả bà con cô bác, quân và dân trong chiến trường đều vô cùng vui mừng. Dù bom đạn của Thiệu vẫn rất các liệt, thậm chí nay còn điên cuồng hơn, chúng đánh phá các cơ sở của ta, lấn chiến các vùng giải phóng dữ dội, quân dân ta đã quyết chiến đấu vừa đánh bại nốt tên hung ác này vừa dành thời gian để kiếm tìm và gửi ra gỗ quý, đá quý để góp phần xây "Ngôi nhà" của Bác Hồ. Đã có nơi nêu khẩu hiệu: "Tìm được gỗ hoặc đá quý gửi ra xây Lăng cũng coi diệt được giặc lập công dâng Bác". Nay có nơi báo cho biết đã sớm tìm được gỗ quý hoặc đá quý rồi, đang tìm cách để chuyển ra, dù cho bom đạn địch rất ác liệt và núi cao, sông lớn trung trùng. Nhưng chắc chắn sẽ có gỗ và đá quý đưa ra để xây Lăng Bác.

Mỗi lần nhận được những bức điện như thế, đồng chí Lê Duẩn đều xúc động đưa cho hai đồng chí Đống Ngạc và Đậu Ngọc Xuân (hai thư ký của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng) rồi nói: "Các anh xem đi! Trong khói lửa, mà tấm lòng của đồng bào ruột thịt của chúng ta với Bác như thế đó...".

Tới tháng 5 năm 1973, Thiệu càng điên cuồng chống phá ta. Bộ Chính trị đã quyết định mời các đồng chí lãnh đạo và cả các tướng lĩnh chiến trường miền Nam ra họp, từ đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Chu Huy Mân... để trao đổi và thống nhất đánh giá, nhận định về tình hình miền Nam từ sau Hội nghị Pa-ri tới nay, và bàn các đối sách tốt nhất. Cuộc họp cũng để chuản bị cho Hội nghị Trung ương 21 rất quan trọng dự định sẽ họp vào tháng 7 năm 1973 sắp tới, nhằm tổng kết cả giai đoạn 18 năm chống Mỹ và đưa ra phương hướng chỉ đạo cơ bản cho thời kỳ mới, quyết đánh bại hoàn toàn ngụy quyền tay sai Mỹ, hoàn thành Cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Hội nghị Trung ương 21 mở rộng cũng sẽ bàn và quyết định tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thành xây dựng Lăng Bác dù vật tư thiết bị vẫn còn thiếu nhiều nhưng sẽ phải gắng khắc phục dần dần.

 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã căn cứ vào tư tưởng chỉ đạo quan trọng này, chính thức ra quyết định cho Ban Phụ trách xây dựng Lăng: Ngày 02 tháng 9 năm 1973 sẽ chính thức khởi công xây Lăng Bác. Ngày 02 tháng 9 năm 1975 sẽ chính thức khánh thành. Xây Lăng Bác và cải tạo, mở rộng Quảng trường Ba Đình cùng làm một thời gian.

Trên cơ sở quyết tâm lớn và chỉ thị ấy, đồng chí Lê Thanh Nghị, Phó Thủ tướng đã ngay sau đó gửi tiếp thư sang Liên Xô, thông báo Việt Nam đã quyết định tiếp tục mọi công việc xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông báo cụ thể cả ngày khởi công cùng ngày hoàn thành. Thư cũng chính thức nhắc lại đề nghị Liên Xô nối lại viện trợ, đề nghị Bạn gửi ngay sang cho các thiết bị vật tư như đã thoả thuận trước đây, đồng thời cũng yêu cầu tiếp tục cử chuyên gia thay nhau sang Việt Nam giúp xây Lăng Bác cho đến khi hoàn thành.

Thư gửi đi đã khá lâu, quá thời hạn phúc đáp thường có như trước đây.

Các đồng chí lãnh đạo của ta phán đoán: Hẳn Bạn có khó khăn nào đó, chứ tình hữu nghị hai bên là quá tốt. Còn nhớ năm 1970, khi mới có chủ trương xây Lăng Bác, ta cử đại biểu sang Liên Xô đề nghị giúp đỡ. Bạn đã hứa hết lòng. Đồng chí Brê-giơ-nép -  Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô sau đó còn có thư gửi Đảng ta (năm 1970), trong thư có những lời rất tốt đẹp, chí tình "... Chính phủ Liên Xô đã có chỉ thị giúp đỡ về mặt kỹ thuật trên những vấn đề cụ thể với nước Việt Nam Dân chủ công hoà trong việc thực hiện những công việc cần thiết.

Thực hiện sứ mạng đó, Đảng Cộng sản Liên Xô và toàn thể nhân dân Liên Xô đồng thời tỏ lòng kính trọng sâu sắc của mình đối với hương hồn đồng chí Hồ Chí Minh, người con trung thành và người lãnh đạo lớn của Việt Nam, người Mác-xít - Lênin-nít kiên cường, người chiến sỹ theo chủ nghĩa quốc tế vô sản bất khuất và người bạn lớn của nhân dân Liên Xô...".

Vậy các đồng chí bên ấy chưa trả lời ngay những yêu cầu khá khẩn trương của Việt Nam, chắc là Bạn đang có khó khăn gì đây? Quả nhiên, sau đó nhận được trả lời của Phó Thủ tướng Nô-vi- ôp. Đại ý là trước hết các đồng chí Liên Xô xin ta thông cảm vì Bạn còn phải xem xét lại cẩn thận mọi việc. Nay Trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô rất lấy làm tiếc chính thức phúc đáp lại rằng không thể đáp ứng được đủ ngay những yêu cầu hiện nay của Việt Nam. Lý do là hồi cuối năm ngoái (tháng 12 - 1972) điện và công văn của Việt Nam gửi sang Liên Xô báo tạm hoãn xây Lăng Bác vì Mỹ ném bom trở lại, nhưng trong công văn chỉ nói là tạm hoãn "Một thời gian", mà không có dự kiến cụ thể khi nào sẽ tiếp tục. Vì thế trong kế hoạch toàn bộ của Liên Xô năm nay (1973) không có danh mục nào về việc giúp Việt Nam xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bây giờ Việt Nam mới báo lại, Liên Xô gặp nhiều khó khăn cả trong nguyên tắc, cả trong thực tế về điều chỉnh các kế hoạch. Hơn thế nữa, hàng năm bản thiết kế kỹ thuật cụ thể về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà các chuyên gia Việt Nam cùng chuyên gia Liên Xô tiếp tục hoàn thiện, nhưng vừa qua các bản thiết kế đó hiển nhiên cũng đã phải tạm dừng, nên nay chưa hoàn tất ngay một cách mau lẹ được.

Bấy giờ mới rõ. Các đồng chí lãnh đạo Việt Nam thừa nhận sự trục trặc này đúng là do mình vì khi thông báo tạm ngừng, chúng ta đã không thông báo cho Bạn dự kiến cụ thể khi nào thi nối lại công việc. Bên Bạn đã quen làm việc theo tác phong công nghiệp quen nên cái gì cũng phải rất cụ thể, chính xác.

Thế là lại phải bàn. Rồi một quyết định mang tính khẩn trương "Chữa cháy" đã được đưa ra. Đồng chí Vương Quốc Mỹ , khi đó đã được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Kiến trúc kiêm Chỉ huy trưởng công trường 75808, lập tức lại được phái sang Liên Xô trình bày chi tiết mọi việc, nhất là quyết tâm của Đảng ta căn cứ vào lòng dân tiếp tục xây Lăng Bác. Ông Vương Quốc Mỹ không khỏi lo lắng chưa biết kết quả sẽ ra sao. Nhưng các đồng chí trong Bộ Chính trị của ta đã nhấn mạnh tới uy tín và tình cảm lớn của Bác Hồ với Liên Xô và cả thế giới để đồng chí Mỹ vững tin vào chuyến đi...

