Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Khoa học công nghệ và Môi trường (nay là Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường) được thành lập theo Quyết định số 312/QĐ-BQLL ngày 15/7/2004 của Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau một thời gian chuẩn bị về tổ chức, nhân sự, bố trí trụ sở làm việc, đăng ký hoạt động với các Bộ, ngành chức năng, xây dựng quy chế và điều lệ hoạt động..., ngày 15/3/2005, Ban Quản lý Lăng đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập, Trung tâm Khoa học, cCông nghệ và Môi trường (Trung tâm) chính thức đi vào hoạt động. Từ đó đến nay ngày 15/3 được lấy là ngày Truyền thống của Trung tâm.

15 nam trung tam 1
Lễ công bố ngày Truyền thống của Trung tâm

Ban đầu thành lập và hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm bao gồm: Ban Giám đốc, 03 phòng và 02 đội. Sau khi có Nghị định số 37/2008/NĐ-CP ngày 01/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng; Trưởng ban Ban Quản lý Lăng đã ra Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cầu tổ chức của Trung tâm, cơ cấu tổ chức bao gồm: Ban Giám đốc, 04 phòng. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ thay thế Nghị định số 37/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng đã ban hành Quyết định định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm, với tên gọi mới là Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng, nhiệm vụ chính của Trung tâm là xây dựng, trình duyệt và thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới, tư vấn ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, tiến bộ về công nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị của Ban Quản lý Lăng. Tổ chức liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và bảo vệ môi trường; báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm của Ban Quản lý Lăng; thực hiện một số hoạt động dịch vụ về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường theo quy định của Ban Quản lý Lăng và của pháp luật...

Trong 15 năm qua, Trung tâm đã được giao và thực hiện hoàn thành 11 đề tài nghiên cứu khoa học (06 cấp bộ, 05 cơ sở), 10 nhiệm vụ dự án bảo vệ môi trường thường xuyên và định kỳ; đăng ký và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép Hoạt động Khoa học công nghệ, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép Hoạt động dịch vụ Bảo vệ môi trường, được cấp chứng nhận duy trì Phòng Thí nghiệm Phân tích môi trường theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017.

15 nam trung tam 2
Cùng các chuyên gia khảo sát trồng rau theo phương pháp hữu cơ tại Khu Di tích K9
(năm 2017)

15 nam trung tam 3
Lựa chọn giống Dâm bụt quê Bác về trồng tại Khu Di tích K9 (năm 2017)

15 nam trung tam 4
Phân tích các chỉ tiêu môi trường tại Phòng thí nghiệm

de tai trung tam nghien cuu
Hội nghị nghiệm thu đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây hoa
theo nguyên tắc hữu cơ tại Khu vực Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình”

15 nam trung tam 5
Ban Quản lý Lăng tổ chức trồng tặng vườn cây cho Khu Di tích Kim Liên (năm 2019)

Trung tâm đã liên kết, hợp tác thường xuyên với các tổ chức khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường trong nước như: Viện Hàn lâm Khoa học công  nghệ Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Điều tra và Quy hoạch rừng, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Hội đá cảnh và đá phong thủy Việt Nam..., hợp tác với một số đối tác nước ngoài như: Tập đoàn OPSIS - Thụy Điển về quan trắc môi trường không khí, tập đoàn ALFA-New Zealand về sử dụng các chế phẩm hữu cơ cho cây trồng... Những hoạt động nêu trên đã đóng góp tích cực vào hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng, đặc biệt là những nội dung như: Duy trì tôn tạo cảnh quan khu vực Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình, bảo vệ tôn tạo và phát triển rừng K9 theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường; sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả; sử dụng năng lượng tái tạo; giám sát thường xuyên và định kỳ môi trường bên trong và bên ngoài công trình Lăng Bác; kiểm soát chất lượng nước khai thác phục vụ công trình Lăng và các khu vực liên quan; kiểm soát chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt trong Ban Quản lý Lăng; vận động các địa phương, các tổ chức, hiệp hội đóng góp, tôn tạo cảnh Khu Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình và Khu Di tích K9; tổ chức những buổi hội thảo liên ngành, tổ chức thông tin khoa học, giới thiệu công nghệ mới…

Trải qua 15 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CBCCVC&NLĐ) của Trung tâm đã nỗ lực phấn đấu rèn luyện không ngừng, thực hiện và hoàn thành mọi nhiệm vụ được Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho, xây dựng Trung tâm ngày càng ổn định và phát triển. Với nhiều thành tích đã đạt được, những năm qua Trung tâm đã được Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng tặng nhiều Bằng khen và Cờ thi đua; Chi bộ cơ sở Trung tâm luôn được Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh, tổ chức Công đoàn và Hội Phụ nữ nhiều lần được Tổng cục Chính trị và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch khen thưởng, nhiều cá nhân đạt giải cao trong các cuộc thi tìm hiểu truyền thống do Bộ Quốc phòng, Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, Ban Quản lý Lăng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tổ chức. Đặc biệt nhân dịp “Tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)”, Trung tâm đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

15 nam trung tam 6
Trung tâm được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2019

Trong giai đoạn tới, với xu thế phát triển của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác đặt ra những yêu cầu cao hơn, với chức năng nhiệm vụ của mình, tập thể cán bộ, viên chức và người lao động của Trung tâm sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy những thành tích đã đạt được trong 15 năm qua, khắc phục mọi khó khăn, chủ động sáng tạo, không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới./.

Nguyễn Mạnh Tuyến

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: