Chỉ mục bài viết

 

Và ngày 2 tháng 9 năm 1969 đã tới. Sáng hôm ấy, như có linh cảm nào đó khác hẳn mọi hôm, trừ những người đi công tác xa, các đồng chí trong Bộ Chính trị đều tới thăm Bác khá sớm, dù trời mưa từ đêm, lác đác vẫn chưa tạnh. Các đồng chí phục vụ ở nhà H67 đã căng sẵn bạt trước nhà và bày  nhiều ghế, có lẽ cũng có những dự cảm nào đó, biết hôm nay người tới sẽ đông.

Mưa vẫn lất phất bay. Bầu trời đầy mây xám, ủ dột, buồn bã như lòng người. Đúng là khá đông, đông hơn tất cả mọi hôm. Nhưng không một tiếng nói to, càng không một nụ cười. Tất cả đều chỉ xì xầm nho nhỏ. Trong phòng Bác nằm, các bác sĩ và y tá, y công trực vẫn sẵn sàng ngồi đó, rất im lặng, nhưng cũng không dấu được vẻ ưu tư. Ông Vũ Kỳ trên tay vẫn luôn luôn có chiếc quạt lá, ngồi bên giường thi thoảng ông lại nhè nhẹ phẩy cho Người… Người vẫn nằm đó trên chiếc giường nhỏ đơn sơ với chiếc chăn mỏng đắp kín từ trên cổ xuống, hai mắt lim dim như đang phiêu du vào một cõi tư duy sâu xa nào đó, hoặc một trời kỷ niệm xưa đang như những ảo ảnh đứt nối quay về…

Thế rồi đột nhiên, Bác lại đưa tay ôm lấy ngực và trằn mình nghiêng sang một bên.Các bác sĩ như bật tung cả lên. Tất cả lại vội nhào vào việc. Máy điện tim lại mở gấp. Bác đã bắt đầu cơn đau dữ dội. Bác sĩ Nhữ Thế Bảo vội ôm lấy Bác vuốt ngực cho Bác liên hồi và nhìn trên màn hình. Ông và tất cả đều bàng hoàng. Những tín hiệu chỉ còn thoi thóp và toàn chạy ngang với những đường sáng nhấp nhô cực kỳ yếu ớt… Hơn ai hết, tất cả các bác sĩ biết là tình thế đã biến chuyển thế nào rồi. Các bác sỹ của Viện 108 được lệnh lập tức lập tức tiến hành ngay các động tác xoa, day lồng ngực cho Bác. Còn ông Bảo vồ lấy chiếc điện thoại nghẹn ngào gọi gấp về 75A: "Chuẩn bị!... Tình hình đã hết sức ngặt nghèo".

Khi buông ống nói, ông quay lại nhìn lên máy. Các tín hiệu vừa lúc vụt tắt. Đồng hồ chỉ 9 giờ 47 phút…

Người đầu tiên bật lên như mê sảng: "Trời ơi!”, đó là ông Vũ Kỳ. Chiếc quạt trên tay ông rơi tuột xuống sàn. Rồi ông oà khóc, khóc rũ r­ợi. Nhiều tiếng khóc khác cũng bật lên. Các đồng chí lãnh đạo hết sức bàng hoàng cùng ào tới vây quanh giường Bác. Không ai cầm được nước mắt nữa. Thảm thiết nhất là đồng chí Phạm Văn Đồng vừa khóc nấc, ông vừa vươn cả đôi tay run rẩy ra như muốn ôm, muốn níu kéo Bác ở lại với đồng bào, đồng chí, với nhân dân, với chiến sĩ… Đồng chí Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự có phần cứng rắn hơn, nhưng cổ họng cũng như đã nghẹn thắt và nước mắt trào ra như mưa tuôn. Lúc đó, các bác sĩ chuyên gia Trung Quốc cùng nhau xếp hàng ngang trước giường Bác chắp tay kính cẩn lễ Bác, đoạn cúi đầu buồn bã bước ra khỏi phòng, nhường chỗ cho tất cả các đồng chí lãnh đạo và cán bộ của ta vào.

Mỗi lúc một thêm đông. Những tiếng khóc càng không kìm nén được và những giọt nước mắt cũng càng chảy dài trên tất cả những gương mặt trẻ, già - cả những gương mặt chưa một lần trong đời phải đổi sắc, dù trong bom đạn ngất trời, dù trong ngục tù khủng khiếp. Tất cả những gương mặt ấy tựa như nhoà cả đi, thậm chí tan nát trong niềm đau thương tột cùng và nỗi tiếc thương vô hạn.

Lúc đó ở cơ sở 75A, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài, Kinh Chi… cùng Tổ Y tế đặc biệt của bác sĩ Gia Quyền cũng đã nhận được chỉ thị  ngay từ đêm sẵn sàng đợi lệnh. Đúng 9 giờ 47 phút sáng, đồng chí Phùng Thế Tài là người đầu tiên nhận được tin "sét đánh",chưa kịp ném ống nghe, dù là một vị tướng vô cùng gan góc, ông đã khóc oà. Nhưng rồi kịp nén mình lại, ông ra lệnh: "Tất cả về vị trí!". Thế là mọi cán bộ, chiến sĩ có mặt đều đứng phắt cả lên, mặt còn đầy nước mắt nhưng tất cả đều hết sức nghiêm chỉnh cùng đáp: "Sẵn sàng!". Trong những tiếng đáp ấy vẫn nghe vẫn đầy nước mắt và cả sự run rẩy bàng hoàng. Kíp chuyên gia Liên Xô gồm năm người: Viện sĩ Trưởng đoàn X.X Đê-lốp, Viện sĩ I.M Lô-pu-khin, Giáo sư I.N Mi-khai-lốp, Giáp sư B.I Khơ-mu-tốp cùng Bác sỹ G.N Sa-tơ-rốp  đều trực ở đây từ mờ sáng, lúc này cũng đứng cả dậy, xúc động rớm lệ…

Tổ Y tế tiến vào gần hơn nữa, đồng chí Phạm Văn Đồng khẽ yêu cầu mọi người dãn ra cho anh em chuyên môn thực hiện nhiệm vụ. Khi bước tới giường, sát với Bác không phải riêng bác sỹ Châu mà cả Tổ Y tế đều không kìm được mình, cùng bật khóc oà. Nhưng rồi khi bác sĩ Quyền giơ tay ra hiệu bắt đầu nâng Bác lên, mọi người trong Tổ cùng gạt vội nước mắt… Và thế là cả 3 bác sỹ Quyền, Châu và Hát cùng cúi xuống, đưa tay ra… Tới giây phút này, tất cả những tiếng nức nở lại trào lên thắt ruột, cháy gan.

Bác được nhẹ nhàng nâng lên khỏi giường, rồi được đặt lên băng ca, sau đó lên xe cứu thương FH1468. Tất cả gọn gàng trong có 15 phút. Ôi! cả 15 năm dài Bác đã sống ở đây và làm bao nhiêu công việc vĩ đại cho nhân dân, cho Tổ quốc. Vậy mà nay Bác không thể nán lại thêm với đời, với dân tộc, đất nước, với biết bao cháu con xa gần, cho đến thắng lợi cuối cùng để Bác sẽ được vào thăm đồng bào miền Nam, thăm nơi cha mẹ Bác trút hơi thở cuối cùng mà trong tận thẳm sâu đáy lòng mình Bác vẫn không bao giờ quên thương nhớ.

Đoàn xe đặc biệt rời Phủ Chủ tịch, bầu trời vẫn đầy mây xám, vô cùng buồn bã, mưa vẫn chốc chốc lại lã chã rơi. Trời, đất vẫn chưa thôi tiếc thương người Anh hùng đã phải ra đi. Người đã trở về Thủ đô mùa thu 1945, ngày 2 tháng 9 năm ấy Người chính thức tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Năm nay 1969 cũng mùa thu, cũng ngày 2 tháng 9 nhưng Người lại từ biệt cõi đời này.

Ở 75A, các đồng chí Nguyễn L­ương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài đã đợi sẵn, phía sau là các chuyên gia Liên Xô. Và ròi, xe chở Bác đã tới.

Theo đúng nguyên tắc và thủ tục, công việc đầu tiên là làm biên bản sơ bộ khám nghiệm và tiếp nhận đã được thực hiện rất mau lẹ. Ngay sau đó, Bác được chuyển ngay vào phòng đặc biệt. Ở đó lúc này chỉ có Tổ chuyên gia Liên Xô và phía Việt Nam là hai đồng chí Phùng Thế Tài, Kinh Chi được uỷ nhiệm có mặt cùng hai bác sĩ Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều có trách nhiệm hỗ trợ các chuyên gia trong mọi khâu kỹ thuật.

Đúng 12 giờ, các công việc kỹ thuật và khoa học bắt đầu trong không khí đặc biệt im lặng. Trước khi bắt tay vào làm nhiệm vụ, các chuyên gia y tế Liên Xô và các bác sỹ Việt Nam đều đứng nghiêm, cúi đầu im lặng trước thi hài Bác mặc niệm, thầm cầu xin vong linh Bác chứng giám cho công việc của họ.

Những yêu cầu khoa học về giữ gìn thi hài đã được nhất trí hoàn toàn giữa hai phía Liên Xô và Việt Nam như sau:

- Bảo đảm thi hài tốt, sẽ không có vi nấm, không đen xạm.

- Giữ được những nét đặc trưng của thi hài như khi còn sống, đặc biệt là mắt, mũi, miệng, râu, tóc và hai bàn tay.

- Giữ được lâu dài.

- Bảo đảm được yêu cầu có thể đông đảo ngườitới viếng, thăm trong môi trường bình thường.

Làm được đúng, triệt để những yêu cầu này, trên thế giới chỉ có các chuyên gia tiên Xô, bởi trong công việc này còn phải có những bí mật riêng mang tính quốc gia, ví dụ một dung dịch đặc biệt mà trên thế giới này chưa một nước nào có. Dung dịch này cấm không được phép phổ biến công thức. Khi Chính phủ Liên Xô đồng ý thì các chuyên gia mới được nhận dung dịch này và đem đi, và số lượng cũng được duyệt nghiêm ngặt.

Trong lúc các chuyên gia làm việc, hai ông Tài và Kinh Chi nén nước mắt cùng đứng im lặng quan sát. Hai ông đều thầm nhận thấy các chuyên gia quả là tuyệt vời thành thạo, hai bàn tay đúng là bàn tay vàng.Đã rất siêu việt trong tay nghề, các bác sỹ liên Xô còn biểu lộ rất rõ một tinh thần hết mình và tác phong vô cùng cẩn trọng, nâng niu từng sợi tóc, sợi râu, từng móng tay… và từng mũi kim tiêm. Làm việc đến quên cả nghỉ, quên cả ăn uống, từ 12 giờ cho tới 21 giờ khuya, các chuyên gia Liên Xô mới rời khỏi phòng. Riêng hai bác sĩ Việt Nam với tư cách người nhà còn phải nán lại để hoàn tất những công việc cuối cùng. Khi đồng hồ đã chỉ 24 giờ - nửa đêm, cả hai ông mới bước ra cửa, người lảo đảo vì quá mệt nhưng vẫn chưa sao hết xúc động, chỉ muốn một giấc ngủ ngay, để rồi ngày mai còn tiếp tục hỗ trợ các bạn Liên Xô làm thuốc, để "Công tác y tế bước 1 của giai đoạn 1 việc bảo quản thi hài” được hoàn thành. Rồi còn phải cùng nhau làm việc tiếp hai ngày nữa mới là hoàn tất "Giai đoạn 2”, để đêm 4 tháng 9 có thể đưa thi hài Bác tới Hội trường Ba Đình làm lễ viếng vào sáng ngày 6 tháng 9 theo đúng chương trình đã định.

Trong hai ngày 3 và  tháng 9 ấy, trên Hội trường Ba Đình có khá nhiều bộ phận làm việc rất khác nhau chuẩn bị cho ngày lễ tang. Trông có vẻ tấp nập, nhưng không khí rất trầm buồn. Mọi người gần như im lặng, dù hối hả. Nhóm treo cờ băng, treo khẩu hiệu, nhóm xắp xếp lại các hàng ghế, nhóm chỉnh, thử lại các thiết bị âm thanh và các băng nhạc lễ, nhóm kiểm tra lại hòm kính của thi hài Bác trên sân khấu cùng toàn bộ các máy móc thiết bị điều hoà không khí, nhiệt độ, độ ẩm cùng hệ thống thông hơi, quạt gió đặt cả dưới gầm sàn… Những đội bảo vệ và tiêu binh danh dự cũng tập lại đội hình và di chuyển, làm sao cho mọi sự phối hợp, hiệp đồng thật ăn khớp với các bộ phận khác của Ban tang Lễ Nhà nước. Đông người quá mà địa điểm lại chật hẹp. Người của Bộ Kiến trúc, người của Bộ Văn hoá, người của Văn phòng Phủ Thủ tướng, Văn phòng Trung ương, người của công an, bảo vệ…. Tất nhiên không thể thiếu các cán bộ, chiến sĩ công binh những người đã trực tiếp xây dựng cơ sở 75A và cũng đã trở thành những "tác giả" chính làm nên cả cơ sở 75B ở Ba Đình này. Kỹ sư Bùi Danh Chiêu thuộc nhóm cán bộ công binh (do đại uý Trọng Quyển trực tiếp phụ trách) đã hoàn thành nhiệm vụ ở 75A vừa qua, mấy hôm nay anh liên tục có mặt ở đây để theo dõi, hoặc chỉnh lại các máy móc thiết bị thông hơi, quạt gió, điều hoà nhiệt, ẩmnhằm bảo đảm thông số của hòm kính thật tốt. Anh cùng các cán bộ của anh em chiến sĩ làm việc hết sức miệt mài, cần mẫn. Tuy nhiên để giảm bớt căng thẳng, trong đôi phút giải lao cũng hay ôn lại chuyện cười dở mếu, dở cười: Khi làm cái 75B này xảy ra chuyện có hòm mà không có kính!Nguyên do thế này: Kế hoạch và chủ trương làm cơ sở 75A thì quá rõ rồi, anh em đều biết cấp trên đã có lệnh cho công binh làm. Nhưng làm cơ sở nữa 75B trên Ba Đình thì nghe đâu trên lại trao cho một Bộ nào đó phụ trách. Cũng nghe nói Bộ nọ cũng đã làm được một vài việc, và cũng đi xin Liên Xô viện trợ. Nhưng gặp khó khăn, hoặc do chậm trễ tàu biển, xe lửa liên vận… thế nào đó, nên cuối cùng vật tư, máy móc, nhất là kính để làm hòm đặc biệt cho Bác vẫn chưa thấy đâu, trong khi đó cơ sở 75A đã cơ bản hoàn thành. Trước tình hình ấy, không hiểu Ban Chỉ đạo có giao cho công binh làm luôn cả 75B hay không. Lính ở dưới chỉ biết là ông Tài đã lệnh cho Công binh tranh thủ làm. Thế là bộ phận do ông Trọng Quyển phụ trách lại cùng nhau kéo lên Ba Đình. Nghiêm túc, triệt để chấp hành mệnh lệnh và luôn luôn chủ động sáng tạo, đó là truyền thống của quân đội. Lên Ba Đình lại phát huy mọi nỗ lực và sáng kiến làm xong được cả cái 75B. Anh em đã gọi vui đây là "phương án 2”. Nay thì quả là "phương án 2" đang phát huy tác dụng của nó.

Thế rồi tối 5 tháng 9 thi hài Bác đã được chuyển lên Hội trường Ba Đình, được đặt vào hòm kính giữa sân khấu đã được trang trí hết sức trang nghiêm. Đúng 6 giờ sáng ngày 6 tháng 9, các đồng chí lãnh đạo đã có mặt đầy đủ ở đây. Các chuyên gia Liên Xô cũng đến rất sớm và cẩn thận cho vận hành máy móc để kiểm tra lại lần cuối, xem lại các thông số kỹ thuật như nhiệt độ, độ ẩmvà cả các loại đèn chiếu xem có đủ tiêu chuẩn và bảo đảm hay không. Viện sĩ Đê-lốp ôm lấy các đồng chí Công binh và các đồng chí lãnh đạo của ta mà mừng rỡ bắt chặt tay các chuyên gia, bày tỏ những lời cảm ơn rất chân thành, rồi cùng mọi người chắp tay im lặng ngắm nhìn Bác trong khung kính dưới ánh đèn chiếu các loại, cả tia cực tím.

Bác nằm đấy trong khói hương thành kính tôn nghiêm, trong vùng ánh sáng ngời ngợi càng lộ rõ vẻ đại hiền nhân với gương mặt hơi hao gầy với màu da và những đường nét đặc biệt Việt Nam, với bộ râu thông thái, bộ quần áo ka ki bốn túi, cổ đứng, hết sức đơn giản và đôi dép cao su đặt riêng ở bên ngoài khung kính, phía dưới chân Bác. Nằm đấy mà dường như tình yêu bao la của Bác vẫn đang lan tỏa với tất cả mọi người. Bác như vẫn tư duy về biết bao điều lớn lao cho đất nước, cho dân tộc… Bác của chúng ta đó - lãnh tụ tối cao của công cuộc giải phóng nước nhà và xây dựng nên nước dân chủ, cộng hòa đầu tiên trên cả vùng trời Châu Á này, người mà UNESCO sau đó đã vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất..

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người đồng chí tin cậy và thân quý của Bác từ những năm còn trên Việt Bắc vẫn chắp tay đứng đó,hai mắt nhòe lệ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, người học trò, người đồng chí, nhà quân sự xuất chúng vô cùng yêu quý và tin cậy của Bác, đứng bên. Vị tướng dẫu sao cũng vẫn cố kìm được những giọt lệ, nhưng mặt sắt lại và thoáng xanh đi trong biết bao niềm đau khôn tả. Những đồng chí khác trong Bộ Chính trị và Chính Phủ cũng đều chung nỗi niềm tiếc thương tràn đầy trên gương mặt và khóe mắt.

Ngoài trời lại mưa. Tạo hóa như vẫn khóc thương người Anh hùng đã đi xa.

Rồi các đoàn đại biểu của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, các đoàn thể quân đội và công an, đoàn nào cũng mang hoa kính cẩn viếng Bác. Nhưng hôm nay hoa nào cũng đều như héo buồn. Vòng nào cũng mang băng tang như mang theo cả biết bao giọt nước mắt, biết bao nỗi niềm thương, nỗi nhớ và lòng tri ân.

Cùng ra đứng ở bậc thềm hội trường nhìn cảnh nhân dân đội mưa đi viếng Bác, tiếng khóc râm ran khắp cả một vùng cháy lòng cháy ruột, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thốt lên với đồng chí Lê Văn Lương:“Chủ trương của Đảng ta lưu giữ thì hài Bác quả là hoàn toàn đúng đắn, phải không anh?”.

Theo kế hoạch của Ban Lễ tang thì đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cùng các đoàn khách quốc tế tới viếng Bác đi riêng và được vào hội trường chỉ sau đoàn thân nhân của Bác ở Nghệ An. Trong danh sách các đoàn quốc tế, có Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Kố-sư-ghin dẫn đầu; Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc do đồng chí Bộ trưởng Nngoại giao Trần Nghị dẫn đầu; Đoàn của Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia do Quốc vương Xi-ha-núc dẫn đầu; Đoàn đại biểu Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào do Hoàng thân Xu-va-na-vông dẫn đầu.

            Lễ viếng bắt đầu bằng bản nhạc “Hồn tử sĩ” thật trầm buồn. Không khí trong, ngoài hội trường bị nén lại đã lâu, nay tới lúc như trào với biết bao nỗi đau thương, tiếc nuối, nghẹn ngào.

            Các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, thân nhân Bác và quốc tế lần lượt vào viếng trước. Rồi bắt đầu đến dòng người như vô tận của các đoàn thể nhân dân, các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, các tôn giáo, các giới khoa học, tri thức, văn hoá, văn nghệ thuật, thể thao, y tế. Ai ai cũng như muốn được dừng lại lâu, thậm chí như muốn được ôm lấy lại quan tài kính mà vật vã khóc than. Đó là những bà mẹ, những ông già, những cháu bé chưa kịp vào hội trường, mới chỉ bước lên bậc tam cấp của hội trường, hoặc khi viếng xong trở ra hai mắt đầy lệ đã quỵ xuống vì quá đau buồn, thương tiếc.

Các sĩ quan làm nhiệm vụ đưa dẫn các đoàn cũng đều đã ướt đẫm nước mưa. Có nhiều người đã ngất đi. Các nhân viên y tế gần như liên tục phải làm việc cấp cứu. Riêng phóng viên báo chí trong nước và quốc tế có lẽ đã quen nghề nghiệp nên vẫn dẻo dai và hết sức năng động. Nhiều anh vẫn chạy khắp nơi, tất bật lấy tin, vội vã ghi hình, khi trong hội trường, lúc ngoài quảng trường. Họ đã ghi được không khí tiéc thương vô hạn và xúc động nghẹn ngào trong buổi tang lễ.

Lễ viếng sang ngày thứ hai. Người tới lễ Bác vẫn với mũ áo tề chỉnh mặc dầu trời vẫn sập sùi, trần mây nặng trĩu. Sáng hôm nay trên tầng 2 hội trường đã có một cuộc họp bất thường rất quan trọng của một số nhà khoa học y tế theo yêu cầu của Bộ Chính trị, do bác sĩ Vũ Văn Cẩn mới được đề bạt Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Họp lấy ý kiến của các nhà khoa học, vì sau ngày đầu viếng Bác mọi việc đã diễn ra hết sức hoàn hảo, nhưng nhóm các chuyên gia y tế Liên Xô đã nghĩ tới các công việc tiếp theo. Họ đề nghị lãnh đạo Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng sau lễ viếng và lễ tang sẽ đưa thi hài Bác qua Liên Xô để tiếp tục làm thuốc và lưu giữ. Theo các chuyên gia thì chỉ Mát-xcơ-va mới có đủ điều kiện về môi trường và kỹ thuật. Việt Nam dẫu sao cũng mới bắt đầu thực hiện công việc đặc biệt này, thêm nữa vật tư, hoá chất, máy móc còn thiếu nhiều, riêng dung dịch đặc biệt các chuyên gia được đem sang đây chỉ đủ dùng cho 20 ngày là hết, trong khi đó Việt Nam lại đang có chiến tranh, không thể lường trước được những tình huống phức tạp xảy ra…

Vấn đề quá lớn, lập tức đã được cấp báo lên Bộ Chính trị. Trong cuộc họp bất thường có Giáo sư Đỗ Xuân Hợp, Phó Tiến sĩ Đặng Hanh Khôi, Phó Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phúc, Phó Tiến sĩ Nguyễn Khánh và các bác sỹ Nguyễn Gia Quyền, Lê Điều.

Các nhà khoa học của chúng ta đã thảo luận rất nghiêm túc, kỹ lưỡng và cuối cùng đều thấy: Tuy chưa có kinh nghiệm nhiều trong lĩnh vực này nhưng các nhà y tế, khoa học của chúng ta từ lâu cũng đã có nghiên cứu về các ngôi mộ cổ, về các xác ướp, về việc gìn giữ thi hài bằng những phương pháp dân tộc truyền thống. Ngoài ra các bác sĩ ta cũng đã được học ít nhiều trên lý thuyết của thế giới về những việc này, nhất là vừa qua mới được học trực tiếp các chuyên gia Liên Xô nên công việc lưu giữ thi hài lâu dài tuy cực kỳ khó nhưng cũng không hoàn toàn xa lạ. Cuối cùng tất cả kiên quyết không đồng ý đưa Bác đi, xin lưu giữ Bác ở lại lâu dài trong nước và tin là ta có thể làm được. Quyết tâm này được lập tức báo cáo ngay lên Bộ Chính trị. Các đồng chí lãnh đạo đánh giá rất cao quyết tâm của đội ngũ bác sỹ nước nhà.

Trước đó, để các chuyên gia Bạn tận mắt hiểu sâu thêm về ân tình giữa Bác Hồ và nhân dân ta, Ban Chỉ đạo Lễ tang đã cho đưa các chuyên gia đi khắp nơi trong thành phố, nhất là trong lễ viếng. Các bạn đều đã phải thốt lên: "Quả là khó có thể đưa Bác Hồ đi xa nhân dân và đất nước Việt Nam".

Tới chiều ngày thứ ba của lễ viếng, cũng trên tầng hai Hội trường Ba Đình đã diễn ra cuộc họp chính thức giữa lãnh đạo cao cấp của hai bên. Phía Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn là đại diện, phía Liên Xô là đồng chí Kô-sư-ghin, cùng bàn về việc sau lễ tang có đưa Bác sang Liên Xô làm thuốc và bảo đảm mọi mặt như hai bên đã sơ bộ thống nhất từ năm 1967 hay không?

Trong cuộc họp, phía Việt Nam đã chân thành và thiết tha, căn cứ vào tình cảm sâu nặng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và cả sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ y tế của Việt Nam, đề nghị cứ để Bác ở lại Việt Nam. Phía Liên Xô thì nghiêm chỉnh theo đúng thoả thuận cũ năm 1967 tuyên bố sẵn sàng đón nhận thi hài Bác sang Mát-xcơ-va, và hứa sẽ hết lòng chăm sóc Bác Hồ như chăm sóc Lê-nin cho tới khi nào có điều kiện sẽ rước Bác trở lại Việt Nam.Thảo luận đi thảo luận lại, cả hai bên đều rất nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm. Cuối cùng đồng chí Kô-sư-ghin không khỏi xúc động chính thức phát biểu ý kiến: Thay mặt Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Liên Xô sang Việt Nam dự lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã hiểu rõ nguyện vọng chính đáng của Đảng và Nhà nước Việt Nam cùng nhân dân Việt Nam, vì vậy đồng chí quyết định tán thành đề nghị của phía Việt Nam để Bác Hồ lâu dài ở Việt Nam mãi mãi. Phía Liên Xô cam kết sẽ tiếp tục hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam mọi mặt. Đồng chí sẽ chịu trách nhiệm về quyết định này. Đồng chí cũng cho biết đã tham khảo lại các chuyên gia Liên Xô hiện có mặt ở Việt Nam, họ cũng đã hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, hiện có khó khăn lớn là Bạn mang sang dung dịch đặc biệtdùng cho việc lưu giữ thi hài, chỉ đủ dùng cho 20 ngày, nay đã sắp hết. Đồng chí Kô-sư-ghin cho biết đã nói với các chuyên gia Liên Xô: Nếu cuộc hội đàm cấp cao giữa đôi bên quyết định cứ lưu Bác Hồ ở lại, thì ngay ngày mai đồng chí sẽ cho phép một chuyên gia Liên Xô đi theo chuyên cơ của đồng chí về Mát-xcơ-va lấy thêm dung dịch đặc biệt và trở lại Việt Nam ngay cũng bằng máy bay. Như vậy chỉ độ 3 ngày nữa sẽ có dung dịch bổ sung kịp thời… Không còn biết nói gì hơn nữa, các đồng chí lãnh đạo Việt Nam đều đứng cả dậy ôm lấy đồng chí Kô-sư-ghin mà bày tỏ lòng tri ân vô hạn trước tình cảm cách mạng cao quý của những người cộng sản và Chính phủ Liên Xô anh em…

Khi hai đoàn đại biểu rời khỏi phòng xuống tầng dưới ra để về qua cửa bên, một số cán bộ Việt Nam đang làm nhiệm vụ ở đó, thấy vẻ mặt của các vị lãnh đạo của cả đôi bên, đã biết kết quả ra sao rồi. Các vị đi khuất anh em cùng nắm lấy tay nhau mừng rỡ, chỉ còn thiếu reo lên.

Ngày 9 tháng 9 năm 1969, Lễ truy điệu Bác được tổ chức trọng thể ngoài Quảng trường Ba Đình để nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận có thể tới dự không phải hạn chế số người như trong lễ viếng.

Từ mờ sáng, các đoàn người đủ các giới phụ lão, thanh niên, phụ nữ, nhất là các em thiếu niên, học sinh, sinh viên hôm nay đi rất đông cùng với đủ các giới nghề nghiệp khác nhau từ ngoại tới nội thành và các tỉnh lân cận.Đặc biệt hôm nay có rất đông các sắc tộc như: Mường, Tày, Nùng, Thái, Dao và có cả Êđê, Bana, Càtu, Vân Kiều… ở phía Nam mới ra Bắc hoặc đã ra lâu nay đang là sinh viên, học nghề, hoặc diễn viên văn nghệ, vận động viên thể dục thể thao đến viếng Bác. Đại biểu các tôn giáo cũng rất đông, quân đội, công an, các cơ quan, đơn vị ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Quảng trường Ba Đình kín đặc, người còn tràn cả ra các đường Bắc Sơn, Hoàng Văn Thụ. Nếu như trong mấy ngày qua làm lễ viếng trong hội trường, nhân dân, cán bộ nối nhau đi từng đoàn rất dài vào làm lễ xong lại nối nhau đi ra, đã tạo nên hình ảnh một dòng sông lớn bất tận, thì hôm nay lễ tang làm ngoài trời lại là một khung cảnh khác. Một biển người mênh mông dào dạt như sóng. Nếu không khí bao trùm mấy ngày lễ viếng là vô cùng đau thương, thì hôm nay vừa đau thương nhưng cũng vừa cả tự hào. Đau thương thì đã rõ, còn tự hào là đứng trong hàng ngũ của hơn 10 vạn con người bạt ngàn này, ai ai dường như cũng đều cảm thấy niềm tin và tự hào về truyền thống thống nhất và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc mình.

Buổi lễ đã bắt đầu bằng đoàn quân nhạc hùng hậu gồm mấy trăm người cùng tấu lên bản Quốc ca hùng tráng, sau đó là bài Hồn tử sĩ … Không khí trên toàn quảng trường như thay đổi hẳn. Im phắc. Ban Tổ chức lễ tang đọc lời khai mạc, giới thiệu 50 đoàn khách quốc tế và trên 10 vạn đồng bào đã có mặt trong buổi lễ lớn này. Tiếp đó, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng với mái tóc vẫn còn đen của tuổi trên 60, bước lên bục gỗ cao, giữa 7 cây micro gần như vây tròn, được đặt ngay trên mặt đường trước lễ đài lớn. Trên lễ đài chỉ có một chân dung rất lớn của Bác với Quốc kỳ và Đảng kỳ. Trước ảnh Bác là một đài hương cũng rất lớn với trầm, hương nghi ngút.

Đồng chí Duẩn với giọng Quảng Bình tha thiết lại ngập tràn xúc động vùa mới đọc được mấy câu mở đầu: "Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao. Đau thương này thật là vô hạn…”.

Ngay lập tức dưới lễ đài, các đoàn đại biểu, quần chúng nhân dân, nhiều người đã òa khóc.

Rồi cũng với giọng đầy xót thương và vô cùng kính trọng, đồng chí Lê Duẩn tiếp tục đọc trong nghẹn ngào, thương cảm không sao nén lại được:

" … Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hoà dân chủ Việt Nam và Mặt trận thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết lên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta… ".

Tiếng nức nở trên biển người dường như không thể nén lại được nữa, cùng trào lên trên khắp quảng trường…

Rồi đồng chí Lê Duẩn nén xúc động, dõng dạc đọc những lời thề của nhân dân trước Anh linh của Bác:

Lời thề thứ nhất:

... " Vĩnh biệt Người, chúng ta xin thề: Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thoả lòng mong ước của Người”.

Lập tức cả hơn 10 vạn con người cùng đồng thanh hô vang: " Xin thề!".

Lời thề thứ hai:

“Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta,  đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”.

Lời thề thứ ba:

“Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con người của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi ".

Lời thề thứ tư:

“Luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng của Hồ Chủ tịch, hết lòng góp sức vào việc khôi phục và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa và giữa các Đảng anh em thiên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc Đông Dương, gia sức ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội ".

Lời thề thứ năm:

“Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh rèn luyện mình thành những chiến sỹ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng!".

Cứ sau mỗi lời thề, cả hơn 10 vạn con người lại giơ cao tay hô vang như sấm: " Xin thề!". Nhưng khi bài điếu văn rất súc tích và cảm động ấy kết thúc, tiếng khóc lại cùng bật lên nhiều hơn, lớn hơn trước. Các cháu thiếu nhi khóc như mưa như gió, nhiều cháu như mê đi vì quá xúc động, lăn lộn trong vòng tay bạn bè. Cả rừng người cùng chuyển động, râm ran, nức nở. Những người gan góc nhất không bật ra tiếng khóc cũng phải âm thầm lau ngấn lệ trên khoé mắt. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đều cùng rời vị trí dưới chân lễ đài tiến ra với đồng bào, trước hết là đến với các cháu để an ủi. Nhưng thấy các đồng chí, các cháu lại càng khóc to, khóc rũ, đến nỗi chính các đồng chí cũng không cầm được nước mắt nữa. Đây là lúc các đoàn khách quốc tế, các phóng viên quốc tế hết sức chăm chú để mau lẹ ghi hình hoặc ghi âm; nhiều người đã phải thốt lên là họ đã được chứng kiến ở đây cả một dân tộc khóc than thương tiếc lãnh tụ kính yêu của mình. Anh I-sa-ha-ki Mi-sao, Trưởng đoàn quay phim của hãng Nihon Denpa news Nhật Bản cũng đã nói: "Phim này của chúng tôi sẽ không cần phải thuyết minh gì nhiều, chỉ riêng hình ảnh quay được hôm nay: Cả dân tộc Việt Nam khóc than, thương nhớ Chủ tịch Hồ Chí Mình như thế nào, đã đủ nói lên tất cả!". Anh Jêm Ca-xtin, phóng viên báo Nhân đạo Pháp cũng thốt lên: "Từ nhỏ tôi đã được nghe nói cả nhân dân Ấn Độ khóc thương thánh Gandhi của họ. Bây giờ tôi mới thấy cảnh tượng này ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ quả là một người vĩ đại "…

Hôm sau, các quan khách quốc tế lần lượt ra về. Các cán bộ lãnh đạo của ta đưa tiễn đồng chí Kô-sư-ghin ra tới tận sân bay. Bên cạnh đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô còn có cả một chuyên gia y tế cùng về Mát-xcơ-va để lấy gấp dung dịch đặc biệt mang sang Hà Nội, đúng như lời hẹn hôm trước. Các đồng chí Việt Nam chỉ còn biết thiết tha ôm lấy những người đồng chí, anh em hết sức nhiệt tâm và vô cùng trung hậu của mình.

Bài viết khác: