Đất nước ta, với bề dày bốn ngàn năm là lịch sử dựng nước và giữ nước. Những người con ưu tú của đất mẹ anh hùng đã luôn một lòng quyết bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ bờ cõi non sông đất nước. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trở thành những bài ca bất tử của những người con ưu tú, bất khuất, kiên cường đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ.

Truyền thống ngàn đời của dân tộc - đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”Ăn quả nhớ người trồng cây”... đã trở thành một trong những nội dung cơ bản trong kho tàng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Truyền thống đó đã hun đúc lên khí phách con người Việt Nam trọng đạo lý, luôn tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái,khắc ghi những công lao to lớn của thế hệ cha anh đi trước. Đó là những anh hùng liệt sỹ, những thương binh, bệnh binh đã không tiếc máu xương chiến đấu cho độc lập dân tộc, đến ngày hôm nay, những thương binh “tàn nhưng không phế” vẫn là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận xây dựng quê hương đất nước. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là con người trọng đạo lý. Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Người cũng luôn một lòng hướng về quê hương đất nước, hướng về những người con ưu tú đã ngã xuống để gìn giữ non sông. Khi là cương vị Chủ tịch nước, mặc dù bận rất nhiều công việc, nhưng Người luôn hướng một lòng về những người con đất Việt. Ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp mặt Đại đoàn 308, trên đường đơn vị về tiếp quản Thủ đô. Tại đây, Người căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữa lấy nước”. Tiếp bước cha anh đã đi qua nhiều cuộc kháng chiến của dân tộc, lớp quân và dân hôm nay thực hiện tốt lời dạy của Người năm xưa.

“ Dù ai đi Đông về Tây

27 tháng 7 nhớ ngày thương binh.

Dù ai lên thác xuống ghềnh

27 tháng 7 thương binh nhớ ngày ”.

(Ông Lê Tất Đắc, đại diện Cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam)

Phát huy truyền thống“Uống nước nhớ nguồn”,Ăn quả nhớ người trồng cây”, thể hiện đạo lý và tấm lòng biết ơn đối với các anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh, ngày 10-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ đăng trên báo Cứu quốc, Người viết: “Tôi kính cẩn cúi chào các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”. “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sỹ và đồng bào ViệtNam vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”.

Với lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, hàng triệu những người con ưu tú đã hy sinh, cống hiến xương máu của mình để cho độc lập, tự do. Những mất mát ấy không thể có gì bù đắp được - Họ là những anh hùng xả thân vì nước. Họ là những người mẹ anh hùng bất khuất, dâng hiến những đứa con duy nhất của mình vào mặt trận. Họ là những người vợ, người yêu vững vàng nơi hậu phương để chồng và người yêu ra tuyền tuyến.

Với nhiều năm cương vị là một Chủ tịch nước, nhưng Người luôn luôn quan tâm, gần gũi, trân trọng những đóng góp to lớn của họ, để muôn đời sau noi theo, phát huy truyền thống cao đẹp đó. Người nói:“Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Đảng, Nhà nước đã chọn và Người cũng đồng ý lấy ngày 27 tháng 7 làm “Ngày Thương binh toàn quốc”, đó cũng là dịp để nhân dân “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”. Người đã gửi thư cho Ban Thường trực của Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc, Người viết:“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta?  Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh”.

Hàng năm cứ đến ngày 27 tháng 7, "Ngày Thương binh - liệt sỹ", Người đều gửi thư cho các đồng chí thương binh và bệnh binh và gia đình liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Người Viết: Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm môt linh bài liệt sỹ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sỹ sẽ không thể tái sinh.

Những bức thư tuy giản dị, chân thành, chỉ là những lời động viên, an ủi, rất mộc mạc, nhưng lại chứa đựng một tình cảm to lớn và sâu sắc. Người nói:“Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ đã để lại”.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Kế thừa đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, 67 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn quan tâm, các cuộc vận động để“Mùa đông binh sỹ” “Giúp binh sỹ bị thương”, từ những việc làm “Hiếu nghĩa bác ái” theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”…Hay như phong trào “Vườn cây tình nghĩa”, “Ao cá tình nghĩa”....để trong thời bình cũng như thời chiến, hậu phương phải vững chắc, trận tuyến mới yên tâm. Để đến những ngày cuối đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn một lòng hướng về các anh hùng liệt sỹ.

Trong Di chúc, Người viết: Các liệt sỹ đã đem xương máu của mình vun đắp cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”. Thực hiện Di chúc của Người, ngày nay, cuộc sống, sức khỏe của những gia đình thương bệnh bình, gia đình có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm.

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 15-7-1985 về việc tăng cường chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng: “Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Người công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”, thu hút nhiều người, nhiều gia đình có công ở cơ sở tham gia, đồng thời phát động phát triển toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, học tập và làm theo những gương tốt. Chấn chỉnh nề nếp sinh hoạt chính trị ở các cấp của những người và gia đình có công, nhất là đối với cán bộ, bộ đội hưu trí, nhằm thường xuyên và kịp thời phổ biến cho anh chị em. Sử dụng hợp lý trình độ, khả năng đóng góp của anh chị em vào công tác ở cơ sở. Mặt khác cần chống luận điệu chiến tranh tâm lý, phá hoại của địch, ngăn ngừa và xử lý kịp thời những hành động phi pháp làm mất uy tín và phá hoại truyền thống cách mạng ...”.

Tại Đại hội lần thứ IX của Đảng năm 2001, nêu:“Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân đối tượng chính sách tự vươn lên”.

Đặc biệt, những ưu đãi từ chính sách của Đảng, Nhà nước đã tiếp sức cho anh chị em thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ đã phát huy truyền thống để xứng đáng là những “Công dân kiểu mẫu”, những “Gia đình cách mạng gương mẫu”. Nhiều người trong số đó đã trở thành những nhà khoa học, những người làm kinh tế giỏi, và nhiều người đang đảm đương những trọng trách là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý ở nhiều lĩnh vực từ Trung ương đến cơ sở, một số đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Đối với các thương bệnh binh, với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, bằng tinh thần và nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương bệnh binh đã có nhiều cố gắng vươn lên, tự lực cánh sinh trong lao động sản xuất, học tập và trong cuộc sống. Họ không những đã tạo ra công ăn việc làm cho bản thân và gia đình mình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và con em của họ, tạo dựng nên một cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn./.

Ths. Hoàng Anh Tuấn

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: