tam long   anh
Tại Hội nghị Thanh niên xã hội chủ nghĩa khu Việt Bắc, Bác Hồ
thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pồn bị mù cả hai mắt
 nhưng có nhiều sáng kiến cải tiến nông cụ (13/3/1960).

Ngày 17/7/1947, lúc cả nước bước vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp, một chính quyền còn non trẻ, thù trong, giặc ngoài đe dọa, với tầm nhìn chiến lược, Bác đề nghị đồng bào cả nước hãy nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương. Bác làm gương thực hiện trước và vận động cả cơ quan Phủ Chủ tịch cùng hưởng ứng.

Ngày 27/7/1947, Bác viết thư biểu dương gia đình nuôi dưỡng thương binh. Bác mong đồng bào chăm nom, giúp đỡ các thương binh. Ngày 15/7/1948, Bác cổ vũ: “Từ trước, đồng bào đã giúp đỡ nhiều”. Ngày 27/7/1949, Bác gửi thư cho Bộ Thương binh nhắc nhở, động viên: “Đồng bào tuỳ từng hoàn cảnh mà gửi thư, tặng quà cho thương - bệnh binh”. Trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc kháng chiến, Bác muốn mọi người chia sẻ, động viên với tinh thần của ít, lòng nhiều.

Ngày 26/7/1951, Bác gửi thư căn dặn các địa phương, các xã “Tuỳ theo số ruộng đất trích được, mượn được hoặc khai khẩn được mà đón nhiều hoặc ít thương binh về xã”. Bác phân tích một cách hợp tình, hợp lý: “Như thế thì đồng bào mỗi xã đã được thỏa mãn lòng ước ao báo đáp anh em thương binh mà anh em thương binh thì được yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và vẫn có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội”.

Ngày 28/7/1952, Bác lấy gương một số đồng chí thương binh vượt lên khó khăn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc đã động viên anh em thương binh: “Đồng bào sẵn sàng giúp, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm thì nhất định anh em dần tự túc được”. Thật cảm động biết bao, trước lúc Bác đi xa, trong Di chúc của Người đã căn dặn hết sức kỹ lưỡng thể hiện tấm lòng bác ái bao la: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mọi người để họ dần dần có thể tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) thì chính quyền địa phương giúp đỡ họ có công việc thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Lời dặn trong Di chúc làm cho các thế hệ chúng ta rất xúc động trước sự quan tâm cụ thể, lòng bác ái cao cả của Người. Thấm nhuần tư tưởng, tình cảm của Bác, một số phong trào tiêu biểu đã ra đời như: Phong trào Trần Quốc Toản (các cháu thiếu niên giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ), phong trào giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ trong HTX nông nghiệp, phong trào nhận đón thương binh, đỡ đầu chăm sóc con liệt sĩ, kết nghĩa với bố mẹ liệt sĩ, xây dựng nhà tình nghĩa.

Trải qua hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm, bao người đã ngã xuống, bao người còn mang thương tật. Đảng và nhân dân ta đã xây dựng trên cả nước 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 98 nghĩa trang do tỉnh quản lý, 400 nghĩa trang do huyện quản lý và trên 2.500 nghĩa trang do xã quản lý. Nhiều nghĩa trang đã trở thành những công trình văn hóa lịch sử có những địa danh nổi tiếng như nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, Trường Sơn, Hoàng Dương - Côn Đảo và có trên 1.500 nhà bia ghi tên liệt sĩ ở xã, phường.

Thấm nhuần tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ, hàng năm, các cấp lãnh đạo trong tỉnh đã tổ chức đi nghĩa trang Trường Sơn, viếng các Anh hùng liệt sỹ - nơi đó có một số con em các dân tộc tỉnh ta yên nghỉ, thăm hỏi, tặng quà các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh. Nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ trong tỉnh được tặng nhà tình nghĩa, cấp vốn, giống phát triển sản xuất, nhiều gia đình liệt sĩ - thương binh đã có mức sống khá giả.

Nhân ngày 27/7 - Ngày Thương binh - liệt sĩ, xin tỏ tấm lòng thành kính biết ơn đến những bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các liệt sĩ, thương binh đang sống gương mẫu, góp phần xây dựng địa phương giàu đẹp./.

Theo Baohoabinh.com.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: