1. Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15/11/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Luật gồm 12 chương, 108 điều quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản. Luật có một số điểm mới quan trọng sau:
a) Mở rộng phạm vi điều chỉnh; coi Lâm nghiệp là một ngành kinh tế - xã hội. Luật đã mở rộng đến các lĩnh vực chế biến và thương mại, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế. Như vậy, Luật đã khẳng định lâm nghiệp là ngành kinh tế - xã hội có liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; khẳng định ngành Lâm nghiệp vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa phát huy giá trị xã hội là thích ứng biến đổi khí hậu với đòi hỏi phải quản lý bền vững.
b) Thay thế Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở bốn cấp bằng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia: Trung ương, tỉnh, huyện và xã.
c) Thay đổi về chế định sở hữu rừng. Nếu như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 chỉ xác định quyền của Nhà nước đối với rừng, chủ rừng chỉ có quyền sử dụng, sở hữu rừng khi được Nhà nước trao và công nhận thì Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã quy định nhóm hình thức sở hữu rừng là: Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Theo đó, rừng trồng sản xuất được đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, ai là người đầu tư thì sẽ là chủ sở hữu của rừng.
d) Khẳng định việc giao đất, giao rừng cho người dân. Trong chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã khẳng định: “Nhà nước bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất” (khoản 6 Điều 4).
đ) Quy định chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Theo đó, Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã quy định: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”.
e) Quy định về dịch vụ môi trường rừng. Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã luật hóa Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua việc quy định cụ thể các loại dịch vụ, nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng; đối tượng, hình thức chi trả và quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng và bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
g) Quy định về chế biến và thương mại lâm sản. Luật đã quy định rõ chính sách phát triển lâm nghiệp theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu, quản lý bền vững, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới và các giải pháp tăng trưởng xanh.
2. Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Luật Quy hoạch năm 2017 gồm 06 chương, 59 điều quy định việc lập, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Luật có một số điểm nổi bật cần được chú ý sau:
a) Nghiêm cấm hành vi từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch: Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch nhằm hạn chế tối đa các tiêu cực trong quy hoạch những năm vừa qua.
Ảnh minh họa: Internet
b) Quy hoạch không được mang tính “nhiệm kỳ”: Quy hoạch thay đổi theo nhiệm kỳ, không đồng nhất, thiếu tính kết nối đã tạo thành một lực cản cho sự phát triển của từng địa phương và cả nước. Để khắc phục những hạn chế, Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định trong hoạt động quy hoạch phải tuân thủ một số nguyên tắc như:
- Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
- Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân, bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhât, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.
- Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
- Bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch...
c) Cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến về quy hoạch. Theo đó, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương liên quan và cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, trừ quy hoạch quốc gia thì do cơ quan tổ chức lập quy hoạch lấy ý kiến.
d) Điều chỉnh quy hoạch không được làm thay đổi mục tiêu quy hoạch. Đây là một trong những nguyên tắc khi điều chỉnh quy hoạch.
3. Luật Quốc phòng số 22/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 08/6/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Đây là Luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng, tác động đến hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và đối ngoại. Với 07 chương và 40 điều, Luật Quốc phòng năm 2018 có nhiều quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hình thái chiến tranh tương lai có nhiều thay đổi, phát triển mới.
a) Phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng dân. Luật Quốc phòng năm 2018 quy định đầy đủ, toàn diện chính sách nhà nước về quốc phòng (Điều 4) nhằm bảo đảm công khai, minh bạch về tính chất, mục đích quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
b) Luật Quốc phòng năm 2018 đã bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng (Điều 6), nhất là bình đẳng giới, phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp năm 2013.
c) Hành lang pháp lý rõ ràng: Với nội dung kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, kinh tế - xã hội với quốc phòng, Luật Quốc phòng năm 2018 quy định đầy đủ, toàn diện về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong việc cho ý kiến, tham gia thẩm định đối với việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án của các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan (điểm d khoản 2 Điều 15). Đồng thời, quy định một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng (điểm e khoản 2 Điều 15) để thể chế Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược quân sự Việt Nam.
d) Bảo đảm nguồn lực phục vụ quốc phòng: Luật quy định về bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, tài sản phục vụ quốc phòng, bảo đảm phục vụ quốc phòng trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại (Chương V), bảo đảm toàn diện, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.
4. Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Luật An ninh mạng năm 2018 được thông qua với 07 chương, 43 điều và có một số điểm nổi bật sau:
a) Nghiêm cấm thông tin sai sự thật gây hoang mang trên mạng. Điều 8 của Luật này quy định nhiều hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng. Trong đó, nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi như: Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo người chống phá Nhà nước; xuyên tạc lịch sử; thông tin sai sự thật gây hoang mang; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội; sản xuất, đưa vào sử dụng phần mềm gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet...
b) Doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
c) Ngừng cung cấp dịch vụ mạng khi có yêu cầu của cơ quan chức năng: Khi có yêu cầu của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp trong và ngoài nước không được cung cấp hoặc phải ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên mạng thông tin bị nghiêm cấm nêu trên.
d) Doanh nghiệp phải cung cấp thông tin người dùng để phục vụ điều tra khi có yêu cầu.
đ) Thông tin vi phạm trên mạng bị xóa bỏ trong 24 giờ: Khi người dùng chia sẻ những thông tin bị nghiêm cấm, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin vi phạm chậm nhất là 24 giờ, kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông.
e) Quy định bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng. Theo đó, Điều 29 quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Các doanh nghiệp phải bảo đảm kiểm soát nội dung để không gây nguy hại cho trẻ em, đồng thời xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em. Đây là một quy định rất nhân văn của Luật An ninh mạng năm 2018.
g) “Nghe lén” các cuộc đàm thoại được coi là hành vi gián điệp mạng. Các hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng được liệt kê tại khoản 1 Điều 17 Luật An ninh mạng năm 2018.
h) Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia phổ biến kiến thức an ninh mạng.
5. Luật Tố cáo số 25/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Luật Tố cáo năm 2018 thay thế cho Luật Tố cáo năm 2011. Luật có 09 chương và 67 điều. So với Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 có nhiều điểm mới đáng chú ý:
a) Bổ sung quy định về tố cáo nặc danh. Tiếp nhận, xử lý tố cáo nặc danh là nội dung mới được bổ sung tại Luật Tố cáo năm 2018. Điều 25 quy định:
- Không xử lý đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật này (Điều 22: "Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền").
- Tiếp nhận, thanh tra, kiểm tra đối với tố cáo thuộc trường hợp nêu trên nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh.
b) Rút gọn trình tự giải quyết tố cáo: Tại Điều 28 Luật Tố cáo năm 2018, trình tự giải quyết tố cáo được rút gọn lại chỉ còn 4 bước, thay vì 5 bước như quy định trước đây.
c) Rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo năm 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo. Trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày (Điều 30).
d) Cho phép rút tố cáo: Theo đó, Điều 33 Luật Tố cáo năm 2018 chỉ rõ: Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.
đ) Quy định rõ về bảo vệ người tố cáo: Điều 47 của Luật Tố cáo năm 2018 định nghĩa rất rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ người tố cáo. Đây cũng là điểm cần chú ý nhằm định nghĩa rất rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ người tố cáo.
e) Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo năm 2018 cho phép người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan hoặc cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại.
Khánh Linh (tổng hợp)