Chỉ mục bài viết

 

  1. Ngày 21/3: “Cán bộ phải tuyệt đối tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí, tham ô”(1).

Lời nói trên, Bác Hồ nói trong buổi gặp gỡ đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, ngày 21/3/1961, trong hoàn cảnh miền Bắc nước ta đang bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, tiếp tục cải tạo chủ nghĩa xã hội và củng cố quan hệ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt; đồng thời, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh giữ gìn trật tự an ninh bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần thiết thực vào thực hiện sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Bác mong muốn và nhắc nhở cán bộ dù ở cấp nào, ngành nào đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân, tất cả cán bộ phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân; phải hết sức quan tâm đến đời sống nhân dân; thực hiện theo đúng chính sách của Đảng; đồng thời, tuyệt đối tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí, tham ô. Do đó mà lãnh đạo phải dân chủ, thiết thực, cụ thể và toàn diện. Phải tránh cách lãnh đạo đại khái, phiến diện chung chung. Trong mọi công việc, đảng viên và đoàn viên, thanh niên phải làm gương mẫu, để lôi cuốn nhân dân cùng tiến bộ.

Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch đang ra sức lôi kéo, thực hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã làm thay đổi nấc thang giá trị đạo đức cách mạng. Song giá trị lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Cán bộ phải tuyệt đối tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí, tham ô”, được Đảng ta quán triệt, thực hiện nghiêm túc và phát huy mạnh mẽ trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp, các ngành và cả trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ phải luôn coi trọng việc khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức trong sáng, kiến thức chuyên môn, trách nhiệm với công việc là vấn đề quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Là một bộ phận cán bộ trọng yếu của Đảng trong quân đội, đội ngũ cán quân đội luôn thấm nhuần lời dạy của Bác, dù trong điều kiện hoàn cảnh nào đội ngũ cán bộ trong quân đội đều nhận thức rõ điều đó, luôn giữ vững lập trường quan điểm, phẩm chất đạo đức cách mạng, kiên định mục tiêu lý tưởng chiến đấu, tích cực tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Việc làm đó, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay.

  1. Ngày 22/3: “Quốc hội ta do toàn dân tự do bầu cử, là đại biểu chân chính của nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam”(2).

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Bác nói vào ngày 22/3/1955, khi Ngô Đình Diệm được sự hậu thuẫn của Mỹ đang ra sức phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ và lập nên “Quốc hội lâm thời”, gồm 247 người chủ yếu không thông qua bầu cử ở miền Nam Việt Nam. Từ đó, Bác đã làm rõ về Quốc hội ta, được thành lập trong những năm chiến tranh chống xâm lược, do toàn dân tự do bầu cử, là đại biểu chân chính của nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam. Quốc hội ta đã sát cánh cùng với Chính phủ và nhân dân chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, dũng cảm hy sinh, đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi. Nay trong hoàn cảnh hòa bình, trước tình hình mới và nhiệm vụ mới, Quốc hội ta lại cùng nhân dân và Chính phủ khắc phục những khó khăn, phát triển những thuận lợi mới, để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Là đại biểu chân chính của nhân dân, Quốc hội thực hiện quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ có Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Hiến pháp giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong những dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đều hăng hái tích cực tham gia bầu cử, chọn lựa những người xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước và ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thật sự là ngày hội của toàn dân.

Là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Tổ quốc và nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn ý thức rất rõ ý nghĩa tầm quan trọng về xây dựng Quốc hội và thực hiện Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội. Theo đó, Quân đội luôn chủ động quán triệt, thực hiện nghiêm túc Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổ chức tốt bầu cử, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn cho bầu cử, chủ động làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị phá hoại cuộc bầu cử, góp phần thành công của bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng.

  1. Ngày 23/3: “Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lê-nin”(3).

Lời nói trên của Bác được trích trong buổi nói chuyện tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc(4) vào ngày 23/3/1956, trong thời điểm miền Bắc nước ta vừa bước vào hòa bình, thống nhất, xây dựng nước nhà công tác giáo dục hết sức khó khăn. Trong bối cảnh đó, có tư tưởng lo ngại rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin bó buộc tư tưởng, bó buộc giáo dục. Bác đã giải thích, làm rõ những tư tưởng lo ngại không đúng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin,“Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lê-nin”. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng. Hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là chủ nghĩa Mác - Lê-nin không có gì cao xa. Muốn phát triển giáo dục phải có kế hoạch lâu dài, phải cố gắng, phải quyết tâm thì chiến thắng được mọi khó khăn.

Thực hiện lời nói của Bác trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng để hoạch địch chủ trương, đường lối lãnh đạo đất nước, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, hết sức phụng sự nhân dân là điều cao quý nhất. Người đã nhiều lần nói, được phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng và cách mạng là cao quý hơn cả…trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Việc xác định rõ vai trò của nhân dân chính là định hướng cho sự phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước. Tất cả mọi việc đều hướng tới lợi ích của dân, cho dân và vì dân. Chỉ khi tầng lớp nhân dân có được đời sống thực sự ấm no, hạnh phúc thì đất nước mới có được sức mạnh hùng cường, mới có thể bước tới đài vinh quang. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên công chức phòng chống biểu hiện tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi đều phải quyết tâm hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Nếu chúng ta nhận thức đúng sẽ mở đường cho hành động đúng và nếu nhận thức sai sẽ dẫn đến hành động sai.

Là lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ chí Minh: “Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lê-nin”, mọi cán bộ, chiến sĩ luôn nhận thức sâu sắc, nêu cao trách nhiệm, giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, ra sức thi đua học tập và rèn luyện để trở thành người chiến sĩ xung kích trong mọi công việc, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giúp nhân lao động sản xuất, phòng, chống, khắc phục thiên tai, bão, lũ, góp phần cùng nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng. Đó là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

  1. Ngày 24/3: “Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể, nó phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân”(5).

Lời nói trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại Đại hội lần thứ III Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, trong điều kiện miền Bắc nước ta đang ra sức củng có quan hệ sản xuất và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Để nhận thức đúng tình hình, tiếp thu tư tưởng tiên tiến, học tập kinh nghiệm tốt trong đấu tranh thực hiện thắng lợi cách mạng. Theo người, muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức cách mạng của người cách mạng, thì kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công. Để giải quyết nhiệm vụ đó phải có đội ngũ cán bộ tốt: Bởi vì, "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Đội ngũ cán bộ phải thực sự là lực lượng tiên phong về trí tuệ, về phẩm chất đạo đức, phải là những hạt giống tốt để nhân giống rộng trong xã hội và các đoàn thể. Muốn vậy phải thường xuyên giáo dục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về mọi mặt, mà trước hết là về đạo đức cách mạng.

Người cho rằng, đạo đức cách mạng là "cái gốc'' cái căn bản của người cách mạng. Có đạo đức cách mạng mới trở thành người cán bộ tốt. Mới làm tròn vai trò người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân. Đạo đức cách mạng là cơ sở, nền tảng để mỗi cán bộ phấn đấu hoàn thiện mình. Bởi lẽ, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Đạo đức cách mạng không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của cả loài ng­ười, biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết, là suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, “hết lòng phụng vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Đó là cốt lõi, là bản chất của đạo đức cách mạng, là nguyên tắc cao nhất.

Đối với Quân đội ta, yêu cầu cơ bản phải thường xuyên xây dựng, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo những nội dung, tiêu chuẩn chung về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng kiên quyết làm đúng đường lối, chính sách và nghị quyết của Đảng, không sợ khó khăn, gian khổ, không chùng bước trước mọi khó khăn, thách thức, suốt đời phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giàu lòng nhân ái. Đồng thời thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức và lối sống. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, lối sống suy thoái về đạo đức. Thiết thực góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.

  1. Ngày 25/3: “Thanh niên ta có cố gắng, có tiến bộ và có nhiều thành tích. Nhưng chớ vì thế mà tự cao, tự đại; phải khiêm tốn, phải luôn luôn cố gắng hơn nữa, vượt mọi khó khăn, để giành lấy thành tích nhiều hơn và to lớn hơn(6).

Lời nói trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 25/3/1966, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước sang giai đoạn mới. Đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện “Chiến tranh cục bộ” được tiến hành bằng lực lượng quân đội Mỹ, quân đồng minh và quân đội Sài Gòn; đồng thời, thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, nhằm ngăn chặn cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà của dân tộc ta.

Lời nói của Bác là nguồn cỗ vũ động viên tinh thần to lớn cho lớp lớp thế hệ thanh niên lên đường chiến đấu, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Các thế hệ thanh niên cùng nhân dân cả nước đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh ra sức bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện lời dạy của Bác, thanh niên Việt Nam luôn đóng vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt trên nhiều mặt trận trong các nhà trường, công xưởng, xí nghiệp và ở cả trên lĩnh vực công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Những diễn biến phức tạp tình hình hiện nay luôn tiềm ẩn và chứa đựng những yếu tố khó lường, thế hệ trẻ thanh niên chịu chi phối, tác động của nhiều yếu tố, cả tích cực và tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường và các tệ nạn xã hội… làm thay đổi về quan niệm nấc thang giá trị đạo đức, làm xói mòn nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp, nhằm kích động, lôi kéo, chia rẽ thanh niên. Trước những diễn biến phức tạp đó, thế hệ thanh niên Việt Nam luôn giữ vững lập trường bản lĩnh chính trị, phát huy vai trò xung kích, tiềm năng to lớn trong thực hiện nhiệm vụ trên mọi miền Tổ quốc, có nhiều thành tích tiêu biểu trong học tập, lao động và công tác nghiên cứu khoa học…, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.

Là một bộ phận của thanh niên Việt Nam, thanh niên quân đội luôn có vai trò hết sức quan trọng trong trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lớp lớp thế hệ đoàn viên, thanh niên trong quân đội đã kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, xây đắp nên truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thanh niên quân đội luôn là lực lượng xung kích nòng cốt, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tích cực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đi đầu trong phòng, chống thiên tai; khắc phục những khó khăn, gian khổ nơi biên giới, hải đảo, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; đồng thời, luôn nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tự giác học tập, rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

  1. Ngày 26/3: “Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ, song nhất định thắng lợi. Mọi người chúng ta, bất kỳ ai, làm việc gì, ở cương vị nào, đều phải là những chiến sĩ dũng cảm của sự nghiệp vẻ vang ấy”(7).

Câu nói trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Báo cáo chính trị tại Hội nghị Chính trị đặc biệt diễn ra từ ngày 27 đến ngày 28/3/1964, khi miền Bắc đã có 10 năm được hưởng hòa bình thống nhất, đang trong quá trình xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa; miền Nam đang trực tiếp đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa, tiếp tục sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Chính tại thời điểm này Bác đã động viên nhân dân tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; cùng một lúc tiến hành hai cuộc cách mạng trên cả hai miền (cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam) là một việc làm hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài. Trong lời kêu gọi “chống Mỹ, cứu nước” tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa… nhân dân Việt Nam nhất định thắng, Mỹ nhất định thua”. Chính vì vậy, để tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và ủng hộ nhân dân miền Nam anh dũng đấu tranh bằng cả sức người, sức của, càng đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, xác định rõ thái độ, trách nhiệm, tích cực tạo ra sức mạnh to lớn để hoàn thành thắng lợi vào sự nghiệp vẻ vang ấy.

Hiện nay, sau hơn 30 năm đổi mới, bằng sự nỗ lực cố gắng, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng. Song lời dạy của Bác “Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ, song nhất định thắng lợi. Mọi người chúng ta, bất kỳ ai, làm việc gì, ở cương vị nào, đều phải là những chiến sĩ dũng cảm của sự nghiệp vẻ vang ấy”, vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được Đảng, nhân dân ta phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp cách mạng mới. Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay, cần thống nhất nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta vẫn đang ở thời kỳ quá độ còn nhiều khó khăn, phức tạp và lâu dài… đòi hỏi Đảng và nhân dân ta tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng và có phương pháp, hình thức, bước đi phù hợp cho từng giai đoạn cách mạng. Đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch…

Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, xác định rõ nhiệm vụ, chức năng trong sự nghiệp cách mạng, là lực lượng nòng cốt sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhà nước và nhân dân. Trước yêu cầu cao của sự nghiệp cách mạng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, đảm bảo cho Quân đội nhân dân hoàn thành tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất và các nhiệm vụ được giao, thực sự xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

  1. Ngày 27/3: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Đây là câu trích của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người nói về “Sức khỏe và thể dục” trên Báo Cứu quốc: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”(8).

Câu nói trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài Sức khỏe và thể dục đăng trên Báo Cứu quốc, số 199, ngày 27/3/1946, khi chính quyền non trẻ của nhân dân mới được thành lập, đang phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách, thù trong giặc ngoài… Nhiệm vụ kiến thiết và bảo vệ đất nước là nhiệm vụ nặng nề của toàn dân tộc, đòi hỏi mỗi người dân phải có sức khỏe. Bác kêu gọi mọi người dân bất kể già trẻ, trai gái gia sức luyện tập thể dục, luyện tập hàng ngày để có sức khỏe, đồng thời Bác cũng khẳng định rằng: Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Mỗi người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe, có như vậy, công cuộc kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công.

Ngày nay, sự nghiệp cách mạng của đất nước ta đang có những bước chuyển biến tích cực, mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đang dần dần sáng tỏ. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức và những nguy cơ. Song giá trị của lời kêu gọi “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe” vẫn còn nguyên vẹn và tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn cách mạng mới. Đặc biệt trước sự phát triển của khoa học và công nghệ và sự xâm lăng của các văn hóa xấu độc. Vì vậy, càng đòi hỏi những người dân yêu nước không những phải có sức khỏe về thể xác mà còn cần có cả sức khỏe về tâm hồn, có như vậy đất nước ta mới thật sự khỏe mạnh và đủ sức chống lại họa xâm lăng và những mầm mống “ung thư” của chế độ tư bản chủ nghĩa.

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng xung kích trong mọi hoạt động, có chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, với tính chất khó khăn và gian khổ. Vì vậy, việc rèn luyện thể lực, tăng cường sức khỏe cho bộ đội là một yêu cầu thiết yếu trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay các cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã và đang không ngừng, rèn luyện cả về thể lực và chí lực, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

  1. Ngày 28/3: “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu” là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với cán bộ chiến sĩ 2 đại đội xe đầu tiên của quân đội ta vào năm 1951. “Hiện nay nước ta chưa sản xuất được xe. Xăng cũng vậy, có rất ít. Kháng chiến còn dài, chiến dịch ngày một mở rộng, yêu cầu vận chuyển ngày càng cao. Vì vậy, các chú phải giữ gìn xe, tiết kiệm xăng để phục vụ bộ đội. Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”(9).

Câu nói trên là của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đến thăm đoàn xe đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào ngày 28/3/1951. Sau Chiến thắng Chiến dịch Biên giới 1950, Quân đội ta đã có 2 đại đội vận tải ô tô đầu tiên, gồm: Đại đội 200 và Đại đội 203 đóng quân tại làng Nà Roác, xã Bạch Đằng (Hòa An). Sau khi ân cần hỏi thăm sức khỏe và tình hình công tác cũng như sự đùm bọc của nhân dân trong vùng, Bác đã căn dặn: “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”. Xe, xăng là tài sản, là mồ hôi, là xương máu của nhân dân, vì vậy, Bác yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ ngành xe cần phải thực hành tiết kiệm, gia sức giữ gìn tài sản của nhân dân như máu của chính mình. Lời dạy đó đã trở thành phương châm chỉ đạo, khẩu hiệu hành động trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của ngành xe - máy Quân đội từ khi thành lập đến nay.

Hiện nay, trước sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ nói chung và khoa học công nghệ quân sự nói riêng, chúng ta đã sản xuất được xe, xăng. Song lời dạy của Bác “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu” vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới đất nước. Vì công cuộc đổi mới còn cần nhiều cơ sở vật chất và đất nước ta còn nghèo, nhất thiết phải gia sức tiết kiệm cho sự nghiệp cách mạng ấy.

Quân đội nhân dân Việt Nam thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh gần 70 năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật, ngành Xe - máy quân đội đã thiết thực biến lời dạy của Bác thành Cuộc vận động 50 “Quản lý, khai thác sử dụng vũ khí trang bị tốt, bền, an toàn, tiết kiệm, an toàn giao thông” trong toàn quân, góp phần to lớn tạo nên sức mạnh của Quân đội ta hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Từ đó, ngày 28 tháng 3 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Xe - máy Quân đội nhân dân Việt Nam.

  1. Ngày 29/3: “Muốn thi đua có kết quả tốt, thì đầu óc cần phải suy nghĩ tìm tòi, cũng như tay chân phải cần cù nhanh nhẹn”(10).

Lời nói trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong bài Một công nhân gương mẫu đăng trên Báo Nhân Dân, số 392, ngày 29/3/1955, khi mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của chúng ta vừa kết thúc thắng lợi, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ cách mạng (cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam). Vì vậy, để hoàn thành được hai nhiệm vụ khó khăn trên, cần phải có sự nỗ lực cố gắng của toàn thể nhân dân cho sự nghiệp cách mạng, muốn vậy thì phải thi đua, Người khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng: Muốn thi đua đạt kết quả tốt thì đầu óc phải suy nghĩ, tìm tòi và phải có sáng kiến thì mới thu được kết quả tốt, cũng như chân tay phải cần cù nhanh nhẹn, có như vậy kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công.

Trong giai đoạn hiện nay, sự nghiệp cách mạng nước ta tuy đã đạt được một số thành tựu đáng kể sau 30 năm đổi mới, nhưng vần còn nhiều khó khăn, thách thức. Song lời dạy của Người “Muốn thi đua có kết quả tốt, thì đầu óc cần phải suy nghĩ tìm tòi, cũng như tay chân phải cần cù nhanh nhẹn” vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, thiết thực phát động thành những phong trào thi đua sâu rộng trong toàn thể nhân dân… Để thực hiện tốt nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới, đòi hỏi nội dung, hình thức, phương pháp thi đua phải sát với yêu cầu thực tiễn cụ thể của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, từ phong trào nhỏ, quy mô nhỏ, tiến tới phong trào lớn và quy mô lớn cấp quốc gia.

Quân đội nhân dân Việt Nam thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Muốn thi đua có kết quả tốt, thì đầu óc cần phải suy nghĩ tìm tòi, cũng như tay chân phải cần cù nhanh nhẹn”. Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển, yêu cầu cao trong điều kiện đan xen phức tạp cả thời cơ, thuận lợi, khó khăn và thách thức. Điều đó đặt ra cho công tác thi đua phải tiếp tục đổi mới, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Từ đó, làm cho phong trào thi đua thực sự là động lực thúc đẩy toàn quân hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

  1. Ngày 30/3:“Trong học tập, cán bộ và công nhân phải phê bình nhau thẳng thắn, có đúng nói đúng, có sai nói sai, không sợ mất thể diện; có khuyết điểm nói ra để giúp đỡ nhau sửa chữa”(11).

Câu nói trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói khi đến thăm cán bộ và công nhân Công trường Đèo Nai (Cẩm Phả, Quảng Ninh) vào ngày 30 tháng 3 năm 1959. Đây là thời điểm mà miền Bắc đang phục hồi vết thương chiến tranh, xây dựng tổ chức lại đất nước và tích lũy để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp tới; là giai đoạn thực hiện kế hoạch 3 năm lần thứ 2 (1958-1960). Câu nói “Trong học tập, cán bộ và công nhân phải phê bình nhau thẳng thắn, có đúng nói đúng, có sai nói sai, không sợ mất thể diện; có khuyết điểm nói ra để giúp đỡ nhau sửa chữa”, là quan điểm “phê bình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đây là phê bình việc chứ không phê bình người, bên cạnh đó, Bác cũng yêu cầu trong công việc cán bộ, công nhân phải đoàn kết, gần giũ giúp đỡ nhau. Đây là lời dạy sâu sắc của Bác mà lớp lớp cán bộ công nhân mỏ than Đèo Nai luôn khắc sâu ghi nhớ và thực hiện. Cán bộ và công nhân nơi đây luôn đẩy mạnh phong trào thi đua để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các kế hoạch sản xuất than, nâng cao đời sống thợ mỏ. Trong những năm kháng chiến, với khẩu hiệu “thợ mỏ làm than, như quân đội đánh giặc”.

            Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; song lời dạy “Trong học tập, cán bộ và công nhân phải phê bình nhau thẳng thắn, có đúng nói đúng, có sai nói sai, không sợ mất thể diện; có khuyết điểm nói ra để giúp đỡ nhau sửa chữa” của Bác vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tực được đẩy mạnh và phát huy trong suốt quá trình đổi mới đất nước. Sau 30 năm đổi mới đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, để sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cần phải vận dụng lời dạy của Bác một cách sáng tạo, triệt để trong lao động sản xuất và học tập, có như vậy, sản xuất mới phát triển, kinh tế tăng trưởng cao, đời sống của cán bộ, công nhân được cải thiện, đất nước phát triển...

Quân đội nhân dân Việt Nam thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trong học tập, cán bộ và công nhân phải phê bình nhau thẳng thắn, có đúng nói đúng, có sai nói sai, không sợ mất thể diện; có khuyết điểm nói ra để giúp đỡ nhau sửa chữa”, vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện hoạt động cụ thể của mỗi đơn vị, cán bộ, chiến sĩ luôn có sự trao đổi đóng góp cho nhau trong thực hiện nhiệm vụ. Có như vậy, Quân đội ta mới thực sự trở thành một lực lượng vũ trang lớn mạnh, thống nhất toàn quân một ý chí, sãn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

  1. Ngày 31/3: Lời Bác Hồ dạy “Không được chủ quan, thỏa mãn; phải đoàn kết nội bộ; đoàn kết quân dân; giữ gìn vũ khí, trang bị, máy móc(12).

Hơn 3 năm sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc đã có nhiều thành tựu trong xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội. Đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân được nâng cao, chính quyền nhân dân được củng cố. Trong bối cảnh hòa bình đó, tâm lý của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân nói chung; của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nói riêng có sự buông lỏng, chủ quan, thỏa mãn. Công tác xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng ở một số đơn vị, địa phương có biểu hiện lơi lỏng. Ngày 31/3/1959, sau khi Cục Hải quân được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Huấn luyện Hải quân. Tại đây, nói chuyện với lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong Cục, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Không được chủ quan, thỏa mãn; phải đoàn kết nội bộ; đoàn kết quân dân; giữ gìn vũ khí, trang bị, máy móc”.

Lời căn dặn của Người không chỉ dành riêng cho cán bộ, chiến sĩ của Cục Hải quân mà là lời căn dặn, nhắc nhở chung cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta không một phút được lơi lỏng, chủ quan, thỏa mãn với những thành tựu bước đầu mới đạt được; phải không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt củng cố mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với nhân dân. Riêng đối với Quân đội, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác huấn luyện, giữ gìn và đổi mới vũ khí, trang thiết bị; nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, đủ sức bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiện nay, đất nước ta đang ở trong giai đoạn hòa bình, phát triển ổn định; tuy nhiên tình hình thế giới, khu vực vẫn tồn tại những diễn biến phức tạp; tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp chủ quyền biển, đảo còn diễn ra gay gắt... Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại càng phải ghi nhớ lời dạy của Bác, ra sức củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; đặc biệt chú ý giữ gìn, phát triển mối quan hệ giữa Đảng, quân đội với nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng; không ngừng ra sức chăm lo, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc chế độ, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của đất nước. Đối với lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ và chiến sĩ các đơn vị trong toàn quân cần luôn giữ gìn đoàn kết nội bộ; nghiêm túc thực hiện tốt công tác huấn luyện; bảo quản, giữ gìn vũ khí trang bị, luôn bảo đảm sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống./.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr. 84.

(2) Quốc hội ta do toàn dân tự do bầu cử, là đại biểu chân chính của nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr. 290.

(4) Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc họp từ ngày 14-3 đến ngày 27-3-1956, tại Hà Nội.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr. 90.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 66.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr. 286.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội 2011, tr. 241.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội 2011, tr. 58.

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội 2011, tr. 384.

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội 2011, tr. 144.

(12) Cục Chính trị Quân chủng Hải quân, Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 - 2015), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 67.

Bài viết khác: