1. Khu đón tiếp khách đến tham quan

Khu don tiep

Bao gồm các công trình: Bãi đỗ xe; nơi đón tiếp khách đến tham quan, nơi xem phim tư liệu, nơi trưng bày hiện vật và hình ảnh về Khu Di tích, nhà ăn.

Khu vực này trước đây là khu tăng gia cấy lúa, trồng rau của đơn vị. Tại vị trí này, trong lần di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84, ngày 19/8/1971, nước sông Đà dâng cao làm ngập toàn bộ đường mòn dẫn vào Khu A, xe Zin 157 không đi được, Ban Chỉ đạo giữ gìn thi hài Bác đã quyết định đưa thi hài Bác sang xe Hồng thập tự, rồi di chuyển xe Hồng thập tự lên xe Pap để vượt những đoạn đường ngập nước vào khu A an toàn.

Nơi đây đã trải qua 2 lần xây dựng và cải tạo:

Lần thứ nhất vào sau năm 1995, đơn vị đã xây dựng một số công trình: Bãi đỗ xe, nơi đón tiếp quy mô nhỏ, để phục vụ đón khách đến tham quan.

Lần thứ hai, từ năm 2012, đơn vị tiếp tục xây dựng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp thành khu hoàn chỉnh để phục vụ đón khách tham quan như hiện nay.

Các đoàn khách, hoặc cá nhân đến tham quan, hoặc tổ chức các hoạt động tại Khu Di tích K9 đều phải tập kết tại nơi đây và đăng ký nội dung hoạt động cụ thể. Tất cả các phương tiện sử dụng và hành lý cồng kềnh đều phải gửi tại khu tập kết. Lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh sẽ kiểm tra, ngăn ngừa khách mang vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ... vào Khu Di tích.

2. Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

nha tuong niem k9

Trong các công trình thuộc Khu Di tích K9, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là nơi dâng hương tưởng niệm Bác và tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hóa: Lễ báo công, Lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, kết nạp Đội thiếu niên tiền phong; Lễ trao huy hiệu, trao phần thưởng; Lễ khai giảng, bế giảng, tổng kết..., góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng ngày 17/3/2014. Khánh thành ngày 02/9/2015. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo trong lễ khởi công và lễ khánh thành.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do Công ty TNHH Kiến trúc Hoàng Đạo thiết kế; Công ty Cổ phần và Xây dựng Nam Dương thi công và Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng là đơn vị tư vấn giám sát. Đây là công trình mang hình thức kiến trúc truyền thống, một tầng, hai mái thượng và hạ; mặt bằng nhà hình vuông diện tích 441 m2, chiều cao từ nền đến đỉnh mái là 11,87m, không gian nhà được bố trí cân đối. Nền lát đá hoa cương, cửa bức bàn, lan can gỗ, mái lợp ngói mũi Giếng Đáy, Quảng Ninh. Móng, sàn nhà được đổ bê tông cốt thép; phần thân nhà (cột, kèo, xà, hoành, rui) sử dụng kết cấu gỗ lim theo kết cấu kiến trúc cổ; bao che xung quanh nhà là hệ thống vách gỗ; đá ốp mảng cờ Đảng, cờ Tổ quốc và bệ Tượng thờ bằng đá đỏ Bá Thước, Thanh Hóa (loại đá đỏ đã được dùng để ốp lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh), ngôi sao vàng và búa liềm được sử dụng từ đá vàng của Nghệ An. 

Cùng với đó, trong khuôn viên Nhà tưởng niệm là 2 nhà bia kết cấu gỗ lim (20,25 m2), Lầu hóa vàng (4,84 m2); sân, thềm, đường, bậc cấp lát bằng đá granite Phú Yên; hệ lan can đá quanh sân, thềm bằng đá trắng Yên Bái; chiếu sen bằng đá sa thạch Đà Nẵng; cùng hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ với trang thiết bị đồng bộ. Và đặc biệt, 2 văn bia bằng đá quý coridon từ quê hương Bác (Quỳ Hợp, Nghệ An) do Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An cung tiến.

Phương án thiết kế Nhà tưởng niệm Bác đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng thông qua, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và sự ủng hộ, đóng góp tự nguyện của các tỉnh thành, bộ ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội bằng hiện vật và kinh phí:

- Giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu viết câu đối bên trong và văn bia trước Nhà tưởng niệm;

- Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cung tiến tượng Bác bằng đồng; mẫu tượng do nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường sáng tác, được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông qua. Ngày 30/11/2014 tổ chức đúc thành công tại Nhà máy Z117 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Đơn vị đúc: Doanh nghiệp tư nhân Bá Dũng (thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định);

- Tập đoàn Viễn thông Quân đội cung tiến toàn bộ phần gỗ lim. Phần thi công kết cấu gỗ do nhóm thợ thuộc làng nghề mộc thôn Bích Chu, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc thi công. Người phục trách: Nghệ nhân Phùng Văn Vàng;

- Tỉnh Nghệ An cung tiến đá quý làm 2 văn bia, đá vàng làm búa liềm và ngôi sao:

- Tỉnh Thanh Hóa cung tiến đá đỏ Bá Thước làm cờ Tổ quốc, cờ Đảng và bệ Tượng Bác. Công ty đá Ngọc Linh gia công và lắp dựng.

- Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội cung tiến đồ thờ bằng đồng. Đơn vị đúc: Doanh nghiệp tư nhân Bá Dũng (thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định);

- Tổng Công ty Đông Bắc cung tiến phần nội thất, đồ thờ bằng gỗ. Đơn vị thi công: Công ty TNHH Ngọc Linh;

- Tổng Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông cung tiến phần thiết bị chiếu sáng LED nghệ thuật trong và ngoài Nhà tưởng niệm;

- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mạ chữ vàng nội dung 2 văn bia;

- Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cung tiến phần thiết bị âm thanh phục vụ nghi lễ và sinh hoạt chính trị; trồng cây trong khuôn viên Nhà tưởng niệm và ghế đá;

- Bộ Thông tin và Truyền thông tặng hệ thống âm thanh phục vụ nghi lễ trong Nhà tưởng niệm;

- Tỉnh Cao Bằng trồng trúc sau Nhà tưởng niệm;

- Các bộ, tỉnh, thành phố và doanh nghiệp đã góp kinh phí: Bộ Quốc phòng, Thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Tổng Công ty VAXUCO (Bộ Quốc phòng), Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Quảng Ninh.

3. Ngôi nhà 2 tầng và hầm trú ẩn

ngoi nha 2 tang theo kieu nha san

Nhóm kiến trúc sư tài giỏi do đồng chí Hoàng Linh (người thiết kế ngôi Nhà sàn của Bác tại Phủ Chủ tịch), Cục trưởng Cục Doanh trại phụ trách được giao vẽ thiết kế ngôi nhà trình lên Bác duyệt. Đặc biệt, Bác đã cắm mốc, nhắm hướng cho dựng ngôi nhà chính làm nơi hội họp, tiếp khách, nghỉ ngơi của Bác và Trung ương.

Ngôi nhà được thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn - ngôi nhà quen thuộc của Bác ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Hà Nội. Vì vậy, ngôi nhà còn được gọi với cái tên thân mật là “Nhà sàn”.

Ngôi nhà có diện tích 275 m2, gồm 2 tầng. Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ: Sau khi Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần hoàn thành việc thiết kế, Bác đã tham gia ý kiến chỉnh sửa thiết kế ngôi nhà cụ thể, tỷ mỷ: Tầng 1 không làm cửa đóng, then cài mà thiết kế cánh cửa đẩy ra, vào cơ động trên ray, tạo thông thoáng, bệ cửa dùng làm ghế ngồi khi số lượng người dự họp đông, hoặc lúc nghỉ giải lao; cầu thang, hành lang phải rộng; cửa sổ không chắn song để nhìn ra bức tranh thiên nhiên xung quanh; có hầm tránh máy bay… Ngôi nhà được khởi công vào tháng 9 năm 1959 và khánh thành vào ngày 15 tháng 3 năm 1960. Ngày 5/8/2010 nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Doanh trại Quân đội; Cục Doanh trại đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức gắn tấm biển “Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1960 đến 1969”.

+ Tầng 1 có 2 phòng. Phòng lớn được bố trí làm phòng họp chính của Trung ương và phòng nghỉ của đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác. Toàn bộ trang bị ở phòng chính bao gồm: Bàn, ghế, quạt trần được Ban Tài chính Quản trị Trung ương chuyển từ Hà Nội lên. Tại căn phòng này, Bác đã cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị họp bàn, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và tiếp 2 đoàn khách quốc tế.

Năm 1998, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm Khu Di tích K9 đã bồi hồi xúc động chỉ chiếc ghế lớn kê ở đầu bàn là chiếc ghế Bác đã từng ngồi chủ trì Hội nghị. Bên trái Bác ngồi là các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng; bên phải Bác ngồi là các đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí khác. Sau đó Đại tướng đã ngồi vào chiếc ghế trước đây ông ngồi dự họp và ghi dòng chữ vào sổ lưu niệm “… ngồi nhìn ra sông Đà, nhớ Bác vô cùng”.

Ngày 17 tháng 4 năm 1995 (tức ngày 18 tháng 3 năm Ất Hợi), đơn vị đã lập bàn thờ Bác. Lúc đầu bàn thờ đặt ảnh chân dung, đến ngày 8 tháng 5 năm 1997 (tức ngày 2 tháng 4 năm Đinh Sửu) đã thay ảnh bằng pho tượng Bác ngồi trên chiếc ghế trúc (phỏng theo ghế của đồng bào Cao Bằng tặng Người). Bác vừa dừng đọc Báo Nhân dân, dường như để đón khách với ánh mắt hiền từ nhân hậu. Sau khi khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tầng 1 ngôi Nhà sàn bố trí lại như trước đây.

+ Tầng 2 của ngôi nhà có 4 phòng: Hai phòng khách, phòng họp và phòng Bác nghỉ.

Hai phòng khách được bố trí sắp đặt giống nhau. Tại đây, năm 1961 Bác đã tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu (Phu nhân cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) và năm 1962 Bác đã đón tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô G.M Ti Tốp.

Cạnh hai phòng khách là phòng họp nhỏ. Căn phòng này đã diễn ra nhiều cuộc họp với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để bàn bạc và quyết định những việc có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc sau này.

Phòng Bác nghỉ được bố trí những đồ dùng giản dị quen thuộc: Chiếc đệm cỏ của đồng bào Sơn La tặng Bác, chiếc đèn ngủ là quà tặng khi Bác sang Trung Quốc… Bác vẫn nói với anh em phục vụ: Những thứ tốt, đồ dùng khá hơn nên dành cho khách, Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu khách, tôn trọng bạn bè. Trong phòng này khi Bác lên làm việc và nghỉ, trên bàn làm việc thường có một lọ hoa huệ - thứ hoa mà Bác rất thích.

Năm 2013, đơn vị đã xây dựng cầu thang sắt ở phía sau để phục vụ khách tham quan tầng 2 và giữ gìn kiến trúc ngôi nhà.

Phía Tây ngôi nhà 2 tầng có căn hầm trú ẩn. Theo các nhân chứng, chiếc hầm này được xây dựng cùng với thời gian xây dựng ngôi nhà 2 tầng, để đối phó với âm mưu đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc và đề phòng máy bay địch ném bom xuống khu vực. Nóc hầm xây cao, phía trên có trồng cây để ngụy trang. Phía dưới đào sâu xuống lòng đất khoảng 3 mét, lối lên xuống được xây bằng đá; lòng hầm rộng cho người trú ẩn.

4. Vườn cây xung quanh ngôi nhà 2 tầng, hòn non bộ

a) Vườn cây xung quanh ngôi nhà 2 tầng

Sinh thời, Bác vốn rất yêu thiên nhiên, vì vậy khi xây dựng các công trình ở khu vực này, Bác đã trao đổi với các đồng chí trong Văn phòng Trung ương Đảng: Một mặt phải bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sinh thái, tuyệt đối không được chặt phá cây bừa bãi; mặt khác phải tạo được những mảnh vườn nhỏ để trồng cây, tăng gia, vừa lao động rèn luyện sức khoẻ, vừa có sản phẩm trực tiếp phục vụ bữa ăn hàng ngày.

Đầu hồi ngôi nhà, Bác cho cải tạo thành 2 vườn nhỏ. Một bên vườn trồng quế, một bên trồng cây ăn quả.

Phía trước ngôi nhà, Bác cho trồng một vườn gồm rất nhiều loại hoa như: Hoa ngâu, nhài, địa lan… mùa nào hương hoa mùa ấy cứ ngát thơm như khu vườn của Bác trong Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội.

Khu vườn này, những năm gần đây các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội khi lên dâng hương, tưởng niệm Bác tại Khu Di tích K9 đã trồng cây lưu niệm, cụ thể:

- Ngày 16 tháng 8 năm 1992, đồng chí Võ Văn Kiệt - nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) lên thăm và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích.

- Ngày 01 tháng 10 năm 1993, đồng chí Vũ Kỳ - nguyên Thư ký của Bác Hồ lên thăm và nói chuyện tại Khu Di tích.

- Từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 9 năm 1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích.

- Ngày 2 tháng 7 năm 1995, Tổng Bí thư Đỗ Mười lên thăm Khu Di tích và trồng cây lưu niệm.

- Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhiều lần lên thăm Khu Di tích và trồng cây lưu niệm.

- Ngày 07 tháng 01 năm 1998, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Khu Di tích, trồng cây và ghi sổ lưu niệm.

- Ngày 21 tháng 6 năm 1998, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lên thăm và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích.

- Ngày 02 tháng 9 năm 1999, Chủ tịch nước Trần Đức Lương lên thăm và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích.

- Ngày 16 tháng 5 năm 2001, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã dự lễ đặt tấm biển đồng kỷ niệm nơi giữ gìn thi hài Bác trong 6 năm chiến tranh chống Mỹ và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích.

- Ngày 05 tháng 4 năm 2010, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã lên thăm và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích.

- Ngày 25 tháng 2 năm 2015, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã lên thăm và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích.

- Ngày 15 tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã lên thăm và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích.

- Ngày 02 tháng 9 năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ Khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích.

- Ngày 11/02/2016 (Mồng 4 Tết Nguyên đán Bính Thân), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lên thăm và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích.

- Ngày 14/3/2016, Đảng bộ, nhân dân huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An và Khu Di tích Kim Liên trồng hoa Sen, cây Râm bụt.

- Ngày 10/4/2016, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã lên dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và trồng cây lưu niệm.

b) Hòn non bộ

Mỏm đá tự nhiên nằm chính giữa trước ngôi nhà 2 tầng. Khi xây dựng ngôi nhà, Bác yêu cầu xây quây lại thành hòn non bộ trang trí cho ngôi nhà, vườn cây và cả khu vực. Những người thợ xây dựng lúc bấy giờ đã kể lại: Lúc đầu chiếc bể xây bao quanh hòn non bộ không phù hợp, Bác đã nhắc khéo: Các chú mặc quần áo chật có chịu được không? Sau đó những người thợ xây dựng đã nới rộng chiếc bể to ra tương xứng với chiều cao của hòn non bộ. Khi đưa nước, thả cá, thả rùa vào, hòn non bộ trở thành một "Tiểu cảnh" rất đẹp. Những lần tiếp khách tại đây, Bác đều giới thiệu và chụp ảnh với các vị khách bên hòn non bộ.

5. Con đường rèn luyện sức khoẻ

duong ren luyen suc khoe     

        Con đường chạy từ chân đồi lên ngôi nhà 2 tầng, từng bậc và chiếu nghỉ được trải bằng sỏi cuội. Hai bên đường trồng hàng râm bụt gợi nhớ đến hàng rào quanh nhà Bác ở quê hương Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Hiện nay còn một số cây râm bụt được trồng từ năm 1960.

Con đường này được làm cùng với ngôi nhà 2 tầng, khi thi công anh em đề nghị lát gạch hoặc láng bê tông cho phẳng, cho sạch, tạo thuận lợi mỗi khi đi lên xuống. Nhưng Bác yêu cầu đổ sỏi cuội cho mát. Ngắm nhìn Bác mỗi lần leo dốc rèn luyện thân thể, anh em tự đặt tên cho con đường là: “Đường rèn luyện sức khỏe”. Theo ông Đỗ Văn Năm- nguyên chiến sĩ bảo vệ Bác từ ngày đầu năm 1960 kể lại: Vào buổi sáng Mồng Một Tết Canh Tý (1960), các chiến sỹ bảo vệ, anh em công nhân người miền Nam và Cụ Tô, Cụ Cẩm (người địa phương) nhìn thấy Bác xuống cuối dốc, phía sông Đà để chúc Tết. Gặp Bác, mọi người rất cảm động. Bác chúc Tết, chia kẹo cho mọi người rồi theo "Đường rèn luyện sức khoẻ" lên ngôi nhà 2 tầng.

6. Các mỏm Đá Chông và con đường lát đá thẻ

Theo truyền thuyết cả khu Đá Chông như một con Rồng uốn khúc. Đỉnh núi cao nhất phía Đông Bắc khu Đá Chông. Nhân dân ở đây vẫn gọi là đỉnh U Rồng. Còn vị trí này là đầu con Rồng đang trong tư thế cúi xuống dòng sông Đà. Do vậy dòng sông Đà đang thẳng dòng cuồn cuộn chảy, gặp đầu con Rồng đang uống nước phải đổi dòng chảy theo một hướng khác.

Tháng 5 năm 1957, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật "Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị", Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương.

Sáng ngày 23 tháng 2 năm 1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông và quyết định chọn nơi đây để xây dựng làm căn cứ của Trung ương. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Ủy viên Trung ương Đảng và một số đồng chí của Chủ tịch phủ và lãnh đạo tỉnh Sơn Tây. Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam được lệnh xây dựng một số ngôi nhà cấp bốn trong khu vực Đá Chông.

Cả khu vực này trước đây rậm rạp, những năm gần đây đơn vị đã tôn tạo, mở đường bao quanh để phục vụ nhân dân đến thăm nơi Bác và Trung ương làm việc, được thuận tiện. Đá thẻ lát đường được đưa từ Quảng Nam ra, rất phù hợp với màu sắc của những hòn đá chông trong khu vực, không bị rêu bám, chống trơn trượt, tạo ra con đường đưa mọi người đi tham quan cảnh quan Khu Di tích.

7. Những chiếc xe di chuyển thi hài Bác

Hiện nay, chiếc xe UAZ cứu thương biển số FH-1468, xe ZIL 157 biển số 470-189 cùng chiếc xe PAP biển số 31-162 là những hiện vật lịch sử, những phương tiện mà những năm chiến tranh đã cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 (Đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng ngày nay) di chuyển thi hài Bác 6 lần vượt qua mọi địa hình hiểm trở, mưa lũ bảo đảm an toàn tuyệt đối.

- Xe UAZ cứu thương biển số FH- 1468: Tham gia di chuyển thi hài Bác từ những buổi đầu.

Ngày 2/9/1969, chiếc xe này do đồng chí Nguyễn Văn Hợp lái đã đưa thi hài Bác từ ngôi nhà 67- cạnh Nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch về Công trình 75A trong Quân y viện 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

Đêm ngày 5/9/1969, tiếp tục đưa thi hài Bác từ Công trình 75A về Công trình 75B (Hội trường Ba Đình) để phục vụ Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối ngày 9/9/1969 tiếp tục di chuyển thi hài Bác từ Hội trường Ba Đình trở về Công trình 75A.

Trong giai đoạn 1969 - 1975, chiếc xe tiếp tục làm phương tiện dự bị mỗi khi di chuyển thi hài Bác đi xa.

Tháng 5 năm 2007, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thống nhất giao cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng phục chế làm hiện vật trưng bày phục vụ khách tham quan Khu Di tích K9.

- Xe ZIL 157 biển số 470- 189:

 Để thực hiện quyết định của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84 bằng đường bộ, Ban Chỉ đạo giữ gìn thi hài Bác đã chọn xe Zin 157 và giao nhiệm vụ cho Đội 295, Cục Quản lý xe máy, Tổng cục Hậu cần nghiên cứu, cải tạo lại các bộ phận máy, bệ, gầm, đặc biệt là bộ nhíp giảm xóc, sao cho xe vẫn có thể chạy nhanh nhưng lại giảm độ rung xóc ở mức thấp nhất.

+ Đêm 23/12/1969 chiếc xe ZIL 157 do đồng chí Nguyễn Văn Thinh, Đội trưởng Đội Xe thuộc Tổng cục Hậu cần lái đã di chuyển thi hài Bác từ Công trình 75A lên K84 an toàn.

+ Đêm ngày 3 tháng 12 năm 1970, tiếp tục di chuyển thi hài Bác từ K84 về Công trình 75A tại Hà Nội, đề phòng máy bay Mỹ ném bom xuống khu vực Sơn Tây, Đá Chông.

+ Trưa ngày 19 tháng 8 năm 1971, di chuyển thi hài Bác từ Công trình 75A lên K84, đề phòng lũ lụt ở Thủ đô Hà Nội.

- Xe PAP lội nước biển số 31-162: 

Chiếc xe này được Ban Chỉ đạo giữ gìn thi hài Bác điều về từ đầu mùa mưa năm 1971, đã được chỉnh trang, tu sửa để vừa làm xe ứng cứu dọc đường, vừa sẵn sàng làm phương tiện dự bị.

Trong đội hình các phương tiện di chuyển thi hài Bác vào ngày 19 tháng 8 năm 1971, do trời mưa to, nhiều đoạn đường bị ngập, chiếc xe PAP đã đi đầu trinh sát dẫn đường.

Đến 17 giờ chiều ngày 19 tháng 8 năm 1971, Đoàn xe chở thi hài Bác đến lối rẽ vào K84. Nhưng đoạn đường từ cổng K84 và Khu A bị ngập sâu (do đỉnh lũ ở Sơn Tây lên cao, làm cho đoạn đê sông Đà ở Khê Thượng bị vỡ), xe ZIL 157 chở thi hài Bác không thể đi được nữa. Trong tình huống hết sức khẩn trương đó, thực hiện ý kiến của Ban Chỉ đạo, Đoàn 69 đã chọn phương án: chuyển thi hài Bác lên xe hồng thập tự, rồi bắc cầu để cả xe hồng thập tự bò lên chiếc xe PAP, để chiếc xe Pap lội nước, vượt ngầm sâu đi vào khu vực nhà kính tại K84 an toàn.

Khi xe PAP dừng trước nhà kính Khu A, mọi người nín thở chăm chú dõi theo chiếc xe Hồng thập tự từ từ rời thùng xe PAP, lùi xuống đất. Khi 4 bánh xe hồng thập tự tiếp đất, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Sau chuyến di chuyển này, xe PAP tiếp tục được giao cho Cục Quản lý xe, Tổng cục Hậu cần (nay là Cục Xe-Máy, Tổng cục Kỹ thuật) cải tạo một số chi tiết để trở thành xe chính khi di chuyển thi hài Bác.

Đêm ngày 11 tháng 7 năm 1972, chiếc xe PAP đã di chuyển thi hài Bác vượt sông Đà từ K84 về H21, đề phòng đế quốc Mỹ tiếp tục tấn công mở rộng bằng không quân ra miền Bắc.

Sáng sớm ngày 9 tháng 2 năm 1973 (tức ngày mồng 5 Tết Quý Sửu), chiếc xe PAP tiếp tục di chuyển thi hài Bác vượt sông Đà từ H21 trở lại K84 an toàn.

Chiều ngày 18 tháng 7 năm 1975, chiếc xe Pap đã tiếp tục làm nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác từ K84 trở về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Hai chiếc xe TRAIKA GAT:

Xe ô tô Trai-ka là loại xe đặc biệt mà Liên Xô trước đây chuyên sử dụng phục vụ lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô-viết. Do nhà máy ô tô Gorki sản xuất.

Đầu những năm 1980, sau khi xảy ra chiến tranh Biên giới (2/1979), Chính phủ Việt Nam đề nghị Liên Xô viện trợ phương tiện và thiết bị phục vụ nhiệm vụ di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các khu căn cứ bí mật.

Để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khi di chuyển thi hài đi xa, Liên Xô đã sử dụng 02 chiếc xe nguyên gốc của hãng GAT, đặt tại nước Cộng hòa Latvia thuộc Liên Xô, sau đó cải tạo lại phần thân xe, lắp đặt thêm các thiết bị bảo đảm độ êm dịu khi vận hành, độ ẩm, nhiệt độ khoang thi hài…

Tháng 8/1983, Liên Xô chuyên chở 02 xe Traika sang Việt Nam bằng đường hàng không. Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập bộ phận tiếp nhận do đồng chí Trung tá Hoàng Ngọc An- Phó Tham mưu trưởng phụ trách.

Sau khi tiếp nhận về, xe được bảo quản tại Khu nhà xe đặc biệt tại Đội Xe, có chuyên gia của hãng GAT trực tiếp hướng dẫn việc lái xe qua các địa hình và công tác bảo quản chăm sóc xe.

Trong những năm 1983 đến 2010, những chiếc xe Trai-ka chỉ sử dụng mỗi khi luyện tập phương án di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

8. Nhà phục vụ

Ngôi nhà phục vụ nằm ở phía Bắc ngôi nhà 2 tầng. Sau khi ngôi nhà 2 tầng hoàn thành, Ban chỉ huy công trường đã đề nghị bổ sung thêm một số vật liệu để xây dựng ngôi nhà phục vụ. Ngôi nhà phục vụ gồm 4 phòng: Phòng nghỉ, kho, phòng ăn và bếp.

- Phòng nghỉ: Rộng khoảng 25 m2, là nơi nghỉ của các đồng chí bảo vệ, quản lý ngôi nhà và các đồng chí lái xe, đón tiếp khách khi Bác, các đồng chí Trung ương và các vị khách quốc tế lên làm việc, nghỉ ngơi tại đây.

Đồ dùng trong phòng nghỉ gồm 2 chiếc giường gỗ lát, 2 chiếc tủ đầu giường, một chiếc tủ đựng quần áo và một giá treo quần áo đang sử dụng của những người phục vụ.

- Kho: Rộng 17,5 m2, có một số chiếc tủ dùng để đựng các đồ dùng phục vụ sinh hoạt cho khách ở ngôi nhà 2 tầng như chăn, màn, thảm và các đồ dùng phục vụ ăn uống như : Cốc, chén, đĩa, bát và một số dụng cụ phục vụ việc chăm sóc các vườn cây.

- Phòng ăn: Rộng 17,5 m2, có bố trí một bộ bàn ăn cho 6 người và 1 chiếc giá để chậu nước, khăn lau, phục vụ khách rửa tay trước và sau khi ăn.

-Bếp:Rộng khoảng 25 m2. Gồm có bếp gang, phía dưới có thanh sắt để đun củi, phía trên bếp có ống hút khói ra ngoài. Đối diện với bếp là bàn chế biến thức ăn ốp gạch men, có vòi nước, chậu rửa. Phía ngoài có chiếc bàn hình chữ L ốp gạch men và chiếc lồng bàn to để bảo quản thức ăn chín, tránh côn trùng.

Ngày 19/5/2008, nhân kỷ niệm 118 năm Ngày sinh của Bác, đơn vị đã mở cửa ngôi nhà phục vụ để khách tham quan.

9. Nhà khách Trung ương và hầm đặt Tổng đài điện thoại

Ngôi nhà mái ngói 2 tầng là nơi dành cho các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng lên làm việc, nghỉ ngơi. Ngôi nhà được khởi công xây dựng vào tháng 9/1959 và khánh thánh ngày 15/3/1960. Năm 1971, gia đình Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và gia đình Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên nghỉ ở K84. Sau này đơn vị cải tạo thành các căn phòng khép kín phục vụ khách lên thăm và nghỉ ngơi tại Khu Di tích K9.

Phía sau ngôi nhà có căn hầm đặt Tổng đài điện thoại của Cục Bưu điện Trung ương phục vụ Bác và Trung ương làm việc. Tổng đài điện thoại đặt tại Khu vực K9 được đưa vào sử dụng từ tháng 5/1967, gồm 10 số từ thạch. Tổng đài phục vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm thông tin liên lạc cho Trung ương Đảng, Bác Hồ, các đồng chí trong Bộ Chính trị nhằm nắm bắt và chỉ đạo kịp thời với chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân cả nước trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.

Ngày 16/5/2006, nhân dịp kỷ niệm 116 năm Ngày sinh của Người, Cục Bưu điện Trung ương phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ gắn biển di tích lịch sử nơi đặt Tổng đài điện thoại phục vụ Trung ương Đảng, Bác Hồ trong những năm từ 1967-1973.

10. Công trình giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh

Gồm: Nhà kính, phía dưới là hầm ngầm để bảo vệ thi hài Bác đề phòng khi chiến tranh và phòng làm thuốc giữ gìn thi hài Bác thường xuyên

- Nhà kính: Gọi là nhà kính vì xung quanh có rất nhiều cửa đi và cửa sổ bằng kính. Ngôi nhà 2 tầng với tổng diện tích là 628 m2; tầng 1 gồm phòng họp, phòng khách và bếp; tầng 2 gồm 3 phòng: Phòng sinh hoạt chung và 2 phòng ở. 

Ngôi nhà được khởi công xây dựng đầu năm 1965, khánh thành cuối năm 1966, sau khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ném bom phá hoại miền Bắc để ngụy trang căn hầm ở phía dưới.

Trong những lần lên làm việc, Bác đã trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí Văn Tiến Dũng, Song Hào, Trần Bá Đặng… quyết định việc đào hầm trú ẩn ở K9. Sau đó, bộ đội Công binh đã đào một căn hầm rộng ngay phía sau ngôi nhà 2 tầng, khi Bác lên quan sát thấy địa thế không phù hợp (ở trên mỏm cao, không có địa hình che chắn khi địch sử dụng hỏa lực từ sông Đà), Bác đã yêu cầu chuyển xuống vị trí sườn đồi. Theo Bác, vị trí này có sự che chắn của đỉnh U Rồng, địch khó có thể đánh phá được.

Trong 6 năm chiến tranh (1969 - 1975), ngôi nhà này dùng cho các chuyên gia y tế Liên Xô ở để thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ Việt Nam giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Khi xây dựng ngôi nhà, cây thông ngoài hành lang được giữ lại vừa bảo vệ môi trường, vừa ngụy trang cho ngôi nhà. Mỗi khi cây lớn, chiếc lỗ lại được nới rộng ra cho cây phát triển.

- Hầm ngầm giữ gìn thi hài Bác đề phòng chiến tranh:

Ban đầu, Ban Chỉ đạo giữ gìn thi hài Bác có ý định chỉ sử dụng ngôi nhà đã có sẵn để lắp đặt thiết bị máy móc phục vụ nhiệm vụ gìn giữ thi hài Bác ở ngay trên mặt đất. Sau đó, Quân ủy Trung ương quyết định cải tạo cả hệ thống hầm ngầm cũ để có thể đưa thi hài Bác xuống khi chiến tranh có thể lan rộng tới khu vực này. Công trình được khởi công ngày 10/9/1969 và khánh thành ngày 15/12/1969.

Cải tạo hầm ngầm cũ là công việc nặng nhọc nhất, khó khăn nhất, để làm thêm một vách ngách hầm đặt máy điều hoà và dụng cụ y tế, đã phải đào một cái giếng rộng 5 mét, sâu 6 mét xuống nóc hầm ngầm rồi dùng khoan tay (không được dùng chất nổ) khoan 1800 mũi suốt ngày đêm mới dỡ được nóc hầm bê tông cốt thép để dùng tời đưa một cánh cửa sắt nặng 3 tấn xuống độ sâu 6 mét không có cẩu. Để đưa được thi hài Bác lên xuống hầm ngầm bảo đảm không nghiêng, không rung xóc, hai kỹ sư cơ khí Đặng Thành Trung và Vũ Quý Khôi đã nghiên cứu thiết kế đường ray thay việc khiêng linh cữu từ trên xuống hoặc từ dưới lên, Xưởng 49 quốc phòng thi công và lắp đặt. Linh cữu được đặt trên một giá đỡ, có bánh xe lăn trên hai đường ray uốn cong, nên ở độ dốc 60 độ, linh cữu vẫn luôn giữ được thế cân bằng, bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài của Bác.

- Phòng làm thuốc giữ gìn thi hài Bác thường xuyên

Công trình được khởi công ngày 10/9/1969 và khánh thành ngày 15/12/1969. Phòng đặt thi hài được ốp gạch men trắng, có hệ thống điều hòa thông gió và phòng làm thuốc đặc biệt. Trong phòng đặt quan tài kính, do Xưởng 49, Bộ Tư lệnh Công binh thi công.

Tại căn phòng này đã diễn ra một số sự kiện:

+ Ngày 23-5-1970, Hội đồng khoa học cấp Nhà nước gồm các chuyên gia của Viện thi hài Lê-Nin và Việt Nam đã kết luận: Qua tám tháng đầu bảo vệ, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một nước khí hậu nhiệt đới, phải di chuyển xa nhưng vẫn được bảo tồn đầy đủ, phù hợp với hình thể lúc Người còn sống.

+ Trong thời gian giữ gìn thi hài Bác ở đây, vào những dịp Tết Nguyên đán, ngày mất của Bác, các đồng chí trong Trung ương và Bộ Chính trị nhiều lần lên viếng Bác. Đặc biệt là sáng ngày 23-8-1970, tại Phòng thi hài đã diễn ra Lễ viếng Bác giản dị và trang nghiêm. Các đồng chí Trung ương và Quân uỷ do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu bồi hồi đứng trước linh cữu Bác, tất cả đều bàng hoàng, như không tin rằng Bác đã đi xa, đều ngỡ ngàng tưởng như Người còn đang trong giấc ngủ.

Sau khi viếng Bác, đồng chí Lê Duẩn đã nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đoàn 69, biểu dương tinh thần cố gắng của cán bộ, chiến sỹ, chuyên gia y tế Liên Xô và nhận xét: Thi hài của Bác giữ gìn rất tốt như thi hài Lê-nin ở Matxcơva.

+ Nhiều đồng chí Trung ương Cục miền Nam ra Bắc công tác như: Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… đều lên K84 thăm viếng Người, quyết tâm thực hiện mong muốn của Người "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào".

+ Ngày 16-5-2001, nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống của Bộ đội Công binh, đồng chí Nông Đức Mạnh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, đã đến thăm Khu Di tích K9, trồng cây lưu niệm và dự lễ gắn tấm biển: “Nơi đây đã giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1969 đến năm 1975”.

11. Sân bay và các công trình huấn luyện, phòng chống cháy rừng

   Sân bay trực thăng trước đây là bãi đất bằng phẳng ngay sát chân đỉnh U Rồng. Quân chủng Phòng không, Không quân đã thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn sân bay trực thăng dã chiến. Lực lượng thi công chủ yếu do tỉnh Sơn Tây huy động nhân dân ở các xã Ba Trại, Thuần Mỹ liền kề. Do hoàn thành tốt nhiệm vụ, cuối năm 1965, Bác Hồ tặng thưởng Tỉnh uỷ Sơn Tây chiếc ô tô GAT (do Liên Xô sản xuất) vì có thành tích góp phần hoàn thành xây dựng các công trình ở "Công trường 5" Khu K9- Đá Chông sớm đưa vào sử dụng. Khi Tỉnh uỷ đăng ký, chiếc ô tô mang biển số: BAA- 257.

Bác Hồ đã đi máy bay trực thăng lên Đá Chông 2 lần (một lần lên khánh thành ngôi nhà 2 tầng vào ngày 15/3/1960 và một lần đi cùng với Anh hùng vũ trụ Liên Xô G.M Ti- tốp vào ngày 24/01/1962). Những năm giữ gìn thi hài Bác tại Đá Chông, nhiều lần các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ tổng Tham mưu đã đi máy bay trực thăng lên kiểm tra tình hình khu vực.

Khu Di tích K9 có rất nhiều đồi thông, về mùa khô, việc phòng chống cháy rừng phải chủ động thường xuyên, do vậy năm 2006, đơn vị báo cáo và được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình phòng chống cháy rừng tại Khu Di tích. Công trình này gồm có bể chứa nước trung chuyển, hệ thống đường ống để bơm lên bể 200m3 cạnh đỉnh U Rồng. Từ đó có các đường ống toả xuống các khu đồi, thông qua các họng cứu hoả phun nước ở những nơi xảy ra đám cháy. Riêng chiếc bể chứa nước ở giữa khu vực Nhà khách Trung ương và sân bay, còn có tác dụng làm bể bơi phục vụ bộ đội rèn luyện sức khoẻ và khách lên tham quan Khu Di tích, đồng thời là nơi cấp nước cho hệ thống phòng chống cháy rừng.

Công trình huấn luyện mới được xây dựng, gồm có nhà ở, nhà ăn, hội trường, sân tennis và bãi vật cản phục vụ cho bộ đội khi tổ chức huấn luyện chiến sỹ mới và tập huấn cán bộ hàng năm./.

Ban Biên tập

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: