- Tháng 01: "...Phát triển lực lượng du kích mạnh mẽ rộng khắp thành một "thiên la địa võng", giặc đi đến đâu là bị tiêu diệt đến đó, thì giặc nhất định thua, ta nhất định thắng"(1).
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Bài "Đẩy mạnh phong trào du kích", đăng trên Báo Nhân Dân, số 160, từ ngày 16 - 20/1/1954; trong lúc cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của nhân dân ta đang giành thế chủ động; các lực lượng vũ trang được củng cố, tăng cường; đặc biệt lực lượng du kích phát triển mạnh mẽ, phối hợp với bộ đội chủ lực giành nhiều thắng lợi lớn.
Nhận rõ đặc điểm và vai trò to lớn của phong trào du kích đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, qua bài viết "Đẩy mạnh phong trào du kích", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giới thiệu, phổ biến kinh nghiệm thiết thực về việc xây dựng, phát triển lực lượng du kích, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Thực hiện lời dạy của Người, các địa phương trong cả nước tích cực đẩy mạnh phong trào xây dựng, phát triển lực lượng dân quân du kích rộng khắp. Lực lượng dân quân du kích đã cùng nhân dân xây dựng làng xã chiến đấu, kiên cường bám đất, bám dân, tiêu hao lớn quân địch, phá tề, trừ gian; tích cực phối hợp với bộ đội địa phương chống địch càn quét bao vây, giải phóng làng xã, mở rộng khu căn cứ du kích, bảo vệ vững chắc vùng tự do và góp phần cùng bộ đội chủ lực giành thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc, lời của Hồ Chủ tịch trong bài "Đẩy mạnh phong trào du kích" vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, được Đảng, Nhà nước ta tiếp tục vận dụng sáng tạo vào đường lối, quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang; tập trung xây dựng Quân đội nhân dân với số lượng quân thường trực hợp lý, có sức chiến đấu cao, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp.
Quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương, lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên trong cả nước đã có bước phát triển mới cả về chất lượng, số lượng và trang bị. Việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, DBĐV ngày nay càng được gắn chặt với xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng khu vực phòng thủ, nhất là trong các vùng trọng điểm, xung yếu; thực sự là công cụ chủ yếu để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân ở cơ sở.
- Tháng 01: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”(2).
Là lời trong bài "Đạo đức công dân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng Báo Nhân dân, số 320 ngày 15-1-1955; trong lúc đại đa số nhân dân ta hăng hái đóng góp sức của, sức người, tự giác, tự động làm trọn nghĩa vụ của người chủ nước nhà để khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại, xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc, tích cực tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà; nhưng vẫn còn một số người chỉ muốn hưởng quyền lợi mà không làm nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, thậm chí có người còn làm trái pháp luật (như tham ô, buôn gian, lậu thuế, trộm cắp, lưu manh...).
Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những biểu hiện tiêu cực, việc làm thiếu trách nhiệm của một số công dân đối với Tổ quốc, với cộng đồng; Người nhắc nhở các địa phương, các ngành phải quan tâm và sử dụng phương pháp giáo dục phù hợp, giải thích cho quần chúng hiểu rõ địa vị cao quý của người làm chủ nước nhà, nhất trí lợi ích chung của Nhà nước và lợi ích riêng của mỗi người, qua đó nêu cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Tổ quốc, với cộng đồng.
Lời của Người nhanh chóng được cấp ủy, chính quyền các địa phương trên toàn miền Bắc quán triệt, hiện thực hóa thành các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể; tuyên truyền, giáo dục đạo đức công dân, vận động mọi người làm tròn bổn phận của người dân làm chủ; thi đua với bộ đội và nhân dân miền Nam anh dũng đang chiến đấu hy sinh xương máu để giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà; hàng ngàn khẩu hiệu hành động ở các địa phương được nhân dân đồng thuận, hưởng tích cực; nhân dân bảo nhau, cùng nhau thực hiện nghiêm pháp luật Nhà nước; tuân theo kỷ luật lao động; tự giác đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ hạn, tích cực tham gia xây dựng lợi ích chung; hăng hái trong thực hiện công việc tập thể; quan tâm bảo vệ tài sản của công, góp phần xây dựng hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho chiến trường miền Nam giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện nghĩa vụ và giữ vững đạo đức công dân, tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta nghiên cứu, vận dụng sáng tạo phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, làm cho mọi người Việt Nam hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc; nêu cao ý thức công dân tích cực đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến quá trình xây dựng nền văn hóa, xây dựng con người.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp xây dựng Quân đội có bước phát triển, đòi hỏi nghĩa vụ, trách nhiệm và đạo đức của người quân nhân cách mạng phải tiếp tục được củng cố, tu dưỡng, rèn luyện; tập trung nâng cao nhận thức và sự nhạy bén chính trị của cán bộ, chiến sĩ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội; bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và nhân cách quân nhân, giữ vững, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
- Tháng 1: “Hết sức tiết kiệm trong công việc làm ăn và trong dịp Tết, phải tránh lãng phí sức người, tránh lãng phí thời gian và tiền của. Chớ vì được mùa mà ăn tiêu phí phạm”(3).
Là nội dung "Lời kêu gọi đồng bào nông dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm", đăng trên Báo Nhân dân, số 1045, ngày 14 tháng 1 năm 1957; trong thời điểm, đồng bào nông dân vừa gặt xong một vụ mùa tốt, kết thúc một cách thắng lợi kế hoạch năm 1956; đang tiến hành vụ Đông - Xuân, mở đầu kế hoạch năm 1957.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên tầm quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đối với kế hoạch của Nhà nước; là nhiệm vụ chủ yếu nhằm tăng cường lương thực để xây dựng hậu phương miền Bắc vững chắc cho tiền tuyến miền Nam đánh giặc. Tuy buổi đầu đã thu được kết quả tốt, nhưng phía trước đang còn rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Từ đó mà quyết tâm khắc phục khó khăn, làm thật tốt và đầy đủ, kịp thời những việc mà chính quyền đã chỉ ra.
Thực hiện lời kêu gọi của Người, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhân dân miền Bắc hăng hái thi đua sản xuất, đổi công giúp nhau cấy lúa chiêm, mở rộng đất trồng ngô, khoai, tích trữ lương thực; phát triển chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò; trồng cây công nghiêp (cây bông). Đồng thời, tích cực thực hành tiết kiệm trong công việc, nhất là trong dịp Tết; chủ động chống hạn, chống rét, đoàn kết, tương trợ giúp nhau vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tích trong sản xuất, góp phần xứng đáng vào công cuộc củng cố miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Quán triệt, thực hiện lời kêu gọi của Người, Cục Nông binh của Quân đội đã tích cực tham mưu cho Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng quản lý, điều hành các đơn vị quân đội thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, bảo đảm một phần lương thực; đồng thời, từ quân nhu, quân giới đến vận tải đều thực hành tiết kiệm, góp phần đóng góp của cải, lương thực, đáp ứng kịp thời cho nhiệm vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Lời kêu gọi của Người năm ấy đến hôm nay vẫn là tài liệu có giá trị, được Đảng ta quán triệt, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quán triệt, thực hiện Chỉ thị 21-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương khóa XI về "Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 771-CT/QU về "Tiếp tục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực và thực hiện nếp sống văn minh trong Quân đội"; là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng trong toàn quân, tiếp tục học tập và làm theo Bác Hồ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiện; tích cực tham gia các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo; chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm cho nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
- Ngày 14-1: “Đồng bào miền Nam thắng vì đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng và có chính nghĩa, cho nên được nhân dân tiến bộ các nước kể cả nhân dân Mỹ đồng tình và ủng hộ. Vậy anh em binh sĩ nên làm sao đây?”(4)
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Thư gửi binh sĩ ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam Việt Nam, được đăng trên Báo Nhân Dân ngày 14-01-1964; trong bối cảnh đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang tăng cường thực thi kế hoạch “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, thực thi gom dân, lập ấp, chia rẽ cộng đồng, đàn áp dã man, giết hại đồng bào vô tội…
Lời của Người trong thư gửi binh lính, khẳng định thành quả của cách mạng miền Nam, khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu nước, chiến đấu anh dũng, chống giặc ngoại xâm của đồng bào; đồng thời, là bản cáo trạng vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ đã lôi kéo anh em miền Nam có “chung dòng máu” trở thành những binh sĩ - lính đánh thuê, bắt bớ, tra tấn, giết hại dã man đồng bào, người thân trong gia đình của mình. Qua đó, Hồ Chí Minh kêu gọi anh em binh sĩ trong quân đội của chính quyền sài gòn do Mỹ dựng lên, hãy tỉnh táo sáng suốt, nhận rõ âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang dùng người miền Nam đánh người miền Nam; đẩy binh lính tỉnh này đi giết hại nhân dân tỉnh khác, trong cuộc chiến tranh “nồi da nấu thịt”.
Lời của Hồ Chỉ Minh đã tiếp tục khẳng định niềm tin chiến thắng, khích lệ, động viên tinh thần đoàn kết đấu tranh của đồng bào; chia sẻ với nỗi đau thương của nhân dân miền Nam; đồng thời, chỉ ra phương hướng, hình thức, phương pháp đấu tranh binh vận, vận động binh lính ngụy quân, ngụy quyền nhận rõ sai lầm của mình, giác ngộ cách mạng, mau chóng trở về với chính nghĩa, với nhân dân.
Nắm vững tinh thần nội dung lời thư của Hồ Chí Minh, cán bộ trong các ban dân vận đã kề vai, sát cánh cùng nhân dân trong các ấp chiến lược, làng xã, vừa đấu tranh trực diện, vừa tích cực kêu gọi binh lính, người thân của mình trong lực lượng ngụy quân, ngụy quyền quay về, chống lại việc gom dân, lập ấp... và chỉ sau hơn một năm, tổng số binh sĩ địch rã ngũ lên đến hơn 99.000 tên, số súng ta thu được là hơn 634 khẩu… Công tác binh vận vừa tạo thêm sức mạnh cho đấu tranh quân sự, vừa phát triển, phát huy thắng lợi của đấu tranh quân sự và chính trị; đồng thời, là một trong ba mũi giáp công được sử dụng hiệu quả, mạng lại những thắng lợi quan trọng, góp phần hoàn thành cách mạng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến hôm nay, lời của Người năm xưa vẫn là một tài liệu quý, được cán bộ, chiến sĩ quân đội nghiên cứu học tập, vận dụng nâng cao chất lượng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; nhất là trong công tác tuyên truyền đặc biệt đấu tranh với các quan của các thế lực thù địch.
- Ngày 15-1-1950: “Công an phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân”(5)
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Thư gửi Hội nghị Công an toàn quốc ngày 15-1-1950: “…Xây dựng bộ máy công an nhân dân. Tức là công an phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân. Đồng thời phải dựa vào các đoàn thể mà tổ chức và giáo dục nhân dân trong công việc phòng gian trừ gian, để nhân dân thiết thực giúp đỡ công an”, trong Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Lời trong thư gửi Hội nghị Công an nhân dân của Người được viết trong bối cảnh Đảng ta đang lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân ta tiến hành các nhiệm vụ: Thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; trấn áp bọn phản động, củng cố bảo vệ thành quả cách mạng.
Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận những đóng góp, hy sinh lớn lao của lực lượng công an nhân dân trong những năm qua; đồng thời căn dặn lực lượng công an hãy cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ, với tinh thần vì dân, tin dân, dựa vào dân mà phục vụ nhân dân. Lời của Người trong thư gửi Hội nghị Công an nhân dân được toàn thể cán bộ công an phấn khởi đón nhận, nhanh chóng lan truyền sâu rộng đến mọi tổ chức trong lực lượng công an, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ công an gắng sức thi đua lập nhiều thành tích trong bảo vệ chế độ, giữ gìn trật tự, an ninh chính trị và cuộc sống của nhân dân.
Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉnh huấn lực lượng Công an, không chỉ là bài học lớn đối với lực lượng Công an nhân dân, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Ghi sâu lời Bác năm xưa, hiện nay các đơn vị quân đội phát huy bản chất, truyền thống quân với dân như "cá với nước", đoàn két, gắn bó, giúp đỡn nhân dân; đẩy mạnh phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, an toàn gắn với xây dựng địa bàn an toàn, góp phần củng cố, tăng cường "thế trận lòng dân", cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Ngày 16-01: “Các cô, các chú nên thấm nhuần và làm cho cán bộ thấm nhuần điều này: Phải có tinh thần cảnh giác, phòng gian bảo mật”(6)
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Bài nói tại Hội nghị Cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 16 tháng 1 năm 1966; in trong sách Bài nói chuyện của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị nghiên cứu Nghị quyết của Trung ương; trong bối cảnh nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng giành được nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Bên cạnh thắng lợi đó, quá trình tiến hành cách mạng ở từng miền vẫn còn nhiều yếu kém sở hở, bị kẻ gian, bọn phản động lợi dụng phá hoại.
Hồ Chí Minh biểu dương, khen ngợi những tập thể, cá nhân đã lập được nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đồng thời chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm đang tồn tại; một số nơi còn làm lộ bí mật, cán bộ nói lộ bí mật của Đảng, Nhà nước bị kẻ địch lợi dụng chống phá, gây ra nhiều bất lợi, cản trở sự phát triển của cách mạng. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên trong bộ máy của Đảng, Nhà nước phải học tập, làm theo những gương điển hình; đồng thời phải sửa đổi lề lối làm việc cho thật khoa học; phải nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối giữ gìn bí mật của Đảng, Nhà nước.
Lời của Người nhanh chóng được triển khai tới mọi cán bộ, đảng viên, trong các tổ chức; tiến hành đợt sinh hoạt rút kinh nghiệm; đẩy mạnh phong trào học tập tập thể, cá nhân đạt thành tích tốt, kiên quyết khắc phục khuyết điểm; thực hiện nghiêm lề lối, nội quy làm việc. Trong lĩnh vực hoạt động quân sự, lời của Người được các đơn vị đón nhận, quán triệt sâu sắc; trao đổi rút kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, lề lối làm việc khoa học của cán bộ, chiến sĩ, thực hiện tốt công tác phòng gian bảo mật quân sự, bí mật quốc gia.
Hiện nay, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", thực hiện "phi chính trị hóa" quân đội; thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại để móc nối, lôi kéo, thu thập thông tin với âm mưu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đang đặt ra yêu cầu cao đối với các cơ quan, đơn vị quân đội trong đấu tranh phòng gian, giữ gìn bí mật quân sự, bí mật quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Ngày 17-01: “Gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ Mặt trận trung du, đợt thứ hai chiến dịch bắt đầu như thế là khá lắm. Bác thân ái gửi lời khen các chú. Bác mong mỗi người, mỗi đơn vị đều hăng hái thi đua xung phong, giết cho nhiều địch, hạ cho nhiều đồn”(7)
Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong điện gửi cán bộ và chiến sĩ Mặt trận Trung du, vào ngày 17 tháng 01 năm 1951, trong thời điểm thực dân Pháp ở Đông Dương do tướng Tátxinhi chỉ huy, đang tăng cường binh lực nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang, đàn áp, giết hại đồng bào, phá hủy mọi thành quả cách mạng; song chúng đã bị quân và dân ta đánh bại liên tiếp nhiều cuộc hành quân càn quét, đẩy địch vào thế bất lợi, binh lính hoang mang, lo sợ.
Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức Điện đã khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Mặt trận trung du trong thời gian qua đã lập nhiều công lớn; mong muốn cán bộ và chiến sĩ Mặt trận trung du hăng hái thi đua giết giặc lập công nhiều hơn nữa. Lời khích lệ của Người đã nhanh chóng lan truyền khắp mặt trận, cổ vũ động viên nhân dân và cán bộ, chiến sĩ cả nước, phát huy thắng lợi của chiến dịch lần trước, tiếp tục đoàn kết, thi đua giữa các đơn vị trong mặt trận, lập nhiều chiến công, thắng lợi lớn, đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Hiện nay, đất nước ta hòa bình, độc lập, công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng; phong trào thi đua yêu nước không ngừng được phát triển; Đảng và Nhà nước quan tâm tổ chức các hoạt động tôn vinh cái đúng, cái đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Trong quân đội, công tác thi đua và phong trào thi đua quyết thắng được đẩy mạnh, gắn chặt chẽ với Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"; khơi dậy và phát huy cao độ bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý thức, trách nhiệm, tài năng, sức sáng tạo to lớn của cán bộ, chiến sĩ toàn quân cống hiến cho sự nghiệp cách mạng cao cả, vẻ vang, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.8, tr390.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.9, tr.258.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.9, tr.475.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.14, tr.238.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.6, tr.312.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.15, tr.22.
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.7, tr.11.
Theo Cục Tuyên huấn
Thanh Huống (st)