trach nhiem neu guong
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII. (Nguồn: TTXVN)

Đọc kỹ bản Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, có thể nhận thấy toàn bộ nội dung bản Quy định này đã được soi rọi bằng một hệ quy chiếu rất sáng tỏ, đó là: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân; không làm bất cứ việc gì có hại cho đất nước, nhân dân; lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Những câu chữ ấy được viết một cách giản dị, ngắn gọn, súc tích giống như một lời tuyên thệ, sự cam kết về trách nhiệm chính trị của tập thể lãnh đạo cao nhất của Đảng trước Tổ quốc và đồng bào.

Ý nghĩa sâu xa sau những quy định này một lần nữa thể hiện rõ quan điểm tư tưởng của Đảng và Bác Hồ về mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa Đảng với dân; mục tiêu và động lực phấn đấu của toàn Đảng và từng cán bộ, đảng viên, chính là vì nhân dân.

Lấy dân làm gốc, vì nhân dân phục vụ

Bài học lấy dân làm gốc luôn đúng ở mọi thời kỳ cách mạng, nếu nhận thức và thực hành đúng sẽ mang lại thắng lợi vẻ vang; nếu không, hậu quả sẽ khôn lường. Bởi vậy, trong mọi hoạt động, cán bộ, đảng viên đều phải dựa vào dân, luôn gần gũi, sâu sát để hiểu được tâm tư nguyện vọng của dân; đồng thời phải gương mẫu, đi đầu trong mọi việc, hết lòng hết sức hoàn thành bổn phận và trách nhiệm trước nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Quan điểm đó luôn được đặt lên hàng đầu trong các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng ta.

Đặc biệt, qua thời gian, các quy định ngày càng mang tính cụ thể, sát với thực tế hơn. Nói riêng về trách nhiệm nêu gương trong mối quan hệ với nhân dân, tại Quy định số 101-QÐ/TW của Ban Bí thư và Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về những việc cần làm ngay, đã đặt ra yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp là: "Nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, chủ động đối thoại với nhân dân và cán bộ dưới quyền; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú..."

Quy định số 08-QĐi/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành có nội dung khái quát hơn: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân; không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân; lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Đi liền với đó, các quy định cũng đặt ra yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên là phải kiên quyết chống lại, kiên quyết lên án những hành vi, biểu hiện sai trái, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân.

Quy định 08-QĐi/TW đặt ra những quy định yêu cầu mỗi cán bộ cao cấp phải tự nghiêm khắc với bản thân, "chống" lại các biểu hiện xa rời quần chúng nhân dân, như: "Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân," "Chủ trì tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân"...

Trước đó, Quy định số 101-QÐ/TW cũng đặt ra yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp "kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân." Điều này càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết bởi căn bệnh “xa dân” hiện nay ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đã gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm sút lòng tin trong nhân dân, cần phải có biện pháp ngăn chặn.

Đối với cán bộ, đảng viên, chức vụ càng cao càng có tầm ảnh hưởng sâu rộng, càng phải gương mẫu đi đầu để quần chúng nhân dân nhìn vào, học tập và làm theo; khi có sai phạm thì càng phải xử lý nghiêm, bất kể người đó là ai. Bởi một khi thỏa hiệp, dung túng với những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ, đặc biệt là ở những đảng viên có chức trọng, quyền cao, để mất lòng tin của dân cũng sẽ đồng nghĩa với sự mất Đảng, mất nước. Chính vì những lý do nói trên mà Đảng ta đã kiên quyết hơn trong công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Chỉ tính từ Đại hội XII của Đảng đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với không ít cán bộ cao cấp và tổ chức Đảng, trong đó có cả Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong bộ máy hành pháp và lực lượng vũ trang, có sai trái, vi phạm.

Với phương châm "Có xây, có chống, xây trước, chống sau," song song với các hoạt động kiểm tra, kỷ luật Đảng và phòng chống tham nhũng được làm nghiêm túc, quyết liệt, từ trên xuống dưới, những năm qua Đảng ta luôn chú trọng việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, để quần chúng nhân dân tin tưởng noi theo, để Đảng, Nhà nước và nhân dân là một khối đoàn kết thống nhất, vững mạnh.

Phong cách lãnh đạo dân chủ phải dựa vào quần chúng

Không chỉ là người tiên phong gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan trọng hơn đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo là phải làm cho quần chúng nhân dân hiểu đúng, tổ chức cho nhân dân thực hiện đúng và có hiệu quả những chủ trường, chính sách đó.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, vô cùng vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo mới chắc chắn thắng lợi. Đồng thời, Đảng phải sát quần chúng, khéo tổ chức và lãnh đạo quần chúng, thì cách mạng mới thành công.”

Cán bộ, đảng viên chính là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với quần chúng nhân dân, tổ chức để nhân dân cùng thực hiện. Chính vì vậy, người cán bộ cần có phương thức, biện pháp phù hợp để quần chúng nhân dân hiểu và tích cực thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối đó, để động viên và phát huy được mọi tiềm năng, sức mạnh của quần chúng nhân dân. Phương thức, biện pháp đó phải phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, có như vậy nhân dân mới đồng tình ủng hộ và tích cực hưởng ứng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng."

Cái gốc của người cách mạng, cội nguồn sức mạnh của Đảng

Trong mọi việc đều phải lấy câu “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” làm khuôn phép. Để làm được điều đó, người cán bộ phải thành tâm học hỏi quần chúng, kiên trì trong việc giáo dục, giác ngộ, lãnh đạo quần chúng, như vậy vừa nâng cao trình độ dân chúng, mà cũng vừa nâng cao kinh nghiệm của mình.

Cách đây 60 năm, trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng," Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng." Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên là “công bộc của dân” chứ không được làm “quan cách mạng."

Người đặc biệt phê phán thói kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại, mà yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn trọng dân, yêu dân, gần gũi nhân dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân.

Người chỉ rõ: "Hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì."

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đều khẳng định vai trò to lớn của nhân dân, bởi cán bộ, đảng viên từ nhân dân mà ra. Muốn nhân dân tin tưởng, yêu mến và làm theo, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, hết lòng vì dân, vì nước.

Người phân tích: “Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức, tuyên truyền và động viên quần chúng hǎng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng.” Khi người cán bộ, đảng viên biết nghe dân, hiểu dân, trọng dân, biết coi việc của dân là việc của chính bản thân mình, khi ấy dân sẽ tin yêu, đoàn kết một lòng xung quanh Đảng. Phong cách lãnh đạo dân chủ phải dựa vào quần chúng.

Là người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu không được quan liêu, hách dịch, coi thường quần chúng nhân dân. Phải biết đời sống thực của nhân dân như thế nào, khả năng thực của nhân dân ra sao. Mỗi lời nói, việc làm của người cán bộ phải phù hợp với quần chúng, phản ánh đúng mong muốn, nguyện vọng của quần chúng. Cán bộ phải biết được những băn khoăn, trăn trở của dân để kịp thời uốn nắn và tháo gỡ cùng dân.

Thực tế đã chứng minh nhân dân chính là nguồn nội lực to lớn, khi được tập hợp, phát huy dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẽ trở thành sức mạnh vô bờ, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc đi đến thắng lợi. Gắn bó mật thiết với nhân dân, biết dựa vào nhân dân, thật sự vì lợi ích của nhân dân là điều căn cốt nhất trong phương thức lãnh đạo của Đảng ta./.

Phúc Hằng

Theo Vietnam+

Khánh An (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: