1. Trong 70 năm qua, Quân đội ta luôn thực hiện tốt tư tưởng của Bác Hồ: “Giúp bạn là tự giúp mình”, đường lối chính trị, quan điểm đối ngoại của Đảng ta “Đông Dương là một chiến trường”, “Thực hiện tốt nhiệm vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế”. Điều đó đã thể hiện rõ chủ nghĩa yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong khó khăn, thử thách trên chiến trường cũng như lúc bình yên, tập trung xây dựng và bảo vệ đất nước; tình nghĩa thủy chung son sắt của Quân đội ta với quân đội và nhân dân các nước Đông Dương, các nước láng giềng đã được khẳng định và ngày càng phát triển bền vững.

Đối với cách mạng Lào, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã khắc sâu vào tâm trí của hàng triệu người dân và cán bộ, chiến sĩ cách mạng Lào; đã tỏa sáng không chỉ trên chiến hào, khi chúng ta “hạt gạo chia đôi”, cùng bạn đoàn kết chiến đấu, chống kẻ thù chung để giải phóng đất nước mà còn thể hiện sâu sắc trên mặt trận đấu tranh xây dựng cuộc sống mới, củng cố tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân đội và nhân dân hai nước. Với bản chất truyền thống tốt đẹp của mình, Bộ đội Cụ Hồ đã và đang tích cực góp phần làm cho “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

danh-thom-bo-doi-cu-ho-1
Du khách trong và ngoài nước tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Ảnh: MINH PHƯƠNG.

2. Đối với cách mạng Cam-pu-chia, Bộ đội Cụ Hồ - Quân tình nguyện Việt Nam đã tỏa sáng như “mặt trời chân lý”, đã đem đến cho đất nước và nhân dân Cam-pu-chia niềm tin yêu hy vọng, lẽ phải, sự công bằng, công lý và đạo lý, quyền được sống làm người; đã góp phần quyết định vào việc giúp lực lượng cách mạng Cam-pu-chia xóa bỏ chế độ Pôn Pốt - Iêng Xa-ri, cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, được nhân dân Cam-pu-chia tri ân sâu sắc gọi Quân đội nhân dân Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”, “Bộ đội vì dân”.

Là người trong cuộc, chúng tôi-nhiều thế hệ giảng viên của các học viện, trường sĩ quan quân đội, trước đây đã tham gia làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước bạn; nay trong thời bình, lại thực hiện nhiệm vụ tham gia giảng dạy giúp các học viên, sinh viên quốc tế; trong đó có nhiều thế hệ học viên, sinh viên đến từ đất nước Cam-pu-chia và Lào. Ngoài việc lên lớp giảng bài, cùng học viên tham gia các hình thức sau bài giảng, học tập ngoại khóa, chúng tôi còn có nhiều cơ hội để quan hệ, tiếp xúc, trò chuyện với các học viên, sinh viên nước bạn. Không ít học viên Cam-pu-chia học tập tại Học viện Chính trị đã tâm sự với chúng tôi: Chúng em được sống, được sang Việt Nam học tập là nhờ có Bộ đội Cụ Hồ - “Bộ đội nhà Phật”. Nếu không có “Bộ đội nhà Phật”, tức là Quân tình nguyện Việt Nam tận tình cứu giúp thì đất nước và nhân dân Cam-pu-chia không thể thoát khỏi nạn diệt chủng; không thể hồi sinh và chắc chắn không thể có cuộc sống như ngày hôm nay.

Khẳng định điều này, các đồng chí nguyên là Tư lệnh của Quân đoàn 3, những người đã trực tiếp giữ vai trò chỉ huy Chiến dịch Biên giới Tây Nam là Trung tướng Khuất Duy Tiến và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, từng kể lại: Tháng 1-1979, sau khi Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Cam-pu-chia và tiếp tục truy quét tàn quân Pôn Pốt, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn khi đó gọi điện sang Phnôm Pênh đã hỏi những người chỉ huy Quân tình nguyện: “Bộ đội ta khi gặp dân Cam-pu-chia, họ cư xử thế nào?”. Trung tướng Khuất Duy Tiến trả lời: “Người Cam-pu-chia gọi bộ đội Việt Nam là Bộ đội nhà Phật”! Khi nghe được câu trả lời đó, ở Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn rất vui và nói, Quân tình nguyện Việt Nam làm việc thiện - cứu người, được nhân dân Cam-pu-chia vinh danh Bộ đội nhà Phật, thật là nhân văn!”.

danh-thom-bo-doi-cu-ho-2
Học viên 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia tại Học viện Hậu cần cùng biểu diễn văn nghệ chào mừng
kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.

 3. “Hữu xạ tự nhiên hương”, danh thơm, tiếng tốt của Bộ đội Cụ Hồ đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, đi khắp năm châu bốn biển. Khi chúng tôi học tập ở Liên Xô (trước đây), dưới mái trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên nhà bác học vĩ đại Lô-mô-nô-xốp có đến 80 quốc gia dân tộc gửi sinh viên, nghiên cứu sinh đến học tập, thực tập. Ở đâu, khi chúng tôi gặp người nước ngoài, không kể họ là khách du lịch, sinh viên hay thương gia, da trắng hay da màu, sau câu chào thân tình và lời đáp lại thân thiện, họ đều nhận ra chúng tôi là người Việt Nam, và luôn đon đả cất tiếng: Chào các bạn, chào “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp!”.

Vốn là quân nhân đi học biệt phái ở Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va, tôi có đem theo bộ quân phục và đã trưng diện, “triển lãm” cho các bạn sinh viên nước ngoài xem mỗi khi mặc lại bộ quần áo ấy vào những ngày lễ, Tết của dân tộc, của Quân đội ta. Các bạn nước ngoài thích lắm, không kể là gái hay trai, tất cả đều ôm hôn tôi-người lính Cụ Hồ, rất chặt, đầy tình thân ái. Một trong những người bạn ấy là Ra-vu, người Ma-ga-đát-xca học trên tôi một năm, nhưng ở cùng ký túc xá cứ khẩn khoản đòi tôi tặng bộ quần áo Bộ đội Cụ Hồ để đem về nước bạn làm vật kỷ niệm. Tôi phải giải thích rất nhiều, rất kỹ và tặng đồ vật kỷ niệm khác từ Việt Nam đem theo cho bạn ấy để giữ lại bộ quần áo Bộ đội Cụ Hồ, tôi đã đem theo, đã vượt qua 20.000km đường bay để đến Mát-xcơ-va vì nó chứa đựng những kỷ niệm sâu sắc trong đời quân ngũ của tôi.

 Đối với các bạn Nga thì họ hiểu biết khá sâu sắc về Bộ đội Cụ Hồ, về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong thư viện trường đại học, quầy sách ở các thành phố và nông thôn, có khá nhiều sách tiếng Nga viết về Việt Nam, về Bộ đội Cụ Hồ. I.A.Cốp-lép, người bạn thân, người Nga ở cùng phòng với tôi, thường mua những cuốn sách tiếng Nga viết về Việt Nam, về Bộ đội Cụ Hồ để tặng tôi. Vì vậy, khi viết chuyên luận về môn chuyên ngành chủ nghĩa duy vật lịch sử, tôi và người bạn ấy đều chọn chủ đề viết về Quân đội nhân dân Việt Nam và cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Pháp và Mỹ của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi đều đạt điểm xuất sắc. I.A.Cốp-lép đánh giá cao phẩm chất nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Bạn ấy khẳng định: Quân đội Liên Xô và Quân đội nhân dân Việt Nam đều có những phẩm chất nhân cách tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng, nhưng bạn ấy “ghen tị” vì Quân đội Liên Xô là của Nhà nước Liên Xô, chứ không được nhân dân tin yêu, quý mến, phong tặng danh hiệu cao quý như Bộ đội Cụ Hồ.

Vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2010), tôi có đọc một số cuốn sách bằng tiếng Nga do người bạn I.A.Cốp-lép gửi tặng. Trong đó có cuốn “Người Nga nói về Hồ Chí Minh” (Hồi ký và những hồi ức của những nhà văn, nhà báo, nhà ngoại giao và các nhà Việt Nam học người Nga bàn về Chủ tịch Hồ Chí Minh) của 16 tác giả, và cuốn "Đồng chí Hồ Chí Minh" của E.Cô-bê-lép - Chuyên gia nghiên cứu về những vấn đề lịch sử và chính trị của các nước Đông Dương, nhà Việt Nam học. Tôi đã đọc và thật sự cảm động về sự đánh giá rất cao những cống hiến của Bác Hồ đối với cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam; đặc biệt là các tác giả người Nga đánh giá rất cao hình tượng, phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ của Quân đội nhân dân Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Đáng chú ý trong cuốn sách “Người Nga nói về Hồ Chí Minh”, Rô-man Các-men - đạo diễn phim nổi tiếng của Liên Xô, là một trong những người đầu tiên làm phim tài liệu về Hồ Chí Minh trong vùng giải phóng Việt Bắc năm 1954. Với tiêu đề "Đồng chí Hồ Chí Minh và Quân đội của Người", Rô-man Các-men đã kể 10 câu chuyện-10 lần gặp gỡ, được làm việc với Bác Hồ; trong đó, ông dành nhiều trang nói về Bộ đội Cụ Hồ với sự tin yêu, ngưỡng mộ, kính trọng và đánh giá rất cao phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Câu kết luận nổi tiếng của Rô-man Các-men là “Nhân dân Việt Nam thật là hạnh phúc vì có Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội của dân, do dân và vì dân. Chừng nào ở Việt Nam còn có Bộ đội Cụ Hồ thì mọi kẻ thù giai cấp, dân tộc không thể đụng đến cuộc sống hòa bình của người dân Việt Nam”. Và đây là điều mong muốn của ông: “Cho dù ngày nay quân đội có được trang bị những vũ khí tối tân hiện đại đến mức nào, nhưng để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược thì hãy học cách được làm Bộ đội Cụ Hồ như ở Việt Nam”.

Đó là những lời khen ngợi hàm chứa các giá trị nhân văn sâu sắc, độc đáo và vô cùng thâm thúy với triết lý nhân sinh thật sống động, rất đặc thù phương Đông và Việt Nam. Đúng là không có lý do nào ngăn cản lòng tự hào, kiềm chế niềm vui, cản trở hạnh phúc khi Quân đội nhân dân Việt Nam được vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu./.

Thiếu tướng, PGS, TS, NGND NGUYỄN BÁ DƯƠNG (Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và Nhân văn Quân sự - Bộ Quốc phòng)

 Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: