Tháng Bảy năm 1935, Quốc tế Cộng sản họp Đại hội lần thứ bảy. Đến dự Đại hội có đại biểu 65 đảng cộng sản, Đảng ta có đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là đại biểu chính thức, Bác với danh nghĩa đại biểu tư vấn. (1)
Ở Đại hội, đồng chí Đimitơrốp (Dimitrov) - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương của Quốc tế Cộng sản - đọc Báo cáo chính trị, phân tích sâu sắc tình hình thế giới lúc bấy giờ: Bọn phát xít ngày càng điên cuồng. Nguy cơ chiến tranh ngày càng khẩn cấp. Để lãnh đạo giai cấp công nhân đấu tranh thắng lợi, nhiệm vụ của các đảng cộng sản là phải lập một mặt trận thống nhất nhân dân thật rộng rãi, bao gồm các đảng phái, các đoàn thể, các phần tử có xu hướng yêu hoà bình, chống chiến tranh, chống phát xít. Đồng thời, Đại hội kêu gọi nhân dân các nước ra sức giúp đỡ những dân tộc đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc để giành lại độc lập tự do.
Đồng chí Đimitơrốp (sinh năm 1882, mất năm 1949, thọ 67 tuổi), là lãnh tụ Đảng Cộng sản Bungari, đồng thời là lãnh tụ phong trào công nhân quốc tế.
Năm 20 tuổi, đồng chí tham gia Đảng “công nhân xã hội chủ nghĩa” Bungari. Trong thời kỳ hoạt động bí mật đồng chí đã bị bắt giam nhiều lần và hai lần bị kết án tử hình vắng mặt. Năm 1925, cùng với các đồng chí Trung ương khác, đồng chí Đimitơrốp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, tuy không thành công, nhưng đã có ảnh hưởng to lớn là thức tỉnh giai cấp công nhân Bungari.
Năm 1933, đồng chí bị bắt ở Đức. Bọn phát xít tìm đủ mọi cách để buộc tội. Nhưng đồng chí đã gan dạ vạch trần tội ác của chúng trước toà án Lépdích (Leipzig). Công nhân khắp các nước đều tổ chức biểu tình ủng hộ đồng chí. Chính phủ Liên Xô can thiệp mạnh mẽ để bảo vệ đồng chí. Do đó, đồng chí Đimitơrốp đã thoát khỏi xiềng xích phát xít và được trở về Liên Xô.
Năm 1935, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Quốc tế cộng sản, và giữ chức ấy đến năm 1943.
Trong cuộc đại chiến thế giới thứ hai, Bungari bị Đức chiếm đóng. Khi Hồng quân Liên Xô tiến vào Bungari, thì đồng chí Đimitơrốp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân lật đổ Chính phủ phát xít thân Đức, và lập nên chế độ dân chủ nhân dân. Trong cuộc tổng tuyển cử, đồng chí được bầu làm Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hoà nhân dân Bungari.
**
Lần trước, năm 1925, Bác rời Liên Xô đi sang Trung Quốc. Lúc đó, nhân dân Liên Xô ai nấy đều thắt lưng buộc bụng để xây đựng nước nhà. Về tinh thần, ai cũng hăng hái phấn khởi, nhìn về hạnh phúc mai sau. Nhưng về đời sống vật chất thì đang rất eo hẹp. Nhà ở, áo mặc, lương thực, mọithứ đều phải hạn chế nghiêm ngặt. Bác nhớ hồi đó người Liên Xô đàn ông không ai đeo cơravát. Đàn bà ăn mặc rất giản đơn, thường chỉ dùng một vuông khăn đủ buộc đầu, thay cho mũ. Thanh niên thì tự động cấm uống rượu, cấm hút thuốc, cấm nhảy đầm...
Lần này, năm 1935, Bác trở lại Liên Xô, tình hình đã khác hẳn. Trong 10 năm qua nhân dân Liên Xô đã tiến những bước khổng lồ. Đời sống về mọi mặt đã tiến bộ nhiều lắm.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsơvích, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã hoàn thành vượt mức, kế hoạch 5 năm lần thứ hai đã bắt đầu. Ngay vài năm đầu, công nghiệp và thương nghiệp đã hoàn toàn xã hội chủ nghĩa, 75% nông hộ đã vào hợp tác xã (nông trang tập thể), chiếm 85% diện tích trồng trọt lương thực.
Nhờ sản xuất mọithứ đầy đủ, cuối năm 1934 đã bỏ luật hạn chế mua sắm các thứ ăn mặc. Phải nhớ rằng: Sau cách mạng thành công đã 17 năm, mới bỏ được hạn chế. Chỉ một điều đó đủ thấy những khó khăn lớn và quyết tâm vượt khó khăn của Liên Xô, lúc đó chỉ một mình là nước xã hội chủ nghĩa, bốn bề bị các nước đế quốc bao vây. Thắng lợi đó là do chí khí hăng hái lao động quên mình của nhân dân Liên Xô. Trong cuộc thi đua xã hội chủ nghĩa, hơn 5 triệu công nhân và thanh niên là “đội viên đột kích”. Phong trào Stakhanốp ăn sâu, lan rộng khắp mọi ngành, mọi nghề. Stakhanốp là tên một người công nhân mỏ đầu tiên đào được 102 tấn than trong một kíp, vượt mức 13 lần. Về sau, nhiều người còn đạt mức cao hơn nữa.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai, Nhà nước quy định tăng năng suất lao động 62%, nhưng công nhân đã tăng năng suất đến 82%. Nhờ vậy mà kế hoạch đã hoàn thành vượt mức trước thời hạn 9 tháng. So với trước chiến tranh (1913), tổng sản lượng công nghiệp tăng gấp 7 lần. Về nông nghiệp, thì số hộ xã viên nông trang tập thể chiếm 93% tổng số nông hộ và 99% tổng số ruộng đất.
Nói tóm lại, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Liên Xô đã trở nên một nước hùng mạnh có công nghiệp tiên tiến và nông nghiệp tập thể.
Kinh tế tiến lên, thì thành phần trong xã hội cũng thay đổi, pháp luật cũng do đó mà thay đổi. Cho nên cuối năm 1936, Xô viết tối cao đã ban hành hiến pháp mới, một hiến pháp dân chủ nhất trên thế giới.
Trước kia, Bác rất quen thuộc Mátxcơva. Nhưng lần này trở lại Mátxcơva có hơibỡ ngỡ vì cái gì cũng đổi mới. Nhà cửa, đường sá... cho đến báo chí cũng đều đổi mới. Những em nhi đồng Bác quen biết trước đây nay đều là chiến sĩ Hồng quân hoặc là sinh viên đại học. Những bạn Cômxômôn (thanh niên cộng sản) nay đều là bác sĩ, công trình sư... và đều được vinh dự vào Đảng. Lúc đó, Đảng Bônsơvích có hơn 2 triệu 80 vạn đảng viên.
**
Từ sau năm 1930, tình hình thế giới ngày càng khẩn trương, nó giống như một chuỗi bom nổ chậm khổng lồ, liên tiếp nổ năm này sang năm khác.
Năm 1931, phát xít Nhật Bản xâm chiếm miền Đông - Bắc Trung Quốc và lập ra cái gọi là “nước Mãn Châu”.
Năm 1933, lũ quỷ khát máu phát xít Hítle cướp chính quyền ở Đức. Chúng thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng trong nước và ra sức chuẩn bị chiến tranh.
Năm 1935, phát xít Ý xâm lược nước Abixini (ở châu Phi).
Năm 1936, bọn phát xít Đức và Ý giúp tên phát xít Phơrăngcô (Franco) đánh cách mạng Tây Ban Nha.
Cũng trong năm ấy, Phát xít Đức, Ý, Nhật ký hiệp định “Liên minh chống cộng”. Về sau liên minh này bị đập tan.
Năm 1937, quân đội phát xít Nhật đánh chiếm thêm các tỉnh Trung Quốc.
Năm 1938, hòng xoa dịu phát xít Đức - và ngấm ngầm khuyến khích chúng quay mũi nhọn chiến tranh sang phía Liên Xô, hai chính phủ Anh và Pháp ký với chúng một bản hiệp định ở thành phố Muyních (Muních, Đức), nhượng bộ chúng về mọi mặt.
Liền sau đó, Phát xít Đức chiếm nước Áo.
Năm 1939, phát xít Đức chiếm nước Tiệp Khắc. Rồi bắt đầu đánh Pháp và Anh. Đế quốc Anh và Pháp đã lầm to. Những tưởng dùng chính sách nhân nhượng thì bọn phát xít Đức - Ý sẽ nể nang họ, nào ngờ khi chúng có dịp thì chúng choảng ngay vào đầu Anh và Pháp.
Năm 1940, chỉ trong mấy tuần Pháp đã mất Thủ đô Pari và một nửa nước, và phải quỳ gối đầu hàng; Anh thì bị máy bay Đức bắn phá tan hoang làm cho “thất điên, bát đảo”. Phát xít Đức chiếm được các nước Tây Âu, rồi quay sang chinh phục các nước Đông Âu.
Bên Châu Á, thì phát xít Nhật chiếm hết cả Trung Quốc (vì Tưởng Giới Thạch chỉ lo “diệt cộng” chứ không lo chống Nhật), hất cẳng thực dân Pháp ở Đông Dương, đuổi thực dân Anh khỏi Hương Cảng, Miến Điện, Mã Lai, đuổi thực dân Mỹ và chiếm lấy Philíppin..
Năm 1941, bọn phát xít Đức – Ý - Nhật đã khoe khoang:
Tung hoành Châu Á, Châu Âu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!
Với sức người sức của chúng đã cướp được ở các nước kia, với chủ quan điên rồ tưởng rằng chúng là “vô địch”, tháng Sáu năm 1941, phát xít Đức bất thình lình tiến công vào Liên Xô, chúng gọi là “chiến tranh chớp nhoáng”.
Trước tình tình đó, những người yếu bóng vía đều lung lay, nhăn mặt, thở dài, bi quan, thất vọng. Họ kêu rêu: “Ôi, thôi rồi! Phát xít mạnh quá, chắc chúng sẽ thắng thôi!..”. Song những người cách mạng chân chính, trông rộng, thấy xa, thì không hề bi quan chút nào. Họ nói một cách chắc chắn: “Liên Xô nhất định sẽ thắng”.
Cách Bác đi đường là như thế này: Buổi sớm, cố gắng đi cho quá một nửa đường, buổi chiều thì đi thong thả, hễ nơi nào có phong cảnh đẹp thì nghỉ lại vài phút để ngắm nghía, và nếu có dịp thì nói chuyện với đồng bào,
Nhân lúc tạm nghỉ, tôi mạnh dạn nói: “Thưa Bác, chúng cháu chỉ biết chung chung rằng phát xít là hung ác, nhưng chúng hung ác thế nào thì không rõ”... Bác nói:
Phát xít là một hình thức phản động nhất, hung ác nhất của chuyên chính tư bản đế quốc. Vì chúng không thể thống trị bằng cách giả nhân giả nghĩa, giả dân chủ như thời xưa nữa. Chúng khủng bố một cách cực kỳ ghê tởm, cực kỳ dã man tất cả những người và những đoàn thể tiến bộ, dân chủ và yêu chuộng hoà bình. Chúng đặt ra cái thuyết “nòi giống”: Người Đức là nòi giống cao quý, trời sinh ra họ để trị vì thiên hạ. Người các nước khác đều là nòi giống đê hèn, phải chịu phát xít Đức thống trị. Người Do Thái là nòi giống ma quỷ, phải tiêu diệt cho kỳ hết. Chủ nghĩa phát xít đã gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã giết chết hơn 30 triệu người, thiêu huỷ hàng nghìn thành phố và hàng vạn làng mạc. Biết bao nhiêu là tài sản quý báu do lao động và trí tuệ của nhân dân từ nhiều thế kỷ xây dựng nên bị phá hoại sạch. Hơn 6 triệu người Do Thái đã bị chúng thiêu chết.
Do Thái là một dân tộc ở rải rác khắp các nước phương Tây, nổi tiếng tiết kiệm và buôn bán giỏi. Ngay lúc bắt đầu chiến tranh, Himle (tên giúp việc số một của Hítle) ra lệnh cho quân đội phát xít Đức: “bắt được người Do Thái thì giết sạch”.
Nếu bắn thì phải tốn nhiều đạn và nhiều công, chúng bèn bày ra cách thiêu. Ở nhiều nơi tại nước Đức, và các nước bị chiếm, chúng xây dựng những lò hơi ngạt. Đánh chiếm đến đâu, chúng cướp hết của cải và bắt hết người Do Thái đến đó. Bất kỳ gái trai già trẻ, bất kỳ sĩ nông công thương, chúng lùa họ hàng nghìn hàng vạn người chồng chất lên xe lửa, khoá chặt cửa xe lạirồi chở đến những nơi có lò thiêu. Dù đường xa, xe chạy suốt năm, ba ngày, họ cũng không được ăn uống gì hết. Khi đến nơi, đã có nhiều người chết đói, chết ngạt... Chúng chọn một số người có sức khoẻ để bắt đi làm khổ sai ở các nhà máy và các đồn điền Đức. Vì đói rét và bị đánh đập tàn nhẫn sau vài tháng nếu không chết mòn, chết mỏi thì cũng kiệt sức không lao động được nữa, họ cũng bị đưa đến lò thiêu.
Đại đa số người Do Thái bị thiêu ngay.
Trước khi bước vào lò thiêu, họ phải cởi truồng hết. Áo quần, giày dép của họ được bọn phát xít chọn lọc sắp xếp tử tế để gửi về Đức.
Mỗi lần mỗi lò thiêu được độ 800 người. Người vào xong rồi, cửa lò khoá lại, hơi ngạt mở ra. Sau mười phút hấp hối quay cuồng, mọi người chết queo hết.
Chúng đưa xác chết ra, chúng cắt lấy tóc đàn bà chở về nhà máy dùng làm dây thừng hoặc độn nệm. Chúng khám miệng thây chết để nhổ lấy răng vàng. Chúng chọn những thây người béo lấy mỡ nấu dầu, nấu xà phòng. Thây người gầy thì chúng đốt làm phân bón ruộng... Nói tóm lại, bọn phát xít giết người một cách rất “khoa học”. Chúng tính ra bình quân mỗi người bị thiêu chết, đưa lại cho chúng 1.631 đồng mác (tiền Đức).
Chỉ một lò thiêu ở Biếccơnao (Birkenau), mỗi ngày thiêu chết 24.000 người Do Thái, từ đầu năm 1942 đến giữa năm 1944, hơn 211.000 người Do Thái đã bị thiêu chết ở lò này!
Tóm lại, chủ nghĩa phát xít là hung tàn bạo ngược, xấu xa như thế đó.
* *
Mùa Đông năm 1938, Bác trở lại Trung Quốc. 13năm trước đây, lần đầu tiên Bác đến Trung Quốc, và lần này Bác lại đến Trung Quốc, hai hoàn cảnh khác nhau xa, về mọi mặt.
Lần trước, Bác đến Quảng Đông. Lần này Bác đến Thiểm Bắc.
Lần trước, bọn quân phiệt đang đánh nhau lung tung. Lần này, nhân dân Trung Quốc đang chiến tranh chống phát xít Nhật.
Lần trước, Đảng Cộng sản mới ra đời, lực lượng chưa có mấy. Lần này, Đảng Cộng sản đã mạnh lắm và có nhiều kinh nghiệm lắm.
Cuối năm ngoái (1937), Đảng Cộng sản lập lại Mặt trận thống nhất, lại hợp tác với Quốc dân đảng để cùng nhau chống giặc Nhật. Do đó, Hồng quân đổi tên là Bát lộ quân và Tân tứ quân. Đối với vấn đề nông dân, thì chính sách của Đảng trong thời kỳ kháng chiến là thực hành giảm tô giảm tức, tạm thời không tiếp tục cải cách ruộng đất...
Hôm đầu tiên Bác đến Tây An được các lão đồng chí hoan nghênh nhiệt liệt. Mà cũng là hôm đầu tiên phải “chạy máy bay” Nhật đến ném bom.
Tây An là một thành phố có nhiều di tích lịch sử xưa cũ hơn ba, bốn nghìn năm, và có nhiều phong cảnh xinh đẹp. Nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, có thời giờ đâu, có tâm trạng đâu mà đi xem! Tuy vậy, Bác vẫn thấy được một điều lạ: Rất nhiều chim quạ đen. Lúc trời gần tối có hàng chục vạn con quạ từ bốn phương bay đến, đỗ kín các mái nhà và ngọn cổ thụ trong công viên. Sáng sớm chúng xuống đỗ kín mặt đất, nhảy nhót và kêu quạc quạc ầm lên như cãi nhau, rồi từng nhóm, từng nhóm kéo nhau bay mỗi nhóm một phương trời. Trông thấy bầy quạ, Bác nhớ lại câu ca dao:
Quạ nào mà chẳng đen lông
Địa chủ nào mà tốt với bần cố nông bao giờ?
Ở Tây An vài hôm, rồi đi Diên An. Bác cùng mấy đồng chí Trung Quốc phụ trách “hộ tống”mấy ngày chiếc xe chở vải rách (mua về để bện dép) đến Diên An. Xe này không phải là xe hơi mà cũng không phải là xe bò, vì nhiều khi phải dùng một ngựa, một lừa và một trâu cùng kéo! Mỗi ngày chỉ đi được vài chục cây số. Tối đến, trọ ở nhà nông dân, tiền phòng ngủ và tiền ăn (ăn miến, ăn nhiều ít tuỳ ý) chỉ tốn 2 hào. Đi đủng đỉnh chậm chạp như thế có hơi mệt, nhưng lại thấy được nhiều điều thú vị.
Trên đường gặp nhiều nhóm thanh niên, trai có, gái có. Số đông là trí thức, từ các nơi lũ lượt kéo nhau đi Diên An. Phần thì vì không quen lao động, phần thì vì đi bộ đã nhiều ngày, lắm người mỏi mệt, hầu như phải lê từng bước. Nhưng họ hướng về Diên An trung tâm cách mạng như các tín đồ hướng về “đất thánh”. Họ quyết vượt mọi gian khổ, đi cho đến nơi. Họ chia thành từng nhóm, giúp đỡ lẫn nhau, Hai bên đường, trên gốc cây và tảng đá, thường có những khẩu hiệu viết bằng phấn hoặc bằng than: “Anh chị em ơi! Gần đến X. rồi. Cố gắng lên thôi!...”.
Bác có gặp một nhóm thanh niên Hoa kiều đi bộ từ Xiêm về. Bác thân mật nói chuyện và bảo họ: Lấy nước tiểu bóp chân cho đỡ mỏi, vừa đi đường vừa kể chuyện hoặc ca hát cho khuây khoả.
Từ Tây An đến Diên An có nhiều vùng “xôi đỗ”: Những huyện “trắng” thuộc Quốc dân đảng. Những huyện “đỏ” thuộc về ta. Cũng có huyện nửa trắng nửa đỏ, ở đấy, vì huyện trưởng thường là “trắng”, mọi việc dân cứ tìm đến cán bộ đó, cho nên “quan huyện” rất nhàn hạ như câu hát:
Chiều chiều quan huyện ra câu,
Cái ve, cái chén, cái bầu, sau lưng...
Thanh niên học sinh các nơi tìm vào Diên An, lúc đi qua vùng “trắng”, có khi bị bọn Quốc dân đảng bắt cóc làm mất tích.
Ở vùng “trắng”, dọc đường thường có lính Quốc dân đảng cầm súng gác. Ở các trạm vùng đỏ, do nông dân, hoặc thanh niên, phụ nữ, đôi khi các em nhi đồng cầm dáo dài ngù đỏ canh phòng.
Một buổi trưa trời nắng, Bác đang nghỉ trong một cái quán. Khi cơm mớisôi thì chị nhà hàng hối hả mang nồi chạy ra sau vườn. Ngoài đường phố, một toán lính Quốc dân đảng dang khệnh khạng kéo đi. Sau mười phút, bà chị lại hăm hở mang nồi cơm về. Bác hỏi: “Cơm đang sôi, sao thím mang chạy?”. Chị nhà hàng khẽ trả lời: “Các đồng chí mớiđến không biết. “Chúng” ăn đã không trả tiền thì chớ, “chúng” còn đánh đập người ta nữa là khác!”.
“Chúng” tức là bọn binh sĩ Quốc dân đảng. Dân gian ở đây có câu: “Nhất binh, nhì phỉ, vơ vét thật kỹ, nhất phỉ nhì binh”.
Cùng lên một đường phố ở thị trấn H, Bát lộ quân và Quốc dân đảng đều có đặt trạm mộ lính mới. Bên trạm “Bát lộ” thì người đến đăng ký đông kìn kịt. Bên trạm “Quốc dân” thì chẳng có ai vào, tên trạm trưởng bèn nghĩ ra một diệu kế - nó trang hoàng trạm nó giống hệt như trạm “Bát lộ”. Kết quả có người vào ngay. Nhưng người vào rồi người lại ra, ra để đi vào trạm “Bát lộ”... Hơn nữa, nhiều lính Quốc dân đảng bí mật trốn theo Bát lộ quân…
Nhìn qua những việc nhỏ bé, người ta cũng thấy rõ lòng dân hướng về ai.
Đi độ một tuần thì đến Diên An.
Diên An là một thị trấn thường, ở địa phận núi, nhà cửa không nhiều mấy, nhưng số người lại rất đông. Đại đa số ở nhà “hầm” tức là xuyên núi đất thành những tổ tò vò khổng lồ, hàng chục người ở được. Nhà hầm có cái ưu điểm là mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Những dãy nhà hầm theo chân và sườn núi. Học sinh và bộ đội ở nhà hầm. Các đồng chí lãnh tụ Đảng và Chính phủ cũng ở nhà hầm.
Bác nói: Đến Diên An, trong lòng rất phấn khởi, nhưng không khỏi bỡ ngỡ ít nhiều. Thí dụ: Lúc đầu không phân biệt được ai là bộ đội, ai là học sinh, ai là chỉ huy, ai là cán bộ, thậm chí không phân biệt được ai là đàn ông, ai là đàn bà! Thật vậy! Vì mọi người đều ăn mặc gọn gàng và một kiểu như nhau: áo quần nhuộm màu chàm và giày vải... Mấy ký giả nước ngoài đã tặng đồng chí Chu Đức cái danh hiệu “Hoả đầu phu tướng quân”, vì Chu tổng tư lệnh cũng mặc như người nấu bếp.
Ăn thì mỗingày hai bữa cơm gạo mạch với cà rốt và củ cải. Lúc đầu, Bác chưa quen, ăn không được, Nhưng vài hôm sau dần dần ăn được, vì như câu tục ngữ nói: “Đói, thì muối cũng ngon”.
Cứ cách mười hôm lại có một bữa “ca xôi” (thêm rau). Các “anh nuôi” khéo tiết kiệm, khoảng 10 ngày cộng lại một lần, tiết kiệm được bao nhiêu đều dùng vào “ca xôi”. Cơm trắng với cá, thịt, vịt, gà... như một bữa tiệc to.
Về mặt vật chất, Diên An là một nơi cực kỳ giản đơn, chất phác khắc khổ. Về mặt tinh thần thì Diên An là một “Trời đất tự do” cực kỳ vui vẻ, sôi nổi, phấn khởi, khẩn trương. Ai cũng tăng gia, ai cũng học tập.
Trường học to nhất là trường “Kháng đại” (Kháng Nhật quân chính đại học) trong mấy năm đã đào tạo 20 vạn cán bộ quân sự và chính trị. Nhà trường trống rỗng, không ghế không bàn. Khi lên lớp, mỗihọc sinh mang theo một cái ghế cỏn con để ngồi, khi ghi chép thì học sinh kê sách lên đầu gối mà viết.
Lúc đó Diên An là nơi tổng chỉ huy của 18 vạn quân đội cách mạng và 8, 9 khu giải phóng ở Hoa Bắc và Hoa Trung. Một không khí bồng bột lạ thường bao trùm tất cả mọi người và biểu lộ ra trên nét mặt của mỗi một người. Đoàn kết, phấn đấu, thắng lợi - đó là chí khí của Diên An, nó thật xứng đáng với cái tên vẻ vang mà nhân dân Trung Quốc tặng cho nó: “Thánh địa cách mạng”.
Gần Diên An có mấy di tích lịch sử nổi tiếng: Lăng Hoàng đế (Hoàng đế là tên một vị vua có công đức với dân, cách đây khoảng 5.000 năm); “Đỗ Phủ xuyên” là con suối mà đời xưa đại thi sĩ Đỗ Phủ thường đi đến, có Bửu Tháp trên núi Gia Lăng. Khi đi gần Cam Tuyền, Bác nhớ lại câu: “Khói Cam Tuyền mờmịt thức mây” trong Chinh Phụ Ngâm nổi tiếng.
Vội đi Hoa Nam cho gần nước ta hơn, Bác chỉ ở Diên An hai tuần, rồi trở lại Tây An. Lần này đi cùng năm chiếc xe hơi chở học sinh, cán bộ trung cấp và cao cấp. Khi đi qua vùng “trắng” X. bọn đặc vụ Quốc dân đảng bắt xe dừng lại và lục soát, rồi chúng doạ giữ xe và người lại. Đồng chí B. Bảo chúng đại ý: “Chúng tôi đi có việc cần và rất quan trọng. Nếu muốn giữ chúng tôi lại, thì các anh phải viết giấy rõ ràng...”. Trước thái độ cứng cỏi đó, bọn đặc vụ không đám lôi thôi nữa. Việc này lại một lần nữa phơi bày sự đê hèn của bọn Tưởng.
Đến Tây An, Bác đi Quảng Tây, vì Quảng Đông hồi đó bị giặc Nhật chiếm rồi. Cùng đi chuyến ấy có đồng chí L là cán bộ Đảng. Để cho có vẻ, đồng chí L ra vai quan trưởng, Bác thì làm vai lính hầu của L.
Ở Quế Lâm (tỉnh lỵ Quảng Tây) có biện sự xứ và một đơn vị nhỏ của Bát lộ quân, Bác vừa tham gia công việc Bát lộ quân, vừa tìm cách liên lạc với trong nước. Các đồng chí Trung Quốc giúp Bác nhiều trong việc này.
Khi đơn vị Bát lộ quân mới đến, đóng ngoại ô Quế Lâm, nhân dân địa phương tỏ vẻ lạnh nhạt, vì họ đã bị Quốc dân đảng tuyên truyền. Nhưng ra sức thực hành khẩu hiệu “Hết lòng giúp đỡ nhân dân”, cho nên không bao lâu thì cảm tình giữa Bát lộ quân và bà con địa phương đã trở nên “như cá với nước”.
Bác được đơn vị bầu làm chủ nhiệm Câu lạc bộ. Câu lạc bộ vừa là một cơ quan văn hoá của đơn vị, vừa là cơ quan tuyên truyền đối với nhân dân địa phương.
Được ít lâu, Bác đi Hành Dương với đồng chí tướng quân D. Vì Bát lộ quân và Tân tứ quân khéo dùng chiến thuật du kích, luôn luôn thắng lợi trước mặt trận cũng như sau lưng địch. Ngày bắt đầu chống Nhật, hai quân đội ấy chỉ có độ 4 vạn chiến sĩ, năm 1938 đã phát triển đến hơn 18 vạn người, đã thu phục lại nhiều nơi bị Nhật chiếm vì quân Quốc dân đảng bỏ chạy đã mở được nhiều khu giải phóng rộng lớn, và đương đầu với hơn 40 vạn quân Nhật. Còn quân Quốc dân đảng thì liên tiếp thua trận này đến trận khác. Thấy vậy, Tưởng Giới Thạch bèn nhờ Bát lộ quân dạy chiến thuật du kích cho một số sĩ quan của hắn. Đồng chí D lãnh đạo một số đồng chí giáo quan phụ trách trường huấn luyện ấy.
Bác được bầu làm Bí thư chi bộ, kiêm việc nghe đài phát thanh lấy tin tức quốc tế làm tài liệu huấn luyện thời sự cho đơn vị. Cả hai công việc đều mới lạ, nhưng cũng đều là thú vị.
Trong chi bộ thì tướng có, binh có, trai có, gái có, tiếng nói đông, tây, nam, bắc đều có. Trong đơn vị thì có chiến sĩ cũ, có chiến sĩ mới, có một số không phải đảng viên, chi bộ đều phải săn sóc họ. Việc thì việc lớn việc nhỏ, từ việc ăn uống, học tập giải trí, kỷ luật cho đến việc riêng của mọi người đều tìm đến Bí thư. Bác cùng hai đồng chí phó bí thư (phụ nữ) làm việc suốt ngày.
Việc nghe rađiô cũng không dễ, vì lần này là lần đầu tiên mó tay đến cái máy thu thanh, không biết đài nào phát, giờ nào phát và làn sóng nào. Bác thức suốt năm đêm, vặn đi vặn lại tìm nghe. Đến khuya đêm thứ sáu mới nghe được đài Luân Đôn.
Trường huấn luyện du kích kết quả thế nào? Muốn đánh du kích thì phải đưa hẳn vào lực lượng của nhân dân, phải được nhân dân yêu mến và giúp đỡ. Muốn đạt mục đích đó thì mỗi đội viên du kích phải yêu kính nhân dân, giúp đỡ nhân dân, cùng nhân dân đồng cam cộng khổ, đoàn kết thành một khối. Đằng này, quân quan Quốc dân đảng đều thuộc giai cấp bóc lột, quen thói hà hiếp nhân dân, họ không thể hànhđược cái họ đã học. Kết quả là “chữ thầy lại trả thầy”.
Bọn Tưởng Giới Thạch đánh Nhật thì rất nhát, chống cộng lại rất hăng. Âm mưu của chúng là mượn tay phát xít Nhật để tiêu diệt quân đội cách mạng. Không ngờ Bát lộ quân và Tân tứ quân càng ngày càng đánh sâu vào sau lưng địch, mở rộng khu giải phóng, phát triển bộ đội mình, và thế lực ngày càng mạnh. Âm mưu nham hiểm kia đã thất bại, cuối năm 1939, Tưởng Giới Thạch công khai mở cuộc chống cộng, phái quân đánh vào Biên khu là nơi Trung ương Đảng Cộng sản đóng, và đánh vào những vùng thuộc phạm vi Bát lộ quân và Tân tứ quân, Đảng Cộng sản vừa phải đánh Nhật, vừa phải chống Tưởng, lại vừa phải khôn khéo giữ gìn cho Mặt trận thống nhất khỏi tan vỡ.