Chỉ mục bài viết

            Trong khi ấy, ở ngoài Quảng trường mới được mở rộng, ông Nguyễn Văn Tưởng - Chỉ huy trưởng xây dựng đang sốt ruột và lo lắng về thời gian. Ông “chạy” quanh Quảng trường gần suốt buổi, gặp hầu hết các bộ phận thi công để giải quyết khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ. Ông rất vất vả vì công việc ở đây đòi hỏi nhiều đơn vị thi công khác nhau, công việc chồng chéo, nên phải phối hợp, điều hòa rất khoa học mới giải quyết được. Hiện nay khối lượng công việc chung của Quảng trường mới đạt được chừng 50 phần trăm, đang cố gắng đẩy mạnh hơn nữa. Ông lo nhất là Quảng trường, đường xá rồi mới đến cây xanh trên các hè phố. Mặt bằng Quảng trường nếu theo thiết kế của Liên Xô sẽ là một mặt mênh mông toàn là bê tông, cốt thép. Thiết kế ấy đã được các chuyên gia Việt Nam xem lại và thấy Bạn là dân xứ lạnh không hiểu hết cái nắng nhiệt đới. Đã nắng như đổ lửa, lại còn bê tông hất lên, làm sao chịu nổi, nhất là những ngày lễ lớn ở nước ta đều rơi vào tháng nóng. Nghĩ mãi, cuối cùng các kỹ sư, kiến trúc sư, cán bộ của ta đã có một phương án rất hay là phải trồng cỏ. Nhưng sẽ chia ra thành từng ô nhỏ. Chung quanh các ô cỏ ấy sẽ tạo ra những con đường nhỏ ngang dọc như bàn cờ, tựa như đường làng ngõ xóm, rộng khoảng 1,50m cũng bằng bê tông nhưng trên có gắn một lớp sỏi cuội, vừa đẹp, vừa chống trơn, vừa đỡ nóng. Các chuyên gia Bạn được nghe trình bày phương án các ô cỏ, đã xem xét lại rất kỹ rồi cùng nhất trí và phải khen là Việt Nam hết sức thông minh. Bộ Chính trị đã tán thành phương án này và quyết định cho làm. Các lực lượng thi công khẩn trương bắt tay vào thực hiện. Ông Nguyễn Văn Tưởng đang mong và hy vọng là các vuông cỏ cùng những con đường sỏi ngang dọc ấy sẽ được hoàn thành đúng hẹn.

            Cùng thời gian này, các chiến trường ở miền Nam đang có sự phát triển rộng lớn và sôi động. Quảng Trị, Huế - Thừa Thiên đã mở được nhiều vùng, dồn địch chủ yếu vào các đô thị và các vùng ven biển. Khu 9, khu 10 Nam Bộ cũng đã giải phóng hàng chục vạn dân, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, tiêu biểu là chiến thắng rất lớn ở Thượng Đức (tháng 8 năm 1974)…

            Trước những chiến thắng còn đang tiếp diễn trên khắp chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị của ta đã triệu tập ngay một cuộc họp hết sức quan trọng trong tháng 7 năm 1974 ở Đồ Sơn để nghe Bộ Tổng tham mưu báo cáo tình hình mới nhất trong chiến trường. Vừa nghe, Bộ Chính trị vừa đặt ra những vấn đề lớn và yêu cầu Bộ Tổng tham mưu báo cáo rõ thêm những điểm cần thiết. Đồng chí Lê Duẩn đã phân tích một cách rất sâu sắc đặc điểm của tình hình mới… Rồi từ những ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh đã gấp rút chuẩn bị lực lượng và một kế hoạch quân sự rất lớn… (đến cuối tháng 9 năm 1974 Bộ Tổng Tư lệnh đã trình lên Bộ Chính trị một bản kế hoạch rất cụ thể về chiến lược cơ bản giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 - nhưng tùy tình hình phát triển, nếu có thời cơ, ngay trong năm 1975 sẽ quyết dứt điểm!).

            Như thế, giai đoạn cuối cùng của công trình Lăng Bác gần như trùng hợp hoặc tương đồng với tình hình chung của cả nước cùng quyết tâm lớn của Bộ Chính trị và Trung ương là nhanh chóng giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nếu có một sự trùng hợp hoặc tương đồng như vậy thì quả thật là một điều  diệu kỳ.

            Tình hình chung của đất nước đang khởi sắc từng ngày, tất cả mọi người, trong đó có đông đảo anh em trên công trường xây Lăng Bác, cải tạo và nâng cao Quảng trường Ba Đình đều vô cùng náo nức.

            Bên công trường Lăng, những công việc cuối cùng của xây phần thô đã sắp đi tới kết thúc. Ở tầng trung tâm - tầng chính Lăng, nơi có phòng giữ thi hài Bác đã hoàn tất và đã được kiểm nghiệm, được đánh giá là không thể chê trách điều gì, nếu không nói là quá đẹp, quá tốt. Bây giờ đến lượt tầng mái sắp xong. Anh em công nhân đang chuẩn bị lợp một mái đồng dày ba, bốn ly trên mái bê tông để vừa chống sét vừa chống thấm. Còn anh em công binh lắp máy cũng đang chuẩn bị để cẩu các máy móc vận chuyển vật liệu cần thiết lên mái này.

            Đã dần dần sang cuối tháng 10. Mùa đông đã bắt đầu ló rạng với những đợt gió mùa đông bắc sớm. Công việc thi công mái Lăng đã bắt đầu. Cái khó nhất ở mái là bốn góc phải vát nhẹ lên theo phong cách cổ truyền, nên phải nằm ngửa mặt lên trên giàn giáo để thi công. Tuy nhiên những tin vui của hai miền Nam, Bắc như một nguồn động viên rất lớn đã làm cho anh em thợ gắng làm việc hăng say và rất có kết quả. Mặt khác ở trên cao cũng có cái vui là được nhìn xuống bao quát toàn cảnh Quảng trường Ba Đình, thấy được tất cả sự tấp nập, khởi sắc qua từng ngày. Từ trên mái Lăng đang thi công, còn nhìn thấy ở dưới chân Lăng có nhiều chồng đá hoa cương được xếp đó để các thợ lành nghề ốp đá của Liên Xô cùng với công nhân Việt Nam được phân công đặc trách toàn bộ công việc ốp đá hoa cương bên ngoài Lăng thao tác.

*

*    *

            Thế rồi công việc đổ bê tông trên mái đã hoàn tất đúng ngày 30 tháng 10 năm 1974. Ngay hôm sau, ngày 1 tháng 11 năm 1974, công trường bắt tay vào công tác hoàn thiện, trước hết là trát vữa trần, tường và tiến hành công tác ốp đá màu ngoài và trong Lăng.

            Buổi ốp đá màu đầu tiên trong Lăng là ở một phòng khách bên trái. Một số cán bộ và công nhân ốp của ta, có cả tổ chuyên gia ốp đá của Liên Xô sang giúp cũng tới dự. Trong căn phòng khách còn thô mộc và chưa có bất cứ bàn ghế hoặc trang trí gì, nhưng không khí “ra quân ốp đá quý” vẫn rất trang nghiêm và đầy ý nghĩa. Khi hiệu lệnh ốp đá cất lên, lập tức hai đồng chí lãnh đạo là Đỗ Mười và Phùng Thế Tài cùng trang trọng nâng một viên đá lên, đặt ốp vào mặt tường chính, chỗ đã có đánh dấu. Tiếng vỗ tay hoan hô vui vẻ của tất cả những người chứng kiến vang lên. Điều quan trọng trong việc ốp không phải chỉ là đặt viên đá vào tường thật phẳng, còn phải làm sao cho khe nối giữa viên này và viên kia tựa, dính vào nhau. Sau lễ ra quân, các thợ chính bắt tay vào làm việc ngay. Không khí càng thêm nhộn nhịp.

            Rồi sau đó, hết phòng này qua phòng kia, ngày này qua ngày khác, công việc ốp đá được tiến hành khá mau lẹ. Phòng này màu vàng, phòng kia màu hồng, phòng nọ màu xanh vân. Tất cả đều lung linh rực rỡ tựa như từ trong mơ hiện ra. Mới hôm qua còn là những bức tường trần trụi màu xi măng trắng mốc, hôm nay đã như được khoác những tấm áo mới nuột nà với những màu sắc khác nhau, nơi sang trọng, nơi lên thơ hoặc trầm ấm sâu sắc… Ốp đá là một ngành mới ở nước ta, nên thợ ốp đá của ta tay nghề còn non, nhưng do được học tập tốt, hơn nữa với tinh thần đem hết sức, hết tài trí của mình ra để làm đẹp Lăng của Bác nên nhìn chung kết quả của công việc là đáng khích lệ. Chính những anh thợ chuyên nghiệp ốp đá của Liên Xô cũng đã vui vẻ thốt lên: “Khơ-ra-xô!”... (nghĩa là Tốt)

            Nhưng đẹp nhất, ấn tượng nhất vẫn là phòng đặt thi hài Bác. Toàn phòng được ốp bằng đá cẩm thạch của Liên Xô và Việt Nam - loại đá có vân hoa đẹp như mây vờn với màu trắng trầm sâu trang nhã không những tạo được mỹ cảm mà còn cả sự tôn nghiêm, sự yên tĩnh và rất cao quý. Khoảng tường sát trần nhà được ghép rất khéo léo toàn đá màu đen tạo hình hoa sen cách điệu. Cũng ở phòng này phía trên bức tường chính - sau bệ hoa cương nơi Bác nằm - nổi bật lên hai lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc, được ốp ghép bằng 4.000 mảnh đá nhỏ đã được cắt mài cực kỳ khéo léo, tinh vi, đến mức ai chợt trông thấy có thể tưởng như hai lá cờ đều liền một phiến đá màu và đang bay bay nhẹ nhàng… Tìm được đúng đá quý có màu đỏ cờ, xẻ ra rồi mài giũa để lắp ghép được lên hai lá cờ này là một kỳ công. Thoạt đầu không tìm đâu ra thứ đá đỏ như cờ. Các nơi gần, xa đã cố công tìm kiếm khắp, đều không có, chỉ riêng Thanh Hóa đem về được đá cẩm vân. Nhưng cũng chỉ đỏ nhờ nhờ hoặc màu da cam. Đã gần như hết hy vọng thì bỗng có tin báo về: có một cán bộ địa chất đã cố gắng lặn lội tiến sâu vào một thôn nhỏ của làng Ruồng, xã Điền Hải, huyện Bá Thước - một huyện ở vùng rừng núi xa xôi phía Tây Thanh Hóa - nơi có dấu chân voi chiến của Lê Lợi xưa luyện quân ở đấy để chống ngoại xâm giành lại đất nước và phát hiện ra thứ đá đỏ này. Một số mẫu đá đã được tổ địa chất đưa ngay về Hà Nội kiểm nghiệm. Các chuyên gia về đá quý hiếm cùng các nhà địa chất lão luyện, các nhà khoa học uyên bác đã được tập trung ngay để làm các xét nghiệm và xác định đây là đá ngọc bích rất quý… Tất cả cùng reo lên: “Đá đỏ đây rồi! Hoàn toàn là màu cờ đây rồi!”. Tin vui lập tức được báo cáo ngay lên Bộ Chính trị. Thế rồi một công trường khai thác đá đỏ ở Ruồng - Bá Thước đã được Tỉnh ủy Thanh Hóa và Huyện ủy, Ủy ban Hành chính Bá Thước cho mở ngay tại chỗ. Hàng trăm thanh niên nam nữ trong huyện đã tình nguyện tới công trường để khai thác thứ đá đỏ đặc biệt ấy. Tuy nhiên lượng đá lại không nhiều. Sau hàng tháng trời chỉ khai thác vừa đủ số cần dùng. Nhân dân địa phương đều nói đó là “Trời đã định thế! Chỉ cho mình đủ đá quý để ghép cờ ở Lăng Bác”. Còn đá màu vàng để ghép ngôi sao trên Quốc kỳ và hình búa liềm trên cờ Đảng cũng đã tìm được. Một điều tuyệt vời nữa đã tới: Khi sắp ghép cờ, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu thay mặt Đảng bộ và nhân dân miền Nam đem ra hai viên ngọc mã não để dâng lên Lăng Bác, một viên màu đỏ, một viên màu vàng. Bộ Chính trị đã đón nhận và quyết định ngay - theo gợi ý của các nhà chuyên môn cắt xẻ viên ngọc bích mã não đỏ để ghép với cờ Tổ quốc và cờ Đảng, còn cắt xẻ viên ngọc bích mã não vàng để ghép vào chỗ giữa ngôi sao vàng trên cờ Tổ quốc và chỗ giao nhau của búa liềm trên cờ Đảng. Sự việc đã được giải quyết quá hay, làm mọi người vô cùng hài lòng, hoan hỉ. 

CÔNG TRÌNH CỦA LÒNG DÂN Ý ĐẢNG(tiếp)

 

            Nhưng không phải chỉ có hai lá cờ hết sức quý báu ấy, trong công việc trang trí và ốp đá ở Lăng còn có một trọng điểm nữa: Ấy là tiền sảnh ở tầng dưới - nơi bất kỳ ai vào Lăng viếng Bác đều phải qua sảnh rồi mới lên được phòng Bác. Tiền sảnh được ốp đá hoa cương màu hồng đậm, ấm áp. Sảnh rộng nhưng không bày một thứ gì ngoài mấy chậu cây nhỏ dưới chân bức tường chính diện. Sự thoáng rộng đã làm tăng thêm vẻ sang trọng của toàn sảnh. Nhưng điểm mấu chốt có tác động mạnh hơn và thu hút được sự chú ý của mọi người ngay trong những giây phút đầu tiên đầy xúc cảm bước vào sảnh này là trên bức tường lớn chính giữa được ốp bằng đá quý có câu nói bất hủ của Bác như đã thành chân lý không phải chỉ riêng cho Việt Nam mà còn cho cả loài người: “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO”. Bên dưới là chữ ký của Bác: “Hồ Chí Minh” được phóng to, rất đẹp, rất chính xác. Tất cả toàn một màu vàng ròng.

 

            Đó là trong Lăng, còn ở mặt ngoài ốp toàn bộ đá hoa cương màu xanh sẫm có vân chìm. Công việc ốp đá này hoàn toàn không giống ốp các đá men sứ thông thường Hoa cương và các loại đá quý đều rất nặng, rất khó ốp, phải có kỹ thuật rất cao và có cả đầu óc mỹ thuật. Từ việc chuẩn bị đá đã hết sức phức tạp: Chọn loại nào với loại nào cho đúng thiết kế không được nhầm lẫn. Rồi phải khoan lắp các móc sắt không gỉ để treo đá vào các mành sắt gắn trên các mặt tường bê tông. Ốp treo càng phải rất chính xác, các mảnh đá phải theo thứ tự đã có đánh số, không được nhầm lẫn, tùy tiện. Các hàng tiếp theo cũng đều đã được tính toán và có đánh số, các mảnh đá ở hàng số 1 không được lẫn xuống hàng số 2 hoặc số 3… và ngược lại. Công phu và nghệ thuật đến thế quả là chưa hề có ở nước ta… Để thực hiện công việc rất tỉ mỉ, chính xác ấy phải chia đội, đội phải chia tổ. Mỗi đội từ 50 đến 60 người. Mỗi tổ từ 12 đến 15 người, chia thành 2 nhóm. Có những tay thợ lão luyện của Liên Xô cùng làm. Trong kỹ thuật ốp đá quý, việc xác định đặt trúng “tim”là quan trọng bậc nhất, kể cả “cao độ” cũng là điều quan trọng không kém. Nếu ốp mà sai “tim”, sai “cao độ” là phải sửa lại rất khó khăn phức tạp, ngay thợ giỏi có khi cũng sai, phải làm lại cả từng hàng, hoặc từng cột… Cho tới khi ốp xong, còn biết bao công việc nữa như lau chùi và xảm các mạch đá bằng chì. Đó là chưa nói tới thời tiết. Công việc ốp đá đang vào mùa đông. Bên trong Lăng còn đỡ, ngoài Lăng gió lạnh nhiều hơn, như cắt da cắt thịt. Khi ốp lên cao càng khó khăn ấp bội. Các thợ Liên Xô vốn không quen khí hậu miền nhiệt đới gió mùa, cũng khó chịu cả cái rét ẩm ướt ở nước ta, dù họ là dân xứ tuyết. Tuy nhiên không một đồng chí nào xin nghỉ việc dù chỉ một ngày.

 

            Đồng chí Trường Chinh đã ra tận nơi chỗ anh em thợ Liên Xô ốp đá ngoài Lăng để thăm hỏi và động viên. Một anh chuyên gia đã cười rất hiền đáp lại “Anh Năm” của chúng ta bằng mấy câu tiếng Việt bập bẹ: “Bác Hồ cũng là của chúng tôi!”…

 

            Thế đấy, toàn Lăng đã dần dần như được khoác bên ngoài một bộ áo hoàn toàn mới bằng vải quý màu xám xanh với những đường vân hoa chìm rất sâu và sang trọng, ốp đến đâu tòa Lăng đẹp và uy nghi đến đấy.

 

            Cùng thời gian này anh em công binh cũng dốc hết sức lao vào việc lắp máy. Có thể thấy ngày toàn thắng của công trường sắp đến rồi! Nhưng vẫn không chủ quan, tới lúc này các đồng chí lãnh đạo vẫn cứ nhắc anh em phải:“Hết sức thận trọng, hết sức tỉ mỉ, chu đáo, không được chủ quan trong công việc”. Đồng chí Phạm Văn Đồng cũng đã đến với anh em công binh lắp máy trong những ngày đông giá lạnh nhưng công việc lại “nóng” thậm chí là “rất nóng” này. Thời gian đang giục giã. Đồng chí cho biết: Đã được nghe báo cáo và rất thông cảm là phần lắp máy phải vào cuộc chậm hơn anh em bên “Xây” do bản thiết kế thi công mới xong tháng 3 năm 1974, và chậm còn do việc Liên Xô phải đặt một số máy móc, nhất là hệ thống thông hơi, điều hòa không khí - bộ phận quan trọng nhất và cũng lớn nhất - ở Nhật, Mỹ, Đan Mạch… nay vẫn chưa về, còn phải chờ. Vẫn theo lời “Bác Tô”, tất cả các đồng chí lãnh đạo đều biết anh em rất tích cực, đã chủ động tranh thủ lắp được hàng tấn máy, điều này tất cả anh em các bộ phận khác đều đã biết, rất hoan nghênh. Nghe ý kiến đồng chí Thủ tướng, anh em lắp máy rất cảm động trước tình cảm sâu sắc và rất giàu lòng cảm thông. Anh em đã báo cáo là đang làm tiếp công việc hoàn thiện phần điện trạm nguồn. Các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật đã tới để giúp anh em, trước hết là lắp trạm biến áp 3x1000KVA. Cụm này được coi là:“Quả tim của công trình”… Rồi còn phải đưa, đặt nhiều động cơ điện từ 0,6 tới 2000KW vào vị trí cho đủ. Rồi còn buồng điều độ trung tâm, ở đó phải lắp các bảng điều khiển, kiểm tra hệ thống điều hòa không khí…Tuy không nặng nhọc, vất vả lắm, nhưng phần này đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao nên thợ cũng khá căng thẳng. Nhưng anh em hiểu các bảng này rồi sẽ thay con người làm, những việc chi li, tinh xảo, tự động báo những con số, những sai sót để kịp thời điều chỉnh hệ thống điều hòa… Vẫn chưa hết, còn tổng đài điện thoại 100 số, còn hệ quan sát truyền hình cũng đang bắt đầu lắp ráp rất công phu, tỉ mỉ… Nhưng anh em báo cáo là đã lắp được 6 máy lạnh tối cần thiết cho hệ thống thông hơi, điều hòa nhiệt độ, và cũng đã giúp đỡ, kiểm tra liên tục các đường ống thông hơi sản xuất ở “Xưởng dã chiến” ngay gần công trường. Những ống này sẽ để phục vụ cho hệ thống thông hơi, điều hòa nhiệt độ… Miệng báo cáo mà trong lòng anh em cứ sợ bác Đồng thấy quá nhiều việc mà lo ngại cho sức khỏe của anh em. Tuy nhiên vẫn cứ phải báo cáo và nhấn mạnh tới sự mong đợi nhất của anh em lúc này là hệ thống thông hơi, điều hòa nhiệt độ cùng hệ thống cơ khí, hệ thống điện. Các khối thiết bị này vẫn chưa sang. Nhưng anh em cũng đã được biết trước là khi các thiết bị ấy sang, các chuyên gia Liên Xô sẽ được phân công chủ yếu chịu trách nhiệm lắp ráp toàn khối thiết bị quan trọng này vào vị trí, tất nhiên cũng có anh em Việt Nam phù trợ và cũng là học tập để sau này vận hành. Đồng chí Thủ tướng lắng nghe và tỏ ra thấu hiểu, thông cảm trước tinh thần cùng tình cảm của anh em. Trước khi ra về đồng chí còn dặn thêm một câu như gan ruột: “Các đồng chí vừa là chiến sỹ lại vừa là công nhân, vậy hãy tiếp tục nêu cao tấm gương tiên phong và quyết tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của  “Bộ đội Cụ Hồ !”.

 

            Tất cả cán bộ, chiến sỹ xúc động, cùng mạnh mẽ hô vang những lời hứa nồng cháy của mình và tiễn đồng chí Thủ tướng ra về.

 

            Thế rồi anh em lại bắt tay ngay vào các công việc của mình với máy lớn, máy nhỏ, sắt, thép, điện, nước, gió, hơi… Thi thoảng ngoái nhìn ra phía Quảng trường thấy cỏ xanh đã bắt đầu hiện lên từng mảng, lính ta lại càng sốt ruột vì hệ thống thông hơi, điều hòa nhiệt độ tối quan trọng vẫn chưa về. Một cậu bung ra một câu đùa, vui mà cũng…“cay”: “Khéo mọi người sẽ ra về hết, chỉ còn cánh ta ở đây đợi máy và dự quốc khánh 1975 luôn!”.

 

            Nhưng rồi chỉ mấy hôm sau, “đùng” một cái, tin vui lớn bay về như chớp giật sáng lòa cả công trường: Tàu chở thiết bị của hệ thống thông hơi điều hòa nhiệt độ đã về tới phao số 0 của cảng Hải Phòng! Tất cả cán bộ, công nhân, cả bên Lăng, cả Quảng trường đều như nhảy cả lên mà reo mừng.

 

            Đồng chí Đỗ Mười cấp tốc triệu tập tất cả các cán bộ có nhiệm vụ tổ chức vận chuyển “hàng” đến hội ý. Mệnh lệnh: Phải về sớm. Chỉ cho 5 ngày! Trên này sẽ lo hỗ trợ các mặt về tàu xe và giao thông! (Thông thường “hàng” lớn như thế phải hàng tháng trời mới lên tới Hà Nội. Đúng là mệnh lệnh như lửa cháy). Một chiếc com măng ca đưa anh em vù đi Hải Phòng ngay, chở theo mấy cán bộ đường sắt, mặc dầu trời đã tối. Đúng 23 giờ 30 phút hôm đó, đoàn cán bộ Hà Nội gặp giám đốc cảng, trao lệnh của trên. Sau một thoáng suy nghĩ, ông giám đốc cảng đề nghị: Dẫu sao cũng khuya, để sớm mai, các phái viên của Hà Nội sẽ cùng ông ra thẳng phao số 0  gặp chủ tàu làm việc trực tiếp luôn. Đồng ý. Sáng kiến hay mà cũng tích cực! Đúng 5 giờ 30 phút sáng hôm sau, sương mù còn chưa tan, một chiếc canô chở đoàn cán bộ cảng và Hà Nội đã lướt sóng nhanh chóng ra tới phao số 0, cập mạn con tàu Ba Lan rất lớn do Liên Xô thuê để chuyển hàng sang ta. Giám đốc cảng thông báo cho chủ tàu là ngay chiều nay, chờ con nước, tàu này sẽ được ưu tiên số 1 trong số 15 tàu khác cũng đang chờ ở đây vào cảng trước. Nghe xong chủ tàu hết sức vui mừng. Chưa nói chuyện gì nhiều, ông ta mở ngay sâm banh mời đoàn khách. Nhưng khách cần về ngay, chỉ chiếu cố mỗi người nhấp một chút rồi bắt tay chủ tàu, xuống ca nô ngay…

 

            Trong khi đó ở Hà Nội, Tổng cục đường sắt cấp tốc điều 9 toa xe lửa võng xuống ngay Hải Phòng để đón hàng. Phải là toa xe võng vì biết trước là hàng lớn, quá khổ, chở toa thường sẽ không qua nổi cầu Long Biên. Nhưng các xe võng đều nằm rải rác suốt từ Lạng Sơn, Hà Nội tới Thanh Hóa. Để không lỡ thời gian, các trưởng ga có toa xe võng đều nhận được lệnh cho một đầu máy cấp tốc kéo ngay toa xe ấy xuống Hải Phòng bất kể ngày đêm.

 

            Ngay đêm ấy, con tàu chở hàng Liên Xô thuê đã cập bến Hải Phòng, lập tức các toa xe võng cũng đã được nhanh chóng tập trung ở Hà Nội rồi được đưa xuống thành phố biển luôn. Sự hiệp đồng thật tuyệt vời. Các đội bốc xếp cũng được Tổng cục Đường sắt trao trách nhiệm điều khiển đoàn xe lửa đặc biệt này. Mỗi toa xe còn có một công an bảo vệ và một công nhân cầm một cây sào dài, để khi tàu gặp phải những nơi có dây điện giăng ngang sẽ dùng sào này đẩy cao dây lên cho tàu qua…

 

            … Thế rồi công việc bốc xếp hàng từ tàu lên bến cảng đã hoàn tất với một tốc độ phi thường chưa từng có, mà không một sai sót. Tiếp đó các máy móc được cố định rất chắc chắn trên các toa xe võng. Và đoàn tàu đặc biệt với hoa và cờ đỏ thắm trên đầu máy, thét một hồi còi dài đầy vui mừng và cả kiêu hãnh, từ từ chuyển bánh.

 

            Tàu về tới Hà Nội, đã có một đoàn xe tải chờ sẵn nhận hàng rồi chở thẳng về Quảng trường Ba đình. Cuộc đón tiếp giản dị nhưng vẫn trang trọng vui mừng, không khác gì đón gỗ đá quý từ chiến trường chở ra.

 

            Các chuyên gia Liên Xô được ủy nhiệm kiểm luôn các mặt hàng. Thật tuyệt! Tất cả 240 tấn thiết bị dù qua bao biển lớn về tới đây vẫn hoàn toàn đầy đủ và nguyên vẹn. Một kỹ sư Nga vui vẻ nói đùa: “Lúc này chỉ cần thiếu một bộ phận nhỏ, chúng tôi chỉ còn biết … khóc”.

 

            Nhưng chưa hết, một tin mừng nữa lại tới.

 

            Điện từ sân bay Gia Lâm báo về : Vật tư của Lăng Bác đã tới ! Biết là những gì rồi, đó là những thiết bị quý hiếm và rất hiện đại mà trong nước chưa hề có : Quan tài kính đặt thi hài Bác. Ngay lập tức một nhóm cán bộ rất tin cậy được phái sang Gia Lâm ngay sáng hôm sau. Đúng 10 giờ, chiếc máy bay vận tải số hiệu 42988 hạ cánh. Một đội xe nối nhau tới ngay cuối máy bay. Hàng được chuyển xuống khá nhanh gọn. Phấn khởi quá, các cán bộ, sĩ quan ta yêu cầu tổ lái máy bay cùng chụp chung một “pô” làm kỷ niệm, rồi nhảy lên xe, ra lệnh thẳng tiến về Quảng trường Ba Đình.

 

            Các đồng chí lãnh đạo cùng các chuyên gia Liên Xô đã có mặt ở đó chờ sẵn. Hội trường Ba Đình đã được chọn làm “Kho” lưu giữ các thiết bị đặc biệt quý hiếm này trước khi trao cho anh em lắp máy. Tất nhiên như đã thỏa thuận, các chuyên gia sẽ trực tiếp lắp ráp toàn bộ các thiết bị mới sang. Dễ hiểu vì họ đã có kinh nghiệm làm tốt được việc này, còn anh em Việt Nam sẽ làm lực lượng phụ trợ, cũng là để học thêm và vận hành sau này…

 

            Thế rồi ngay sau đó, ngày 1 tháng 3 năm 1975, Ban Phụ trách xây dựng đã phát động một đợt thi đua mới với thời hạn 40 ngày phải hoàn tất tốt đẹp cả việc lắp máy trong phòng Bác nằm và toàn bộ hệ thống máy thông hơi, điều hòa nhiệt độ rất to lớn và hết sức nặng.

 

            Bộ phận cán bộ, chiến sĩ công binh lại vinh dự được phân công hỗ trợ Bạn lắp ráp thiết bị mới sang, để hoàn tất bệ sen đặt thi hài Bác và lắp đặt toàn bộ hệ thống máy thông hơi điều hòa “lá phổi” của toàn Lăng. Đến gặp các chuyên gia Liên Xô, các chiến sĩ ta cùng Bạn vào việc luôn. Anh em ta đều đã hiểu trong tất cả các máy móc tinh vi, hiện đại ở đây thì lồng kính(quan tài kính) là quan trọng hơn hết. Các tấm kính vốn được tháo rời khi chuyển bằng máy bay, nay sẽ được lắp lại bằng loại keo rất đặc biệt. Kính hai bên được lắp nghiêng góc 24 độ để nhìn rõ mà không biến hình, biến dạng. Trên nóc hòm kính là hàng chục bộ các loại đèn đặc biệt với nhiều tia chiếu qua một hệ kính lọc, bảo đảm ánh sáng có thể tự điều chỉnh để chọn màu sắc và hạn chế nhiệt… Lắp đặt được những thứ này, các chuyên gia Bạn cũng phải hết sức thận trọng từng động tác, toàn tâm trí đều để cả vào đấy với một niềm kính yêu vô bờ bến đối với Bác. Họ đã từng nói rất chân thành với các cán bộ và chiến sĩ ta “Bác Hồ cũng là của chúng tôi mà !”.

 

            Trong khi ấy, công việc của anh em công binh lắp hệ thống thông hơi, điều hòa không khí cũng lao vào việc với tất cả tinh thần và sức lực của mình. Toàn là máy lớn, rất nặng.  Công việc này cũng gần như rất mới mẻ với cán bộ, chiến sĩ ta, mặc dầu từ tháng 9 năm 1973 - năm khởi đầu xây Lăng, Ban Chỉ đạo đã sớm cho một bộ phận cán bộ kỹ thuật sang Liên Xô tham gia thiết kế để nắm trước được thiết kế và học cả phương pháp thi công để về nước chỉ huy lắp đặt máy. Nhưng nay đứng trước những máy móc đồ sộ, tối tân này, anh em ta vẫn không khỏi lo lắng sẽ phải vất vả tìm hiểu vì đây là sản phẩm làm từ Tây Âu, nhiều phụ tùng, linh kiện, mô-đun… rất khác của Liên Xô. Như các chuyên gia và anh em ta bắt tay nhau cùng hứa hẹn : Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp cả.

 

            Một cuộc thi đua: “40 ngày lắp máy” đã được lãnh đạo phát động khá tưng bừng, coi như đợt thi đua cuối cùng. Các đồng chí lãnh đạo luôn căn dặn : “Phải hết sức thận trọng ! Phải tỉ mỉ, chu đáo! Không được để xảy ra sai sót dù chỉ là một ly!”. Rất cẩn thận, không những động viện, căn dặn, các đồng chí lãnh đạo còn tổ chức một bộ phận kỹ thuật để hỗ trợ anh em thi công, gồm khá đông đảo cán bộ chuyên môn giỏi của các ngành: Kỹ sư thông hơi, điều hòa, điện, cơ khí, cấp thoát nước và trắc đạc… Rồi tất cả cùng vào việc. Mặt bằng thi công có phần chật hẹp. Các máy móc, kể cả đường ống hơi, ống nước… hầu hết đều rất cồng kềnh, rất nặng. Lúc này trên Lăng anh em làm một số việc trang trí vẫn còn chưa xong như sơn, trát vữa, kể cả thợ điện, thợ nước… cho nên trên một khu vực tác nghiệp mà gần như có đủ các thứ “quân” : thợ cơ khí lắp rắp, thợ xây, thợ điện, thợ nước… Phải lợi dụng giàn giáo và các phương tiện của nhau mà làm. Cán bộ chỉ huy các tổ lắp máy cùng anh em quyết đinh làm cả 3 ca và thêm kíp nữa… Quang cảnh tấp nập tựa như đèn cù. Mới đêm qua trong phòng này anh em xây còn làm chủ, sáng sớm mai anh em thợ điện đã “xung phong” vào ngay với nào ống hơi, nào ống điện, và leo trèo như vượn để lắp, kéo dây chằng chịt trên các bức tường… Công việc luôn luôn phải đan xen liên tục. Nhưng không vì thế mà làm ẩu. anh em vẫn luôn nhớ câu: “Chất lượng là mệnh lệnh của trái tim”. Và cũng nhắc nhau: “Đoàn kết hợp đồng”. Không khí làm việc như có men say. Những sáng kiến to, nhỏ không ngừng nảy nở như : Hệ thống lạnh ở phòng trung tâm của Bác đã được cán bộ, chiến sĩ cùng góp trí, góp sức cải tiến được hệ điều khiển, nếu cứ để thao tác bằng tay sẽ chậm, khả năng xử lý khi có sự cố e không kịp, và bình thường mỗi lần có người ra vào tiếp xúc với các máy, sự ổn định nhiệt độ trong phòng Bác sẽ dễ bị hở van đột ngột. Hoặc như trong “hào thông hơi” từ phần ngầm lên tới tầng kỹ thuật cao 21m (trên mái Lăng), không những có 5 ống hơi lớn mà còn là vị trí của cầu thang lên xuống. Đường ống dài, theo phương thẳng đứng, các ống rất sát nhau không có chỗ để thao tác bảo ôn và xử lý độ kín của các mối nối… Vậy làm sao có thể lắp tốt, tránh được mọi nguy hiểm ? Các kỹ sư và công nhân ta đã bàn nhau đưa ra giải pháp: phân đường ống ra thành nhiều đoạn, mỗi đoạn từ 2 đến 3 ống ghép lại. Rồi dùng tời để kéo từng đoạn ống lên và liên kết các đoạn với nhau, cứ thế lần lượt lắp đến đoạn cuối cùng. Kết quả là 5 ống được lắp rất nhanh, chất lượng tốt, an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị. Cùng với các sáng kiến, các tấm gương lao động quên mình cũng liên tiếp xuất hiện trong hàng ngũ cán bộ, chiến sỹ và công nhân.

 

            Cứ như thế, cho tới đúng ngày thứ 40 của đợt thi đua mới, coi như đợt cuối cùng - tất cả cán bộ, chiến sỹ đều reo ầm vang: “Chiến thắng! Chiến thắng!”.

 

(Còn nữa)

Bài viết khác: