Chỉ mục bài viết

 

PHẦN II: QUÂN DÂN MỘT LÒNG XÂY DỰNG LĂNG BÁC

Đã sang tháng 1 năm 1970

Nhưng vẫn còn là tháng Chạp mùa đông của năm Kỷ Dậu. Vẫn rét, tuy vậy không còn rét buốt nữa, mà bây giờ là cái rét diêu diêu đầy gợi cảm của Hà Nội. Thành phố đã thấp thoáng có chút màu sắc và không khí tết Canh Tuất. Nhưng dẫu sao nỗi buồn Bác mất hồi tháng 9 năm 1969 mới đây vẫn chưa nguôi trong lòng người Thủ đô và cả nước. Thật vậy dường như chưa một ai quên những ngày đau buồn ấy…

Sáng nay, đồng chí Nguyễn Ngọc Chân, Viện trưởng Viện Thiết kế dân dụng Bộ Kiến trúc đạp xe tới cơ quan Bộ. Ông vừa đạp xe vừa nhớ lại Lễ Quốc tang Bác Hồ đã hoàn tất với tất cả sự trang trọng và tình sâu nghĩa nặng của toàn dân. Nay mọi công việc đã chuyển sang những nội dung cũng rất to lớn khác là: Một mặt tiếp tục lưu giữ thi hài Bác thật tốt, mặt khác phải tích cực triển khai mọi mặt công tác chuẩn bị để có thể sớm xây Lăng Bác, ngôi nhà vĩnh hằng của Người, sao cho khang trang to đẹp, đáp ứng được lòng mong muốn của toàn Đảng, toàn dân…

Việc tiếp tục bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác vẫn do bên quân đội đảm trách theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Công binh chọn lựa một số cán bộ, chiến sỹ triển khai khảo sát, thiết kế, thi công cải tạo xây dựng lại một phần công trình K5 - một căn cứ địa của Trung ương thuộc vùng rừng núi Ba Vì để di chuyển thi hài Bác lên đó cho tới khi xây dựng xong Lăng. Việc xây dựng Lăng, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kiến trúc và bây giờ nhiệm vụ này được đặt lên hàng đầu, hết sức to lớn và khẩn trương không phải chỉ riêng với Bộ Kến trúc mà là cả nước… Thật vậy, gần như song song với nhau, trong khi Bộ đội Công binh khẩn trương cải tạo, xây dựng công trình K5 trên Ba Vì, thì ở Hà Nội, Bộ Kiến trúc cũng bắt đầu tích cực tiến hành mọi việc chuẩn bị cho xây dựng Lăng. Trong nhiệm vụ hết sức to lớn, việc then chốt, quan trọng số một là tổ chức nghiên cứu, thiết kế mô hình Lăng, lập ra nhiệm vụ thiết kế và khởi thảo được bản thiết kế cho tốt nhất. Ông Nguyễn Ngọc Chân là Viện trưởng Viện Thiết kế nên đã được Bộ giao nhiệm vụ chủ trì việc này. Ông cùng kiến trúc sư Phó Viện trưởng Viện Thiết kế Vương Quốc Mỹ đã xin được gặp đồng chí Trường Chinh để lĩnh ý kiến chỉ đạo, rồi sau đó hai ông Nguyễn Ngọc Chân và Vương Quốc Mỹ đã cùng một số kiến trúc sư và cán bộ trong Viện khởi thảo được Bản Nhiệm vụ thiết kế xây dựng Lăng Bác, giao cho đồng chí Khôi Nguyên viết và vẽ lại hoàn chỉnh.

Hôm nay, ông Chân lên Bộ báo cáo công việc đã chuẩn bị để sẽ làm việc với Đoàn chuyên gia xây dựng của Liên Xô sắp sang Việt Nam trong thời gian tới. Bộ trưởng Kiến trúc Bùi Quang Tạo đã chờ sẵn ở phòng làm việc. Khi nghe ông Chân trình bày mọi ý chuẩn bị cho cuộc làm việc với Đoàn Liên Xô, ông tỏ vẻ hài lòng và không hỏi thêm gì nhiều, chỉ nhắc lại mấy ý lớn - cũng là những nguyên tắc mà Bộ Chính trị đã chỉ ra là làm việc với Bạn rất cần phải nhắc tới để Bạn nắm được ý định của ta. Đó là:

1. Lăng phải bảo đảm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyên vẹn và lâu dài, chống được các biến động có hại của khí hậu, thời tiết, và phải an toàn, phòng chiến tranh, địch phá.

2. Cần thể hiện được tính hiện đại mà vẫn mang đậm màu sắc dân tộc. Trang nghiêm, nhưng giản dị.

3. Cần chú ý bảo đảm được sự thuận tiện cho nhân dân và khách nước ngoài đến viếng đông và liên tục. Bảo đảm sự kiên cố, bền vững của công trình.

4. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phải xây dựng ở Khu Ba Đình lịch sử.

Trước khi ông Chân ra về, Bộ trưởng còn vui vẻ nhắc lại mấy điều mà ông tâm đắc về mô hình Lăng Bác trong bản thiết kế do ông Chân và một số kiến trúc sư của Viện Thiết kế dân dụng phác thảo. Trước hết khối Lăng mang hình dáng cách điệu của một đài sen. Sen là loài hoa ở Việt Nam được coi là tinh khiết và cao quý. Sen còn đồng âm, đồng nghĩa với quê hương Bác: Làng Sen (Kim Liên). Kết cấu Lăng đã chú ý tính dân tộc, trước hết là không để Bác ở sâu dưới mặt đất, thi hài Bác phải được đặt ở khối chính của Lăng và trên cao. Lễ đài cho các vị lãnh đạo đứng chủ trì các cuộc mít tinh và duyệt binh đặt ở phía trước Lăng nhưng phải thấp hơn nơi Bác nằm để giữ được phong cách truyền thống của dân tộc làtôn kính vĩ nhân, tôn kính tổ tiên. Một điểm nữa: Dù đẹp nhưng Lăng vẫn giữ được vẻ giản dị đúng theo phong cách rất giản dị của Bác, không hoa văn rườm rà, hầu hết chỉ là mặt phẳng, kể cả các cột nhưng vẫn rất trang nghiêm và cũng mang cả dáng dấp hiện đại mà không hề khô cứng. Ông Chân thay mặt anh em cảm ơn những nhận xét của đồng chí Bộ trưởng rồi chào ra vê.

Bốn ngày sau, ngày 9 tháng 1 năm 1970, Đoàn chuyên gia Liên Xô đầu tiên về xây dựng Lăng Bác đã tới Hà Nội. Ông Chân thay mặt lãnh đạo Bộ Kiến trúc ra đón Bạn từ sân bay. Đoàn sang 7 người: Viện sĩ Ka-diu-sốp, một Trung tướng đã đứng tuổi, đại diện Ủy ban Liên lạc kinh tế với nước ngoài thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô làm trưởng đoàn, các thành viên khác thuộc Viện nghiên cứu thiết kế, Cục Tổ chức xây dựng Mát-xcơ-va, Viện Kỹ thuật vệ sinh, Viện Kỹ thuật chế tạo máy lạnh.

Sáng hôm sau, buổi làm việc của hai đoàn được tiến hành, rất trang trọng, nhưng cũng rất thân mật. Đoàn Việt Nam gồm trưởng đoàn là Viện trưởng Viện Thiết kế dân dụng Nguyễn Ngọc Chân cùng 7 cán bộ là người của Bộ Kiến trúc, ngoài ra còn có 4 cán bộ của Bộ Tư lệnh Công binh. Tất cả các thành viên đều là các kỹ sư, kiến trúc sư, là những chuyên gia giỏi trong ngành kiến trúc, xây dựng ở Việt Nam.

Mở đầu cuộc họp, phía Việt Nam thông cáo để Bạn biết quyết định của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam về xây dựng Lăng Bác Hồ tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội với những yêu cầu mà Bộ trưởng Bộ Kiến trúc Bùi Quang Tạo đã nhắc lại cách đây mấy ngày. Về phía Liên Xô, trước hết Bạn bày tỏ lòng tiếc thương và vô cùng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ anh minh của nhân dân Việt Nam, nhà lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc nổi tiếng trên thế giới, người bạn lớn của Liên Xô. Tiếp đó đồng chí Ka-diu-sốp cũng thông báo quyết định của Chính phủ Liên Xô giúp đỡ Việt Nam về kỹ thuật trong việc thiết kế, xây dựng, và cung cấp các trang thiết bị kỹ thuật cho Lăng Bác. Sau đó hai bên thoả thuận lấy bản " thảo nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh " do phía Việt Nam đã chuẩn bị để cùng thảo luận.

Các chuyên gia Liên Xô là nững người có kiến thức sâu rộng, giàu kinh nghiệm, luôn luôn dành cho ta tình cảm hữu nghị và trách nhiệm cao. Các Bạn đã xem rất kỹ các bản phác thảo mô hình Lăng, đọc rất kỹ từng vấn đề (đã được dịch sang tiếng Nga) trong bản dự thảo thiết kế do ta soạn thảo. Sauđó các Bạn Liên Xô đã chân thành giới thiệu những kinh nghiệm và thực tiễn của Liên Xô trong xây dựng và tôn tạo Lăng Lê-nin. Hai bên cùng tập trung thảo luận góp ý vào bản dự thảo của ta.

Buổi làm việc đầu tiên đạt kết quả tốt. Một trong những nội dung ddwwocj dành nhiều thời gian thảo luận là xác định lại tính chất của Lăng. Riêng hai từ “Vĩnh viễn” hay “lâu dài” cũng đã thảo luận đi thảo luận lại rất sôi nổi. Những buổi làm việc tiếp theo hai bên tập trung thảo luận về mô hình Lăng và Bản “Thiết kế sơ bộ nhiệm vụ xây dựng Lăng Bác" do ta soạn thảo. Nhiều ý kiến trao đổi rất thẳng thắn như Lăng có nên xây thành ba phần không? Phần dưới có nên phỏng theo kiến trúc truyền thống cổ truyền của Việt Nam là xây theo phong cách bậc tam cấp không? Tầng trên, tầng chính, nơi đặt thi hài Bác, xung quanh có nên xây cột tạo ra các khoảng cách mang hình tượng nhà 5 gian, hay chỉ 3 gian không?... Ngoài ra những kiến trúc khác xung quanh Lăng sẽ là những kiến trúc nào để cùng tạo nên một quần thể mà Lăng là chủ thể?... Cứ như thế, sau một tuần làm việc, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã sửa chữa, bổ sung, rồi cùng thống nhất trong một bản "Dự thảo nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” đầy đủ, chặt chẽ hơn trước, đáp ứng được các yêu cầu mà Bộ Chính trị đề ra: Lăng và Quảng trường, Khu lưu niệm trong Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ xây dựng sau này và các công trình phụ cận, tất cả tạo nên một quần thể kiến trúc lịch sử, văn hóa thống nhất, trong đó Lăng là chủ thể.

Phía Bạn rất hoan nghênh và sẽ bổ sung thêm vào bản Nhiệm vụ thiết kế  một số thay đổi kỹ thuật cần thiết. Về phía Việt Nam hứa sẽ tìm thêm những số liệu gốc phục vụ cho việc thiết kế và sẽ gửi sang cho Bạn chậm nhất là sau hai tuần Bạn rời Hà Nội. Việt Nam cũng sẽ cử một số kiến trúc sư và kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật giỏi sang Liên Xô tham gia thiết kế kỹ thuật. Việt Nam cũng nhận về phần mình việc giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng thi công, đồng thời cung cấp năng lượng, điện, nước, máy móc thi công, phương tiện vận chuyển, cung cấp những vật tư mà trong nước có thể khai thác được.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thân mật tiếp Trung tướng - Viện sĩ Ka-diu-sốp cùng các thành viên trong đoàn trước khi về nước. Thủ tướng nhấn mạnh: Kết quả làm việc của Doàn là bước mở đầu xây dựng Lăng Bác Hồ. Trong quá trình làm việc cán bộ hai bên đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết gắn bó, tình cảm anh em, đồng chí rất cao quý.

Khi Bạn về nước rồi, kiến trúc sư, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của ta đã làm việc chi tiết thêm về bản dự thảo này. Chỉ sau hơn một tháng, ta đã hoàn chỉnh bản “Nhiệm vụ thiết kế sơ bộ Lăng Bác”.

Sang tháng 5 (1970), một đoàn chuyên gia Liên Xô lại sang ta. Đoàn trưởng là kiến trúc sư danh tiếng Mét-vê-đép - Viện trưởng Viện thiết kế các công trình đặc biệt của Liên Xô cùng kiến trúc sư Ga-rôn I. Sa-cô-vích trẻ hơn nhưng cũng rất nổi tiếng (sau này, khi khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, để ghi nhận công lao, đóng góp, Đảng, Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho hai đồng chí này). Kiến trúc sư Ga-rôn chuyển cho đoàn ta 5 bản phác thảo mặt đứng và một bản phác thảo mặt phẳng của Lăng do các kiến trúc sư Liên Xô nhiệt tâm đã tự nguyện thiết kế để cùng trao đổi, thảo luận. Đoàn Việt Nam rất cảm ơn tấm lòng của các Bạn Liên Xô, nhận sẽ nghiên cứu ngay.

Về Bộ Kiến trúc, anh em ta cùng xem kỹ lại các bản sơ thảo của Bạn. Mọi người đều thấy khá hay, tuy nhiên tính dân tộc và những đặc sắc Việt Nam không được đậm nét cho lắm. Cũng dễ hiểu, bởi tác giả của những bản phác thảo này dù đều là những kiến trúc sư đầu ngành nhưng chưa một lần tới Việt Nam, chưa nghiên cứu được nhiều về văn hoá Việt Nam… Tranh thủ thêm ý kiến các kiến trúc sư đầu ngành của ta như Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Cao Luyện, Ngô Huy Quỳnh… các ông này cũng thống nhất nhận xét là các bản phác thảo của Bạn thể hiện tính dân tộc chưa rõ. Mọi người cùng nhất trí đề nghị hai bên lấy bản phác thảo thiết kế sơ bộ của Việt Nam làm cơ sở thảo luận và kiên trì bảo vệ mấy đặc điểm dân tộc của ta: Tầng dưới xây theo kiểu bậc tam cấp, tầng trên có hiên và có các hàng cột…

Hôm sau vào họp. Sau một hồi bàn thảo, hai bên nhất trí lấy bản Thiết kế sơ bộ công trình Lăng Bác đã khởi thảo tại Liên Xô làm cơ sở để cùng thảo luận, tập trung về mặt khoa học và kỹ thuật. Những ý kiến của Bạn đã được ghi nhận là: Cần chú trọng hơn nữa tới các giải pháp về môi trường, khí hậu nhiệt đới, do đó một số phòng cần nới rộng thêm diện tích, các hệ thống thiết bị phải có dự trữ thay thế 100% để bảo đảm trong bất cứ tình huống nào, công trình vẫn phải hoạt động được bình thường. Ta hoàn toàn nhất trí.

Sau khi đoàn Liên Xô về nước, với tinh thần hết sức cẩn trọng, khẩn trương, ta lại mở một cuộc hội thảo từ 15 đến 28 tháng 5 ở Hà Nội và lại mời một đoàn chuyên gia Liên Xô sang cùng tham gia. Đoàn sang lần này do Viện sĩ Xa-mô-din - đại diện Ban Kinh tế đối ngoại Liên Xô làm trưởng đoàn. Thành viên của đoàn có kiến trúc sư, Viện sĩ Ga-rôn, đã sang ta lần trước, một kỹ sư điện, đồng chí Ma-xô-bô-vi-lôp - đại diện ban Văn hóa đối ngoại, Trưởng phòng Vật tư Ki-rin-kô, Trung tá X­cô-lôp. Phía Việt Nam do Bộ trưởng Bùi Quang Tạo trực tiếp làm trưởng đoàn, các thành viên gồm có kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân, Viện trưởng; kiến trúc sư Vương Quốc Mỹ, Viện phó; phía quân đội có Đại tá Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng; đồng chí Trần Kinh Chi, Cục trưởng Bảo vệ; đồng chí Trần Bá Đặng, Phó Tư lệnh Công binh, đồng chí Lương Soạn, Trưởng phòng Công trình Bộ Tư lệnh Công binh và đồng chí Nguyễn Trọng Quyển, Trưởng ban Thiết kế thuộc Phòng Công trình Bộ Tư lệnh Công binh… Cuộc hội thảo chia ra hai nhóm làm việc: Nhóm kiến trúc có kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân, kiến trúc sư Vương Quốc Mỹ và kiến trúc sư Ga-rôn I. Sa-cô-vích.. Nhóm mặt bằng trong Lăng có các đồng chí: Trần Bá Đặng, Lương Soạn và Nguyễn Trọng Quyển. Như đã thành truyền thống, Hội nghị trao đổi rất cởi mở, chân thành và cũng rất sôi nổi, đã kéo dài ngót nửa tháng. Cuối cùng hai bên đã thống nhất ghi vào biên bản xác nhận Bản thiết kế sơ bộ công trình Lăng Bác làm trước giữa hai bên mang số hiệu 75808 cơ bản đã thể hiện trình độ chuyên môn cao, có chất lượng tốt. Hội thảo liên tịch lần này chỉ bổ sung một số điều và sửa lại đôi chỗ.

Sau cuộc hội thảo, ta đã báo cáo lên trên đầy đủ nội dung thảo luận và kết luận của hội thảo, cũng báo cáo cả ý kiến khác nhau để trên tham khảo. Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh lắng nghe các ý kiến. Tuy nhiên, không quá vội vã, chưa muốn có quyết định cuối cùng, cần lấy thêm nhiều ý kiến của đông đảo nhân dân, đồng chí Trường Chinh thay mặt Bộ Chính trị đã chỉ thị mở một cuộc vận động sáng tác các mẫu thiết kế Lăng Bác và đem triển lãm các mẫu được chọn swo bộ ấy để lấy ý kiến của đông đảo nhân dân…

Thế là cuộc vận động sáng tác mô hình thiết kế Lăng Bác đã nhanh chóng được hưởng ứng rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, trong nước và cả kiều bào nước ngoài, lưu học sinh và cán bộ, nhân viên Việt Nam đang công tác ở nước ngoài. Sau hai tháng, Ban Tổ chức cuộc vận động đã nhận được hơn 200 phương án thiết kế khác nhau của 16 đơn vị, ngành và nhiều cá nhân gửi tới. Ban Tổ chức lập Hội đồng sơ tuyển, chọn ra được 24 phương án có nhiều ưu điểm nhất để triển lãm lấy thêm ý kiến nhân dân. Ban Tổ chức dã chọn năm địa điểm triển lãm là: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La và Kim Liên - Nghệ An quê Bác.

Triển lãm ở Hà Nội mở tại Phòng Thông tin Tràng Tiền, khai mạc ngày 2 tháng 9 năm 1970, bế mạc ngày 30 tháng 10. Ngày bế mạc vẫn còn rất đông người tới xem và đề nghị kéo dài hơn nữa. Số lượt người xem đếm được là 462.499 lượt người với đủ nghề nghiệp, đơn vị công tác, tuổi tác và dân tộc khác nhau.

Ở Nghệ An quê Bác, triển lãm mở cửa từ ngày 3 tháng 9 năm 1970 đến ngày 30 tháng 9 năm 1970. Đã có 23.766 lượt người tới xem và 1.526 người tham gia ý kiến. Riêng ở làng Sen quê Bác triển lãm diễn ra hết sức nhộn nhịp. Người ở khắp vùng kéo về. Có những cụ già tóc bạc phơ, có những cụ già trước kia từng tham gia "Xích vệ đỏ" cũng chống gậy tới xem triển lãm. Có người vừa xem vừa khóc nhớ Bác. Những đơn vị bộ đội trên đường hành quân vào Nam chiến đấu cũng dừng lại vào xem triển lãm, dâng hương và hứa với Bác vào Nam sẽ kiên quyết đánh thắng quân thù xâm lược, và cũng không quên góp một số ý vào các đồ án xây dựng để rồi tiếp tục cuộc hành quân.

Tại Thái Nguyên, triển lãm mở cửa chậm hơn một chút (từ 1 - 10 đến 05 - 11 - 1970) nhưng cũng đã có 66.084 lượt đồng bào các dân tộc về thăm phòng trưng bày mô hình Lăng Bác, có 2.846 ý kiến tham gia đóng góp.

Phòng triển lãm tại Sơn La mở từ ngày 1 tháng 10 năm 1970 đến ngày 1 tháng 11 năm 1970 với hơn 26.623 lượt đồng bào tới xem, gồm đủ các thành phần thuộc các dân tộc, đã đóng góp nwhngx ý kiến hết sức mộc mạc, chân thành và vô cùng xúc động. Có nhiều người đến trông thấy ảnh Bác đã ôm mặt khóc. Bà con dân tộc thì xúc động nói: "Các đồng chí xây Lăng Bác cho đẹp, cho to. Bà con dân tộc sẽ về viếng Bác cho thoả lòng mong ước…”.

Cuộc triển lãm ở Hải Phòng mở muộn hơn, từ ngày 02 tháng 10 năm 1970 đến hết ngày 08 tháng 11 cùng năm. Trong 32 ngày triển lãm mở cửa đã có tới 164.565 lượt đồng bào tới xem với 6.035 ý kiến đóng góp vào các bản đồ án.

Cuộc tuyển chọn và trưng bày các đồ án xây dựng Lăng Bác đã thu được kết quả rất tốt đẹp. Tổng cộng có 745.487 lượt người tới xem và 34.022 người tham gia góp ý. Trong số 24 phương án được đưa ra triển lãm, có 5 phương án được người xem tán thành và tập trung ý kiến góp ý nhiều nhất đó  là phương án của Viện Thiết kế dân dụng (Bộ Kiến trúc) mang số 1, phương án mang số 10 của Viện Thiết kế quy hoạch thành thị, nông thôn (cũng của Bộ Kiến trúc), phương án mang số 13 của đồng tác giả: Một số cán bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ Cơ khí luyện kim và Trường Đại học Xây dựng, hai phương án số 15 và 16 là của quân đội (thuộc Bộ Tư lệnh Công binh).

Phương án số 1 của Viện Thiết kế dân dụng (Bộ Kiến trúc - do ông Nguyễn Ngọc Chân và ông Vương Quốc Mỹ chủ trì) có nét đặc sắc (tầng dưới là bệ tam cấp, trông rất tôn nghiêm mà cũng rất thân thuộc với phong cách kiến trúc Việt Nam. Thân Lăng là tầng trên, tầng chính, có các cột xung quanh tạo hình ngôi nhà 5 gian rất quen thuộc ở làng quê Việt Nam. Trên nóc Lăng vẫn được nhắc lại tam cấp một lần nữa với các góc vát gợi lên hình ảnh những góc đao của mái đình, mái chùa ở quê ta.

Phương án số 10 do kiến trúc sư Hoành Như Tiếp chủ trì, có tư tưởng khác: Riêng Lăng đã là cả một quần thể kiến trúc, nên giữ lại lễ đài cũ vốn có từ lâu, dùng 3 cổng của lễ đài này làm cổng Lăng. Khách đi viếng Bác qua vòm cổng, sẽ qua một khu vườn rộng cây xanh, với hồ nước và cây cảnh…rồi mới tới nơi Bác nghỉ trên một gò đất đắp cao. Lăng Bác xây trên gò đất cao ấy. Phương án này có nhiều nét rất thanh cao, phong nhã Việt Nam và Á Đông.

Phương án số 13 (của một số tác giả độc lập cùng cộng tác) lấy cảm hứng từ câu “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”… và làng Sen cũng là quê Bác.. Mô hình Lăng sẽ là một bông sen được cách điệu và được xây ở giữa hồ sen.

Phương án số 15 của Công binh cũng là một quần thể kiến trúc có khối chính là Lăng Bác, xung quanh là vườn cây. Khối chính Lăng có hình dáng một ngôi nhà 3 gian Việt Nam, có bậc tam cấp đi lên, đặc biệt phía sau Lăng có một đường thoải dốc cho xe lăn của thương binh lên được tới chỗ đặt thi hài Bác.

Phương án số 16 của (tập thể cán bộ thiết kế Tổng cục Hậu cần quân đội) là một phương án cũng độc đáo: Ở khu vực Ba Đình đắp một quả đồi (khoảng một triệu mét khối đất), xây Lăng trên quả đồi này. Trên đỉnh Lăng có thể thiết kế giống một lầu thơ. Xung quanh Lăng và quả đồi là hồ nước và cây cối. Nhiều người xem nói rằng: Đền Hùng cũng xây theo kiến trúc này. Lâu thơ còn gợi khung cảnh Bác ngồi đó làm việc và làm thơ. "… Trăng nhòm cửa sổ đòi thơ…”. Nhưng cũng nhiều người không đồng tình cho rằng lầu thơ giống Khuê Văn Các ở Văn Miếu. Đắp một quả đồi giữa lòng Hà Nội sẽ rất khó để thực hiện và cao quá, các cụ già và trẻ em lên sẽ vất vả, thêm nữa vì xúc động sẽ có nhiều người ngã giữa lưng đồi, không lên nổi hoặc xuống được, mà phải khiêng cáng thì không hay…

Ngoài những phương án cụ thể đã trưng bày, nhân dân đã góp 6.627 ý kiến nói chung về việc xây Lăng Bác, không ít người cho rằng nên kéo dài thêm thời gian cho các nhà chuyên môn và nhân dân các nơi đóng góp thêm ý kiến. Có ý kiến nhấn mạnh: Lăng dứt khoát phải quay về hướng Nam cho phù hợp với phong tục làm nhà của dân ta và cũng phù hợp với tấm lòng Bác luôn hướng về miền Nam thành đồng Tổ quốc…

Đồng bào ở các tỉnh xa không được xem triển lãm và Việt kiều ở nước ngoài không về được cũng nhiệt tâm gửi nhiều thư về tham gia ý kiến.

Đồng chí Nguyễn Trọng Hợp - bộ đội hòm thư 47 - 170 - OR cũng có thư đề nghị xây núi Bác Hồ chứ không phải Lăng. Theo ý đồng chí nên đục hẳn một quả núi thành một pho tượng Bác. Đấy sẽ là một công trình điêu khắc độc đáo, xung quanh là hồ và các công trình nghệ thuật khác…

Ông Kim Cúc, cán bộ hưu trí tại xóm 1 thị trấn Lào Cai dù đang lâm bệnh hiểm nghèo cũng viết thư về rất cảm động cũng gợi ý Lăng Bác nên hướng về phương Nam. Nơi Bác nằm nên lát gạch mầu, ghép hình năm châu bốn biển, vì thủa thanh niên Bác đã đi năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước. Trước cửa Lăng nên trăng hoa bất tử để nói lên sự nghiệp của Bác sống mãi với nhân dân, Tổ quốc ta…

Ông Trần Nhất Thống, cán bộ Tổng cục Thuỷ văn nghỉ hưu đã viết: Đề nghị nên phỏng theo hình ảnh hang Pắc Bó với suối Lê-nin, núi Các Mác để xây Lăng Bác, cụm tượng Bác với đồng bào, quân đội và các cháu thiếu nhi…theo ý tưởng của Bác: “Đoàn kết - Chiến đấu - Sản xuất - Học tập…”.

Bà Phùng Thị Cúc, nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng thế giới là Việt Kiều ở Pháp cũng gửi thư và ảnh mô hình Lăng Bác. Theo mô hình này, trùm lên hết là một thanh gươm không lưỡi. Bên trái là một em bé ôm lấy một quan tài, bên phải là em bé khác nũng nịu cụng đầu vào đó. Theo bà: Mô hình này toát lên ý tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu hoà bình và yêu trẻ thơ.

Anh Đặng Đậu, sinh viên khoa kiến trúc tại Bun-ga-ri viết thư về mô tả Lăng Đi-mi-trôp để ở nhà tham khảo…

Các bạn quốc tế cũng hết sức quan tâm đến cuộc triển lãm các mô hình Lăng Bác. Giám đốc cơ quan đại diện Thông tấn xã Nô-vô-sti (Liên Xô) tại Hà Nội viết thư xin gặp người phụ trách triển lãm Lăng để đưa tin rộng khắp về cuộc trưng cầu dân ý này, và ông cũng có một số sáng kiến xin đóng góp.

Như vậy, cuộc triển lãm mô hình Lăng Bác đã thành công như ý muốn, chủ trương vận động nhân dân tham gia thiết kế là hết sức đúng đắn, Tổng kết lại, qua những ý kiến nhận được, đa số đã chọn Phương án số 1, số 10 và số 15.

Bộ Chính trị đã được báo cáo đầy đủ về kết quả của đợt triển lãm và đánh giá công việc đã thành công rất tốt đẹp, chứng tỏ nhân dân ta vô cùng yêu quý Bác. Và cũng  thêm một lần nữa, cuộc trưng cầu ý dân cũng như các triển lãm, đã minh chứng mạnh mẽ sự ủng hộ nhiệt thành và to lớn của nhân dân ta với chủ trương của Đảng lưu giữ lâu dài thi hài và xây dựng Lăng Bác. Nếu có thời gian, cuộc trưng cầu ý dân có thể sẽ được kéo dài hơn nữa để có thêm thật nhiều ý kiến tâm huyết với công trình lịch sử này. Tuy nhiên mong muốn của toàn dân sớm có Lăng để lưu giữ thi hài Bác được thật an toàn và nhân dân sớm được vào Lăng viếng Bác là đòi hỏi vô cùng chính đáng, vì thế những cuộc triển lãm, xin ý kiến nhân dân không thể kéo dài thêm.

Bài viết khác: