Chỉ mục bài viết

 

  1. Ngày 21/02: “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”(1).

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói chuyện tại Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn ngành Giáo dục, ngày 21 tháng 02 năm 1956: “Các cô, các chú đã thấy trách nhiệm to lớn của mình, đồng thời cũng thấy khả năng của mình cần được nâng cao thêm lên mãi mới làm tròn nhiệm vụ được. Vì thế, các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”.

Vào đầu năm 1956, khi miền Bắc vừa mới bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đầy khó khăn gian khổ, lời căn dặn trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định ý nghĩa của việc học tập kinh nghiệm các nước anh em là rất cần thiết mà còn nhắc nhở, động viên đội ngũ giáo viên và cán bộ ngành Giáo dục phải nêu cao trách nhiệm, phải thấy rõ trách nhiệm lớn lao của mình đối với Đảng, với Chính phủ và với nhân dân. Đồng thời, thấy rõ khả năng của mình để phấn đấu nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ mọi mặt cả trình độ lý luận chính trị, cả chuyên môn nghiệp vụ thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, nếu không sẽ tụt hậu. Đặc biệt là học tập kinh nghiệm của các nước anh em để ứng dụng theo yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân cả nước nói chung, ngành Giáo dục nói riêng đã ra sức học tập, trau dồi những kinh nghiệm để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và kiến thiết nước nhà.

Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lời dạy “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu” vẫn còn vẹn nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo để thực hiện thắng lợi việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ quân đội nói chung, cán bộ giảng dạy trong các học viện, trường quân đội nói riêng càng phải tích cực phấn đấu học tập, nghiên cứu, tiếp thu cái mới, ra sức rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

  1. Ngày 22/02: “Đường lối là để mà đi. Theo đúng đường lối thì đi đến nơi về đến chốn. Theo không đúng thì dễ đâm đầu vào bụi, rơi xuống mương”(2).

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Đường lối chung của Đảng và Chính phủ ở nông thôn”. Năm 1957, khi mà công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta ở miền Bắc mới bắt đầu những bước đi đầu tiên nên cần phải đi cho đúng, đặc biệt là ở nông thôn phải xác định những bước đi phù hợp.

Lời nói trên có ý nghĩa rất lớn, khẳng định tầm quan trọng của đường lối cách mạng trong tập hợp, dẫn dắt quần chúng nhân dân. Nhân dân phải đi theo đúng đường lối của Đảng thì sẽ đi đến thành công, sẽ phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng; đồng thời, cũng nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên nếu xác định sai đường lối, đi sai đường lối thì sẽ không tập hợp được quần chúng nhân dân. Nhân dân đi sai đường lối thì sẽ dẫn đến thất bại. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân ta nói chung, đội ngũ cán bộ nói riêng luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng, đường lối của Đảng; ra sức học tập, lao động sản xuất và công tác theo từng nhiệm vụ, chức trách để hiện thực hóa đường lối của Đảng vào cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng nâng cao, song lời dạy “Đường lối là để mà đi. Theo đúng đường lối thì đi đến nơi về đến chốn. Theo không đúng thì dễ đâm đầu vào bụi, rơi xuống mương” vẫn giữ nguyên giá trị, là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh việc thực hiện thắng lợi đường lối chính trị xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, là phương châm chỉ đạo, đòi hỏi đội ngũ cán bộ dù ở cương vị nào cũng vẫn là người đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Vì vậy, phải tuyên truyền cho đúng, phải hướng dẫn nhân dân thực hiện cho đúng thì công việc sẽ trôi chảy và sẽ đi đến thành công.

Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta càng phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác. Theo đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ luôn tin tưởng tuyệt đối, kiên định, đi đúng đường lối của Đảng, thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, đúng điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định trong quân đội; nêu cao tinh thần tự lực tự cường, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần hiện thực hóa đường lối của Đảng trong cuộc sống.

  1. Ngày 23/02: “Và bất kỳ làm công việc gì, ở địa vị nào mà làm tròn nhiệm vụ đều là vẻ vang, đều là anh hùng”(3).

Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Lạng Sơn, ngày 23 tháng 02 năm 1960, khi mà công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, chúng ta chuẩn bị bước vào Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Bác đã dành thời gian đi thăm và nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Lạng Sơn.

Lời căn dặn trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý rất lớn lao không chỉ động viên, khích lệ tinh thần hăng say lao động, xây dựng nước nhà to đẹp hơn, đàng hoàng hơn mà còn nhắc nhở mọi người dù ở cương vị nào, cán bộ, công nhân, nông dân, trí thức hay lao động chân tay dù làm bất kỳ công việc gì thì cũng đều phải tận tâm, tận lực phấn đấu thực hiện cho tốt, dù khó khăn đến đâu cũng phải làm cho kỳ được. Nếu thành công thì đều là vẻ vang, đều xứng danh anh hùng, đều được nhân dân thừa nhận.

Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong đang ra sức xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam chủ nghĩa xã hội, là sự nghiệp rất khó khăn, lâu dài, do đó lời dạy “Và bất kỳ làm công việc gì, ở địa vị nào mà làm tròn nhiệm vụ đều là vẻ vang, đều là anh hùng” vẫn còn giữ nguyên giá trị. Lời dạy của Bác, đã, đang là tư tưởng tưởng chỉ đạo, phương châm hành động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, dù làm việc gì, ở bất cứ cương vị nào cũng phải không ngừng cố gắng vươn lên, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ theo cương vị chức trách, xứng đáng với lòng tin của nhân dân, được nhân dân thừa nhận thì đó là vẻ vang, là anh hùng, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

  1. Ngày 24/02: “Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch”(4)

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Thư khen ngợi toàn thể bộ đội khu II và khu III về thành tích đã xóa nạn mù chữ, ngày 24 tháng 02 năm 1948. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào toàn dân, toàn quân xóa nạn mù chữ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị bộ đội đã tích cực xóa nạn mù chữ, làm cho các binh sĩ đều biết đọc, biết viết, trong đó tiêu biểu là bộ đội khu II và khu III. Biết tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư khen ngợi về thành tích đã xóa nạn mù chữ của toàn thể bộ đội khu II và khu III. Người cho rằng, dốt nát là một kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch ngoại xâm dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân.

Lời động viên, khen ngợi kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cổ vũ, khích lệ tinh thần tích cực, hăng say học tập văn hóa của cán bộ, chiến sỹ trong quân đội mà còn thể hiện tư tưởng chỉ đạo, phương châm giáo dục học phải đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với chiến trường, quân sự gắn với chính trị. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong quân đội đã thấu suốt rằng không chỉ có đánh giặc giỏi mà cần phải có trình độ văn hóa, phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, có kiến thức toàn diện về chính trị, quân sự, nghiệp vụ (văn võ song toàn) ý thức tổ chức kỷ luật, sức khỏe mới hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trong tình hình hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của thế giới, khu vực và trong nước làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quân đội, lời động viên, khen ngợi “Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch” vẫn giữ nguyên giá trị, là nguồn động viên, cổ vũ để mỗi quân nhân trong quân đội không ngừng tích cực học tập, nghiên cứu, lý luận; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường rèn luyện về phương pháp, tác phong công tác; trình độ chuyên môn, năng lực, nghiệp vụ, làm chủ vũ khí, trang bị, kỹ thuật. Thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị, củng cố lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng và với nhân dân; lấy học tập chính trị, lý luận làm nền tảng; lấy học tập chuyên môn quân sự làm nòng cốt; lấy học tập văn hóa - xã hội làm động lực; lấy đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tiêu chí để phấn đấu hoàn thiện phẩm chất, năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn mới.

  1. Ngày 25/02: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân. Quân đội phải gắn chặt với dân”(5).

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn quân đội được thể hiện trong phiên bế mạc Hội nghị Bộ Chính trị, ngày 25 tháng 02 năm 1960. Sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960) đã thành công tốt đẹp; công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta ở miền Bắc đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần bảo đảm cho đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó có sự đóng góp đáng kể của quân đội ta.

Lời căn dặn “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân. Quân đội phải gắn chặt với dân” không chỉ khẳng định bản chất giai cấp, tính dân tộc, tính nhân dân của quân đội ta mà còn thể hiện sâu sắc mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa quân đội với nhân dân. Đồng thời, khẳng định tính chất chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ Tổ quốc. Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, là quân đội của dân, do dân, vì dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập chủ quyền, chế độ xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền làm chủ của nhân dân. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, trải qua 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên những chiến công vang dội, đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Chính là hiện thực hóa tư tưởng chỉ đạo “chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày nay, nước ta đang đứng trước những thời cơ và thách thức, những tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hoà bình” với những thủ đoạn hết sức thâm độc nhằm chia rẽ quân đội với nhân dân, song lời căn dặn “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân. Quân đội phải gắn chặt với dân” vẫn còn nguyên giá trị. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, giá trị lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn nêu cao tinh thần đoàn kết quân dân, kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, phục vụ nhân dân… là những việc làm thiết thực để củng cố, tăng cường mối quan hệ quân dân, nhân tố quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

  1. Ngày 26/02: “Y tá là những chiến sỹ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sỹ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh” (6).

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Thư gửi nam nữ học viên Trường Y tá liên khu I; đăng trên Báo Cứu quốc ngày 26 tháng 02 năm 1949. Trong bối cảnh, toàn Đảng toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua, thực hiện kháng chiến kiến quốc chống thực dân Pháp xâm lược, Người cho rằng, mỗi người y tá và tất cả mọi người làm ngành y, phải là một chiến sỹ trên mặt trận đánh “giặc ốm” nhằm bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ giống nòi cho tương lai của dân tộc.

Lời dạy “Y tá là những chiến sỹ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sỹ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh” có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vừa nói lên vị trí, vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của những chiến sỹ y tá đối với sứ mệnh của nhân dân, vừa khích lệ, động viên tinh thần chịu thương, chịu khó của mỗi y tá trong chăm sóc sức khỏe người bệnh. Thực hiện lời dạy của Bác, đội ngũ y tá luôn đề cao trách nhiệm, thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chủ động khắc phục mọi khó khăn, vất vả, thương yêu, chăm sóc, điều trị bệnh nhân, góp quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lời dạy “Y tá là những chiến sỹ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sỹ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh” không những vẫn giữ nguyên giá trị, tiếp tục là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động trong chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn là yêu cầu đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nói chung, đội ngũ y tá nói riêng phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Quân đội nhân dân Việt Nam thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ, nhân viên, chiến sỹ quân y đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ, đề cao trách nhiệm, chịu thương, chịu khó, chịu khổ, thực hiện tốt nhiệm vụ, chức trách, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn sức khỏe cho nhân dân, cho bộ đội. Trong xu thế hội nhập, phát triển, sự đầu tư, quan tâm đến các cơ sở y tế của Đảng, Nhà nước ngày càng tốt hơn. Song cho dù các cơ sở y tế có trang bị máy móc hiện đại đến đâu, cũng không thể thay thế được vị trí, vai trò của người đội ngũ y bác sĩ, y tá. Chính vì vậy, đội ngũ y bác sĩ, y tá trong quân đội cần nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò quan trọng của mình, không chỉ giỏi về nghiệp vụ và chăm sóc người bệnh mà còn phải biết cách động viên, an ủi người bệnh và gia đình bệnh nhân, đồng thời còn là người tư vấn, hướng dẫn, giáo dục sức khỏe cho nhân dân, cho bộ đội để xứng đáng là những người chăm sóc, bảo vệ giống nòi cho đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi.

  1. Ngày 26 tháng 02: “Hạn hán cũng là một thứ giặc, chúng ta không nên chủ quan coi thường hạn hán”(7).

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài “Tuyệt đối chớ chủ quan khinh địch”, với bút danh C.B, đăng trên báo Nhân Dân, số 724, ngày 26 tháng 02 năm 1956. Đây là thời điểm đất nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đứng trước tình hình hạn hán đang gây thiệt hại lớn cho việc sản xuất của nhân dân. Hồ Chí Minh phê bình một số cán bộ ở địa phương thiếu quan tâm đến công tác phòng, chống hạn hán. Đồng thời, nhắc nhở, đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương các cấp phải đề cao trách nhiệm, không thể coi thường hạn hán, bởi đó là một kẻ “địch” to.

 Lời nhắc nhở “Hạn hán cũng là một thứ giặc, chúng ta không nên chủ quan coi thường hạn hán” không chỉ có ý nghĩa sâu sắc trong đẩy mạnh phong trào phòng, chống thiên tai, hạn hán trong cả nước mà còn là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc bám sát cơ sở, dự báo, đề phòng, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến hết sức gay go, gian khổ, chống lại kẻ “địch” hạn hán. Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng chống thiên tai, hạn hán, các cấp chính quyền địa phương trong cả nước đã có sự quan tâm sâu sắc đến việc phòng, chống hạn hán; thường xuyên tăng cường công tác, lãnh đạo, chỉ đạo, công tác dự báo, phòng, chống thiên tai, hạn hán nhằm ổn định sản xuất và cuộc sống của nhân dân, bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cung cấp lương thực cho chiến trường miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngày nay, trước sự biến đổi khí hậu hết sức phức tạp, vấn đề thiên tai, hạn hán còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, lời dạy “Hạn hán cũng là một thứ giặc, chúng ta không nên chủ quan coi thường hạn hán” vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước, quân đội và chính quyền địa phương các cấp càng phải thấm nhuần hơn nữa những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống thiên tai, hạn hán. Thực tế cho thấy, nhiều chủ trương, dự án phòng, chống thiên tai, hạn hán của Đảng, Nhà nước ta đã và đang được triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả thiết thực, góp phần to lớn, quan trọng phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nươc, nâng cao đời sống của nhân dân.

Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, trên mặt trận lao động sản xuất quân đội ta đã thực sự là một lực lượng xung kích đi đầu, góp phần không nhỏ cùng toàn Đảng, toàn dân, chính quyền địa phương các cấp tham gia vào nhiều dự án, công trình quốc gia nhằm mục đích phòng, chống thiên tai, hạn hán; tổ chức giúp đỡ và tuyên truyền, vận động nhân dân khắc phục hạn hán; tích cực tham gia phong trào trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, cập nhật thông tin, dự báo tình hình hạn hán cho nhân dân, góp phần giảm thiểu thấp nhất những tác hại của thiên tai, hạn hán đến quá trình sản xuất và cuộc sống của nhân dân.

  1. Ngày 27/02: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu” câu nói ấy rất đúng”(8)

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, ngày 27 tháng 02 năm 1955. Đây là thời điểm sau thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiến thiết nước nhà, chuẩn bị cung cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, chống đế quốc Mỹ xâm lược. Người yêu cầu các cán bộ y tế trong toàn ngành phải nêu cao tinh thần đoàn kết; thương yêu người bệnh; quan tâm chăm lo đến phát triển nền y học nước nhà.

 Lời dạy: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu” câu nói ấy rất đúng” có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ nhắc nhở, yêu cầu người cán bộ y tế giỏi về chuyên môn mà còn phải có tình thương yêu và lòng tận tụy, trách nhiệm với người bệnh. Tránh hiện tượng thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Thấm nhuần lời dạy của Bác đội ngũ cán bộ y tế đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp, thấu hiểu tâm lý bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, luôn có lòng nhân ái, yêu thương người bệnh, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện y đức, coi sinh mệnh của bệnh nhân như sinh mệnh của mình và người thân của mình, coi sự đau đớn của họ như đau đớn của chính mình, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho người bệnh.

Trong tình hình hiện nay, việc chăm lo hạnh phúc, phát triển toàn diện con người Việt Nam đặt ra yêu cầu mới, lời dạy của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, chính là tư tưởng chỉ đạo, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quan tâm, chăm lo, thực hiện chiến lược đó. Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân nhân vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong quân đội nói chung, ngành Quân y trong quân đội nói riêng phải nhận thức đúng đắn và quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác. Tích cực rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, giỏi về y thuật và trong sáng về y đức; đẩy mạnh việc học tập và làm theo lời Bác dạy. Ngành quân y trong quân đội cần tiếp tục tổ chức nhiều chương trình hành động thiết thực, hướng về cộng đồng. Tổ chức có hiệu quả hơn nữa các hoạt động tình nguyện, khám chữa bệnh miễn phí đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ở các cơ sở y tế trong quân đội cho bộ đội và nhân dân. Thực hiện có hiệu quả phong trào “chiến sỹ quân y làm theo lời Bác dạy” để thực sự xứng đáng là “mẹ hiền”, là “từ mẫu” của bệnh nhân.

            29. Ngày 28/02: “Thẳng thắn tự phê bình và thật thà phê bình tức là đoàn kết mà đấu tranh và do đấu tranh đó đã đi đến đoàn kết hơn trước”(9).

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích ở bài Nói chuyện trong buổi bế mạc Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II, ngày 28 tháng 02 năm 1957. Đầu năm 1957, miền Bắc hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội được hơn 2 năm, công tác văn nghệ cũng đã có bước phát triển mới và thành tựu mới, đến dự với Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2 Bác đã phát biểu: “Thẳng thắn tự phê bình và thật thà phê bình tức là đoàn kết mà đấu tranh và do đấu tranh đó đã đi đến đoàn kết hơn trước”.

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ khẳng định tầm quan trọng của tự phê bình, phê bình, của đấu tranh đối với đoàn kết, thống nhất trong mỗi tổ chức mà còn nhắc nhở mỗi tổ chức, mỗi người nói chung, đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ nói riêng phải luôn đề cao ý thức phê bình, ý thức đấu tranh để xây dựng, củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong mỗi cơ quan, đơn vị, ngành mình. Đồng thời, phải nhận thức sâu sắc đấu tranh, phê bình và tự phê bình chính là quy luật, động lực của sự phát triển. Đấu tranh, phê bình phải thật thà, trung thực, không lợi dụng phê bình để trù dập lẫn nhau. Đấu tranh, phê bình để đi đến thống nhất, đoàn kết hơn, cùng nhau phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, lời dạy “Thẳng thắn tự phê bình và thật thà phê bình tức là đoàn kết mà đấu tranh và do đấu tranh đó đã đi đến đoàn kết hơn trước” vẫn giữ nguyên giá trị, không những là tư tưởng chỉ đạo mà còn là yêu cầu đòi hỏi các tổ chức đảng, đoàn thể cách mạng phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất như giữ gìn con ngươi của mắt mình, phải tích cực đấu tranh, tự phê bình và phê bình, tự phê bình và phê bình phải có tình thân ái, phải đúng người, đúng việc, phải thật thà trung thực để đi đến đoàn kết và phát triển ngày càng tốt hơn.

Trong quân đội, mỗi cán bộ, chiến sỹ cần quán triệt và thực hiện nghiêm lời dạy của Bác; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; chấp hành nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình để đi đến đoàn kết, thống nhất trong từng đơn vị chính là hiện thực hóa lời dạy của Bác; tránh lợi dụng đấu tranh, phê bình và tự phê bình để chia rẽ đoàn kết nội bộ, trù dập lẫn nhau, làm ảnh hưởng đến uy tín, nhân phẩm của đồng chí, đồng đội.

  1. Ngày 29/02: “Cần là thi đua sản xuất cho mau, cho tốt, cho nhiều. Kiệm là thi đua tiết kiệm, không lãng phí, quý trọng của công”(10).

Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Cần và kiệm”, với bút danh Đ.X; đăng trên Báo Cứu quốc, số 2024, ngày 29 tháng 02 năm 1952. Trong những năm kháng chiến, kiến quốc gian khổ, Người kêu gọi nếu chúng ta thực hiện Cần và Kiệm thì kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công. Cần và Kiệm là hai thành tố luôn đi đôi với nhau, gắn chặt với nhau trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, ở bất cứ công việc gì, thời điểm nào cũng cần phải ghi nhớ điều này.

Thực hiện lời dạy “Cần là thi đua sản xuất cho mau, cho tốt, cho nhiều. Kiệm là thi đua tiết kiệm, không lãng phí, quý trọng của công” của Bác, lớp lớp các thế hệ cán bộ, nhân dân đã quán triệt sâu sắc tư tưởng Cần và Kiệm, vượt qua khó khăn, gian khổ, góp phần to lớn vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội. Lời kêu gọi của Người có ý nghĩa thiết thực trong cổ vũ, động viên tinh thần thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm, không chỉ đối với một tổ chức, một tập thể, mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi gia đình, mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhất là đối với những người có chức, có quyền trong thực thi quyền hạn, trách nhiệm của mình.

Ngày nay, nước ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, lời dạy “Cần là thi đua sản xuất cho mau, cho tốt, cho nhiều. Kiệm là thi đua tiết kiệm, không lãng phí, quý trọng của công” vẫn giữ nguyên giá trị. Lời dạy đó là tư tưởng chỉ đạo, là phương châm hành động trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, cần thấm nhuần và quán triệt sâu sắc lời dạy của Hồ Chí Minh. Trong điều kiện hiện nay, quân đội cần tăng cường giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ thực hiện đầy đủ các nội dung Cần và Kiệm trong tổ chức các hoạt động quân sự; trong đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần của bộ đội; trong đầu tư, xây dựng cơ bản; trong phát triển kinh tế quốc phòng; trong bảo quản giữ gìn vũ khí, trang bị, vật chất huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện giữ tốt, dùng bền, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Mặt khác, cần thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, vượt qua mọi cám dỗ về vật chất, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tránh tư tưởng tách rời, hoặc cố tình thực hiện Cần, Kiệm không tốt, gây lãng, thất thoát tiền, của của Nhà nước và nhân dân. Thông qua đó, góp phần quan trọng vào xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu câu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 10, tr.273-274.

(2) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, H.2009, tr.325.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 12, tr.493.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, tr.470.

(5) Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, H.1989, tập II, tr.133.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 9, tr.34.

(7) Hồ Chí Minh biên niên Tiểu sử, (Xuất bản lần 2), Nxb Chính trị quốc gia, H.2008, tập 6, tr.240.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 9, tr.343.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 10, tr.512.

(10)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 7, tr.333.

Theo Cục Tuyên huấn

Thanh Huống (st)

Bài viết khác: