Thông qua những hình ảnh trên trang Facebook cá nhân của cô Hoàng Oanh - Giáo viên dạy sử của trường THPT Bắc Duyên Hà (Thái Bình), tôi biết đến chuyến đi xuyên Việt của Đỗ Trường Hùng. Hình ảnh về chàng trai dáng người cao gầy bên chiếc xe đạp và lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới thực sự ấn tượng. Tôi càng ấn tượng hơn khi được cô Hoàng Oanh cho biết để có được chuyến đi này Hùng đã phải nỗ lực rất nhiều để ôn thi đại học, phải tự đi làm thêm ở Hà Nội để có kinh phí cho chuyến đi... Và tôi quyết định viết về tấm gương ấy...
Đỗ Trường Hùng trên hành trình xuyên Việt
Đỗ Trường Hùng (sinh năm 1994, quê Hưng Hà, Thái Bình) đã có chuyến đạp xe xuyên Việt sau khi đỗ Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đích đến của chuyến đi là Bến cảng Sài Gòn – nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Hùng bảo, cậu chọn điểm đến này vì Bác Hồ là thần tượng của mình, tấm gương về nghị lực của Bác đã giúp Hùng vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc sống. Và vì thế, cậu muốn một lần được tới Bến cảng Sài Gòn để báo công dâng Bác.
Hùng sinh ra trong một gia đình khó khăn về kinh tế. Năm Hùng 10 tuổi, bố Hùng vào Đắc Lắc kiếm sống. Mẹ Hùng căng vài tấm bạt mỏng, che mấy cái ô để tạo thành một quầy hàng tuềnh toàng bán hoa ở thị trấn Hưng Hà (Thái Bình). Những ngày mưa gió, bão bùng, Hùng, cậu em trai kém Hùng 3 tuổi cùng với mẹ thường xuyên co cụm ở cái quầy hàng đó, người giữ bạt, người ôm chân ô để tránh gió thổi bay tất cả.
Thương mẹ, Hùng cũng phấn đấu học tập, nhưng rồi đến năm lớp 6, khi được cậu em trai rủ đi chơi game, Hùng chơi thử và trở thành con nghiện game lúc nào không hay. Hùng chia sẻ: “Dạo đó, không ít lần mẹ em quần ống thấp ống cao, đi chân đất chạy nhảo khắp nơi tìm 2 anh em. Có cái Tết, buồn vì 2 đứa con hư, tối ngày cắm đầu vào game, khi tìm thấy chúng em, mẹ cầm chiếc dép tét cho mỗi đứa một cái rồi nước mắt ngắn dài”. Mỗi lúc như thế, Hùng thương mẹ lắm. Cậu cũng dặn lòng phải cố gắng cai game, nhưng rồi chỉ được đôi ba ngày hoặc một tuần, cậu lại hối hả trong những trận game.
Sức học của Hùng ngày càng giảm sút nên sau đó cậu phải theo học bổ túc ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Hưng Hà. Lần thứ nhất thi Đại học, Hùng chọn thi vào trường ĐH Mỏ - Địa chất nhưng kết quả không như ý vì chỉ được có 11,5 điểm. Hùng nhập học Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị với 19 điểm. Khi đang theo học ở Trường thì Hùng nhận tin cha mất. Vội bắt xe vào Đắc Lắc để nhìn mặt cha lần cuối nhưng tàu xe đã mất 4 ngày trời, khi Hùng có mặt ở đó thì cha cậu đã được mai táng xong.
Cú sốc mất cha khiến Hùng vô cùng đau khổ. Trong lúc bí bách ấy, Hùng tình cờ đọc được cuốn “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng – một cuốn sách sưu tập rất nhiều câu chuyện về cuộc đời Bác Hồ. Cậu mải miết đọc từng trang sách. Lối viết chân thực của nhà văn Sơn Tùng đã tái hiện bức chân dung sinh động về Bác cũng như nghị lực và ý chí lớn lao của Người thông qua những chặng đường, những biến cố mà Bác từng trải qua. Trong đó, Hùng đặc biệt tìm thấy động lực khi đọc những trang sách kể về thời điểm Bác Hồ cùng lúc mất cả mẹ lẫn em trai khi chỉ mới là một cậu bé 10 tuổi. “Bác Hồ đã có khoảng thời gian khốn khó như thế, vậy mà Bác đã chịu đựng và vượt qua được rồi sau này trở thành bậc vĩ nhân của dân tộc. Chính câu chuyện trên đã tạo động lực, thôi thúc em không được gục ngã trước hoàn cảnh”, Hùng chia sẻ.
Hùng nghỉ học ở Trường Cao đẳng, về nhà ôn thi 5 tháng nhưng lần này vẫn không đỗ Học viện Báo chí và Tuyên truyền vì thiếu mất nửa điểm. Sau đó, Hùng xin làm bảo vệ cho một cửa hàng ở Ngô Gia Tự (Hà Nội) để có tiền ôn thi và mua xe đạp. Hùng kể: “Em chẳng có gì ngoài chiếc quần đã rách chỗ nọ, thủng chỗ kia, manh áo cộc chẳng đủ chống lại cái rét của mùa đông, em phải mặc cùng lúc 2 chiếc áo bảo hộ lao động. Em làm 2 ca, ca sáng từ 10h đến 4h chiều, nghỉ ngơi 1 tiếng rồi lại tiếp tục làm từ 5h chiều đến 11 – 12h đêm với mức lương chỉ hơn 2.000.000 đồng/tháng. Những lúc mệt mỏi, em lại đọc đi đọc lại cuốn “Búp sen xanh”. Các câu chuyện về nghị lực vượt khó vươn lên của Bác khiến em lại có thêm niềm tin rằng chỉ cần cố gắng hết mình thì sẽ gặt hái được thành công. Gian truân, vất vả là những chướng ngại để thử thách ý chí con người. Càng được tôi rèn trong khó khăn thì càng trở nên cứng rắn. Vì thế, dù làm lụng mệt mỏi nhưng em vẫn luôn tận dụng thời gian để ôn thi. Em thường học bài đến 1h sáng mới đi ngủ, sáng thì dậy sớm học từ 5h đến 7h”.
Tháng 12/2013, Hùng nghỉ làm và mua thêm cuốn sách “Bông sen vàng” – một cuốn sách hay khác viết về tấm gương Hồ Chủ tịch trước khi rời Hà Nội về quê ôn thi. Hùng lao đầu vào học. Mỗi khi thấy áp lực, căng thẳng, cậu lại đọc “Búp sen xanh” và “Bông sen vàng” để có thêm nghị lực. Đó là 2 cuốn sách gối đầu giường mà Hùng vô cùng quý trọng. Và lần này, nỗ lực của Hùng đã được đáp đền khi cậu đỗ cao với 25,5 điểm.
Vui mừng vì thành tích đạt được, vừa qua, Hùng đã có một chuyến đạp xe xuyên Việt kéo dài gần một tháng. Đối với cậu, đây là một chuyến đi vô cùng ý nghĩa, bởi trong hành trình này cậu sẽ ghé mộ cha để báo công. Cậu cũng ghé Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ và điểm kết thúc hành trình là Bến càng Sài Gòn– nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. “Thông qua chuyến đi, em muốn thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự ngưỡng mộ đối với những con người vĩ đại của dân tộc. Đặc biệt, em muốn em trai của em nhìn vào chuyến đi đó và hiểu rằng không có việc gì là không thể làm được khi con người có đủ quyết tâm và lòng dũng cảm”, Hùng chia sẻ.
Với “con ngựa sắt”, chiếc ba lô có 2 bộ quần áo, 15 phong lương khô, một lá cờ đỏ sao vàng in chữ “Trường Sa, Hoàng Sa trong trái tim tôi” cùng một ít tiền dành dụm từ làm thêm và tiền ủng hộ của mẹ, bà ngoại, Hùng bắt đầu xuất phát từ Thái Bình. “Ngày đầu tiên, em đi được 3 tỉnh với tổng số 120km. Vì đường bằng nên khá dễ đi, em cũng chưa thấy mệt mỏi gì cả. Nhưng những ngày sau đó, gió phơn thổi mạnh, cái nóng từ mặt đường nhựa hất lên, nắng nóng khiến đôi dép cao su dường như muốn tan chảy, cơ thể em bỏng rát. Em bị cận nặng, chỉ đạp xe được ban ngày nên dù có thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên tới 40 – 42 độ C, em vẫn tích cực đạp. Cứ 6h sáng là bắt đầu đạp, cố gắng mỗi ngày đạp khoảng 12 tiếng, tối thiểu là 100km/ngày”. Để tiết kiệm chi phí, mỗi bữa ăn của Hùng thường chỉ gồm cơm trắng và một bát canh rau giá từ 10 – 15.000 đồng/suất. Tối đến, để đảm bảo an toàn, Hùng không vạ vật ở rìa đường mà vào các khu vực dân cư để kiếm chỗ ngủ trọ.
Lá cờ đỏ sao vàng in chữ “Trường Sa, Hoàng Sa trong trái tim tôi”được Hùng giữ lại sau chuyến đi như một kỷ vật
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuốn sách “Búp sen xanh” của Hùng
Hùng cũng gặp nhiều sự cố khác như thủng xăm xe, nhiều lúc mệt tới mức sắp không thở được… Lá cờ đỏ sao vàng trải qua bao mưa nắng nên đã không còn lành lặn. Nhiều người bảo Hùng thay lá cờ khác nhưng Hùng bảo, lá cờ này mang theo nhiều ý nghĩa. Trong chiến tranh nhiều chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu, khi hi sinh vẫn cố ôm chặt lấy lá cờ Tổ quốc dù nó đã bị bom đạn xuyên qua rách bươm. Vì thế, lá cờ của Hùng dù đã không còn lành lặn nhưng đó là biểu trưng của sự can đảm, nghị lực và ý chí vượt qua gian khó cùng tình yêu Tổ quốc bất diệt.
Trong hành trình xuyên Việt, Hùng còn gặp một người con gái rất thú vị khi cả hai cùng rất thích cuốn “Búp sen xanh”. Chị từng có 1 cuốn “Búp sen xanh” nhưng bị mất nên Hùng đã tặng chị cuốn sách của mình. Đặt chân đến Bến cảng Sài Gòn sau chuỗi hành trình gian khó, Hùng cảm thấy rất thanh thản. Hùng tâm sự: “Em đã mua một bức vẽ chân dung Hồ Chủ tịch, mua 1 cuốn “Búp sen xanh” và sau đó thắp hương cho Bác ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Em đã hứa với Bác sẽ cố gắng hết mình để học tập, phấn đấu là một người công dân tốt, mang sức mình phát triển đất nước. Em sẽ luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác”./.
Đinh Thùy