Trở về từ mặt trận Xiêm Rệp (1983), anh thương binh Trần Anh Kiệt (Sáu Kiệt) ngụ tại phường 5, quận 8 (TP Hồ Chí Minh) luôn cố gắng vượt lên hoàn cảnh để ổn định kinh tế gia đình. Khi đã có thu nhập ổn định, anh còn giúp đỡ hàng chục lao động nghèo có công ăn việc làm ổn định và nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội.

Vượt lên hoàn cảnh

Năm 1982, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, không thể ngồi yên nhìn kẻ thù tàn sát đồng bào ta ở vùng biên giới, Trần Văn Kiệt cùng nhiều thanh niên thành phố tình nguyện lên đường nhập ngũ. Chiến đấu tại chiến trường Campuchia được hơn một năm, tháng 6/1983, ở mặt trận Xiêm Riệp, đơn vị anh nhận được mật báo: Ở chốt của đơn vị sắp tới sẽ bị đánh bom. Đơn vị anh thu dọn đồ đạc lên đường đi tránh nạn. Không may, anh đã vướng phải mìn và bị thương ở chân.

nguoi thuong binh lam theo li bac a1
Anh Sáu Kiệt rất vui khi giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn

Sau 10 ngày điều trị trên đất bạn Camphuchia, Sáu Kiệt được chuyển về địa phương chữa trị. Từ đó, anh cũng bắt đầu làm quen với cuộc sống có một chiếc chân giả với muôn vàn khó khăn. Nhưng nhớ lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ngay sau khi trở về địa phương, anh Sáu Kiệt lại tiếp tục tham gia phát triển kinh tế bằng nhiều việc làm khác nhau.

“Trở về địa phương không có nghề nghiệp trong tay, lại bị mất một chân, dù buồn nhưng nhìn thấy gia đình còn khó khăn, lại được phường, người thân động viên, tôi đã gác nỗi buồn và tiếp tục ra chợ Bình Tây phụ mẹ và bà ngoại bán trái cây, rau củ quả. Cũng từ đây, tôi làm quen được các đầu mối nhà hàng và tôi bắt đầu học “lỏm” cách nấu các món ăn. Tuy nhiên, do không có vốn nên không thực hiện được. Lúc này, gia đình tôi vẫn còn rất khó khăn, vì vậy bất kể ai kêu gì tôi cũng làm, miễn là kiếm được tiền để trang trải cuộc sống”, anh Sáu Kiệt kể lại.

Đến năm 1998, anh vay được 15 triệu đồng từ nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo của phường, cộng với kinh nghiệm nấu nướng khi đi học “lỏm” ở các nhà hàng, Sáu Kiệt quyết định mở dịch vụ nấu tiệc tại nhà. Cũng do nấu nướng ngon, nhiệt tình cho nên địa bàn nấu ăn của Sáu Kiệt mở rộng từ quận 8 sang nhiều quận, huyện khác. Thậm chí, tài nấu ăn của anh còn “nức tiếng” sang các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Bến Tre... Giờ đây, Sáu Kiệt trở thành “giám đốc” điều hành nhóm nấu ăn với hàng chục người, lo chu đáo mọi việc từ đi chợ, nấu ăn, phục vụ bàn tiệc... Nhờ làm ăn có uy tín, có ngày nhóm nấu ăn của Sáu Kiệt đảm nhận đến 10 đám tiệc, từ đám ăn hỏi, giỗ chạp đến cưới hỏi, sinh nhật...

Tích cực làm từ thiện

Sáu Kiệt tâm sự: “Khi mình làm ăn được mình cũng nên giúp đỡ những người hàng xóm, các con em của những người thương binh như mình. Vì vậy, cơ sở nấu ăn của tôi hàng ngày cũng giúp đỡ khoảng 25 - 30 lao động nhàn rỗi khác trong xóm với mức thu nhập 100.000 - 300.000 đồng/ngày/người. Do đặc thù của nghề không cần tay nghề cao nên bất kể con em trong xóm muốn làm là tôi thu nhận, miễn sao giúp được các em có việc làm, ổn định cuộc sống”.

Cũng nhờ sự giúp đỡ của Sáu Kiệt mà nhiều người dân không có việc làm trong xóm lao động nghèo thuộc phường 5, quận 8 dần dần thoát khỏi cảnh “nhàn cư vi bất thiện”. Trước kia, cái xóm nhỏ của Sáu Kiệt có nghề làm lò đất truyền thống nhưng hiện đầu ra không có vì nhà nào cũng sử dụng bếp gas, bếp điện... nên số lao động dôi dư thất nghiệp khá nhiều.

Sau khi làm ăn khá giả, Sáu Kiệt liền đề cập với phường nhường xuất trợ cấp thương binh của mình cho người thương binh khác khó khăn hơn. Không chỉ dừng ở đó, hiện anh còn rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện như: “Bếp ăn yêu thương”, đóng góp các suất học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học của quận, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho các cựu chiến binh nghèo, nhận chăm lo, phụng dưỡng cho 2 cụ già neo đơn... Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia các chương trình ủng hộ bà con các vùng thiên tai lũ lụt, Quỹ vì người nghèo, Quỹ vì Trường Sa thân yêu...

Ghi nhận những đóng góp xã hội của anh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thành phố, quận cũng trao tặng Bằng khen cho anh trong phong trào “Thương binh vượt khó”. Dù đã có cuộc sống khá giả nhưng hiện anh vẫn đang sống trong một căn nhà đơn sơ, giản dị. “Những gì tôi có được hôm nay, một phần cũng do xã hội đem lại. Vì vậy, tôi cũng muốn giúp đỡ chút gì đó cho người có những hoàn cảnh khó khăn hơn. Mỗi lần giúp được một người, thấy họ vui, tôi cũng rất vui. Hơn nữa, tôi luôn tâm niệm đã là một thương binh thì phải sống sao cho xứng với lời dặn của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”, anh Sáu Kiệt tâm sự./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Theo baotintuc.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: