ỦY BAN DỰ THẢO

SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

 


Số: 216/KH-UBDTSĐHP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 


Hà Nội, ngày 28  tháng 12  năm 2012

KẾ HOẠCH

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân

về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 

 

 

Căn cứ vào Nghị quyết số 38/2013/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sau đây gọi chung là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp), Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sau đây gọi chung là Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp) ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; cụ thể như sau:

I- VỀ VIỆC ĐÓNG GÓP Ý KIẾN CỦA CÁC TẦNG LỚP NHÂN DÂN

1. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được lấy ý kiến nhân dân là bản Dự thảo do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp chính thức công bố lấy ý kiến nhân dân được đăng tải trên Báo nhân dân, Trang thông tin điện tử htttp://duthaoonline.quochoi.vn để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức, tập thể đóng góp ý kiến về toàn bộ nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoặc về một hay một số nội dung cụ thể trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

3. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân được tiếp cận dự thảo sửa đổi Hiến pháp và tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

4. Các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm phản ánh các ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên trên báo chí.

5. Cá nhân, cơ quan, tổ chức gửi ý kiến đóng góp qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để tổng hợp báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoặc gửi ý kiến đóng góp trực tiếp bằng văn bản đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, số 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội (đồng thời, gửi ý kiến đóng góp bằng email đến hộp thư điện tử This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. hoặc qua trang thông tin điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn).

II- TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO VÀ THỰC HIỆN VIỆC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN

1. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp chủ trì phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; cụ thể như sau:

a) Công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các tài liệu kèm theo để lấy ý kiến nhân dân;

b) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

c) Tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

Tổ chức một số đoàn kiểm tra tại một số cơ quan, tổ chức ở Trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

d) Tổ chức một số hội nghị để lấy ý kiến đóng góp trực tiếp về những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung;

đ) Tập hợp ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp để xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân trình Quốc hội;

e) Nghiên cứu tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm sau đây:

a) Phối hợp với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

b) Chỉ đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến và xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của cơ quan mình gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội;

c) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

d) Tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

đ) Xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

3. Chính phủ có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lấy ý kiến và xây dựng Báo cáo kết quả tổng hợp ý kiến của cơ quan, địa phương mình gửi đến Chính phủ;

b) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Tổ chức phiên họp chuyên đề của Chính phủ để thảo luận, tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

d) Xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của Chính phủ để gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

4. Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức việc phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong toàn ngành, cơ quan mình;

b) Tổ chức Hội nghị cán bộ để lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

c) Xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của cơ quan mình để gửi đến Chính phủ.

5. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các Ban Đảng ở Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong toàn ngành, cơ quan mình;

b) Tổ chức Hội nghị của cơ quan mình để lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

c) Xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của cơ quan, tổ chức mình để gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

6. Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận thưc hiện các việc sau đây:

a) Tổ chức việc phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đến các thành viên, hội viên của tổ chức mình;

b) Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp với các thành phần là đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận; đại diện các tổ chức xã hội khác, các đại diện tiêu biểu trong giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

c) Xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức mình để gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

7. Các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm chủ động triển khai lấy ý kiến các thành viên, hội viên, xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức mình để gửi đến Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

8. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở địa phương và thực hiện các việc sau đây:

a) Tổ chức việc phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở địa phương;

b) Tổ chức họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thảo luận tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

c) Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với các thành phần là đại diện Uỷ ban nhân dân cùng cấp và các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân; các cơ quan tư pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp; đại diện một số đơn vị cấp huyện, cấp xã; một số chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn và một số cử tri;

d) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của các sở, ban, ngành và các đơn vị trực thuộc ở địa phương.

đ) Xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của địa phương mình để gửi đến Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

9. Các Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tổ chức lấy ý kiến ở địa phương; các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thu thập, nghiên cứu ý kiến đóng góp của cử tri để chuẩn bị cho việc xem xét, thảo luận, thông qua Hiến pháp tại kỳ họp Quốc hội.

10. Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức việc phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong cơ quan, tổ chức mình;

b) Tổ chức nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

c) Xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của cơ quan mình để gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

11. Báo nhân dân, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo quân đội nhân dân, Báo đại biểu nhân dân có trách nhiệm sau đây:

a) Tuyên truyền, phổ biến những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đến với các tầng lớp nhân dân;

b) Mở chuyên trang, chuyên mục để phản ánh, đưa tin, đăng tải những ý kiến thảo luận, đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

12. Các cơ quan, tổ chức khác gửi ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

III- BÁO CÁO TỔNG HỢP Ý KIẾN  VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

1. Báo cáo tổng hợp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải tập hợp và phản ánh đầy đủ các ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

2. Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức và ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần thể hiện các nội dung sau đây:

- Đánh giá chung về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

- Ý kiến về từng nội dung trong Dự thảo (theo từng chương), trong đó nêu rõ những nội dung tán thành hoặc không tán thành; lý do tán thành hoặc không tán thành; những nội dung cần sửa đổi, hướng sửa đổi và lý do của việc sửa đổi; những nội dung cần bổ sung mới hoặc đưa ra khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

- Về bố cục và kỹ thuật xây dựng Hiến pháp.

IV- TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp bắt đầu từ ngày 02/01/2013 cho đến hết ngày 31/3/2013.

2. Ngày 02/01/2013: công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lấy ý kiến nhân dân trên Báo nhân dân và trang thông tin điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn.

3. Trong thời gian từ 02/01 đến 10/01/2013: tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết của Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

4. Trong thời gian từ 02/01/2013 đến 28/02/2013: tổ chức một số Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

5. Chậm nhất đến ngày 15/3/2013: báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội; Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được gửi đến Chính phủ; Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải được gửi đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổng hợp.

6. Chậm nhất đến ngày 31/3/2013: Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận gửi Báo cáo tổng hợp ý kiến đến Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

7. Chậm nhất đến ngày 20/4/2013: Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự kiến những vấn đề cần giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân để chỉnh lý các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để trình Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp xem xét, quyết định.

V- ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM

1. Tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến bao gồm:

a) Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

b) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

c) Bản so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

d) Báo cáo thuyết minh về nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

2. Kinh phí tổ chức lấy ý kiến nhân dân do ngân sách nhà nước bảo đảm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sau khi thống nhất ý kiến với Văn phòng Quốc hội.

 

TM. ỦY BAN DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

CHỦ TỊCH

(đã ký)

Nguyễn Sinh Hùng

 

Bài viết khác: