Chỉ mục bài viết

 

LỜI GIỚI THIỆU

Vào cuối thế kỷ 19, khi bọn thực dân Pháp đặt xong bộ máy cai trị ở Việt Nam, chúng bắt tay vào công cuộc khai thác nước ta với quy mô lớn. Sự bóc lột hết sức tàn ác, dã man của bọn tư bản độc quyền Pháp cộng với sự áp bức, bóc lột của bọn địa chủ phong kiến trong nước được chúng tiếp tay làm cho đời sống của nhân dân ta vô cùng điêu đứng, khổ cực.

Nước mất, nhà tan, đời sống bần cùng, không có con đường nào khác, nhân dân ta đã đứng dậy đấu tranh.

Trong mấy chục năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các phong trào yêu nước cuồn cuộn dấy lên từ Bắc chí Nam. Tầng tầng, lớp lớp thợ thuyền, dân cày, dân nghèo, thành thị, nhà buôn, trí thức, học sinh… kết thành những đợt sóng đấu tranh liên tiếp, mạnh mẽ. Dưới những hình thức khác nhau, quần chúng khởi nghĩa trên những vùng rộng lớn chống bắt lính, bắt phu, chống sưu cao, thuế nặng, chống khủng bố, cầm tù,v.v…; nói chung lại là chống áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Tất cả đều thể hiện một tinh thần chung là chống đế quốc, chống sự hà khắc, tham nhũng của bọn quan lại, chống bọn phong kiến hợp tác với giặc, phản dân hại nước; tất cả đều thể hiện một ý chí chung là giành độc lập, tự do. Dù chưa đạt tới mục tiêu, song các phong trào yêu nước lúc này, về khách quan, đã hình thành - dĩ nhiên là tự phát, những yếu tố, những đường viền của một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, bao gồm nhiều tầng lớp xã hội.

Nhưng do hạn chế của những điều kiện lịch sử, các phong trào yêu nước của tất cả các tầng lớp xã hội lúc này - kể cả các phong trào đấu tranh của công nhân đã xuất hiện ngay từ giữa những năm chín mươi của thế kỷ 19 - đều chưa có đường lối đúng đắn. Những người cầm đầu các phong trào chưa phân biệt được địch, ta, bạn, thù; chưa nhận thức được rằng đế quốc Pháp xâm lược Việt Nam không phải là hiện tượng riêng lẻ, mà là một vấn đề thời đại gắn liền với cả giai đoạn lịch sử chủ nghĩa tư bản thống trị thế giới; họ chưa nhận rõ nhiệm vụ cách mạng Việt Nam lúc này là phải đánh đuổi đế quốc Pháp giành độc lập, tự do, đánh đổ phong kiến địa chủ giành quyền dân chủ cho nhân dân; họ càng không thể thấy lực lượng cách mạng chủ yếu là công, nông trong đó giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo.

Do những hạn chế đó, lại bị những đòn tấn công rất ác liệt, man rợ của quân thù, cho nên các phong trào đều lần lượt bị thất bại. Ách áp bức của kẻ thù càng thêm nặng, nỗi thống khổ của quần chúng càng thêm chồng chất, tiền đồ của dân tộc vẫn mờ mịt.  

Nhưng tất yếu là, càng bị đàn áp, càng bị thất bại, càng thống khổ thì quần chúng càng thêm nung nấu lòng căm thù và ý chí chiến đấu, càng khát khao tìm cách thoát khỏi kiếp sống trâu ngựa.

Như vậy, một vấn đề mà lịch sử lúc này đặt ra là phải có những người ưu tú, tiên tiến nhất trong đội ngũ những người yêu nước Việt Nam có khả năng vượt lên những hạn chế kể trên, tìm ra một con đường đúng đắn nhất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người thanh niên giàu lòng yêu nước, tiên tiến nhất trong đội ngũ những người yêu nước đã nhận lấy trách nhiệm ấy trước lịch sử, xuất dương, tìm một con đường mới để cứu nước, cứu dân.

Ra đi, dĩ nhiên cũng với tư cách một người yêu nước như những người đi trước, nhưng đồng chí không đi con đường của những người đã đi - không cầu cạnh một lực lượng bên ngoài giúp dân mình (mà lực lượng bên ngoài không phải ai khác bè lũ đế quốc). Đồng chí đi về phương Tây, nơi có tư tưởng tự do, dân chủ, dân quyền, có khoa học, kỹ thuật hiện đại thu hút đồng chí. Đồng chí đi về phương Tây vì mục đích cách mạng và do một sự nhạy cảm cách mạng làm cho đồng chí nhận thấy chỉ ở đó mới phát hiện ra cái nguồn gốc của mọi thảm họa đã trút lên đầu lên cổ dân tộc mình và cái đầu mối của sự nghiệp giải phóng đồng bào mình.

Đi khắp năm châu bốn biển, lăn lộn trong cuộc sống lao động và đấu tranh của quần chúng lao khổ ở các nước tư bản và thuộc địa, đâu đâu đồng chí cũng chứng kiến cảnh sống trái ngược giữa một bên là thiên đường của những kẻ giàu sống trong cảnh đế vương, một bên là địa ngục trần gian của hàng triệu người thuộc đủ mọi màu da sống kiếp ngựa trâu, tủi nhục, lầm than, đói rách.

Hàng chục năm phấn đấu, rèn luyện gian khổ trong đấu tranh và học tập đã làm sáng tỏ dần những chân lý cách mạng mà đồng chí đang cần tìm hiểu.

Chiến tranh thế giới thứ nhất một mặt đã bộc lộ đầy đủ bản chất bóc lột, tàn ác, dã man của chủ nghĩa đế quốc và sự suy yếu của nó; mặt khác nó lại là cơ hội để chủ nghĩa đế quốc tăng cường bóc lột giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức, đẩy sâu thêm con người lao động vào cảnh bần cùng. Sự kiện này làm bừng sáng thêm trong nhận thức của đồng chí một chân lý; chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản là cội nguồn của mọi sự khổ đau của quần chúng và quần chúng lao khổ ở đâu cũng là người cùng chung số phận và do đó chung một chiến tuyến với dân tộc mình.

Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi là một sự kiện đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với đời sống tinh thần của đồng chí. Nó đưa đồng chí đến chỗ khẳng định được con đường cách mạng đúng đắn nhất: Con đường của Cách mạng Tháng Mười. Đó là một chân lí mới. Nó thỏa mãn hoài bão lớn lao mà bao lâu đồng chí từng ôm ấp.

Dưới ánh sáng soi đường của Quốc tế Cộng sản, của “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” do Lênin vạch ra và dưới ảnh hưởng trực tiếp của cuộc đấu tranh thành lập Đảng Cộng sản Pháp, mà đồng chí là một trong những đảng viên đầu tiên, một trong những người tham gia thành lập chủ nghĩa Mác - Lênin, chân lí cách mạng của thời đại đã sáng tỏ, đã được khẳng định vững chắc trong nhận thức của đồng chí. Đó là bước chuyển biến quyết định về chất trong tư tưởng và lập trường chính trị của đồng chí.

Từ đó đồng chí càng hoạt động nỗ lực và sôi nổi trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Hoạt động trong các tổ chức cách mạng và trong Hội Liên hiệp thuộc địa do đồng chí sáng lập, đồng chí đã viết nhiều sách báo tấn công vào chủ nghĩa đế quốc, kêu gọi, thức tỉnh quần chúng ở các nước thuộc địa đấu tranh.

Đây cũng là lúc mà đồng chí viết cuốn sách nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Cuốn sách này là sản phẩm tổng hòa của tất cả các tri thức, chính trị, triết học, xã hội, lịch sử, văn học và kinh nghiệm thực tiễn, được tiếp thu, bồi bổ, phát triển trong quá trình đấu tranh đầy sóng gió của Người.

“Bản án chế độ thực dân Pháp” viết bằng tiếng Pháp vào những năm 1921-1925 và được xuất bản đầu tiên vào năm 1925 ở Pa-ri, Thủ đô nước Pháp.

Ngay từ khi mới ra đời “Bản án chế độ thực dân Pháp” lan truyền đi nhanh và rộng khác thường. Rất nhiều người trong và ngoài nước biết đến nó.

Hun đúc trong đấu tranh cách mạng, “Bản án chế độ thực dân Pháp” ra đời như một luồng ánh sáng mới xé tan đám mây mù đang bao phủ trên khắp đất nước Việt Nam và nhiều nước thuộc địa. Nó thỏa mãn cả lý trí và tình cảm của hàng triệu quần chúng cách mạng đang ngưỡng vọng và khát khao một chân trời mới; nó thu hút mạnh mẽ sự chú ý của nhiều lớp người tiến bộ đang mơ hồ, băn khoăn về một con đường giải phóng sáng sủa.

“Bản án chế độ thực dân Pháp” có tác động lớn về nhiều mặt như vậy là bởi lẽ: Thứ nhất, tác phẩm này ra đời giữa lúc mâu thuân giữa chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt là mâu thuẫn giữa các dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc, giữa dân tộc ta và bọn đế quốc Pháp đã đạt tới điểm bùng nổ; tinh thần và ý chí chống đế quốc của nhân dân ta và nhân dân ở các nước bị áp bức khác lên cao, đòi hỏi một ngọn cờ hướng đạo đúng đắn để đi vào một cuộc chiến đấu quyết định vận mệnh lịch sử của dân tộc. Thứ hai, tác phẩm này đề cập đến những người thật, việc thật, những chuyện xảy ra hàng ngày “mắt thấy tai nghe” ở những hoàn cảnh cụ thể nhưng có quan hệ thân thiết đến vận mệnh của hàng chục triệu con người trong cái địa ngục trần gian gọi là “xứ thuộc địa” và lý giải nó một cách khoa học theo quan điểm Mác - Lênin, quan điểm tiên tiến nhất của thời đại.

 “Bản án chế độ thực dân Pháp” trước hết là một bản cáo trạng. Nó tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp không phải chỉ ở Đông Dương, ở Việt Nam mà ở khắp các thuộc địa: An-giê-ri, Tuy-ni-di, Tây Phi… Trên thế tấn công “Bản án chế độ thực dân Pháp” lột mặt nạ chủ nghĩa đế quốc bằng những chứng cớ, tang vật không thể chối cãi được. Và như các quan tòa thường xử những phạm nhân trọng tội, tác phẩm đã lôi bọn hung thủ - lũ kẻ cướp toàn cầu, ra trước vành móng ngựa, bắt chúng trả lời và diễn lại tại chỗ những tội ác mà chúng đã phạm với loài người hàng mấy thế kỷ. Bằng lý lẽ đanh thép, tác phẩm đã bóc trần bản chất bóc lột, tàn ác, dã man, phản động của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân:

Đó là việc vũ trang xâm lược “bình định” đất nước ta, đàn áp đẫm máu các phong trào yêu nước của ta, để đặt và củng cố ách thống trị, bóc lột của chúng đối với nhân dân ta;

Là bóc lột bằng “thuế máu” - đày đọa những con người gọi là “dân bản xứ” trên các chiến trường Châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ nhất(Chương I);

Là “việc đầu độc người bản xứ” bằng thuốc phiện và rượu cồn (Chương II);

Là việc giáng vào người bản xứ nào sưu thuế “nặng oằn lưng”, nào công trái, nào phu phen tạp dịch;

Là “chính sách ngu dân” (làm cho dân ngu để dễ trị), “một chính sách mà các nhà cầm quyền ở thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất” (Chương IX);

Là những luật lệ đặt ra vô tội vạ, hết sức khắc nghiệt, cho phép các nhà cầm quyền hễ ngứa tay thì phạt vạ, tống tù và kèm theo thảm sát đẫm máu;

Vân vân và vân vân.

“Bản án chế độ thực dân Pháp” còn chỉ mặt, gọi tên những kẻ đại diện cho “nước mẹ” cho “tự do”, “công lý”, cho “sự nghiệp khai hóa” và “truyền bá văn minh”, đang ra tay hoành hành ở khắp các thuộc địa. Tất cả bọn chúng, toàn quyền, thống đốc, khâm sứ, công sứ… cho đến bọn đội lốt tôn giáo trong các giáo hội và bọn tay sai mạt hạng của chúng, đều là lũ phản động, vô liêm sỉ, bóc lột tàn ác.

Sức tố cáo của tác phẩm càng mạnh mẽ thêm khi mô tả những nỗi khổ nhục của người dân bản xứ, nhất là “nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ”(Chương XI). Dưới nanh vuốt của bọn thực dân, mọi tầng lớp thuộc người bản xứ, vua quan, hào lý, tư sản, trí thức, viên chức hay người dân lao động, từ cụ già đến trẻ em, đều bị coi là đám nô lệ thấp hèn, đều bị đối xử như xúc vật và tính mạng đều “không đáng giá một trinh”. Bị cướp đoạt, đốt phá, giết chóc, đánh đập, hãm hiếp là chuyện thường ngày xảy ra đối với người bản xứ ở khắp các thuộc địa.

Từ việc mô tả sinh động, cụ thể những cảnh bần cùng, cơ cực của quần chúng, tác phẩm tỏa ra một mối tình đồng cam cộng khổ, thương yêu dạt dào đối với quần chúng bị áp bức, những con người cùng chung số phận với dân tộc mình.

Thông cảm sâu sắc với quần chúng, đứng trên lập trường những người vô sản tiên tiến bênh vực quần chúng lao khổ bị áp bức, đó là một nội dung của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản cao cả; đó cũng là một biểu hiện của sự kết hợp nhuần nhuyễn tinh thần yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong một con người mà cuộc đời ngay từ buổi ra đi đã gắn chặt với vận mệnh của những người vô sản và những người lao khổ ở khắp hoàn cầu.

Giữa những năm màn đêm còn bao phủ khắp các thuộc địa, bọn thực dân Pháp cùng bè lũ cơ hội - mà đại biểu của nó là Quốc tế thứ 2, đang ra sức tuyên truyền những luận điệu thực dân phản động, bênh vực chủ nghĩa đế quốc, thì “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã giáng vào đầu bọn chúng một đòn tấn công ác liệt, luận tội bọn chúng và đứng hẳn vào hàng ngũ những người vô sản tiên tiến bênh vực cho quần chúng lao khổ và các dân tộc bị áp bức. Đó là một phương thức cơ bản trong sách lược tấn công của cách mạng lúc ấy và tác phẩm trở thành tiếng nói tiêu biểu cho cái thế tấn công của thời đại.

Nhưng đi xa hơn nữa, ở tầm nhìn cao hơn nữa, “Bản án chế độ thực dân Pháp” còn vạch rõ kẻ thù của quần chúng lao động và các dân tộc bị áp bức. Đó là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc. Hình thù của nó là con đỉa hai vòi, một vòi hút máu của giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở chính quốc, một vòi hút màu của giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở các thuộc địa. Sự có mặt và sự tác oai tác quái của nó trên trái đất này là cội nguồn của mọi thảm họa, mọi nỗi đau khổ đã trút lên đầu lên cổ nhân dân các thuộc địa từ mấy thế kỷ nay. Đồng thời, tác phẩm đã vạch ra cái mâu thuẫn không thể điều hòa được giữa chúng - kẻ đã gây ra mọi thảm họa, với giai cấp vô sản và nhân dân vị áp bức - người đã từng chịu mọi thảm họa. Và với tầm nhìn xa thấy rộng ấy (nó vốn là kết quả của một tư duy  cách mạng, một thế giới quan mới, hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của các hệ tư tưởng cũ, tác phẩm đã chỉ rõ rằng, chính quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng tiêu diệt chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, và những người vô sản là lực lượng lãnh đạo cách mạng.

Từ trong đêm tối của cuộc đời lầm than đau khổ, tác phẩm đã mở ra cho quần chúng nhân dân thấy cảnh tương lai tươi sáng. Tương lai đó là hiện thực trên đất nước Nga Xôviết sau cách mạng tháng Mười. Tác giả khẳng định cho quần chúng một lòng tin sắt son vào cái tương lai ấy, và chỉ rõ ràng, tương lai ấy đang được chuẩn bị ở Trường Đại học Phương Đông, ngay trên đất nước Nga Xôviết. Trường này “đang ấp ủ dưới mái của mình tất cả tương lai của các dân tộc thuộc địa”!

Hướng tới tương lai đó, với khí thế tấn công cách mạng sôi nổi, tác phẩm đã vạch ra đường lối chiến lược và sách lược cho quần chúng nhân dân đấu tranh quật ngã kẻ thù. Tác phẩm khẳng định đã là người mất nước thì ai ai cũng bị sống kiếp nô lệ, dù là người Việt Nam, Angiêri, Đahômây, Xiri, Tây Phi… hay Xênêgan. Tất cả những người vô sản và nhân dân lao động kể cả ở nước Pháp, đều có chung một mối thù không đội trời chung với chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Vì vậy, tất cả hãy thực hiện lời hiệu triệu của Các Mác: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!”. hãy đi theo con đường Cách mạng tháng Mười, đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, cơm áo, danh dự cho con người!

Tác phẩm vạch rõ, bản chất của chủ nghĩa tư bản là con đỉa có hai vòi. Muốn diệt trừ nó, phải đồng thời chặt đứt cả hai vòi. Như vậy, nghĩa là tác phẩm đã đề ra nhiệm vụ cách mạng vô sản ở chính quốc và nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ đó cũng như mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở phương Tây và cách mạng giải phóng dân tộc ở phương Đông.

Cũng trên tinh thần ấy, tác phẩm đã khẳng định rõ nhiệm vụ của giai cấp vô sản ở chính quốc là vừa phải giác ngộ, tổ chức quần chúng ở chính quốc làm cách mạng, đồng thời “không được quên rằng bổn phận của mình” là phải đoàn kết chặt chẽ, ủng hộ giai cấp vô sản và nhân dân các thuộc địa, không phải chỉ bằng lời nói mà bằng hành động thực tiễn cách mạng, cùng nhau tiêu diệt kẻ thù chung.

Tác phẩm còn khẳng định rằng, sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam, cũng như ở mỗi nước, phải là một bộ phận gắn liền với sự nghiệp cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới. Trên tình đoàn kết quốc tế vô sản, giữa những người, những dân tộc cùng chung một chiến tuyến, tác phẩm đã biểu dương sức mạnh của những đợt sóng đấu tranh mang ý nghĩa thời đại đang dâng lên mạnh mẽ trên các thuộc địa như Đahômây, Xiri, v.v…, ca ngợi các cuộc đấu tranh của công nhân Việt Nam và coi đó là “dấu hiệu của thời đại”.

“Bản án chế độ thực dân Pháp” ra đời là một cái mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trong ý thức cách mạng của nhân dân Việt Nam. Nó đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của cách mạng Việt Nam về một đường lối sáng suốt và đúng đắn, để thoát ra khỏi tình trạng mơ hồ về phương hướng và mục tiêu cách mạng.

“Bản án chế độ thực dân Pháp” là một đóng góp sáng tạo có ý nghĩa lịch sử lớn lao vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam. Với tác phẩm này, ánh sáng của chân lý cách mạng của thời đại đã soi rọi vào tâm trí nhân dân về con đường cách mạng duy nhất đúng đắn, con đường của chủ nghĩa Mác – Lênin, làm cho mọi người thấy rằng chủ nghĩa Mác – Lênin là cái mình đang mong đợi, khát khao.

Nhằm vào việc giải quyết vấn đề cơ bản của thời đại. “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã vạch rõ bạn thù, vạch rõ mục tiêu cách mạng và bước đầu vạch ra chiến lược, sách lược của cách mạng cho nhân dân ta và các dân tộc bị áp bức. Đồng thời, tác phẩm cũng đã gợi ra phương hướng vận dụng những chân lý phổ biến vào điều kiện cụ thể của mỗi nước.

Như vậy, trên bình diện chính trị, “Bản án chế độ thực dân Pháp” là sự chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức cho các dân tộc bị áp bức đi vào cuộc đấu tranh dành độc lập, tự do, giành quyền thống trị xã hội vào tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng của cách mạng.

Ra đời trong bối cảnh lịch sử cụ thể của thế giới và của đất nước vào những năm hai mươi của thế kỷ XX, “Bản án chế độ thực dân Pháp” có một giá trị lịch sử to lớn. Nó lý giải một cách khoa học theo quan điểm Mác –Lênin những vấn đề cơ bản mà lịch sử loài người đang đặt ra và đòi hỏi phải giải quyết. Nó đề cập những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh lịch sử thế giới, đến con đường phát triển tất yếu của lịch sử loài người trong thời đại hiện nay.

Riêng ở Việt Nam, cùng với việc chuẩn bị một đội ngũ tiên phong lãnh đạo cách mạng để giải đáp những đòi hỏi của lịch sử, “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã góp phần quan trọng thúc đẩy lịch sử Việt Nam tiến tới, thức tỉnh và thôi thúc dân tộc ta cùng hòa nhịp với các dân tộc bị áp bức trên thế giới bước nhanh vào kỷ nguyên mới của loài người: Kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Qua nội dung phong phú, sâu sắc của tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, chúng ta có thể nói một cách khái quát rằng: Tác phẩm là sản phẩm của sự kết hợp biện chứng, sinh động, tài tình những nguyên lý phổ biến của học thuyết Mác –Lênin về chủ nghĩa đế quốc, về vấn đề dân tộc và thuộc địa với thực tiễn của phong trào công nhân, phong trào giải phóng dân tộc dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Về mặt lý luận, phương pháp luận, và về giá trị thực tiễn, tác phẩm đã vượt ra ngoài khuôn khổ của cái tiêu đề “Bản án chế dộ thực dân Pháp”.

Tác phẩm này viết cách đây nửa thế kỷ (Thời điểm viết Lời giới thiệu là năm 1975) nhưng khoảng thời gian đó không hề làm phai mờ những ý nghĩa, tác dụng những giá trị lớn về lý luận và thực tiễn của nó. Trái lại, nửa thế kỷ qua, cách mạng thế giới và trong nước càng phát triển , ý thức cách mạng của nhân dân ta càng trưởng thành, thì những giá trị lớn của nó càng được nhận thức đầy đủ, càng trở lên cao quý.

 “Bản án chế độ thực dân Pháp” là một tác phẩm vốn có giá trị lớn về nội dung. Nhưng giá trị ấy lại càng nổi bật lên với một nghệ thuật biểu hiện sắc sảo.

Tác phẩm đề cập đến những vấn đề lớn của thời đại, nhưng lại không phân tích dài dòng, khô khan, mà đi từ việc diễn tả những hiện tượng hàng ngày xảy ra trong những hoàn cảnh cụ thể, dẫn đến những kết luận sắc, gọn, súc tích.

Trên cơ sở diễn tả những sự việc cụ thể đó, rọi vào nó ánh sáng của tư tưởng mới tác phẩm làm cho tư duy của người đọc mở mang, dẫn đến những suy nghĩ rộng và xa hơn, rồi lại trở về vấn đề trọng tâm với một nhận thức sâu sắc, sáng rõ hơn.

Từ những việc riêng lẻ dưới những đầu đề khác nhau được đặt trong một kết cấu lô gích, tác phẩm hình thành một chỉnh thể, một bức tranh toàn diện: Về cái địa ngục trần gian của kiếp người nô lệ; về cái thiên đường của bọn giàu sang; hay về những bộ mặt tàn ác, bỉ ổi của quân thù…

Hình thức biểu hiện của tác phẩm, về mọi mặt, từ cách diễn tả, cách sử dụng ngôn ngữ, cách chọn lọc những chi tiết, những hiện tượng, những hình ảnh, cách sử dụng các yếu tố của nghệ thuật châm biếm, đến cách bố cục từng chương, mục và toàn tác phẩm, đều có những nét rất độc đáo. Trong các biện pháp nghệ thuật đó, nghệ thuật châm biếm là một biện pháp được sử dụng rất tài tình, tinh tế, sắc sảo.

            Ngoài tư cách chủ yếu là một tác phẩm chính trị, “Bản án chế độ thực dân Pháp” còn là tác phẩm có giá trị về nhiều mặt như văn học, ngôn ngữ, lịch sử, v.v… cần được nghiên cứu, khai thác và giới thiệu một cách đầy đủ và nghiêm túc.

*

*       *

            Hiện nay, xã hội Việt Nam đang ở vào một giai đoạn lịch sử căn bản khác với nửa thế kỷ trước đây. Những nhiệm vụ lịch sử đặt ra trước mắt dân tộc ta do đó cũng khác trước. Cả thế và lực, cả trong nước và trên trường quốc tế, chúng ta đang ở trên một vị trí khác trước về căn bản.

            Trong lúc này, học tập, nghiên cứu để nhận thức đầy đủ, sâu sắc những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và thực hiện những điều chỉ giáo của Nguyên Ái Quốc - tức Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta - là hết sức có ý nghĩa đối với việc thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người là “đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Hà Nội, ngày 01 tháng 5 năm 1975
NGUYỄN KHÁNH TOÀN

Bài viết khác: