Chỉ mục bài viết

Nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87-CT/QUTƯ ngày 08/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu tài liệu, tổ chức học tập và làm theo “Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa” do Cục Tuyên huấn biên soạn.

  1. Ngày 01-01: “Năm mới ra sức thi đua ái quốc để thu nhiều thắng lợi hơn năm cũ(1).

     Là lời thư chúc năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 01 tháng 01 năm 1952, đăng trên Báo Nhân Dân ngày 03-01-1952, trong bối cảnh nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trải qua gần 7 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng dân tộc: "Nhân dịp Nguyên đán dương lịch 1952, tôi gửi lời thân ái chúc: Toàn thể đồng bào và kiều bào, Toàn thể chiến sĩ, các anh chị em cán bộ, các cụ phụ lão, các vị thân sĩ, các cháu thanh niên, nhi đồng. Năm mới ra sức thi đua ái quốc để thu nhiều thắng lợi hơn năm cũ”.

            Lời Bác trong thư đầu năm mới thể hiện tấm lòng thương nhớ da diết và trân trọng của Người đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài và khích lệ, khơi dậy, động viên, thôi thúc “con dân nước Việt” nêu cao truyền thống yêu nước, cống hiến sức mình cho thắng lợi sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc.

          Đầu năm 1952, ngay khi đăng tải trên báo, lời chúc đầu năm mới của Người đã được các tầng lớp nhân dân, kiều bào, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đón nhận, chuyển hóa thành khẩu hiệu “hành động cách mạng” trên khắp tiền tuyến, hậu phương trong cả nước; cán bộ, chiến sĩ quân đội dấy lên phong trào thi đua học tập, huấn luyện, đánh đuổi giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân cả nước, trên dưới đồng lòng, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn phản công chiến lược, tạo ra thế phát triển tiến công trên diện rộng, làm tiền đề đẩy nhanh thực hiện chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954, mau chóng kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đó, mỗi năm cứ đến ngày 01/01 Bác thường có các bài thơ chúc Tết.

          Vang vọng lời Bác năm xưa, mỗi dịp vui Xuân, đón Tết Nguyên đán của dân tộc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gửi lời chúc năm mới tới toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của dân tộc, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, đoàn kết thi đua yêu nước, giành thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vẻ vang, sánh vai cùng bè bạn năm châu.

            Trong những giờ phút thiêng liêng chuyển sang năm mới, tự hào vững bước dưới Quân kỳ "Quyết chiến, quyết thắng", cán bộ, chiến sĩ Quân đội khắc sâu lời chúc năm mới của Bác; tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tay súng, giữ vững biên cương, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống ấn no hạnh phúc của nhân dân.

  1. Ngày 02-01: “Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng. Có tập thể anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng”(2)

         Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài Phát biểu tại buổi tiếp đại biểu các đơn vị anh hùng và chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước ngày 02-01-1967; đăng trên Báo Nhân Dân, số 4660, ngày 10-01-1967, trong bối cảnh nhân dân trên hai miền Nam, Bắc phát huy tinh thần yêu nước, không sợ hy sinh, gian khổ, đang gắng sức thi đua xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

         Trong lời phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận, tôn vinh những cá nhân, tập thể đã cống hiến, hy sinh xương máu vì sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong suốt mấy chục năm; động viên, huấn thị mọi người, mọi tập thể hãy cố gắng hơn nữa, thi đua sản xuất, công tác và chiến đấu, lập nhiều thành tích to lớn, góp phần cùng toàn dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

         Lời của Hồ Chí Minh đã lan tỏa tới quốc dân đồng bào, thâm nhập sâu vào Quân đội, trở thành động lực thúc đẩy mọi cán bộ, chiến sĩ hăng hái thi đua học tập, công tác, huấn luyện, chiến đấu, lập nên nhiều chiến công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

          Đến hôm nay, lời phát biểu của Người vẫn tỏa hào khí mãnh liệt, đang được mọi cán bộ, chiến sĩ toàn quân khắc ghi, đoàn kết thi đua, nỗ lực thực hiện thắng lợi Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"; xây dựng và nhân rộng nhiều tập thể, cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới và tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; quan tâm tạo điều kiện để các tập thể, cá nhân anh hùng, điển hình tiên tiến tiếp tục phát huy thành tích cao hơn nữa; phát động, khuyến khích, cổ vũ động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân tích cực học tập, làm theo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

  1. Tháng 01: “Đại bác của bọn đế quốc không thể át tiếng nói yêu nước của nhân dân Việt Nam”(3)

       Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay, viết vào tháng 01-1959, trong bối cảnh đất nước Việt Nam bị đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai dùng bom đạn để đàn áp, giết hại nhân dân Việt Nam, Người chỉ rõ: Bọn vua quan và phong kiến đê tiện và hèn nhát đầu hàng và câu kết với bọn đế quốc để tiếp tục nô dịch nhân dân Việt Nam nhiều hơn, khiến nhân dân Việt Nam khổ cực không kể xiết. Nhưng đại bác của bọn đế quốc không thể át tiếng nói yêu nước của nhân dân Việt Nam. Trong suốt gần một thế kỷ thống trị của thực dân Pháp, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy”.

Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sự khẳng định truyền thống yêu nước của dân tộc, ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 là cơ sở để Đảng ta hoạch định đúng đắn đường lối, chủ trương cách mạng - nhân tố quyết định đến những thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Lời của Người đầu năm 1959 đã khích lệ, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua khó khăn, thử thách, đoàn kết đồng khởi, quyết tâm đấu tranh diệt ác, trừ gian, phá thế kìm kẹp, giành chính quyền, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công mạnh mẽ, hình thành một cao trào cách mạng đồng khởi vũ trang của quần chúng rộng khắp, tạo tiền đề đẩy nhanh thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

       Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; song lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm ấy đến hôm nay vẫn đang lan tỏa sức mạnh, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, kiên quyết, kiên trì, sáng tạo đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

        Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng nòng cốt cùng toàn dân thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, luôn ghi sâu lời Bác, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, gắn bó máu thịt với nhân dân, làm cho Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

  1. Ngày 04-01 "…Anh chị em trí thức ta cũng nên có cuộc vận động để góp phần vào phong trào chung"

       Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện tại Hội nghị trí thức Việt Nam chống Mỹ, cứu nước, được đăng trên Báo Nhân Dân, số 4296, ngày 8-1-1966; trong lúc đồng bào miền Nam đang đi từ thắng lợi này sang thắng lợi khác; phong trào chống Mỹ, cứu nước sôi nổi ở miền Bắc, quân và dân cả nước giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.

        Trong bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước, công nhân có cuộc vận động "3 xây, 3 chống", nông dân có cuộc vận động "cải tiến, quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật", phụ nữ có phong trào "ba đảm đang", thanh niên có phong trào "ba sẵn sàng", phụ lão một số nơi có phong trào "bạch đầu quân". Những cuộc vận động ấy, nảy nở nhiều con người mới rất anh hùng. Anh chị em trí thức ta cũng nên có cuộc vận động để góp phần vào phong trào chung đó.

        Lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời điểm ấy, không chỉ đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ trí thức, mà còn định hướng, thôi thúc, dấy lên phong trào "người người thi đua, ngành ngành thi đua; ngày ngày thi đua của mọi người, mọi ngành, mọi cấp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

         Trong giai đoạn hiện nay, phong trào thi đua yêu nước của các hội trí thức từ Trung ương đến địa phương đã có bước phát triển rộng sâu, tạo động lực, đòn bẩy tinh thần, khích lệ, động viên, cổ vũ hội viên trí thức phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, những năm qua, các tổ chức hội trí thức đã quan tâm, ghi nhận, tôn vinh những điển hình tiên tiến, có công lao, đóng góp xuất sắc trong hoạt động; qua đó tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước "đoàn kết, sáng tạo" cống hiến sức lực, trí tuệ, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

         Trong Quân đội, tinh thần thi đua yêu nước được cụ thể hóa thành phong trào thi đua quyết thắng, gắn chặt chẽ với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của các ngành, các cấp; khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu của Tổ quốc, nơi đầu sóng ngọn gió để canh trời, bám biển vì bình yên của Tổ quốc; tinh thần cháy bỏng khát vọng và đam mê của những nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu; tinh thần miệt mài, tích cực, sáng tạo của những người thợ mặc áo lính trong nhà máy, xí nghiệp, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu tuyệt đối trung thành của Đảng, của nhân dân trong thời kỳ mới.

  1. Ngày 05-01: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(4)

           Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa: “Gửi anh chị em họa sĩ, biết tin có cuộc trưng bày, tiếc vì bận quá, không đi xem được. Tôi gửi lời thân ái hỏi thăm anh chị em. Nhân tiện, tôi nói vài ý kiến của tôi đối với nghệ thuật, để anh chị em tham khảo. Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 05 tháng 01 năm 1952; trong bối cảnh toàn thể dân Việt Nam đang thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” chống thực dân Pháp xâm lược.

         Trong thư năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời tin tưởng, mong muốn công tác giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ họa sĩ đi đầu xung kích, sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, một trong những lực lượng tiên tiến trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.

         Lời của Người trong thư năm ấy đã nhanh chóng được anh chị em họa sĩ nói chung, họa sĩ trong Quân đội nói riêng vui mừng đón nhận, hun đúc tinh thần thi đua yêu nước, hăng say, sáng tạo nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

          Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm ấy "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao chất lượng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ - người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

  1. Ngày 06-01: “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”(5)

         Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Ba mươi năm hoạt động của Đảng: “… Các tầng lớp tiểu tư sản tuy là sôi nổi, nhưng tư tưởng bế tắc, không có đường ra. Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 2120, ngày 06-01-1960; trong bối cảnh Đảng ta tròn 30 tuổi, đang lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đẩy nhanh hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

         Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học lớn tổng kết lịch sử, khẳng định Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng tỏ rõ là lực lượng đại biểu cho trí tuệ, ý chí của giai cấp công nhân, nhân dân Việt Nam: Dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam.

          Lời của Người là nguồn ánh sáng chiếu rọi khắp mọi miền đất nước, được mọi cán bộ, đảng viên của Đảng trân trọng đón nhận, tạo động lực tinh thần thi đua học tập nâng cao bản lĩnh cách mạng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, nêu cao chủ nghĩa yêu nước, gắn bó đoàn kết cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

          Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân đội nhân dân Việt Nam thường xuyên được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện; không ngừng củng cố tăng cường bản chất giai cấp công nhân, nâng cao bản lĩnh chính trị, phát huy truyền thống dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, anh dũng, kiên cường, chiến đấu sáng tạo, cùng toàn dân đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Trong tình hình mới, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn thấm nhuần lời Bác năm xưa, thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về tăng cường bản chất giai cấp công nhân trong Quân đội, giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, công cụ bạo lực sắc bén, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Đảng.

  1. Ngày 07-01: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành”(6)

           Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài nói tại trường cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh: “… Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 136, ngày 08-01-1946; trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức lớn, đặt ra yêu cầu đối với Đảng ta phải củng cố, xây dựng, phát huy cao độ vai trò các tổ chức, các lực lượng, nhất là vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong kháng chiến, kiến quốc.

           Hồ Chí Minh đã chỉnh huấn, yêu cầu cán bộ, chiến sĩ trong các trường quân sự của Đảng, Nhà nước phải nắm vững nhiệm vụ cách mạng, vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên, cán bộ tự vệ; nêu cao tinh thần yêu nước, tham gia kháng chiến, kiến quốc; gương mẫu đi đầu trong hành động, tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, gắn bó giúp nhân dân, chống mọi biểu hiện: Nói nhiều, nói suông; nói không đi đôi với làm, đoàn kết chiến đấu chống “thù trong, giặc ngoài”, bảo vệ thành quả cách mạng.

         Thấm nhuần lời nói của Người, ngay từ đầu năm 1946, Trường Cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh và các trường quân sự đã được lãnh đạo, chỉ huy trong các nhà trường quân đội quán triệt sâu sắc, chuyển hóa thành kế hoạch hành động cách mạng, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo cán bộ quân sự đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cách mạng; đồng thời, thôi thúc toàn quân, toàn dân tích cực đóng góp trí tuệ, công sức để xây dựng và bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

         Lời dạy năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được các Học viện, nhà trường trong Quân đội nghiên cứu học tập, vận dụng sáng tạo vào hoạt động giáo dục - đào tạo, với phương châm gắn nhà trường với đơn vị; lý luận với thực hành, lấy thực hành làm chính; thực hành "nói đi đôi với làm", nêu cao vai trò gương mẫu của đội ngũ giảng viên, quân tâm xây dựng đội ngũ cán bộ sĩ quan Quân đội vừa "hồng" vừa "chuyên", đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

  1. Ngày 08-01: “Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”(7)

             Ngày 08-01-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các cán bộ tuyên truyền: “…Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 137, ngày 09-01-1946; trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời, đang phải đương đầu với nhiều thách thức lớn, nhất là sự chống phá cách mạng của bọn thực dân Pháp xâm lược. Lời của Người đầu năm 1946 nhằm huấn thị cán bộ tuyên truyền phải hiểu rõ trong hoàn cảnh, nhiệm vụ nào cũng phải tôn trọng tính khách quan, chân thực, phù hợp với tình hình nhiệm vụ cách mạng, trình độ dân trí, phát huy giá trị nhân đạo truyền thống của dân tộc Việt Nam; qua đó, hình thành thái độ, phương pháp tuyên truyền phù hợp. Hơn thế, Hồ Chí Minh còn nêu lên vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác tuyên truyền là phải “tôn trọng hiện thực khách quan”, có như vậy tuyên truyền mới có nhiều người nghe, mới đạt được mục đích và kết quả tốt.

           Lời của Người năm ấy được đội ngũ cán bộ tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trong cả nước. Trong lĩnh vực quân sự, cán bộ làm công tác tuyên truyền ở các cấp được nghiên cứu, quán triệt sâu sắc lời chỉnh huấn của Bác Hồ; nắm vững đường lối kháng chiến, kiến quốc; đổi mới, sáng tạo nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền phong phú, được cán bộ chiến sĩ quân đội và toàn dân đón nhận.

         Đến hôm nay, lời của Hồ Chí Minh vẫn được đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền trong Quân đội nghiên cứu quán triệt học tập, vận dụng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.

  1. Tháng 01: “Thanh niên là một cái nguồn vô tận, từ nguồn ấy mà chúng ta đào tạo những cán bộ tốt cho hiện tại và tương lai của nước nhà(8)

          Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài "Thanh niên nông dân", đăng trên báo Nhân Dân, số 159, từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 01 năm 1954, trong bối cảnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp của dân tộc ta giành được nhiều thắng lợi lớn; lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng; trong đó, lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và lực lượng dân công với đại đa số là thanh niên nông dân.

          Qua lời của Bác, chúng ta thấy Người nhận rõ đặc điểm và thế mạnh của lực lượng thanh niên Việt Nam, chủ yếu là con em của nông dân, bị phong kiến, địa chủ áp bức, bóc lột tàn tệ…, nhưng họ có lòng yêu nước nồng nàn, nhiệt tình cách mạng, cần cù chịu khó, cần phải tổ chức giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thành những cán bộ tốt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong hiện tại và trong tương lai của nước nhà.

          Lời huấn thị của Người không chỉ đặt ra yêu cầu và định hướng cho các tổ chức đảng, các cấp, các ngành phát động phong trào, tổ chức giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, nhất là thanh niên nông dân, mà còn khơi dậy tinh thần nhiệt huyết cách mạng, hăng hái thi đua học tập, huấn luyện, rèn luyện, tích cực đóng góp sức mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

          Hiện nay, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đây vẫn nguyên giá trị; được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào đường lối cách mạng trong tình hình mới; chủ trương xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực với những giải pháp đồng bộ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

         Thấm nhuần lời của Người, thanh niên Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, ham hiểu biết, phấn đấu tự mình nâng cao trình độ về mọi mặt, say mê sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tuổi trẻ - thanh niên Quân đội hăng hái thi đua "tiến công vào khoa học kỹ thuật", “rèn đức, luyện tài”, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, với Tổ quốc; luôn có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, làm chủ bản thân, làm chủ khoa học kỹ thuật, vũ khí trang bị, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hoàn toàn thắng lợi.

  1. Ngày 10-01: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ(9)

           Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, ngày 10-01-1946, đăng trên Báo Cứu quốc, số 139, ngày 11-01-1946; trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được khai sinh, đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, nhất là về tài kinh tế, tài chính; quốc khố trống rỗng, nạn đói hoành hành và nhiều vấn đề xã hội như, dân trí mù chữ, bệnh tật tràn lan… đang nổi lên gay gắt.

           Lời phát biểu của Hồ Chí Minh đã nêu lên thực trạng những khó khăn chồng chất mà nhân dân cả nước đang phải đối mặt, gánh chịu; là thông điệp khẩn cấp kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, gắng tìm mọi cách khắc phục khó khăn, giải cứu đất nước, nhân dân thoát ra khỏi cơn hoạn nạn; là tiền đề đến ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi thi đua ái quốc; phát động, nuôi dưỡng, phát triển các phong trào thi đua, như: "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm", Hũ gạo chiến thắng", "bình dân học vụ"… đã thu hút, cổ vũ, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; thi đua học tập xóa nạn mù chữ chống giặc dốt; và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 năm, chấn động địa cầu.

         Trong thời kỳ đổi mới, thấm nhuần lời Bác năm xưa, tiếp tục kế thừa và phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang ra sức hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đòi sống của nhân dân; quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu - nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững.

         Quán triệt sâu sắc lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng và bản chất, truyền thống tốt đẹp hơn 70 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam nêu cao tinh thần “sản xuất cũng là một mũi tiến công”, vừa là “đội quân chiến đấu”, “đội quân công tác”, vừa là “đội quân lao động sản xuất”; Quân đội ta đã chủ động ra quân trên nhiều lĩnh vực sản xuất, mạnh dạn đi vào nhiều ngành kinh tế mũi nhọn và hội nhập quốc tế; góp phần làm ra của cải vật chất cho xã hội, giữ vững và nâng cao đời sống bộ đội, tích cực tham gia giải quyết những vấn đề khó khăn về kinh tế - xã hội; tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong tình hình mới.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tập 74, trang 272.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.15, tr.263.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.12, tr.30.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.7, tr.246.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.12, tr.407.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.4, tr.171.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.4, tr.172.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.8, tr.386.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.4, tr.175.

Theo Cục Tuyên huấn

Thanh Huống (st)

Bài viết khác: