1. Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/11/2019.
- Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 24 như sau:
+ Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
+ Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.
+ Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:
Thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng. Thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 27 như sau:
Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4, 5 Điều 30 như sau:
+ Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ giữa các địa phương, các tổ chức thực hiện chương trình. Ngân hàng Chính sách xã hội điều chỉnh nguồn vốn vay theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ tại địa phương. Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương điều chỉnh nguồn vốn vay theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Cơ quan trung ương của tổ chức thực hiện chương trình xem xét, quyết định việc điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ giữa các cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình. Ngân hàng Chính sách xã hội điều chỉnh nguồn vốn vay theo quyết định của cơ quan trung ương của tổ chức thực hiện chương trình.
2. Thông tư số 08/2019/TT-BVHTTDL ngày 03/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định quy trình giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2019.
Thông tư này quy định quy trình giám định tư pháp để kết luận những vấn đề về chuyên môn văn hóa đối với sản phẩm văn hóa (trừ di vật, cổ vật và lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan) theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định tư pháp.
Người giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa (gọi là người giám định tư pháp), tổ chức giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa (gọi là tổ chức giám định tư pháp) tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) để thực hiện giám định; trường hợp không đủ điều kiện giám định thì từ chối theo quy định của pháp luật.
Việc giao, nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 07/2014/TT-BVHTTDL ngày 23/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hồ sơ, các mẫu văn bản thực hiện giám định tư pháp; áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định của Văn phòng giám định tư pháp về di vật, cổ vật, quyền tác giả, quyền liên quan.
Người giám định tư pháp xem xét đối tượng giám định (sản phẩm văn hóa) và các tài liệu liên quan để đưa ra nhận định chuyên môn về đối tượng giám định trên cơ sở các yêu cầu sau đây:
- Xem xét tổng thể nội dung sản phẩm văn hóa;
- Xem xét các đặc điểm về hình dáng, kích thước, màu sắc, trang trí và các đặc điểm khác có liên quan của sản phẩm văn hóa.
Đối với đối tượng giám định không thể di chuyển hoặc khó di chuyển, người giám định tư pháp phải tổ chức xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người yêu cầu, trưng cầu. Việc tổ chức xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người trưng cầu, yêu cầu phải được lập thành biên bản và được lưu trong hồ sơ giám định.
Người giám định tư pháp có trách nhiệm ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ giám định.
Ngoài ra, các bước kết luận giám định, bàn giao kết luận giám định, lập hồ sơ, lưu giữ hồ sơ giám định cũng được quy định cụ thể trong Thông tư.
3. Thông tư số 11/2019/TT-BNV ngày 30/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nội vụ ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2019.
Bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nội vụ ban hành sau đây:
- Thông tư số 832/TCCP-ĐP ngày 25/10/1993 của Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến địa giới hành chính các cấp trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 364-CT ngày 06/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã.
- Thông tư số 252/TCCP.TC ngày 20/11/1995 của Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 254 ngày 16/5/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc các cấp chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội chữ thập đỏ Việt Nam.
- Thông tư số 151-TCCP/TC ngày 04/8/1997 của Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn về công tác tổ chức và tiền lương của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
- Thông tư số 22/2003/TT-BNV ngày 15/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn việc bổ nhiệm và miễn nhiệm các ngạch Giáo sư, Phó giáo sư trong các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học công lập.
- Thông tư số 89/2003/TT-BNV ngày 24/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước.
- Thông tư số 05/2006/TT-BNV ngày 30/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều quy định tại Nghị định số 159/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.
- Thông tư số 07/2006/TT-BNV ngày 01/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
- Thông tư số 05/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều quy định tại Nghị định số 15/2007/NĐCP ngày 26/01/2007 của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện.
- Thông tư số 09/2010/TT-BNV ngày 11/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ.
- Thông tư số 02/2012/TT-BNV ngày 15/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 62/2011/NĐ-CP ngày 26/7/2011 của Chính phủ về thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn.
- Thông tư số 03/2012/TT-BNV ngày 26/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2011/NĐ-CP ngày 01/8/2011 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước 3 làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.
- Quyết định số 04/2002/QĐ-BNV ngày 13/9/2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc sửa đổi Điều 6 Chương II quy định ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-TCCP ngày 05/6/1999 của Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.
- Quyết định số 22/2002/QĐ-BNV ngày 30/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành bản quy định về nội dung, quy trình nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức thuộc Bộ Nội vụ.
- Quyết định số 30/2004/QĐ-BNV ngày 04/05/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức hành chính và quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức cấp xã các tỉnh Tây Nguyên.
- Quyết định số 88/2004/QĐ-BNV ngày 10/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về chế độ thông tin báo cáo trong Bộ Nội vụ.
- Quyết định số 57/2005/QĐ-BNV ngày 18/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của Bộ Nội vụ.
- Quyết định số 135/2005/QĐ-BNV ngày 15/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy chế bồi dưỡng Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
- Quyết định số 07/2006/QĐ-BNV ngày 05/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành Chương trình khung bồi dưỡng ngạch cán sự.
- Quyết định số 07/2007/QĐ-BNV ngày 13/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
- Quyết định số 08/2007/QĐ-BNV ngày 14/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành bộ chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006 - 2010.
- Quyết định số 04/2008/QĐ-BNV ngày 17/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành thanh tra.
4. Thông tư số 40/2019/TT-BCA ngày 01/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/11/2019.
Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều như sau:
* Sửa đổi, bổ sung điểm a, b khoản 1 Điều 12 như sau:
- Công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân. Trường hợp công dân kê khai thông tin theo mẫu Tờ khai Căn cước công dân trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến thì lựa chọn ngày, tháng, năm làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân và gửi Tờ khai đến cơ quan quản lý căn cước công dân nơi công dân đăng ký thường trú trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến. Đối với địa phương tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh thì sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận chuyển hồ sơ về cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền.
Ảnh minh họa: Internet
- Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong Tờ khai căn cước công dân (trường hợp công dân kê khai trực tuyến thì thu nhận qua thiết bị đọc mã vạch hoặc thiết bị thu nhận thông tin vào hệ thống) với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân.
+ Trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đi vào vận hành thì yêu cầu công dân xuất trình số hộ khẩu. Trường hợp thông tin trên số hộ khẩu chưa đầy đủ hoặc không thống nhất với thông tin công dân khai trên Tờ khai Căn cước công dân thì yêu cầu công dân xuất trình Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân cũ hoặc các giấy tờ hợp pháp khác về những thông tin cần ghi trong Tờ khai Căn cước công dân.
+ Trường hợp công dân làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân cấp huyện cần điều chỉnh những thay đổi trong số hộ khẩu mà việc điều chỉnh này thuộc thẩm quyền của Công an cấp huyện và công dân xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật về cư trú thì tiếp nhận hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong số hộ khẩu của công dân đồng thời với việc tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân. Cán bộ tiếp nhận chuyển hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong số hộ khẩu của công dân cho bộ phận đăng ký, quản lý cư trú để thực hiện điều chỉnh cho công dân theo quy định. Sau khi điều chỉnh xong thì bộ phận đăng ký, quản lý cư trú chuyển lại Sổ hộ khẩu đã được điều chỉnh cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân.
* Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:
Khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành như sau:
- Đối với Chứng minh nhân dân 9 số:
+ Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng Chứng minh nhân dân chưa cắt góc cho công dân đến làm thủ tục để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ Căn cước công dân. Khi trả thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng với Chứng minh nhân dân và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả Chứng minh nhân dân đã được cắt góc cho người đến nhận thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước công dân qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.
+ Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
- Đối với Chứng minh nhân dân 12 số:
+ Trường hợp Chứng minh nhân dân 12 số còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng Chứng minh nhân dân chưa cắt góc cho công dân đến làm thủ tục để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ Căn cước công dân. Khi trả thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng với Chứng minh nhân dân và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 1,5cm, ghi vào hồ sơ, trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc cho công dân; trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước công dân qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.
+ Trường hợp Chứng minh nhân dân 12 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
- Trường hợp công dân mất Chứng minh nhân dân 9 số khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân 9 số đã mất.
- Cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân:
+ Khi công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với tất cả các trường hợp chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ Căn cước công dân.
Trường hợp cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an, cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an cấp huyện tiếp nhận hồ sơ thì đề nghị cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an cấp tỉnh nơi công dân đăng ký thường trú xác minh. Sau khi có kết quả xác minh thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin, nếu thông tin hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ trình thủ trưởng đơn vị ký Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân và trả cho công dân cùng với thẻ Căn cước công dân; trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
+ Trường hợp công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân nhưng chưa được cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân hoặc bị mất Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân thì thực hiện như sau:
Công dân có văn bản đề nghị cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, xuất trình bản chính và nộp bản sao thẻ Căn cước công dân, bản sao Chứng minh nhân dân 9 số (nếu có) cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại cơ quan quản lý căn cước công dân nơi đã làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thông tin của công dân, trường hợp thông tin hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và viết giấy hẹn trả kết quả cho công dân; trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lời công dân bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thời hạn cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Khánh Linh (tổng hợp)