121. T.L. 1950

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh T.L trong một thời gian dài, từ năm 1950 đến năm 1969.

Với bút danh T.L là bài “Quỹ công lương” đăng trên báo Sự thật, Nhân Dân. Bài đầu tiên Người ký bút danh T.L là bài “Quỹ công lương” đăng trên báo Sự thật, số 130, ngày 1-4-1950.

Bài cuối cùng Người ký bút danh T.L là bài: Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng, đăng trên báo nhân dân, ngày 1-6-1969.

Báo Nhân Dân số 5409, ngày 3-2-1969 đăng bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, dưới bút danh T.L. Bài báo biểu dương tinh thần hy sinh, gương mẫu, đạo đức trong sáng của cán bộ, đảng viên, đồng thời kịch liệt lên án những hành vi, tư tưởng cá nhân hẹp hòi. Người khẳng định chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân, là bạn đồng hành của những căn bệnh tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục lợi..làm hại đến quyền lợi của cách mạng.

Bút danh T.L dùng nhiều nhất trong những năm 1960, 1961 và 1962 trên báo Nhân dân.

122. Chí Minh. 1950

Ngày 9-11-1950, khi nghe tin người anh Nguyễn Sinh Khiêm mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức điện chia buồn gởi dòng họ Nguyễn Sinh. Cuối bức điện, Người ký tên: Chí Minh.

123. C.B. 1951

Bút danh Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng từ năm 1951 đến năm 1957.

Với bút danh C.B Người viết hơn 700 bài đăng trên báo Nhân Dân.

Bài báo đầu tiên Người ký bút danh C.B là bài “Phong trào mua công trái”, đăng trên báo Nhân Dân, số 1, ngày 11-3-1951.

Bút danh C.B dùng nhiều nhất là năm 1955, 1956, đăng trên báo Nhân Dân trong chuyên mục “Nói mà nghe”.

Có những số báo Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài cùng ký bút danh C.B. Báo Nhân Dân số 2, ngày 25-3-1951 đăng 2 bài “Phòng gian trừ gian” và bài “Người đảng viên Đảng lao động Việt Nam phải như thế nào?”

Báo Nhân Dân số 12, ngày 21-6-1951 đăng 2 bài “Em bé Triều Tiên” và bài “Liên Xô vĩ đại”.

124. H. 1951

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho ông Xuphanuvông (Lào)1. Thư đánh máy, tiếng Pháp, đề ngày 10-5-1951. Cuối thư có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh: H.

125. Đ.X. 1951

Bút danh Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng từ năm 1951 đến năm 1955.

Với bút danh Đ.X Người viết trên 250 bài đăng trên báo Cứu quốc.

Bài báo đầu tiên Người ký bút danh Đ.X là bài “Tổng tuyển cử ở Pháp”, đăng báo Cứu quốc, số 1841, ngày 16-6-1951.

Với bút danh Đ.X Người viết 50 bài giới thiệu những khái niệm về Giai cấp, Nhà nước, Đảng, Mặt trận, Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản v.v..về cuộc đấu tranh để thực hiện Chủ nghĩa cộng sản, đăng trên nhiều số báo Cứu quốc trong năm 1953. Năm 1954, các bài viết này được Nhà xuất bản Sự thật tập hợp lại và in thành sách với tiêu đề Thường thức chính trị để cung cấp tài liệu học tập và tuyên truyền trong cán bộ và nhân dân.

126. V.K. 1951

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh V.K trong các năm 1951, 1960 và 1961.

Với bút danh V.K Người viết 4 bài đăng trên báo Nhân Dân. Bài đầu tiên Người ký bút danh V.K là bài: Bệnh cá nhân địa vị”, đăng trên báo Nhân Dân, ngày 9-8-1951.

Bài cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết dưới bút danh V.K “Về sự lục đục của Mỹ và Diệm” đăng trên báo Nhân Dân, số 2818, ngày 9-12-1961.

127. Nhân dân1. 1951

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề: “Chúc mừng Ngày kỷ niệm lần thứ 34 Cách mạng Tháng Mười”, đăng báo Nhân Dân, ngày 5-11-1951 và bài: “Nhân dân Việt Nam chúc mừng ngày kỷ niệm Đảng Cộng sản Trung Quốc”, đăng báo Nhân dân, ngày 1-3-1954. Các bài ghi hai chữ : NHÂN DÂN.

 

128. N.T. 1951

Với bút danh N.T, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Phát ngôn của Chính phủ nhân tiếp các nhà báo”, ngày 22-12-1951.

Bài viết về một số vấn đề sau: Trả lời các báo về vấn đề thuế nông nghiệp; về Nghị quyết của Hội nghị hòa bình thế giới nói về Việt Nam; về vấn đề chiến sự hiện nay. Cuối cùng bài viết là bốn câu thơ chữ Hán của Người kèm theo lời dịch:

“Xuân vào cửa sổ đòi thơ,

Việc quân đang bận xin chờ hôm sau.

Chuông thu zéo zắt trước lầu

Là tin thắng trận Biên khu mới về”.

129. Nguyễn Du Kích. 1951

Với bút danh Nguyễn Du Kích, Chủ tịch Hồ Chí Minh dịch cuốn sách “Tỉnh ủy bí mật”1của nhà văn Liên Xô A.Phêđôrốp.

“Tỉnh ủy bí mật” gồm 3 tập. Nguyễn Du Kích mới dịch tập I. Với lời dịch dung dị, gọn mà sắc sảo, bằng cái tài của người dịch, Nguyễn Du Kích đã Việt Nam hóa “Tỉnh ủy bí mật” của Phêđôrốp mà vẫn giữ được nội dung. Người đọc như nghe một người Việt Nam kể về một tỉnh của Việt Nam kháng chiến.

Lời tựa cho cuốn sách là những lời trích dẫn quý báu cho cán bộ và nhân dân ta khi đọc “Tỉnh ủy bí mật”, đồng thời nhắc nhở chúng ta phải học tập kinh nghiệm phong phú của du kích Liên Xô để đẩy mạnh chiến tranh du kích ở Việt Nam: “Ta sẵn có nền tảng nhân dân, chỉ cần củng cố thêm. Ta sẵn có cán bộ chỉ cần đào tạo thêm. Ta sẵn có phong trào du kích chỉ cần ra sức phát triển thêm. Kinh nghiệm du kích ở Liên Xô sẽ giúp chúng ta và chúng ta nhất định thành công trong công việc đẩy mạnh phong trào du kích”1.

130. Hồng Liên. 1953

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Hồng Liên dưới bài báo: Nhân dịp Đại hội Phụ nữ quốc tế, đăng trên báo Cứu quốc, số 2362, ngày 19-6-1953.

131. Nguyễn Thao Lược. 1954

Với bút danh Nguyễn Thao Lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: “Đẩy mạnh phong trào du kích”, đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 16-20-1-1954. Tác giả khẳng định: “Biết địch biết ta, trăm trận, trăm thắng”.

 

132. Lê. 1954

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Lê trong bài báo: “Bức thư ngỏ gửi Thủ tướng Pháp Măn-đét Phơ-răng-xơ”, đăng báo Nhân Dân, số 284, ngày 9-12-1954.

133. Tân Trào. 1954

Bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký dưới bài báo: Giải phóng Đài Loan, đăng trên báo Nhân Dân, số 218, ngày 25 đến 27-8-1954.

134. H.B. 1955

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh H.B năm 1955. Hiện mới sưu tầm được một bài viết ký bút danh H.B, bài: “Có phê bình phải có tự phê bình”, đăng trên báo Nhân dân, số 488, ngày 4-7-1955. Trong bài báo, Người biểu dương những đơn vị khi được phê bình trên báo, đã có bài tiếp thu phê bình và đề ra biện pháp sửa chữa khuyết điểm, đồng thời Người cũng phê phán những đơn vị không biết tự phê bình, không lên tiếng tiếp thu phê bình.

135. Nguyễn Tâm. 1957

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh Nguyễn Tâm cho bài viết “Quyền nhật ký trong ngục của Bác”1.

Bài được viết nhân dịp Ngày sinh của Người, đăng báo Nhân Dân, ngày 19-5-1957.

136. K.C. 1957

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh K.C trong năm 1957, 1958. Người viết bốn bài báo xung quanh việc Mỹ phóng vệ tinh nhân tạo.

137. Chiến Sĩ. 1958

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh Chiến Sĩ từ năm 1958 đến năm 1968.

Với bút danh này Người viết hơn 80 bài báo đăng trên báo Nhân Dân và Quân đội nhân dân. Bài đầu tiên Người ký bút danh Chiến Sĩ là bài: “Vũ khí hóa học: Hơi ngạt”, đăng trên báo Quân đội nhân dân, số 473, ngày 15-8-1958.

Các bài ký bút danh Chiến Sĩ chủ yếu viết về đế quốc Mỹ và tố cáo tội ác của Mỹ. Một số bài viết về việc xây dựng nếp sống mới, tiết kiệm trong việc cưới, hội họp v.v…

Trong số các bài ký bút danh Chiến Sĩ có bài: Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng, đăng báo Nhân Dân, ngày 26-3-1964. Bài viết về tấm gương anh hùng Lý Tự Trọng, một trong số những thiếu niên được Hội Việt Nam cách mạng thanh niên chọn gửi đi học ở Trung Quốc, sau được đưa về hoạt động ở Việt Nam. Đầu năm 1931, em bị bắt ở Sài Gòn trong khi bảo vệ cho một cán bộ cách mạng đang diễn thuyết. Bị bắt lúc tuổi đời còn rất trẻ, 17 tuổi nhưng Lý Tự Trọng rất hiên ngang, anh dũng. Nhân Ngày kỷ niệm thành lập Đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết này để động viên thế hệ trẻ Việt Nam noi gương anh hùng Lý Tự Trọng.

138. T. 1958

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh T. trong bài báo: “Phong trào vệ sinh yêu nước đang sôi nổi tại Trung Quốc”, đăng báo Nhân Dân, ngày 29-1-1958.

139. Thu Giang. 1959

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Thu Giang trong bài: “Bác đến thăm Côn Minh”, đăng trên báo Nhân Dân, ngày 12-4-1959.

Bài viết về chuyến đi thăm Côn Minh ngày 9-3-1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai lần trước, lần thứ nhất (năm 1940), lần thứ 2 (năm 1945), Người đến Côn Minh trong điều kiện hoạt động bí mật. Làn này Người đến Côn Minh, khi Trung Quốc đã được giải phóng. Côn Minh đã thay đổi rất nhiều, nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao.

140. Nguyên Hảo Studiant (Nguyên Hảo, sinh viên)1. 1959

Bí danh Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng năm 1959. Với bút danh Nguyên Hảo studiant, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi giáo sư Ivan Duycel (Bungari), ngày 10-4-1959.

141. Ph.K.A. 1959

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Ph. K.A trong bài: “Cuộc nghỉ hè 2 vạn 3 nghìn cây số”, viết về chuyến đi thăm và nghỉ hè ở Trung Quốc và Liên Xô của Người, giới thiệu những thành quả trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của hai nước.

Trong chuyến đi thăm và nghỉ gần 2 tháng, Người đã đến 10 nước Cộng hòa Xôviết và 19 thành phố ở Liên Xô; 5 tỉnh và 7 thành phố của Trung Quốc, đi bằng đủ các phương tiện: Máy bay, tàu thủy, xe lửa, ô tô, đã gặp nhiều bạn cũ và thêm nhiều bạn mới, đã tiếp xúc với mấy chục dân tộc khác nhau, đã thăm nhiều nông trường, nhà máy, trường học, trại nhi đồng, nhà gửi trẻ v.v..Bài đăng trên báo Nhân Dân, trong nhiều số, từ số 2011, ngày 18-9-1959 đến 2038, ngày 15-10-1959.

                                                                                                                (Còn nữa)

Theo "Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh,"

Bảo tàng Hồ chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2001

 

Theo http://bachovoihue.com

Huyền Trang (st)

 

 

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: