Chỉ mục bài viết

 

  1. Tháng 01 : “Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn”(1).

         Là lời trong Bài "Tết trồng cây" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên Báo Nhân Dân số 3228 ngày 27-01-1963; vào thời điểm, các địa phương trên cả nước đang sôi nổi chuẩn bị Tết trồng cây, với khi thế tinh thần và trách nhiệm rất cao; trong đó nổi bật là Đoàn Thanh niên Lao động ở 10 tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tĩnh, v.v…) đã quyết tâm nhận trách nhiệm làm đội quân chủ lực đi đầu trong phong trào Tết trồng cây.

            Hồ Chủ tịch đã nêu rõ tác dụng của việc trồng cây "tốn kém ít mà ích lợi nhiều"; ghi nhận, biểu dương công tác chuẩn bị Tết trồng cây của các địa phương trong ngày đầu năm mới đã có nhiều tiến bộ so với những năm trước; đồng thời nhắc nhở, chỉ rõ cho cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành: Phải có kế hoạch thật chu đáo; cần động viên lực lượng quần chúng rộng rãi tham gia trồng cây ở tất cả các nông trường, xí nghiệp, cơ quan, bộ đội, trường học…; cần làm cho mọi người, nhất là làm cho các em nhi đồng biết bảo vệ tốt cây xanh; quan tâm chăm sóc, sửa sang làm cho cây ngày càng tươi đẹp hơn; tăng cường kiểm tra đánh giá cụ thể; thường xuyên phát huy tốt vai trò của các chi bộ và chi đoàn thanh niên trong lãnh đạo, chỉ đạo, để Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn đối với nước nhà.

            Thực hiện lời dạy của Người, để Tết trồng cây đi vào chiều sâu và có ý nghĩa thiết thực, các địa phương, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây, vận động cán bộ, nhân dân, bộ đội, thanh niên, học sinh hăng hái tham gia trồng cây, gây rừng, nhất là ở những nơi đất trống, nơi công sở, trường học, doanh trại đơn vị quân đội, tạo thành phong trào tự giác, sôi nổi, rộng khắp trong cả nước; trở thành truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ tài nguyên rừng.

            Trong giai đoạn hiện nay, lời căn dặn về "Tết trồng cây" của Bác Hồ càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh đất nước ta đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu; hơn nữa hiện nay vẫn còn một số nơi chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, hiệu quả của "Tết trồng cây", đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tốt hơn nữa "Tết trồng cây" theo đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để càng làm sáng ngời nếp đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

            Thấm nhuần tinh thần "Tết trồng cây" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị quân đội luôn là lực lượng xung kích, đi đầu thực hiện có hiệu quả "Tết trồng cây", tham gia quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ; thực hiện trồng cây phủ xanh đồi trọc; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa tốt, lành mạnh, phong phú, gắn với Phong trào xây dựng doanh trại quân đội xanh - sạch - đẹp và các phong trào, cuộc vận động khác, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

  1. Ngày 25-01: “Phải có một quân đội đánh giỏi và một hậu phương vững chắc", “Mỗi một người công nhân, mỗi một người nông dân đều phải biết đánh giặc”. “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”(2).

           Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết "Lê-nin dạy", đăng trên Báo Nhân Dân số 161 từ ngày 21 đến ngày 25-01-1954. Đây là thời điểm quân và dân ta đang mở các chiến dịch lớn tiến công địch trên các chiến trường toàn quốc; kế hoạch Nava của thực dân Pháp đang trên đà phá sản; cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của nhân dân ta tiến đến giai đoạn quyết định, cần phải có sức mạnh tổng lực của lực lượng quân sự hùng mạnh và nguồn hậu cần tiếp tế hùng hậu, để đáp ứng yêu cầu của cuộc quyết chiến chiến lược giành thắng lợi.

           Trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lại cho mọi người thấy rõ quan điểm lý luận của Lê-nin về tính tất yếu phải xây dựng một quân đội của giai cấp công nhân, cùng với hậu phương vững chắc, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Qua đó, Người chủ trương tập trung củng cố, tăng cường sức mạnh cho quân đội; cả nước hợp sức, dồn lực, xây dựng hậu phương vững chắc, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng".

         Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm ấy đã trở thành định hướng chiến lược về xây dựng sức mạnh lực lượng cách mạng; được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hưởng ứng tích cực; khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ý chí quyết tâm giành độc lập dân tộc, huy động sức mạnh tổng hợp tham gia xây dựng quân đội và bảo đảm hậu phương cho tuyền tuyến, giành thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chủ trương đó, tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta vận dụng sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn, cùng quân dân miền Nam thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

            Quán triệt sâu sắc quan điển của Lê-nin và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội cách mạng, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên chăm lo giáo dục, rèn luyện, nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ chiến đấu của quân đội, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội, làm cho quân đội ta luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nền quốc phòng toàn dân, xây dựng hậu phương vững chắc, tạo tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, gắn với thế trận an ninh nhân dân để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

       26. Ngày 26-01: “Để thực hiện từng bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, nhằm đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cán bộ và công nhân ngành công nghiệp phải có quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1961, làm đà cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”(3).

         Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài Nói chuyện tại Hội Nghị công nghiệp toàn miền Bắc ngày 26-01-1961, đăng trên Báo Nhân Dân số 2505 ngày 27-01-1961; trong thời điểm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc đang năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III.  

         Trong buổi nói chuyện, Hồ Chí Minh mong muốn phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực sáng tạo, ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch công nghiệp hóa đã đề ra. Người còn chỉ ra cho cán bộ dự hội nghị những biện pháp cách mạng cụ thể, nhất là tăng cường giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm, giữ gìn kỷ luật trong công việc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân.

         Lời của Người năm ấy được các đại biểu dự hội nghị tiếp thu nghiêm túc và nhanh chóng phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến mọi ngành, mọi lĩnh vực lao động sản xuất; đặc biệt ngành công nghiệp đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua, tập trung đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức, quản lý, tạo nguồn lực xây dựng, phát triển ngành công nghiệp, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

         Hiện nay, lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm ấy vẫn đang được cán bộ, công nhân Việt Nam nghiên cứu học tập, vận dụng, phù hợp với yêu cầu phát triển ngành công nghiệp trong điều kiện mới; tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật và năng lực sáng tạo, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới.    

            Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng ngành công nghiệp, công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, các doanh nghiệp quân đội đã và đang tập trung củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động sản xuất; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân vững vàng về chính trị, tư tưởng, giỏi về khoa học kỹ thuật; tâm huyết, chủ động, sáng tạo, tích cực nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; làm cơ sở bảo đảm nguồn lực mạnh phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng giữ vững vị thế xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân và sự phát triển chung của đất nước.

  1. Ngày 27-01: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh”(4).

         Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô ngày 27-01-1947: “…Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”. Đây là thời điểm, sau hơn một tháng thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, toàn thể nhân dân Việt Nam dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đã và đang tập trung mọi lực lượng, tinh thần và vật chất để chống thực dân Pháp xâm lược.

         Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang phát huy truyền thống yêu nước của thế hệ ông cha đi trước; khích lệ, động viên lớp thanh thiếu niên, nhi đồng tiếp tục giương cao ngọn cờ truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, tinh thần quyết chiến quật cường, bất khuất, mưu trí, khôn khéo, đoàn kết, thận trọng, dũng cảm hy sinh, cùng toàn dân đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, giải phóng dân tộc. Lời của Người được phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, chiến sĩ quân Thủ đô và các đơn vị lực lượng vũ trang cùng toàn dân; khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần sục sôi, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ hăng hái tiến lên, thi đua chiến đấu giết giặc lập công, hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

            Hiện nay, đất nước đã hòa bình, độc lập, song cán bộ, chiến sĩ quân đội mãi ghi sâu lời dạy của Bác; ghi nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng kiên cường, quả cảm, sẵn sàng hy sinh dâng hiến cuộc đời và tuổi trẻ thanh xuân của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc mãi mãi trường tồn. Sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Thủ đô năm ấy, của các anh hùng liệt sĩ và nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược đã thắp lên ngọn lửa khát vọng của tuổi trẻ, là những tấm gương cao đẹp, là bài học có giá trị giáo dục bổ ích, thiết thực nhất đối với thế hệ trẻ cả nước và cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay.

  1. Ngày 28-01: “…bảo đảm công tác thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn…”(5).

           Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Thư gửi cán bộ, chiến sĩ bộ đội Thông tin liên lạc, ngày 28-01-1969, nhân dịp bộ đội Thông tin liên lạc mở Đại hội thi đua lập công; Bác căn dặn “Đã có cố gắng, cần luôn cố gắng hơn nữa. Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng; ra sức học tập thêm nghiệp vụ, kỹ thuật, bảo đảm công tác thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, ngày càng tiến bộ, lập nhiều thành tích mới…”.

         Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời căn dặn đến cán bộ, chiến sĩ thông tin liên lạc, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta đang diễn ra hết sức gay go, quyết liệt, từng bước giành thế chủ động chiến lược trên chiến trường; đặc biệt, bộ đội thông tin liên lạc luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, chủ động khắc phục khó khăn, giữ vững thông tin liên lạc, bảo đảm tốt cho nhiệm vụ chiến đấu và công tác, lập được nhiều thành tích vẻ vang. Lời của Bác không chỉ là tư tưởng chỉ đạo đối với các hoạt động thông tin, liên lạc của Đảng, Nhà nước và quân đội, mà còn là sự ghi nhận, cổ vũ, động viên bộ đội Thông tin và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đang chiến đấu và công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm, đoàn kết, kỷ luật, quyết tâm giành thắng lợi hoàn toàn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

            Lời căn dặn của Bác năm ấy đã được lưu truyền qua các thế hệ cán bộ chiến sĩ, là niềm vinh dự tự hào và tình cảm sâu nặng của bộ đội thông tin, liên lạc đối với Bác; trở thành phẩm chất truyền thống tiêu biểu; tiếp tục được cán bộ, chiến sĩ thông tin, liên lạc hôm nay trân trọng, gìn giữ và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

            Hiện nay, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực ngày càng tinh vi, nguy hiểm; đặc biệt sự bùng nổ của công nghệ thông tin đang tác động rất lớn đến công tác bảo đảm thông tin, liên lạc và an toàn bí mật quân sự, bí mật quốc gia. Đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải nêu cao ý thức cảnh giác, chủ động phát hiện, phòng chống có hiệu quả các thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, cài cắm, móc nối, thu thập thông tin bí mật quân sự, bí mật quốc gia; trong đó, bộ đội thông tin, liên lạc phải là lực lượng đi đầu, gương mẫu, phát huy truyền thống bảo đảm thông tin "kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn"; xây dựng, phát triển binh chủng ngành thông tin liên lạc hiện đại trong điều kiện mới, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

  1. Ngày 29-01: “… Đoàn kết, cảnh giác, nâng cao chí khí chiến đấu, truyền thống anh dũng, kiên quyết làm tròn nhiệm vụ thì quân đội ta bất kỳ thời chiến hay thời bình sẽ là quân đội tất thắng, vô địch”(6).

         Ngày 29-01-1957, tại buổi nói chuyện với các đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên, nhân dịp tết Đinh Dậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương và căn dặn: “… Bộ đội ta là bộ đội nhân dân, bộ đội cách mạng, có truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần kiệm, chất phác, việc khó khăn nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được. Đó là truyền thống, đạo đức, tác phong tốt, phải luôn luôn giữ vững và phát triển. Nếu các cô, các chú nhớ và thực hiện được "đoàn kết, cảnh giác, nâng cao chí khí chiến đấu, truyền thống anh dũng, kiên quyết làm tròn nhiệm vụ" thì quân đội ta bất kỳ thời chiến hay thời bình sẽ là quân đội tất thắng, vô địch”.

            Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên được diễn ra trong thời điểm đất nước ta đang bị chia cắt làm hai miền Nam, Bắc, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam đang gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu thốn về tiền của, vũ khí đạn dược, chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Hồ Chí Minh khen ngợi những thành tích mà cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đạt được trong kháng chiến trường kỳ, gian khổ; khẳng định truyền thống anh dũng, kiên cường, quyết chiến của quân đội. Đồng thời, Người mong muốn, mọi quân nhân, dù đang hoạt động trong quân đội, là thương binh hay đã phục viên chuyển sang lĩnh vực công tác khác, hãy phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội anh hùng, ra sức thi đua lập nhiều thành tích trên mọi lĩnh vực hoạt động, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân Việt Nam.

         Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các đại biểu nghiêm túc tiếp thu, thống nhất nhận thức và hành động; đồng thời, nhanh chóng được tuyên truyền, lan rộng đến các đơn vị quân đội, các tập thể sản xuất và mọi cơ quan, ban ngành trong xã hội, làm dấy lên phong trào làm theo lời Bác Hồ dạy... Đối với các đơn vị quân đội, phong trào thi đua, đoàn kết, cảnh giác, kỷ luật nghiêm minh, huấn luyện, chiến đấu, quyết chiến thắng lợi, được tổ chức và đẩy mạnh giành được nhiều thành tích vẻ vang, góp phần khắc phục khó khăn, nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, cùng toàn dân đẩy nhanh cuộc kháng chiến, kiến quốc phát triển, giành thắng lợi hoàn toàn.              

         Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội có bước phát triển mới song lời dạy của Bác Hồ năm xưa vẫn còn nguyên ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị và giáo dục phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, mãi mãi là tài sản tinh thần vô giá, phản ánh bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, quân đội của dân, do dân và vì dân.

  1. Ngày 30-01: “Mục đích của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nâng cao không ngừng đời sống nhân dân và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”(7).

         Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài Nói chuyện tại Hội nghị phổ biến nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba về kế hoạch nhà nước năm 1961, đăng trên Báo Nhân Dân số 2509 ngày 31-01-1961, trong bối cảnh đế quốc Mỹ đang tăng cường cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc.

       Trong bài nói chuyện, Hồ Chí Minh khẳng định mục đích cao nhất xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là: Nâng cao không ngừng đời sống nhân dân, đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương thành kế hoạch hoạt động cụ thể, làm cho Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Nhà nước thấm sâu vào thực tiễn, tạo ra nhiều thắng lợi. Lời bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đại biểu dự Hội nghị quán triệt, tiếp thu nghiêm túc và nhanh chóng tuyên truyền, triển khai, cụ thể hóa thành kế hoạch hoạt động thiết thực, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch, thúc đẩy công cuộc xây dựng miền Bắc phát triển lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Lời nói chuyện của Bác tại buổi phổ biến Nghị quyết Trung ương ba Khóa III được các cấp ủy đảng trong Quân đội lĩnh hội, tổ chức học tập, quán triệt và triển khai chặt chẽ. Quân đội ta đã khẩn trương xây dựng kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ hai (1961 - 1965); tập trung xây dựng Quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy, hiện đại; chủ động xây dựng các binh đoàn chủ lực có khả năng cơ động nhanh, sức chiến đấu mạnh và các binh chủng kỹ thuật... Với phương hướng xây dựng đúng đắn, quyết tâm cao, tổ chức thực hiện tốt, Quân đội ta đã nâng cao một bước sức mạnh chiến đấu; đồng thời, đã tạo ra những cơ sở thuận lợi cho việc mở rộng lực lượng, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

            Thấm nhuần sâu sắc lời của Người năm xưa, Đảng, Nhà nước, quân đội ta vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tập trung thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; toàn quân đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, được nhân dân tin yêu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa..

  1. Tháng 01:"… Công việc nào cũng quan trọng, cũng cần thiết và những người quyết tâm làm tròn nhiệm vụ đều là chiến sĩ, anh hùng"(8).

            Đây là lời thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ, ngành thương binh, cựu binh nhân Hội nghị cán bộ ngành thương binh, cựu binh vào tháng 01 năm 1954; trong khi quân và dân ta đang mở các chiến dịch lớn tiến công địch trên các chiến trường toàn quốc; cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của nhân dân ta tiến đến giai đoạn quyết định, cần phải tập trung xây dựng sức mạnh tổng lực, trong đó lực lượng quân sự tiếp tục được củng cố vững chắc về chính trị và tinh thần; đồng thời cần sự quan tâm, chung sức của hậu phương đối với tiền tuyến, đáp ứng yêu cầu của cuộc quyết chiến chiến lược giành thắng lợi.

            Lời thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen về những việc làm tiến bộ, đồng thời chỉ rõ: "… Công việc bất kỳ to nhỏ, bất kỳ ngành nào, địa vị bất kỳ cao thấp - đều vì kháng chiến, vì dân tộc. Cho nên công việc nào cũng quan trọng, cũng cần thiết và những người quyết tâm làm tròn nhiệm vụ đều là chiến sĩ, anh hùng". Qua đó Người thẳng thắn nhắc nhở các đại biểu và tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành thương binh, cựu binh phải hiểu thật rõ ràng khuyết điểm; phải bàn bạc kỹ càng, đặt kế hoạch thiết thực, để giúp mọi người sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm; nghiêm túc, thật thà tự phê bình và phê bình để cố gắng thi đua làm tròn nhiệm vụ.

            Lời của Người được Hội nghị và các đại biểu quán triệt, rút kinh nghiệm sâu sắc; được lãnh đạo của ngành chỉ đạo tổ chức đợt sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình nghiêm túc; nhận rõ vai trò quan trọng và trách nhiệm chính trị cao cả của ngành thương binh, cựu binh; xây dựng kế hoạch, đoàn kết thi đua phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho anh em thương binh, bệnh binh, góp phần củng cố vững chắc yếu tố chính trị tinh thần của quân và dân ta, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

            Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ ta đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt nhất các chính sách đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng; huy động các nguồn lực xã hội tham gia chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; đời sống của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ từng bước được cải thiện, bảo đảm cho gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của xã hội.

            Với lòng quý trọng và biết ơn những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ trong quân đội luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong thực hiện công tác chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; tích cực tham gia có hiệu quả các hoạt động, chương trình thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa", phối hợp làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội; đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", chia sẻ, giúp đỡ gia đình chính sách, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.14, tr.20.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.8 tr.393.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.13. tr.20

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.5 tr.44.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.15 tr.544.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.10 tr.490.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.13 tr.25.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t8 tr.397.

Theo Cục Tuyên huấn

Thanh Huống (st)

Bài viết khác: