Ngày 25-10-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, học viên, chiến sĩ, công nhân viên Trường Luân huấn Chính trị Trung cấp Quân đội (tiền thân của Học viện Chính trị) tại An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên. Những lời căn dặn và yêu cầu của Bác về đẩy mạnh cuộc kháng chiến, về “học tập chính trị và quân sự” đặt ra yêu cầu quan trọng, cấp bách đối với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT). Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác tư tưởng, nắm bắt tâm tư, tình cảm bộ đội; xây dựng, củng cố niềm tin quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội và nhân dân. Theo Bác, có niềm tin là có sức mạnh; có sức mạnh là sẽ chiến thắng.   

hoc-chingh-tri-the-loi-bac
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội diễn tập (năm 1957). Ảnh tư liệu

Bác dành nhiều thời gian nói về cán bộ và công tác cán bộ-“công việc gốc của Đảng”. Bác không nêu những ưu, khuyết điểm chung chung, mà đi thẳng vào những vấn đề nổi cộm cán bộ chính trị đang vướng mắc, cần tháo gỡ, thông suốt. Bác cho rằng: Từ khi bắt đầu kháng chiến đến nay, nhân dân ta tiến bộ, quân đội ta tiến bộ. Cũng do tiến bộ đó ta mới thấy lộ ra nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nào cũng có hại..., nhất là “bệnh cá nhân”. Bác căn dặn: “Thấy được khuyết điểm là một bước tiến bộ, nhưng mới chỉ là bước đầu. Thấy rồi phải lo sửa. Đang sửa thì phải sửa cho hết. Đã sửa rồi thì phải giữ mình đừng để mắc phải nữa”.

Về “học tập chính trị và quân sự”, Bác cho rằng, đó là vấn đề thiết yếu, cốt lõi nhất của công tác tư tưởng và cũng là đòi hỏi bức bách nhất đối với cán bộ chính trị trong toàn quân. Bác chỉ rõ: “Phải học tập chính trị. Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại… Quân đội ta là quân đội nhân dân; nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”, và “Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc làu mà không biết đánh giặc thì vô dụng. Cho nên các chú phải học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu… Tóm lại là học để nâng cao trình độ người chỉ huy”.

Lời căn dặn của Bác về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ là những yêu cầu, phương hướng, nội dung rất cơ bản của hoạt động CTĐ, CTCT, không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo giải quyết những công việc cần kíp, thiết thực khi đó, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với hoạt động CTĐ, CTCT của quân đội ta trong tình hình mới. Thấm nhuần những lời dạy của Bác, 70 năm qua, hoạt động CTĐ, CTCT của quân đội ta luôn bám sát thực tiễn quân sự và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đội ngũ cán bộ chính trị của quân đội không ngừng phát triển, tiến bộ, trưởng thành, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Một trong những vấn đề được Bác đặc biệt quan tâm là cán bộ phải thương yêu chiến sĩ. Bác căn dặn: “Các chú là đại đoàn trưởng, trung đoàn trưởng hay tiểu đoàn trưởng, cũng chỉ là những người đặt kế hoạch và điều khiển đánh trận. Lúc ra trận, việc đặt mìn, phá lô cốt đều do tay anh em đội viên làm. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, săn sóc, động viên… Cán bộ có coi đội viên như chân như tay thì đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc”. Bác  nhấn mạnh và căn dặn cán bộ phải dạy cho đội viên biết cách dân vận; phải “dạy cho đội viên biết kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ dân, làm cho đội viên thành một người tuyên truyền bằng công việc thực tế… Muốn vậy, cán bộ phải gương mẫu”.

Bác huấn thị và yêu cầu cán bộ chính trị phải nêu gương sáng về rèn luyện đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Theo Bác, cốt lõi đạo đức mới của người quân nhân là trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện cho tốt “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Bác khẳng định và căn dặn: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng”. Những lời dạy của Bác không chỉ là phương hướng nội dung rất cơ bản để hoạt động CTĐ, CTCT quán triệt thực hiện trong xây dựng phẩm chất chính trị-đạo đức, năng lực của người cán bộ, đảng viên trong quân đội, mà còn là phương châm chỉ đạo mọi hoạt động, là cơ sở để cán bộ chính trị rèn đức, luyện tài, luôn là hạt nhân đoàn kết đơn vị, phát huy bản chất truyền thống, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Thời gian dẫu lùi xa, nhưng những lời căn dặn ân tình của Bác trong lần Người đến thăm và nói chuyện tại Trường Luân huấn Chính trị Trung cấp Quân đội hơn 60 năm trước như vẫn còn vang vọng, cổ vũ, động viên và là “kim chỉ nam” đối với đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chính trị, là phương hướng, mục tiêu phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người cán bộ ưu tú của Đảng trong quân đội. Đó cũng là những tư tưởng rất cơ bản, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt chỉ đạo hoạt động CTĐ, CTCT suốt 70 năm qua của quân đội; để quân đội ta luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cùng toàn dân lập nên những chiến công hiển hách, tô thắm thêm trang sử vàng của quân đội và dân tộc anh hùng./.

Thiếu tướng NGUYỄN BÁ DƯƠNG

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: