LỜI NÓI ĐẦU
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, nhà văn hóa kiệt xuất, người chiến sỹ lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Người sống mãi với thế hệ hôm nay và muôn đời con cháu mai sau. Sau khi Người qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị quyêt định giữ gìn lâu dài thi hài và xây dựng Lăng của Người giữa Ba Đình lịch sử - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác đi xa, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng giao cho. Thi hài Bác được giữ gìn trong trạng thái tốt nhất. Lăng Bác - công trình của lòng dân, ý Đảng đã trở thành nơi hội tụ tình cảm và niềm tin của cả dân tộc, thể hiện tấm lòng kính yêu, đời đời biết ơn và nguyện đi theo con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn.
Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu cuốn sách “ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đài hoa vĩnh cửu” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành. Đây là tình cảm thiêng liêng, lòng biết ơn sâu sắc của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính dâng lên Đảng, Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
ĐÀI HOA VĨNH CỬU
Hà Nội đêm 01 tháng 9 năm 1945.
Đã về khuya. Vòm trời đen xanh trên cao chi chít những chòm sao nhấp nháy gần xa như mở hội. Gió lao xao, lúc như vui đùa, lúc như thầm thì trò truyện trên các vòm cây xanh ngang dọc khắp thành phố. Trong khi đó, dưới các tàng cây dường như cũng có một trời sao rực rỡ khác. Đó là biết bao ngọn đèn vẫn còn sáng trưng trong tất cả ngôi nhà, từ những mái tranh nghèo lụp xụp ngoại ô cho tới những toà nhà, biệt thự xinh đẹp trên những đường phố lớn, nhỏ. Thật vậy, dù đã rất khuya, nhân dân Hà Nội và tất cả các vùng xung quanh vẫn còn thức để sửa soạn áo quần, cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ…và cả thức ăn cho buổi đi dự Đại lễ chưa từng có trong lịch sử vào ngày hôm sau. Đó là Đại lễ mà Chính phủ lâm thời của cách mạng sẽ công bố chính thức bản Tuyên ngôn Độc lập trước toàn dân, toàn thế giới việc thành lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chấm dứt đêm dài tăm tối ngót trăm năm nô lệ dưới ách thực dân Pháp và gần đây là Phát xít Nhật; đồng thời cũng chấm dứt luôn vương triều phong kiến lạc hậu cuối cùng của nhà Nguyễn.
Trong đêm “Giao thừa” của ngày Hội non sông thiêng liêng ấy, niềm vui lớn hiển nhiên và trước hết là được trực tiếp nghe bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ. Nhân dân Hà Nội cũng còn hồi hộp mong được tận mắt nom thấy vị lãnh tụ tối cao của cách mạng - vị Chủ lịch đầu tiên của đất nước. Tính danh của người vừa mới được cán bộ khu phố hồi chiều cho biết là Cụ Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mọi người còn mong được gặp cả một nhân vật hết sức quan trọng nữa, đó là ông Nguyễn Ái Quốc, nhà cách mạng tuyệt vời mà nhiều người đã được nghe nói tới từ lâu. Khi còn trẻ, hoạt động ở Pháp ông đã đàng hoàng một mình đưa bản kiến nghị tới Hội nghị quốc tế ở Véc-xây (Versailles) đòi quyền sống, đòi độc lập tự do cho các dân tộc thuộc địa, trong đó có nhân dân Việt Nam. Về sau, ông càng hoạt động nhà cầm quyền Pháp càng e sợ tài năng, càng kính nể đạo đức và nhân cách lớn của người chiến sỹ cách mạng Việt Nam huyền thoại ấy… Không màng tới hạnh phúc riêng, ông đã hoàn toàn cống hiến cả cuộc đời mình cho Cách mạng giải phóng dân tộc, cho nền độc lập, tự do của đất nước. Vừa qua, năm 1941, khi phát xít Nhật bằng sức mạnh ồ ạt tiến vào Việt Nam rồi sau đó hất cẳng Pháp, ông đã có thư gửi về cho toàn thể đồng bào phân tích tình hình chung và triển vọng giải phóng đất nước. Ông kêu gọi mọi người đoàn kết và hăng hái chiến đấu. Ôngkhẳng định Pháp và Nhật nhất định sẽ đánh nhau và sẽ đều thua. Cách mạng nhất định thắng. Việt Nam nhất định sẽ được độc lập, tự do. Nay mới có vài năm, lời ông nói đã trở thành hiện thực. Vậy ngày mai, Nguyễn Ái Quốc, người chiến sỹ lừng danh ấy liệu cũng sẽ có mặt ở Hà Nội, bên cạnh cụ Hồ?
Thế rồi, từ mờ sáng hôm sau, khi sương thu còn mỏng xanh như khói phủ trên thành phố, bà con nội, ngoại thành đã lục tục kéo nhau đi lên hầu khắp các ngả đường cùng hướng về phía tây bắc thành phố, nơi đó có địa điểm tập trung làm lễ đã được cán bộ các đường phố, các khu, tiểu khu báo trước. Đó là một bãi đất rộng ở cuối con đường rất đẹp vốn mang tên đường Puginier (tên một ông cố đạo chủ trì việc xây Nhà Thờ lớn Hà Nội, nay ta đã đặt lại là đường Điện Biên Phủ), chính giữa có một bùng binh (vườn cỏ tròn lớn), phía tây bùng binh có một bức tường trang trí với các cửa cuốn (cửa giả) theo kiểu thức Toscane (một vùng ở miền trung nước Ý). Về phía tay trái của bùng binh ấy không quá 500m là khu Dinh Toàn quyền nước Pháp cũ, xung quanh có rất nhiều cây xanh tốt; phía bên phải bùng binh là chùa Một cột nhỏ bé nhưng phong cách kiến trúc rất độc đáo đã nổi tiếng từ bao thế kỷ qua. Đối diện với bùng binh về phía đông, cách chừng trên 1500m cũng là một khu đất lịch sử rất lớn: Đó là khu Hoàng thành xưa đã bị Pháp phá huỷ hầu hết để mở đường và làm các cơ sở cho nhà binh của chúng…
Xuống đường từ rất sớm, tới 9 giờ 30 sáng, những đoàn người, dù là đoàn thể hay chưa Đoàn thể vẫn nối tiếp nhau tiếp tục đổ tới bùng binh với cờ hoa và biểu ngữ mang nhiều thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh, Trung Quốc… Tiếng chân không, tiếng dày dép hoà lẫn những tiếng còi giữ nhịp và cả những tiếng hô đi đều bước: “Một, hai” rất hăng hái. Đội ngũ công nhân tề chỉnh nhất, nam nữ cùng đội mũ lưỡi trai vải mềm, sơ mi ngắn tay trắng, quần xanh, đồng phục như nhau, trong khi đó các bác nông dân từ ngoại thành vào vẫn dân dã thoải mái với áo nâu, quần vải, có bác còn đem theo cả điếu cày, cả những quả bầu khô đựng nước uống. Anh em thợ thuyền lao động chân tay tự do như thợ xẻ, thợ nề, thợ mộc, thợ sơn cá thể…, kể cả những anh chị làm vệ sinh, quét chợ cũng được tập hợp thành các khối với áo quần đủ kiểu, đủ màu sắc khác nhau, khí thế không thua kém bất cứ đoàn nào kể cả so với những đoàn, những đội thanh niên, sinh viên, học sinh sôi nổi, nổi bật với vẻ trẻ trung và áo quần gần như là đồng phục. Các đoàn phụ nữ - dù là nhà buôn hoặc viên chức - đều tươi tắn như hoa với những tà áo dài tha thướt đủ màu. Chị em tiểu thương các chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, Cửa Nam, Bạch Mai… cố ý mặc toàn áo dài tứ thân cổ truyền của dân tộc với hai vạt trước vắt bỏ giọt rất nền nã. Giới trí thức, văn nghệ sỹ tuy có vẻ giản dị nhưng cũng vẫn lịch sự với cà vạt tề chỉnh, mũ mềm hay mũ phớt trên đầu. Nhiều nghệ sĩ ôm cả đàn, cả kèn đi theo, vừa đi vừa say sưa đàn hát. Trong khi đó, các cháu thiếu nhi cũng hùng dũng, tưng bừng tiến bước. Có đội đã sớm kiếm đâu được cả trống "ếch" và kèn đồng. Tất cả vừa đi vừa nổi trống, rúc kèn sôi động. Cũng trong khi ấy, những tiếng hô khẩu hiệu vẫn liếp tục liên liếp vang lên không dứt từ tất cả các khối đoàn thể, nhà trường, xí nghiệp, khu phố, cơ quan. . . "Việt Nam Độc lập tự do muôn năm! ". "Nước Việt Nam là của người Việt Nam!". "Độc lập hay là chết!”. “Hoan hô, ủng hộ Chính phủ do cụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch!". " Việt Nam là một dải thống nhất Bắc - Trung – Nam”.
Cho tới gần 13 giờ, các đoàn người đã tiến vào quảng trường, còn tràn cả ra các đường phố chung quanh. Nắng đã khá chói chang nhưng rừng người với rừng cờ, rừng băng rôn, biểu ngữ và muôn ngàn tiếng hát, tiếng reo và khẩu hiệu vẫn không hề khác hồi sớm xuống đường, nếu không muốn nói lúc này khi tất cả đã tập trung lại, sự náo nhiệt, tưng bừng dường như lại được nhân lên. Các nhân viên ban tổ chức đều ngạc nhiên: Đã công bố trên đài phát thanh "Bạch Mai” (hồi đó đài phát thanh nhỏ bé thô sơ thu được của Pháp hãy còn đặt ở sân bay Bạch Mai) là 14 giờ mới khai mạc, nay tất cả đã tới khá sớm. Vì sao vậy? Nhưng rồi cũng hiểu: Đây chẳng phải chuyện nhầm giờ, cũng chẳng phải là vì hội hè quá hấp dẫn. Tất cả chỉ chứng tỏ một niềm khao khát cháy bỏng: Việt Nam độc lập, chế độ mới, lãnh tụ Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc.
Và tất cả đã hợp thành những khối vuông san sát, tề chỉnh trước lễ đài vừa mới dựng xong giữa quảng trường. Đó là một kỷ lục khó lin: Lễ đài đã được cấp tốc dựng xong chỉ trong có chưa đầy 2 ngày. Lễ đài toàn bằng gỗ, vải đỏ bọc xung quanh, hình vuông cao khoảng hơn 3m, trên là sàn gỗ.Lan can cũng được bọc vải trắng. Một dải vải dài với những bông hồng vàng được kết rất đẹp treo uốn lượn trang trí bốn xung quanh lan can. Mặt chính của lễ đài, trên nền đỏ có đính một ngôi sao vàng rất lớn. Hai bên lễ đài còn có hai giá cao với hai lư hương khá to. Trầm đã được đốt lên, khói xanh uốn lượn bay ngào ngạt. làm cho khung cảnh lễ đài càng thêm tôn nghiêm,đẹp mắt. Đứng bảo vệ chung quanh dưới chân lễ đài là một đội danh dự. Các anh là một đơn vị Giải phóng quân, mặc sơ mi cộc tay và quần soóc màu cỏ úa, chân mang dép da, toàn là những chiến sỹ từ chiến khu mới về. Anh em đã có nhiều công trạng oanh liệt trong các trận Na Ngần, Phai Khắt, Bắc Sơn, Vũ Nhai vừa qua. Ở vòng ngoài đội danh dự còn một đội khác mặc thường phục mang súng ngắn, đó là Đội Thanh niên Hoàng Diệu cốt cán của Đảng.
Trong lúc đó có một toán người cao lớn, da đỏ au đeo máy ảnh đi len lỏi giữa các khối người dự mít tinh. Đó là mấy người Mỹ trong tổ chức OSS (phái bộ tiền trạm của quân Mỹ có nhiệm vụ vào Việt Nam giải cứu tù binh Mỹ do Nhật bắt và chuẩn bị cho công việc giải giáp quân đội Nhật). Nhóm này do viên Thiếu tá Mỹ Archimedes L.A Patti đứng đầu. Patti đã từng được gặp Bác Hồ hồi Bác còn ở Hoa Nam, Trung Quốc. Nay Patti cũng được mời đứng vào nhóm các khách bên lễ đài, nhưng Patti đã xin được đi tự do bên ngoài. Về sau này viết hồi ký “Tại sao Việt Nam”, Patti đã có những nhận xét khá trung thực về nhiều công việc của chúng ta, riêng trong buổi lễ lớn này Patli đã viết rất thực: “… Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như các bầy ong, từng đoàn lớn, nhỏ lũ lượt dần dần kéo tới quảng trường… Ở chỗ này là cả một khối trí thức, ở chỗ lọ là viên chức, hoặc thương gia, kỹ nghệ gia… ở chỗ kia là dân chúng các làng ngoại ô, có cả đoàn là dân tộc miền núi với y phục địa phương của họ, và nông dân thì trong những bộ khăn áo cổ truyền…”, "Trong khi chờ đợi Cụ Hồ và các quan chức tuỳ tùng tới, tôi đã nhìn thấy cả một nhóm cố đạo Thiên chúa giáo mặc áo thầy tu trắng và xanh đen, có cả các chức sắc mang khăn quàng và vải diềm đỏ. Cách họ không xa là các nhà sư Phật giáo khoác áo cà sa màu vàng, rồi đền các chức sắc Cao Đài, mặc áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ... ", “... Mặt trời đã lên cao. Không khí đã có phần oi bức. Nhưng đôi khi cũng có những cơn gió nhẹ làm phấp phới cả biển cờ đỏ trên quảng trường…".
Đồng hồ đã chỉ 13 giờ 14 phút. Bỗng có nhiều tiếng còi từ xa, rồi cả tiếng hô chỉnh đốn hàng ngũ trong tất cả các đoàn trên quảng trường. Một số cán bộ tất bật chạy ra phía con đường từ cột cờ thành cổ đi tới. Nhân dân đều nhìn ra và càng hồi hộp. Nhiều người ở phía ngoài đã nhìn thấy mấy chiếc Citroen màu đen chạy vào quảng trường, hai bên tháp tùng có hai đội vừa là đội danh dự vừa là đội bảo vệ mang toàn súng sáu, đi xe đạp. Họ đạp xe rất thẳng hàng và đều tăm tắp, mặt mũi anh nào cũng hết sức trang nghiêm và cả cực kỳ kiêu hãnh.
Đoàn xe tiến thẳng về phía lễ đài. Rừng người vừa mới rẽ ra lấy lối cho xe vào đã nhanh chóng khép kín lại. Phía ngoài không còn nom thấy gì nữa.
Thế rồi có tiếng hô lớn phát ra từ phía lễ đài: "Bồng súng… Chào!". Tiếp đó là: " Chào cờ… Chào ! " Ngay tức khắc muôn ngàn tiếng xôn xao náo nức đang như biển sóng lập tức im phắc. Và bản Tiến quân ca cất lên hết sức hùng tráng. Tất cả hơn nửa triệu con người lập tức cùng đưa phắt các nắm tay lên ngang tai để chào lá cờ đỏ sao vàng nay đã chính thức trở thành cờ của Tổ quốc. Nhiều tiếng hái cũng bật lên trong biển người theo bài Quốc ca, từ những giọng còn rất trẻ cho tới những giọng đã rè đi vì năm tháng chất đầy, nhưng tất cả đều như có một sức mạnh lay động lạ lùng làm cho bản Quốc ca càng vang động cả một góc trời, những tâm hồn đều như cùng bay lên. Không ít người vừa khóc vừa hát vì quá xúc động. Đáng chú ý là ngay gần đó, ở cả 3 ba phía đều vẫn còn mấy cơ sở của quân đội Nhật và viên chức Pháp (ở Sở Thể dục thể thao, Toà nhà tài chính, Trường Trung học Albert Saraut…) nhưng họ đều im thít không giám có bất cứ dấu hiệu khiêu khích hoặc phá hoại. Tất nhiên cũng đã có lực lượng mật của ta bám sái theo dõi từ trước rất chặt chẽ.
Khi lễ chào cờ vừa kết thúc, từ trên lễ đài bắt đầu vang lên một giọng Quảng Bình rất trang nghiêm trân trọng giới thiệu Cụ Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử của nước nhà. Lập tức biển người xôn xao hẳn lên rồi những tiếng reo như nổ bùng. Cả một rừng cánh tay cùng giơ lên, múa lên trong muôn ngàn tiếng hô vang cuồng nhiệt: "Ủng hộ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh!", "Chủ tịch Hồ Chí Minh vạn tuế”; và tất cả những khối, những đoàn người đứng gần lễ đài đã nom rõ hơn: Trên lễ đài, Cụ Chủ tịch đang tiến đến trước micro. Tất cả đều vô cùng ngạc nhiên: Không phải là một vị oai phong, cao lớn, hùng dũng, hoặc sang trọng nào, mà là một vị chạc năm mươi nhăm tuổi, mảnh mai, vô cùng dản dị với bộ đồ ka ki vàng nhạt bốn túi, cổ cao, đầu trần. Trên gương mặt hơi hao gầy và như còn thoáng xanh màu sốt rét của rừng núi nổi lên một vầng trán rộng mênh mông. Và nhất là đôi mắt - một đôi mắt sáng láng lạ lùng - đôi mắt của một trí tuệ siêu việt và của một trái tim tình cảm bao la đến nỗi đứng dưới nhìn lên nhiều ngườiđã phải thốt lên "Ôi, đôi mắt Cụ như sao!". Và bộ râu mềm mại lơ thơ trên mép, dưới cằm đã tạo thêm cho người một vẻ hiền triết hết sức Việt Nam và Á Đông. Gương mặt ấy, dáng vẻ, phong thái ấy, dù chưa nói câu gì, Cụ đã gần như ngay lập tức chiếm được tất cả cảm tình, niềm tin yêu lớn, thậm chí cả tâm hồn của hàng triệu quần chúng nồng nhiệt đang hướng cả về Người.
Mỉm cười, nụ cười hiền hoà vô cùng bao dung, Cụ Chủ tịch có ý chờ để đồng bào ngưng mọi lời hoan hô. Nhưng cả gần triệu con người vẫn tiếp tục hò reo mãi như không dứt. Patti đã phải viết tiếp trong "Tại sao Việt Nam”: “…Cụ Hồ đang đứng đó, mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm vóc nhưng thực là vĩ đại trong sự hoan hô, ủng hộ cuồng nhiệt của nhân dân Cụ…”.
Và trong các khối đoàn thể, nhân dân dưới lễ đài lại nổi lên những câu hỏi với tất cả niềm vui sướng: "Này, có phải là Cụ Nguyễn Ái Quốc đấy không?", "Trán của Cụ đúng là vầng trán vũ trụ”… "Người nhà trời xuống giúp nước ta đấy, bà con ơi, thật là vạn hạnh, vạn hạnh! Hồ Chí Minh rõ ràng là Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Ái Quốc chính là Hồ Chí Minh! Còn ngờ ngợ gì nữa....".
Nhưng biển người rồi cũng phải im lặng để nghe vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử:
- Hỡi đồng bào cả nước!
Giọng Cụ ấm, và vang sáng lạ lùng. Cả biển người như nuốt lấy từng lời của Cụ.
- … “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ… Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng đã nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được sự tự do và bình đẳng về quyền lợi…Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Bên dưới lễ đài, trong khối trí thức có nhiều tiếng xì xầm đầy xúc động. Ông Bùi Kỷ lúc đó 48 tuổi, một Giáo sư lớn, Nhà nghiên cứu Văn học hàng đầu toàn quốc ghé tai ông Đặng Thai Mai, một nhà trí thức, Giáo sư, Nhà lý luận phê bình Văn học nổi tiếng, nói: "Thật tuyệt, Cụ đã dụng ý mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước mình bằng trích hai câu bất hủ của tuyên ngôn Mỹ và Pháp, cho thấy Cụ Hồ luôn đặt sự nghiệp Cách mạng Việt Nam ta gắn liền với thời đại…". Ông Đặng Thai Mai đồng ý và nói thêm: "Với trích ấy, Cụ Hồ còn muốn nói rõ: Cuộc cách mạng của chúng ta cũng là bước tiếp những gì là vĩ đại và nhân đạo mà thế giới đã làm, đồng thời Cụ cũng tỏ rõ cách mạng của chúng ta cũng là một cột mốc cho sự phát triển lịch sử giải phóng con người…".
Trên lễ đài, vẫn với giọng nói hết sức ấm áp, vang sáng và đầy xúc cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc qua đoạn viết về các tội ác của Pháp rồi Nhật và đọc tới khát vọng độc lập, tự do của dân ta với cuộc Cách mạng Tháng Tám vừa mới thành công. Rồi đột nhiên, ngừng lại, ngước cặp mắt sáng láng tuyệt vời, Bác cất tiếng ân cần hỏi:
- Tôi nói, Đồng bào nghe rõ không?
Lập tức cả biển người như bùng lên reo vang:
Có! Có ạ! Có, có ạ!..
Những vị cao niên râu tóc bạc phơ, những nhà văn hoá lớn, những cán bộ đoàn thể lại hết sức bất ngờ. Chưa bao giờ mọi người được chứng kiến hoặc được đọc trong sách báo này cảnh tượng như thế này trong một đại Quốc lễ. Nay chỉ có ở ta. Phải, chỉ có ở ta. . . Không xúc động, không tự hào sao được! Ai ai cũng hiểu: Dù chỉ là một sự kiện rất nhỏ và hết sức giản đi ấy nhưng cũng đã đủ chứng tỏ quần chúng nhân dân ta đã ngay tức khắc hoàn toàn đón nhận Cụ là lãnh tụ của mình, đổi lại chỉ với câu hỏi hết sức giản đi và dân dã như cha hỏi con, như bác hỏi cháu, như anh hỏi em trong nhà. Cụ cũng đã tỏ rõ mình là người gần gũi và yêu quý nhân dân như thế nào. Không một nghi thức nào ngăn được sự quan tâm cũng như tình cảm của Cụ đối với nhân dân.
Rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tiếp tới phần cuối của bản Tuyên ngôn Độc lập:
- “... Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập! Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Khi Cụ vừa đọc hết cả bản Tuyên ngôn Độc lập, cả biển người như lại nổi sóng với những tiếng hô vang dội, dường như không dứt: "Hồ Chủ tịch muôn năm!". Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muôn năm!"…Và nhiều người lại không thể không thốt lên với nhau: “Áng văn lập quốc vĩ đại này sẽ mãi mãi là hành trang tinh thần của dân tộc Việt Nam ta trên con đường giữ gìn độc lập - tự do và xây dựng phát triển đất nước!". Về sau này nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu trên thế giới còn tôn vinh bản Tuyên ngôn Độc lập do chính Cụ Hồ viết là mốt áng văn chính trị tuyệt vời, đã trở thành một trong những cống hiến nổi liếng của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tiếp theo, ông Trần Huy Liệu (Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời đã vào Huế nhận sự thoái vị của Vua Bảo Đại - ông Vua cuối cùng của nhà Nguyễn), lên đọc lại Bản Chiếu thoái vị của Vua Bảo Đại do chính Vua Bảo Đại trao (đã đọc trước cuộc tập hợp rất lớn dân chúng trước Ngọ môn - Huế ngày 30/8/1945 vừa qua). Đọc xong, ông Trần Huy Liệu hai tay giơ cao cho toàn thể đồng bào trong cuộc đại lễ lịch sử này được tận mắt trông thấy cả ấn, cả kiếm hai báu vật thiêng liêng tượng trưng cho quyền lực quốc vương đã được ông Bảo đại trân trọng trao lại cho đại diện của Chính phủ mới của nhân dân. Những làn sóng hoan hô lại dậy đất: "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muôn năm!", "Hồ Chủ tịch muôn năm!".Sau đó, ông Võ Nguyên Giáp khi ấy là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đọc danh sách Chính phủ lâm thời, rồi các thành viên Chính phủ tuyên thệ.
Đại lễ Độc lập của đất nước đã kết thúc trong muôn vàn tiếng reo vui và hoan hô dậy trời đất. Nhiều người dân xúc động lại trào nước mắt. Nhiều cụ già râu tóc bạc phơ cùng nhắc lại với nhau: Trong lịch sử mấy ngàn năm của đất nước, mỗi triều vua thay đổi nhau, hoặc khi phục quốc sau những năm mất nước, những năm dài bị đô hộ cũng đã có những lễ lớn, thậm chí rất lớn, nhưng thực chất vẫn chỉ là những buổi lễ chuyển giao từ một triều đại phong kiến vua quan này sang một triều đại khác như thế. Bây giờ hoàn toàn khác, một đại lễ "khai sinh", mở đầu cho một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên cộng hoà và dân chủ - kỷ nguyên chính quyền của nhân dân, vì nhân dân. Đây chính là điều vĩ đại nhất của đại lễ mùng 2 tháng 9 năm 1945 mà lịch sử sẽ còn đời đời ghi nhớ.
Khi rời khỏi quảng trường, tất cả mọi người đều thấy rõ hơn khu đất này, quảng trường này từ nay mặc nhiên đã đi vào lịch sử như mảnh đất thiêng. Quảng trường Ba Đình sẽ luôn luôn toả sáng trên cả nước. Bởi đây là nơi Chính phủ lâm thời đã chính thức long trọng tuyên cáo cùng thế giới về nền độc lập của Việt Nam, một Việt Nam hoàn toàn khác xưa - một Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - không những thế, một đất nước, một dân tộc đã đi tiên phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh - người yêu nước, cứu nước vĩ đại đã lần đầu chính thức ra mắt trước toàn thể nhân dân mình, ngay lập tức Người đã được toàn dân đón nhận cực kỳ nồng nhiệt. Bởi vậy ai ai cũng tin rằng quảng trường này sẽ mãi mãi gắn liền với toàn bộ cuộc đời anh hùng cùng sự nghiệp cách mạng lớn lao, bất diệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như mãi mãi gắn liền với sự nghiệp chung của đất nước.
Rời quảng trường, rừng cờ đỏ lại toả đi phấp phới khắp thành phố. Tiếng hô khẩu hiệu và cả tiếng đàn, tiếng hát lại tiếp tục vang lên và lan toả đi các hướng.
Xuống lễ đài, trước khi lên xe, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhẹ nhàng hỏi đồng chí Trường Chinh:
- Tình hình các nơi khác thế nào, chú đã nhận được điện báo gì chưa?
Đồng chí Trường Chinh báo cáo rất nhanh:
- Thưa, mít tinh Huế tốt, đồng bào dự lễ rất đông vui, ủng hộ chính quyền mới nhiệt liệt. An toàn cả. Bọn biệt kích Pháp nhảy dù xuống định liên lạc với lực lượng Nam triều cũ, ta đã bao vây chặt. Thưa Bác, Sài Gòn cũng đông vui lắm. Đồng bào cũng vô cùng hăng hái… Nhưng cuối lễ, núp sau quân Anh vào giải giáp Nhật, bọn Pháp đã cho tay chân gây rối. Có súng nổ. Các đồng chí xứ uỷ đã giải quyết xong. Nhưng tình hình vẫn còn căng.
Bác hỏi tiếp:
- Quân Tưởng Giới Thạch do Đồng minh cho vào ta giải giáp Nhật ở miền Bắc đã tới đâu rồi?
- Thưa, họ đã vượt qua ải Nam quan, đang xuống Chi Lăng. Đáng lo là quân La Hán còn kéo theo cả hàng ngàn, thậm chí hàng vạn dân Tầu đói khát đi theo cùng "Hoa quân nhập Việt" để…vơ vét. Mà dân ta còn đang chưa hết chết đói. Nhưng đáng chú ý hơn, La Hán còn kéo theo một bọn đảng phái bệ rạc của một số người Việt Nam chạy trốn Pháp sang Trung Hoa ẩn náu, kiếm cơm và chỉ ngồi ngoài biên giới nói trạng, chẳng hoạt động chút nào cho đất nước. Nay bọn ấy đang hí hởn định núp lưỡi lê La Hán trở về, chắc chắn là muốn sẽ tranh giành với ta vai trò lãnh đạo và quyền lực trong Chính phủ…
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất bình tĩnh:
Thôi được, ta hãy về. Sẽ họp Trung ương ngay ngày mai, bàn chống giặc đói, chống giặc dốt, nhưng đồng thời cũng sẽ phải tính tới mọi hiểm họa đang tới trước mặt.
(Còn nữa)