Yên tâm hơn, dù vẫn còn không ít hồi hộp, ông Mỹ khẩn trương bay đi ngay. Trong khi ấy ở "nhà", để phối hợp, đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng cũng điện cho Đại sứ Võ Thúc Đồng ở Mát-xcơ-va hết sức giúp đỡ đồng chí Vương Quốc Mỹ trong nhiệm vụ quan trọng này, đồng thời báo với Liên Xô là ta sẽ cử sang một đoàn chuyên gia của ta sang đó để cùng các chuyên gia Liên Xô tiếp tục hoàn thiện các bản thiết kế kỹ thuật, nhằm sớm có thể đưa vào sản xuất.

Và Hà Nội lại chờ, lại suy nghĩ về tất cả mọi tình huống thuận lợi, không thuận lợi.

Một ngày. Rồi hai ngày. Rồi gần hết một tuần, cuối cùng thì điện từ Mát-xcơ-va cũng đã bay về: Liên Xô đã nhận lời. Ôi! Quả là phải có tình thần quốc tế vô sản và tình nghĩa gắn bó bao năm, lòng kính yêu đặc biệt với Bác Hồ, Bạn mới có thể cố gắng và tìm ra được các phương sách để giúp ta... Và Liên Xô đã hứa là các đồng chí ấy sẽ nghiêm túc thực hiện. Tất cả các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta thực sự rất mừng.

Sau đó, gần như ngay tức khắc, một đoàn cán bộ khoa học kỹ thuật của Bộ Kiến trúc và Bộ Tư lệnh Công binh gồm những kiến trúc sư, kỹ sư có uy tín, tay nghề giỏi được cử sang Liên Xô để phối hợp cùng các chuyên gia Liên Xô hoàn tất các bản thiết kế kỹ thuật.

Thời tiết Mát-xcơ-va đang vào mùa đẹp, lại được các Bạn chuyên gia Liên Xô đón tiếp rất thân tình, đoàn Việt Nam bước xuống sân bay hết sức phấn chấn. Nhưng các đồng chí ta đề nghị được bắt tay ngay vào việc, không cần nghỉ. Mỗi ngày làm việc với Bạn 7 giờ, tối về lại họp tổ. Rất bận rộn và vất rả. Tuy nhiên, tinh thần mọi người trong đoàn ta vẫn hoàn toàn tốt. Trong quá trình làm việc với chuyên gia Bạn đôi khi cũng gặp những vấn đề phải tranh luận, nhưng phần nhiều là các vấn đề và chi tiết thuộc về đề văn hoá, tính dân tộc hoặc đặc điểm địa lý, khí hậu mà hai nước có những điểm không hoàn toàn giống nhau, nên các chuyên gia Bạn không hiểu hết. Do đó cũng dễ đi tới thống nhất ý kiến trong tinh thần đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau. Cho tới tháng 9, đoàn ta đã có bản thiết kế về nền, móng hoàn chỉnh - bản thiết kế cần thiết đầu tiên. Cả đoàn vẫn tiếp tục ở lại làm việc tiếp với chuyên gia Bạn về các bản thiết kế khác thuộc hai phần quan trọng nhất là xây dựng và lắp máy.

Nhận được bản thiết kế nền, móng hoàn chỉnh, ở nhà điện sang rất cảm ơn Bạn, đồng thời cũng đề nghị Bạn gửi ngay sang giúp ta một số chuyên gia đóng cọc bản thép cùng một số cọc bản thép nữa. Chuyên gia và vật liệu chuyên dùng ấy ở Việt Nam hiện đang gần như hoàn toàn thiếu. Lại yêu cầu Bạn cũng gửi ngay một số máy bơm hút nước cho các hố móng, vì mùa mưa ở Việt Nam sắp đến rồi. Bạn vui vẻ trả lời sẽ gắng lo liệu đáp ứng.

Bài viết khác: