Đương kim Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, vốn xuất thân là một phóng viên, từng là chủ bút của nhiều tờ báo tại Ấn Độ. Ông luôn có một tình yêu đặc biệt đối với Việt Nam, từng viết nhiều tập sách chuyên khảo về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng nói một câu nổi tiếng: “Tôi không phải là bạn của Việt Nam, tôi là người nhà của các bạn”. Nhân lần đến Hà Nội giới thiệu tập sách mới, cuốn Hồ Chí Minh - Vị cứu tinh của Hòa bình, Độc lập và Hạnh phúc (Hochiminh – A Messiah of Peace, Independence and Happiness), Geetesh Sharma đã có đôi lời tâm sự về chủ đề ông hằng yêu thích…
Việt Nam và Hồ Chí Minh là hai cái tên nước ngoài nổi tiếng và phổ biến nhất trong cộng đồng các dân tộc Ấn Độ, những người luôn khát khao những giá trị chính trị và trí thức suốt cả nửa cuối thế kỷ vừa rồi, đặc biệt giai đoạn 1950-1970. Đấy là thời kỳ đặc biệt, khi mà có quá nhiều điều được viết bằng đủ mọi thứ ngôn ngữ Ấn Độ, về Hồ Chí Minh, đặc biệt ở bang Tây Bengal, nơi những vần thơ, những bài luận ca ngợi Người phổ biến như những chuyện thời sự của chính vùng đất này vậy. Các tác phẩm của Hồ Chí Minh và cuốn Nhật ký trong tù của Người được dịch ra tất cả mọi thứ ngôn ngữ trên tiểu lục địa, và được những người dân nơi đây vô cùng thích thú. Trong thực tế, Việt Nam và Hồ Chí Minh đã trở thành những từ đồng nghĩa, đều cùng có nghĩa là kiên cường và cao quý nhất mực.
Sẽ thật khó mà tìm thấy một ai đó ở Ấn Độ không nghe, không biết về vị lãnh tụ huyền thoại đó của nhân dân Việt Nam – Hồ Chí Minh, hay cũng thật khó có ai trong cả tỷ người trên xứ sở sông Hằng không biết về tinh thần bất khuất và chủ nghĩa yêu nước của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đánh bại những thế lực như Pháp, Nhật, Mỹ… Kỳ lạ là người Việt Nam không chỉ đánh bại những thế lực kia, mà họ còn kiên quyết trục xuất bằng hết mọi bóng dáng ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, kiên quyết thống nhất non sông toàn vẹn thân yêu của mình bằng mọi giá. Họ làm những điều đó bằng cách nào? Bằng một thứ chiến lược quân sự tuyệt hảo, mẫu mực, và xuyên suốt.
Hiển nhiên, một sự nghiệp khổng lồ như vậy sẽ không thể được hoàn thành nếu thiếu một nhà lãnh đạo có tư tưởng và tư cách cá nhân kỳ diệu như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự dẫn dắt sáng suốt nhất của Người, nhân dân Việt Nam không chỉ giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của những kẻ thực dân, những tên phát xít, những thế lực ngoại bang sừng sỏ, mà cùng lúc đó, họ còn đánh đổ cả một hệ thống cấu trúc phong kiến hủ lậu, giải phóng cho những người lao động khỏi ách áp bức cường quyền từ bao đời. Tất cả chỉ diễn ra trong một giai đoạn thực sự ngắn ngủi, chưa hề thấy trong lịch sử nhân loại.
Nhân dân luôn là đích đến tuyệt đối của quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Mối quan tâm của Người dành cho nhân dân, tuy thế, lại không chỉ giới hạn trong biên giới địa lý của chỉ một Việt Nam. Mục đích của Người không chỉ là giải phóng đất nước khỏi sự cai trị của những kẻ ngoại bang, mà còn sâu sắc hơn nhiều. Người mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc mình, nhưng Người cũng muốn mang lại cả công bằng, bác ái, thịnh vượng cho mọi tầng lớp dân nghèo khác trên quả đất. Chính vì lý do này mà Người đấu tranh không mệt mỏi nhằm không những đánh đuổi mọi bè lũ cướp nước, mà còn nhằm xóa bỏ chế độ nô lệ, chế độ phong kiến, những mẫu hình tiêu biểu đè nén con người.
Như nhiều nhà nghiên cứu đã nói, nhân dân nằm ở đáy sâu nhất của trái tim và khối óc Hồ Chí Minh. Mọi lời nói, việc làm của Người đều nhằm biểu thị một quyết tâm không gì lay chuyển được: Độc lập cho dân tộc và lợi quyền cho nhân dân. Chính vì thế mà Người có khả năng đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, đảng phái, tôn giáo trong xã hội Việt Nam (tất nhiên trừ một số rất ít ỏi những kẻ ích kỷ, không thích bị chia sẻ quyền lợi). Mà không chỉ những người thông minh, khỏe mạnh. Cả những người già, trẻ em, phụ nữ chân yếu tay mềm, những bộ tộc heo hút lạc hậu, hay bà con lưu lạc nơi chân trời góc biển... tất cả đều phấn khởi, tin tưởng, tự nguyện đi theo tiếng gọi của Người, để hình thành nên một thế trận rộng lớn, nhiều tầng lớp, đủ sức chiến thắng mọi đội quân dù thiện chiến hay xảo quyệt nhất.
Trong lúc khói lửa bom đạn trùm lên khắp mọi nẻo đường trên dải đất Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, thì thật kỳ lạ là vẫn có những đội quân cần mẫn, tiến hành những chiến dịch dạy chữ cho những người nghèo, những kẻ từ bé chưa biết mặt cái chữ là gì. Trẻ nhỏ thì được học, được chơi, được tổ chức thành những đội quân linh động đi thu thập tin tức, hay chuyển tải những công văn, sách báo, những tín hiệu cách mạng. Đã ở đâu trên trái đất này từng tồn tại một cuộc chiến tranh giải phóng rộng lớn và nhuần nhuyễn như thế chưa? Câu trả lời chắc chắn là: Chưa!
Đó chính là nhờ tài lãnh đạo lôi cuốn và đầy sức hấp dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh hưởng kỳ lạ của Người thực sự nằm ở quy mô toàn dân tộc Việt Nam, một dân tộc lúc nào cũng sẵn sàng tử chiến cho niềm tin và hy vọng độc lập, tự do của mình, những giá trị sẽ đem lại cơm no áo ấm, phẩm giá và công bằng cho mọi kiếp người. Yếu tố đó còn mãi, kể cả sau khi chiến tranh chấm dứt, để cảm hứng đổi đời của những người dân Việt Nam vẫn luôn được duy trì, không bao giờ phai mờ. Thành tựu lớn nhất của quá trình đó là ở chỗ, tầm quan trọng của sức lao động sáng tạo không chỉ luôn được khơi dậy, mà còn được đánh giá cao nhất trong xã hội, và những cấu trúc phong kiến, nô dịch sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn, tận gốc rễ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà lý thuyết, là kiến trúc sư, mà Người còn là một nhà thực hành cách mạng một cách toàn diện, cụ thể, và thiết thực nhất. Chính nhờ thế mà Người thuyết phục và khơi dậy được niềm cảm hứng bất tận trong nhân dân, để họ chủ động vận hành cuộc biến cải theo con đường Người đã chỉ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người mơ mộng đích thực, và ngay từ thuở thiếu thời, Người đã mơ về những điều tốt đẹp nhất cho đất nước và nhân dân của Người. Tuy vậy, Người cũng là một tấm gương thực tiễn và tỉnh táo hết mực, để chèo chống con thuyền cách mạng Việt Nam tránh hết được mọi phong ba ghềnh thác, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Quá trình tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và triết học chính trị định hướng nhân dân của Người không bao giờ dính dáng gì đến miền hoang tưởng, xét ở mọi khía cạnh. Viễn kiến của Người, tư tưởng và triết học của Người có thể nói là không lệ thuộc vào bất cứ chủ nghĩa phức tạp nào. Người là một nhà Mácxít, học tập Lênin, và chịu ảnh hưởng của Hệ thống Xã hội chủ nghĩa. Nhưng Người chỉ học những giá trị hay nhất, tinh túy nhất, chứ không áp dụng một cách dập khuôn, máy móc. Điều đó giúp sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam luôn tươi mới, đầy tính sáng tạo, và có khả năng đi tới thắng lợi một cách thuyết phục.
Nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ Jawaharlal Nehru của nhân dân Ấn Độ từng ghi nhận: “Hồ Chí Minh không chỉ là một người yêu hòa bình, mà còn là một nhân cách đặc biệt nhã nhặn và ấm áp, không bao giờ nghĩ cho riêng mình, nên vô cùng giản dị và trung thực. Là Chủ tịch của nước Việt Nam mới, Người đã không tự giam mình trong tháp ngà. Người thực sự là một phần của quần chúng, một lãnh tụ biết cách liên hợp mọi nguồn lực, theo cách vừa rộng lượng vừa xác quyết hiếm thấy. Dù đánh giá theo bất cứ tiêu chuẩn nào, Hồ Chí Minh cũng là một trong những nhân vật chói sáng nhất trong thời đại chúng ta”.
Nhà văn Geetesh Sharma. Ảnh: Tuấn Việt
P.V: Thưa Nhà văn Geetesh Sharma, tình yêu và lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là nguồn cảm hứng cho ông viết quyển sách. Nhưng sự kiện cụ thể nào đã thúc đẩy ông viết quyển sách giá trị này?
GEETESH SHARMA: Quyển sách này đi vào từng giấc mơ của tôi. Tôi yêu Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đã từng xuống đường biểu tình phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, từng hiến máu giúp đỡ nhân dân Việt nam. Nhưng mãi đến năm 1984, tôi mới có dịp sang Việt Nam lần đầu tiên.
Đến Việt Nam, được gặp gỡ những con dân của Bác Hồ, được nghe kể nhiều câu chuyện cảm động về Người, tôi càng thêm kính trọng vị lãnh tụ kiệt xuất này. Năm 1994, tôi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam. Tôi tìm đọc nhiều tài liệu lịch sử, và nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật vừa vĩ đại vừa đặc biệt. Chính sự nghiệp của Người, của nhân dân Việt Nam do Người chỉ lối, đã thôi thúc tôi viết cuốn sách này.
PV: Ông đã viết quyển sách trong bao lâu?
GEETESH SHARMA: Tôi viết không lâu, nhưng phải sưu tầm tài liệu trong cả chục năm.
Đây không phải là sách biên khảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà là công trình ghi lại những cảm nhận sâu sắc nhất của tôi về Người. Đó là cuốn sách vì lòng yêu thương, thể hiện lòng kính trọng của tôi đối với Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam cũng như của mọi tầng lớp người nghèo Ấn Độ và thế giới.
PV: Ông từng tham dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam hồi đầu năm 2010, ông nghĩ gì về sự giao lưu giữa hai nền văn học Việt Nam và Ấn Độ?
GEETESH SHARMA: Người Ấn Độ ít biết về công cuộc đổi mới và những thành tựu kinh tế gần đây của Việt Nam. Những tác phẩm văn học trong thời kỳ đấu tranh cách mạng của Việt Nam được rất nhiều người Ấn Độ biết đến. Nhưng vẫn ít tác phẩm văn học đương đại được phổ biến ở Ấn Độ trong những năm gần đây. Người Ấn Độ cũng ít biết đến hàng hóa của Việt Nam. Đó là điều đáng tiếc.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế Kolkata, có 70.000 người đến thăm gian hàng các bạn và mua rất nhiều sản phẩm. Các nhà văn, nhà thơ Việt Nam sang giao lưu ở Ấn Độ cũng rất được yêu quý. Nhưng rất tiếc là mới chỉ dừng ở mức bề mặt.
PV: Theo ông, làm thế nào để tiến xa hơn?
GEETESH SHARMA: Chúng ta phải lao động nhiều hơn, nghiêm túc hơn nữa, mà thôi. Mà đặc biệt là sự nghiệp của các dịch giả văn học.
PV: Xin cảm ơn Nhà văn Geetesh Sharma.
Theo Báo Văn nghệ số 35 – 36/2013
Kim Yến (st)