Chỉ mục bài viết

  1. Ngày 01/02: “Nhà nào cũng có cửa, có buồng, có hòm, có khoá, để phòng ngừa  kẻ gian giảo, để giữ gìn của cải do mình khó nhọc làm ra. Giữ nhà phải cẩn thận như vậy. Giữ nước càng phải cẩn thận hơn(1).

Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài “Phải giữ bí mật của Nhà nước”, đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 01/02/1956. Đây là giai đoạn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc, thực dân vẫn đang tìm mọi cách để phá hoại cách mạng Việt Nam, trong đó có việc sử dụng tình báo để lấy cắp thông tin bí mật của Đảng, Nhà nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định, những bí mật Nhà nước về chính trị, kinh tế, quốc phòng… là tài sản quan trọng, có liên quan đến vận mệnh quốc gia, đến sự mất còn của dân tộc và bảo vệ bí mật Nhà nước là trách nhiệm của mọi công dân. Do đó, Hồ Chí Minh nhắc nhở mọi người phải cẩn thận trong tất cả các công việc, từ việc nhỏ đến việc lớn, đặc biệt là những việc liên quan đến bí mật của Nhà nước. Có như vậy, mới làm địch không thể đánh cắp được các văn kiện bí mật của ta và đó cũng là một cách để bảo vệ thành quả cách mạng, để giữ nước.

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp cho mỗi người Việt Nam yêu nước nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và sự ngăn nắp trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Dù làm việc gì cũng phải chu đáo cẩn thận, những việc liên quan đến lợi ích của quốc gia, dân tộc thì càng phải cẩn thận, chu đáo, tỷ mỉ hơn.

Lời dạy trên của Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa quan trọng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Người, mỗi quân nhân, mỗi cơ quan đơn vị đã và đang làm tốt công tác phòng gian, giữ bí mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối bí mật quân sự và bí mật quốc gia. Trong tình hình hiện nay, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, nguy cơ bị lộ, lọt hoặc bị đánh cắp bí mật quân sự, bí mật quốc gia càng trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước, quân đội về bảo mật thông tin, ngăn chặn việc lộ, lọt thông tin, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng mọi lúc, mọi nơi, không để cho kẻ địch có cơ hội lấy cắp những thông tin của cá nhân, của đơn vị, của quân đội và Nhà nước. Mặt khác, cần xử lý nghiêm mọi hành vi vì lợi ích cá nhân mà cố tình cung cấp bí mật quân sự cho đối phương.

  1. Ngày 02/02: “Chính phủ sẽ luôn luôn rộng lượng với những ai biết cải tà quy chính, trọng thưởng những ai biết đái tội lập công”(2).

Câu nói trên được Hồ Chí Minh viết trong “Thư chúc Tết đồng bào vùng tạm bị địch chiếm”, ngày 02/02/1949. Đây là giai đoạn mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra quyết liệt, cần phải động viên cao độ sức người, sức của cho cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Mặc dù vậy, trong vùng tạm bị địch chiếm, thực dân Pháp và các thế lực phản động đã tuyên truyền xuyên tạc, dùng đủ mọi cách ép nhân dân đi theo chúng. Vì vậy, có một bộ phận nhân dân do kém lập trường, thiếu niềm tin vào cách mạng đã đi theo Pháp, phục vụ cho Pháp.

Câu nói trên thể hiện sự thấu hiểu nỗi khổ của đồng bào vùng tạm bị địch chiếm trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc và tinh thần khoan dung, độ lượng của chính quyền cách mạng; góp phần thức tỉnh đồng bào trong vùng tạm chiếm lỡ lầm đường, lạc lối mà đi theo Pháp trở về với dân tộc, với cách mạng và kháng chiến. Câu nói cũng thể hiện tinh thần, chủ trương của Chính phủ cách mạng, sẽ nghiêm khắc trừng trị những kẻ cố ý hại dân, cam tâm phản quốc, nhưng thông cảm, thấu hiểu và tha thứ cho một số nhân dân vùng tạm chiếm vì bị Pháp ép mà phải làm việc cho chúng. Đồng thời kêu gọi đồng bào đoàn kết lấy công để chuộc tội, góp phần vào sự nghiệp chung của dân tộc. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thức tỉnh tinh thần, ý chí cách mạng, củng cố niềm tin của nhân dân Nam Bộ vào Chính phủ cách mạng, làm cho nhân dân đoàn kết chặt chẽ, giữ vững tinh thần, sẵn sàng giúp đỡ bộ đội và sẵn sàng để diệt địch, góp phần quan trọng vào củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Quán triệt quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ của quân đội, phải biết phân biệt giữa những kẻ phản động với những người lầm đường, lạc lối để có cách xử lý cho phù hợp. Kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng và hành động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, của dân tộc, nhưng phải tỏ rõ tinh thần độ lượng, khoan dung, tạo điều kiện cho những người vô tình bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, mua chuộc được lập công chuộc tội. Mặt khác, cần quán triệt sâu sắc tinh thần nghiêm khắc nhưng khoan dung vào công tác dân vận và công tác tuyên truyền đặc biệt, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, của quân đội trong tình hình hiện nay.

  1. Ngày 03/02: “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng. Mỗi cấp bộ của Đảng phải là một cơ quan lãnh đạo vững chắc ở địa phương, theo đúng đường lối, chính sách của Trung ương.”(3)

Lời dạy này được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bài “Đoàn kết tiến lên giành thắng lợi mới”. Bài viết nhân dịp kỷ niệm lần thứ 33 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/1963), trong bối cảnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc đang tích cực thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và cùng với đồng bào, chiến sỹ miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh thần thánh để thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà. Yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng lúc này đặt ra tính cấp thiết của việc đoàn kết và phát huy cao độ mọi tiềm năng, trí tuệ của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Tuy nhiên, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân chỉ có thể được phát huy khi mỗi chi bộ đảng ở cơ sở phải thực sự là hạt nhân lãnh đạo và là tấm gương mẫu mực về sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động. Mặt khác, để phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và các chi bộ đảng phải làm tốt công tác dân vận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ yêu cầu đối với vệc xây dựng các chi bộ ở các địa phương, các cấp, các ngành. Theo Người, các chi bộ phải thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo, phải biết đoàn kết, gắn bó và phát huy được vai trò của quần chúng. Đồng thời chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Trung ương.

Lời dạy trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương hướng cho công tác xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ và là mục tiêu phấn đấu, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Lời dạy của Người đã củng cố ý chí, quyết tâm, sự đoàn kết, thống nhất của các chi bộ ở cơ sở, góp phần quan trọng thúc đẩy việc thực hiện tốt kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở miền Bắc và phát huy sức mạnh của đồng bào, chiến sỹ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Giờ đây, lời dạy đó vẫn còn nguyên giá trị trong việc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta hiện nay.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một yêu cầu và định hướng quan trọng trong việc xây dựng các chi bộ trong Đảng bộ quân đội hiện nay. Theo đó, để phát huy cao độ sức mạnh của nhân tố con người trong quân đội, đòi hỏi mỗi chi bộ phải thực sự là tấm gương về sự đoàn kết, nhất trí, về lòng trung thành và luôn làm tốt công tác vận động quần chúng.

  1. Ngày 04/02: “Đoàn kết đã đưa Đảng ta và nhân dân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cho nên chúng ta quý trọng và ra sức bảo vệ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng và trong nhân dân ta cũng như giữa các đảng và giữa các nước anh em như giữ gìn con ngươi của mình”(4).

Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết "Mừng Đảng ta 33 tuổi”, ngày 04 tháng 02 năm 1963, nhân kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Đảng. Trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá chặng đường phát triển đã đi qua và sự ủng hộ của các đảng anh em, đồng thời khẳng định những công lao, đóng góp của Đảng đối với đất nước suốt hơn 33 năm.

Lời dạy trên thể hiện tầm quan trọng của đoàn kết, đó là nhân tố đã làm nên thắng lợi của Đảng và nhân dân ta trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đặc biệt, trong thời kỳ cách mạng nước ta thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Sự nghiệp cách mạng đòi hỏi phải phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế. Do vậy, theo Người, chúng ta cần phải quý trọng và giữ gìn sự đoàn kết nhất trí từ trong Đảng, trong nhân dân, giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với Đảng, Nhà nước và nhân dân các nước anh em như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Lời dạy của Người không chỉ khẳng định vai trò của đoàn kết đối với thắng lợi của cách mạng, mà còn nêu lên sự cần thiết và tầm quan trọng của việc giữ gìn đoàn kết. Đồng thời, đây cũng là phương châm chỉ đạo cho đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng ta, định hướng cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.

Với Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện lợi dạy trên của Người trước hết phải tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, đặc biệt là trong tổ chức đảng, sau đó là đoàn kết giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ với chiến sĩ và đoàn kết quân dân. Đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sỹ phải quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng tình đoàn kết quốc tế, thể hiện được truyền thống tốt đẹp của quân đội ta. Để giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong quân đội, đòi hỏi mỗi quân nhân phải thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của quân đội lên trên lợi ích cá nhân, luôn phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu trong lời nói và hành động, chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế khi được phân công.

  1. Ngày 05/02: “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân”(5).

Lời dạy trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Thư gửi Hội nghị nông vận và dân vận, ngày 05/02/1953. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta bước sang giai đoạn phản công, đòi hỏi phải huy động cao độ sức mạnh của toàn dân tộc, trong đó nông dân là một lực lượng đông đảo, cần phải phát huy cao độ mọi tiềm năng của họ và làm cho họ hăng hái tham gia vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định vai trò của nông dân là một lực lượng to lớn của dân tộc, là đồng minh chắc chắn nhất của giai cấp công nhân. Do đó sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc muốn thắng lợi thì phải dựa chắc vào nông dân, chăm lo đến lợi ích, nguyện vọng, đời sống của nông dân, khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần cách mạng, chủ nghĩa yêu nước và sức người, sức của của nông dân.

Lời dạy trên không chỉ là nền tảng tư tưởng để Đảng ta có các chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn đối với nông dân, củng cố niềm tin của nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, mà còn nhấn mạnh về đối tượng, yêu cầu, nhiệm vụ và cách thức tiến hành vận động nông dân mà các chủ thể công tác vận động quần chúng cần chú ý. Mặt khác, lời dạy của Người đã động viên, khích lệ nông dân đẩy mạnh tăng gia, sản xuất tích cực đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

Thực hiện lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thực hiện tốt chức năng công tác, làm tốt công tác dân vận, được nhân dân tin tưởng, giúp đỡ về mọi mặt. Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy vai trò của nhân dân nói chung, nông dân nói riêng cho sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, đòi hỏi mỗi quân nhân phải làm tốt vai trò của mình trong việc đoàn kết, giúp đỡ nhân dân, nhất là nông dân, thực hiện có hiệu quả chương trình “Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới”. Cùng với việc sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nhân dân, phải biết tuyên truyền vận động, củng cố tình đoàn kết quân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Mặt khác, phần lớn cán bộ, chiến sĩ trong quân đội xuất thân từ nông dân, do đó cần thực hiện tốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nông dân, góp phần tạo tâm lý tích cực, sự hăng hái của mỗi quân nhân.

  1. Ngày 06/02: “Cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức. Nhưng trọng trí thức như thế nào? Không phải tất cả đều là trọng. Trí thức đáng trọng là trí thức hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân(6).

Đây là lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trong buổi Khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, Dân, Chính ở cơ quan Trung ương, ngày 06-02-1953; là giai đoạn nước ta đang đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mặt khác, Hồ Chí Minh đã dự cảm về một giai đoạn mới của cách mạng nước ta sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi - giai đoạn kiến thiết và xây dựng. Do vậy, rất cần phải củng cố sự đoàn kết, thống nhất và phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc trong đó có đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, chưa chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Thậm chí, một bộ phận cán bộ, đảng viên có thành kiến, chưa nhìn nhận, đánh giá đúng về trí thức, làm cho nhiều trí thức trong các cơ quan Nhà nước cho rằng Đảng không coi trọng trí thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò to lớn của trí thức trong phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe nhân dân và mối quan hệ giữ trí thức với cách mạng. Đồng thời cũng đưa ra tiêu chuẩn về người trí thức chân chính. Lời dạy của Người không chỉ giúp chúng ta có nhận thức và thái độ đúng về trí thức, mà còn là một cơ sở để Đảng ta hoạch định đường lối, chủ trương xây dựng đội ngũ trí thức cách mạng. Đồng thời, đây cũng là phương hướng, mục tiêu phấn đấu của mỗi trí thức và là cơ sở để đấu tranh với những nhận thức, quan điểm, tư tưởng sai trái về trí thức.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội cần khẳng định vai trò quan trọng của trí thức trong sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trên cơ sở đó, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, của Quân ủy Trung ương về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức trong quân đội. Mặt khác, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo tại các Học viện, nhà trường trong toàn quân và có chính sách đúng, cách làm hợp lý để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong quân đội. Cùng với việc đào tạo đội ngũ trí thức về chuyên môn, nghiệp vụ, cần thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ trí thức về lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, làm cho đội ngũ trí thức tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng chính trị của Đảng. Kịp thời phát hiện và đấu tranh với những trí thức suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mọi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, nâng cao trình độ, năng lực công tác, làm chủ vũ khí, trang bị, góp phần phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới.

  1. Ngày 07/02: “Đối với tất cả các nước trên thế giới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài”(7).

Lời nói trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trong Hội nghị những người Ấn nghiên cứu vấn đề quốc tế, ngày 07/02/1958. Đây là giai đoạn Người có nhiều hoạt động đối ngoại, viếng thăm các nước. Qua đó, Người thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Việt Nam trong đối ngoại, tố cáo những âm mưu chia cắt, cô lập đất nước ta lâu dài và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cách mạng nước ta.

Câu nói trên đã diễn đạt đầy đủ nguyện vọng, quan điểm và đường lối đối ngoại của Việt Nam lúc bấy giờ là duy trì tình hữu nghị, sự hợp tác chân thành với tất cả các nước trên thế giới dù có chế độ chính trị khác nhau, trên nguyên tắc bình đẳng và tương trợ lẫn nhau nhằm xây dựng hòa bình trên thế giới. Quan điểm của Người là nền tảng tư tưởng cho đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta và là cơ sở để các nước có chế độ chính trị khác nhau trên thế giới công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Quán triệt và thực hiện quan điểm của Người, hoạt động đối ngoại của nước ta không ngừng mở rộng và phát triển, đã tranh thủ được sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa cũng như của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Đặc biệt, quan điểm đó của Người đã mở đường cho chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Thực hiện lời dạy trên của Người, Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang quán triệt sâu sắc đường lối phát triển đất nước, đường lối quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Đảng; mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng, đối ngoại quân sự; tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc phù hợp với khả năng và bản chất nhân văn, nhân đạo của một quân đội cách mạng. Quán triệt, thực hiện quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay, quân đội cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam, trên cơ sở đó nhận rõ đối tượng tác chiến; không ngừng chăm lo xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

  1. Ngày 08/02: “Tự mãn thì không tiến bộ được nữa; không tiến bộ tức là thoái bộ, mà thoái bộ thì không làm tròn nhiệm vụ”(8).

Đây là lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II, ngày 08/02/1955; trong giai đoạn miền Bắc nước ta mới được giải phóng và bước vào cải cách ruộng đất. Trong cải cách ruộng đất có nhiều cán bộ, đảng viên, hăng hái làm đúng đường lối của Đảng, nhưng ngược lại, cũng có nhiều người mắc khuyết điểm cho mình là thạo rồi, việc gì cũng biết, tự kiêu, tự mãn, chủ quan, thiếu cảnh giác, bị giai cấp địa chủ lừa gạt.

Hồ Chí Minh muốn thông qua một sự việc cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ cải cách ruộng đất để chỉ ra bệnh tự kiêu, tự mãn và tác hại của nó đối với mỗi cán bộ, đảng viên và đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ của cách mạng. Đây là lời cảnh tỉnh đối với tất cả mọi người, nhất là những người cách mạng, không bao giờ được tự mãn, tự kiêu, mà cần phải khiêm tốn, cầu thị, không ngừng hăng hái, phấn đấu, học hỏi để nâng cao hiểu biết, hoàn thiện kỹ năng, phương pháp, tác phong công tác, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc.

Lời dạy của Người không chỉ là yêu cầu về đạo đức cách mạng, mà còn là phương châm chỉ đạo việc học tập đối với mỗi cán bộ, đảng viên với tinh thần, học nữa, học mãi, học mọi lúc, mọi nơi, học trong nhà trường, học trong công tác, lao động, sản xuất, chiến đấu, nhất là học nhân dân. Lời dạy của Người đã góp phần khắc phục tư tưởng tự mãn, tự kiêu ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự học, tự rèn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng.

Quán triệt, thực hiện lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ quân đội với tinh thần tự học, tự rèn đã trở thành những tướng lĩnh tiêu biểu, xuất sắc trong quân đội, những cán bộ cách mạng ưu tú của Đảng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… Ngày nay, trước yêu cầu xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi mỗi quân nhân, nhất là cán bộ, sĩ quan phải tích cực, chủ động học tập, rèn luyện mọi lúc, mọi nơi để không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, củng cố vững chắc lập trường tư tưởng, có trình độ kỹ, chiến thuật, trình độ chỉ huy, quản lý tốt. Kiên quyết khắc phục những tư tưởng không đúng, nhất là bệnh chủ quan, tự mãn, tự kiêu để góp phần xây dựng đơn vị và quân đội ngày càng vững mạnh, thực sự chính quy, tinh nhuệ, luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.

  1. Ngày 09/02: “Thực hiện khẩu hiệu “Sạch làng tốt ruộng”, “Tấc đất tấc vàng” - nhà cửa, vườn tược, đường sá đều sạch sẽ, đúng vệ sinh”(9).

Là lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong bài viết “Một chi bộ tốt ở nông thôn”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 2518, ngày 09-02-1961. Đây là giai đoạn miền Bắc đang tập trung thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, trong đó một yêu cầu đặt ra là phải đẩy mạnh xây dựng chi bộ ở nông thôn, làm nòng cốt lãnh đạo các địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm lãnh đạo của Chi bộ Kim An (Hà Đông), Hồ Chí Minh muốn phổ biến để các nơi khác học tập.

Lời dạy trên đề cập đến khẩu hiệu và phương châm trong phát triển sản xuất, đồng thời kết hợp với việc xây dựng cảnh quan, môi trường, xây dựng đời sống mới ở các địa phương. Lời dạy của Người có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển nông nghiệp ở các vùng nông thôn, đặc biệt là việc kết hợp giữa phát triển sản xuất với việc bảo vệ môi trường. Đây cũng là một yêu cầu trong phát triển bền vững ở nông thôn và là một trong những tiêu chí của nông thôn mới hiện nay. Quán triệt và thực hiện lời dạy của Người, Đảng ta đã phát động phong trào khai hoang, phục hóa, tổ chức các công, nông trường để quai đê, lấn biển, mở rộng đất sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong giai đoạn hiện nay, sự gia tăng dân số và sự đa dạng hóa các mô hình sản xuất đang tạo nên những vấn đề nóng ở nông thôn như vấn đề sử dụng đất, vấn đề ô nhiễm môi trường… Do vậy, các chi bộ ở nông thôn cần lãnh đạo thực hiện tốt các quy hoạch của trên để đất đai được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và bền vững. Đồng thời, cần quan tâm sâu sắc đến việc tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ môi trường để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi quân nhân cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, thực hiện tốt phong trào xây dựng cảnh quan, môi trường văn hóa trong đơn vị, bảo đảm đơn vị luôn có môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp và phong phú. Mặt khác, mỗi quân nhân phải có ý thức giữ vệ sinh nơi thao trường huấn luyện, các đơn vị quân đội cần tích cực giúp đỡ nhân dân nơi đóng quân thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, mỗi quân nhân cần đề cao ý thức tự phê bình và phê bình trong việc sắp đặt nội vụ, vệ sinh, nơi ăn, ở, học tập, công tác, góp phần xây dựng các đơn vị cơ sở trong quân đội chính quy, mẫu mực về cảnh quan, môi trường.

  1. Ngày 10/02: “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân… Làm đày tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân”(10).

Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài nói với cán bộ tỉnh Hà Tây ngày 10-02-1967 và đăng trên báo Nhân dân, số 4713, ngày 05-3-1967. Đây là lần Bác đến thăm và nói chuyện với Hợp tác xã Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội, nhằm rút kinh nghiệm làm điểm trong xây dựng hợp tác xã, trong đó có vấn đề về xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ.

Lời dạy của Người đề cập đến mối quan hệ giữa số lượng với chất lượng trong xây dựng đảng. Trong đó, Người nhấn mạnh đến cái chất, tức là phẩm chất cách mạng, năng lực công tác, bản lĩnh chính trị và tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên. Do đó, phát triển Đảng phải đặt trọng tâm vào chất lượng, coi trọng chất lượng, lấy chất lượng làm chính, không chạy theo số lượng thuần túy. Mặt khác, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trong quan hệ với nhân dân.

Lời dạy của Người có ý nghĩa rất quan trọng, là kim chỉ nam trong công tác xây dựng Đảng. Đồng thời là cơ sở để người đảng viên xác định tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Đảng, với nhân dân. Từ đó, góp phần khắc phục những khuyết điểm đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực hiện lời dạy của Người, đại bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng tự giác tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, luôn tiền phong, gương mẫu, thực sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.

Trong suốt thời qua, thực hiện lời dạy của Người, Đảng bộ quân đội luôn quan tâm sâu sắc đến công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, bảo đảm đội ngũ cán bộ, đảng viên có chất lượng tốt trên cơ sở số lượng phù hợp đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội, góp phần giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Hiện nay, trong xây dựng quân đội, nhất là trong phát triển đội ngũ đảng viên, cấp ủy các cấp cần chú trọng cả chất lượng và số lượng, tuy nhiên phải đề cao chất lượng, không nên chạy theo số lượng, theo chỉ tiêu đơn thuần mà xem nhẹ chất lượng đảng viên. Đồng thời, qua đây mỗi đảng viên trong quân đội nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác vận động, tin dân, hiểu dân, trọng dân, gần dân, gắn bó mật thiết với quần chúng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, thờ ơ vô cảm trước khó khăn của bộ đội và nhân dân; làm gương cho quần chúng, cho cấp dưới về phẩm chất, năng lực, phương pháp và phong cách công tác, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị./.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tập 10, tr.262.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tập 6, tr.28.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tập 14, tr.28.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tập 14, tr.33.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.42.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.53.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.269.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.307.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.38.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.292.

Theo Cục Tuyên huấn

Thanh Huống (St)

Bài viết khác: