Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương vô hạn, sự quan tâm đặc biệt đối với thương binh, liệt sỹ. Bởi theo Người: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sỹ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.

          Tình cảm, sự quan tâm ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh. Bằng những hành động cụ thể, mộc mạc, giản dị nhưng rất mực chân thành, xúc động, Người luôn dành trọn trái tim ấm áp, tình cảm nồng hậu cho từng thương binh, liệt sỹ.

ban-quan-ly-lang-2
Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng gắn Huy hiệu Bác Hồ cho đại biểu Người có công tỉnh Kiên Giang

          Ngược dòng thời gian, trở về 67 năm về trước, ngày 27-7-1947 đã chính thức trở thành Ngày Thương binh – Liệt sỹ, ngày mà cả dân tộc nhớ về công lao và sự hy sinh to lớn của các thương binh, liệt sỹ. Trải qua thời gian, tính đến nay, công tác chăm sóc Người có công ngày càng được quan tâm, chú ý, thực hiện theo đúng tư tưởng chỉ đạo năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Biểu hiện cụ thể nhất đó là hệ thống chính sách đã và đang được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu của xã hội.Người có công và gia đình đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", “Uống nước nhớ nguồn”, chăm sóc Người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Các phong trào, hoạt động ngày càng phong phú, sáng tạo và dần trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội của dân tộc.

          Hàng năm, Ban Quản lý Lăng được đón tiếp hàng triệu đồng bào trong nước và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác Hồ, trong đó đặc biệt kể đến những thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình các thương binh, liệt sỹ... Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhớ tới công lao, sự hy sinh to lớn của các thương binh, liệt sỹ. Thực hiện theo đúng truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, Ban Quản lý Lăng đã quán triệt và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đón tiếp Người có công với cách mạng.

ban-quan-ly-lang-1
Những giây phút cảm động khi xem phim tư liệu “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”

          Mỗi dịp tháng 7 đến, Ban Quản lý Lăng lại có cơ hội đón tiếp rất nhiều đoàn Người có công trên cả nước về Lăng viếng Bác. Xác định việc đón tiếp chu đáo các đoàn Người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Ban đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Bởi hơn hết, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ trong Ban đã trực tiếp được gặp, được chia sẻ với những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Từ những câu chuyện cuộc đời đó, chúng ta thêm hiểu và trân trọng hơn những đóng góp, hy sinh của họ.

Chia sẻ về điều này, Thượng tá Lương Kỳ Hải, Trưởng ban Ban Đón tiếp nói: “Thực hiện tốt công tác đón tiếp, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội của các tỉnh trên cả nước nhằm tạo điều kiện cho Người có công với cách mạng có cơ hội về Thủ đô, vào Lăng viếng Bác Hồ. Hơn thế, đối với các đoàn từ xa đến, phương tiện khó khăn, Ban Quản lý Lăng đã hỗ trợ, cử người trực tiếp ra đón đoàn, bảo đảm công tác đi lại của đoàn được tiến hành thuận lợi”. Đối với các thương binh, bệnh binh, Bà mẹ  Việt Nam anh hùng không đi lại được, Ban đã hỗ trợ xe lăn, chủ động sắp xếp chiến sỹ đẩy xe, đảm bảo an toàn, chu đáo để họ được vào Lăng viếng Bác. Chính vì vậy, hàng năm, các đoàn Người có công trên cả nước có điều kiện thuận lợi hơn để vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những đoàn đặc biệt, Ban Quản lý Lăng còn tặng Huy hiệu Bác Hồ cho từng đại biểu trong đoàn.

Đặc biệt, rất nhiều thành viên trong các Đoàn Người có công ở các tỉnh phía Nam, ở vùng sâu vùng xa đều là lần đầu tiên ra thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Bác Hồ. Vì vậy, họ không giấu được niềm xúc động sâu sắc khi có mặt tại Lăng Bác, được xem phim tư liệu cảm động về “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”. Có rất nhiều những giọt nước mắt đã rơi xuống. Đó là giọt nước mắt của nỗi nhớ, của tình yêu thương vô hạn hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Thị Kim Cúc (78 tuổi, hiện sống tại Đà Nẵng) đã xúc động kể lại câu chuyện được gặp Bác Hồ năm xưa. Bà bảo: Tôi may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần, mỗi lần gặp là một cảm xúc rất đặc biệt. Giờ đây, khi tuổi đã cao, tôi lại có cơ hội về đây, được đón tiếp chu đáo, ân cần, được tạo điều kiện thuận lợi để vào Lăng viếng Bác Hồ. Tôi thật sự rất xúc động. Tôi mong rằng tất cả Người có công trên cả nước mình đều có được cơ hội này. Bởi thật sự, tôi hiểu họ cũng có ao ước được “gặp” Bác Hồ một lần trong đời.

ban-quan-ly-lang-4
Đoàn đại biểu Người có công huyện Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng dâng vòng hoa
và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

          Là người trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều đoàn Người có công, chị Nguyễn Thị Vân Phương tâm sự: “Làm việc tại Ban Đón tiếp, tôi có cơ hội được gặp rất nhiều đối tượng chính sách, Người có công. Họ đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng tựu chung lại tôi luôn cảm nhận được tình yêu thương mà họ dành cho Bác Hồ. Tôi đã được chứng kiến những giọt nước mắt xúc động, hạnh phúc của họ khi được “gặp Bác” tại Lăng của Người. Có những mẹ Việt Nam anh hùng tuổi đã cao, sức yếu nhưng vẫn cố gắng về Lăng để mong mỏi được “gặp” Bác Hồ kính yêu. Bởi với các mẹ, được “gặp” Bác chính là ước nguyện lúc cuối đời. Và hơn thế, qua câu chuyện về của cuộc đời của họ, tôi thấy được ở họ một nghị lực sống rất mạnh mẽ. Bởi có thể sức khỏe họ không tốt, mất đi một phần cơ thể nhưng họ vẫn rất lạc quan sống và cống hiến công sức xây dựng gia đình, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Gặp, chia sẻ với họ, tôi càng quyết tâm khắc phục những khó khăn để phục vụ chu đáo Người có công và khách đến viếng Lăng Bác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được cơ quan giao phó”.

tang-qua-1
Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đến thăm và tặng quà gia đình
bà Phạm Thị Thanh Tâm -  vợ liệt sỹ

          Hơn thế, bên cạnh công tác đón tiếp, Ban Quản lý Lăng đã tổ chức các hoạt động có ý nghĩa như: Tặng quà cho các gia đình Người có công với cách mạng, đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, giúp đỡ các gia đình chính sách còn khó khăn, tham gia tích cực cùng các ban, ngành, các tổ chức nhằm thực hiện tốt phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”. Đặc biệt, tại các địa điểm đóng quân, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện chăm sóc, thăm hỏi, động viên, ủng hộ về cả vật chất và tinh thần các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh. Riêng với thanh niên trong các chi đoàn cơ sở, chi đoàn đã tổ chức quyên góp ủng hộ, tặng quà, lao động tình nguyện, thắp hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ tại địa phương.  Mỗi hoạt động dù nhỏ đó đều thể hiện được đạo lý “Đền ơn, đáp nghĩa”. Mỗi hoạt động như những bông hoa nhỏ đẹp mà cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ muốn dâng lên để tri ân với các thương binh, liệt sỹ, những anh hùng của dân tộc ta.

ban-quan-ly-lang-3
Đoàn đại biểu Người có công tỉnh Lào Cai chụp hình lưu niệm
 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử

          Hàng năm, mỗi khi Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7) đến, chúng ta cùng nhau tưởng nhớ về sự hy sinh, những đóng góp quên mình của những thương binh, liệt sỹ trên cả nước. Họ là những con người đã sống, đã chiến đấu, đã để lại tuổi trẻ, gia đình, tình yêu, một phần cơ thể và hơn thế là cả sinh mệnh... Họ là những con người đã sống, đã cống hiến tất cả vì độc lập, vì tự do của dân tộc.

Năm nay, cả nước ta kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ trong tình hình Biển Đông vừa có những diễn biến phức tạp. Cả đất nước đang cùng nhau hướng về Trường Sa, Hoàng sa, hướng về biển, đảo quê hương với nhiều hoạt động thiết thực.

Hướng về biển đảo, nhớ tới những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong mỗi trái tim của người dân Việt Nam lại càng hiểu hơn về giá trị của độc lập, tự do mà cha ông, Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ đã đem lại. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những gì các thương binh, liệt sỹ đã cống hiến cho dân tộc vẫn còn mãi. Họ đã trở thành biểu tượng đẹp, sống mãi trong lòng dân tộc, trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Chúng ta – những con người may mắn được hưởng thái bình, được sống một cuộc đời không có súng đạn, cần phải cố gắng trau dồi hơn nữa để trở thành những người có ích, đóng góp công sức vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước./.

Thanh Huyền

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: