Những ngày tháng Bảy, dưới ánh nắng trong veo của mùa Hè, dòng người cứ nối dài, nối dài vào Lăng viếng Bác. Đặc biệt, trong dòng người đó, chúng ta thấy được hình ảnh rất nhiều người thương binh, người lính với những khuôn mặt, mái tóc đã phủ màu thời gian. Hòa mình vào dòng người ấy mới thấy được sự xúc động, lòng thành kính của từng người khi có mặt tại Quảng trường Ba Đình lịch sử và được “gặp” Bác Hồ kính yêu.

nho-bac-khon-nguoi-2
Dòng người nối dài vào Lăng viếng Bác Hồ kính yêu

            Nhớ Bác… nhớ thời chiến

          Không giống những đồng bào khác, những thương binh, bệnh binh đến và vào Lăng viếng Bác với những xúc cảm rất đặc biệt. Bởi theo lời họ, được có mặt tại Lăng Bác, họ lại nhớ về những lời Bác nói năm xưa, nhớ về thời chiến tranh gian khổ nhưng oai hùng của dân tộc. Những mảng ký ức tưởng chừng như đã trôi xa nhưng mỗi khi đến dịp nó lại hiện ra rõ ràng, rành mạch như câu chuyện mới diễn ra của ngày hôm qua.

          Bà Dương Thị Tuyết (70 tuổi) hiện đang sinh sống tại Phú Quốc. Bà là một chiến sỹ làm công tác tình báo. Kể lại câu chuyện năm xưa, đôi mắt bà lại rưng rưng xúc động. Bà bảo: Đến Lăng Bác, trong lòng tôi và đồng đội lại trào dâng nỗi nhớ Bác khôn nguôi. Và những ký ức về thời gian chiến tranh ác liệt ngày xưa lại hiện về. Ngày ấy, chúng tôi đã sống và chiến đấu theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh của Bác luôn xuất hiện trong tâm khảm, trong ý chí quyết tâm, trong mỗi nhiệm vụ cần thực hiện của từng cá nhân.

          Trong suốt khoảng thời gian hoạt động cách mạng, bà Tuyết đã bị địch bắt 7 lần, và 7 lần ấy bà đều bị tra tấn dã man. Bà bảo: “Quãng thời gian đó thật sự rất đau đớn, cả thân thể không có chỗ nào không bị thương, bởi địch đã dùng rất nhiều thủ đoạn tàn bạo với tôi với mục đích ép tôi nói ra điều gì đó có lợi cho chúng. Nhưng chúng đã không thể thực hiện được điều đó!”. Bà Tuyết cũng như rất nhiều chiến sỹ bộ đội khác của quân đội ta, như những người con Việt Nam chân chính, bà đã đối diện với sự đau đớn đó và trở về với cuộc chiến, với cuộc sống. Lần 1, lần 2… rồi lần thứ 7… Hết lần này đến lần khác, bà luôn giữ được bản lĩnh, được tinh thần, ý chí quyết tâm mạnh mẽ.

nho-bac-khon-nguoi-1
Những nữ chiến sỹ mạnh mẽ năm xưa có mặt tại Lăng Bác

            Trong những câu chuyện tháng 7 này, tôi tình cờ được nghe câu chuyện của ông Nông Ngọc Thăng (75 tuổi, sống tại Cao Bằng). Ông đã tham gia chiến đấu tại mặt trận Thừa Thiên Huế (từ năm 1968 đến năm 1975), tại chiến tranh Biên giới (năm 1979). Ông luôn nhận mình và đồng đội trong đơn vị là những chiến sỹ thầm lặng. Bởi đơn vị ông được giao nhiệm vụ tình báo kỹ thuật. Trong câu chuyện của ông, ông luôn nhắc về nhiệm vụ đặc biệt của đơn vị, nhắc về những lời Bác dạy năm xưa. Ông bảo đơn vị hoạt động thầm lặng nhưng có khi những tin tức thu thập được có thể cứu sống được cả một trung đoàn.

          Ông tự hào chia sẻ: “Tôi và em trai Nông Ngọc Thi cùng nhập ngũ vào ngày 19/5/1965. Sau đó đến ngày 19/5/1968, người em trai thứ ba Nông Ngọc Tình cũng nhập ngũ. Ba anh em trai, mỗi người một đơn vị, một nhiệm vụ”. Nói đến đây, giọng ông dường như trầm xuống, bởi người em trai Nông Ngọc Tình của ông đã hy sinh nhưng đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ. Đây cũng chính là điều khiến ông luôn trăn trở. Nhất là giờ đây khi tuổi ông đã cao, ông chỉ có một mong mỏi là đưa em trai về với gia đình, về với quê hương.

          Trong những lần trò chuyện với các thương binh, bệnh binh, tôi không thể quên được những lời chia sẻ về cảm xúc của họ vào ngày 2/9/1969. Đối với họ, những nhân chứng của một ngày lịch sử, đó là một ngày đất nước ngập trong nước mắt, trong những tiếng khóc nấc. Cả đất nước cùng đau một nỗi đau lớn, không gì có thể sánh bằng. Và ngày hôm nay, khi họ được về bên Bác, được nhìn thấy Bác đang yên giấc ngủ, một lần nữa những giọt nước mắt lại rơi xuống.

          Động lực, quyết tâm cho ngày hôm nay

          Ngày hôm nay, khi những tiếng bom đạn đã lùi xa, những thương binh, bệnh binh đã trở về với cuộc sống đời thường yên bình. Những câu chuyện của họ kể lại cho con cháu là những hồi ức chiến tranh oai hùng, đáng tự hào. Những đồng đội của họ đã mãi mãi nằm xuống trong lòng đất mẹ. Những người may mắn trở về, họ đã sống và tiếp tục cống hiến cho xã hội theo đúng như lời Bác Hồ đã nói: Thương binh tàn nhưng không phế.

nho-bac-khon-nguoi-4
Giây phút dạt dào xúc cảm nhớ về hình ảnh Bác Hồ kính yêu khi xem phim tư liệu
“Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”

            Có thể nói, những hồi ức năm xưa đã trở thành động lực to lớn cho họ. Bởi hơn ai hết, có trải qua chiến tranh khốc liệt họ mới hiểu, mới cảm nhận được giá trị của hòa bình, của tự do. Hai tiếng dân tộc với họ thiêng liêng vô cùng, từng tấc đất, từng ngọn cây, ngọn cỏ đều là chủ quyền của cả dân tộc. Trong những năm tháng xưa, họ đã sống, đã chiến đấu để giành giữ từng thứ nhỏ nhoi như vậy. Hai tiếng dân tộc - họ đã quyết tâm gìn giữ bằng mọi giá.

          Chia sẻ với chúng tôi, ông Lục Văn Liêm (61 tuổi) cho biết: Trở về từ cuộc chiến tranh, tôi bị mất đi một chân. Sức khỏe cũng suy yếu nhiều nhưng tôi vẫn luôn cố gắng sống có ích, xứng đáng với những đồng đội đã nằm xuống. Giờ đây, cuộc sống của ông Liêm cũng đã ổn định hơn xưa, các con cháu đều ngoan ngoãn, có công việc và học tập chăm chỉ.

          Riêng đối với những người bị nhiễm chất độc màu da cam như ông Nông Ngọc Thăng, nỗi đau chiến tranh vẫn còn mãi. Một người con gái của ông đã mất nhưng ông vẫn đang sống, đang hy vọng những điều may mắn sẽ đến và những người con, người cháu của mình sẽ khỏe mạnh để chúng có thể sống và cống hiến cho xã hội.

          Không chỉ ông Liêm, bà Tuyết, ông Thăng… mà còn rất nhiều, rất nhiều nữa những chiến sỹ bộ đội năm xưa của dân tộc ta vẫn đang sống và cống hiến thầm lặng theo đúng như lời Bác Hồ đã dạy. Bước ra từ cuộc chiến, họ đã trở thành một thế hệ anh hùng. Những câu chuyện họ đã và đang kể lại chính là cách giáo dục cho thế hệ sau hiểu về cuộc chiến, hiểu về giá trị của độc lập, của tự do. Đó là những bài học vô cùng sâu sắc, giàu giá trị nhân văn mà không có bất kỳ cuốn sách nào có thể mang lại.

Quyết tâm, ý chí mạnh mẽ của họ năm xưa nay đang được truyền lại cho con cháu. Quyết tâm ấy đã giúp dân tộc ta chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch khác. Trở lại giai đoạn hiện nay, khi mà tình hình chính trị trong nước và thế giới đang có những biến động khó lường, những điều quý báu mà họ để lại sẽ là tiền đề quan trọng giúp thế hệ trẻ hiểu và xác định được vai trò, nghĩa vụ đối với Tổ quốc thân yêu./.

Thanh Huyền

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: