Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT), 70 năm Ngày Quân đội nhân dân, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) trích đăng bài viết “Đường lối quân sự mác-xít của Đảng là ngọn cờ chiến thắng của Quân đội ta” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm TCCT. Bài viết đăng trong cuốn sách “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổng tập” (Nxb QĐND, Hà Nội - 2009), thể hiện tinh hoa trí tuệ, bản lĩnh chính trị, tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; là tư tưởng chỉ đạo về tiến hành hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội trước đây cũng như hiện nay.
Các đại biểu dự Hội nghị Cán bộ chính trị viên toàn quân lần thứ 2 (tháng 3-1948). Ảnh tư liệu
Quân đội nhân dân là công cụ của Nhà nước cách mạng, của Đảng, để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng bằng hình thức vũ trang. Để bảo đảm cho quân đội làm tròn nhiệm vụ cách mạng của mình, nguyên tắc cơ bản nhất trong việc xây dựng quân đội là xác định và luôn luôn tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội phải là một sự lãnh đạo tuyệt đối. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng mà quân đội ta được giáo dục về nhiệm vụ và đường lối cách mạng, về các chính sách của Đảng và Chính phủ, bao gồm cả đường lối và các chính sách quân sự. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng mà mọi chủ trương của Đảng và Chính phủ, mọi mệnh lệnh và chỉ thị nhằm thực hiện các chủ trương đó đều được toàn thể cán bộ và chiến sĩ triệt để chấp hành. Nhờ sự lãnh đạo của Đảng mà tinh thần triệt để cách mạng của giai cấp công nhân đã thấm nhuần đến mỗi một đảng viên, mỗi một cán bộ và chiến sĩ, làm cho Quân đội ta luôn luôn trung thành với nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra, phấn đấu đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ đó, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn để chiến thắng kẻ thù. Mỗi một bước trưởng thành, mỗi một thắng lợi của Quân đội ta đều không thể tách rời sự lãnh đạo sáng suốt và anh dũng của Đảng ta, mà lại là kết quả của sự lãnh đạo đó. Tách rời sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta sẽ mất phương hướng chính trị, không giữ vững được bản chất, do đó mà mất sự bảo đảm căn bản nhất để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Vì vậy, chúng ta cần đấu tranh chống lại mọi hiện tượng lệch lạc, dù là lệch lạc nhỏ, muốn làm yếu vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Quân đội càng tiến lên chính quy và hiện đại thì sự lãnh đạo của Đảng lại càng phải được tăng cường.
Muốn thực hiện và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, chúng ta phải hết sức coi trọng công tác xây dựng tổ chức của Đảng trong quân đội. Có như vậy, Đảng mới có thể thông qua tổ chức của mình, từ các cấp ủy cho đến chi bộ, mà thực hiện mọi đường lối, chủ trương. Quân đội ta từ khi mới thành lập đã chú trọng tổ chức chi bộ Đảng làm trung tâm lãnh đạo ở đơn vị cơ sở. Quân đội càng lớn lên, tổ chức của Đảng trong quân đội càng được mở rộng, củng cố, rèn luyện. Các chi bộ, các đảng viên của Đảng đã từng có tác dụng lãnh đạo rất rõ rệt trong suốt mấy năm chiến tranh cũng như trong giai đoạn xây dựng hòa bình. Việc thực hiện nguyên tắc dân chủ nội bộ, tiến hành đại hội đại biểu các cấp, cũng như công tác kiện toàn chi bộ là một thắng lợi lớn trong việc xây dựng quân đội về chính trị. Chúng ta phải củng cố và phát triển thắng lợi đó bằng cách chú trọng hơn nữa việc giáo dục đảng viên, nâng cao chất lượng lãnh đạo của chi bộ và của các cấp ủy.
Muốn thực hiện và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, chúng ta phải không ngừng kiện toàn chế độ Đảng ủy lãnh đạo, thủ trưởng phụ trách. Thực tiễn xây dựng quân đội của chúng ta chứng tỏ rằng, chế độ đó là chế độ thích hợp nhất để quán triệt sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Đảng ủy không những thực hiện được nguyên tắc tập thể trong lãnh đạo, do đó tập trung được trí tuệ của nhiều người, mà lại bảo đảm được sự tăng cường lãnh đạo của Đảng, sự kết hợp các mặt công tác trong quân đội, làm cho thống nhất tư tưởng trở nên một cơ sở vững cho thống nhất hành động và cũng do đó mà làm cho sức chiến đấu của quân đội ta mạnh hẳn lên. Chế độ Đảng ủy lãnh đạo đi đôi với sự phân công phụ trách của các thủ trưởng. Trong Quân đội ta, người chỉ huy quân sự và người chính trị ủy viên đều là thủ trưởng của đơn vị, cùng nhau phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng ủy. Công tác quân sự do thủ trưởng quân sự chấp hành; công tác chính trị do thủ trưởng chính trị chấp hành. Sự lãnh đạo tập thể của Đảng ủy không những không làm yếu hiệu lực của mệnh lệnh, chỉ thị của thủ trưởng, mà làm cho các mệnh lệnh, chỉ thị có một hiệu lực lớn hơn; quan trọng nhất là chế độ đó bảo đảm cho các chỉ thị, mệnh lệnh được chính xác, bớt phạm sai lầm.
Trong khi Quân đội ta tiến lên chính quy và hiện đại, chúng ta cần đấu tranh chống lại mọi sai lệch muốn làm yếu chế độ Đảng ủy; chúng ta phải ra sức kiện toàn chế độ đó, khắc phục những nhược điểm hay thiếu sót, làm cho nội dung lãnh đạo của Đảng ủy nắm được những vấn đề lớn trong việc xây dựng quân đội...
Chúng ta phải không ngừng tăng cường công tác chính trị trong quân đội. Công tác chính trị thực chất là công tác của Đảng trong quân đội. Đảng ta lãnh đạo quân đội trước hết là lãnh đạo về mặt chính trị và tư tưởng, nên mọi khuynh hướng coi nhẹ và làm yếu CTCT, thực tế là coi nhẹ và làm yếu sự lãnh đạo của Đảng. Quân đội ta là một quân đội cách mạng, chấp hành đường lối và nhiệm vụ chính trị của Đảng. Đấu tranh vũ trang là kế tục đấu tranh chính trị, là một hình thức để thực hiện mục đích của cuộc đấu tranh đó. Cho nên, quân sự không thể tách rời chính trị, đấu tranh quân sự phải phục tùng đường lối chính trị của Đảng. Chính trị lãnh đạo, tư tưởng đi trước. Mọi công tác đều phải xuất phát từ đường lối chính trị, từ nhiệm vụ chính trị, từ chính sách của Đảng.
Cho nên, chúng ta cần phải tăng cường CTCT trong quân đội. CTCT có sức mạnh vốn là truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta; càng tiến lên chính quy và hiện đại, càng phải tăng cường và phát huy nó. Nhiệm vụ cơ bản của CTCT trong quân đội là: Về tư tưởng, giáo dục tư tưởng Chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ cộng sản chủ nghĩa cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ. CTCT là linh hồn của Quân đội ta, ý nghĩa là ở chỗ đó. Nó còn có nhiệm vụ bảo đảm cho Quân đội ta tăng cường đoàn kết cán bộ và chiến sĩ, đoàn kết quân đội và nhân dân, vận động và làm tan rã hàng ngũ quân địch.
... Làm cho nội dung CTCT trở nên phong phú và sinh động, kết hợp được tư tưởng với tổ chức, kết hợp được chính trị với quân sự, chính trị với kỹ thuật, sẽ phát huy được tác dụng lãnh đạo của đường lối chính trị và sức mạnh của CTCT. Muốn phát huy sức mạnh lớn lao của nó, CTCT cần đi sát quần chúng, đi sát thực tế, đồng thời CTCT phải trở nên một công tác của đông đảo quần chúng, cán bộ và chiến sĩ; mỗi một cán bộ, mỗi một chiến sĩ đều có ý thức làm CTCT, đều tiến hành CTCT một cách tự giác và tích cực…
Quân đội nhân dân
(*) Đầu đề của Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)