Bia sach di tich

I. SỰ HÌNH THÀNH KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI ĐÁ CHÔNG

1. Một vài nét về Hà Tây và những di tích danh lam thắng cảnh tiêu biểu:

Hà Tây nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, Bắc giáp Phú Thọ, được bao bọc bởi dãy núi Tam Đảo; Nam giáp Hòa Bình, thuộc hữu ngạn sông Hồng Hà (sông Hồng), đoạn cuối khúc sông chảy qua gọi là sông Đà và một nhánh sông Tích như dải lụa thanh thiên, núi Ba Vì sừng sững, mờ xa, bờ bãi ven sông nối tiếp những cánh đồng màu mỡ lúa, khoai, ngô, mía, cây thuốc lá, mùa nào thức nấy.

Nói đến Hà Tây, không thể không nhắc tới những danh lam nổi tiếng xứ Đoài, vùng đất "Địa linh nhân kiệt" như:

Đường Lâm là một trong những làng cổ đặc sắc Việt Nam, vốn là mảnh đất lịch sử rất nổi tiếng; là đất có hai vua: Phùng Hưng (766-799) và Ngô Quyền (938-945).

Chùa Mía (thuộc xã Đường Lâm) có hiệu là Sùng Nghiêm Tự, một cảnh quan đẹp, trang nghiêm mà cổ kính, theo quan niệm của Phật giáo khi đến đây con người như bắt gặp cõi yên lạc, để xua đi những tạp niệm trong cõi vô thường. Tượng Phật chùa Mía có thể coi là những bông hoa điêu khắc rực rỡ, có giá trị độc đáo, hiếm thấy ở các ngôi chùa khác.

Hương Sơn, đệ nhất kỳ quan có từ đời Lê Chính Hòa cách đây 1.000 năm có lẻ, có động người xưa và con đường khổ ải để tới cõi niết bàn, lại là một vẻ đẹp hướng về cõi thiện, kết hợp hài hòa với con người, không biết được đâu là mơ, là thực.

Chùa Tây Phương (thế kỷ III) với 62 pho tượng, 18 vị La Hán "đến bây giờ mặt vẫn chau" (Huy Cận) xa lánh cõi nhân gian tục lụy tìm cách siêu thoát ở cõi Phật.

Chùa Thầy thờ Từ Đạo Hạnh, bậc chân tu, ông tổ của nghề múa rối nước, tương truyền đã hóa thân thành Vua Lý Thần Tông.

Chùa Đậu là một nơi đặc sắc nữa với xá lị của hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường.

Không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, Hà Tây là mảnh đất đã sinh ra những hiền tài vào bậc nhất qua nhiều thời đại, xứng đáng là danh nhân đất Việt, như:

Nguyễn Trãi, linh hồn của cuộc kháng chiến chống giặc Minh, nhà văn hóa lớn nhất thời cổ, tác giả của Bình Ngô Sách, Bình Ngô Đại cáo (bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc ta), ức Trai thi tập...

Ngô Thì Nhậm, là tướng giỏi của Tây Sơn Nguyễn Huệ, người đã bày kế sách "nước cờ Tam Điệp", giúp Quang Trung bảo toàn lực lượng dồn sức quét sạch quân Thanh, tác giả của Hoàng Lê nhất thống chí.

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) là một tài năng xuất chúng, một sứ thần sắc sảo, uyên bác.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Hà Tây là "lá chắn thép" bảo vệ Thủ đô Hà Nội và Trung ương Đảng. Hà Tây thật xứng danh là tỉnh Anh hùng.

2. Khu vực Đá Chông và sự hình thành Khu di tích:

Từ thành phố Sơn Tây đi về phía Tây theo quốc lộ 87 chừng 20km gặp một khu rừng thông xanh thẫm phủ kín những ngọn đồi đất sỏi, cao thấp nhấp nhô ở độ cao 40 - 50m, có đồi cao hơn 100m so với mặt nước biển. Những "mũi chông đá" nhiều hình, nhiều vẻ nhô lên khỏi mặt đất, những vỉa đá lô xô vươn về phía dòng sông Đà. Đó là khu vực Đá Chông. Theo trí tưởng tượng dân gian, khu vực này mang dáng dấp một con rồng, đầu đang cúi xuống uống nước sông Đà, U Rồng là đỉnh cao nhất của khu đồi.

Dòng sông Đà đến đây bỗng đổi hướng, ngược về Phú Thọ, rồi uốn lượn xuôi về miền hạ lưu Sơn Tây, nhập vào sông Hồng chảy về xuôi. Nép mình dưới cánh rừng nguyên sinh là vài ba ngôi nhà với kiểu dáng kiến trúc đơn giản nhưng khá đẹp.

Theo ông Vũ Kỳ - nguyên là Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời truyền miệng của nhân dân: trong thời kỳ Pháp thuộc, nơi đây là đồn điền Satuptô của một kỹ sư canh nông người Pháp, đã trồng thông và khai thác quặng. Bây giờ khu vực này còn giữ được nhiều cây thông có độ tuổi khoảng 100 năm, xen kẽ với những cây mới trồng như chò, lim, long não, pơ mu...

Nhân dân vùng này gồm chủ yếu là người Kinh, có một số dân tộc Mường, Dao. Đất canh tác hạn hẹp, trồng 1 vụ lúa, 1 vụ ngô, khoai, sắn. Đời sống người nông dân không mấy thuận lợi. Đảng bộ và nhân dân địa phương có truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp là vùng an toàn, nơi đi về của cán bộ, bộ đội; trong kháng chiến chống Mỹ là nơi đóng góp nhiều sức người, sức của cho chiến trường đánh giặc. Các xã Minh Quang, Ba Trại và Thuần Mỹ liền kề Khu di tích đều đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Vùng đất này đã có một sự kiện đặc biệt để rồi sau đó nó trở thành một địa danh lịch sử. Đó là vào một ngày của tháng 5 năm 1957, Bác đến thăm Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà. Cũng như khi Người đi công tác các tỉnh thường không ăn cơm ở đó mà mang theo cơm nắm, thức ăn và Bác cháu cùng dùng bữa cơm dọc đường, sau đó Người nằm nghỉ một lát ngay dưới gốc cây.

Theo ông Vũ Kỳ kể lại: Hồ Chủ tịch đã đứng ở vị trí Đá Chông, nhìn ra sông Đà trước mặt thấy đây là nơi sơn thủy hữu tình, dòng sông uốn khúc, cảnh vật tươi đẹp, gần dân mà xa đường quốc lộ. Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Người đã ngỏ ý với các đồng chí cùng đi xây dựng ở đây một nhà làm việc của Bác và Trung ương. Bác đã ngồi ăn cơm nắm bên "ba ngọn núi" Đá Chông, chỗ đó có nhiều phiến đá bằng phẳng, có một cây phượng vĩ, trước có một ngôi miếu nhỏ.

Nhóm nghiên cứu đề tài được ông Vũ Kỳ trao cho bức ảnh chụp Bác Hồ và các đồng chí cùng đi đang ngồi tại Đá Chông vào ngày 23 tháng 2 năm 1958.

Năm 2006, được sự giúp đỡ của Ban Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh và các chuyên viên, nhóm nghiên cứu đề tài tiếp tục nhận được một bộ ảnh quý chưa công bố về Bác Hồ với Đá Chông. Đây là những tư liệu lịch sử xác thực về Khu di tích Đá Chông. Nhóm nghiên cứu đề tài cũng được sự giúp đỡ xác minh tư liệu của Ban Tuyên giáo, Tỉnh ủy Hà Tây trong những lần Bác về thăm và làm việc với Hà Tây. Đây là những tư liệu lịch sử xác thực về Khu di tích Đá Chông.

Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao Bác lại chọn Đá Chông là nơi căn cứ làm việc của Bác và Trung ương? Qua thu thập tài liệu và lời kể của các nhân chứng có thể lý giải như sau:

Thứ nhất: Do tình thế cách mạng nước ta lúc đó, miền Bắc sau 2 năm hòa bình, miền Nam đang nằm trong vùng kiểm soát của địch, Mỹ - Diệm đang ra sức hô hào lấp sông Bến Hải, Bắc tiến, những diễn biến đó khiến Bác và Trung ương nghĩ đến cuộc đọ sức quyết liệt với kẻ thù, phải tính đến việc lập những căn cứ dự phòng khi cần thiết có thể đưa Bộ chỉ huy tối cao đến làm việc bảo đảm an toàn. Địa bàn Sơn Tây nói chung cũng như khu vực Đá Chông có thể coi như mảnh đất bàn đạp nằm tiếp giáp với chiến khu và vùng đồng bằng, thành phố. Người đã chọn căn cứ này trong một chuyến đi thăm và kiểm tra diễn tập thực binh của Sư đoàn chủ lực 308. Điều này, gợi nhớ lại khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác và Trung ương từ Tân Trào về Hà Nội, Người đã để lại một lực lượng giữ gìn xây dựng chiến khu với lý do: Biết đâu sau này Bác cháu ta lại có thể phải trở lại đây. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra gian khổ, ác liệt, Bác và Trung ương phải quay trở lại chiến khu chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi.

Thứ hai: Từ phong cách sống của Bác. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người rất giản dị, sống gần gũi với thiên nhiên. Người đã từng nói đại ý, Người không ham danh lợi, nếu không phải vì việc nước mà phục vụ thì Người chỉ ưa thích sớm tối trồng rau, hái củi, trò chuyện với những người bạn thân thiết. Người ưa sống gần gũi với thiên nhiên như ở Pắc Bó, Tân Trào và cả ở Phủ Chủ tịch cũng đều như vậy. Đó là một ngôi nhà nhỏ, cạnh sông suối, có đất trồng rau, có cây xanh tươi tốt. Những cảnh vật có ở Đá Chông đều phù hợp với phong cách sống của Bác và Bác đã chọn nơi này để sống và làm việc.

(còn nữa)

Bài viết khác: