Trung Quốc đang ở trong vòng binh lửa, thì lửa chiến tranh bắt đầu cháy ở Châu Âu. Thế là thảm hoạ chiến tranh lan hầu khắp thế giới...
Từ năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế và lên nắm chính quyền. Do đó, ở Việt Namta xiềng xích thực dân cũng được nới lỏng đôi chút. Một số đồng chí bị tù đày đã được thả về và tiếp tục hoạt động. Cơ sở Đảng được dần dần khôi phục. Phong trào quần chúng dần dần lên cao.
Cuối năm 1939, vì tình hình chiến tranh, lại vì Đảng xã hội Pháp ươn hèn, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp bị đổ, bọn phản động lên cầm quyền. Thực dân Pháp ở Việt Nam lạitung hoành như cũ. Chút đỉnh tự do mà nhân dân ta đã giành được trong mấy năm qua đều bị chúng xoá sạch. Lại khủng bố. Lại vét. Lại bắt lính, bắt phu. Đảng ta phải đi vào hoàn toàn bí mật.
Ở Phápcó phòng tuyến Maginô chạy dọc biên giới Pháp - Đức. Xây dựng ở dưới đất có 3 tầng, bằng xi măng cốt sắt, kho đạn, kho lương, nước máy, đèn điện... các thứ đều đủ. Tại phòng tuyến này có một triệu quân. Tướng tá Pháp khoe khoang rằng: Địch có cánh cũng không bay qua được. Nhưng chỉ trong vài tuần, quân Đức đã bao vây kín phòng tuyến này bắt sống cả một triệu binh lính và mấy trăm ông tướng làm tù binh. Thế rồi ào ạt kéo quân chiếm lấy Thủ đô Pari và một nửa nước Pháp. Tháng 6.1940, Pháp ở “nước mẹ” đầu hàng Đức. Tiếp đến thực dân Pháp ở Đông Dương cũng đầu hàng Nhật. Giặc Nhật kéo vào Việt Nam, từ đó đồng bào ta bị một cổ hai tròng!
Không thể khoanh tay ngồi chịu, đồng bào ta liên tiếp khởi nghĩa ở Bắc Sơn (tháng 9.1940), ở Nam Kỳ (tháng 11.1940) và ở Đô Lương (Nghệ An). Những tin tức sôi nổi ấy làm cho Bác càng nóng ruột.
Ở biên giới Quảng Tây không chắp được liên lạc, các đồng chí Trung Quốc giúp cho Bác đi Vân Nam. May mắn thay đến Côn Minh thì gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan, và mấy đồng chí nữa. Thế nào, chuyến này cũng nhất định về nước. Bàn định kế hoạch xong, mấy anh em cùng nhau đi trở lại Quảng Tây. Cùng đi trên thuyền có mấy Việt kiều khác. Để giữ bí mật, Bác đóng vai một người viết báo Trung Hoa, không biết tiếng Việt... Nhưng một hôm đồng chí Hoan để tàn thuốc rơi xuống áo mà không biết. Bác quên cả bí mật mà thốt ra: “cháy áo, cháy áo, kìa”.
Nghe đến đây, chúng tôi cười ồ lên. Bỗng văng vẳng nghe: Tiếng trẻ con hát từ đường xa vọng lại. Nhìn sang bên kia đường, chúng tôi thấy chênh chênh bên sườn đồi có hơn một chục ngôi nhà, nấp gọn kín dưới những cây đa rậm rạp, Bác cùng chúng tôi ghé vào thăm.
Trong một ngôi nhà tranh bé nhỏ, nhưng xinh xắn và sạch sẽ, có mấy dãy ghế dài bằng tre, hơn hai mươi em trai và gái trạc 10 tuổi, đang học ê a. Cô giáo là người Tày, mặt mũi thông minh và hiền hậu. Thấy chúng tôi vào, các em vui mừng và kêu ầm lên: “Các chú bộ đội, các chú bộ đội”.
Với một giọng nghiêm trang, cô giáo bảo: “Các em giữ trật tự”.
Các em lại im phăng phắc. Cô giáo bảo: “Các em ra xếp hàng?”.
Các em ra sắp hàng hai. Cô giáo bảo: “... Nghiêm! Các em chào các chú bộ đội!”. Các em đồng thanh hô to “Chào các chú ạ”.
Bác xem sách các em và khen các em viết chữ khá. Bỗng thấy bên cạnh cái bàn nhỏ của cô giáo có một cháu bé ngồi trong cái nôi. Cháu bé gái rất dễ thương. Bác bế nó lên, nó không sợ lạ mà lại cười. Bác hỏi cô giáo: “Cháu này là con của cô, phải không?”. Cô giáo thẹn đỏ cả mặt ngập ngừng trả lời: “Thưa không phải ạ! Chị hàng xóm gửi cháu ở đây để đi làm nương đấy ạ!”.
Đang nói chuyện thì nghe có tiếng máy bay, Bác hỏi: “Các cháu có sợ máy bay giặc không?”. Các em tranh nhau trả lời: “Thưa không ạ! Các cháu không sợ. Các cháu có hầm trú ẩn đằng kia kìa?”.
Bác hỏi: “Các cháu biết hát không?” Các em thưa: “Hát bài “Kết đoàn” ạ!”. Rồi Bác cầm nhịp: “Kê...ết đo...oàn… Hai... ba!”. Các em hát, cô giáo cũng hát. Chúng tôi cũng hát.
Trước khi từ giã đi ra, Bác quay lại hỏi cô giáo: “Cô biết “khôn ké” là ai không?”. Như không nén nổi tấm lòng sung sướng. Cô giáo Thìn chạy lại ôm choàng lấy Bác và nói với một giọng cảm động: “Thưa có biết chứ! Nhưng cháu phải giữ bí mật cho Bác”.
Cô Thìn và các em tiễn chúng tôi đến đường cái, quyến luyến mãi không muốn rời tay...
Ra đến đường cái, Bác lại tiếp tục kể chuyện: Khi từ Côn Minh đến Tĩnh Tây, thì gặp một nhóm thanh niên Cao Bằng, dẫn đầu là các đồng chí Quảng Ba, Hoàng Sâm... Họ sang đây tìm người lãnh đạo cách mạng và đã gặp Trương Bội Công.
Trương Bội Công là người Việt Nam sang Trung Quốc và làm việc cho Quốc dân đảng đã lâu năm. Tuy không hiểu biết gì về quân sự, nhưng y đã được Tưởng Giới Thạch phong cho hàm thiếu tướng. Nay Tưởng phái y đến biên giới, nhằm lung lạc cách mạng Việt Nam. Gặp nhóm thanh niên, Trương Bộ Công khoe khoang nhiều lắm, lên mặt “chí sĩ yêu nước”, “cách mạng lão thành” và sẵn sàng thu nhập đám thanh niên làm “bộ hạ” cho y.
Nhưng anh em thanh niên cũng tinh quái đáo để. Chỉ nghe cách y nói khoác lác, họ cảm thấy y không phải là người cách mạng chân chính. Họ thất vọng. Họ sắp kéo nhau trở về Cao Bằng, thì nhóm Bác vừa đến Tĩnh Tây. Các đồng chí Đồng, Giáp... tìm gặp nói chuyện với đám thanh niên hăng hái đó. Giải thích cho họ rõ bước đường cách mạng hiện nay. Bàn với họ mở Ban Huấn luyện, v.v.. Anh em thanh niên rất hoan nghênh. Nói ngay, làm ngay. Tối hôm đó, họ rời khỏi Tĩnh Tây. Sáng hôm sau, Trương thiếu tướng ngủ dậy thì không thấy “bộ hạ” của y đâu nữa, cho người đuổi theo, thì chậm quá rồi!
Đồng chí Lê Quảng Ba dẫn Bác và nhóm thanh niên đi cả đêm, đến một làng Trung Quốc gần biên giới Việt Nam, mượn nhà người quen, mở Ban huấn luyện, do Bác phụ trách, Lớp huấn luyện rất sôi nổi, dân chủ và vui vẻ. Bà con Trung Quốc trong làng không hiểu chúng mình dạy cái gì, học cái gì, nhưng đều khen thanh niên Việt Nam đoàn kết, chăm học, siêng làm. Bà con trong làng nhất là những người cho mượn nhà rất mến chúng ta. Vì vò nước bao giờ cũng đầy, đống củi bao giờ cũng cao, nhà cửa bao giờ cũng sạch, trong nhà có việc gì chúng ta cũng ra tay làm giúp. Đặc biệt các em nhi đồng luôn luôn xoắn xít chung quanh anh em ta để học hát, học nhảy múa, không nghịch ngợm, và đánh nhau như trước nữa. Chúng ta đã góp phần làm cho cái làng tịch mịch trong một thung lũng âm u vui hẳn lên... Bác bảo các đồng chí thanh niên: “Đó là một cách dân vậnthiết thực đấy”.
Vào khoảng tháng 2.1941, vừa đến Tết Âm lịch thì Ban Huấn luyện cũng vừa kết thúc. Tối mồng một Tết, được tin chuyên viên Quốc dân đảng sắp đến kinh lý vùng này. (Tin này sau hoá ra tin vịt). Sợ bị lộ, sáng mồng hai Tết, Bác cùng tất cả anh em thanh niên cuốn gói đi, mặc dù bà con trong làng khẩn khoản mời ở lại ăn Tết đến ngày hạ nêu hãng đi.
Hôm đó, sương mù dày đặc, ngồi giáp mặt nhau cũng không thấy rõ nhau. Mọi người cho khí hậu như thế là tốt, vì dễ giữ bí mật. Đi cách làng một thôi quá xa, ai cũng mỏi chân và đói bụng. Bác bảo: “Nơi đây kín đáo, chúng ta ngồi nghỉ một chốc...”. Nghỉ chưa đầy hai phút thì trời sáng, sương tan. Té ra ngồi nghỉ giữa cánh đồng ruộng, chẳng kín đáo chút nào. Mọi người lại vội vàng khoác gói lên đường bước nhanh hướng về phía Tổ quốc.
Chiều hôm đó, đồng chí Quảng Ba dẫn Bác và cả nhóm thanh niên về Pác Bó. Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợichờ.
Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động. Từ hôm đó, cái hang Pác Bó trở nên “đại bản doanh” của chúng ta. Hội nghị lần thứ tám của Trung ương đã khai ở Pác Bó. Ở đó đã tổ chức những ban huấn luyện ngắn ngày để đào tạo cán bộ. Mở lớp dạy chiến thuật du kích, phát triển tổ chức Việt Minh và cơ sở Đảng, đặt kế hoạch vũ trang chống Pháp, chống Nhật, v.v.. Những việc đó đã có nhiều đồng chí thuật lại, chắc các chú đã được nghe rồi. Bây giờ Bác chỉ kể những chuyện mà các chú chưa biết hoặc ít được nghe - tức là cuộc kháng chiến của Trung Quốc và cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.
* *
Trong cuộc kháng chiến vô cùng gay go mà cũng vô cùng anh dũng, lực lượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc phát triển rất nhanh: Từ ngày bắt đầu chống Nhật - số đảng viên là 4 vạn người, năm 1940, tăng đến 80 vạn người. Bát lộ quân từ 3 vạn người tăng đến 40 vạn người. Tân tứ quân từ một vạn người tăng đến 10 vạn người.
Lực lượng cộng sản càng phát triển, thì bọn Tưởng Giới Thạch càng lo sợ và tìm mọi cách để phá hoại.
Năm 1941 ở Châu Âu, phát xít Đức phản bội điều ước đã ký kết, bất thình lình tiến công ào ạt vào Liên Xô. Ở Châu Á, phát xít Nhật cũng mở rộng chiến tranh ở Thái Bình Dương. Để khỏi bận bịu nhiều về hậu phương ở Trung Quốc, phát xít Nhật dùng phần lớn quân đội đi càn quét các khu giải phóng. Có khi chúng càn đi càn lại luôn ba, bốn tháng liền. Chúng thi hành chính sách “tam quang” - giết sạch, cướp sạch, phá sạch. Trong khi đó, Tưởng Giới Thạch lại phái 90 vạn quân phong toả Bát lộ quân và Tân tứ quân!
Năm 1941-1942, ở nhiều khu giải phóng lại bị mất mùa nặng. Lương thực hết, quân và dân phải ăn lá cây rễ cỏ trừ cơm. Mùa đông tuyết phủ đầy núi đầy đồng, gió rét tận xương tận tuỷ, mà áo, chăn chiếu, giày dép cũng thiếu. Những binh sĩ bị thương, những cán bộ đau ốm đều thiếu thuốc men. Thật là gian nan cực khổ!
Trong hoàn cảnh vô cùng gay go ấy, trong cán bộ và quần chúng không khỏi có người đâm ra tiêu cực bi quan. Để củng cố lại hàng ngũ, Trung ương kiên quyết mở hai cuộc vận động lớn trong một lúc. Một là chỉnh Đảng - tức là uốn nắn lại tư tưởng, tác phong trong Đảng. Bất kỳ làm việc gì, ở cương vị nào, cán bộ và đảng viên phải làm gương mẫu. Hai là phát động phong trào tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế , và “tinh binh, giản chính”.
Kết quả về chính trị là đã đánh lùi không khí bi quan. Về kinh tế thì các đơn vị bộ đội, các cơ quan, các trường học đã đi đến hoàn toàn tự túc, hoặc tự túc một phần. Hai vấn đề trên đã giải quyết. Trung ương chủ trương đẩy mạnh chiến thuật du kích và “vườn không nhà trống”, làm cho giặc Nhật mò đến đâu cũng đụng đầu vào sức chiến đấu mới của quân và dân ta. Cuối cùng là kế hoạch càn quét của địch bị phá tan.
Năm 1943-1944, quân đội Liên Xô đại thắng quân phát xít Đức ở Châu Âu, thì ở Trung Quốc Bát lộ quân và Tân tứ quân cũng phát triển khu giải phóng khắp cả nước.
Tháng Tám năm 1945, quân đội Liên Xô đánh tan “Quan Đông quân” - là quân đội tinh nhuệ nhất của phát xít Nhật chiếm đóng ở miền Đông - Bắc Trung Hoa. Như con rắn bị đánh vỡ đầu, giặc Nhật buộc phải đầu hàng.
Hồi đó, Bát lộ quân và Tân tứ quân có cả thảy một triệu 28 vạn binh sĩ; khu giải phóng rộng lớn gồm có 130triệu nhân dân và hơn 2 triệu dân quân du kích. Đảng Cộng sản có l triệu 20 vạn đảng viên.
Những năm đau khổ dưới gót sắt của giặc Nhật vừa chấm dứt, nhân dân Trung Quốc mong mỏi sẽ được hưởng một đời sống hoà bình. Nhưng đế quốc Mỹ liền câu kết với bọn Tưởng Giới Thạch, gây lại cuộc nội chiến, hòng tiêu diệt cách mạng để giữ gìn quyền thống trị độc tài của chúng.
18 năm nắm chính quyền thống trị, bốn “đại gia đình” (là Tưởng Giới Thạch, Tống Tử Văn, Khổng Tường Hy, Trần Lập Phu) thẳng tay vơ vét xương máu của nhân dân để làm giàu. Tài sản của chúng trị giá 20 tỷ đôla Mỹ. Đế quốc Mỹ lại đã “hùn” thêm cho chúng 6 tỷ đôla. Tư bản quan liêu và tư bản đế quốc đã ăn cánh với nhau, đè đầu cưỡi cổ, bóc lột tàn tệ hơn 600 triệu nhân dân Trung Quốc.
Để gây lại nội chiến, đế quốc Mỹ đã trang bị vũ khí hiện đại cho 4 triệu 30 vạn quân Tưởng, cộng với một triệu vũ khí lấy được của quân Nhật đầu hàng, ngoài ra còn có hải quân và không quân Mỹ giúp sức, 70% đất đai Trung Quốc đang ở dưới quyền cai trị của Tưởng.
Trong lúc đó, Giải phóng quân chỉ có 1 triệu 28 vạn người và 30% đất đai. (Từ ngày nội chiến, Bát lộ quân và Tân tứ quân đổi tên là “Trung Quốc nhân dân giải phóng quân”).
Với địa bàn rộng, quân đội nhiều, trang bị tốt, lại có quan thầy Mỹ giúp đỡ bọn Tưởng đã hý hửng khoác lác rằng: Sớm thì 3 tháng, chậm thì 6 tháng, chúng sẽ tiêu diệt Giải phóng quân.
Những người lừng chừng cũng lo sợ rằng: So sánh lực lượng hai bên khác nhau quá xa. Giải phóng quân đánh nhau với Tưởng Giới Thạch khác nào châu chấu đấu với voi!
Nhưng Trung ương Đảng và đồng chí Mao Trạch Đông thì quả quyết nói: “Chúng ta cần phải và có thể đánh bại bọn Tưởng... vì chúng ta là lực lượng cách mạng đánh lực lượng phản cách mạng...”. Song song với công việc quân sự, Đảng tiến hành cải cách ruộng đất trong các khu giải phóng. Chính sách ấy đã nâng cao nhiệt tình cách mạng của nông dân, họ hăng hái tham gia Giải phóng quân và đội du kích. Đồng thời Đảng đẩy mạnh công tác Mặt trận nhân dân thống nhất. Đoàn kết các giới công nông, binh, học, thương; các đoàn thể nhân dân, các đảng phái dân chủ, các dân tộc thiểu số và các nhân sĩ yêu nước - tạo thành một lực lượng khổng lồ chống Mỹ - Tưởng. Từ đó, giặc Tưởng càng đánh càng yếu. Giải phóng quân càng đánh càng mạnh. Cuối năm 1948 đầu năm 1949, Giải phóng quân đánh đâu thắng đó, ào ạt tiến lên như ngọn thuỷ triều. Tháng Ba, giải phóng vùng Bắc Kinh. Tháng Tư, giải phóng Nam Kinh rồi gần lượt giải phóng cả nước. Ngày 1 tháng Mười năm 1949, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Thắng lợi vĩ đại của nhân dân Trung Quốc tức thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin vĩ đại. Nó có ảnh hưởng rất lớn đối vớithế giới: Nó làm cho phe xã hội chủ nghĩa càng mạnh thêm.
Nó khuyến khích nhân dân các nước thuộc địa mạnh bạo nổi lên đấu tranh chống đế quốc và giành lấy tự do độc lập.
Nó làm cho thế lực của chủ nghĩa đế quốc suy sụp rất nhiều, vì thêm một phần tư nhân dân thế giới đã thoát khỏi xiềng xích của chúng.
Đối với cuộc kháng chiến của Việt Nam ta, thắng lợi của nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ nhân dân ta giành được thắng lợi cuối cùng./.
(Còn nữa)