Hướng đến kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019) và 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 - 2019), sáng ngày 16/5/2019, Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Khối vũ trang - biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã đến dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn do đồng chí Trần Đức Thơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 làm Trưởng đoàn và 26 đại biểu là thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Đoàn kính cẩn dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ra đời từ rất sớm (ngày 06/01/1946), lực lượng vũ trang - biệt động Sài Gòn - Gia Định tồn tại và hoạt động ngay giữa trung tâm đầu não Sài Gòn, đã trở thành nỗi kinh hoàng của Mỹ - Ngụy trong suốt cuộc chiến tranh. Hoạt động của lực lượng góp phần tiêu diệt một bộ phận sinh lực cao cấp của địch, phá hoại nhiều cơ sở vật chất, phương tiện chiến tranh của chúng; phá vỡ âm mưu, hạ uy thế và gây hoang mang cho quân địch ngay ở cơ quan chóp bu; kích thích tinh thần của quần chúng, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị ở nội đô, tạo điều kiện cho quần chúng ven đô đấu tranh với địch; phối hợp với các chiến trường trên toàn miền Nam. Chiến công đỉnh cao của lực lượng là Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với nhiệm vụ: Nổ súng, tiến công vào 5 mục tiêu trọng yếu giữa sào huyệt kẻ thù, mở màn cho quân dân miền Nam trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968: Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc lập, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải Quân và Tòa Đại sứ Mỹ. Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã dũng cảm tiến công, chiếm giữ những mục tiêu đúng giờ quy định, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tạo tiền đề vững chắc cho đại thắng 30/4/1975 lịch sử. Ngay sau giải phóng, nhiệm vụ hoàn thành, đơn vị được giải thể. Để giải quyết những vấn đề tồn đọng của chiến tranh, tháng 3/1983, Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Khối vũ trang - biệt động Quân khu Sài Gòn -Gia Định được thành lập. Những năm qua, Câu lạc bộ luôn chú trọng làm tốt công tác giáo dục truyền thống; tổ chức các hoạt động nghĩa tình và chăm lo đời sống hội viên, làm tốt công tác an sinh xã hội.
Trong số 27 chiến sỹ biệt động thăm Thủ đô, viếng Bác có 02 nữ biệt động tiêu biểu: Bà Vũ Thị Minh Nghĩa (bí danh Chín Nghĩa) chính thức trở thành thành viên Đội 5, F100 Biệt động Sài Gòn năm 1965 dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân (bí danh Bảy Bê, Anh hùng Lực lượng vũ trang, chồng của bà sau này). Bà là “bông hoa” duy nhất trong số 15 chiến sỹ trên “tuyến lửa” đánh trực tiếp vào Dinh Độc Lập năm 1968; trung kiên vượt qua 6 năm bị giam cầm nếm trải đủ các ngón đòn tra tấn từ hàng chục nhà tù khét tiếng của chế độ Việt Nam Cộng hòa đến “địa ngục trần gian” nhà tù Côn Đảo... vẫn quyết không khai xưng bất cứ thông tin gì của tổ chức cách mạng. Năm 1974, Hiệp định Paris đình chiến, Chín Nghĩa được trao trả tù binh cùng với những tử tù chính trị như bà Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng, Nguyễn Thị Hồng Châu…
Bà Lê Thị Thu Nguyệt (biệt danh “Chim Sắt”) mưu trí, gan dạ phi thường. 15 tuổi, khi đang còn mặc đồng phục học sinh, cô đã là chiến sỹ biệt động của đội 159. Nữ anh hùng từng lập nhiều chiến công hiển hách, phá hủy cuộc Triển lãm Quân đội trước tòa Đô chánh Sài Gòn, đánh bom tại sân bay Honolulu, được Bác Hồ điện khen “hiến công trên đất Mỹ”. 11 năm, cô bị đày 3 lần ra Côn Đảo, trải qua những tháng năm tuổi trẻ khốc liệt ở các nhà tù Sài Gòn, Biên Hòa, với những đòn tra tấn dã man của địch, nhưng vẫn yêu đời, tin vào cuộc sống và tổ chức nhiều cuộc biểu tình, phản đối địch ngay trong chốn lao tù.
Đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy,
Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn tại Nhà khách số 8 Hùng Vương
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đón và trao tặng Huy hiệu Bác Hồ, giới thiệu về nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác 50 năm qua cho các thành viên trong Đoàn tại Nhà khách số 8 Hùng Vương. Đồng chí Chính ủy đã bày tỏ sự khâm phục trước những hiy sinh lớn lao của các chiến sỹ biệt động ngày nào, xin hứa suốt đời học tập và noi theo tấm gương của các chiến sỹ; chúc các cô, chú, bác gia đình hạnh phúc, thành công, có chuyến thăm miền Bắc nhiều kỷ niệm sâu sắc và mong Đoàn sức khỏe dồi dào.
Cùng ngày, Đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Khu Di tích K9.
Hoàng Xuân