Trường Dục Thanh, nơi cách đây hơn 100 năm, Bác Hồ đã dừng chân dạy học, mở đầu sự nghiệp trồng người, nay đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Là niềm tự hào không chỉ của nhân dân Bình Thuận nói riêng mà của cả nước nói chung, Trường Dục Thanh là một điểm đến hết sức ý nghĩa đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trong khu đất nhà tự (nay thuộc địa bàn phường Ðức Nghĩa, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) của anh em cụ Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh, là con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông (1827 - 1884). Trường dạy chữ Quốc ngữ là chính, bên cạnh đó, trường dạy thêm Hán văn, Pháp văn. Trường mang tên Dục Thanh với ý nghĩa giáo dục thanh niên lòng yêu nước, hưởng ứng truyền bá tư tưởng của Phong trào Duy Tân. Ðây là trường tư thục được cho là có nội dung giảng dạy vào loại tiến bộ nhất ở miền Trung lúc bấy giờ.

Tháng 9-1910, được sự giới thiệu của cụ Trương Gia Mô (bạn cũ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc), người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết và dạy học ở Trường Dục Thanh. Tham gia giảng dạy trong trường có bảy thầy giáo, trẻ nhất là thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành có phương pháp giảng dạy rất mới, rất tiến bộ. Thầy truyền đạt cho học sinh không chỉ kiến thức mà còn khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, yêu thương con người.

Tháng 2-1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn. Rồi sau đó, ngày 5-6-1911, từ Bến Nhà Rồng, Người đã lên tàu ra đi tìm đường cứu nước.

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến năm 1978 - 1980 Trường Dục Thanh đã được phục chế, tôn tạo như lúc thầy Thành dạy học. Những hiện vật gốc được lưu giữ, những Di tích trong quần thể Khu Di tích Dục Thanh đều gắn với những kỷ niệm sâu sắc về thời gian Người dạy học tại đây.

Bên cạnh Khu Di tích Dục Thanh, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1986, là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận. Khu Bảo tàng hiện trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Ðến với Khu Di tích Dục Thanh, hầu như tất cả đều giống nhau ở tâm trạng bồi hồi cảm xúc và nỗi niềm khôn nguôi nhớ Bác. Mỗi người như đang được nghe thầy giáo Nguyễn Tất Thành truyền đạt những bài giảng về tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người, về trách nhiệm đối với non sông.

Ðược nghe, được nhìn thấy, được giới thiệu về những di tích, những hiện vật cùng những sinh hoạt đời thường, chúng ta hiểu thêm về phong cách sống giản dị, hòa mình với quần chúng nhân dân, yêu lao động, yêu thương chăm sóc học sinh của thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Sau khi thăm Khu Di tích, đồng chí Nguyễn Xuân Thông, thay mặt Đoàn cán bộ Tạp chí Cộng sản viết: "Ðược tận mắt nhìn thấy những hiện vật của Bác Hồ, được nghe giới thiệu một quãng thời gian hoạt động của Bác, Đoàn hết sức xúc động, càng tưởng nhớ tới công ơn to lớn, đạo đức trong sáng và cuộc đời hy sinh vì nước vì dân của Người".

Mỗi ngày, sổ cảm tưởng tại Khu Di tích Dục Thanh lại dày thêm những cảm xúc, niềm tự hào vì có Bác. Cùng Đoàn cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp Sư phạm mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội đến thăm Trường Dục Thanh, cô giáo Nguyễn Thanh Thao viết: "Dù Bác đã đi xa, nhưng với chúng con, Bác mãi mãi gần gũi, thân thiết. Chúng con thêm vững tin và tự hào vì luôn có Bác".

Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước xúc động viết: "Chúng cháu luôn nhớ công lao trời biển của Bác dựng nên nền giáo dục nhân dân của chúng ta, mà chúng cháu là một trong những sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Chúng cháu nguyện suốt đời theo chân Bác tiếp tục xây dựng và phát triển sự nghiệp trồng người, như Bác đã dặn lại trước lúc đi xa". Nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam hứa: "Chúng con nguyện phấn đấu suốt đời đi theo con đường mà Bác đã chọn, suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, xây dựng một nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh Bình Thuận) Nguyễn Văn Quỳ cho biết: Qua hơn 30 năm hoạt động, Khu Di tích Dục Thanh đã đón hơn 4 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Bên cạnh đó, Khu Di tích còn là nơi tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, lễ dâng hương, dâng hoa, lễ báo công, lễ kết nạp Ðảng, kết nạp Ðoàn, kết nạp Ðội, lễ tuyên dương khen thưởng... Những hoạt động được tổ chức tại đây đều rất ý nghĩa và mang lại hiệu quả xã hội thiết thực. Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thủy 1, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) Nguyễn Thị Thanh dẫn các em học sinh tới thăm Khu Di tích Dục Thanh đã viết: "Về đây, thầy và trò Trường tiểu học Phú Thủy 1 đã được học tập thêm nhiều gương đạo đức của Người. Chúng con xin nguyện sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tích trong giảng dạy và học tập, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm học".

Về Trường Dục Thanh trong những ngày tháng năm lịch sử này, chúng ta như vẫn thấy hình ảnh người thầy giáo có dáng người thanh thanh, tóc hớt ngắn, vầng trán cao, nét mặt tươi cười, đôi mắt long lanh, thầy đang dạy chúng ta bài học về tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người... Thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi ở trong tim của mỗi người dân Việt Nam./.

Bài và ảnh: Ðình Châu

Theo http://www.nhandan.com.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: